Cuộc họp hàng năm: Dhamma Giri, Ấn Độ, ngày 10 tháng 1 năm 1999

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

Câu hỏi: Thưa thầy, xin thầy vui lòng giải thích những người phục vụ Dhamma phải hành thiền như thế nào vào lúc 9 giờ tối khi thiền sư phụ tá mở băng metta cho người phục vụ?

Thầy Goenka: Những người phục vụ Dhamma nên hiểu một cách đúng đắn những gì họ đang làm. Họ không nên biến nó thành một nghi thức hay một nghi lễ; bằng không sẽ làm mất thì giờ, và điều này sẽ gây ra một tiền lệ không tốt, nó sẽ có hại trong tương lai.

Họ nên giữ sự chú tâm ở trên đỉnh đầu, có ý thức về bất cứ cảm giác nào ở đó và sự thật là cảm giác này là vô thường. Khi họ sống với sự thật của anicca họ sẵn sàng chấp nhận những rung động của metta hay những rung động của Dhamma đã được ban phát. Họ phải sẵn lòng chấp nhận những rung động tốt. Nếu họ bắt đầu làm việc như vậy, chẳng bao lâu họ sẽ bắt đầu cảm thấy có những rung động tốt lành mà họ có thể thu nhận được.

Trong suốt cả ngày họ làm việc tích cực; thì trong những buổi metta này họ tiếp nhận được sức mạnh mới, và trở nên tươi tỉnh để tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau.

Câu hỏi: Thưa thầy chúng con có thể tổ chức những khóa thiền Anapana 3 ngày cho người lớn không?

Trả lời: Khóa thiền nội trú Anapana 3 ngày cho những thiền sinh mới vào lúc này hoàn toàn bị cấm. Một khóa thử nghiệm với những pháp thoại mới đã được cho phép vài tháng trước ở Jaipur, và chúng ta đang quan sát những kết quả. Chúng ta cũng có những sự nhận xét từ phương Tây bởi vì đã có một vài khóa được tổ chức ở đó.

Trong vài trường hợp, đặc biệt ở Ấn Độ, người ta đi tới khóa thiền với sự trông đợi cao. Họ nghĩ rằng: “Tôi sẽ nhận được an bình và hài hòa khi tôi hành thiền, thật tuyệt vời!” Nhưng trong khóa thiền 3 ngày họ không kinh nghiệm được sự an bình bởi vì đây là loại thiền mà tâm trí đang bị giải phẫu. Tất cả các con đều biết rằng trong 3 ngày đầu của khóa thiền có rất nhiều phản ứng. Do đó, thiền sinh đáng thương trở về nhà với tất cả những điều này ở trên bề mặt – đau ở chỗ này, chỗ khác và dao động. Về nhà họ sẽ nói với người khác: “Tôi đã học một khóa Vipassana và nó vô dụng, tôi đã phí thì giờ của mình.” Bây giờ chúng ta đã lập nên một hàng rào ngăn chặn người này tham dự khóa thiền trong lương lai, và chúng ta đã biến người đó thành một công cụ lan truyền sự tiêu cực tới người khác.

Những người cảm thấy an bình trong một khóa thiền 3 ngày sẽ nói: “Bây giờ tôi đã biết những người này dạy cái gì, tôi sẽ tiếp tục làm ở nhà. Tại sao tôi phải dự một khóa 10 ngày ở đó? Họ đã giải thích toàn bộ phương pháp Vipassana, tôi đã có đủ.” Một lần nữa chúng ta đã tạo dựng lên một rào cản.

Do đó chúng ta phải xem xét những thử nghiệm khóa thiền Anapana này thực sự có kết quả hay không. Hiện giờ khóa thiền 3 ngày cho thiền sinh mới không nên được tổ chức.

Câu hỏi: Cha mẹ có thể dạy Anapana cho con cái họ không hoặc ngược lại? Bác sĩ có thể dạy cho bệnh nhân không, và những người hành thiền có thể dạy cho những người thân đang bị ốm nặng hay những người bạn của họ không?

Trả lời: Chỉ những người đặc biệt được phép dạy Anapana, những người khác thì không nên làm vậy. Sự cho phép đặc biệt là dành cho cha mẹ để chỉ cho con cái, con cái dạy cho cha mẹ, thầy giáo dạy cho học sinh và bác sĩ dạy cho bệnh nhân.

Cha mẹ có thể hỏi con cái rằng: “Chỉ quan sát hơi thở, quan sát hơi thở,” trong vòng hai, ba hay năm phút, chỉ như vậy thôi. Họ không nên dạy hết cả khóa. Cứ như thế – cho cha mẹ, cho con em, cho học sinh hay là bệnh nhân, các con có thể chỉ cách thực hành Anapana trong vài phút, nhưng không phải là cả ngày, không phải giống như một khóa thiền.

Câu hỏi: Mặc dù có sự nhấn mạnh về các tông phái ở Ấn Độ có rất nhiều giai cấp, tín ngưỡng và niềm tin. Xin thầy vui lòng nói vài điều về cách giải quyết những khó khăn nảy sinh từ những việc này?

Trả lời: Vipassana sẽ giải quyết tất cả những khó khăn như thế. Ta không thể nói ta thuộc về một đẳng cấp cao hay thấp chỉ bởi ta được sinh ra từ một người mẹ thuộc về giai cấp đặc biệt đó. Dhamma không kỳ thị theo cách đó. Một con người là một con người cho dù thuộc về giai cấp này hay giai cấp kia, thuộc cộng đồng này hay cộng đồng kia. Nếu ta được củng cố trong Dhamma thì rất tuyệt vời, và người khác phải tỏ lòng kính trọng. Nhưng nếu có ai đó thuộc về một giai cấp rất cao nhưng không thực hành Dhamma, người này đáng được thương hại.

Tại một trung tâm Vipassana mọi người làm việc chung với nhau và hiểu rằng chỉ có Dhamma mới làm cho người ta trở thành cao sang hay hèn hạ. Những vấn đề về giai cấp và cộng đồng sẽ tiêu tan. Người ta từ tất cả những cộng đồng, truyền thống tôn giáo và giai cấp ngồi chung với nhau, xếp hàng và ăn cùng nhau. Họ quên đi là họ đang giàu hay nghèo, học cao hay vô học, từ giai cấp cao sang hay thấp kém. Vipassana là một giải pháp duy nhất, không những chỉ cho quốc gia này mà còn cho toàn thế giới.

Câu hỏi: Một thiền sư phụ tá có thể thêm cái gì đó vào sự hướng dẫn hay lời pháp thoại trong một khóa thiền 10 ngày hay trong khóa của trẻ em không thưa thầy?

Trả lời: Tại sao một thiền sư lại muốn thêm cái gì đó hoặc sửa đổi cái gì? Có khuyết điểm nào trong lời giảng dạy không? Sự giảng dạy đã được chấp nhận bởi toàn thể thế giới mà không có một sự phê bình nào là có điều gì sai trái trong đó.

Có một khuynh hướng là cái ngã mạn vi tế nảy sinh trong khi một thiền sư ngồi trên chỗ của Dhamma làm cho người đó nghĩ rằng: “Tôi ở đây không phải chỉ để mở máy mà thôi. Thầy Goenka đã nói rất nhiều, bởi vậy bây giờ tôi phải nói cái gì đó.” Và ngay khi một thiền sư thêm điều gì vào, một thiền sư khác sẽ thấy muốn thêm cái gì đó nữa. Sự sai lệch sẽ bắt đầu, và chỉ trong vòng vài thế hệ, hay ngay như chỉ trong vòng vài năm, toàn bộ giáo huấn sẽ bị hư hỏng.

Giáo huấn của Đức Phật được trao truyền ở đây là kevalan paripunnan – đầy đủ, không có gì để thêm vào; kevalan parisuddhan – tinh khiết đến nỗi không có gì cần phải lấy ra. Không một thiền sư, thiền sư phụ tá hay thiền sư cho trẻ em nào phạm phải lỗi lầm thêm vào hoặc lấy ra từ sự giảng dạy này. Hãy làm việc đúng như các con được yêu cầu.

Câu hỏi: Tại sao lại quan trọng cho chúng con những thiền sinh, người phục vụ Dhamma, tín viên, thiền sư phụ tá và thiền sư – phải thực hành metta vài phút sau những lần ngồi thiền hàng ngày?

Trả lời: Làm điều này có lợi cho chính các con. Metta tạo ra những rung động tốt và thiện lành cho người khác. Ngay khi các con tạo ra những rung động này chính các con đã có được lợi lạc. Cùng một cách đó, khi các con tạo ra những rung động bất thiện của ác ý đối với người khác, các con là nạn nhân đầu tiên và trở nên khổ sở.

Bây giờ các con phải thay đổi khuôn mẫu thói quen đó để các con nghĩ rằng: “Thay vì tạo ra ác ý hãy để tôi học cách làm thế nào tạo ra thiện ý cho người khác.” Các con không thể tạo ra thiện ý trừ khi tâm của các con đã được thanh tịnh tới một mức nào đó, do đó các con ngồi một tiếng để thanh lọc tâm, rồi học cách để tạo ra thiện ý cho người khác. Đó là sự thực tập giúp các con thay đổi khuôn mẫu thói quen.

Câu hỏi: Bởi vì Vipassana quá sức giản dị, trực tiếp, không màu mè và có thể thực hành mọi nơi, thế thì tại sao chúng ta phải cần tới Đại tháp?

Trả lời: Các con có thể thực hành Vipassana bất cứ nơi nào, nhưng tại sao thầy lại yêu cầu các con ngồi thiền chung với nhau một lần mỗi tuần? Mặc dù các con thực hành ở nhà mỗi sáng và mỗi tối, thì rất có thể do những hoàn cảnh khó khăn khác nhau sự hành thiền của các con có thể trở nên yếu kém. Một trong những anh chị em Dhamma có thể tạo ra những rung động tốt lành trong lúc hành thiền, nếu các con ngồi chung với nhau thì năng lượng của các con sẽ được nạp lại, các con có thể làm việc được tốt hơn.

Các con có thể tươi tỉnh trong cả tuần lễ và đủ mạnh để đương đầu với khó khăn. Lợi ích này có thể nhờ vào sự hành thiền của 20, 30 hay 50 người ngồi chung với nhau. Khi cái tháp vĩ đại này được xây dựng cho 8.000 tới 10.000 người ngồi chung với nhau hàng tuần, có thể là một tiếng, nửa ngày hay cả ngày. Người ta nhận được rất nhiều lợi lạc, hay nhận được năng lượng Dhamma từ những buổi ngồi thiền như thế.

Câu hỏi: Thầy có thấy sự nguy hiểm nào trong việc người hành thiền Vipassana trộn lẫn Vipassana với cách trị liệu hay những phương pháp mà họ có thể làm kế sinh nhai?

Trả lời: Ngay khi các con trộn lẫn Vipassana với kế sinh nhai của các con, các con đã làm hại chính mình cũng như những người khác. Hãy hiểu điều này xảy ra như thế nào: Các con có thể giúp người khác bằng loại trị liệu nào đó, và không có gì sai trái trong việc giúp đỡ người khác, hãy tiếp tục. Nhưng một khi các con thêm Vipassana vào đó, người ta sẽ nghĩ rằng những lợi lạc mà họ có được nhờ Vipassana là do sự trị liệu khác. Ngay như họ có thấy rằng lợi lạc là nhờ Vipassana, bây giờ Vipassana sẽ được coi là cách trị liệu thứ yếu – chỉ là một sự hỗ trợ cho sự trị liệu chính yếu.

Đây là cách mà các con bắt đầu làm hại người khác. Bất cứ ai tạo ra cản trở trong sự tiến bộ của người khác trên con đường giải thoát là đã làm một hành động bất thiện lớn nhất. Nó vô cùng tai hại. Không có bất cứ trường hợp nào dù là trực tiếp hay gián tiếp, để có thể dùng Vipassana như một nghề nghiệp, một kế sinh nhai.

Câu hỏi: Thưa thầy, tại sao chỗ của Dhamma lại cao hơn chỗ ngồi của thiền sinh trong thiền đường?

Trả lời: Mục đích duy nhất của tất cả những điều luật đã được đặt ra tại trung tâm là để những người tới học Vipassana sẽ nhận được tối đa lợi lạc trong lúc họ ở đó. Không còn một lý do nào khác cho những điều luật này. Chỗ của Dhamma không phải được đặt cao hơn để ngã mạn của thiền sư được thổi phổng lên. Không phải như vậy.

Một lý do trần tục là nếu thiền sư không ngồi cao hơn một chút thì người đó không thể thấy thiền sinh và thiền sinh cũng không thể thấy thiền sư. Tuy nhiên đây cũng không phải lý do duy nhất. Một lý do khác là thiền sư không giảng dạy một cách máy móc mà tạo ra những rung động về tình thương và lòng từ bi. Những rung động luôn luôn di chuyển từ chỗ cao tới chỗ thấp, do đó thiền sinh ngồi thấp hơn thiền sư có thể nhận được lợi lạc từ những rung động metta này. Tất cả những gì được làm là để cho thiền sinh khi tới với khóa thiền, đã bỏ lại đằng sau tất cả những trách nhiệm của đời sống trong 10 ngày, có thể nhận được lợi ích tối đa khi ở lại đây.

Câu hỏi: Tại một trung tâm nên có hoa và cây ăn trái không?

Trả lời: Khi các con nói về cây cối trung tâm, chắc chắn là mọi thứ phải xanh tươi, đầy hoa và trái. Không có gì sai trong việc này cả. Tại đây chúng ta có hoa và trái cây – nó không làm hại ai cả. Hãy nên có hoa và quả!

Câu hỏi: Thưa thầy, thầy nói rằng chúng ta nên thực hành ”sự quan sát không cần nỗ lực,” rồi thầy nói chúng con phải kiểm soát được tâm. Xin thầy vui lòng nói rõ về điểm này?

Trả lời: “Sự quan sát không nỗ lực” nghĩa là các con không nên nỗ lực để tạo ra cảm giác mà các con thích, hoặc để loại trừ loại cảm giác nào mà các con không thích. Nó không có nỗ lực là vì mọi việc cứ xảy ra mà các con không làm một nỗ lực nào để thay đổi chúng. Các con không phải là chủ nhân của những cảm giác, đó là luật tự nhiên đang hoạt động. Chỉ quan sát không làm gì cả. Nhưng nỗ lực phải là để quan sát. Nếu các con không nỗ lực để quan sát cảm giác, tâm sẽ đi lang thang đây đó và các con sẽ nghĩ rằng: “Ồ, đây là không có nỗ lực.” Nhưng các con đã đạt được cái gì khi làm như thế. Do đó nỗ lực phải là để có ý thức và chú tâm là một phần quan trọng trong sự hành thiền, nhưng nỗ lực để tạo ra một loại cảm giác đặc biệt nào đó là sai trái.

Câu hỏi: Thầy dạy atta hi attano natho – các con là chủ nhân của chính mình. Thế thì tại sao những thế lực ở bên ngoài, hay là Mara, ảnh hưởng tới chúng con, tâm của con, hay sự theo đuổi Dhamma của con?

Trả lời: Mara không phải là một thế lực bên ngoài mà là bên trong. Mara là sự thể hiện những bất tịnh của chính các con, khuôn mẫu thói quen của tâm không ngừng tạo ra những bất tịnh, không ngừng chú trọng vào những đối tượng của giác quan này hay giác quan khác. Bây giờ các con phải phát triển atta hi attano natho, các con phải phát triển sự làm chủ tâm mình, như vậy Mara không thể chơi trò khiến các con phải xa lìa tâm mình và làm hại chính mình. Một lần nữa phải làm chủ được chính mình và Mara không thể làm hại các con bằng bất cứ cách nào. Không Mara nào có thể làm hại các con nếu các con thực sự là attahi attano nato.

Câu hỏi: Trong Satipatthana Sutta Kinh về tạo lập ý thức, chúng con được đòi hỏi phải ý thức về sự thiếu ý thức của mình. Làm sao điều này có thể xảy ra thưa thầy?

Trả lời: Để thoát khỏi sự thiếu ý thức các con phải tỉnh thức và nhận ra rằng: “Bây giờ tôi đang mất sự ý thức, tâm của tôi đã đi lang thang chỗ khác hay đang trở nên buồn ngủ. Tôi phải có ý thức.”

Các con phải có ý thức cái gì đó đang sai trái. Nhiều khi các con không có ý thức về điểm này. Nhưng ngay khi các con nhận ra điều gì đã xảy ra, hãy tự nghĩ rằng: “Ồ, hãy xem, tôi đã có lỗi lầm, bây giờ tôi phải rất tỉnh thức, tôi sẽ không cho phép nó lại xảy ra.” Do đó ngay khi sự lười biếng, buồn ngủ, hay sự thiếu ý thức bắt đầu, các con phải tỉnh thức, và các con không để cho nó trấn áp. Sự tỉnh thức này rất cần thiết.

Câu hỏi: Xin thầy vui lòng cho chúng con sự hướng dẫn cách làm thế nào để có tài chính cho những công việc lan truyền Dhamma?

Trả lời: Thầy không phải ở đây để dạy cho người ta cách làm sao để có tiền. Đây không phải là công việc của một thiền sư Dhamma. Các con càng đòi hỏi người ta cho tiền thì họ càng chạy xa khỏi các con. Không nên để cho người ta chạy xa Dhamma! Hãy chỉ để những thông tin cho họ biết, cho dù họ là người hành thiền hay không phải người hành thiền, “Đây là cơ hội để có được công đức. Những công việc tốt này cần phải được làm.” Nếu người đó được thuyết phục và cảm thấy muốn hiến tặng thì người đó sẽ có cơ hội để có được công đức. Nhưng không bao giờ được cưỡng ép người nào bằng cách nói rằng: “Hãy cho tiền, hãy cho tiền. Hãy xem dự án của chúng tôi rất tuyệt vời! Bạn phải cho tiền.” Điều đó hoàn toàn sai trái. Nó không được phép trong Dhamma.

Một vị sư đứng ở trước nhà của cư sĩ với bình bát nhưng vị đó không phải ở đó chỉ để xin ăn mà thôi. Chủ ý của ông ta là để cho người cư sĩ có cơ hội có được công đức bằng cách cúng dường. Nếu người cư sĩ không muốn có được công đức này, mỉm cười, ban phát metta, vị sư tiếp tục đi xa hơn. Truyền thống này phải được duy trì trong mọi lãnh vực của Dhamma.

Câu hỏi: Trong 2 năm đặc biệt kỷ niệm ngày sinh 100 năm của Sayagi U Ba Khin và thế kỷ mới, những việc nào mà thầy muốn chúng con phải chú trọng vào? Thầy có thêm những hướng dẫn nào khác cho chúng con không?

Trả lời: Điều quan trọng nhất cho một hay hai năm sắp tới là mọi người khắp thế giới, những người dù chỉ mới ngồi một khóa, và chỉ đạt rất ít lợi ích trong Dhamma phải phát triển lòng biết ơn đối với vĩ nhân này và bày tỏ lòng cảm kích.

Ngài U Ba Khin không phải là một con người bình thường. Những người gần gũi với ngài hiểu được những parami mạnh mẽ mà ngài đã có trong quá khứ như thế nào, và vô lượng metta mà ngài đã ban cho người khác như thế nào. Ngài có một chủ ý Dhamma rất lớn lao là Vipassana phải được trở về Ấn Độ, quốc gia mà Miến Điện nhận được Dhamma từ đó, để trả món nợ về lòng biết ơn. Ngài hoàn toàn tin tưởng rằng từ Ấn Độ Dhamma sẽ được lan truyền khắp thế giới. Nếu như ngài không có chủ ý lớn lao đó thì sẽ không có Goenka. Không có một công đức nào có thể dành cho Goenka, toàn thể công đức truyền bá Dhamma là để dành cho thầy U Ba Khin. Trong lễ kỷ niệm ngày sinh của thầy U Ba Khin, tất cả chúng ta nên cảm thấy lòng biết ơn sâu sắc đối với ngài.

Cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn là tự mình củng cố vững vàng trong Dhamma. Hãy trở thành người hành thiền Vipassana lý tưởng. Những người biết các con nên nghĩ rằng: “Đây là một thiền sinh theo truyền thống của thầy U Ba Khin, và người này là một tấm gương tuyệt vời!”

Cách thứ hai để bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài là phục vụ để càng ngày càng có nhiều người được lợi ích từ Dhamma. Mọi người trên khắp thế giới đã không biết sự hiện hữu của phương pháp tuyệt vời này, phương pháp giúp họ thoát khỏi khổ đau. Phương pháp rất là khoa học, hợp tình hợp lý, phương pháp hướng về kết quả và không tông phái, không có bất cứ sự cải đạo nào. Người ta nên biết về điều này. Hãy suy nghĩ cách làm sao các con có thể giúp để sự hiểu biết này được lan truyền.

Ở phương Tây các cuộc hội thảo sẽ được tổ chức để giới thiệu cho người ta về Vipassana. Tốt, điều này sẽ giúp cho những người ở phương Tây được nghe về Dhamma. Ở gần Mumbai một tháp mới đang được xây cất. Nhờ cái tháp này người ta sẽ nhớ tới thế kỷ mà Dhamma đã trở về Ấn Độ từ Miến Điện như thế nào, và được gửi đi bởi Ngài Sayagi U Ba Khin. Cái tháp này sẽ giống như một hải đăng sẽ tỏa sáng khắp thế giới khích lệ sự tôn kính và lòng cảm kích đối với ngài Sayagi U Ba Khin.

Thiền đường trong tháp sẽ chỉ được dùng cho Vipassana mà thôi, không làm gì khác. Người khác sẽ không được vào bên trong cho dù chỉ để thấy những gì bên trong. Chỉ những người tới để hành thiền sẽ được tiếp nhận.

Ở bên ngoài sẽ có một phòng trưng bày là nơi du khách có thể thấy Đức Phật là một người như thế nào, Ngài đã giảng dạy phương pháp tuyệt với này như thế nào, và lợi ích mà người ta có thể đạt được trong cuộc đời. Điều này sẽ làm cho họ hứng khởi để tham gia một khóa Vipassana ở đâu đó. Phòng trưng bày này rất quan trọng, bởi vì bất hạnh thay trong quốc gia này người ta không biết gì về Đức Phật và giáo huấn của Ngài.

Hãy tiếp tục phục vụ Dhamma với tất cả lòng biết ơn đối với ngài Sayagi U Ba Khin. Nguyện cho tất cả các con được thành công.

(Ghi chú: Tới đây những câu hỏi của thiền sư phụ tá chấm dứt. Những câu hỏi còn lại đều là của người phục vụ Dhamma.)

Câu hỏi: Thưa thầy, xin thầy cho con biết để trở thành một người phục vụ tốt cần những gì?

Trả lời: Các con trở thành một người phục vụ Dhamma tốt bằng cách làm tốt việc phục vụ Dhamma. Sự phục vụ Dhamma tốt được thực hiện khi chủ ý của các con là để cho những người tới khóa thiền phải có được lợi lạc. Các con phục vụ không phải để thổi phồng bản ngã bằng cách cư xử như một cảnh sát, la mắng những người không tuân theo kỷ luật. Nếu các con cư xử như thế, những sankhara bất thiện mà các con đã tạo ra sẽ làm hại thiền sinh. Hãy tạo ra sankhara thiện lành, tràn đầy metta, và các con sẽ trở thành một người phục vụ Dhamma rất tốt.

Câu hỏi: Xin thầy cho chúng con biết thế nào là một người tín viên tốt?

Trả lời: Một người đáng tin cậy là một tín viên. Hãy củng cố vững vàng trong Dhamma và trở thành một người đáng tin cậy. Mục đích phục vụ trong cương vị một tín viên là để truyền bá Dhamma, phục vụ Dhamma. Đó không phải là một chức vụ về quyền lực hay địa vị. Thật điên rồ khi nghĩ rằng: “Bây giờ ta là một tín viên, ta có một quyền lực nào đó, do đó ta có thể làm những hành động này.” Không đâu, con không có quyền lực nào cả, các con chỉ có cơ hội để phục vụ người khác.

Sau một, hai hay ba năm mỗi một tín viên phải từ nhiệm và một người khác sẽ có cơ hội để phục vụ. Một lý do cho chính sách này là để cho càng ngày càng nhiều người có cơ hội nhận được công đức bằng cách phục vụ Dhamma trong cương vị của một tín viên. Một lý do khác là một khi một tín viên đã từ nhiệm, chúng ta có thể xem xét người này đã thực sự phát triển trong Dhamma như thế nào. Người này còn phục vụ y hệt như thế không? Nếu không thì người này đã không học hỏi được Dhamma, và sự phục vụ trước đây là không phải cho Dhamma mà vì chức vụ và bản ngã của họ. Nếu có người không còn là tín viên nữa vẫn tiếp tục phục vụ cùng một kiểu cách thì rõ ràng là người này đã phát triển trong Dhamma.

Câu hỏi: Thưa thầy, sau hết xin thầy cho chúng con biết thế nào là một thiền sư phụ tá tốt?

Trả lời: Nếu ta phục vụ đúng đắn ta là một thiền sư phụ tá tốt. Làm sao ta có thể phục vụ một cách đúng đắn? Vị trí của một thiền sư phụ tá không phải để thổi phồng bản ngã, đó là cơ hội để phục vụ người khác, để phát triển parami cho chính mình. Phải không có một chút ngã mạn nào trong một thiền sư. Ta đang phục vụ người khác, do đó ta nên tràn đầy sự khiêm nhường và metta. Vì mục đích này chúng ta đã yêu cầu mọi thiền sư phụ tá và thiền sư phục vụ một khóa trong cương vị một quản lý khóa thiền hay một người phục vụ bình thường. Cái ngã mạn của thiền sư bị tiêu tan trong khi phục vụ như vậy và người khác thấy rằng đây là một truyền thống tuyệt vời khi mà một thiền sư cũng tham gia phục vụ. Điều này tốt cho thiền sư và cho người khác.

Có một thước đo duy nhất để đo lường một thiền sư phụ tá: nếu ngã mạn gia tăng và hành vi trở nên khiếm nhã và không nhỏ nhẹ thì người này không phải là một thiền sư Dhamma tốt. Nếu ngã mạn được giảm thiểu và thiền sư tràn đầy tình thương và lòng từ bi thì ta là một thiền sư tốt. Toàn thể ý định là để phục vụ càng ngày càng được nhiều người hơn trong Dhamma.

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Tổng Hợp, Trích Dẫn Hoặc Chuyển Ngữ Từ Các Tài Liệu Về Thiền Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app