Qủa Dự Lưu 2 – 2. Ba Kiết Sử Đầu Tiên – Tỳ Khưu Thanissaro

2. Ba kiết sử đầu tiên

Bốn cấp độ giác ngộ được giải thích qua tiến trình cắt bỏ 10 kiết sử trói buộc chúng ta trong vòng sinh tử luân hồi.

– Này các Tỳ-khưu, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử.

Thế nào là năm hạ phần kiết sử? Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thế nào là năm thượng phần kiết sử? Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử.

Này các Tỳ-khưu, đây là mười kiết sử.

[Tăng Chi 10.13]

Có những Tỳ-khưu là những vị A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.

Có những Tỳ-khưu là những vị Bất lai, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa.

Có những Tỳ-khưu là những vị Nhất lai, đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau.

Có những Tỳ-khưu là những vị Dự lưu, đã đoạn trừ ba kiết sử, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ.

[Trung bộ, 118]

Đối với bậc Dự Lưu, sinh khởi Pháp Nhãn – với tuệ tri về các nguyên lý nhân duyên của nguồn gốc của Khổ và Diệt khổ – là để cắt bỏ 3 kiết sử đầu tiên.

Vị ấy như lý tác ý: “Ðây là khổ”, như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”, như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ.

[Trung Bộ 2]

(Tỳ-khưu-ni Dhammadinna giảng cho nam cư sĩ Visakha)

— Thưa Ni sư, thế nào là thân kiến?

— Ở đây, Hiền giả Visakha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là thân kiến.

— Thưa Ni sư, thế nào là không phải thân kiến?

— Ở đây, Hiền giả Visakha, vị Ða văn Thánh đệ tử đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không xem sắc là tự ngã, không xem tự ngã là có sắc, không xem sắc là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong sắc; không xem thọ là tự ngã, không xem tự ngã là có thọ, không xem thọ là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thọ; không xem tưởng là tự ngã, không xem tự ngã là có tưởng, không xem tưởng là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong tưởng; không xem các hành là tự ngã, không xem tự ngã là có các hành, không xem các hành là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong các hành; không xem thức là tự ngã, không xem tự ngã là có thức, không xem thức là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là không có thân kiến.

[Trung Bộ 44]

— Tự thân tập khởi, tự thân tập khởi, thưa Ni sư Dhammadina, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân tập khởi (nguồn gốc của tự thân) là như thế nào?

— Hiền giả Visakha, khát ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Hiền giả Visakha, khát ái này, Thế Tôn gọi là tự thân tập khởi.

— Tự thân diệt, tự thân diệt, thưa Ni sư, được gọi là như vậy. Thế Tôn gọi tự thân diệt là như thế nào?

— Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt, không tham đắm, không có dư tàn của khát ái ấy, sự xả ly, sự vất bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp. Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt.

— Thưa Ni sư, tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân diệt đạo là như thế nào?

— Hiền giả Visakha, Con đường Thánh tám ngành này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

[Trung Bộ 44]

Tôn giả Ānanda hỏi Đức Phật:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát?

— Ở đây, này Ānanda, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những bất động tưởng, những vô sở hữu xứ tưởng, và những phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng: cái gì thuộc tự thân, là tự thân. Ðây là bất tử, tức là tâm giải thoát không thủ trước.”

[Trung Bộ 106]

(Đức Phật giảng cho du sĩ Magandiya:)

— Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: “Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh”, và người ấyđi tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: “Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn”. Người ấy lấy tấm y ấy.

Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình người ấy, các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khao mổ xẻ này cho người ấy thuốc bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, cho thuốc qua lỗ mũi. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt được khởi lên, mắt được sáng tỏ. Với mắt được khởi lên, người ấy đoạn trừ tham dục đối với tấm y thô, dính dầu và dính đất kia, và người ấy có thể xem người kia là không phải bạn, có thể xem người kia là thù địch và nghĩ đến sát hại sinh mạng của người kia: “Thật sự trong một thời gian dài, Ta bị người này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt với tấm y thô, dính dầu và đất: ‘Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn'”.

Cũng vậy, này Magandiya, nếu Ta thuyết pháp cho Ông: “Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy”, Ông có thể biết không bệnh, Ông có thể thấy Niết-bàn. Và với mắt được khởi lên cho Ông, lòng tham dục đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ; và Ông có thể nghĩ như sau: “Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt, chấp thủ sắc, ta đã chấp thủ; chấp thủ thọ, ta đã chấp thủ; chấp thủ tưởng, ta đã chấp thủ; chấp thủ các hành, ta đã chấp thủ; chấp thủ thức, ta đã chấp thủ. Do duyên chấp thủ ấy nơi ta, nên có hữu; do duyên hữu, có sanh; do duyên sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ Khổ uẩn”.

[Trung Bộ 75]

Trong đoạn kinh sau đây, Ngài Khemaka – vị tỳ-khưu đã đắc quả Bất Lai, và như thế, đã cắt bỏđược 5 kiết sử đầu tiên – giảng làm thế nào để trừ bỏ “thân kiến” mặc dù tâm ý vẫn chưa thoát khỏi được ngã mạn, “Tôi là”, vốn chỉ trừ khử được ở cấp độ giác ngộ rốt ráo – quả thánh A-la-hán.

— Thưa chư Hiền, tôi không nói: “Tôi là sắc”. Tôi cũng không nói: “Tôi là khác sắc”. Tôi không nói:”Tôi là thọ”… “Tôi là tưởng”… “Tôi là các hành”… Tôi không nói: “Tôi là thức”. Tôi cũng không nói: “Tôi là khác thức”. Đối với năm thủ uẩn này, này chư Hiền, tư tưởng “Tôi là” vẫn chưa đoạn trừ, dầu rằng tôi không có nghĩ: “Cái này là tôi”.

Ví như, này chư Hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen hồng, hay hoa trắng. Nếu có người nói: “Hương thuộc về lá, hay hương thuộc về sắc, hay hương thuộc về nhụy hoa”, nói như vậy có nói đúng không?

— Thưa không, này Hiền giả.

— Vậy chư Hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn? Chư Hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng đắn.

Cũng vậy, tôi không nói: “Tôi là sắc”. Tôi cũng không nói: “Tôi là khác sắc”. Tôi không nói:”Tôi là thọ”… “Tôi là tưởng”… “Tôi là các hành”… Tôi không nói: “Tôi là thức”. Tôi cũng không nói: “Tôi là khác thức”. Đối với năm thủ uẩn này, này chư Hiền, tư tưởng “Tôi là” vẫn chưa đoạn trừ, dầu rằng tôi không có nghĩ: “Cái này là tôi”.

[Tương Ưng 22.4]

Kiết sử “hoài nghi” được định nghĩa như là nghi ngờ về sự Giác ngộ của Đức Phật, nghi ngờ về Giáo pháp của Ngài, và về sự hành trì của các vị Thánh tăng đệ tử. Sự nghi ngờ nầy tóm tắt lại là sự nghi ngờ về sự hiện hữu của Bất Tử (Niết bàn), và về khả năng thực chứng của mình qua các nỗ lực hành trì Giáo pháp. Chứng nghiệm sự Bất Tử – qua công phu tu tập theo Chánh Pháp cho đến lúc nhập được dòng lưu – sẽ cắt bỏ được kiết sử nầy vì người ấy giờ đây kiểm chứng được khả năng của con người để giác ngộ, trực kiến Niết bàn, kiểm chứng được lời dạy của Đức Phật như là các hướng dẫn đưa đến nhập dòng lưu giải thoát, và kiểm chứng được chân giá trị của những vị đã vào dòng Thánh.

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chân chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.”

[Tăng Chi 10.92]

Kiết sử “giới cấm thủ” thường được mô tả trong Kinh tạng như là sự tin tưởng rằng ta sẽ được thanh tịnh qua thực hiện các lễ nghi nào đó hoặc qua một chuỗi hành động nào đó. Sự tin tưởng này có liên hệ đến ý kiến cho rằng sự hiện hữu của ta được đánh giá qua các hành động: nếu ta hành trì theo các giới luật và khung hướng dẫn bó buộc nào đó, ta sẽ đương nhiên thanh tịnh. Mặc dù kinh điển công nhận tầm quan trọng của giới luật để nhập vào dòng Thánh, việc thực chứng Niết bàn cho thấy một vị như thế không chấp thủ vào các giới luật đó. Vị ấy sống đạo đức trong giới luật, nhưng không chấp thủ vào chúng.

(Đức Phật giảng cho người thợ mộc Pancakanga:)

… Và này Thợ mộc, những thiện giới này từ đâu được trừ diệt, không có dư tàn? Sự trừ diệt của chúng cũng được nói đến. Ở đây, vị Tỳ-khưu có giới hạnh, và không chấp trước giới, và vị này như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ở đây, những thiện giới ấy được trừ diệt, không có dư tàn.

[Trung Bộ 78]

Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.

Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm.

Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện [*] không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.

[*] Bậc Thánh (đã nhập dòng giải thoát)

[Kinh Tập, 4.9]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app