Mục Lục

Giới thiệu
Bài pháp thoại 1: Làm thế nào để tu tập niệm hơi thở đạt đến An chỉ định
Bài pháp thoại 2: Hành giả tu tâp an chỉ định trên các đề mục Thiền khác như thế nào
Bài pháp thoại 3: Tu tập bốn Phạm Trú và bốn Thiền Bảo Hộ
Bài pháp thoại 4 – Phần I: Làm thế nào để phân biệt Sắc
                           – Phần II: Hỏi – Đáp
Bài pháp thoại 5: Phân biệt Danh
Bài pháp thoại 6: Làm thế nào để thấy những mắc xích của Duyên Khởi
Bài pháp thoại 7: Tu tập các Tuệ Minh Sát như thế nào để thấy Niết-bàn
Bài pháp thoại 8: Những ước nguyện của Đức Phật cho các hàng đệ tử và giáo pháp của Ngài
Bài pháp thoại 9: Loại cúng dường cao thượng nhất

“Bhikkhus, I say that the destruction of the taints is for one who knows and sees, not for one who does not know and see.”

(Này các Tỳ khưu, Ta nói có sự đoạn trừ các lậu hoặc cho người biết và thấy, chứ không cho người không biết, không thấy.)

-ooOoo-

Giới Thiệu

Giáo pháp của Đức Phật

Một lần nọ, đức Thế Tôn đang trú giữa những người dân xứ Vajji (Bạt-Kỳ), tại Kotigāma. Ở đó, đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ khưu như sau[1]:

Này các Tỳ khưu chính do không liễu ngộ (ananubodhā), không thể nhập (appativedhā) bốn Thánh Đế mà các người và Ta đã lang thang, lưu chuyển lâu đời trong vòng luân hồi này.

Thế nào là bốn?

1. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Khổ (Dukkhassa Ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.

2. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ (Dukkhasamudayassa ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.

3. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về sự Diệt Khổ (Dukkanirodhassa ariyasaccassa) mà các người và Ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.

4. Này các Tỳ khưu, do không liễu ngộ, không thể nhập Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt khổ mà các người và ta phải lưu chuyển lâu đời trong luân hồi.

Như vậy Bốn Thánh Đế là những nền tảng cho Lời dạy của đức Phật, cho Giáo pháp của Ngài. Rồi Ngài giải thích:

1.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Khổ đã được liễu ngộ, đã được thể nhập.
2.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Nguồn gốc của khổ đã đựơc liễu ngộ, đã được thể nhập.
3.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về sự Diệt Khổ đã được liễu ngộ, đã đựơc thể nhập.
4.- Này các Tỳ khưu, Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt Khổ đã được liễu ngộ, đã đựơc thể nhập.

Khát ái đối với hiện hữu (hữu ái) đã được cắt đứt; khuynh hướng thiên về hiện hữu (Bhava – netti) đã được đoạn tận; nay không còn tái sanh nữa.

Cái gì cần phải được chứng đắc?

Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế này cho chúng ta để đắc chứng Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba, chấm dứt hoàn toàn tái sanh và do đó cũng chấm dứt luôn Khổ. Nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu không có những điều kiện chính đáng. Trong “āgāra Sutta” (Ngôi nhà có nóc nhọn), trước tiên đức Phật giải thích những điều kiện cần thiết để làm cho việc đoạn tận khổ có thể xảy ra[2]:

Thực vậy, này các Tỳ khưu, nếu ai nói như sau: “Không xây dựng phần dưới của ngôi nhà nóc nhọn, Ta sẽ dựng lên một mái che”; sự việc này không thể xảy ra.

Cũng vậy, nếu ai nói:

1. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Khổ (dukkham” ariyasaccam” yathābhūtam” anabhisamecca);
2. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ;
3. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về sự Diệt Khổ;
4. “Không liễu ngộ như thực Thánh Đế về Con đường đưa đến sự Diệt Khổ;

Ta sẽ làm cho chấm dứt hoàn toàn Khổ, sự việc này không thể xảy ra.”

Điều này có nghĩa là chúng ta không thể nào đoạn tận khổ (tức chúng ta không thể nào đạt đến Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba) nếu trước đó chúng ta không liễu ngộ Thánh Đế Thứ Nhất (Khổ: Dukkha), và Thánh Đế Thứ Hai (Nguồn gốc của Khổ: Samudaya). Chỉ khi liễu ngộ hai Đế này rồi chúng ta mới có thể liễu ngộ Thánh Đế Thứ Tư thuộc Siêu thế, hay Bát Thánh Đạo Siêu thế.

Con đường duy nhất để đạt đến những sự liễu ngộ này trên hết vẫn phải là thực hành Thánh Đế Thứ Tư hay Đạo Đế Hiệp thế (Lokiya maggasacca), còn gọi là Bát Thánh đạo Hiệp thế hay Tam Học:

– Giới học (Sīla)
– Định học (Samādhi)
– Tuệ học (Paññā)[3].

Đối với các vị Tỳ khưu, giới là chế ngự theo giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pātimokkha), còn đối với hàng cư sĩ thì đó là bát giới hay ngũ giới. Khi chúng ta đã an trú trong giới, chúng ta có thể tu tập cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định (jhāna), từ nền tảng đó chúng ta sẽ tiến hành phát triển tuệ giác, tức là Thiền Minh Sát (Vipassanā). Thiền Minh Sát không nhằm vào một mục đích gì khác ngoài chứng ngộ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của Khổ Thánh Đế và Tập Thánh Đế. Chỉ khi chúng ta hành Vipassanā (Minh Sát) một cách triệt để và chứng ngộ được hai Thánh Đế này, chúng ta mới có thể chứng ngộ Thánh Đế Thứ Tư thuộc Siêu thế, tức Bát Thánh Đạo kết hợp với Đạo Đế Siêu thế (Lokuttara Maggasacca) gồm: Nhập lưu Thánh đạo (Sotāpatti), Nhất lai Thánh đạo (Sakadāgāmi), Bất lai Thánh đạo (Anāgāmi), và A-la-hán thánh đạo.

Tóm lại, mục đích của Thánh Đế Thứ Tư (Bát Thánh Đạo) là để chứng ngộ Niết-bàn. Thánh Đế Thứ Ba, vốn chỉ được thành tựu bằng việc liễu ngộ Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai (Khổ Đế và Tập Đế).

Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai

Nhưng, thế nào là Thánh Đế Thứ Nhất, hay thế nào là Khổ Thánh Đế? Trong “Kinh Chuyển Pháp Luân” (Dhammacakkappavattana Suttam), đức Phật giải thích[4]:

Này các Tỳ khưu, đây là Thánh Đế về Khổ: Sanh là khổ; Già là khổ; Bệnh là khổ; Chết là khổ; gần vật không ưa là khổ; xa vật đáng mến là khổ; không được điều mình muốn là khổ; tóm lại năm thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā) là khổ.

Khi đức Phật dạy về Khổ thánh Đế; Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự hiện hữu của năm uẩn[5] (pañca vokāra bhava) và trừ phi chúng ta biết và thấy được năm uẩn này, bằng không chúng ta không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật. Điều này đựơc đức Phật giải thích trong “Puppha Sutta” (Kinh Hoa: Flower Sutta)[6] như sau:

“Và, thế nào là thực tại tối hậu của thế gian (Loke lokadhammo: thế gian của các hành)[7] mà Như Lai đã chứng ngộ với toàn diện trí?

1. Sắc (rūpa)
2. Thọ (vedanā)
3. Tưởng (saññā)
4. Hành (sakhārā)
5. Thức (viññāa)

Đây thực tại tối hậu của thế gian (the ultimate reality of the world) mà Như Lai đã chứng ngộ với toàn diện trí.

Sau khi chứng ngộ, Như Lai giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, chứng minh, khai mở, làm sáng tỏ thực tại tối hậu ấy.

Khi những thực tại ấy đã được Như Lai giải thích, giảng dạy, tuyên thuyết, chứng minh, khai mở, làm cho sáng tỏ như vậy, nếu có ai vẫn không biết và không thấy, thời Như Lai còn có thể làm được điều gì với con người ngu si, phàm phu, mù lòa, không thấy đường, không biết và không thấy ấy?”

Những thực tại của thế gian mà đức Phật giải thích ở đây chính là năm uẩn, tức Thánh Đế về Khổ và Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ. Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna) Ngài giải thích:

“Tóm lại, này các Tỳ khưu, năm thủ uẩn (Pañcupādanakkhandhā) là khổ như thế nào?

1. Sắc thủ uẩn (rūpapādānakkhandho);
2. Thọ thủ uẩn (vedanpādānakkhandho);
3. Tưởng thủ uẩn (sañnupādānakkhandho);
4. Hành thủ uẩn (sakhārupādānakkhandho);
5. Thức thủ uẩn (viññāupādānakhhhandho).

Chẳng hạn, trong “Khandha Sutta” (Uẩn Kinh)[8] đức Phật giải thích và phân tích năm thủ uẩn thêm nữa thành ra mười một loại:

“Và, thế nào này các Tỳ khưu, là năm thủ uẩn? Bất cứ sắc nào, hoặc

[1-3] quá khứ, vị lai hay hiện tại (atītā nāgata paccuppanna);
[4-5] bên trong hay bên ngoài (ajjhatta vā bahiddhāvā);
[6-7] thô hay tế (oārika vā sukkuma);
[8-9] cao thương hay hạ liệt (lāna vā paīta);
[10-11] xa hay gần (yam” dūre santike vā); có lậu hoặc, đựơc chấp thủ, thì được gọi là sắc thủ uẩn.

Bất cứ loại thọ nào… tưởng… hành… thức nào dù quá khứ, vị lai, hay hiện tại; bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, xa hay gần, cao thượng hay hạ liệt, có lậu hoặc (sāsava), được chấp thủ (upādāniya), đây gọi là thức thủ uẩn.

Này các Tỳ khưu, như vậy được gọi là năm thủ uẩn.

Năm thủ uẩn này là Thánh Đế về Khổ và như đức Phật giải thích, mỗi uẩn gồm mười một loại. Như thế có nghĩa rằng muốn biết và thấy năm uẩn thì phải biết và thấy được mười một loại của mỗi uẩn này.

Uẩn đầu tiên của năm thủ uẩn cũng còn gọi là Sắc (rūpa), và bốn thủ uẩn còn lại (Thọ, Tưởng, Hành và Thức) gọi chung là Danh (nāma). Như vậy năm thủ uẩn cũng còn gọi là Danh-Sắc (nāma-rūpa)[9].

Muốn biết và thấy danh-sắc như chúng thực sự là, ta cũng cần phải biết và thấy chúng có quan hệ với nhau như thế nào, nghĩa là chúng ta cần phải biết và thấy rằng trong thế gian của năm uẩn (pañcavokārabhava), danh dựa vào sắc. Thế gian của năm uẩn này đã được đức Phật giải thích trong “Loka sutta” (Kinh thế gian). Trong bài kinh, đức Phật giải thích Danh-Sắc dưới dạng mười tám giới (dhātu): sáu căn, sáu trần và sáu loại thức. Ngài nói: Và, này các Tỳ khưu, thế nào là nguồn gốc hay tập khởi của thế gian?

Do duyên mắt và các sắc, nhãn thức khởi sanh (cakkhuñca paicca rūpe ca uppajjati cakkhu viññāna).
Với sự tụ họp của ba: mắt, sắc, nhãn thức có xúc (phasso).
Do duyên xúc, có thọ (vedanā);
Do duyên thọ, có ái (tahā);
Do duyên ái, có thủ (upaadāna);
Do duyên thủ, có hữu (bhava);
Do duyên hữu, có sanh (jāti);

Do duyên sanh, có già chết (jarā, marana);
Sầu, bi (soke, parideva);
Khổ, ưu, não (dukkha, domanassa, upāyāsa) có mặṭ

Do duyên tai và các tiếng, nhĩ thứ khởi sanh …
Do duyên mũi và các mùi, tỷ thức khởi sanh …
Do duyên lưỡi va các vị, thiệt thức khởi sanh …
Do duyên thân và các xúc, thân thức khởi sanh… (kāyañca paicca phoṭṭhabbe ca uppajjati kāya viññāna)
Do duyên ý và các pháp[10], ý thức khởi sanh (manañca paicca dhamme ca uppjjati mano viññāna)

Muốn biết danh và sắc chúng ta cần biết và thấy như sau:

1. Các căn môn
2. Các đối tượng đập vào các căn môn
3. Các thức (tâm cùng với các tâm sở) khởi lên do sự tiếp chạm ấy .

Như đã được đức Phật giải thích là có sáu căn môn.

1. Nhãn môn – (cakkhu dvāra)
2. Nhĩ môn – (sota dvāra)
3. Tỷ môn – (ghāna dvāra)
4. Thiệt môn – (jivhā dvāra)
5. Thân môn – (kāya dvāra)
6. Ý môn (bhavaga) – (mano dvāra)

Năm môn đầu là Sắc (rūpa), và do đó cũng giống như năm trú căn (vatthu = vật hay sở y), riêng môn thứ sáu, ý môn hữu phần (bhavaga) là danh (nāma). Ý nương vào loại sắc đươc gọi là sắc ý vật hay tâm cơ (hadaya-vatthu).

Năm môn đầu chỉ bắt lấy những đối tượng thuộc về sắc tương ứng của chúng, trong khi đó ý môn thuộc về danh bắt cả năm đối tượng ấy và những đối tượng riêng của nó. Điều này được đức Phật giải thích trong “Uṇṇābhabrahmaa sutta“, mặc dù từ ngữ Ngài sử dụng ở đây là căn (indriya)[11].

Này Bà-la-môn, năm căn này mỗi căn có một cảnh giới khác nhau (visaya), một lãnh vực khác nhau (gocara), và không kinh nghiệm cảnh giới và lãnh vực của nhau.

Thế nào là năm?

1. Nhãn căn (cakkhundriya); 2. Nhĩ căn (sotindriya); 3. Tỷ căn (ghānindriya); Thiệt căn (hivhindriya); 5. Thân căn (kāyindriya)

Này Bà-la-môn, năm căn này có những cảnh giới khác nhau, những lãnh vực khác nhau, không kinh nghiệm cảnh giới và lãnh vực của nhau, có ý (mano), là chỗ y tựa (paisaraa), và ý nhận thức các lãnh vực và cảnh giới của chúng.

Khi các đối tượng thuộc vật chất đập vào căn môn của chúng, thì đồng thời chúng cũng đập vào Ý môn[12]; các đối tượng khác (không thuộc vật chất) chỉ đập vào ý môn mà thôi. Các đối tượng nào chỉ đập vào Ý môn cũng được kể là những đối tượng không phải Danh-Sắc, do đó không phải thế gian. Như vậy, chúng ta có sáu loại đối tượng (cảnh):

1. Các cảnh sắc (rūpārammaa)
2. Các cảnh thinh (saddārammaa)
3. Các cảnh hương (gandhārammaa)
4. Các cảnh vị (rasārammmaa)
5. Các cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaa)
6. Các cảnh pháp (dhammārammaa)

Cảnh pháp là tất cả những đối tượng hay cảnh ngoài năm loại cảnh thuộc vật chất đã nói trước, nói chung đó là tất cả những cảnh khác trong thế gian. Gồm sáu loại:

1. Năm loại tịnh sắc thô (pasāda rūpa) tức năm căn môn
2. 16 loại sắc tế (sukhuma rūpa)
3. 6 loại thức giới (viññāna dhātu)
4. 52 tâm sở (cetasika)
5. Niết-bàn giới, vô vi giới (asakhata dhātu)
6. Các khái niệm hay chế định (paññatti)

(Đó là khái niệm về hơi thở, đối tượng Kasia, và tên gọi các thực tại tuyệt đối (pháp chân đế), không có những tên gọi này chúng ta không thể truyền đạt được.)

Như đức Phật đã giải thích, khi một trong sáu căn môn tương giao với đối tượng thích hợp của nó, thức sẽ khởi lên. Như vậy chúng ta có sáu loại thức:

1. Nhãn thức (cakkhu-viññāa)
2. Nhĩ thức (sota-viññāa)
3. Tỷ thức (ghāna-viññāa)
4. Thiệt thức (jivhā-viññāa)
5. Thân thức (kāya-viññāa)
6. Ý thức (mano-viññāa)

Trong bài kinh trên, đức Phật cũng giải thích cho vị Bà-la-môn Uṇṇābha biết rằng, khi một đối tượng đập vào một trong năm căn môn, nó cũng đập vào ý môn. Khi hành giả phát triển được định tâm mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy rằng đối tượng được phản chiếu trong Ý môn như trong một tấm gương.

Lúc đó hành giả cũng sẽ thấy ra rằng thức khởi lên nơi một trong những căn môn (vật chất) này rất yếu. Chúng chỉ “đón lấy” đối tượng (abhinipātamattā = pick up). Việc biết đối tượng thực sự được thực hiện bởi một chuỗi các ý thức tâm (mano-viññāa) khởi lên sau đó[13].

Tỷ dụ như, khi một đối tượng vật chất như mầu sắc đập vào nhãn môn, và đồng thời cũng đập vào Ý môn (abhavaga = hữu phần), thì một tâm Ý thức (mano-viññāa) khởi lên theo sau bởi một nhãn thức tâm, nhãn thức này không “biết” đối tượng; tức là chúng không biết rằng đó là màu sắc. Đối tượng chỉ được biết bằng Ý thức tâm khởi lên sau đó mà thôi.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng để biết danh-sắc chúng ta cần phải biết mỗi loại danh, mỗi loại sắc, và cách chúng tác động với nhau ra sao. Tức là chúng ta cần phải biết:

1. Sắc của căn môn.

2. Sắc của đối tượng.

3. Danh khởi lên nơi môn vật chất (ngũ môn) và nơi ý môn. Nói chung, chúng ta cần phải biết và thấy nhãn môn, đối tượng của nhãn môn (mầu sắc), ý thức và nhãn thức khởi lên khi mầu sắc đập vào nhãn môn. Chúng ta cũng cần phải biết và thấy rằng không có sắc (vật chất) của nhãn môn, thì không có nhãn thức khởi lên, không có sắc của ý căn (sắc trái tim) thì cũng không có ý thực khởi lên, và không có sắc của đối tượng (màu sắc), thì nhãn thức hay ý thức cũng không khởi lên. Đối với tai, mũi, lưỡi và thân, chúng ta cũng biết và thấy như vậy. Chúng ta cũng cần phải biết và thấy rằng có những đối tượng chỉ do ý thức biết mà thôi, ý thức này khởi lên nương theo sắc ý vật (tâm cơ).

Tuy nhiên những thực tại này không chỉ để biết theo khái niệm (chế định), vì cái biết ấy chỉ là biết và thấy sự vật như chúng có vẻ là, mà điều này có nghĩa chúng ta vẫn là hạng phàm phu ngu si, mù lòa không mắt, hạng người không biết và thấy, như đức Phật gọi thôi.

Muốn biết và thấy các pháp như chúng thực sự là chúng ta cần thể nhập vào thực tại cùng tột (hay chân đế – paramattha sacca); nghĩa là chúng ta cần phải biết và thấy danh-sắc chân đế (paramattha nāma rūpa).

Biết và thấy Đế Thứ Nhất

Chúng ta cần biết và thấy mỗi và mọi loại danh cũng như cần phải thấy rằng ở năm căn khởi lên một trong hai loại thức, còn gọi ngũ song thức (dve pañca viññāa):

1. Thức quả thiện (kusala vipāka viññāa)

2. Thức quả bất thiện (akusala vipāka viññāa)

Như vậy tổng cộng có mười loại thức. Và trong Ý căn (heart base) khởi lên tất cả các loại thức hay tâm khác:

– 12 loại tâm bất thiện (akusala citta)
– 8 loại tâm vô nhân (ahetuka citta) (cùng loại như mười loại “tâm ngũ song thức”)
– 24 tâm tịnh hảo dục giới (kāma sobhana citta)
– 15 loại tâm sắc giới (rūpāvacara citta)
– 12 loại tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta)
– 8 loại tâm siêu thế (lokuttarā citta)

Tổng cộng có 89 loại tâm. Và bất luận khi nào ta khởi lên một trong những loại tâm này, thì một số các tâm sở tương ưng cũng khởi lên, trong số cả thảy năm mươi hai tâm sơ[14].

Để biết và thấy được khổ thánh Đế đúng như thực, chúng ta cần phải biết trực tiếp và thấy trực tiếp tất cả các loại tâm và tâm sở tương ưng với nó như vậy. Nhưng, như đức Phật đã giải thích, trong thế gian năm uẩn của chúng ta này, danh khởi lên nương vào sắc, do đó một tâm (thức) khởi lên được là nhờ nương vào căn tương ứng của nó. Điều đó có nghĩa là chúng ta cũng cần trực nhận và trực tri luôn cả sắc.

Muốn biết và thấy sắc như nó thực sự là chúng ta cần phải biết và thấy sắc này bao gồm những phần tử cực nhỏ mà trong Pàli ngữ gọi là rūpa-kalapas[15] (các tổng hợp hay nhóm sắc) như thế nào. Chúng sanh và diệt rất nhanh, nhưng đó chỉ là “danh chơn chế định” (vijjāmānapaññatti), chứ không phải sắc chân đế (paramattha rūpa). Muốn biết và thấy sắc như thực, chúng ta cần phải thể nhập hay chọc thủng khái niệm về các tổng hợp sắc (rūpa-kalapas) (tức chọc thủng sự mê lầm, ảo tưởng về nguyên khối) và thấy ra các pháp chân đế – paramattha sacca – thực sự chỉ là các yếu tố riêng biệt bao hàm các loại tổng hợp sắc cá biệt mà thôi.

Trong “Mahāgopālaka sutta” (Đại kinh Người Chăn Bò – MNI.33) đức Phật giải thích tri kiến hiểu biết về sắc là điều rất cần cho một vị Tỳ khưu để vững tiến trong Pháp và Luật (Dhamma-Vinaya).

Vị tỳ khưu cần có tri kiến về sắc như thế nào (rūpaññūhoti)?

Ở đây vị Tỳ khưu như thật rõ biết:

“Tất cả sắc thuộc bất cứ loại nào gồm tứ đại và sắc do tứ đại tạo thành (cattāri mahābhūtāni, catunnañca mahābhūtāna upādāyarūpan’ti)”

Đó là cách vị Tỳ khưu có tri kiến về sắc. Và ngài nói rằng nếu không có tri kiến này thì vị Tỳ khưu ấy “Không có khả năng tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.”

Điều này hàm ý là chúng ta cần phải biết và thấy tất cả 28 loại sắc: sắc chính (bhūta), gồm:

– Bốn đại chủng (mahābhūta): đất, nước, lửa, gió (pathavī, āpo, tejo, vāyo-dhātu);

và hai mươi bốn loại sắc phụ thuộc (upādārūpa), như:

– Năm loại sắc thần kinh hay tịnh sắc căn (pasāda rūpa) (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân tịnh sắc – cakkhu-, sota-, ghanā-, jivhā-, kāya-pasāda), là thành phần của năm căn vật lý.

– Bốn loại sắc cảnh giới (gocara rūpa) – màu sắc, âm thanh, mùi và vị (vaṇṇa, saddha, gandha, rasa).

– Dưỡng chất (thực tố – ojā)

– Mạng căn (jīvitindriya)

– Sắc trái tim (ý vật – hadaya rūpa)

(căn cứ vật lý cho ý thức – mano viññāa – và các tâm sở phối hợp của chúng)[16].

Hành giả làm cách nào để thấy và biết Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai?

Hành giả phải tu tập định

Để có thể thấy các yếu tố riêng biệt của các tổng hợp sắc đặc thù nào đó tức là phải thấy được sắc chân đế, điều này đòi hỏi phải có năng lực định tâm vững mạnh. Chỉ có định mạnh mới có thể biết và thấy các pháp như chúng thực sự là. Vấn đề này đã được đức Phật giải thích trong “Samādhi sutta” (Định kinh)[17]

“Này các Tỳ khưu, hãy tu tập định. Sau khi đã đắc định, vị Tỳ khưu sẽ tuệ tri các pháp (dhamma) như chúng thực sự là (yathābhūta pajānāti)

Và vị ấy tuệ tri như thực những gì?

(1) Vị ấy tuệ tri như thực: “Đây là Khổ”.
(2) Vị ấy tuệ tri như thực: “Đây là Nguồn gốc của Khổ”.
(3) Vị ấy tuệ tri như thực: “Đây là Sự Diệt Khổ”.
(4) Vị ấy tuệ tri như thực; “Đây là Con đường đưa đến Sự Diệt khổ”.

Như vậy, này các Tỳ khưu, hãy tu tập định. Sau khi đắc định, vị Tỳ khưu sẽ tuệ tri các pháp như chúng thực sự là.”

Đó là lý do vì sao, tại Thiền viện Pa-Auk, trước tiên chúng tôi dạy hành giả tu tập định có năng lực thật mạnh thuộc các bậc thiền (jhānas), tức an chỉ định (appanā samādhi) dùng niệm hơi thở ānāpānasati) và mười kasia chẳng hạn, hoặc cũng có thể dùng thiền tứ đại (catu-dhātuvavatthāna)[18] để đắc cận định (upacāra samādhi)[19].

Phát triển ánh sáng trí tuệ

Định tâm mạnh mẽ sẽ tạo ra ánh sáng mạnh mẽ, và chính nhờ ánh sáng ấy mà hành giả có thể đi sâu hay thể nhập vào chân đế (paramattha sacca). Điều này đã được đức Phật giải thích trong Tăng Chi Kinh, chương nói về Hào quang (ābhāvagga).

– Này các Tỳ khưu, có bốn lại hào quang. Thế nào là bốn? Hào quang của mặt trăng, hào quang của mặt trời, hào quang của lửa và hào quang của trí tuệ (paññābhā).

– Này các Tỳ khưu, có bốn lại ánh sáng rực rỡ. Thế nào là bốn? Ánh sáng rực rỡ của mặt trăng, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, ánh sáng rực rỡ của lửa, ánh sáng rực rỡ của trí tuệ (paññā pabhā).

– Này các Tỳ khưu, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của lửa, ánh sáng của trí tuệ (paññā-āloko).

– Này các Tỳ khưu, có bốn loại sáng chói. Thế nào là bốn? Sự sáng chói của mặt trời, sự sáng chói của mặt trăng, sự sáng chói của lửa, sự sáng chói của trí tuệ (paññā-obhāso).

– Này các Tỳ khưu, có bốn loại rực rỡ. Thế nào là bốn? Sự rực rỡ của mặt trăng, sự rực rỡ của mặt trời, sự rực rỡ của lửa, sự rực rỡ của trí tuệ (paññā-pajjoto)[20].

Ngay trong bài pháp đầu tiên của Ngài – Dhamma cakkappavattana Sutta (Chuyển Pháp Luân Kinh) đức Phật cũng đề cập đến ánh sáng khi giải thích sự Giác Ngộ của Ngài[21].

“… Như vậy, này các Tỳ khưu, đối với các Pháp (dhamma) trước đây chưa từng nghe, nhãn (cakkhu) đã khởi lên nơi Ta, trí (ñāa) đã khởi lên nơi Ta, tuệ (paññā) đã khởi lên nơi ta, minh (vijjā) đã khởi lên nơi Ta và ánh sáng (āloke) đã khởi lên nơi Ta.”

Tâm thuộc minh sát trí hiệp thế tạo ra “ánh sáng giác ngộ” mạnh mẽ (vipassanobhāso), nhưng tâm thuộc minh sát trí siêu thế tạo ra ánh sáng được xem là cực kỳ mạnh mẽ, chẳng hạn Ánh Sáng Giác Ngộ của Bậc Giác Ngộ tỏa khắp mười ngàn thế giới[22].

Ánh sáng ấy phát sanh như thế nào? Tâm khi lắng sâu trong định được kết hợp với Tuệ (paññā), tâm ấy sẽ tạo ra nhiều thế hệ sắc cực sáng do tâm sanh (cittajarūpa). Dùng ánh sáng ấy, chúng ta có thể thâm nhập vào thực tại cùng tột hay chân đế (paramattha sacca) để thấy các pháp như chúng thực sự là. Điều này cũng giống như khi đi vào một căn phòng tối, chúng ta cần phải có ánh sáng để thấy mọi vật ở đó vậy.

Bảo vệ tâm định

Tuy nhiên, vì muốn thâm nhập vào thực tại cùng tột hay pháp chân đế thâm sâu, vi tế, mà chúng ta phát triển định tâm sâu lắng không thôi vẫn chưa đủ, đây còn là một cơ hội chúng ta không thể để mất. Do đó ở đây chúng tôi cũng dạy thiền sinh cách làm thế nào để tự bảo vệ mình và bảo vệ thiền của mình bằng cách tu tập Bốn Phạm Trú (Brahmavihāra) cho đạt đến một bậc thiền nào đó hoặc cận định. Bốn Phạm Trú này là:

1. Từ (mettā) để vượt qua sân hận.
2. Bi (karuā) để vượt qua ác tâm và não hại.
3. Hỷ (muditā) để vượt qua ganh tỵ.
4. Xả (upekkhā) để vượt qua sự dửng dưng đối với các chúng sanh.

Vì cùng một lý do này mà chúng tôi cũng còn dạy bốn loại Thiền Bảo hộ (caturākkha kammaṭṭhāna) cho đạt đến một bậc thiền (jhāna) hoặc cận định[23]:

1. Tâm từ (mettā) để bảo vệ hành giả khỏi những hiểm nguy do chúng sinh khác gây ra.
2. Tùy niệm Phật (budhānussati) để bảo vệ hành giả khỏi sợ hãi, và những hiểm nguy khác.
3. Quán bất tịnh (asubha bhāvanā) để bảo về hành giả khỏi dục, tham.
4. Niệm sự chết (maraānussati) để bảo vể hành giải khỏi rơi vào sự dễ duôi, biếng nhác khi hành thiền; để phấn khích hành giả bằng ý thức kinh cảm sự chết. (savega).

Với định của bậc thiền hoặc với cận định mà hành giả đã phát triển được, những đề tài thiền này không phải mất nhều thời gian để tu tập, (tức là hành giả sẽ dễ dàng phát triển các đề mục thiền này vậy).

Thâm nhập vào Thực Tại Cùng Tột (Chân đế)

Thâm nhập vào Sắc chân đế

Nếu hành giả là một người theo cỗ xe Tịnh chỉ (samatha yogi), có năng lực định mạnh đã được khéo bảo vệ, đến đây chúng tôi sẽ dạy cách làm thế nào để biết và thấy sắc như chúng thực sự là, dùng thiền tứ đại (catadhātu vavatthāna)[24]. Nhưng nếu hành giả không thích tu tập định trước, mà chỉ muốn phát triển đến cận định thôi, hành giả có thể đi thẳng vào thiền tứ đại.

Có vài lý do khiến chúng tôi dạy phân biệt sắc trước. Một là, việc phân biệt sắc rất vi tế và sâu xa. Tuy nhiên, dù sắc thay đổi hàng tỷ lần trong một giây, nó vẫn không thay đổi nhanh như “danh”. Điều này có nghĩa rằng một khi hành giả đã hoàn tất việc phân biệt sâu xa về sắc rồi, thì việc phân biệt sâu xa hơn về danh sẽ trở nên dễ dàng hơn cho hành giả. Một lý do khác là vì danh nương vào sắc, nên nếu hành giả không thể thấy ra sắc đặc biệt mà một tâm nương vào ấy, thì hành giả hoàn toàn không thể thấy danh. Muốn thấy danh, hành giả cần phải thấy sự khởi sanh của nó[25].

Thiền tứ đại nghĩa là hành giả phân biệt bốn đại có mặt trong sắc, khởi đầu với sắc được xem là thân của chính mình, tức hành giả khởi đầu với sắc được đức Phật gọi là: bên trong (ajjhatta). Đức Phật giải thích thiền tứ đại trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna sutta)[26] như sau:

“Lại nữa, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu quán xét thân này, dù cho nó được đặt hay sắp xếp dưới dạng các đại (dhātu – element). Trong thân này có:

1. Địa đại (pathavī dhātu)
2. Thủy đại (āpo dhātu)
3. Hỏa đại (tejo dhātu)
4. Phong đại (vāyo dhātu)”

Khởi đầu với sắc của chính mình thường dễ dàng hơn, bởi vì biết sắc của mình nóng hay lạnh, cứng hay mềm vẫn dễ hơn là biết nó ở sắc bên ngoài, như sắc của một người khác chẳng hạn. Một khi hành giả đã trở nên thiện xảo trong việc phân biệt sắc bên trong rồi, hành giả cũng cần phân biệt mười loại sắc còn lại mà đức Phật đã kể ra: tức là sắc quá khứ, vị lại, hiện tại, bên ngoài, thô, tế, hạ liệt, cao thượng, xa và gần[27].

Đức Phật dạy thiền tứ đại này để chúng ta có thể biết và thấy sắc chân đế. Trước tiên, hành giả tu tập khả năng biết và thấy các đặc tính của tứ đại trong thân mình như một khối sắc hay vật chất nén lại. Khi sự thiện xảo và định của hành giả đã phát triển hành giả cuối cùng có thể sẽ thấy các rūpa-kdāpa (tổng hợp sắc), và rồi, dùng ành sáng của định mà hành giả đã phát triển đó, hành giả có thể thâm nhập vào cái ảo tưởng về nguyên khối (nguyên khối tưởng)[28], thể nhập vào sắc chân đế, để biết và thấy, để nhận ra và phân tích các đại riêng biệt trong các loại rūpa kalāpa (tổng hợp sắc) khác nhau.

Thâm nhập vào Danh chân đế

Bây giờ, sau khi như thật biết và thấy các đại (đất, nước, lửa, gió) khác nhau được xem là sắc chân đế, hành giả có thể tiến hành để biết và thấy Danh chân đế, cũng được gọi là thiền trên Danh (nāma kammaṭṭhāna).

Chúng ta có thể phân biệt Danh hoặc qua sáu căn hoặc qua sáu môn[29]. Nhưng, vì hành giả đã phân biệt sắc qua các môn rồi, do đó Thanh tịnh đạo khuyên hành giả nên làm y như vậy đối với danh[30]: “Khi hành giả đã phân biệt được sắc như vậy, các trạng thái vô sắc (danh) cũng sẽ trở nên rõ rệt cho hành giả hợp với các môn ấy.” Và chú giải còn nói thêm rằng: phân biệt danh qua các môn là để khỏi lẫn lộn[31].

Sáu môn và các đối tượng của chúng đã được đề cập ở trước, ở đây chỉ tóm tắt.

1. Nhãn môn, bắt các cảnh sắc (các đối tượng thuộc màu sắc).
2. Nhĩ môn, bắt các cảnh thinh.
3. Tỷ môn bắt các cảnh khí (hương)
4. Thiệt môn bắt các cảnh vị.
5. Thân môn bắt các cảnh xúc.
6. Ý môn (bhavaga – mind door) bắt năm cảnh thuộc năm môn vật chất trước đó, và các cảnh pháp (dhamma objects)[32]

Khi một trong sáu loại đối tượng hay cảnh này đập vào môn tương ưng của nó, thì một chuỗi các tâm (cittas) khởi lên, và cùng với mỗi tâm khởi lên này còn có một số các tâm sở tương ưng (cetasika); điều này hợp theo qui luật tự nhiên của tâm (citta niyāma – the natural law of consciousness). Một chuỗi tâm và tâm sở tương ưng như vậy gọi là một lộ trình tâm (vīthi), do đó có sáu loại:

(1) Nhãn môn lộ trình tâm (Cakkhu-dvāra vīthi)
(2) Nhĩ môn lộ trình tâm (Sota-dvāra vīthi)
(3) Tỷ môn lộ trình tâm (Ghāna-dvāra vīthi)
(4) Thiệt môn lộ trình tâm (Jhivhā-dvāra vīthi)
(5) Thân môn lộ trình tâm (Kāya-dvāra vīthi)
(6) Ý môn lộ trình tâm (Mano-dvāra vīthi)

Khi một đối tượng vật chất đập vào môn vật chất tương ưng của nó, thì tiến trình nhận thức thuộc năm môn đầu khởi lên; tiến trình này gọi là tiến trình nhận thức thuộc ngũ môn hay gọi tắt là “lộ ngũ môn” (pañca-dvāra vīthi). Còn tiến trình nhận thức thuộc môn thứ sáu hay Ý môn thì gọi là “lộ ý môn” (mano-dvāra vīthi).

Như đã đề cập ở trên, khi một trong năm loại đối tượng vật chất đập vào môn vật chất tương ưng của nó, thì đồng thời nó cũng đập vào ý môn (bhavaṅga)[33]; cả hai tiến trình nhận thức hay lỗ ngũ môn và lộ ý môn khởi lên. Chẳng hạn, khi một cảnh sắc đập vào nhãn môn, thì đồng thời nó cũng đập vào ý môn (bhavaga), sự kiện này làm phát sanh trước hết là một lộ nhãn môn và kế tiếp là nhiều lộ ý môn[34]. Điều này cũng xảy ra theo quy luật tự nhiên của tâm (cittaniyāma).

Như vậy rõ ràng rằng để biết và thấy danh, trước hết chúng ta cần phải biết và thấy sắc, vì muốn biết và thấy được những tiến trình nhận thức này, trước tiên chúng ta cần phải biết và thấy các môn và đối tượng tương ưng của chúng. Điều này được hành giả thực hiện khi phân biệt sắc[35].

Khi phân biệt danh, trước hết hành giả phân biệt các loại tiến trình nhận thức khác nhau, tức là hành giả phân biệt xem có bao nhiêu sát-na tâm (cittakkhaa) trong mỗi tiến trình nhận thức (lộ tâm), và phân biệt các loại sát-na tâm khác nhau ấy. Nhưng đó vẫn chưa phải là danh chân đế (paramattha nāma). Cũng như đối với sắc, hành giả phải phá bỏ cái ảo tưởng về nguyên khối, đó là tổng hợp sắc (rūpa kalāpa) như thế nào, thì ở đây cũng vậy, hành giả cần phải phá bỏ ảo tưởng về nguyên khối, tức là tiến trình nhận thức,[36] như thế đó.

Mỗi tiến trình nhận thức bao gồm nhiều sát-na tâm (cittakkhaa), và mỗi sát-na tâm là thời gian cần để cho một tâm (citta) và các tâm sở của nó (cetasika) sanh lên, trụ lại và diệt. Tâm không sanh lên đơn độc, nó luôn luôn sanh cùng với các tâm sở tương ưng. Cũng vậy, các tâm sở không sanh lên một mình được, mà chúng phải luôn luôn sanh cùng với một tâm nào đó. Vì vậy, tâm và các tâm sở của nó sanh lên như một nhóm kết lại (compact group). Muốn phá bỏ cái khối này, hành giả cần phải phân tích mỗi loại sát-na tâm rồi biết và thấy tâm riêng và các tâm sở tương ưng của nó riêng. Đó là biết và thấy danh chân đế (paramattha nāma). Điều này còn vi tế hơn việc biết và thấy các đại chủng của sắc, tuy nhiên hành giả có thể làm được nhờ ánh sáng mạnh mẽ của định mà hành giả đã phát triển, và nhờ sức mạnh của sự phân biệt mà hành giả đã tu tập khi phân biệt sắc.

Như đã nói, danh bao gồm 89 loại tâm và 52 loại tâm sở phối hợp. Nhưng tám trong số tám mươi chín tâm ấy là các tâm siêu thế (lokuttara citta: 4 Đạo và 4 Quả), và chỉ khởi lên khi hành giả hành Minh Sát (vipassanā) trên một trong tám mươi mốt loại tâm (hiệp thế) còn lại, và các tâm sở phối hợp của nó. Nói cách khác, các đối tượng của Minh Sát (vipassanā), chỉ là 81 tâm hiệp thế và các tâm sở phối hợp của chúng, trong khi những kết quả của Minh Sát ấy là tám tâm siêu thế vậy…

Hơn nữa, trong 81 loại tâm hiệp thế còn có các tâm thiền (jhāna). Nhưng nếu hành giả không đắc thiền thì không thể phân biệt các tâm thiền ấy. Vì thế, nếu hành giả là một thuần quán hành giả (người chỉ tu quán minh sát mà không tu định), thì việc phân biệt các tâm thiền định bỏ ra.

Như vậy những gì hành giả bây giờ có thể phân biệt, được đức Phật giải thích trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna sutta) như sau:

“Lại nữa, này các Tỳ khưu, vị Tỳ khưu sống quán tâm trong tâm như thế nào? Ở đây, này các Tỳ khưu,

(1) với tâm có tham (sarāga citta), tuệ tri (pajānati) “tâm có tham”[37];
(2) với tâm không tham (vīarāga citta), tuệ tri “tâm không tham”;
(3) với tâm có sân (sadosa citta), tuệ tri: “tâm có sân”;
(4) với tâm không sân (vītadosa), tuệ tri “tâm không sân”;
(5) với tâm có si (samoha citta) tuệ tri “tâm có si”;
(6) với tâm không si (vītamoha citta), tuệ tri “tâm không si”;
(7) với tâm co rút[38] (sakhitta citta), tuệ tri “tâm co rút”;
(8) Với tâm tán loạn (vikkhitta citta), tuệ tri “tâm tán loạn”;
(9) với tâm đại hành[39] (quảng đại – mahaggata citta), tuệ tri “tâm đại hành”;
(10) với tâm không đại hành (amahaggata citta), tuệ tri “tâm không đại hành”;
(11) với tâm hữu hạn[40] (sa-uttara citta), tuệ tri “tâm hữu hạn”;
(12) với tâm vô thượng (anuttara citta), tuệ tri “tâm vô thượng;
(13) với tâm có định[41] (samāhita citta), tuệ tri “tâm có định”;
(14) với tâm không định (asmāhita citta), tuệ tri “tâm không định”;
(15) với tâm giải thoát[42] (vimutta citta), tuệ tri “tâm giải thoát”;
(16) với tâm không giải thoát (avimutta citta), tuệ tri “tâm không giải thoát”.

Như vậy, vị ấy sống quán tâm trên nội tâm (ajjhatta), hoặc vị ấy sống quán tâm trên ngoại tâm (bahiddhā), hoặc vị ấy sống quán tâm trên nội và ngoại tâm.”

Ở đây, đức Phật giải thích “danh” như gồm mười sáu loại tâm. Điều đó có nghĩa là hành giả phải biết và thấy từng cặp một như chúng thực sự là, chẳng hạn tâm phối hợp với tham và tâm không có tham qua một trong sáu môn, và quán bên trong, bên ngoài rồi cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi ấy hành giả kể như đã thâm nhập vào được danh chân đế, biết và thấy nó như nó thật sự là.

Ba Thanh Tịnh

Bây giờ, sau khi đã biết và thấy danh-sắc nhưng chúng thực sự là, hành giả kể như đã thực hiện được cái gọi là “Ba Thanh Tịnh”. Visuddhi-magga (Thanh Tịnh Đạo) giải thích.

(1) Giới thanh tịnh (sīla visuddhi) là giới bốn loại hoàn toàn thanh tịnh, bắt đầu với sự chế ngự bằng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (imokkha)…
(2) Tâm thanh tịnh (citta visuddhi), đó là, tám thiền chứng (the jhānas) cùng với cận định[43].
(3) Kiến thanh tịnh (diṭṭhi visuddhi) là cái thấy đúng về Danh-Sắc (nāmarūpānayāthāvadassana)

Biết và thấy Thánh Đế Thứ Hai và Thứ Ba

Để đạt đến Niết-bàn chúng ta cũng cần phải biết và thấy Thánh Đế và Nguồn gốc của Khổ (Khổ tập Thánh Đế). Trong Dhammacakkappavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân), đức Phật giải thích Thánh Đế này như sau:

Bây giờ, này các Tỳ khưu, thế nào là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ: chính “ái” này đưa đến một hiện hữu mới (tái sanh), cùng với hỷ và tham, đi tìm lạc thú chỗ này chỗ kia; tức là:

(1) Dục ái (kāmata)
(2) Hữu ái (bhavata)
(3) Phi hữu ái (vibhavata)

Chi tiết hơn, đức Phật giải thích Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ này như Pháp Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên (paiccasamuppāda).

“Và thế nào, này các Tỳ khưu, là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ? (dukkha samudaya ariyasacca)

– Do vô minh làm duyên (avijjā paccayā) hành sanh (sakhārā);
– Do hành làm duyên (sakhāra paccayā), thức sanh (vññāa);
– Do thức làm duyên, danh-sắc sanh (nāma rūpa);
– Do danh-sắc làm duyên, lục nhập sanh (salāyatanā);
– Do lục nhập làm duyên, xúc sanh (phassā);
– Do xúc làm duyên, thọ sanh (vedanā);
– Do thọ làm duyên, ái sanh (ta);
– Do ái làm duyên, thủ sanh (upādāna);
– Do thủ làm duyên, hữu sanh (bhava);
– Do hữu làm duyên, sanh sanh (jāti);
– Do sanh làm duyên, già, chết (jarā, maraa), sầu, bi (soka, parideva); khổ, ưu và não (dukkho, domanassa, upāyāsa) sanh.

Đây là nguồn gốc của toàn bộ khổ uẩn.

Như vậy, này các Tỳ khưu, được gọi là Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ.”

Ngoài ra, hành giả cần phải biết và thấy bằng cách nào năm nhân trong một kiếp sống (vô minh, hành, ái, thủ, hữu[44]) đưa đến tài sanh, và thế nào là năm quả của nó (thức, danh-sắc, lục nhập, xúc và thọ). Hành giả cũng cần phải thấy được tiến trình trở thành này cứ liên tục từ đời này đến đời khác như thế nào.

Biết và Thấy Thánh Đế Thứ Ba

Tuy nhiên, thấy duyên khởi chỉ như sự sanh khởi của các hành thôi thì chưa đủ; hành giả cũng cần phải thấy duyên khởi như là sự biến hoại và diệt của các hành nữa.

“Và này các Tỳ khưu, thế nào là Thánh Đế và Khổ Diệt? (dukkha nirodha ariyasacca)

– Do vô minh diệt, (avijjāya tveva asesavirāga nirodhā), các hành diệt (sankhāra nirodho);
– Do hành diệt, thức diệt;
– Do thức diệt, danh-sắc diệt;
– Do danh-sắc diệt, lục nhập diệt;
– Do lục nhập diệt, xúc diệt;
– Do xúc diệt, thọ diệt;
– Do thọ diệt, ái diệt;
– Do ái diệt, thủ diệt;
– Do thủ diệt, hữu diệt;
– Do hữu diệt, sanh diệt;
– Do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.

Như vậy là sự diệt của toàn bộ khổ uẩn.

Này các Tỳ khưu, đây gọi là Thánh Đế về Khổ diệt.”

Hành giả cần phải thấy sự diệt trong từng sát-na của các Hành diễn ra từ sát-na tâm này đến sát-na tâm khác, tức là biết và thấy Khổ Đế hiệp thế. Và hành giả cũng cần phải tiếp tục (hành) cho đến khi thấy được mình đạt đến A-la-hán quả trong tương lai và nhập vô dư Niết-bàn (panibbāna) sau đó.

Khi hành giả đắc A-la-hán thánh quả trong tương lai, vô minh lúc ấy sẽ bị hủy diệt; do vô minh diệt sẽ có sự diệt không còn dư tàn (avasesa nirodha) của các hành, ái, và thủ. Những nhân sanh khổ này diệt, nhưng bản thân khổ chưa diệt, vì những quả của nghiệp quá khứ vẫn hoạt động, lý do là hành giả vẫn còn có ngũ uẩn[45]

(Ngay cả đức Phật cũng vẫn cảm thọ những thọ lạc, khổ khi còn ngũ uẩn). Chỉ lúc nhập Vô Dư Niết-bàn (Parinibbāna) ngũ uẩn của hành giả mới diệt không còn dư tàn, và chỉ lúc nhập Vô Dư Niết-bàn Khổ mới hoàn toàn diệt. Như vậy có nghĩa là có hai loại diệt:

1. Sự diệt lúc chứng A-la-hán Thánh quả.

2. Sự diệt lúc nhập Vô Dư Niết-bàn.

Nguyên nhân cho ra hai loại diệt này là A-la-hán Thánh Đạo Tuệ, tức Tuệ thấy và biết Niết-bàn (Vô vi – asakhāta), hay Thánh Đế về sự Diệt Khổ nhưng điều này không có nghĩa rằng, vào lúc hành giả nhìn vào tương lai và thấy, biết việc chứng A-la-hán thánh quả cũng như Bát Niết-bàn của mình là hành giả biết và thấy Niết-bàn đâu, mà phải hiểu rằng ở giai đoạn này hành giả không biết và thấy Niết-bàn. Ở giai đoạn này hành giả chỉ biết và thấy được khi nào thì năm nhân làm phát sanh các hành diệt, không còn các hành nữa. Với trí đó, hành giả hiểu ra rằng việc Bát Niết-bàn – Parinibbāna của hành giả chắc chắn sẽ được chứng đắc vậy thôi.

Không thấy đựơc điều này, đức Phật nói hành giả không thể chứng đắc Niết-bàn, mục đích của sa môn hạnh, mục đích của Bà-la-môn hạnh[46].

“Này các Tỳ khưu, các sa môn hay Bà-la-môn (samaā vā brāhmanāvā) nào

1. không tuệ tri già-chết,
2. không tuệ tri nguồn gốc của già-chết (samudaya),
3. không tuệ tri sự đoạn diệt của già-chết (nirodha) và không tuệ tri
4. con đường đưa đến sự đoạn diệt của già chết (nirodha gāmini paipada);

Những ai không tuệ tri sanh … hữu… thủ… ái… thọ… xúc… lục nhập… danh-sắc… thức… hành, nguồn gốc hay tập khởi của chúng, sự đoạn diệt của chúng, và con đường đưa đến sự đoạn diệt của chúng; những người ấy Như Lai không xem là những sa môn trong các sa môn, hoặc những Bà-la-môn trong các Bà-la-môn, vì những tôn giả ấy không tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích của sa môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.”

Nhưng ở đây hành giả có thể chứng và trú trong mục đích của sa môn hạnh, hành giả có thể thấy được các pháp này, vì hành giả đã tu tập định tâm mạnh mẽ. Trong kinh “Samadhi sutta[47] đức Phật giải thích:

“Này các Tỳ khưu, hãy tu tập định. Sau khi đắc định vị Tỳ khưu sẽ tuệ tri các Pháp (Dhamma)[48] như chúng thực sự là (yathā bhūta pajānāti).

Và vị ấy tuệ tri các pháp như chúng thực sự là như thế nào?

1. Tập khởi và sự đoạn diệt[49] của sắc (rūpassa samudayañca atthagamañca),
2. Tập khởi và sự đoạn diệt của thọ (vedanāya samudayañca atthagamañca),
3. Tập khởi và sự đoạn diệt của tưởng (saññāya samudayañca atthagamañca),
4. Tập khởi và sự đoạn diệt của các hành (sakhārāna samudayañca atthagamañca),
5. Tập khởi và sự đoạn diệt của thức (viññāassa samudayañca atthagamañca).

Biết và Thấy Duyên Khởi

Hào quang, ánh sáng rực rỡ, ánh sáng sáng chói và rực rỡ của trí tuệ mà hành giả đã phát triển sẽ cho hành giả khả năng đi ngược về dòng danh-sắc nối tiếp từ hiện tại cho đến giây phút tái sanh trong kiếp này của hành giả, rồi cho đến sát-na tử trong kiếp trước của hành giả, và theo cách ấy, đi ngược trở lại nhiều đời bao nhiêu tùy khả năng phân biệt của hành giả, rồi sau đó cũng nhìn vào tương lai, cho đến thời điểm Bát Niết-bàn (parinibbāna) của hành giả. Nhờ nhìn vào các phần tử riêng lẻ của danh-sắc, hành giả có thể sẽ nhận ra các nhân và quả.

Vào thời điểm thực hành một cách tinh cần và với một cái tâm đã đựơc tịnh hóa bằng năng lực định mạnh mẽ, chuyên chú vào pháp hành thâm sâu phân tích Danh-sắc chân đế, hành giả sẽ thấy được việc chứng diệt tối hậu – Niết-bàn – trong tương lai. Nhưng nếu hành giả ngưng thiền v.v… những điều kiện ấy cũng sẽ thay đổi, và tất nhiên những kết quả trong tương lai cũng sẽ thay đổi theo.

Một điển hình của trường hợp này là Mahādhāna con trai của viên Thủ khố và vợ anh ta[50]. Cả hai vợ chồng thừa hưởng cả một gia tài khổng lồ của cha mẹ, nhưng Mahādhāna đã hoang phí nó vào việc trà đình tửu điếm. Cuối cùng ông và vợ chẳng còn gì cả, và phải đi ăn xin trên đường phố. Đức Phật giải thích cho tôn giả Ānanda biết rằng nếu Mahādhāna lúc còn trẻ xuất gia, ông sẽ trở thành một bậc A-la-hán; nếu trung niên xuất gia, ông sẽ trở thành bậc Bất Lai (A-na-hàm), và nếu lão niên xuất gia, ông sẽ trở thành bậc Nhất Lai (Tư-đà-hàm), vì các ba-la-mật (parāmi) của ông là vậy. Nhưng do rượu chè, ông không đắc được gì cả, mà bây giờ còn phải đi ăn mày. Điều này cho thấy rằng tương lai của chúng ta lúc nào cũng được quyết định bởi hiện tại (của chúng ta). Đó là lý do vì sao, vào lúc hành thiền đạt đến chỗ sâu lắng liên tục trong một thời gian, hành giả sẽ thấy việc Bát Niết-bàn (Parinibbāna) của mình hoặc ngay kiếp này, hoặc trong tương lai.

Không thấy các kiếp sống quá khứ và các kiếp sống trong tương lai, hành giả khó có thể hiểu được pháp duyên khởi như nó thực sự là: tức là biết và thấy bằng cách nào các nhân quá khứ sẽ cho quả trong hiện tại, và các nhân hiện tại sẽ cho quả trong tương lai, cũng như biết và thấy sự diệt của các nhân sẽ đưa đến sự diệt của các quả ra sao. Hơn nữa không biết và thấy duyên khởi, cũng sẽ không thể nào biết và thấy Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ đúng như thực. Điều này được giải thích trong Visuddhi-magga như sau:

“Không một ai, dù là trong giấc mơ, thoát ra khởi cái vòng tái sanh luân hồi đáng sợ, vốn từng hủy diệt như sấm sét này, trừ phi người ấy với tuệ kiếm được khéo mài trên đá định cao thượng, chặt đứt cái Bánh xe Sanh Hữu vốn không có chỗ đặt chân do tính chất cực kỳ thâm sâu của nó, và khó đạt đến do sự hỗn độn của nhiều phương pháp.”

Và điềm này đã được Đức Thế Tôn nói như sau: “Này Ānanda, pháp duyên khởi này thật là thâm sâu, và sâu xa thay là sự xuất hiện của nó. Này Ānanda, chính do không hiểu biết, không thể nhập duyên khởi mà thế gian này đã trở thành như một cuộn chỉ rối bời, một cuộn chỉ bị thắt nút, bện vào nhau như rễ cỏ tranh, thật khó mà tìm ra lối thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi, với những trạng thái thống khổ, những đọa xứ… trầm luân của nó[51].

Một khi hành giả đã biết và thấy Thánh Đế Thứ Hai hay Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ đúng như thực, hành giả cũng sẽ vượt qua hoài nghi về ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Điều này đã được giải thích trong Visuddhi-magga (Thanh Tịnh Đạo)[52].

“Khi hành giả đã thấy được sự khởi sanh của Danh-sắc là do các duyên (paccayato) như vậy, hành giả cũng biết rằng, hiện tại do duyên thì trong quá khứ sự khởi sanh của nó cũng do duyên, và trong tương lai sự khởi sanh của nó cũng sẽ do duyên mà thôi.”

Sau khi đã đạt đến giai đoạn này, hành giả chứng được Đoạn Nghi Thanh Tịnh (Kakhāvitaraa visuddhi)[53]. Chính ở giai đoạn này hành giả mới có thể bắt đầu thực hành minh sát (Vipassanā), vì chỉ ở giai đoạn này hành giả mới biết và thấy đựơc thực tại tối hậu, hành giả không thể hành Minh Sát khi chưa thấy các pháp (dhammas) như chúng thực sự là[54].

Hành Minh Sát

Khi thực hành minh sát, hành giả quay trở lại việc biết và thấy Thánh Đế về Khổ như nó thực sự là, và Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ như nó thực sự là; tức biết và thấy sự sanh và diệt của cả mười một loại Danh-sắc. Nhưng lần này hành giả biết và thấy chúng dưới dạng vô thường, khổ và vô ngã (anicca-dukkha-anatta). Nói chung hành giả biết và thấy các hành như chúng thực sự là, và suy xét chúng theo những chỉ dẫn đã được đức Phật đưa ra trong bài pháp thứ hai của Ngài “Vô Ngã Tướng Kinh”(Anattalakkhaa sutta), để dạy cho nhóm năm Tỳ khưu (Năm vị Kiều Trần Như – Pañca vaggiya bhikhū)[55].

Này các Tỳ khưu, các người nghĩ thế nào?

1. Sắc là thường hay vô thường?

– Vô thường, bạch Thế Tôn.

2. Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Khổ, bạch Thế Tôn.

3. Cái gì vô thường, khổ và phải chịu biến đổi, có hợp lý chăng khi nghĩ như vầy: “Cái này là của tôi (eta mama)”, cái này là tôi (nesohamasmi), “cái này là tự ngã của tôi (eso me attā’ti?)”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

Do vậy, này các Tỳ khưu, phàm có sắc nào, dù quá khứ, vị lai hay hiện tại; bên trong hay bên ngoài; thô hay tế; hạ liệt hay cao thượng; xa hay gần; tất cả sắc ấy phải được thấy như nó thực sự là với chánh trí tuệ như vậy:

“Cái này không phải của tôi (neta mama);
Cái này không phải là tôi (nesohamasmi);
Cái này không phải tự ngã của tôi (na meso attā).

Phàm có thọ nào… Phàm có tưởng nào… Phàm có hành nào… Phàm có thức nào… cần phải được thấy như nó thực sự là với chánh trí tuệ như vầy: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi.”[56]

Nói cách khác, các hành (sankhāra), tức danh-sắc và các nhân của chúng, diệt ngay khi vừa sanh, là lý do tại sao nói chúng vô thường (anicca); chúng phải chịu sanh, diệt liên tục, là lý do tại sao chúng khổ (dukkha); chúng không có tự ngã (atta), hoặc cốt lõi bền vững, bất khả hoại, là lý do tại sao nói chúng vô ngã (anatta).

Hành giả Biết và Thấy (Pháp) Vô Vi

Qua một chuỗi các bài tập, trong đó hành giả quán sự sanh và diệt của các hành, rồi sau đó chỉ quán sự diệt của các hành, hành giả kinh qua các Tuệ (ñāna) còn lại, sau các tuệ này hành giả cuối cùng sẽ biết và thấy pháp vô vi (asakhata), tức Niết-bàn. Khi hành giả biết và thấy vô vi, thì hành giả cũng biết và thấy bất tử (amata). Điều này đã được đức Phật giải thích[57]:

Này Mogharaja,
Hãy nhìn đời trống không
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Nhổ lên ngã tùy kiến
Như vậy vượt tử vong,
Hãy nhìn đời như vậy
Thần chết không thấy được.

Khi đức Phật nói chúng ta phải biết và thấy thế gian này là rỗng không, Ngài muốn nói rằng chúng ta phải biết và thấy nó không có thường (nicca), không có lạc (sukha) và không có tự ngã (atta)[58] Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta cũng có thể nói rằng thấy trống không là phải thấy tuyệt đối không có gì (absolute zero).

Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng tâm là tuyệt đối không có gì, mà tâm hoàn toàn tỉnh giác, chỉ có “đối tượng” mà tâm biết và thấy mới là “tuyệt đối không có gì”. Đối tượng mà tâm hoàn toàn tỉnh giác, và biết cũng như thấy ấy là Niết-bàn giới; vô vi giới (asaṅkhata dhātu)[59]. Đây là sự chứng đắc Bát Thánh Đạo siêu thế, khi tất cả tám chi phần đều lấy Niết-bàn làm đối tượng[60]

Chứng ngộ Tứ Thánh Đế

Chính ở giai đoạn này hành giả sẽ chứng ngộ Tứ Thánh Đế như chúng thực sự là, và điều này trở thành khả dĩ chỉ vì những điều kiện cần thiết cho việc chứng ngộ như vậy đã hội đủ. Trong Kinh Ngôi Nhà có Nóc Nhọn (Kūtāgara sutta) đã đề cập ở trên, dức Phật cũng giải thích vì sao những điều kiện ấy làm cho nó có thể chấm dứt hoàn toàn khổ:

Thực vậy, nếu ai nói như sau, này các Tỳ khưu: “Sau khi đã xây dựng phần dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, Ta sẽ dựng lên một mái che”, sự việc như vậy có thể xảy ra.

Cũng vậy, nếu ai nói:

1. “Sau khi đã như thực chứng ngộ Thánh Đế về Khổ;
2. Sau khi đã như thực chứng ngộ Thánh Đế về Nguồn gốc của Khổ;
3. Sau khi đã như thực chứng ngộ Thánh Đế về sự Diệt Khổ;
4. Sau khi đã như thực chứng ngộ Thánh Đế về Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ;

Ta sẽ chấm dứt hoàn toàn khổ”; sự kiện như vậy có thể xảy ra.

Và Ngài thêm:

1. Do đó, này các Tỳ khưu, một nỗ lực lớn cần phải được thực hiện (yogo kanaṇīyo) để tuệ tri “Đây là Khổ” (idaṁ dukkhan’ti).
2. Do đó, này các Tỳ khưu, một nỗ lực lớn cần phải đựơc thực hiện để tuệ tri: “Đây là nguồn gốc của Khổ” (idaṁ dukkha samudayan’ti).
3. Do đó, này các Tỳ khưu, một nỗ lực lớn cần phải được thực hiện để tuệ tri: “Đây là sự Diệt Khổ” (idaṁ dukkha nirodhan’ti).
4. Do đó, này các Tỳ khưu, một nỗ lực lớn cần phải được thực hiện để tuệ tri: “Đây là Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ” (idaṁ dukkha nirodha gāminī paṭipadā’ti).

Cầu mong mọi người tìm được cơ hội thực hiện một nỗ lực cần thiết để chứng ngộ Tứ Thánh Đế và chấm dứt hoàn toàn khổ.

Pa-Auk Tawya Sayadaw
Pa-Auk Tawya Monastery


[1] S.V. XII.III Kotigama sutta.

[2] S.V.XII.v 4. Ngôi nhà có nóc nhọn ở đây là ngôi nhà trệt có 4 cây cột, trên thả những cây đà để đỡ một mái cao được vuốt lên thành một chóp nhọn.

[3] Điều này được giải thích trong chú giải Trung Bộ, bài kinh “Mahāgopālaka Sutta” (Đại kinh Người Chăn Bò, ở đây đức Phật giải thích mười một pháp có mặt nơi một vị Tỳ khưu khiến vị ấy không thể tiến bộ trong Pháp và Luật (Dhamma-Vinaya)

[4] S.V.XII.ii “Dhamma-wheel Rolling Sutta”

[5] Pañcavokāra là một từ đồng nghĩa với pañca khandha, tức năm uẩn.

[6] S.III.II.v.2 “Flower Sutta

[7] Loke = Saṅkhāraloke – Lokedhammo: đồng với năm uẩn.

[8] S.III.1 V6

[9] Ở một nơi khác, Danh-sắc được đức Phật dùng để nói đến sáu Xứ [salāyatam, sáu nội xứ (căn) và sáu ngoại xứ (trần)] và đây cũng là một từ được Ngài dùng khi giải thích lý Duyên Khởi. Xuyên suốt giáo pháp của Ngài, ta thấy Phật giải thích các pháp theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người nghe. Vì thế, Ngài giải thích Danh-sắc bằng nhiều cách khác nhau, mặc dù, về phương diện cùng tột, chúng liên quan tới cùng sự việc.

[10] Ở đây, khi đức Phật nói về mười tám giới của thế gian thì các pháp (dhammas) đề cập đến mười sáu loại sắc vi tế, và tất cả các danh pháp kết hợp. Còn khi nói các pháp (dhammas) trong những bản kinh khác, đức Phật muốn nói đến tất cả đối tượng, kể cả Niết – bàn và chế định (paññatti). Tuy nhiên vì các chế định pháp không phải thế gian (không phải danh hoặc sắc, và do đó không phải là Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Nhì) nên chúng không được kể trong “Thế Gian Kinh”. Xem thêm ghi chú 1 trang 307

[11] Căn (indriya) dùng ở đây cũng như “môn”, “xứ” ở các chỗ khác. Vị Bà-la-môn mà đức Phật đang nói đến trong kinh này đã dùng “năm căn” trong câu hỏi dẫn khởi của ông (xem kinh Bà-la-môn Uṇṇābha S.V. 217)

[12] Ngài Pa-Auk Tawya Sayadaw liên hệ lại ví dụ trong Aṭṭhasālini (The ExpositorB114/PTS 96) như sau: Khi ánh sáng mặt trời đập vào con chim đang đậu trên cành, thì đồng thời một chiếc bóng (của chim) cũng rơi xuống trên đất. Cũng vậy, khi đối tượng đập vào căn môn của nó, thì đồng thời nó cũng đập vào Ý môn.

[13] Xem bảng 6, ở dưới, và phần trích dẫn

[14] Khi quán danh (nāma kammaṭṭhāna) hành giả biết và thấy trực tiếp các pháp này (xem lại ở dưới). Tới lúc đó, hành giả nên tham khảo Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa để biết rõ hơn (Abhidhammattha Saṇgaha – Ed. Bhikkhu Bodhi).

[15] Kalāpas: thường dịch là đoàn, bọn hay nhóm. Ở đây chúng tôi dịch chữ Kalāpatheo nghĩa tổng hợp, vì nó gồm nhiều yếu tố kết hợp lại.

[16] Chi tiết đầy đủ về 28 loại sắc, xem biểu đồ 1 (The Twenty Eight Material Elements).

[17] S.V. 410 – Phần nói về các Đế “Sacca Saṁyutta“.

[18] Chi tiết về Niệm hơi thở, xem bải giảng số 1 “làm thế nào để tu tập Niệm Hơi Thở đạt đến An Chỉ. Mười kasiṇa, xem bài 2.

[19] Xem trang sau.

[20] A.N. 11. 139

[21] S.V.XII.ii.I. (Dhamma-wheel Rolling Sutta)

[22] VS. XX. Vipassanupakkilesa kathā B634 (“Insight Imperfection Explanation” – Giải thích các Cấu uế của Minh sát). Ánh sáng này là kết quả của các thiện pháp (dhammas) và tự thân nó không phải là một cấu uế (tùy phiền não). Song, nếu người hành thiền chứng nghệm nó và bị dính mắc vào đấy, rồi khởi tà kiến cho rằng mình đã đạt đến Đạo – Quả, thì ánh sáng có thể là một căn bản cho cấu uế. Cũng nên xem SA.V.XII.11.I “Dhamma cakkappavattana Sutta” (Dhamma-wheel Rolling Sutta – Chuyển Pháp Luân – dưới mục “Làm thế nào Hành giả vượt qua được 10 Cấu uế của Minh Sát.” p. 271

[23] Về Bốn Phạm Trú và Bồn Thiền Bảo Hộ xem bài giảng số 3.

[24] Về thiền Tứ Đại, xem bải giảng số 4 “Làm thế nào để phân biệt sắc”

[25] Điều này đã được giải thích trong “Nāmarūpa pariggaha kathā” B669 – 671 (Mentality-Materiality Definition Explanation), nơi đây còn thêm rằng nếu một người không hoàn toàn có sự phân biệt rõ về sắc trước khi tiến hành phân biệt danh, người ấy sẽ “rơi khỏi đề mục thiền của mình như con bò núi (ngu ngốc)”… A.IX.I.iv.4 “Gāvī Upamā Suttā” (“Cow smile sutta“). Nhưng điều này chỉ nói đến danh dục giới, chứ không phải danh sắc giới (tức bậc thiền jhāna). Xem trang 200 của cùng tác phẩm trên.

[26] D.II.9.. MI.10

[27] Xem Kinh “Khandha sutta” (Kinh nói về các uẩn).

[28] Về chi tiết liên quan đến ảo tưởng về nguyên khối, xem câu trả lời số 1 bài 3 trang… “Hành giả Phân tích các Rūpa Ralāpa – Tổng hợp sắc – Như Thế Nào?”

[29] Khi hành giả phân biêt danh qua sáu căn, hành giả phân biệt tâm và các tâm sở tương ưng khởi sanh nương vào mỗi trong sáu căn ấy. (Chẳng hạn hành giả phân biệt nhãn căn – tức nhãn tịnh sắc hay tinh chất của mắt – , rồi đến nhãn thức (1) và các tâm sở tương ưng (7) sanh lên nương nơi nhãn căn). Còn khi phân biệt qua sáu môn, hành giả phân biệt các loại tâm khác nhau trong tiến trình nhận thức của mỗi môn. Chẳng hạn, tâm và các tâm sở tương ưng của nhãn môn lộ trình tâm.

[30] VS. XVIII (Nāmarūpa pariggaha kathā) B664.

[31] VS. T1. Vì mỗi căn trong năm căn chỉ có một loại tâm như vậy khởi lên, song đối với ý căn (heart base), các loại tâm khác đều khởi ở đó. Trừ phi hành giả quen với lối giải thích của Vi Diệu Pháp về các loại tâm khác nhau trong các loại tiến trình nhận thức khác nhau, bằng không điều này có thể rất dễ lẫn lộn đối với hành giả sơ cơ.

[32] Xem lại ở trên để biết thêm lời giải thích về “các cảnh pháp”.

[33] Xem lại kinh “Uṇṇābha Brahmin Sutta) SV. 217

[34] Chi tiết, xem biểu đồ 5 và 6

[35] Xem bài giảng 4 “Làm thế nào phân biệt sắc”.

[36] Chi tiết liên quan đến ảo tưởng về nguyên khối xem câu trả lời 1.3 trang…

[37] Theo ngôn ngữ thông thường thì nói “tâm có tham”. Tuy nhiên, chính xác hơn phải nói đó là một tâm (citta) mà tính chất tham của nó được quyết định bởi sở hữu tham (cetasika) phối hợp.

[38] Tâm co rút là tâm hôn trầm, thụy miên, không thích thú với đối tượng; tâm tán loạn là trạo cử, dao động, lo lắng.

[39] Đại hành là tâm thiền sắc hay vô sắc giới, không đại hành là tâm dục giới.

[40] “Hữu hạn” là tâm thuộc sắc giới. Vô thượng là tâm thuộc các thiền sắc giới và vô sắc giới. Nói chung, các loại tâm hiệp thế.

[41] Tâm định là tâm cận định hoặc tâm thiền, tâm không định là tâm không có định.

[42] Tâm giải thoát, ở giai đoạn này là nói đến một tâm đã giải thoát tạm thời do như lý tác ý hoặc do các triền cái đã bị đè nén bằng định. Không giải thoát là ngược lại.

[43] Về vấn đề định thanh tịnh tâm như thế nào, xem câu trả lời 7, 8

[44] Có hai loại hữu (bhava): 1. Nghiệp hữu (kamma bhava) là sự tạo tác nghiệp (upapatti bhava) là kết quả của nghiệp (hình thành trong bất cứ cảnh giới nào – dục, sắc và vô sắc); 2. Sanh hữu.

[45] Chẳng hạn như đức Phật cũng phải khổ vì đau lưng.

[46] S. II. 129

[47] S.III. 13

[48] Về các Pháp (dhamma) xem lại ghi chú số 2

[49] Các từ atthaṅgama nirodha là đồng nghĩa với đoạn diệt.

[50] Dhp. A. XI 9 “Mahādhanaseṭṭhipputta vatthu” (Câu chuyện về Mahādhana, Con trai viên Thủ khố).

[51] VS.XVII “Bhavacakka kathā” B659. DII. 2.

[52] Vsm. XIX (“paccayapaṅggaha kathā” B679)

[53] Về sự phân biệt duyên khởi, sự diệt và danh-sắc quá khứ, vị lai, xem bài giảng số 6.

[54] Các pháp (dhammas) xem ghi chú số 2

[55] S.III.V.II.1.7

[56] Chú giải Kinh Giáo Giới Channa – Channa vada – Sutta giải thích rằng: “Cái này không phải của tôi” là suy xét về vô thường; “cái này không phải là tôi” là suy xét về khổ; “cái này không phải tự ngã của tôi” là suy xét về vô ngã.

[57] Sn. V. 15 “Mogharājamāṇavapucchā

[58] Muốn biết thêm tưởng không, xem ở dưới.

[59] Về tỉnh giác xem trang sau.

[60] Xem bài 7 sau.

-ooOoo-

 

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Biết Và Thấy, tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw

Link  cuốn Biết Và Thấy
Link  tải sách ebook Biết Và Thấy (Tiếng Việt)
Link  tải sách ebook Biết Và Thấy (Tiếng Anh)
Link  video cuốn Biết Và Thấy
Link  audio cuốn Biết Và Thấy
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Pa Auk Tawya Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app