4. Thành quả

Nhiều đoạn kinh đề cập đến thành quả của bậc Dự Lưu sau khi chết: Vị ấy không bao giờ tái sinh trong các đọa xứ, mà chỉ tái sinh trong cảnh an lạc của cõi chư Thiên hay loài người. Kinhđiển có ghi ba hạng Dự Lưu: Thất sinh, Gia gia, và Nhất chủng.

Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Thất sanh”, tối đa phải sanh lại bảy lần (sattakkhattuparama). Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Gia gia” (kolankola), dong ruỗi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Nhất chủng” (ekabijin), sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau.

[Tăng Chi 3.86]

(Đức Phật nói với ngài Nandaka, đại quan của bộ tộc Licchavi:)

— “Thành tựu bốn pháp này [*], này Nandaka, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

Thành tựu bốn pháp này, này Nadaka, vị Thánh đệ tử liên hệ đến tuổi thọ chư Thiên và loài Người, liên hệ đến dung sắc, liên hệ đến an lạc, liên hệ đến thanh danh, liên hệ đến lực tăng thượng chư Thiên và loài Người.

Ðiểm này, này Nandaka, Ta biết chứ không phải nhờ nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào rồi Ta tuyên bố. Chính do tự Ta biết, tự Ta thấy, tự Ta ý thức rồi Ta tuyên bố”.

Khi được nghe nói vậy, một người thưa với Nandaka, vị đại thần người Licchavi:

— Thưa Ðại quan, nay đã đến giờ tắm.

— Thôi, nay đã vừa rồi, này Bạn, đó chỉ là sự tắm rửa bề ngoài. Tắm rửa bên trong này là vừa đủ cho ta, tức là lòng tịnh tín đối với Thế Tôn.

[Tương Ưng 55.30]

[*] thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, và thành tựu các Giới.

Kinh điển thường đề cập đến tầm quan trọng của trạng thái tâm trong giây phút trước khi chết, vì có ảnh hưởng đến sự tái sinh. Tuy nhiên, tiềm lực của quả Dự Lưu rất mạnh mẽ và có thể vượt thắng trạng thái mê mờ trước khi chết, để bảo đảm vị ấy tái sinh vào nơi tốt đẹp.

…Rồi họ Thích Mahānāma (Đại Danh) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahānāma bạch Thế Tôn:

— Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỳ-khưu đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?”

— Chớ có sợ, này Mahānāma! Chớ có sợ, này Mahānāma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của ông! Này Mahānāma, với ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, tâm tu tập trọn vẹn về giới, tâm tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, dầu thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, hay giả-can ăn, hay các loại chúng sanh sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ, thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

Ví như, này Mahānāma, một người nhận chìm một ghè sữa bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống nước; nhưng sữa, bơ hay dầu thời nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, này Mahānāma, với ai đã lâu ngày, tâm được tu tập trọn vẹn về tín, tâm được tu tập trọn vẹn về giới, tâm được tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm được tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm được tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, đoạn diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, giả-can ăn hay các sanh loại sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ; thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

[Tương Ưng 55.21]

(Tôn giả Ānanda nói với gia chủ Anāthapindika:)

Thành tựu bốn pháp này [*], này Gia chủ, bậc Ða văn Thánh đệ tử không có run sợ, không có hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau.

[Tương Ưng 55.27]

[*] thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, và thành tựu các Giới.

Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp”. Người ấy không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

[Tăng Chi 4.184]

Này các Tỳ-khưu, thật không dễ đếm được số lượng nước trong biển lớn là có bao nhiêu thùng, hay có bao nhiêu trăm thùng, hay có bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập. Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức [*] sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, thật không dễ gì đếm được số lượng phước đức: “Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc”. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.

[Tương Ưng 55.41]

[*] phước đức do thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, và thành tựu các Giới.

Dầu cho, này các Tỳ-khưu, một vị Chuyển luân vương làm chủ tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; tuy vậy, vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ, và chưa thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

Nhưng này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử, dầu muốn sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm; vị ấy đầy đủ bốn pháp. Và vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúngđệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

Vị ấy thành tựu bốn pháp này. Và này các Tỳ-khưu, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá một phần mười sáu lợi đắc bốn pháp.

[Tương Ưng 55.1]

Hơn thống lãnh cõi đất,
Hơn được sanh cõi trờì,
Hơn chủ trì vũ trụ,
Quả Dự Lưu tối thắng.

[Pháp Cú 178]

Rồi Thế Tôn lấy lên một ít bụi trên đầu móng tay rồi gọi các Tỳ-khưu:

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-khưu, cái gì nhiều hơn, một ít bụi này Ta lấy lên trên đầu ngón tay, hay là quả đất lớn này?

— Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này. Ít hơn là một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh quả đất lớn với một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.

— Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến [*], khổ tàn dư trong tối đa bảy kiếp còn lại quả thật ít hơn, so với toàn bộ khổ uẩn từ trước; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn từ trước.

Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỳ-khưu, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn [*].

[Tương Ưng 13.1]

[*] Đắc quả Dự lưu.

— Này các Tỳ-khưu, ví như một hồ sen 50 do tuần bề dài, 50 do tuần bề rộng và 50 do tuần bề sâu, nước đầy tràn khiến con quạ có thể uống được. Từ nơi hồ sen ấy một người lấy nước lên với đầu ngọn cỏ. Các Ông nghĩ thế nào? Này các Tỳ-khưu, cái nào nhiều hơn, nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ, hay nước của hồ sen?

— Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước của hồ sen; ít hơn là nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh nước của hồ sen với nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ.

— Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, khổ tàn dư trong tối đa bảy kiếp còn lại quả thật ít hơn, so với toàn bộ khổ uẩn từ trước; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn từ trước.

Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỳ-khưu, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn.

[Tương Ưng 13.2]

— Ví như, này các Tỳ-khưu, biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, trừ hai hay ba giọt nước. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-khưu? Cái gì là nhiều hơn, nước biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận, hay là hai hay ba giọt nước còn lại?

— Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là nước của biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận. Ít hơn là hai hay ba giọt nước còn lại. Không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh nước của biển lớn đi đến đoạn tận, diệt tận với hai hay ba giọt nước còn lại.

— Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, khổ tàn dư trong tối đa bảy kiếp còn lại quả thật ít hơn, so với toàn bộ khổ uẩn từ trước; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn từ trước.

Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỳ-khưu, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn.

[Tương Ưng 13.8]

Không phải các thành quả của bậc Dự Lưu chỉ xảy ra sau khi chết. Ngay trong hiện tiền, vị ấy cũng hưởng được nhiều lợi lạc.

Bấy giờ có Gia chủ Anāthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anāthapindika đang ngồi xuống một bên:

— Này Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử làm cho lắng dịu năm sợ hãi hận thù, thành tựu bốn chi phần Dự lưu, khéo thấy, khéo thể nhập Thánh lý với trí tuệ; nếu vị ấy muốn, có thể tự trả lời với mình rằng: “Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận bàng sanh; ta đã đoạn tận ngạ quỷ; Ta đã đoạn tận các cõi dữ, ác thú, đọa xứ; ta đã chứng Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng đạt cứu cánh giác ngộ.” Thế nào là năm sợ hãi hận thù được làm cho lắng dịu?

Này Gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, làm lắng dịu sợ hãi hận thù này.

Này Gia chủ, lấy của không cho… tà hạnh trong các dục… nói láo… đắm say trong rượu men, rượu nấu; do duyên đắm say trong rượu men, rượu nấu, tạo ra sợ hãi hận ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến cảm thọ khổ ưu về tâm. Người từ bỏ đắm say trong rượu men, rượu nấu, không tạo ra sợ hãi thù hận ngay hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến cảm thọ khổ ưu về tâm. Với người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù này được lắng dịu.

Năm sợ hãi hận thù này được lắng dịu.

[Tăng Chi 10.92]

Này các Tỳ-khưu, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm?

Các Thiện nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến vị có lòng tin, không có như vậyđối với vị không có lòng tin; khi đến thăm, trước hết họ đến thăm vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin; khi chấp nhận, họ chấp nhận các món ăn trước hết từ những người có lòng tin, không từ những người không có lòng tin; họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin; người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời. Những pháp này, này các Tỳ-khưu, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin.

Ví như, này các Tỳ-khưu, trên khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim chung quanh. Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ.

Như cây bàng to lớn,
Với cành, lá, trái cây,
Với thân, rễ, đầy trái,
Làm chỗ trú loài chim.
Tại trú xứ thoải mái,
Các con chim làm tổ,
Cần bóng mát, hứng mát,
Cần trái cây, ăn trái.
Cũng vậy, vị trì giới,
Người có lòng tịnh tín,
Khiêm nhường và nhu thuận,
Hiền hòa, lời từ tốn,
Tánh tình thật dịu hiền,
Vị đoạn tham, đoạn sân,
Ðoạn si, không lậu hoặc,
Là ruộng phước ở đời.
Họ đến người như vậy,
Họ thuyết pháp, người ấy
Ðoạn trừ mọi khổ đau,
Vị ấy ở tại đây,
Hiểu biết Chánh pháp ấy,
Viên bản nhập Niết-bàn,
Hoàn toàn không lậu hoặc.

[Tăng Chi 5.38]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app