Biến Tịnh thiên (subhakiṇhā)
Phạm Thiên có hào quang xinh đẹp biến mãn khắp thân, gọi là Biến Tịnh.
Hào quang xinh đẹp của các Phạm Thiên này có tướng trạng giống như hào quang của mặt trăng, tức ánh sáng hào quang ấy gom lại thành vòng tròn, không có sự rời rạc, chính vì vậy mới gọi là Subhā, tức là hào quang xinh đẹp.
Từ Parittasubhā, appamāṇasubhā, subhakiṇhā. Cả ba từ này là tên của Phạm Thiên, nhưng sở dĩ cùng được gọi là tên của cõi như thế vì lấy tên của người ở trong chỗ ấy đặt tên cho chỗ ở ấy. Ba cõi Tam-thiền này nằm giữa hư không, cách cõi Nhị-thiền là 5.508.000 do tuần. Phần nền của ba cõi này nằm trong 1 lãnh vực, hình thành với 7 loại báu, đầy đủ với Thiên cung, vườn, ao hồ và cây kiểng.
Tất cả Phạm Thiên ở ba cõi Tam-thiền này:
– Thiểu Tịnh Thiên có chức vụ như Phạm Chúng Thiên.
– Vô Lượng Tịnh Thiên có chức vụ như Phạm Phụ Thiên.
– Biến Tịnh Thiên có chức vụ như Đại Phạm Thiên.
Quả phước hiện khởi trong ba cõi Sơ-thiền, ba cõi Nhị-thiền, ba cõi Tam-thiền. Cả 9 cõi này không gọi là Quãng Quả, vì rằng, khi thế gian này bị diệt bằng lửa thì ba cõi Sơ-thiền bị hoại, khi thế gian này bị diệt bằng nước thì ba cõi Nhị-thiền bị hoại, khi thế gian bị hoại bằng gió thì ba cõi Tam-thiền bị hoại. Tất cả Phạm Thiên nương trú trong các cõi này đều phải mạng chung, Thiên cung và Thiên sản của các vị ấy cũng bị hủy diệt theo.
Cả 9 cõi này, Phạm Thiên sanh trong tầng Biến Tịnh Thiên có tuổi thọ lâu nhất. Thọ lượng của Phạm Thiên Biến Tịnh này lâu đến 64 Đại kiếp, nhưng Phạm Thiên Biến Tịnh có thọ lượng tròn đủ 64 Đại kiếp đó, phải sinh cùng thời với thế gian khi mới tạo lập, còn những vị Phạm Thiên sanh lên về sau, không tròn đủ mà phải giảm theo tuần tự, vì rằng: Trong số 64 Đại kiếp ấy, ba cõi Tam-thiền này sẽ bị hủy diệt 1 lần bởi gió.