7. THÁI TỬ THI TÀI

Khi Đấng Đại Sĩ được 16 tuổi, vua Suddhodana cho kiến tạo ba tòa lâu đài:
*Một cho mùa lạnh có tên là Ramma cao 9 tầng
*Một cho mùa nóng tên là Suramma cao 7 tầng
*Một cho mùa mưa tên là Subha cao 5 tầng
Tuy cả ba tòa lâu đài có số tầng chênh lệch như thế, nhưng tất cả đều cao bằng nhau.

Đức vua suy nghĩ “Thái tử đã đến tuổi trưởng thành. Ta hãy truyền ngôi cho Thái tử để vương quốc của ta được mở rộng”. Theo phong tục thời ấy, Thái tử Siddhattha phải thành lập gia thất (xem như đã trưởng thành) mới được làm lễ Tôn vương

Vua Suddhodana nói với Thái tử Siddhattha rằng: “Này con, con hãy thành lập gia thất đi, hãy gửi tin đến các hoàng tộc Thích Ca, rồi cha trao vương vị cho con”.

Nhưng thông điệp “tuyển thê” của Thái tử không được các danh gia dòng Thích Ca đáp ứng, các vị ấy bảo:
“ Vị Thái tử này có thân hình rất xinh đẹp, nhưng chẳng biết nghiệp nghệ gì. Không có khả năng nuôi dưỡng và gì giữ vợ con. Chúng ta không gả con gái cho vị Thái tử ấy”.

Nghe tin phản hồi này, vua Suddhodana đi đến nói với Thái tử Siddhattha rằng:

-Này Thái tử, các Hoàng tộc Thích Ca không gả con gái cho con.
– Thưa cha, vì sao vậy?
– Vì con không có nghiệp nghệ chi cả.
– Con phải làm gì để chứng tỏ có nghiệp nghệ?
– Này con thân yêu, con phải trình diễn nghệ thuật bắn cung, vì dòng Thích Ca là dòng chiến binh oai dũng.
– Con phải làm sao?
– Con hãy căng được dây cung có sức nặng bằng 1.000 người khiêng.
– Thưa cha, điều đó được thôi.

Vị Đại Sĩ ngồi kiết già, dùng ngón chân buộc dây cung vào thân cung; rồi tay trái giữ cánh cung, tay phải kéo dây cung buông ra, tiếng rung bật của dây cung vang lên như sấm nổ. Cả thành Kapilavatthu kinh động bởi tiếng bật dây cung đó, họ hỏi nhau rằng: “Tiếng gì thế? Có phải thần sấm đang nổi giận”.

Những người biết chuyện đã nói rằng: “Không phải tiếng sấm, không phải thần sấn nổi giận. Đây là tiếng bật dây cung có sức nặng 1.000 người khiêng, Thái tử Aṅgirasa đã kéo thẳng dây cung và buông ra, tiếng bật dây cung vang như tiếng sấm”.

Nghe được điều này, các vương tộc Thích Ca hài lòng, phấn chấn, nhưng rồi họ lại bàn với nhau rằng “Thái tử tuy có sức mạnh như thế, nhưng nghệ thuật bắn cung có điêu luyện chăng? Hay vị ấy chỉ có sức mạnh mà thôi?”.

Nghe vậy, vua Suddhodana đi đến bảo Thái tử Siddhattha:

– Này con, tuy con kéo nổi cây cung ngàn người khiêng, nhưng các hoàng tộc chưa hài lòng lắm.
– Thưa cha, vì sao vậy?
– Các Hoàng tộc cho rằng “con chỉ có sức mạnh”, nhưng nghệ thuật bắn cung chẳng biết có điêu luyện không?
– Thưa cha, nếu vậy hãy tập hợp các hoàng tộc lại, con sẽ biểu diễn nghệ thuật bắn cung.

Khi các hoàng tộc dòng Thích Ca tề tựu đầy đủ, thông qua vua Suddhodana, Thái tử Siddhattha biểu diễn nghệ thuật bắn cung theo yêu cầu của họ là:

– Bắn một mũi tên xuyên qua tấm sắt dày 8 đốt tay.
– Bắn một mũi tên xuyên qua tấm gỗ Asana dày 4 ngón tay.
– Bắn mũi một mũi tên xuyên qua cây Sung dày 12 ngón tay (vidatthi) .
– Bắn xuyên qua toa xe chở đầy cát.
– Bắn mũi tên xuyên qua một xe đầy cát và một xe đầy rơm.
– Bắn một mũi tên xuống nước sâu đến một usabha”(một usabha bằng khoảng 64 m).
– Bắn mũi tên xuống đất sâu 8 usabha.
– Bắn trúng lông đuôi ngựa đặt cách xa 1 do tuần (tương truyền mắt Đấng Đại Sĩ có thể nhìn thấy sợi lông đuôi ngựa đặt cách xa 1 do tuần, dù là ban ngày hay đêm. Đây là do phước nghiệp sinh (trích Mahāpadānasuttanta)

Các Hoàng tộc giòng Thích Ca hài lòng. Vào ngày tuyển chọn vị Chánh hậu tương lai qua cuộc thi sắc đẹp, các cô gái giòng Thích Ca trang điểm xinh đẹp để đi dự lễ hội. Và người đệ nhất mỹ nhân là công nương Yasodharā đã làm trái tim của Thái tử Siddhattha rung động.

Chính nàng “hoa khôi quốc độ Nandā” cũng thừa nhận rằng:

“Yuvatīnañca sabbāsaṃ kaḷyāṇīti ca vissutā,
Tasmimpi nagare ramme ṭhapetvā ca Yasodharā”
(Và cũng trong thành phố Kapilavatthu đáng yêu ấy, tôi đã được nổi danh là “mỹ nhân” trong số tất cả các thiếu nữ ngoại trừ Yasodharā”(Thánh nhân ký sự II (Apadāna). Ký sự nàng Nandā).

Qua kệ ngôn trên, xem ra nàng Nandā là Á hậu của hai vương quốc Thích Ca và Koliya.

Kinh điển có ghi nhận rằng vua Thiện Giác không đồng ý gả con gái mình là công chúa Yasodharā cho Thái tử Siddhattha, vua mở cuộc thi tài giữa các vương tử trong hoàng tộc, người chiến thắng sẽ nhận được công nương Yasodharā.

Trong cuộc thi tài này, đã hội tụ tất cả những bậc tài giỏi, bất luận sang hèn, bất phân giai cấp. Thời kỳ ấy có những nhân tài nỗi tiếng như: Vương tử Ānanda, Nanda, Devadatta, Anuruddha …
Kinh sách ghi lại rằng cuộc tranh tài gồm ba môn: Đấu kiếm, bắn cung và đấu vật và có 500 thanh niên tham gia. Cuốn Mahāvastu thì ghi nhận: Bắn cung, chém cây và đua ngựa.

Cuộc thi đầu tiên là bắn cung: Vương tử Nanda mang cái bia đặt xa 6 yovo (tương đương 434 m); vương tử Anuruddha đặt bia xa 6 yovo, vương tử Devadatta đặt bia xa 8 yovo; Thái tử đặt bia xa 10 yovo.

Ba vị vương tử đều bắn trúng vào bia của mình, khi Thái tử Siddhattha bắn cung, các cây cung không chịu nổi sức kéo của Ngài, tất cả đều gẫy đôi và Ngài dùng cây cung “được ngàn người khiêng”, bắn mũi tên xuyên qua bia rồi cắm sâu xuống đất chỉ ló chuôi tên lên; không ai nhổ được mũi tên lên, chỉ có Ngài mới thực hiện được, nơi ấy trở thành cái giếng, có tên là “giếng tên” (kupasara).

Môn thứ hai là “chém cây”, các võ sĩ thi nhau chém cây trong rừng, vương tử Nanda chém đứt lìa cây to nhất với một nhát kiếm.

Đến khi Thái tử Siddhattha dự thi, trong rừng không còn cây nào to hơn cây của vương tử Nanda vừa chém đứt, gần đó có 2 cây mỗi cây to bằng cây của vương tử Nanda chém đứt, Thái tử đến gần rút gươm ra chém đứt cả hai cây một lúc, nhưng động tác quá nhanh nên cây “không kịp ngã xuống”.

Đại chúng la lên “Thái tử thua rồi”, nghe vậy công nương Yasodharā bàng hoàng ngất xỉu; một cơn gió thổi qua làm rung chuyển cây và hai cây cổ thụ cùng ngã xuống, đại chúng lại reo lên “Thái tử thắng rồi” và công nương Yasodharā đã tỉnh dậy vui mừng.

Khi thi đua ngựa, Thái tử Siddhattha cưỡi Ngựa báu Kaṇḍaka vượt thắng xa các vị vương tử. Vương tử Devadatta không phục rằng “nếu ta có Ngựa báu Kaṇḍaka, ta cũng sẽ thắng như Thái tử Siddhattha mà thôi”.

Thái tử Siddhattha đáp rằng “nếu ai cưỡi được Ngựa Kaṇḍaka này, xem như người ấy thắng cuộc”.

Nhưng không một ai có thể cưỡi được Ngựa báu Kaṇḍaka, nó trở nên hung dữ khi có người cưỡi lên lưng nó, ngựa lồng lên và quật ngã tất cả những kỵ sĩ trên lưng, chỉ có vương tử Anuruddha ngồi được trên lưng ngựa một chút, nhưng ngựa không chịu bước đi.
Đại chúng la lớn rằng “Thái tử thắng tuyệt đối rồi”.

Lễ cưới được diễn ra long trọng của hai vương quốc Sākya và Koliya. Sau đó vua Suddhodana làm lễ thành thân cho Thái tử Siddhattha và nàng Yasodharā trở thành vị Hoàng hậu của Đức vua Siddhattha.

Tuy được phong vương nhưng vua Suddhodana vẫn e ngại Tân vương thấy “cảnh khổ già, bệnh, chết” rồi từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, nên vua Suddhodana vẫn nắm quyền điều hành và vị Tân vương vẫn sống trong ba tòa lâu đài của mình đến tận khi xuất gia năm Ngài 29 tuổi.

VIDEO BỘ TRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT – ĐỨC BỒ TÁT THÁI TỬ SIDDHATTHA THI TÀI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app