1. Khai mở Pháp nhãn

Pháp nhãn nhìn thấy gì khi sinh khởi?

… Rồi đại đức Assaji đã nói với du sĩ Sārīputta lời dạy này thuộc về Giáo Pháp:

Pháp sanh lên do nhân
Như Lai giảng nhân ấy,
Nhân diệt thời Pháp diệt,
Đại Sa-môn nói vậy.

Rồi khi đã nghe được lời dạy này thuộc về Giáo Pháp thì Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến du sĩ Sārīputta: “Điều gì có bản tánh sanh lên thì toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

[Đại phẩm, I.23.5]

Đoạn kinh giảng dưới đây – được lập lại nhiều lần trong Kinh tạng – thoạt xem qua có vẻ không có gì thâm sâu. Tuy nhiên, kinh văn nêu rõ là tri kiến không phải chỉ là lòng tin hay sự suy tư mà phải do sự tự thực chứng. Lòng tin và suy tư có thể giúp đưa đến tri kiến – và một cấp độ nào đó của lòng tín thành và sự hiểu biết có thể bảo đảm rằng một ngày nào đó trong kiếp này, tri kiến của ta sẽ khởi hiện – nhưng chỉ có sự thực chứng, biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy, thì mới tạo ra một sự thay đổi rốt ráo trong cuộc đời của ta và trong sự tương quan của ta với Chánh Pháp.

— Này các Tỳ-khưu, mắt là vô thường, biến hoại, đổi khác. Tai là vô thường, biến hoại, đổi khác. Mũi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Lưỡi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thân là vô thường, biến hoại, đổi khác. Ý là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, sắc là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thanh … Hương … Vị … Xúc … Pháp là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, nhãn thức là vô thường, biến hoại, đổi khác. Nhĩ thức … Tỷ thức … Thiệt thức … Thân thức … Ý thức là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, nhãn xúc là vô thường, biến hoại, đổi khác. Nhĩ xúc … Tỷ xúc … Thiệt xúc … Thân xúc … Ý xúc là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, thọ do nhãn xúc sanh là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thọ do nhĩ xúc sanh … Thọ do tỷ xúc sanh … Thọ do thiệt xúc sanh … Thọ do thân xúc sanh … Thọ do ý xúc sanh là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, sắc tưởng là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thanh tưởng … Hương tưởng … Vị tưởng … Xúc tưởng … Pháp tưởng là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, sắc tư là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thanh tư … Hương tư … Vị tư … Xúc tư … Pháp tư là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, sắc ái là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thanh ái … Hương ái … Vị ái … Xúc ái … Pháp ái là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, địa giới là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thủy giới … Hỏa giới … Phong giới … Không giới … Thức giới là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, sắc uẩn là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thọ uẩn … Tưởng uẩn … Hành uẩn … Thức uẩn là vô thường, biến hoại, đổi khác.

Này các Tỳ-khưu, ai có lòng tin, có tín giải đối với những pháp này; vị ấy được gọi là Tùy tín hành,đã nhập Chánh tánh, đã nhập Chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.

Với ai, này các Tỳ-khưu, kham nhẫn một ít Thiền quán, như vậy với trí tuệ về những pháp này; vị ấy được gọi là Tùy pháp hành, đã nhập Chánh tánh, đã nhập Chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.

Với ai, này các Tỳ-khưu, đối với những pháp này, biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy, vị ấy được gọi làđã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.

[Tương Ưng 25.1-10]

Chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên với gia chủ Upali: “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”. Rồi gia chủ Upali, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp của bậc Ðạo sư.

[Trung Bộ 56]

Một phần của tiến trình đưa đến sinh khởi Pháp nhãn như một sự chứng nghiệm mạnh mẽ là do trực nhận được rằng “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”, tiếp theo là một tri kiến thoáng qua về cái đối nghịch với “các pháp gì được khởi lên”, và đó là thấy được sự vô vi, bất tử.

… Sau đó, du sĩ Sārīputta đã đi đến gặp du sĩ Moggallāna. Du sĩ Moggallāna đã nhìn thấy du sĩ Sārīputta đang từ đàng xa đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với du sĩ Sārīputta điều này:

– Này bạn, các giác quan của bạn thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Có đúng là bạn đã chứng đạt sự bất tử không?

– Này bạn, đúng vậy. Tôi đã chứng đạt sự bất tử.

[Đại phẩm, I.23.5]

Sự liên hệ giữa bài kệ của Trưởng lão Assaji về nhân duyên và sự sinh khởi Pháp nhãn của ngài Xá-lợi -phất cho thấy rằng thực chứng qua Pháp nhãn không phải chỉ có tri kiến về bản tánh vô thường, đổi thay nhanh chóng của kinh nghiệm hằng ngày. Thêm vào đó, Pháp nhãn giúp đưa đến thực chứng bản chất hữu vi, tùy thuộc duyên sinh của các kinh nghiệm đó. Các đoạn kinh văn khác, mô tả chi tiết về tri kiến của vị Dự Lưu – người đã nhập dòng Thánh giải thoát – đã minh chứng điều này. Pháp nhãn giúp thấy rõ mọi pháp khởi sinh và tàn diệt theo lý nhân duyên, trong đó, hệ quả của mọi tác động có thể được cảm nhận tức thời hay trải qua một thời gian sau.

Thế nào là Thánh lý được khéo thấy, khéo thể nhập với trí tuệ?

– Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử quán sát như sau:

“Do cái này có, cái kia có. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có, cái kia không có. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Tức là do duyên vô minh, có các hành. Do duyên các hành có thức. Do duyên thức có danh sắc. Do duyên danh sắc có sáu nhập. Do duyên sáu nhập có xúc. Do duyên xúc có thọ. Do duyên thọ có ái. Do duyên ái có thủ. Do duyên thủ có hữu. Do duyên hữu có sanh. Do duyên sanh có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Do vô minh diệt không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt.

Ðây là Thánh lý được khéo thấy và khéo thể nhập với trí tuệ.”

[Tăng Chi 10.92]

Do vì, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chân với chánh trí tuệ, lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ với những câu hỏi: “Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt không quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước đó ta đã là gì, và tiếp theo, ta là gì?”

Vị ấy cũng không chạy theo tương lai với những câu hỏi: “Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?”

Vị ấy cũng không khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: “Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào?”

Vì sao? Vì rằng vị Thánh đệ tử, này các Tỳ-khưu, đã khéo thấy như chân với chánh trí tuệ, lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này.

[Tương Ưng 12.20]

Tri kiến của bậc Dự Lưu về chân đế Nhân Duyên và về sự Bất Tử, dù chính xác, nhưng không thâm sâu như tri kiến của bậc A-la-hán – vị đã đạt đến mức độ tột cùng của giác ngộ. Sự khác biệt này được giải thích trong ví dụ dưới đây.

(…) Tôn giả Nārada nói với Tôn giả Sàvittha:

— Này Hiền giả, “Hữu diệt là Niết-bàn”, tôi khéo thấy như chân, nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.

Ví như trên một con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có dây, không có gàu nước. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: “Giếng này có nước”, nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước.

Cũng vậy, này Hiền giả, “Hữu diệt là Niết-bàn”, tôi khéo thấy như chân, nhờ chánh trí tuệ, nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.

[Tương Ưng 12.8]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app