Nội Dung Chính
- Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Sáu: Ðịnh
- Mười Một Cách Phát Triển Định Tâm
- 1. Sạch Sẽ
- 2. Quân Bình Tâm
- 3. Thiện Xảo Về Tướng
- 4. Nâng Ðỡ Tâm Khi Tâm Suy Yếu
- 5. An Ðịnh Tâm Khi Tâm Quá Phấn Chấn
- 6. Khích Lệ Tâm Bị Héo Mòn Vì Sự Ðau Nhức
- 7. Liên Tục Quân Bình Chánh Niệm Trong Mọi Lúc
- 8 & 9. Tránh Người Không Ðịnh Tâm, Gần Người Ðịnh Tâm
- 10. Nhớ Ðến Sự Bình An Tĩnh Lặng của Sự Nhập Ðịnh
- 11. Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðịnh Tâm
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Sáu: Ðịnh
Ðịnh là tâm sở nằm trên đối tượng quán sát. Ðịnh ghim tâm vào đối tượng, xuyên thấu vào trong và nằm trong đó.
⑴ Đặc Tính: Không Giao Ðộng
Tính chất của định là không tách rời, không tán loạn, không phân tán, nghĩa là tâm dán chặt vào đối tượng, chìm trong đối tượng và duy trì sự an tịnh tĩnh lặng ngay nơi ấy.
Ðịnh Vào Ðối Tượng Cố Ðịnh Và Ðịnh Vào Sự Biến Ðổi Của Ðối Tượng
Có hai loại định tâm. Thứ nhứt là liên tục định tâm trên một đề mục cố định. Ðây là thiền chỉ hay thiền vắng lặng. Thứ hai là sát na định, nghĩa là tâm định trên từng biến đổi một của đề mục. Sự định tâm thứ nhất có tính cách liên tục vì mục đích của sự định tâm này là trụ tâm vào đề mục không tán loạn. Sự định tâm thứ hai là trụ tâm vào sự biến chuyển của đề mục.
Ðịnh tâm liên tục sẽ đạt được khi định tâm trên một đề mục duy nhất. Ðây là loại định tâm đạt được trong thiền chỉ hay thiền vắng lặng. Tâm của thiền sinh phải đặt trên chỉ một đối tượng và không một đối tượng nào khác. Người hành thiền vắng lặng sẽ kinh nghiệm được điều này, đặc biệt là khi họ đắc được các tầng thiền chỉ.
Sát na định đạt được trong thiền minh sát. Mục đích của Thiền Minh Sát là phát triển trí tuệ và hoàn tất các tuệ minh sát. Thiền Minh Sát đặt căn bản trên trí tuệ trực giác như: trực giác phân biệt thân và tâm, hay danh và sắc; trực giác được sự liên hệ nhân quả của danh sắc, trực giác về vô thường, khổ não, vô ngã của các hiện tượng thân tâm… Ðó là những tuệ giác căn bản của trí tuệ nội quán. Còn có những tuệ giác kế tiếp nữa mà thiền sinh phải chứng nghiệm trước khi đạt được đạo và quả tâm, lấy Niết Bàn hay sự chấm dứt mọi khổ đau làm đối tượng.
Trong thiền minh sát, đối tượng để hành thiền rất quan trọng. Ðối tượng này là các hiện tượng của thân và tâm, hay danh và sắc. Khi hành thiền, thiền sinh quán sát trực tiếp các hiện tượng này để thấy rõ bản chất của chúng mà không dựa vào sự suy nghĩ hay tưởng tượng. Nói cách khác, khi hành thiền minh sát, thiền sinh quán sát theo dõi nhiều đối tượng khác nhau với mục đích trực giác được bản chất của chúng.
Trong thiền minh sát, sát na định đóng vai trò quan trọng thiết yếu. Ðối tượng của Thiền Minh Sát sinh rồi diệt liên hồi. Sát na định sinh ra từng thời điểm một với đối tượng quán sát. Mặc dầu sát na định có tính cách tạm thời nhưng nó có thể khởi sinh từ thời điểm này sang thời điểm khác, hay từ sát na này sang sát na khác mà không có sự gián đoạn bên trong. Nếu sát na định được khởi sinh liên tục không gián đoạn thì nó cũng giống như liên tục định, trấn áp phiền não và tạo nên an lạc tĩnh lặng.
⑵ Công Năng: Gom Tụ Tâm
Khi bạn ngồi quán sát chuyển động phồng xẹp của bụng, bạn nỗ lực chánh niệm vào tiến trình chuyển động này, và bạn đang ở trong khoảnh khắc hiện tại. Với mỗi khoảnh khắc của nỗ lực tinh tấn, bạn bành trướng khả năng chánh niệm bao hàm trong những hoạt động của tâm để quán sát đối tượng. Tâm dính chặt vào đối tượng quán sát, bạn rơi vào hay ở trong đối tượng.
Không những tâm an trụ hay xuyên thấu vào đối tượng, không những tâm ở yên, tĩnh lặng trên đối tượng vào thời điểm ấy, mà định tâm sở này còn có năng lực gom tụ các tâm sở khác một cách tức khắc vào thời điểm ý thức trên. Công năng của định tâm là gom tụ các tâm sở khác lại với nhau. Nó giữ tất cả các tâm sở liên hệ thành một nhóm để chúng khỏi phân tán hay tách rời ra. Thế là tâm an trụ vững chãi sâu xa vào đối tượng.
⑶ Biểu Hiện: Bình An Tĩnh Lặng
Ðây là câu chuyện về cha mẹ và con cái. Cha mẹ đạo đức luôn luôn muốn con mình lớn lên có đủ tư cách và phẩm hạnh tốt. Nhằm mục đích này, cha mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để giáo dục và kiểm soát các con mình. Con trẻ chưa đủ kinh nghiệm, chưa già dặn nên cha mẹ thường ngăn cấm chúng làm bạn với những trẻ con tinh nghịch, thiếu giáo dục. Tâm sở của chúng ta chẳng khác nào những đứa trẻ. Những đứa trẻ thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ thường có những hành động tai hại đến chính mình và người khác.
Trẻ con cũng vậy. Chúng có thể được giáo huấn thích hợp để có thể trở thành đứa trẻ tốt. Lúc đầu, có thể chúng bướng bỉnh, nhưng dần dần khi lớn lên, chúng sẽ hiểu tại sao người lớn dạy chúng làm điều này điều kia. Chúng sẽ hiểu tại sao người lớn không cho chúng thân cận bạn xấu. Chúng sẽ bắt đầu biết ơn sự săn sóc, sự kiểm soát của cha mẹ chúng. Chúng có thể xem xét những đứa trẻ khác vì cha mẹ không nghiêm dạy nên đã có những hành vi tội lỗi và phạm pháp. Chúng sẽ biết được ai xấu ai tốt trong khi chọn bạn. Càng lớn và càng trưởng thành, chúng sẽ khai triển thêm được những tính tốt hơn nhờ ở sự giáo dục mà chúng đã hấp thụ được từ lúc còn bé.
Ðịnh Tâm Giúp Trí Tuệ Phát Triển
Ðịnh tâm là nguyên nhân gần của sự phát sanh trí tuệ. Ðiều này rất quan trọng. Một khi tâm yên tịnh tĩnh lặng thì trí tuệ có chỗ phát sinh, rồi thiền sinh có thể thấy được bản chất thật sự của thân và tâm. Nhờ trực giác phát sinh từ tâm tĩnh lặng, thiền sinh phân biệt được thế nào là danh sắc và sự tương quan nhân quả của danh và sắc. Từng bước từng bước, trí tuệ sẽ ngày càng xuyên thấu sâu vào chân lý. Thiền sinh sẽ trực nhận được ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã, và cuối cùng trí tuệ tiến đến chỗ chấm dứt khổ đau. Khi sự đạt đạo này xảy ra, thiền sinh sẽ không bao giờ trở thành một người bất thiện nữa dầu ở trong hoàn cảnh nào.
Cha Mẹ và Con Cái
Cha mẹ và những người sắp làm cha mẹ nên chú ý đọc đoạn này. Ðiều quan trọng nhất là những bậc làm cha mẹ phải biết kiểm soát tâm mình bằng sự định tâm. Cuối cùng, họ nên hoàn tất các tầng tuệ minh sát. Những người có tâm định cao rất có tài năng giáo dục con cái vì họ có thể phân biệt được một cách rõ ràng các hành vi thiện ác, và họ có đủ bình tĩnh, đủ sáng suốt, đủ khả năng để hướng dẫn con đi theo đường thiện. Ðiều đặc biệt và quan trọng nhất là họ có thể làm gương mẫu cho con cái. Cha mẹ không kiểm soát tâm mình, có tư cách kém cỏi, thiếu đạo đức, không thể giúp con cái phát triển thiện tâm và trí tuệ.
Một số học trò của tôi ở Miến Ðiện, lúc mới hành thiền, họ chỉ săn sóc con cái về phần vật chất và học vấn. Họ chỉ quan tâm đến việc học hành và việc sinh sống của con cái trong xã hội sau này. Khi những bậc cha mẹ này đến thiền viện, họ chăm chỉ thực hành và sau khi trở về nhà, họ có một thái độ và kế hoạch mới. Bấy giờ, họ thấy rằng điều quan trọng hàng đầu, là phải cho con cái học cách kiểm soát và phát triển thiện tâm chứ không phải chỉ lo cho con cái thành công trong xã hội này mà thôi.
Khi con cái đến tuổi thích nghi, cha mẹ thúc giục con cái đi hành thiền. Thật vậy, khi tôi hỏi các bậc cha mẹ có thấy sự khác biệt giữa những đứa con sanh ra trước khi cha mẹ đi hành thiền và những đứa con sinh ra sau khi cha mẹ đi hành thiền không, thì được trả lời: “Những đứa trẻ sanh ra sau khi chúng tôi hoàn tất việc hành thiền thì ngoan ngoãn và vâng lời. Chúng lại có thiện tâm hơn những anh chị của nó sanh ra trước đây”.
⑷ Nhân Gần: Chú Tâm Sáng Suốt Giúp Tâm Ðịnh Phát Triển
Ðức Phật dạy rằng sự liên tục chú tâm sáng suốt, hướng tâm vào việc phát triển sự định tâm là nguyên nhân giúp phát sinh tâm định. Ðịnh tâm trước giúp cho định tâm sau phát sinh.
Mười Một Cách Phát Triển Định Tâm
1. Sạch Sẽ
Trước hết là làm sạch nội ngoại xứ, tức là làm sạch cơ thể và hoàn cảnh xung quanh. Sạch sẽ ở đây là sạch sẽ bên trong và sạch sẽ bên ngoài, tức là sạch sẽ chính cơ thể mình và những gì quanh mình. Sạch sẽ bên trong hay sạch sẽ thân là phải năng tắm rửa, đầu tóc gọn gàng, móng tay móng chân cắt ngắn, và đừng để bị bón uất. Sạch sẽ bên ngoài là ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, phòng ốc thứ tự sạch sẽ. Ðiều này giúp cho tâm trong sáng. Khi mắt thấy bụi bặm, hỗn loạn và thiếu ngăn nắp thì sự bối rối, lo lắng, hỗn loạn cũng phát sanh theo. Nhưng khi mọi điều kiện và hoàn cảnh chung quanh đều gọn gàng tươm tất thì tâm sẽ trong sáng. Một tâm trong sáng là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển trí tuệ.
2. Quân Bình Tâm
Cách thứ hai giúp cho định tâm phát triển là quân bình ngũ căn: Quân bình trí tuệ và đức tin, quân bình tinh tấn và định. Tín, tấn, niệm, định, huệ phải được phát triển hài hoà. Tín và huệ phải quân bình với nhau. Tinh tấn và định phải quân bình với nhau. Việc hành thiền tùy thuộc vào sự quân bình các lực qua từng cặp này. Nếu đức tin quá mạnh hơn trí tuệ thì trở thành cả tin, bất cứ cái gì cũng tin được, hoặc sẽ bị lôi cuốn bởi những tư tưởng quá sùng tín, quá mộ đạo, chỉ lo nghĩ đến việc làm phước, giúp đỡ người khác, tụng kinh quá nhiều làm cản trở việc hành thiền. Ðức tin rất cần thiết, nhưng trong lúc hành thiền phải biết quân bình với trí tuệ, nếu không thì đức tin biến thành một trở ngại.
Quân bình ngũ lực là một điểm quan trọng thiết yếu mà thiền sư phải biết thấu đáo để hướng dẫn thiền sinh. Phương pháp căn bản nhất để quân bình và tái lập lại sự quân bình là tăng cường sức mạnh cho lực còn lại, đó là chánh niệm.
3. Thiện Xảo Về Tướng
Nguyên nhân thứ ba giúp phát triển định tâm liên quan đến thiền chỉ, hay là thiền vắng lặng hơn là thiền minh sát. Ðó là thiện xảo trong sự tập trung vào đề mục, đó là duy trì rõ ràng các tướng của đề mục (hình ảnh trong tâm) khi hành thiền chỉ.
4. Nâng Ðỡ Tâm Khi Tâm Suy Yếu
Cách thứ tư giúp định tâm phát triển là nâng đỡ tâm khi nó nặng nề, suy yếu và xuống tinh thần. Vào lúc ấy việc hành thiền của bạn đầy dẫy sự rối loạn, bạn phải cố gắng nâng đỡ tâm. Nên dùng kỹ thuật làm phát sanh tinh tấn, hỉ và trạch pháp. Nâng đỡ, khuyến khích tâm của thiền sinh là một trong những nhiệm vụ của thiền sư. Khi thiền sinh vào trình pháp với khuôn mặt dài thoòng, nhăn nhó, bực tức, thiền sư sẽ biết cách hướng dẫn để thiền sinh phấn chấn trở lại.
5. An Ðịnh Tâm Khi Tâm Quá Phấn Chấn
An định tâm quá phấn chấn là nguyên nhân phát triển tâm định. Khi thiền sinh có những kinh nghiệm đê mê ngây ngất trong khi thực hành, thiền sinh trở nên quá phấn chấn và khích động. Lúc đó sự tinh tấn của họ quá trội. Trong trường hợp này thiền sư không nên khích lệ thiền sinh, mà phải nói thế nào để đưa thiền sinh trở về với vị trí thích hợp, hoặc là khuyên thiền sinh nên thản nhiên, chỉ cần trở về quán sát theo dõi mà không cần cố gắng quá mức.
6. Khích Lệ Tâm Bị Héo Mòn Vì Sự Ðau Nhức
Nếu tâm bị co thắt hay héo mòn suy nhược vì bị đau nhức, cần phải làm cho tâm trở nên vui tươi an lạc. Ðây là cách thứ sáu làm cho định tâm phát sinh. Một thiền sinh có thể bị xuống tinh thần vì hoàn cảnh chung quanh hoặc do bệnh cũ tái phát. Vào lúc ấy, tâm cần được nâng đỡ để tâm trong sáng và sắc bén trở lại. Bạn có thể dùng nhiều cách để nâng đỡ tâm, hoặc thiền sư cũng có thể giúp cho bạn vui tươi an lạc trở lại bằng những lời giảng giải khích lệ.
7. Liên Tục Quân Bình Chánh Niệm Trong Mọi Lúc
Ðôi khi việc hành thiền của bạn tiến triển sâu xa. Lúc ấy dường như bạn chẳng cần cố gắng mà vẫn chánh niệm dễ dàng trên đề mục khi chúng sanh và diệt. Khi ấy, bạn đừng xen vào, đừng đẩy thêm tinh tấn gì cả, mặc dầu bây giờ tốc độ thoải mái của bạn dường như chậm lại và bạn muốn nhấn thêm ga, bạn muốn mau chóng thấy được giáo pháp.
Nếu bạn cố gắng gia tăng tốc độ, bạn sẽ làm cho tâm quân bình bị xáo trộn, và chánh niệm của bạn bị cùn lụt. Mặt khác, khi thấy việc hành thiền của mình có vẻ trơn tru đẹp đẽ, bạn lại ỷ y và có khuynh hướng nghỉ xả hơi quá nhiều; điều này cũng khiến việc hành thiền của bạn bị thụt lùi. Khi việc hành thiền tiến triển tốt đẹp, nhận thấy không cần cố gắng nhiều mà vẫn ghi nhận dễ dàng mọi hiện tượng, mọi diễn biến xảy ra, thì đừng ỷ y coi thường, tự đắc, mà phải duy trì đều đặn sự tinh tấn, giữ vững tốc độ đừng để mất trớn, mất đà đang có trong hiện tại.
8 & 9. Tránh Người Không Ðịnh Tâm, Gần Người Ðịnh Tâm
Cần phải tránh người không định tâm và cần phải thân cận, gần người định tâm. Ðó là cách thứ tám và chín giúp định tâm phát triển. Những người không bình an tĩnh lặng, chưa từng phát triển một loại định tâm nào, thường có nhiều bất an giao động. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình có cha mẹ là những người định tâm thì tâm của chúng cũng bình an. Những đứa con sinh ra trong gia đình có cha mẹ là những người không định tâm thì tâm của chúng cũng không bình an tĩnh lặng.
Vào thời Ðức Phật có vua A Xà Thế (Ajatasattu) đã giết cha để đoạt ngôi. Nhà vua đã trải qua nhiều đêm mất ngủ vì bị dày vò bởi tội lỗi đã làm. Cuối cùng, nhà vua quyết định đến gặp Ðức Phật để xin lời chỉ giáo. Ông cùng các cận thần băng qua khu rừng đến nơi chư tăng đang ngồi định tâm tĩnh lặng nghe Ðức Phật giảng dạy. Hàng ngàn người chăm chú nghe, không một tiếng động. Sự an tịnh này đã ảnh hưởng đến nhà vua và khiến mọi giao động bất an, hối hận trong tâm nhà vua biến mất. Nhà vua cảm thấy một sự bình an tĩnh lặng tràn ngập tâm mình, một hạnh phúc an tịnh mà nhà vua chưa từng có trước đây.
10. Nhớ Ðến Sự Bình An Tĩnh Lặng của Sự Nhập Ðịnh
Ðiều này có liên quan đến những người có hành thiền chỉ. Mục đích của thiền chỉ là đạt được sự vắng lặng. Nhớ lại phương thức đã áp dụng để đạt được các tầng định trong thiền, thiền sinh có thể xử dụng phương thức này một cách giản lượt để đạt được sự định tâm trong hiện tại.
Những người chưa đắc được các tầng thiền có thể nhớ lại đôi lúc tâm định rất mạnh trong một thời gian, hoặc khi hành thiền mà họ cảm thấy an lạc hạnh phúc và lúc tâm an chỉ vào đề mục. Nhớ lại những cảm giác an lạc thoát khỏi các chướng ngại và sự an lạc tĩnh lặng của tâm có được do sự hoạt động liên tục của sát na định sẽ làm phát sanh sự định tâm.
11. Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðịnh Tâm
Nguyên nhân thứ mười một và là nguyên nhân cuối cùng giúp phát triển tâm định là kiên trì hướng tâm vào việc phát triển định tâm. Tất cả đều tùy thuộc vào sự tinh tấn trong từng phút từng giây. Nếu cố gắng định tâm, bạn sẽ thành công.
Trích: “Ngay Trong Kiếp Sống Này”, Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch. Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề