Hiểu Biết Các Phân Tử – Kalàpa

Ý nghĩa thực sự của vô thường – anicca là: sự vô thường hay hủy hoại là bản chất nội tại trong mọi sự vật hiện hữu trong vũ trụ – dù là vật chất hay sinh vật. Ðức Phật dạy các môn đệ rằng mọi vật tồn tại ở dạng vật chất đều bao gồm những phân tử (kalàpa). Phân tử là những đơn vị vật chất nhỏ hơn nguyên tử rất nhiều, chúng bị hủy diệt hầu như ngay sau khi chúng vừa sinh ra. Mỗi phân tử là một khối vật chất được tạo thành bởi tám yếu tố vật chất cơ bản: chất đặc, lỏng, nóng, và rung, cùng với màu sắc, mùi, vị, và dinh dưỡng. Bốn yếu tố đầu là những đặc tính cơ bản, và trổi vượt trong một phân tử. Bốn yếu tố sau là những yếu tố phụ thuộc và phát sinh từ bốn yếu tố trước.

Một kalàpa là phân tử nhỏ nhất của vật chất – vẫn còn ở ngoài phạm vi của khoa học (*). Phân tử chỉ được thành lập khi tám yếu tố cơ bản nói trên cùng hợp lại với nhau. Nói cách khác, sự qui tụ tạm thời của tám yếu tố cơ bản này để tạo thành một khối vật chất trong một khoảnh khắc được gọi là một phân tử trong Phật giáo. Tuổi thọ của một phân tử được gọi là một “khoảnh khắc,” và trong một nháy mắt có một ngàn tỉ khoảnh khắc như thế trôi qua. Tất cả những phân tử này luôn luôn ở trong tình trạng biến dịch hay lưu chuyển không ngừng. Ðối với một thiền sinh đã đạt mức độ khá cao, họ có thể cảm nghiệm các phân tử này như một dòng thác năng lượng.

(*) Vào thời U Ba Khin soạn bài giảng này, người ta vẫn còn biết rất ít về khoa vật lí nguyên tử và phân tử. Ngày nay chúng ta biết rằng kalapas là những phân tử dưới nguyên tử, luôn luôn ở trong tình trạng dao động giữa vật chất và năng lượng.

Không như chúng ta thấy bề ngoài, thân thể con người không phải là một thực thể rắn chắc và ổn định, mà là một dòng vật chất (rùpa) liên tục, hiện hữu đồng thời với tâm (nama). Nếu chúng ta biết rằng thân thể của chúng ta là tất cả những phân tử cực nhỏ luôn luôn thay đổi thì chúng ta biết được bản chất thực sự của sự biến dịch và hủy hoại. Sự biến dịch hay thay đổi này (vô thường) xảy ra do việc các phân tử liên tục bị hủy diệt và thay thế vì tất cả chúng đều ở trạng thái đốt cháy, và sự sinh-diệt này phải được nhìn nhận như là khổ não, chân lí về đau khổ. Chỉ khi quí vị cảm nghiệm được vô thường, đau khổ, quí vị mới nhận thức rõ được chân lí về đau khổ, là chân lí đầu tiên của Tứ Diệu Ðế, nền tảng giáo lí của Ðức Phật.

Tại sao? Bởi vì khi quí vị nhận ra bản chất tinh tế của khổ não mà quí vị không thể thoát được trong chốc lát, quí vị trở nên thực sự sợ nó, ghét nó, và chán ngán chính sự sống của quí vị như một thực thể danh sắc, và tìm cách trốn thoát khỏi tình trạng đau khổ, để đi tới Niết bàn, chỗ kết thúc của đau khổ. Chỗ kết thúc đau khổ đó thế nào, quí vị sẽ có thể cảm nghiệm nó ngay cả ở đời sống này, khi quí vị thành đạt bậc thánh Tu Ðà Huờn,và thực hành khá tốt để đạt đến tình trạng vô điều kiện của Niết bàn, là sự bình an trong tâm hồn. Nhưng ngay cả trong đời sống thường ngày, ngay khi quí vị duy trì được sự ý thức về vô thường trong khi hành thiền, quí vị sẽ cảm nghiệm được sự biến đổi đang diễn ra nơi con người quí vị để làm cho quí vị trở nên tốt hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trước khi bước vào việc hành thiền Vipassāna (nghĩa là sau khi đã đạt tới một mức độ định tâm, tập trung, cần thiết), thiền sinh phải có sự hiểu biết lí thuyết về các đặc tính của danh sắc. Vì trong khi hành thiền Vipassāna, thiền giả không chỉ niệm về sự thay đổi bản tính của sắc pháp, mà cả sự thay đổi bản tính của tinh thần, những yếu tố tư tưởng của sự chú ý vào tiến trình thay đổi đang diễn ra trong sắc pháp. Có lúc sự chú ý được tập trung vào tính vô thường của khía cạnh sắc pháp của hiện hữu (nghĩa là tập trung vào vô thường đối với sắc pháp); lúc khác lại tập trung vào sự vô thường của các yếu tố tư tưởng hay khía cạnh tinh thần (nghĩa là tập trung vào vô thường đối với danh pháp). Khi người hành thiền niệm về sự vô thường của sắc pháp, họ cũng nhận ra rằng những yếu tố tư tưởng xảy ra đồng thời với sự ý thức đó cũng đang ở trong tình trạng chuyển biến hoặc thay đổi. Trong trường hợp này, người ta sẽ hiểu biết vô thường về sắc pháp và danh pháp cùng một lúc.

Những gì tôi đã nói cho tới giờ đều liên quan tới việc hiểu biết vô thường thông qua những cảm giác thể lí về tiến trình thay đổi của sắc pháp cũng như của những yếu tố tư tưởng tùy thuộc những tiến trình thay đổi ấy. Quí vị nên biết rằng quí vị cũng có thể hiểu vô thường thông qua các loại cảm giác khác. Có thể niệm vô thường qua các cảm giác khác nhau: 

–  nhờ tiếp xúc hình ảnh bằng thị giác;

–  nhờ tiếp xúc âm thanh bằng thính giác;

–  nhờ tiếp xúc mùi bằng khứu giác; 

–  nhờ tiếp xúc vị bằng vị giác; 

–  nhờ tiếp xúc với da bằng xúc giác; và

–  nhờ tiếp xúc các đối tượng tâm bằng nhận thức của tâm.

Như vậy, người ta có thể phát triển hiểu biết về vô thường qua sáu giác quan trên đây. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta trong số sáu giác quan này thì xúc giác bao trùm lãnh vực rộng rãi nhất của việc suy niệm nội quan. Không những thế, cảm giác chúng ta có nhờ sự tiếp xúc bằng xúc giác (bằng sự ma sát, phát xạ và dao động của các khoảnh khắc phân tử bên trong) với các bộ phận khác của thân thể thì dễ nhận thấy hơn bất kì loại cảm giác nào khác. Vì vậy, một thiền sinh mới bắt đầu hành thiền Vipassāna có thể hiểu được vô thường một cách dễ dàng hơn nhờ những cảm giác thể lí về sự thay đổi của sắc pháp. Ðây là lí do chính khiến chúng ta chọn cảm giác của thân làm phương tiện để mau chóng thấu hiểu vô thường. Người ta vẫn có thể sử dụng các phương tiện khác, nhưng theo thiển ý của tôi, thiền sinh nên nắm thật vững sự hiểu biết về vô thường thông qua cảm giác của thân trước khi thử các loại cảm giác khác.

 

—o0o—

 

Bài viết trích từ cuốn Vipassana – Tiếng Chuông Vượt Thời Gian (The Clock of Vipassana Has Struck)  – Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin (Tỳ Kheo Thiện Minh dịch).

 

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH THIỀN QUÁN – TIẾNG CHUÔNG VƯỢT THỜI GIAN

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app