PHẦN I

1.4 TỨ DIỆU ĐẾ

Ở phần trước (1.3), chúng ta đã nhận ra rằng mục tiêu của 37 phẩm Bồ đề là Tứ Diệu Ðế (hình 1-1). Tứ Diệu Ðế gồm có:

1) Khổ đế (Dukkha Sacca):5 uẩn, danh và sắc là khổ
2) Tập đế (Samudaya Sacca):nguyên nhân của khổ là lòng Tham ái
3) Diệt đế (Nirodha Sacca) ; diệt đế là Níp bàn
4) Ðạo đế (Magga Sacca): chính là thánh đạo tám ngành.

1.4.1. Những nét đặc trưng của Tứ Diệu Ðế

1- Khổ đế:

Mang nét đặc trưng của sự bất an, không có khả năng giữ bản chất giống nhau. Cả thân lẫn tâm đều bất an. Thân bất an là do khổ thọ, và tâm liên tục tìm một đối tượng dục lạc mới – để được hạnh phúc, nhưng thực tế khi ấy họ đang chịu sự khổ đau. Người diệt khổ, luôn luôn không tìm kiếm và bó buộc vào những đối tượng dục lạc khác nhưng luôn khi được an vui và thoải mái.

2- Tập đế:

Nguyên nhân của lòng Ái dục. Sắc và danh pháp chẳng bao giờ ngừng hoạt động; thấy, nghe, xúc, thọ, xem xét (tầm) và quyết định, v.v…

3- Diệt đế:

Mang nét đặc trưng của sự thoát khỏi bất an, bởi vì nó không còn tham ái (taṇhā), đạt được sự an lạc của Níp bàn.

4- Ðạo đế:

Mang nét đặc trưng bởi có những phẩm chất thích hợp cần thiết để nhận ra Tứ Diệu Ðế và đạt Níp bàn.

1.4.2. Áp dụng Tứ Diệu Ðế

  1. Nhận thức được sự khổ (khổ là 5 uẩn: sắc pháp và danh pháp). Ðây không phải là cái khổ bình thường (đau nhức) nhưng là sự khổ cố hữu (dukkha – sacca).
    2. Tập đế là nguyên của đau khổ
    3. Diệt đế là con đường không còn đau khổ
    4. Tiếp theo là Bát Chánh Ðạo dẫn đến sự nhận chân Tứ Diệu Ðế.

1.4.3. Sự tu tập như thế nào để phù hợp Tứ Diệu Ðế

  1. Nó cho thấy chân lý của sự khổ (khổ đế): Và như vậy chúng ta tu tập để nhận ra khổ. Khổ là danh sắc.
  2. Nó cho thấy những phiền não dẫn đến đau khổ. Như vậy chúng ta phải tu tập để đoạn trừ ái dục. Chúng ta càng ý thức được khổ, thì tham ái (taṇhā) bị tận diệt. – vì tham ái có tri kiến cho rằng sắc pháp và danh pháp là “chúng ta = ngã” và do đó “chúng ta” khổ.
  3. Sự giảm bớt phiền não dẫn đến sự đoạn diệt (nirodha) bởi vì tham ái càng bị đoạn diệt, hành giả càng tiến gần níp bàn.
  4. Càng tiến đến đoạn diệt, càng phát triển 8 chánh đạo

Nếu trí tuệ nhận thức được khổ đế, sau đó nhận thức được toàn bộ Tứ Diệu Ðế, và sự tu tập được hoàn thiện.

1.4.4. Khổ đế

Chúng ta (danh sắc) luôn luôn đau khổ trong kiếp sống này. Ðây là khổ đế và không thể điều trị được. Danh và sắc luôn luôn khổ ở mỗi tư thế, và mọi thời điểm.

Có hai loại khổ cơ bản:

  1. a) Khổ vì phiền não hay khổ tâm
    b) Khổ vì quả hay khổ thân.

Loại thứ nhất có thể loại trừ ngay kiếp sống này, ngay tại thế gian này, bằng cách tu tập Minh sát tuệ cho tới khi đạt được quả A la hán. Loại thứ hai, quả không thể đoạn trừ trong kiếp sống này. Nếu một vị A la hán còn sống, vị này vẫn còn khổ vì quả. Vipāka có nghĩa là “quả”, và ở trường hợp này đề cập đến khổ là kết quả tự nhiên của việc tái sinh, có danh sắc (nguyên nhân của khổ tập).

Danh pháp và sắc pháp chính là kết quả sự tái sinh, được tạo nên bởi vô minh và ái dục. Ðiều này chỉ có thể đoạn diệt bằng cách không tái sinh (đạt đến Níp bàn trọn vẹn) và như vậy loại trừ ngũ uẩn.

1- Bốn loại khổ

  1. Khổ thọ (dukkha vedanā) (thường đau đớn trong thân – và danh pháp biết được nó – đau khổ tinh thần do đau khổ thân xác tạo nên. Ngoại trừ với một vị A la hán, chỉ cảm thấy đau đớn thân xác.)
  2. Hành khổ (sankhana dukkha) (trong tu tập, sự đau đớn được thay đổi hoặc được điều trị bằng cách thay đổi tư thế. Ðiều này khó nhận thấy hơn khổ thọ)
  3. Hoại khổ (dukkha lakkhana) (tri kiến cho thấy rằng khổ được nhận thấy ở sắc pháp và danh pháp có 3 đặc tính (tam tướng). Ðiều này được nhận thấy ở Tuệ thứ 4 trong 16 tuệ – Tuệ sanh diệt (udayabbhaya-ñāṇa)
  4. Khổ đế là chân lý đau khổ hiện có, và chúng ta không thể thay đổi được điều gì – và đây là chân lý thật sự. Và chúng ta không thể thay đổi già, bệnh, và chết. Khổ với phiền não có thể bị đoạn trừ bằng cách đạt được quả vị A la hán; nhưng đây là khổ với quả và chỉ có thể thay đổi được bằng cách không còn tái sinh nữa.

Khổ thọ giống như một bệnh nhân trong bệnh viện. Hành khổ giống như một y tá cảm thấy không được thoải mái khi phải săn sóc bệnh nhân.

Những hành giả mới bắt đầu tu tập phải nhận ra khổ thọ trước tiên, bởi vì nó dễ dàng nhận thấy hơn. Sau đó, tiếp theo là hành khổ, nó khó nhận thấy hơn khổ thọ.

Hoại khổ đòi hỏi trí tuệ minh sát.

Khi khổ đế được hành giả nhận ra bằng trí tuệ, sau đó hành giả sẽ thấy chỉ có khổ trong thế gian, và không có hạnh phúc. Khi hành giả thấy được khổ đế, lập tức sẽ nhận thức tất cả Tứ Diệu Ðế

2- Mười một loại Khổ đế mà Ðức Phật khám phá:

Quả: 1) Sanh (của 5 uẩn)
2) Già (của 5 uẩn)
3) Chết (của 5 uẩn)
Khổ với phiền não: 4) Sầu
5) Bi
6) Khổ
7) Ưu
8) Não
9) Gần người không thích
10) Xa cách người thương mến
11) Mong cầu mà không được

Tất cả đều khổ đau, là đang bám víu vào chúng – được tạo nên bởi 5 uẩn.

Bất cứ ai thỏa thích với thân xác
Ở sự thấy, nghe, tưởng, hành và thức
Vị này thỏa thích trong đau khổ, và bất cứ ai
Thỏa thích trong khổ đau sẽ không thoát khỏi khổ đau.
— (Tương Ưng Bộ Kinh, XXII 2a)

Những lời trích dẫn trên đề cập đến sự tương phản của khổ, đó là lạc . Bởi vì lạc là vô thường và không thể vững bền, đó là khổ thọ và vì nó không kiểm soát được, nó là vô ngã (anatta).

Ðể chấm dứt khổ, chúng ta phải nhận thức khổ qua sự tu tập. Thấy khổ bằng trí tuệ sẽ dẫn dắt hành giả vượt khỏi sự tái sinh (vata). Bởi vì phiền não rất mạnh mẽ và dai dẳng, nó cần thiết phải dùng trí tuệ để nhận thức khổ và đoạn diệt nó.

Khi quán sát khổ, người ta phải dùng sắc pháp và danh pháp trong khoảnh khắc hiện tại làm đối tượng, bởi vì sắc pháp và danh pháp là khổ đế. Chúng ta càng nhận thức khổ bằng trí tuệ, thì càng đạt nhiều lợi ích từ sự tu tập. Lợi ích này là sự diệt bỏ tham ái. Càng nhận thấy nhiều hạnh phúc, thì đau khổ càng không được nhận ra và không đạt được lợi ích từ sự tu tập. Một số hành giả thay vì nhận thấy khổ, lại thỏa thích trong hạnh phúc, thay vì định (samadhi), và họ càng yêu thích nó. Những gì họ yêu thích, thực sự là Năm Uẩn. Năm Uẩn có khổ thọ, lạc thọ và xã thọ – như vậy đặc biệt họ thích lạc thọ trong 5 uẩn. Cảm nhận điều này, hành giả tưởng nó là Níp bàn. Cảm giác này (lạc thọ) không thể loại trừ phiền não, và mang lại kinh tởm với sắc pháp và danh pháp, như là Níp bàn thật sự (Níp bàn là vượt khỏi Ngũ Uẩn).

3- Khổ trong lục căn

Sự sinh ra của 5 uẩn (danh và sắc) là khổ đế. Khổ đế xuất hiện bởi sáu căn môn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thức, thân). Ví dụ, khi mắt gặp đối tượng là sắc uẩn. Nhưng thấy (hoặc nghe v.v…) là thức uẩn. Thức uẩn là bao gồm 3 sở hữu: thọ, tưởng và hành uẩn. Như vậy tất cả, nó tạo nên 5 uẩn, và khi 5 uẩn xuất hiện, nó là khổ đế. Sự việc giống như vậy đi qua các căn môn khác, nhãn, nhĩ, thiệt v.v… Trong Phật giáo, chúng ta nói “thế giới”, chúng ta muốn nói đến thế giới Uẩn (Khandha) hoặc thế giới căn xứ (ayatana).

Vishira Theri, tỳ khưu ni, và là một vị A la hán vào thời đức Phật, đã nói “Chỉ có khổ xuất hiện. Chỉ có khổ hiện hữu. Chỉ có khổ là tồn tại. Không có khổ không có bất cứ điều gì”.

1.4.5. Tập đế (samudaya)

Tập đế là nguyên nhân của đau khổ – đó là tham ái . Có ba loại tham ái:

  1. Tham dục (Kama-taṇhā) của ngũ căn (Sắc, thinh, hương, vị, xúc) đối với Kammacunda – dục lạc hoặc các đối tượng hoặc các đối tượng dục lạc. Nếu không có dục lạc trong các đối tượng dục lạc, thì không có tham dục. Ví dụ, nếu hành giả có thu thúc lục căn (indriyacamvara-sīla) với tất cả 5 căn, hành giả sẽ không có tham dục ở thời điểm đó. Tham dục hoàn toàn bị đoạn trừ ở bậc thánh A Na Hàm (Anagami)
  2. Tham muốn tái sinh ở sắc giới (Bhavataṇhā)

“Bhava” có nghĩa đen là “hữu” đề cập đến kiếp sống liên tục tái diễn từ sự tái sinh. Có 31 cõi (bhava), hoặc những trạng thái hiện hữu, có phạm vi từ sanh ra ở những trạng thái khổ sở cho đến những trạng thái cao nhất siêu phàm. Tham ái sắc giới gây cho con người đau đớn đến chết hoặc thương tích trầm trọng hoặc tàn tật bám víu vào đời sống và sự chết. Tham ái sắc giới bị phá hủy hoàn toàn ở bậc thánh A la hán.

  1. Ham muốn tái sinh ở cõi vô sắc (Vibhavatanna)

Ðây là quan điểm “hủy diệt” cho rằng chỉ có một đời sống và chết là hết. Như vậy, bởi vì chỉ có một đời sống duy nhất, người theo thuyết hủy diệt muốn đạt được nhiều lạc thú càng thích trong khi còn sống. Sát na đạo Nhập Lưu đoạn trừ được thân kiến (vibhavataṇhā).

  1. Mọi người đều có tham dục, nhưng với tham dục có nghĩa là chúng ta vừa có tham dục, vừa ái sắc giới, chúng ta ham muốn sống cả sắc giới và vô sắc giới.

Tất cả 4 loại ái dục ở trên dẫn đến tái sinh một kiếp sống mới.

1.4.6. Diệt đế (Nirodha-sacca)

Diệt đế là sự đoạn diệt khổ. Diệt đế và Níp bàn thì giống nhau. Níp bàn là pháp diệt trừ phiền não.

Sự việc này được thực hiện bằng cách đoạn diệt nhân của khổ, tập hoặc ba thành phần của tham ái. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của Níp bàn không có khổ, vì 5 uẩn đã đoạn diệt, sự kiện này xảy ra hết sức ngắn ngủi trong một sát na ý tưởng được gọi là tâm đạo (xem 1.1.1) khi hành giả nhận thức được khổ bằng trí tuệ, sau đó vị này biết rằng tham ái là nhân và vì thế vị này biết rằng phải từ bỏ tham ái. Khi nhân này bị đoạn diệt thì quả cũng thế.

Nếu tham ái hoàn toàn bị tận diệt, và rồi hành giả sẽ đạt được Níp bàn và đạo quả A la hán. Nếu hành giả không nhận ra được tham ái là nguy hại, vị này không thể đạt được Níp bàn – và như vậy đoạn diệt khổ. Níp bàn là:

Sự dập tắt lửa tham, lửa sân và lửa si, không duyên; mục đích tối cao của Phật giáo, sự giải thoát cuối cùng, sự dập tắt tất cả phiền não và đau khổ [1] .

Ðặc tính của Níp bàn là an lạc, vắng lặng và đoạn diệt phiền não. Người nhận thức Níp bàn là tốt lành và ham muốn đạt tới cũng là người nhận ra được “khổ” trong thế gian (5 uẩn). Nếu ai đó cho rằng thế gian là hạnh phúc, Níp bàn là vô nghĩa đối với họ.

Không có sanh tử trong Níp bàn. Không còn sắc pháp và danh pháp nữa, hoặc Năm Uẩn; sắc pháp và danh pháp không còn là đối tượng của thiền. Níp bàn không phải là một nơi chốn, nhưng nó vẫn tồn tại. Nó giống như ngọn gió; hành giả chỉ nhận biết ra nó bằng sự tác động của nó. Níp bàn là đối tượng của tâm tuyệt đối hay đặc biệt, nó là tâm đạo. Một người bình thường bị đắm chìm trong tham ái và tâm đạo không thể sinh khởi trong tám vị này- trừ khi vị này tu tập thiền minh sát. Như vậy khi vị này tu tập thiền minh sát, tâm của vị tu tập này trở nên trong sạch và điều này được gọi là tâm đạo, có Níp bàn làm đối tượng. Níp bàn không phải là tâm, Níp bàn là đối tượng của tâm, đó là tâm đạo.

Người đạt Níp bàn tự mình chứng ngộ – vị này không cần vị thầy chỉ dạy. Không ai có thể đạt Níp bàn mà vị này không tu tập minh sát tuệ, để thành tựu tâm đạo.

Níp bàn là sự diệt khổ, nhưng hành giả không thể đạt níp bàn trừ phi hành giả theo Bát Chánh Ðạo. Có hai loại Níp bàn.

  1. Hữu dư Níp bàn (Saupadisesa-nibbāna). Ðiều này có nghĩa là diệt trừ phiền, nhưng 5 uẩn vẫn còn hiện hữu.
  2. Vô dư Níp bàn (Anupadisesa-nibbāna) . Ðây là sự chết của thân và tâm của một vị không còn phiền não, và được gọi là đại Níp bàn.

1.4.7. Ðạo đế (magga- sacca)

Ðạo đế là Bát Chánh Ðạo, con đường dẫn đến thoát khổ. “Magga” có nghĩa là đạo, hay đường, nó dẫn đến Níp bàn, đó là pháp diệt khổ. Chỉ có một con đường duy nhất đó là Bát Chánh Ðạo và con đường (đạo) đó được tu tập bằng Tứ niệm xứ, là con đường đầu tiên của 37 pháp bồ đề phần, và dẫn đến sự trong sạch, hoặc đoạn trừ phiền não. Bát Chánh Ðạo gồm có Giới Ðịnh và Tuệ là con đường duy nhất để diệt khổ.

Bát Chánh Ðạo

Trí tuệ (paññā):

  1. Chánh kiến (Samma Diṭṭhi)

Nhận thức Tứ Diệu Ðế, là nhận thức (sabhava dhamma) của bản chất thật của các chân lý. Nếu nó là thế tục, danh-sắc làm đối tượng. Nếu nó là siêu thế, níp bàn làm đối tượng.

  1. Chánh tư duy (Samma sankapa)

Nekkhamma: sự tu thân (xuất gia), Abyāpada: không sân, và ahiṃsā: vô hại, không sân. Chức năng của chánh tư duy rất quan trọng. Nó được dùng để giúp: nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác tiến triển đúng trong niệm xứ.

Giới (Sīla):

  1. Chánh ngữ (Samma vacca)

Không nói dối, trụy lạc, nói lời vô ích, hoặc nói lời vô hại đến kẻ khác. (Cội rễ của 4 hành động bất thiện là tham,sân, si. Nếu có chánh ngữ chúng không thể xảy ra.

  1. Chánh nghiệp (Samma Kammanta)

Các giới luật – ví dụ; không làm hại các sinh vật (Chánh tư duy đảm bảo chánh nghiệp).

  1. Chánh mạng (Samma ajiva)

Không có nghề nghiệp gây hại, như mua bán vũ khí v.v… (Ngay cả ăn để điều trị đau khổ là một hình thức chánh mạng)

Ðịnh (Samadhi):

  1. Chánh tinh tấn (Samma vayama)

Tứ chánh cần để loại bỏ phiền não. Tứ chánh cần (xem 1.3.2.) giúp cho định (samadhi) và tuệ (trí tuệ) xuất hiện

  1. Chánh Niệm (Samma Sati)

Ðề cập đến chánh niệm ở tứ niệm xứ. Chánh niệm dựa vào Chánh tinh tấn để phát huy.

  1. Chánh Ðịnh (Samma Samādhi)

Nhất tâm, trong khoảnh khắc hiện tại, trong niệm xứ. Ðể hoàn thiện, Chánh định cần có sự hỗ trợ từ Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm.

Ðể có Chánh Ðịnh đúng đắn, đối tượng của nó phải xuất phát từ Tứ Niệm Xứ.

Chúng ta định nghĩa “Ðạo” là gì? Chỉ có một con đường (Ðạo) duy nhất, con đường dẫn đến giác ngộ. Nhưng “Ðạo” có 8 yếu tố. Như vậy Bát Chánh Ðạo giống như một loại thuốc có 8 thành phần, nhưng cần thiết chỉ dùng 1 viên duy nhất.

Ðức Phật khám phá 8 chánh đạo, và trước thời của ngài không có.

Bát Thánh Ðạo là con đường Trung đạo. Trung đạo là tận diệt si mê. Khi si mê bị tiêu diệt hoàn toàn, người ta nhận ra Tứ Diệu Ðế.

Thực tế Bát Chánh Ðạo là 8 sở hữu tâm. Nó không có ngã hoặc linh hồn, không phải đàn ông, đàn bà. Nó là sabhava [2] . Như vậy thì không có ai nhận ra khổ (dukkha sacca), không có ai đoạn tận Samudaya (tập đế), không có ai đạt diệt đế (nirodha sacca) hoặc Níp bàn, không có ai phát huy đạo đế (magga sacca) [3] .

1.4.8. Trí tuệ thực chứng Tứ Diệu Ðế

  1. Trí tuệ nhận thức được khổ cũng dập tắt Vipallāsa (ảo tưởng) – nghĩa là thân – tâm là thường còn v.v…
  2. Trí tuệ nhận ra samdaya (tập đế) thay đổi được tà kiến cho rằng chúng ta được tạo nên bởi một sức mạnh cao hơn, thay vì là quả của nhân.
  3. Trí tuệ nhận ra diệt đế sửa đổi tà kiến về Níp bàn giả tạo, được tạo ra bởi định tâm
  4. Trí tuệ nhận ra đạo đế đoạn trừ bất cứ sự bám víu vào sự tu tập sai lạc và chỉ cho thấy con đường đích thật (đạo) để diệt khổ.

Bởi vì tham ái bị đoạn trừ (nhân), thế gian của 5 uẩn (Khandha) bị tiêu diệt, và như vậy khổ bị tiêu diệt. Trí tuệ nhận thức được Tứ Diệu Ðế chỉ có trong Phật giáo.

1.4.9. Kết luận

Như trong Thanh Tịnh đạo có nói, Khổ đế giống như một vật nặng nề. Tập đế thì giống như người đang mang một vật nặng. Diệt đế là đang đặt vật nặng xuống, như vậy chúng ta cảm thấy khỏe hơn. Ðạo đế là phương cách để đặt vật nặng xuống — (Samyutta-Nikāya, iii 26).

[1] Tự điển Phật giáo; đại học Phật giáo Rashavoramuni Mahachula, BangKok

[2] Sabhava là trạng thái thật của Bản chất vạn vật. xem phần 1.6.1. với các chi tiết

[3] Chỉ có khổ hiện hữu, không có người khổ được tìm thấy
Hành động, chứ không có người của hành động
Níp bàn, chứ không có người nhập níp bàn
Con đường, chứ không có người du lịch trên con đường
— (bài kệ xưa, trích dẫn trong Visuddhi-magga, XVI)

 

 

* Bài viết trích từ cuốn Giáo Trình Thiền Minh Sát Tuệ của Nữ Thiền Sư Chaan Naeb

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app