318- Hàm Tận Tập Yếu (Sabbasaṅgaho).

V- Thế nào là Hàm Tận Tập Yếu?

Ð- Hàm Tận Tập Yếu là gồm tất cả Pháp Chơn Ðế chia ra từng phần trong mỗi loại. Hàm Tận Tập Yếu có 4:

1) Năm Uẩn. 2) Mười hai Xứ. 3) Mười tám Giới. 4) Bốn Ðế.

319- Năm Uẩn (Khandha).

V- Thế nào là Năm Uẩn?

Ð- Uẩn là khối, nhóm, đống, chùm. Cũng gọi là ấm, tích tựu, tập hợp v.v…Như vậy, Ngũ uẩn là năm nhóm tập hợp.

1) Sắc Uẩn là nhóm thể chất vô tri, hằng tiêu hoại đổi thay. Nên Sắc Uẩn ví như bọt nước.

2) Thọ Uẩn là nhóm cảm thọ có 5 thứ cảm thọ: Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ và Xả. Thọ Uẩn ví như bong bóng nước.

3) Tưởng Uẩn là nhóm ký ức nhớ lại, nhận ra, hồi, tưởng. Có 6 thứ là Sắc Tưởng, Thinh Tưởng, Khí Tưởng, Vị Tưởng, Xúc Tưởng và Pháp Tưởng. Tưởng Uẩn ví như hoa đóm trên hư không.

4) Hành Uẩn là nhóm hành động Thiện và Bất Thiện. Hành Uẩn ví như cây chuối (không có lõi).

5) Thức Uẩn là nhóm năng tri (biết cảnh). Thức Uẩn có 6 thứ: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức. Thức Uẩn dụ như người đóng kịch.

Bản thể pháp của 5 Uẩn: Sắc Uẩn là 28 sắc pháp; Thọ Uẩn là sở hữu Thọ; Tưởng Uẩn là sở hữu Tưởng; Hành Uẩn là 50 sở hữu (trừ Thọ, Tưởng). Thức Uẩn là tất cả Tâm.

320- Mười Hai Xứ (Āyatana).

V- Thế nào là Mười Hai Xứ?

Ð- Xứ là nơi, chỗ. Theo Pāli chú giải “Pháp nào làm cho Tâm và sở hữu phát sanh gọi là Xứ”. Xứ có 12:

1) Nhãn Xứ là Thần Kinh Nhãn là cơ quan thâu bắt cảnh sắc.

2) Nhĩ Xứ là Thần Kinh Nhĩ tức là cơ quan thâu bắt cảnh Thinh.

3) Tỷ Xứ là Thần Kinh Tỷ tức là cơ quan thâu bắt cảnh Khí.

4) Thiệt Xứ là Thần Kinh Thiệt tức là cơ quan thâu bắt cảnh Vị.

5) Thân Xứ là Thần Kinh Thân tức là cơ quan thâu bắt cảnh Xúc.

6) Sắc Xứ là cảnh sắc tức là tất cả vật có hình sắc (vật bị thấy).

7) Thinh Xứ là cảnh Thinh tức là vật bị nghe.

8) Khí Xứ là cảnh Khí (mùi, hơi) vật bị ngửi.

9) Vị Xứ là cảnh Vị tức là vật bị nếm.

10) Xúc Xứ tức là đất, lửa, gió, tức là vật bị cảm xúc.

11) Ý Xứ là vật biết cảnh tức là tất cả Tâm.

12) Pháp Xứ là các pháp chơn đế ngoài ra Tâm và 12 sắc thô, tức là 52 sở hữu Tâm, 16 sắc Tế và Niết Bàn.

321- Mười Tám Giới (Dhātu).

V- Thế nào là mười tám Giới?

Ð- Giới là bản chất có tướng trạng riêng biệt, mỗi vật có tánh chất khác nhau. Giới có 18:

1) Nhãn Giới là Nhãn Vật tục gọi là con Mắt, tức là cơ quan thâu bắt cảnh Sắc.

2) Nhĩ Giới là Nhĩ Vật tục gọi là lỗ Tai tức là cơ quan thâu bắt cảnh Thinh.

3) Tỷ Giới là Tỷ Vật tục gọi là lỗ Mũi tức là cơ quan thâu bắt cảnh Khí.

4) Thiệt Giới là Thiệt Vật tục gọi là cái Lưỡi tức là cơ quan thâu bắt cảnh Vị.

5) Thân Giới là Thân Vật cũng gọi là Thần Kinh Thân tức là cơ quan thâu bắt cảnh Xúc.

6) Sắc Giới là cảnh Sắc tức là vật bị Mắt biết.

7) Thinh Giới là cảnh Thinh tức là tiếng bị Tai nghe.

8) Khí Giới là cảnh Khí tức là các hơi, mùi bị Mủi ngửi.

9) Vị Giới là cảnh Vị tức là các vị bị Lưỡi nếm.

10) Xúc Giới là đất, lửa, gió; hay cảnh Xúc tức là vật bị Thân cảm xúc.

11) Nhãn Thức Giới là 2 Tâm Nhãn Thức tức là cái biết của Mắt.

12) Nhĩ Thức Giới là 2 Tâm Nhĩ Thức tức là cái biết của Tai.

13) Tỷ Thức Giới là tâm Tỷ Thức tức là cái biết của Mủi.

14) Thiệt Thức Giới là 2 Tâm Thiệt Thức tức là cái biết của Lưỡi.

15) Thân Thức Giới là 2 Tâm Thân Thức tức là cái biết của Thân.

16) Ý Giới là 2 Tâm Tiếp Thâu và Tâm Khai Ngũ Môn. Cái biết này thuộc về phân Ý nhưng bắt cảnh Ngũ, chứ không phải cảnh Pháp (tức là chưa phân biệt trạng thái riêng của mỗi sự vật).

17) Ý Thức Giới là 108 Tâm còn lại (trừ Ngũ Song Thức và 3 Ý Giới) tức là cái biết của Ý hay là năng tri của cảnh pháp.

18) Pháp Giới là 52 sở hữu Tâm, 16 Sắc Tế và Niết Bàn. Tức là đối tượng của Ý Thức hay là phần sở tri của Ý Thức (vật bị Ý Thức biết).

322- Bốn Thánh Ðế (Ariyasaccāni).

V- Thế nào là Bốn Thánh Ðế?

Ð- Ðế là chơn thật. Thánh là những bậc siêu phàm tục. Như vậy 4 Thánh Ðế là 4 pháp chơn thật các bậc siêu nhân mới hiểu được; cũng gọi là Diệu Ðế là những chơn lý sâu xa mầu nhiệm. Thánh Ðế có 4:

1) Khổ Ðế là sự khổ chắc thật, khổ vi tế đến đổi phàm nhân tưởng lầm là Hạnh Phúc; hay nói một cách khác những Hạnh Phúc do Cảm Thọ lãnh nạp điều là khổ; hay nói rõ hơn: cái chi Sanh Diệt thì cái đó là Khổ! Bởi Sanh Diệt là Vô Thường, mà cái chi Vô Thường là Khổ não. Vì vậy Khổ Ðế gồm có Người, Cõi và Tâm trong tam Giới, tức là 54 Tâm Dục Giới, 15 Tâm Sắc Giới, 12 Tâm Vô Sắc Giới, 51 sở hữu Tâm (trừ Tham) và 28 Sắc pháp.

2) Tập Ðế là nhân sanh ra đau khổ, là nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Tập Ðế là sở hữu Tham (tức là lòng luyến ái, ham muốn…).

3) Diệt Ðế là sự chấm dứt khổ và nguyên nhân sanh Khổ. Diệt Ðế tức là Niết Bàn là trạng thái hoàn toàn vắng lặng chấm dứt Khổ đau và điều kiện tạo khổ đau.

4) Ðạo Ðế là con đường đưa đến Diệt Ðế tức là nguyên nhân đắc chứng Niết Bàn Ðạo Ðế có 8 chi là Bát Chánh Ðạo sở hữu Trí tuệ (Chánh Kiến), Tầm (Chánh Tư Duy), Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Cần (Chánh Tinh Tấn), Niệm, Ðịnh, 8 sở hữu này khi nào hợp với Tâm Ðạo thì 8 sở hữu này là Ðạo Ðế; còn các sở hữu đồng sanh và tâm Ðạo là ngoại Ðế (chẳng phải đế nào cả).

323- Duyên Yếu Hiệp (Paccaya Samgaha).

V- Thế nào là Duyên Yếu Hiệp?

Ð- Duyên Yếu Hiệp là những yếu tố trợ sanh và ủng hộ. Duyên Yếu Hiệp có 2 loại: Duyên Sinh và Duyên Hệ.

324- Duyên Sinh (Paṭiccasamuppāda) (*)

V- Thế nào là Duyên Sinh?

Ð- Duyên Sinh là các nguyên nhân sanh khởi; và cái này có, cái kia có; nếu cái này không, cái kia không (imasmimsati, idam hoti; imasmim asati, idam na hoti). Duyên Sinh có 12 chi tập khởi: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lảo Tử Ưu Bi Khổ Não.

(*) Sinh ra đặng do nhờ Duyên nên gọi là Duyên Sinh (Paccayaṃ paṭiccasamuppajjatīti: Paṭiccasamupādo).

325- Vô Minh Duyên Hành (Avijjā Paccayā Saṅkhārā). (*)

V- Thế nào là Vô Minh duyên Hành?Ð- Vô Minh là không biết cái đáng biết: cái đáng biết là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Nhân Quá Khứ, Quả Vị Lai, Nhân Quá Khứ và Quả Vị Lai, Duyên Sinh. Vô Minh tức là sở hữu Si. Vì không biết cái đáng biết ấy nên ý nghĩ tạo tác các việc Thiện, Bất Thiện; như Phúc Hành (sở hữu Tư hiệp với Tâm Thiện Dục Giới, Tâm Thiện Sắc Giới tạo ra Tâm Quả Thiện Dục Giới, Sắc Giới và Sắc Nghiệp Thiện), Phi Phúc Hành (sở hữu Tư hiệp với Tâm Bất Thiện tạo ra Tâm Quả và sắc Nghiệp Bất Thiện). Bất Ðộng Hành (sở hữu Tư hiệp với Tâm Thiện Vô Sắc Giới tạo ra Tâm Quả Vô Sắc Giới). Hoặc Thân Hành (sở hữu Tư hợp với Tâm Thiện Dục Giới, Tâm Bất Thiện điều khiển Thân hành động). Khẩu Hành (sở hữu Tư…điều khiển khẩu nói năng). Tâm Hành (sở hữu Tư…ý suy nghĩ).

(*) Hành động trái với trí tuệ gọi là Vô Minh (Vijjāpatikkhāti: Avijjā).

326- Hành Duyên Thức (Saṅkhāra Paccayā Viññāṇaṃ). (*)

V- Thế nào là Hành duyên Thức?

Ð- Hành ở đây là sở hữu Tư hiệp với Tâm Bất Thiện và Tâm Thiện Hiệp Thế tạo ra các Tâm Quả Hiệp Thế. Như sở hữu Tư Hiệp với 12 Tâm Bất Thiện tạo ra 7 tâm Quả Bất Thiện, sở hữu Tư Hiệp trong 8 Tâm Thiện Dục Giới tạo ra 8 Tâm Quả Thiện Vô Nhân và 8 Tâm Quả Dục Giới Hữu Nhân. Sở Hữu Tư Hiệp trong 5 Tâm Thiện Sắc Giới tạo ra 5 Tâm Quả sắc Giới và sở hữu Tư Hiệp trong 4 Tâm Thiện Vô sắc Giới tạo ra 4 Tâm Quả Vô Sắc Giới.

(*) Bị tạo mà điều khiển thân, khẩu, ý gọi là Hành (Saṅkhataṃ kāyavac’manokammaṃ abhisaṅkhāronti etehīti: Saṅkhārā).

327- Thức Duyên Danh Sắc (Viññāṇa Paccayā Nāmarūpa). (*)

V- Thế nào là Thức duyên Danh Sắc?

Ð- Thức ở đây là Quả thức (Vipākaviññāṇa) và Nghiệp thức (Kammaviññāṇa). Quả Thức là 7 Tâm Quả Bất Thiện, 8 Tâm Quả Thiện Vô Nhân, 8 Tâm Quả Dục Giới Hữu Nhân, 5 Tâm Quả Sắc Giới và 4 Tâm Quả Vô Sắc Giới. Nghiệp Thức là sở hữu Tư Hiệp với các Tâm Bất Thiện và Thiện Hiệp Thế trong thời Quá Khứ. Vì có hai thức này nên 35 sở hữu Tâm (trừ 3 giới Phần) hiệp trong 32 Tâm Quả Hiệp Thế mới có. Và cũng vì có 2 loại Thức này nên sắc Nghiệp Tục Sinh (Patisandhikammajarūpa), Sắc Nghiệp Bình Nhựt (Pavattikammajarūpa) và Sắc Tâm Quả (Cittavipākajarūpa) mới được sanh lên.

(*) Biết cảnh gọi là Thức (Vijā nānti etenati: Viññaṇaṃ).

328- Danh Sắc Duyên Lục Nhập (Nāmarūpa Paccayā Saḷāyatana). (*)

V- Thế nào là Danh Sắc duyên Lục Nhập?Ð- Danh ở đây là 35 sở hữu (trừ Giới Phần) khi hiệp với 32 Tâm Quả Hiệp Thế. Còn sắc ở đây là sắc Nghiệp (5 Sắc Vật, 2 Sắc Tính, 8 Sắc Bất Ly do Nghiệp tạo, Mạng Quyền và Ý Vật. Vì có 2 phần danh và sắc này nên Nhãn Xứ, Nhĩ Xứ, Tỷ Xứ, Thiệt Xứ, Thân Xứ, và Ý Xứ (32 Tâm Quả Hiệp Thế) mới có.

(*) Danh và Sắc hợp lại gọi là Danh Sắc (Nāmaṅ ca Rūpaṅ ca Nāmarūpaṅ ca: Nāmarūpaṃ).

329- Lục Nhập Duyên Xúc (Salāyatana Paccayā Phassa). (*)

V- Thế nào là Lục Nhập duyên Xúc?

Ð- Vì có Nhãn Vật nên mới có Nhãn Xúc (sự giáp mặt của Nhãn Vật, Nhãn Thức và Cảnh Sắc). Vì có Nhĩ Vật nên mới có Nhĩ Xúc (sự giáp mặt của Nhĩ Vật, Nhĩ Thức và cảnh Thinh). Vì có Tỷ Vật nên mới có Tỷ Xúc (sự giáp mặt của Tỷ Vật, tỷ Thức và Cảnh Khí). Vì có Thiệt Vật nên mới có Thiệt Xúc (sự giáp mặt của Thân Vật, thân Thức và Cảnh Xúc). Vì có Ý vật nên mới có Ý Xúc (sự giáp mặt của Ý Vật, Ý Thức và 6 Cảnh).

(*) 6 xứ trong và 6 xứ ngoài hợp lại là Lục Nhập (Saḷāyatanaṅ ca chaṭṭhhāyatanaṅ ca: Saḷāyatanaṃ).

330- Xúc Duyên Thọ (Phassa Paccayā Vedanā). (*)

V- Thế nào là Xúc duyên Thọ?

Ð- Xúc đây là sở hữu Xúc hiệp với 32 Tâm Quả Hiệp Thế. Vì có sở hữu Xúc trong 32 Tâm Quả Hiệp Thế, nên sở hữu Thọ trong 32 tâm Quả Hiệp Thế mới có. Như: Nhãn Xúc duyên Nhãn Thọ, Nhĩ Xúc duyên Nhĩ Thọ, Tỷ Xúc duyên cho Tỷ Thọ, Thiệt Xúc duyên cho Thiệt Thọ, Thân Xúc duyên cho Thân Thọ, Ý Xúc duyên cho Ý Thọ (Ý Thọ là sở hữu Thọ hiệp với 2 Tâm Tiếp Thâu, 3 Tâm Quan sát, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân, 5 Quả sắc Giới và 4 Quả Vô Sắc.

(*) Căn, Cảnh và Thức gặp nhau gọi là Xúc (Vatthu Viññāṇaṃ ca Ārambhaṃ phusatīti: Phasso).

331- Thọ Duyên Ái (Vedanā paccayā taṇhā). (*)

V- Thế nào là Thọ duyên Ái?

Ð- Thọ đã phân 6 loại như trên. Còn Ái đây là sở hữu Tham Hiệp với 8 Tâm Tham khởi lên trong Lộ Tâm Ngũ Môn và Ý Môn nơi chặn Ðổng Tốc (Javana) để hưởng Cảnh tốt. Thọ có 6 thì Ái cũng có 6: Nhãn Thọ duyên Sắc Ái, Nhĩ Thọ duyên Thinh Ái, Tỷ Thọ duyên Hương Ái, thiệt Thọ duyên Vị Ái, Thân Thọ duyên Xúc Ái, Ý Thọ duyên Pháp Ái (Pháp Ái là ưa thích các sự việc …).

(*) Tiếp nhận trần cảnh gọi là Thọ (Vedayatīti: Vedanā).

332- Ái Duyên Thủ (Taṇhā Paccayā Upādānaṃ). (*)

V- Thế nào là Ái duyên Thủ?

Ð- Ái có 6 loại như nói trên. Thủ cũng có 6 loại như Ái, nhưng nặng hơn. Thí dụ: thấy chiếc xe tốt khởi Tâm ưa thích là Ái, Tâm tha thiết luôn luôn muốn được chiếc xe tốt ấy là Thủ. Vì vậy Ái duyên Thủ cũng có 6: sắc Ái duyên Sắc Dục Thủ, Thinh Ái duyên Thinh Dục Thủ, Hương Ái duyên Hương Dục Thủ, Vị Ái duyên Vị Dục Thủ, Xúc Ái duyên Hương Dục Thủ, Pháp Ái duyên Pháp Dục Thủ (Dhammakāmupādāna, chớ không phải Dhammachanda là sự mong muốn chứng ngộ Ðạo, Quả Thiền Ðịnh…).

(*) Cảm nhiễm vật dục gọi là Ái (Vuthukānaṃ paritassatīti: Taṇhā).

333- Thủ Duyên Hữu (Upādāna Paccayā Bhava). (*)

V- Thế nào là Thủ duyên Hữu?

Ð- Thủ có 6 loại như đã nói trên. Còn hữu ở đây có 2: Nghiệp Hữu (Kammabhava), và Sinh Hữu (Upapattibhava).

Nghiệp Hữu là sở hữu Tư Hiệp với Tâm Bất Thiện và Tâm Thiện Hiệp Thế nương theo Thân Môn, Khẩu Môn và Ý Môn.

Sinh Hữu là 23 Tâm Quả Hiệp Thế và sắc Nghiệp. Sinh Hữu có 3: Dục Hữu, Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu.

– Dục Hữu là 23 Tâm Quả Tục Giới, 33 sở hữu hợp (trừ Giới và Vô Lượng Phần) và 20 sắc Nghiệp.

– Sắc Hữu là 5 Tâm Quả Sắc Giới, 2 Nhãn Thức, 2 Nhĩ Thức, 2 Tiếp Thâu, 3 Quan sát, 35 sở hữu hợp (trừ Giới Phần) và 15 Sắc Nghiệp (trừ Tỷ Vật, Thiệt Vật, Thân Vật và 2 sắc Tính.

– Vô Sắc Hữu là 4 Tâm Quả Vô sắc và 30 sở hữu hợp (trừ Tầm, Tứ, Hỷ, 2 Vô Lượng Phần và 3 Giới Phần). Nếu phân tích từ khía cạnh thì có 6 loại Hữu nửa: Tưởng Hữu, Vô Tưởng Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Hữu, Nhất Uẩn Hữu, Tứ Uẩn Hữu và Ngũ Uẩn Hữu (dù phân nhiều cách nhưng cũng chỉ là quả do sự chấp Thủ mà có ra trong Tam Giới. Xin Miễn giải chi tiết).

(*) Trầm nịch ái gọi là Thủ (Upādiyantīti: Upādānāni).

334- Hữu Duyên Sinh (Bhava Paccayā Jāti). (*)

V- Thế nào là Hữu duyên Sinh?

Ð- Hữu ở đây là Nghiệp Hữu. Còn Sinh là sự phát khởi của Danh và sắc, có 2 thứ là Tâm Tục Sinh và Sắc Tục Sinh. Sinh có 3 loại:

1) Ngũ Uẩn Sinh; 2) Tứ Uẩn Sinh; 3) Nhứt Uẩn Sinh.

Ngũ Uẩn Sinh là 10 Tâm Quả Tục Sinh Cõi Dục Giới, 5 Tâm Quả tục Sinh Cõi Sắc Giới và các Sắc Nghiệp Tục Sinh.

Tứ Uẩn Sinh là 4 Tâm Quả tục Sinh Cõi Vô Sắc (4 Cõi Vô Sắc vì thiếu Sắc Uẩn nên gọi là Tứ Uẩn).

Nhứt Uẩn Sinh là Sắc Mạng Quyền lúc tục sinh của người Vô Tưởng (cõi Vô Tưởng người chỉ có Sắc chớ không Tâm, nên gọi là Nhứt Uẩn).

Như vậy, do có Nghiệp Hữu mới có Tâm Tục sinh và Sắc Tục Sinh nên gọi là “Hữu duyên Sinh”.

(*) Làm cho thành quả và nương nhờ mà có gọi là Hữu (Kammamevā ca bhavati etasmāti: Bhavo).

335- Sinh Duyên Lão Tử (Jāti Paccayā Jarāmaraṇaṃ). (*)

V- Thế nào là Sinh duyên Lão, Tử, Sầu, Khóc (Bi Lụy), Khổ, Ưu, Ai?

Ð- Sinh có 2 thứ (3 loại) như đã nói trên. Do Danh và sắc sanh khởi nên Lão Tử Sầu Khóc Khổ Ưu Ai sanh khởi!

Sinh là sanh khởi của Tâm và Sắc (Danh và sắc ở sát na Sinh).

Lão là sự già của Tâm và Sắc (danh và sắc ở sát na Trụ).

Tử là sự hoại diệt của Tâm và Sắc (Danh và sắc ở sát na Diệt).

Sầu là Tâm buồn rầu, phiền muộn, ưu sầu (Tâm Sân thọ Ưu).

Khóc là sự kêu la than khóc, nước mắt tuôn rơi (cách Khổ Tâm động Thân).

Khổ là sự đau đớn của thể xác (Thân thức thọ Khổ).

Ưu là sự buồn bực, ưu tư bất toại nguyện (sở hữu thọ Ưu).

Ai là sự quá buồn, quá khổ Tâm, rất khó chịu sở hữu thọ Khổ.

Ðể người đọc dễ nhận, xin thí dụ: Khổ như nước mía đang thắng trên lò lửa, sầu như nước mía đang sôi, Ai như nước mía sắt lại thành đường, Khóc như đường bị khét.

Như vậy là toàn bộ Khổ Uẩn, Duyên Sinh tập khởi phân ra 3 thời, 12 chi, 20 hành tướng, 3 tục đoan, 4 yếu lược, 3 luân hồi và 2 căn.

(*) Sự xuất hiện của Uẩn gọi là Sinh (Jananaṃ khandhaṃtīti: Jāti).

336- Ba Thời (Addhā).

V- Thế nào là 3 thời?

Ð- Ba Thời là Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai.

Thời Quá Khứ gồm có 2 phần Duyên Sinh là Vô Minh và Hành.

Thời Hiện Tại gồm có 8 Phần Duyên Sinh là Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ và Hữu.

Thời Vị Lai gồm có 2 phần Duyên Sinh là Sanh và Lão Tử.

337- Mười Hai Chi (Aṅga).

V- Thế nào là 12 Chi?

Ð- Mười Hai Chi là Vô Minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử…

338- Hai Mươi Hành Tướng (Visatākārā).

V- Thế nào là hai mươi Hành Tướng?

Ð- Vô Minh, Hành, Ái, Thủ và Hữu là nhân Hành Tướng Quá Khứ tạo ra Quả Hiện Tại: Thức, danh sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ là quả Hành Tướng của Hiện Tại. Ái, Thủ,Hữu, Vô Minh và Hành là nhân Hành Tướng của Hiện Tại tạo ra quả Vị Lai: Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ trong Sanh và Lão Tử là quả hành Tướng của Vị Lai.

339- Ba Tục Ðoan (Tīsandhi).

V- Thế nào là 3 Tục Ðoan?

Ð- Hành và Thức là mối nối giữa Nhân Quá Khứ và Quả Hiện Tại.

Thọ và Ái là mối nối giữa Nhân Hiện Tại và Quả Hiện Tại.

Hữu và Sinh là mối nối giữa Nhân Hiện Tại và Quả Vị Lai.

340- Bố Yếu Lược (Tusaṅkhepa).

V- Thế nào là 4 Yếu Lược?

Ð- Hai mươi Hành Tướng nói tóm lại có 4 phần:

a) Nhân Quá Khứ. b) Quả Hiện tại. c) Nhân Hiện tại. d) Quả Vị lai.

341- Ba Luân Hồi (Tīṇivavattāni).

V- Thế nào là 3 Luân Hồi?

Ð- Ba Luân Hồi là Phiền Não Luân Hồi, Nghiệp Luân Hồi và Quả Luân Hồi.

Phiền Não Luân Hồi: Vô Minh, Ái và Thủ.

Nghiệp Luân Hồi: Hữu và Hành.

Quả Luân Hồi: Sanh, Lão tử, Thức, danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ.

342- Hai Căn (Mūla).

V- Thế nào là 2 Căn?

Ð- Hai Căn là Quá Khứ Căn và Hiện tại Căn.

Quá Khứ Căn: Vô Minh (nguồn gốc đời Quá Khứ).

Hiện Tại Căn: Ái (gốc rể đời Hiện Tại).

Như vậy là “Duyên sinh”, là Pháp “Tập khởi” do cái này có, cái kia có. Nếu cái này không, cái kia không. Chúng sanh hay loại Hữu Tình dưới mọi hình thức (người, thú) dưới mọi danh xưng (Ông, bà..) chỉ là một bộ Ngũ Uẩn, nếu phân tóm lượt thì chỉ có 2 phần là Danh và Sắc. Danh và Sắc là 2 nguồn hiện tượng luôn luôn sanh và Diệt, không thể dừng lại, dù chỉ một giây phút ngắn. Ðã luôn luôn sanh diệt đổi thay, dĩ nhiên là không thể có một vật chi thường hằng bất biến! Ðó là định lý Vô Thường (Anicca). Vô Ngã (Anattā) của Ðạo Phật. (Thế nên người Phật Tử mà tin có một cá thể nào thường hằng bất biến là hiểu sai giáo lý Ðức Thế Tôn. Và có thể giống như các triết thuyết ngoại đạo tin tưởng vào chủ thuyết Thượng Ðế và Linh Hồn; hoặc Ðại Ngã và Tiểu Ngã; hoặc Chơn Tâm và Vọng Thức v.v..).

343- Duyên Hệ (Pāṭṭhānapaccayo) (*)

V- thế nào là Duyên Hệ?

Ð- Duyên Hệ là sự trợ giúp cho được sanh ra hoặc ủng hộ cho được tăng trưởng thêm; theo Phật Giáo không có cái gì tự hữu đơn thuần mà phải do nhiều yếu tố hiệp trợ. Thí dụ: cái đồng hồ không thể tự nhiên mà có, nhưng cũng không phải chỉ do một người thợ làm được cái đồng hồ và cũng không phải chỉ một bộ phận, một chất loại nào mà thành cái đồng hồ được! Trái lại sở dĩ có cái đồng hồ là do nhiều người thợ (làm các bộ phận), nhiều bộ phận, nhiều chất loại.. kết thành. Ðó là lý Duyên Hệ (paccayadhamma) của Ðạo Phật vậy.

Duyên Hệ phần pháp căn bản có 24: Nhân Duyên, Cảnh Duyên, Trưởng Duyên, Vô Gián Duyên, Ðẳng Vô Gián Duyên, Ðồng Sanh Duyên, Hổ Tương Duyên, Y Chỉ Duyên, Thân Y Duyên, Tiền Sanh Duyên, Hậu Sanh Duyên, Tập Hành Duyên, Nghiệp Duyên, Quả Duyên, Thực Duyên, Quyền Duyên, Thiền Duyên, Ðạo Duyên, Tương Ưng Duyên, Bất Tương Ưng Duyên, Hiện Hữu Duyên, Vô Hữu Duyên, Ly Duyên và Bất Ly Duyên.

(*) Pháp nào trợ giúp cho Pháp khác sinh ra gọi là Duyên (Paṭicca phalaṃ ayati etasmāti: Paccaye). Và khi một Duyên sinh lên, có nhiều Duyên khác đồng sinh khởi nên gọi là Duyên Hệ).

344- Nhân Duyên (Hetupaccayo). (*)

V- Thế nào là Nhân Duyên?

Ð- Nhân Duyên là cách tương trợ giúp bằng 6 Nhân Tương Ưng (Tham, Sân, Si, Vô Tham, Vô Sân và Vô Si); hay nói cách khác, Nhân Tương Ưng ủng hộ và trợ sanh các Tâm Pháp tương ưng và Sắc Pháp đồng sanh gọi là Nhân Duyên. Nhân Duyên tính theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Nhân Duyên (Thiện năng duyên là: Vô Tham, Vô Sân, Vô Si hiệp với 21 hoặc 37 Tâm Thiện (**), Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và các sở hữu cùng hiệp).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Nhân Duyên (Thiện năng duyên là 3 Thân Thiện hiệp với các Tâm Thiện cõi Ngũ Uẩn. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Nhân Duyên (Thiện năng duyên là 3 Thân Thiện hiệp với Tâm Thiện Cõi Ngũ Uẩn. Thiện và Vô Ký sở duyên là các Tâm Thiện sở hữu cùng hiệp và Sắc Tâm Thiện đồng sanh).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Nhân Duyên (Bất Thiện năng duyên là Tham, Sân và Si. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và các sở hữu cùng hiệp, trừ Si hiệp Tâm Si).

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Nhân Duyên (Bất Thiện năng duyên là 3 Thân Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Bất Thiện).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Nhân duyên (Bất Thiện năng duyên là 3 Nhân Bất Thiện. Bất Thiện và Vô Ký sở duyên là các Tâm Bất Thiện, sở hữu cùng hiệp và Sắc Tâm Bất Thiện đồng sanh), (trừ Si hiệp Tâm Si).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng nhân duyên (Vô Ký năng duyên là Vô Tham, Vô sân và Vô Si hiệp vớicác Tâm. Vô Ký sở duyên là các Tâm Vô Ký Hữu Nhân sở hữu cùng hiệp và Sắc Tâm Vô Ký Hữu Nhân.

(*) Pháp nào hộ trì các pháp đồng sinh được tăng trưởng vững mạnh như rễ đối với cây, pháp đó gọi là Nhân Duyên (Mūlatthena upakāro dhammo: Hetupaccayo).

(**) 37 tâm thiện: 8 Ðại thiện, 9 Thiện Ðáo Ðại, 20 Tâm Ðạo.

345- Cảnh Duyên (Ārammaṇapaccayo). (*)

V- Thế nào là Cảnh Duyên?

Ð- Cảnh Duyên là cách trợ giúp bằng đối tượng; hay nói cách khác, cái gì bị Tâm biết gọi là Cảnh và Cảnh trợ cho Tâm sanh khởi nên gọi là Cảnh Duyên. Trong bộ Pāṭṭhāna có giải: Sắc Xứ làm Duyên cho Nhản Thức Giới và các Pháp tương ưng với Nhản Thức Giới bằng Cảnh Duyên Thinh Xứ…Khí Xứ…Vị Xứ…Xúc Xứ…Cả 5 Xứ (Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc) làm Duyên cho Ý Giới và Pháp tương ứng với Ý Giới bằng Cảnh Duyên. Tất cả Pháp làm Duyên cho Ý thức Giới và Pháp tương ứng với Ý Thức Giới bằng Cảnh Duyên. Cảnh Duyên tính theo Tam Ðề Thiện có 9 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Cảnh Duyên (Thiện năng Duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên là 8 Tâm Thiện Dục Giới và 33 sở hữu cùng hiệp (trừ Giới và Vô Lượng Phần). Thí dụ: người làm việc Bố thí, Trì giới v.v…sau nhớ lại Tâm Thiện càng hoan hỷ.

2) Thiện trợ Bất Thiện bằng Cảnh Duyên (Thiện năng duyên là 17 Tâm Thiện Hiệp Thế và 38 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp (**). Thí dụ: người Bố thí, Trì giới v.v…sau nhớ lại, có thể Tham ái, Ngã mạn, Tà kiến v.v…sanh lên.

3) Thiện trợ Vô Ký bằng Cảnh Duyên (Thiện năng duyên là tất cả Tâm Thiện và sở hữu cùng hiệp Vô Ký sở duyên là Tâm Khai Ý Môn, Vi Tiếu, 8 Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân, Diệu Trí Duy Tác, Tâm Quả và Tâm Duy Tác thức Vô Biên, Tâm Quả và Tâm Duy Tác Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, 3 Tâm Quan sát, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân và 33 sở hữu hợp (trừ Giới và Vô Lượng Phần). Thí dụ: vị A La hán xét lại Tâm Ðạo hoặc các tâm thiện khác v.v…

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Cảnh Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên cũng vậy). Thí dụ: người làm việc trộm cắp, tà dâm…sau nhớ lại, Tham ái, Tà kiến khởi lên.

5) Bất Thiện trợ Thiện bằng Cảnh Duyên (Bất thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp, Thiện sở duyên là 8 Tâm Thiện Dục Giới, Diệu Trí Thiện và 36 sở hữu (trừ Vô Lượng Phần) cùng hiệp) Thí dụ: Vị Thánh Hữu Học nhớ lại Phiền não đã sát trừ v.v…

6) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Cảnh Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp Vô Ký sở duyên là Khai Ý Môn, Vi Tiếu, 8 Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân, Diệu Trí Duy Tác, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân, 3 Quan Sát và 33 sở hữu cùng hiệp (trừ Giới và Vô Lượng Phần) Thí dụ: vị A La Hán xét lại Phiền não đã diệt…

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Cảnh Duyên (Vô Ký năng duyên là tất cả Tâm Vô Ký, sở hữu cùng hiệp, Sắc Pháp và niết Bàn. Vô Ký sở duyên là 18 Tâm Vô Nhân, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân, 8 Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân, Quả Duy Tác Thức Vô Biên, Quả và Duy Tác Phi Tưởng Phi Phi tưởng, 20 Quả Siêu Thế và 36 sở hữu cùng hiệp) Thí dụ: Vị Tứ Quả suy xét Niết Bàn.

8) Vô Ký trợ Thiện bằng Cảnh Duyên (Vô Ký năng duyên là 67 Tâm Vô Ký (trừ Tâm Quả La Hán) sở hữu cùng hiệp, sắc Pháp và Niết Bàn. Thiên sở duyệt là 8 Tâm Thiện Dục Giới, Diệu Trí Thiện, 20 Tâm Ðạo và 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần) Thí dụ: Vị Thánh Hữu Học suy xét Niết Bàn v.v…

9) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Cảnh Duyên (Vô Ký năng duyên là 28 Sắc Pháp, các Tâm Vô Ký Hiệp Thế và sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên là 12 tâm Bất Thiện và 27 sở hữu hiệp) Thí dụ: người nhớ lại cảnh sắc đẹp đã gặp, lòng tham ái sanh lên v.v…

(*) Cái bị tâm và sở hữu tâm biết đặng gọi là Cảnh (Cittacetasikehi ālambiyatīti: Ārammaṇa). Trợ giúp cho các pháp sinh lên bằng cảnh gọi là Cảnh Duyên (Āramaṇapaccayo).

(**) 17 tâm thiện hiệp thế: 8 Ðại Thiện, 9 Thiện Ðáo Ðại.
38 sở hữu: 13 sở hữu Tợ Tha, 25 sở hữu Tịnh Hảo.
27 sở hữu: 13 sở hữu Tợ Tha, 14 sở hửu Bất Thiện.

346- Trưởng Duyên (Adhipatipaccayo) (*)

V- Thế nào là Trưởng Duyên?

Ð- Trưởng Duyên là pháp trợ giúp phải lớn hơn, mạnh hơn các Pháp đồng sanh. Trong bộ Paṭṭhāna có giải Dục lớn trội hơn làm Duyên cho Tâm Pháp tương ứng và làm chỗ nương cho sắc sanh ra gọi là Trưởng Duyên. Tâm lớn trội hơn làm Duyên cho Tâm Pháp tương ứng và chỗ nương cho Sắc sanh ra gọi là Trưởng Duyên. Tinh Tấn lớn trội hơn làm Duyên cho Tâm Pháp tương ứng và làm chỗ nương cho Sắc sanh ra gọi là Trưởng Duyên. Trí tuệ lớn trội hơn Duyên cho Tâm Pháp tương ứng và làm chỗ nương cho Sắc sanh ra gọi là Trưởng Duyên. Nói tóm lại, những Pháp chỉ làm cho Tâm và sở hữu Tâm sanh ra biết Cảnh nặng về Pháp nào thì pháp ấy là Năng Trưởng Duyên. Trưởng Duyên được chia thành 2 loại: Cảnh Trưởng Duyên và Ðồng Sanh Trưởng Duyên.

(*) Trợ giúp bằng cách lớn mạnh đối với các pháp đồng sinh gọi là Trưởng Duyên (Adhipati ca so paccayocāti: Adhipatipaccayo).

347- Cảnh Trưởng Duyên (Ārammanādhipatipaccayo).

V- Thế nào là Cảnh Trưởng Duyên?

Ð- Cảnh Trưởng Duyên là đối tượng quá tốt đẹp làm cho thứ Tâm đã biết được Cảnh ấy thường diễn tiến trên các Lộ trình nhiều hơn thứ Tâm khác. Cảnh Trưởng Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Cảnh Trưởng Duyên (Thiện năng duyên là 20 hoặc 32 Tâm Thiện (trừ La Hán Ðạo) và 33 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên là 8 Tâm Thiện sở duyên là 8 Tâm Thiện Dục Giới và 33 sở duyên cùng hiệp (trừ Giới và Vô Lượng Phần) Thí dụ: người Thiện làm việc lành như Bố thí, Trì giới.. thường ưa thích nhớ tưởng đến Cảnh ấy.

2) Thiện trợ Bất Thiện bằng Cảnh Trưởng Duyên (Thiện này là 17 Tâm Thiện Hiệp Thế 38 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên là 8 Tâm Tham và 22 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người làm việc lành như Bố thí, Trì giới…sau nhớ lại bằng lòng Tham ái, Tà kiến hoặc Ngã mạn.

3) Thiện trợ Vô Ký bằng Cảnh Trưởng Duyên (Thiện năng duyên là Tâm A La Hán Ðạo và 36 sở hữu cùng hiệp. Vô Ký sở duyên là Tâm Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân tương ứng và 33 sở hữu cùng hiệp (trừ Giới và Vô Lượng Phần) thí dụ: Vị A La Hán sau khi đắc Quả rồi xét lại Tâm Ðạo một cách rất rõ ràng.

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Cảnh Trưởng Duyên (Bất Thiện năng duyên là 8 Tâm Tham và 22 sở hữu cùng hiệp. Bất thiện sở duyên cũng đồng chi pháp như Bất Thiện năng duyên). Thí dụ: người Tham ái làm việc trộm cắp, tà dâm… sau nhớ lại lòng tham ái rất ưa thích suy tư.

5) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Cảnh Trưởng Duyên (Vô Ký năng duyên là Tâm Quả A La Hán, 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần) và Niết Bàn Vô Ký sở duyên là 4 Tâm Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân hiệp trí, Tâm Quả Siêu Thế, 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần). Thí dụ: Vị A la Hán xét lại Tâm Tứ Quả hoặc quán sát đến Niết Bàn một cách rất đặc biệt.

6) Vô Ký trợ Thiện bằng Cảnh Trưởng Duyên (Vô Ký năng duyên là 3 hoặc 15 Tâm Quả Hữu Học, 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần) và Niết Bàn. Thiện sở duyên là 4 Tâm thiện Dục Giới Hiệp Trí, 4 hoặc 20 Tâm Ðạo và 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần). Thí dụ: Bốn Tâm Ðạo đang biết Niết Bàn.

7) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Cảnh trưởng Duyên (Vô Ký năng duyên là 18 Sắc Rỏ thành Cảnh Tốt, 51 Tâm Vô Ký Hiệp Thế (trừ Thân Thức Thọ Khổ) và 35 sở hữu cùng hiệp (trừ 3 Giới Phần). Bất Thiện sở duyên là 8 Tâm Tham và 22 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người gặp Cảnh Sắc rất đẹp…lòng Tham ái v.v…sanh lên.

348- Ðồng Sinh trưởng Duyên (Sahajātādhipatipaccayo).

V- Thế nào là Ðồng Sinh Trưởng Duyên?

Ð- Ðồng Sinh chung một sát na, một đối tượng nhưng Pháp nào lớn mạnh hơn và hỗ trợ các Pháp đồng sinh, Pháp ấy được gọi là “Ðồng Sinh Trưởng Duyên”. Có 4 Pháp có thể làm Trưởng Duyên được là Dục, Cần, Tâm và Thẩm. Ðồng Sinh Trưởng Duyên phân theo Tam Ðề thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Ðồng sinh trưởng Duyên (Thiện năng duyên là Dục, Cần, Tâm, Thẩm trong phạm vi 21 hoặc 37 Tâm Thiện. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp (trừ chi pháp đang làm năng duyên). Thí dụ: người mong muốn Tu hành (Dục Trưởng), hoặc người tinh tấn hành Ðạo (Cần Trưởng), hoặc người có Trí khi làm việc lành luôn luôn quán tiền quán hậu (Thẩm Trưởng), hoặc người làm lành nhưng không có sự mong muốn mạnh, không siêng năng, sáng suốt (Tâm Trưởng).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Trưởng Duyên (Thiện năng duyên là Dục, Cần, tâm, Thẩm trong phạm vi 21 hoặc 37 Tâm Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện). Thí dụ: người trong khi đang làm việc lành như Bố thí chẳng hạn, sắc mặt vui vẻ hân hoan.

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Trưởng Duyên (Thiện năng duyên là Dục, Cần, Tâm, Thẩm trong phạm vi Thiện. Thiện và Vô Ký sở duyên là Tâm Thiện, sở hữu hiệp cùng Tâm Thiện (khi không làm Trưởng năng duyên) và Sắc tâm Thiện. Thí dụ: Vị Thiền Sư đang làm tham thiền, sắc mặt tươi tỉnh, Trí tuệ tham cứu Thiền là “Thẩm Trưởng” Tâm Thiện và các sở hữu cùng sanh vớiTrí tuệ là “Thiện sở duyên” Sắc mặt tươi tỉnh là “Vô Ký sở duyên” v.v…

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Ðồng Sinh Trưởng Duyên (Bất Thiện năng duyên là Dục, Cần, Tâm trong phạm vi Tham, Sân, Bất Thiện sở duyên là 8 Tâm Tham, 2 Tâm sân và 26 sở hữu cùng hiệp (trừ chi pháp đang làm Trưởng năng duyên) thí dụ: người cố gắng giết một con vật. Cố gắng (Cần Trưởng) là Bất Thiện năng duyên, Tâm sân và các sở hữu cùng hiệp là Bất thiện sở duyên.

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Trưởng Duyên (Bất Thiện năng duyên là Dục, Cần, Tâm trong phạm vi Tham, sân, Vô Ký sở duyên là Sắc tâm Bất thiện Trưởng). Thí dụ: người đang tức giận sắc mặt hầm hầm. Tức giận (Tâm sân) là Bất Thiện năng duyên. Sắc mặt hầm hầm (Sắc Tâm Bất Thiện trưởng) là Vô Ký sở duyên.

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện Vô Ký bằng Ðồn Sinh Trưởng Duyên (Bất Thiện năng duyên là Dục, Cần, Tâm trong phạm vi Tham, Sân, Bất Thiện và Vô Ký sở duyên là 8 Tâm Tham, 2 Tâm Sân, 26 sở hữu cùng hiệp (trừ chi pháp Trưởng năng duyên và sắc Tâm Bất Thiện Trưởng). Thí dụ: người Tham ái nhìn sắc đẹp bằng cặp mắt trìu mến ngất ngây. Tham ái nhìn (Tâm Tham) là Bất Thiện năng duyên, cặp mắt lộ vẽ trìu mến ngất ngây (Sắc Tâm Bất Thiện Trưởng) là Vô Ký sở duyên và các sở hữu cùng hiệp với Tâm Tham là Bất Thiện sở duyên.

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Trưởng Duyên (Vô Ký năng duyên là Dục, Cần, Thẩm và tâm trong phạm vi Vô Ký Hữu Nhân, lấy lúc đang làm trưởng năng duyên. Vô Ký sở duyên là Dục, Cần, Thẩm và Tâm trong phạm vi Vô Ký Hữu Nhân (lấy lúc không làm trưởng năng duyên) và Sắc Tâm Vô Ký Trưởng. Thí dụ: Ðức Phật khi đang suy xét đến bộ Paṭṭhāna phát ra hào quang 6 màu. Suy xét (Nhứt Thiết Chủng Trí tức Thẩm Trưởng) bằng Tâm Duy Tác Dục Giới hợp trí (Tâm Trưởng) là Vô Ký năng duyên; hào quang 6 màu (Sắc tâm Vô Ký Trưởng) là Vô Ký sở duyên v.v…

349- Vô Gián Duyên(1) (Anantarapaccayo). (*)

V- Thế nào là Vô Gián Duyên?

Ð- Vô Gián Duyên là trợ giúp bằng cách “nối nhau sinh diệt” (tương tục sinh) tức sát na Tâm trước vừa diệt trợ cho sát na Tâm sau sinh lên luôn luôn như vậy, từ vô thủy cho đến khi vào chung kết (Niết Bàn). Trong một cái chớp nhoáng, dòng tâm thức đã diễn tiến đến triệu triệu sát na thì đã có đến triệu triệu lần Vô Gián Duyên; đối với vị chứng Thiền Diệt (Nirodha-samāpatti) liên tiếp 7 ngày không có Tâm, thì sát na Tâm Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (trước khi chứng Thiền Diệt) sẽ trợ cho sát na Tâm Quả A Na hàm hoặc A La Hán (sau khi chứng Thiền Diệt) bằng Vô Gián Duyên. Như vậy đối với vị chứng Thiền Diệt, trong thời gian 7 ngày ấy chỉ có một lần Vô Gián Duyên; nhưng đối với Vị Trời Vô Tưởng từ khi sinh đến tử thờigian của tuổi thọ đến 500 đại kiếp (Mahākappa) cũng chỉ có 1 lần Vô Gián Duyên; vì Vị Trời Vô Tưởng không có tâm thức, nên kể sát na Tâm Tử (trước khi thành Người Vô Tưởng) trợ cho sát na Tâm Tục Sinh (sau khi chết của người Vô Tưởng) bằng Vô Gián Duyên. (Có một số Luận Sư của các học phái tân tiến chủ trương rằng “vị Trời Vô Tưởng vẫn còn thức A-lại-da duy trì chủng tử và khi Niết Bàn vẫn còn thức A-lại-da dưới danh nghĩa Bạch Tịnh Thức để chấp trì hạt giống Bồ Ðề và chờ cơ hội sẽ thị hiện độ đời! ” Ðây là một chủ thuyết trái ngược với Tông chỉ của Ðạo Phật! Xin các bực Trí Thức bình tâm xét lại!) Vô Gián Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ bằng Vô Gián Duyên (Thiện năng duyên là 17 thứ Tâm Thiện Hiệp Thế và 38 sở hữu cùng hiệp, từ sát na Ðổng Tốc thứ nhứt đến thứ 6 Thiện sở duyên là tất cả 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp, từ sát na Ðổng Tốc thứ hai đến thứ 7). Thí dụ: như đoàn xe lửa, toa trước trợ toa sau.

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Vô Gián Duyên (Thiện năng duyên là tất cả Tâm Thiện sanh trước. Vô Ký sở duyên là các Tâm Quả sanh sau) Thí dụ: Tâm Ðạo diệt rồi Tâm Quả Siêu Thế liền sanh…

3) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Vô Gián Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp từ sát na Ðổng Tốc thứ nhất đến thứ 6. Bất Thiện sở duyên giống như Năng Duyên nhưng chỉ kể từ sát na thứ 2 đến thứ 7 (trợ phải có trước, nhờ trợ phải có sau). Sát na Ðổng Tốc thứ nhất làm năng không làm sở sát na Ðổng Tốc thứ 7 là Sở không làm năng; 5 sát na giữa vừa làm Năng vừa làm Sở (đồng giống như Thiện trợ Thiện v.v…).

4) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Vô Gián Duyên (Bất Thiện Năng Duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp ở sát na Ðổng Tốc Bất Thiện thứ 7. Vô Ký Sở Duyên là 3 Tâm Quan Sát, 8 Tâm Quả Dục Giới Hữu Nhân, 9 Quả Ðáo Ðại và 35 sở hữu cùng hiệp ở sát na nối tiếp Tâm Ðổng Tốc Bất Thiện thứ 7, làm việc Nhập Di hoặc Hộ Kiếp).

5) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Vô Gián Duyên (Vô Ký Năng Duyên là 52 Tâm Quả, 20 tâm Duy Tác và 38 sở hữu cùng hiệp, ở những sát na trước. Vô Ký Sở giống như Vô Ký Năng Duyên nhưng kể ở sát na sau). Thí dụ: sát na tâm Khai Môn trợ sát na Ngũ Song Thức, Ngũ Song Thức trợ sát na Tâm Tiếp Thâu…

6) Vô Ký trợ Thiện bằng Vô Gián Duyên (Vô Ký Năng Duyên là 2 tâm Khai Môn và 11 sở hữu Tợ Tha cùng hiệp (trừ Hỷ Dục). Thiện Sở Duyên là 8 tâm Thiện Dục Giới và 38 Sở hữu cùng hiệp ở sát na Ðổng Tốc Thiện thứ nhất).

7) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Vô Gián Duyên (Vô Ký Năng Duyên là 2 tâm Khai Môn và 11 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện Sở Duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp ở sát na Ðổng Tốc Bất Thiện thứ nhất).

(*) Trợ giúp liên tục không gián đoạn gọi là Vô Gián Duyên (Anantarabhāvena upakārakodhammo: Anantara-paccayo).

350- Ðẳng Vô Gián Duyên (Samanantarapaccayo).

V- Thế nào là Ðẳng Vô Gián Duyên?

Ð- Năng trợ Sở bằng cách nối liền nhau gọi là Ðẳng Vô gián Duyên. Chi Pháp giống như Vô Gián Duyên chẳng khác, chỉ vì sự lợi ích cho một số chúng sanh khi nghe Vô Gián Duyên chưa được tỏ ngộ nên Ðức Chánh Biến Tri thuyết thêm Ðẳng Vô Gián Duyên vậy thôi.

351- Ðồng Sinh Duyên (Sahajātapaccayo). (*)

V- Thế nào là Ðồng Sinh Duyên?

Ð- Hổ trợ nhau bằng sự hiện diện đồng thời, gọi là Ðồng Sinh Duyên. Thí dụ: chiếc xe có 4 bánh, ghế bàn có 4 chân…Ðồng Sinh Duyên nếu kể đại khái có:

– Tứ Danh Uẩn đồng sinh trợ nhau.
– Tứ Ðại sắc đồng sinh trợ nhau.
– Danh Tục Sinh và Sắc Tâm Tục Sinh đồng sinh trợ nhau.
– Danh sắc Bình Nhựt đồng sinh trợ nhau.

(*) Trợ giúp bằng cách vừa đồng sinh vừa hộ trì nhau gọi là Ðồng Sinh Duyên (Sahajāto hutvā upakārakodhammo: Sahajātapaccayo).

Ðồng Sinh Duyên phân theo Tâm Ðề Thiện có 9 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Ðồng Sinh Duyên (Thiện năng duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp, Thiện sở duyên cũng vậy. Trên phương diện giúp gọi là Năng Duyên, nhờ gọi là Sở Duyên. Trong phần Ðồng Sinh Duyên, mỗi chi pháp đều có 2 phương diện Năng và Sở).

2) Thiện trọ Vô Ký bằng Ðồng sinh Duyên (Thiện Năng Duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp. Vô Ký sở Duyên là Sắc Tâm Thiện) Thí dụ: người Phật tử lễ bái tượng Phật. Tâm điều khiển (Tâm Thiện) Thân lễ bái (Sắc Tâm Thiện).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Thiện Năng Duyên là tất cả Pháp Thiện làm Năng. Thiện và Vô Ký Sở Duyên là tất cả pháp Thiện làm sở và Sắc Tâm Thiện đồng sinh) Thí dụ: người Thiện tín chấp tay xá nhà Sư. Trong tâm Thiện điều khiển, 1 Uẩn làm Năng 3 Uẩn ngoài ra và sắc tâm Thiện làm sở. Thọ Uẩn Năng Duyên thì Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Thức Uẩn và Sắc Tâm là sở duyên và trái lại).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Ðồng Sinh Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp Bất Thiện sở duyên cũng vậy).

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Bất Thiện năng duyên là tất cả Pháp Bất Thiện, Vô Ký sở duyên là Sắc tâm Bất Thiện. Thí dụ: người lúc nóng giận thốt lời nguyền rủa…nóng giận là Tâm sân (Bất Thiện), lời nguyền rủa là Sắc Tâm Bất Thiện (Vô Ký).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Bất Thiện năng duyên là 1 danh Uẩn Bất Thiện; Thọ hoặc Tưởng v.v…làm Năng. Bất Thiện và Vô Ký sở duyên là 3 danh Uẩn Bất Thiện; ngoài ra Pháp đang làm Năng và Sắc Tâm Bất Thiện).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Vô Ký năng duyên là tất cả Tâm Quả, Tâm Duy Tác và 38 sở hữu cùng hiệp Vô Ký sở duyên là tất cả tâm Quả, Tâm Duy Tác, 38 sở hữu cùng hiệp và Sắc tâm Vô Ký). Thí dụ: Vị A La Hán đang thuyết pháp. Tâm suy nghĩ (lúc thuyết) là tâm Duy Tác, trong tâm Duy Tác ấy, 1 uẩn trợ cho 3 Uẩn, 3 Uẩn trợ cho 1 Uẩn, 2 Uẩn trợ cho 2 Uẩn. Tâm Duy Tác điều khiển lời nói là Danh Vô Ký trợ cho Sắc Vô Ký (Sắc Tâm Vô Ký).

8) Thiện và Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Thiện và Vô Ký năng duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện, 38 sở hữu cùng hiệp và Sắc Tâm Thiện Tứ Ðại (Ðất, Nước,Lửa,Gió) Vô Ký sở duyên là Sắc tâm thiện Y Ðại Sinh (Sắc, Thinh, Khí, Vị…)

9) Bất Thiện và Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Duyên (Bất Thiện và Vô Ký năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện, 27 sở hữu cùng hiệp và Sắc tâm Tứ Ðại Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Bất Thiện Y Ðại Sinh).

352- Hổ Tương Duyên (Aññamannapaccayo). (*)

V- Thế nào là Hổ Tương Duyên?

Ð- Cách giúp qua giúp lại, hay hổ trợ cho nhau gọi là Hổ Tương Duyên. Hổ Tương Duyên nếu phân đại khái có 3:

– Tứ Danh Uẩn hổ trợ cho nhau.
– Tứ Ðại Sắc hổ trợ cho nhau.
– Sát na Tục Sinh, Danh Sắc hổ trợ cho nhau.

(*) Trợ giúp bằng cách tương trợ, tương tế gọi là Hổ Tương Duyên (Aññamaññaṃ hutvā paccayo: Aññamāñña-paccayo).

Hổ Tương Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Hổ Tương Duyên (Thiện năng duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên cũng vậy. Pháp trong Hổ Tương Duyên luôn vừa là Năng vừa là Sở, nếu thiếu 1 không được gọi là Hổ Tương Duyên). Thí dụ: ly nước trà, có nước không trà chỉ gọi là ly nước. Có trà không nước chỉ gọi là trà. Có cả trà và nước hiệp chung mới gọi là “nước trà”.

2) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Hổ Tương Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên cũng thế. Bởi: 1 Uẩn Bất Thiện trợ cho 3 Uẩn Bất Thiện, 3 Uẩn Bất Thiện trợ cho 1 Uẩn Bất Thiện, 2 Uẩn Bất Thiện trợ cho 2 Uẩn Bất Thiện). Thí dụ: như cái ghế 4 chân (1 chân trợ 3 chân v.v…).

3) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Hổ Tương Duyên (Vô Ký năng duyên là tất cả Tâm Quả, Tâm Duy Tác, 38 sở hữu cùng hiệp, Sắc Tứ Ðại và Sắc Tâm Tục Sinh. Vô Ký sở duyên cũng vậy. Vì Tứ danh Uẩn Vô Ký (Quả hoặc Duy Tác) hổ trợ cho nhau; Tứ Ðại Sắc (đất, nước, lửa,gió, Hổ trợ cho nhau Tứ danh Uẩn tục sinh và Sắc Tâm tục sinh hổ trợ cho nhau)

353- Y Chỉ Duyên (Nissayapaccayo). (*)

V- Thế nào là Y Chỉ Duyên?

Ð- Làm chổ nương nhờ cho Pháp khác gọi là Y Chỉ Duyên. Thí dụ: như cây mọc trên đất. Ðất là chỗ nương nhờ của cây. Y Chỉ Duyên có thể phân ra nhiều loại: Ðồng Sinh Y Chỉ Duyên (tức là Ðồng Sinh Duyên). Vật Sinh Tiền Bất Hiệp Duyên (tức Vật Sinh Tiền Y Duyên sẽ giải). Cảnh vật Sinh Tiền Bất Hiệp Duyên (tức cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên sẽ giải).

(*) Pháp nào làm điểm tựa cho pháp khác nương nhờ, pháp đó gọi là Y Chỉ Duyên (Adhiṭṭhānākārena nissayakā-rena ca upakāro dhammo: Nissayapaccayo).

354- Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vatthupurejātanissayapaccayo).

V- Thế nào là Vật Sinh Tiền Y Duyên?

Ð- Sắc vật sinh trước làm chổ nương cho Tâm Thức sinh sau gọi là Vật Sinh Tiền Y Duyên. Vật Sinh Tiền Y Duyên phân theo Tam Ðề Thiện, có 3 cách:

1) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Nhản Vật, Nhỉ Vật, Tỷ Vật, Thiệt Vật, Thân Vật và Ý Vật. Vô Ký sở duyên là 2 tâm Nhản Thức, 2 Nhỉ Thức, 2 Tỷ Thức, 2 Thiệt Thức, 2 Thân Thức, 3 Ý Giới, 104 Ý Thức Giới (trừ Quả Vô Sắc) và 33 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: Nhản Vật làm chổ nương cho Nhản Thức sanh khởi…

2) Vô Ký trợ Thiện bằng Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Sắc Tâm (Ý Vật) sinh trước Thiện sở duyên là tất cả Pháp Thiện sinh sau). Thí dụ: Sắc Tâm sinh từ Phân Ðoán (Khai Ý Môn) trở về trước trợ cho tâm Ðồng Tốc Thiện từ sát na thứ nhất về sau…

3) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Vật Sinh Tiền Duyên (Vô Ký năng duyên là Sắc Tâm sinh trước. Bất Thiện sở duyên là tất cả Pháp Bất Thiện sinh sau).

355- Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên. (Vatthārammanapurejāta nissaya paccayo).

V- Thế nào là Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên?

Ð- Sắc sinh trước làm Cảnh cho tâm sinh sau nương nhờ gọi là CảnhVật Sinh Tiền Y Duyên. Thí dụ: Sắc Tâm đồng sinh với Tâm thứ 17 từ Tâm Tử, đếm trở lại, làm Duyên cho những Tâm sinh theo Lộ Cận Tử…Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên phân theo tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Sắc tâm sinh trước Tâm Tử 17 cái Vô Ký sở duyên là Tâm Khai Ý Môn, Thập Di (3 Quan Sát và 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân), Vi Tiếu, Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân, Diệu Trí Duy Tác và 33 sở hữu cùng hiệp (trừ Giới và Vô Lượng Phần). Thí dụ: như Ðại Ðức Ananda hiện Thông Liên Niết Bàn…

2) Vô Ký trợ Thiện bằng Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Sắc tâm sinh trước Tâm Tử 17 cái. Thiện sở duyên là tâm Thiện Dục Giới trong 5 sát na Ðổng Tốc, Lộ Cận Tử, Diệu Trí Thiện và 33 sở hữu cùng hiệp, trừ Giới và Vô Lượng Phần). Thí dụ: người lâm chung với Tâm Thiện hướng về tam Bảo…

3) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Cảnh Vật Sinh Tiền Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Sắc tâm sinh trước Tâm Tử 17 cái. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 24 sở hữu cùng hiệp (trừ Tật, Lận, Hói) trong 5 sát na Ðổng Tốc Lộ Cận Tử). Thí dụ: như người khi trút hơi thở cuối cùng với Tâm luyến ái hoặc sân nộ…

356- Thân Y Duyên (Upanissyapaccayo).

V- Thế nào là Thân Y Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách thường nương nhờ gọi là Thân Y Duyên. Thí dụ: như người Thiện Tín thường Bố Thí Trì giới thành thói quen, hoặc người ác thường sát sanh trộm cắp, tà dâm … thành cố tật v.v…Thân Y Duyên chia ra có 3:

1) Cảnh Thân Y Duyên tức cảnh Trưởng Duyên.

2) Vô Gián Thân Y Duyên (tức Vô Gián Duyên).

3) Thường Thân Y Duyên.

357- Thường Thân Y Duyên (Pakatūpanissyapaccayo).

V- Thế nào là Thường Thân Y Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách thường làm trở thành tập quán gọi là Thường Thân Y Duyên. Thí dụ: Thầy tu mở miệng hay nói “Mô Phật”, hoặc kẻ nói chuyện quen tật văng tục … Thường Thân Y Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 9 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Thường Thân Y Duyên. Thiện năng duyên là 20 hoặc 32 Tâm Thiện (trừ A La hán Ðạo) và 38 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp. Thí dụ: hai Ông Bà Kassapa dù là vợ chồng đối với nhau rất trong sạch do nhiều đời trước đã từng xuất gia giữ giới thanh tịnh.

2) Thiện trợ Bất Thiện bằng Thường Thân Y Duyên (Thiện năng duyên là 17 Tâm Thiện Hiệp Thế và 38 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người có Ðức Tin, Bố thí, Trì giới, Ða văn, Trí tuệ nhiều có thể phát sanh Tham ái, Sân hận, Si mê, Tà kiến, Ngã mạn…

3) Thiện trợ Vô Ký bằng Thường Thân Y Duyên (Thiện năng duyên là 21 hoặc 37 tâm Thiện và 36 sở hữu cùng hiệp (trừ Vô Lượng Phần) Vô Ký sở duyên là Tâm Quả, Tâm Duy Tác và 38 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người có Ðức Tín quen tu khổ hạnh, Ðức Tin thích tu khổ hạnh là Tâm Thiện, Thân đau nhức (do khổ hạnh) là Tâm Thân Thức Quả Bất Thiện (Vô Ký).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Thường Thân Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Bất Thiện sở duyên cũng vậy). Thí dụ: như Ðề Bà Ðạt Ða nhiều đời nhiều kiếp thường gây oan trái…

5) Bất Thiện trợ Thiện bằng Thường Thân Y Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: như Bồ Tát có kiếp xuất gia rồi hoàn tục, hoàn tục rồi xuất gia, 7 lần như vậy…

6) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Thường Thân Y Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp Vô Ký sở duyên là các tâm Quả và sở hữu cùng hiệp Vô Ký sở duyên là các tâm Quả và sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người ưa thích sung sướng thường nằm ngồi nơi nệm cao gối ấm. Tâm ưa thích là bất Thiện, còn Thân Thức thọ Lạc (do ham thân sướng) là Vô Ký, hoặc người sân hận tự hủy hoại xác Thân. Tâm sân hận là Bất Thiện, Thân thức thọ Khổ (do sự hủy hoại) là Vô Ký.

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Thường Thân Y Duyên (Vô Ký năng duyên là tâm Quả, Tâm Duy Tác và các sở hữu cùng hiệp sắc Pháp, Vô Ký sở duyên cũng vậy). Thí dụ: Vị A La Hán thường bị bệnh hoạn, mỗi khi thân đau nhức thì Nhập Thiền Quả hoặc Thiền Duy Tác Thân đau nhức (Thân Thức Quả Bất Thiện) là Vô Ký Quả, Nhập Thiền Quả là Vô Ký Quả Nhập Thiền Duy Tác là Vô Ký Duy Tác…

8) Vô Ký trợ Thiện bằng Thường Thân Y Duyên (Vô Ký năng duyên là các Tâm Quả (trừ Quả La Hán), sở hữu cùng hiệp và Sắc Pháp. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp). Thí dụ: người thường được đầy đủ tứ vật dụng (y phục, vật thực, trú xứ và y dược) khiến phát tâm làm việc Bố thí, Trì giới …

9) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Thường Thân Y Duyên (Vô Ký năng duyên là Tâm Vô Ký Quả (như Thân Thức…) sở hữu cùng hiệp và Sắc Pháp. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp) Thí dụ: người hằng đầy đủ tứ vật dụng có thể sanh lòng tham dục, như câu “bảo hưởng tắc sanh dâm dục” hoặc người hằng bị nghèo khổ có thể sanh Tâm Tham lam, Trộm cướp, như câu “cơ hàn khởi đạo tặc” …

358- Tiền Sinh Duyên (Purejātapaccayo). (*)

V- Thế nào là Tiền Sinh Duyên?

Ð- Sắc Pháp sinh trước trợ cho tâm khởi lên gọi là Tiền Sinh Duyên. Tiền Sinh Duyên có 2: Vật Tiền Sinh Duyên (tức Vật Sinh Y Duyên); Cảnh Tiền Sinh Duyên.

(*) Sinh trước và trợ giúp cho gọi là Tiền Sinh Duyên (Purejāto casopaccayocāti: Purejātapaccayo).

359- Cảnh Tiền Sinh Duyên (Ārammanapurejātapaccayo).

V- Thế nào là Cảnh Tiền Sinh Duyên?

Ð- 18 Hiển Sắc (đất, nước, lửa, gió, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, tiếng, mùi, vị, nam tính, nữ tính, Ý vật mạng quyền và Vật thực) sinh trước làm cảnh cho Tâm khởi lên gọi là Cảnh Tiền sinh duyên. Cảnh Tiền sinh duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Cảnh Tiền Sinh Duyên (Vô Ký năng duyên là 18 Hiển Sắc khi thành Cảnh, Vô Ký sở duyên là 3 Ý Giới, 3 quan Sát, 8 Quả Dục Giới Hữu nhân, Khai Ý Môn, Vi Tiếu, 8 Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân, Diệu Trí Duy Tác và 33 sở hữu hiệp, trừ Giới và Vô Lượng Phần). Thí dụ: Cảnh Sắc đang sinh là Cảnh Tiền Sinh Duyên của Nhãn Thức… hoặc vị A la hán thấy sắc (xa, gần…) bằng Nhãn Thông v.v…

2) Vô Ký trợ Thiện bằng Cảnh Tiền Sinh Duyên (Vô Ký năng duyên là 18 Hiển sắc khi thành Cảnh. Thiện sở duyên là 8 Thiện Dục Giới, Diệu trí Thiện và 36 sở hữu hiệp, trừ Vô Lượng Phần). Thí dụ: người hành Tứ Niệm Xứ quan sát thấy Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc… đều là Vô Thường, khổ não. Phi Ngã hoặc các vị có Diệu Trí Thiện thấy các Sắc bằng Nhãn Thông…

3) Vô Ký trợ Bất Thiện bằng Cảnh Tiền Sinh Duyên (Vô Ký năng duyên là 18 Hiển Sắc khi thành Cảnh. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp) Thí dụ: người ưa thích Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, hoặc Mắt, Tai, Mủi, Lưỡi, Thân…khi để ý đến các sắc ấy thì Ái dục hoặc Tà kiến, Sân, Hoài Nghi, Phóng dật phát sinh.

360- Hậu Sinh Duyên (Pacchājātapaccayo). (*)

V- Thế nào là Hậu Sinh Duyên?

Ð- Tâm sinh sau trợ cho sắc sinh trước gọi là Hậu Sinh Duyên. Thí dụ: các điềm lành dữ xảy ra do việc họa phước sắp phát hiện… Hậu Sinh Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Thiện trợ Vô Ký bằng Hậu Sinh Duyên (Thiện năng duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp. Vô Ký hữu duyên là Sắc Pháp đồng sinh với các Tâm Sinh trước như Phân đoán – hay Khai Ý Môn – … trở về trước 16 sát na). Thí dụ: tin vị Quan lớn đi thăm viếng một nơi nào, nơi ấy sẽ trang trí nghi lễ trước; cũng như Tâm Thiện sắp sanh khởi, Sắc Pháp sinh trước để làm chỗ nương cho Tâm Thiện v.v…

2) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Hậu Sinh Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Vô Ký sở duyên là Sắc Pháp đồng sinh với các Tâm Sinh trước như Phân đoán – hay Khai Ý Môn – … trở về trước 16 sát na).

3) Vô ký trợ Vô ký bằng Hậu sinh duyên (Vô Ký năng duyên là Tâm Quả, Tâm Duy Tác và 38 sở hữu cùng hiệp ở Cõi Ngũ Uẩn. Vô Ký sở duyên là các Sắc Pháp đồng sinh với những tâm trước như là Phân Ðoán … trở về trước 16 sát na). Thí dụ: sở dĩ cây Xoài Riêng được vô phân tưới nước tử tế là cho mười năm sau sẽ có trái xoài riêng trổ; cũng vậy Tâm Quả Siêu Thế hoặc Duy Tác sắp sanh ở giai đoạn Ðổng Tốc đã có khả năng giúp cho Sắc Pháp đồng sinh với các Tâm trước sinh khởi.

(*) Pháp sinh sau trợ giúp cho pháp sinh trước gọi là Hậu Sinh Duyên (Pacchājāto casopaccayocāti: Pacchājāta-paccayo).

361- Tập Hành Duyên (Asevanapaccayo). (*)

V- Thế nào là Tập Hành Duyên?

Ð- Sát na Tâm Ðổng Tốc trước trợ cho sát na Ðổng Tốc sau được thuần thục và mạnh hơn gọi là Tập Hành Duyên. Thí dụ: như người học sinh nhờ năm học đầu giúp cho năm học kế giỏi hơn. Tập Hành Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Tập Hành Duyên (Thiện năng duyên là 17 Tâm Thiện Hiệp Thế và 38 sở hữu cùng hiệp, từ sát na Ðổng Tốc thứ nhất đến thứ sáu. Thiện Sở Duyên cũng vậy, nhưng chỉ kể từ sát na Ðổng Tốc thứ 2 đến thứ 7). Thí dụ: như đoàn xe lửa có 7 toa (những toa trước kéo các toa sau đến toa chót không kể toa nào cả; các toa sau nhờ những toa trước kéo, còn toa đầu không nhờ toa nào kéo cả).

2) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Tập Hành Duyên (Bất Thiện năng Duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp, từ sát na Ðổng Tốc thứ nhất đến thứ sáu. Bất Thiện sở duyên cũng vậy nhưng chỉ kể từ sát na Ðổng Tốc thứ 2 đến thứ 7). Thí dụ: như môn học chương trình đến 7 năm (những năm học trước giúp cho các năm học sau, đến năm chót không còn giúp cho năm nào nữa; và các năm học sau nhờ những năm trước giúp cho hiểu biết, còn năm đầu hoàn toàn xa lạ đối với môn học tức là không nhờ năm học nào trước giúp cả).

3) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Tập Hành Duyên (Vô Ký năng duyên là Tâm Vi Tiếu, 8 Duy tác Dục Giới Hữu Nhân, 5 Duy Tác Sắc Giới, 4 Duy tác Vô sắc Giới và 35 sở hữu cùng hiệp (trừ Giới Phần), từ sát na thứ nhất đến thứ 6). Vô Ký sở duyên cũng vậy, nhưng chỉ kể từ sát na thứ 2 đến thứ 7). Thí dụ: như ngôi nhà lầu có nhiều tầng (những tầng dưới đở tầng trên, đến tầng trên chót không còn đở tầng nào cả; và các tầng lầu trên nhờ những tầng lầu dưới đở nửa. cũng vậy, sát na Tâm Ðổng Tốc đầu trợ chớ không nhờ, còn sát na Ðổng Tốc chót thì nhờ mà không trợ).

Ghi chú: Ở đây là Tập Hành Duyên nên chỉ nói đồng giống trợ nhau tức là các loại Tâm Ðổng Tốc mà thôi; chớ không phải như Vô Gián Duyên nên những sát na trước và sau Ðổng Tốc không kể, vì khác giống. Trong Tập Hành Duyên câu 3 khác hơn 2 câu trước là các Tâm Duy Tác sắc Giới và Vô sắc Giới có thể diễn tiến liên tục đến vô lượng chứ không phải chỉ có 7 sát na.

(*) Trợ giúp bằng cách hưởng cảnh liên tục gọi là Tập Hành Duyên (Āsevanaṃ cataṃ paccayam cāti: Āsevana-paccayo.)

362- Nghiệp Duyên (Kammapaccayo). (*)

V- Thế nào là Nghiệp Duyên?

Ð- Sở hữu Tư (cetanā) hướng dẫn và điều hành các Tâm, những sở hữu cùng phối hợp và các Sắc Pháp đồng sinh gọi là Nghiệp Duyên. Nghiệp Duyên có 2 loại: Ðồng Sinh Nghiệp Duyên và Dị Thời Nghiệp Duyên.

(*) Trợ giúp bằng cách chủ trương tạo tác gọi là Nghiệp Duyên (Kammamcataṃ paccayo cāti: Kammapaccayo).

363- Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Sahajātakammapaccayo).

V- Thế nào là Ðồng Sinh Nghiệp Duyên?

Ð- Sở hữu Tư hướng dẫn Pháp đồng sinh (Tâm và sở hữu) điều khiển Thân hành động, Khẩu nói năng … gọi là Ðồng Sinh Nghiệp Duyên. Thí dụ: như viên Quản lý điều hành các công nhân trong một xí nghiệp. Ðồng Sinh Duyên Nghiệp Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Thiện năng Duyên là sở hữu Tư hiệp với Tâm Thiện. Thiện sở duyên là duyên là 21 hoặc 37 tâm Thiện và 37 sở hữu cùng hiệp, trừ sở hữu Tư).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Thiện năng duyên sở hữu Tư hiệp với tất cả Tâm Thiện trong cõi Ngũ Uẩn. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (thiện năng duyên là sở hữu tư ở các Tâm Thiện trong cõi Ngũ Uẩn Thiện và Vô Ký Sở Duyên là Sắc Tâm Thiện và tất cả Pháp Thiện trong cõi Ngũ Uẩn, trừ sở hữu Tư).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Bất Thiện năng duyên là sở Tư hiệp với Tâm Bất Thiện. Bất Thiện sở duyên là 12 tâm Bất Thiện và 26 sở hữu cùng hiệp, trừ sở hữu Tư).

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Bất Thiện năng duyên là sở hữu Tư hiệp với các Tâm Bất Thiện. Bất Thiện năng duyên là sở hữu Tư hiệp với các Tâm Bất thiện. Vô Ký Sở Duyên là sắc tâm Bất Thiện).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Bất Thiện năng duyên là sở hữu Tư hiệp với các tâm Bất Thiện. Bất Thiện và Vô Ký Sở Duyên là Sắc tâm Bất Thiện và tất cả Pháp Bất Thiện trong cõi Ngũ Uẩn, trừ sở hữu Tư).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Nghiệp Duyên (Vô Ký năng duyên là sở hữu Tư hiệp với Tâm Quả và tâm Duy Tác. Vô Ký Sở Duyên là Sắc Tâm Vô Ký, Tâm Quả. Tâm Duy Tác và 37 sở hữu cùng hiệp, trừ sở hữu Tư).

365- Dị Thời Nghiệp Duyên (Nānakkanikakammapaccayo).

V- Thế nào là Dị ThờiNghiệp Duyên?

Ð- Sự lưu tồn của Nghiệp lực (Bījanidhānakicca) tạo ra Tâm Quả và Sắc Nghiệp gọi là Dị Thời Nghiệp Duyên. Hay nói cách khác, những hành vi nào đó có khả năng làm khác thời gian mà được kết Quả (Dị thời nhi thục) gọi là Dị Thời Nghiệp Duyên. Thí dụ: Ðem cây xoài đi trồng, 5 năm sau có trái…Dị Thời Nghiệp Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 2 cách:

1) Thiện trợ Vô Ký bằng Dị Thời Nghiệp Duyên. (Thiện năng Duyên là sở hữu Tư hiệp với 21 hoặc 37 Tâm Thiện Vô Ký sở duyên là 23 Tâm Quả Dục Giới, 9 Quả Ðáo Ðại 20 Quả Siêu Thế, 38 sở hữu cùng hiệp và Sắc Nghiệp Thiện). Thí dụ: như Tỳ Khưu Sevali kiếp trước Bố thí một cách hy hữu nên sau được Quả phước đặc biệt v.v…

2) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Dị Thời Nghiệp Duyên (Bất Thiện năng duyên là sở hữu Tư hiệp với 12 Tâm Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là 7 Tâm Quả Bất Thiện, 10 sở hữu Tợ Tha cùng hiệp (trừ Cần, Hỷ, Dục) và Sắc Nghiệp Bất Thiện) Thí dụ: như nàng Khujjuttarā vì sai vị Tỳ Khưu Ni A La Hán và nhái Ðức Phật Ðộc Giác, nên bị Quả làm đầy tớ và bị gù lưng v.v…

365- Quả Duyên (Vipākā paccayo). (*)

V- Thế nào là Quả Duyên?

Ð- Quả trợ giúp cho Quả (dù Tương ưng hay Ðồng Sinh) gọi là Quả Duyên. Thí dụ: lúc Tục Sinh, Tâm Quả và Sắc Nghiệp đồng sinh và đồng trợ cho nhau, hoặc Tâm Quả sinh lên có 4 Danh Uẩn. Uẩn Quả này trợ cho Uẩn Quả kia … Quả Duyên phân theo Tam Ðề Thiện chỉ có 1 cách:

– Vô Ký trợ Vô Ký bằng Quả Duyên (Vô Ký năng duyên là 15 Tâm Quả Vô Nhân, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân, 9 Quả Ðáo Ðại, 4 hoặc 20 tâm Quả Siêu Thế và 38 sở hữu cùng hiệp. Vô Ký sở duyên cũng vậy, nhưng kể về phương diện nhờ và thêm sắc Tục Sinh, Sắc Tâm Quả (trừ 2 sắc Biểu Tri).

(*) Tâm Quả làm duyên trợ giúp gọi là Quả Duyên (Vipāko casopaccayo cāti: Vipākapaccayo).

366- Thực Duyên (Āhārapaccayo). (*)

V- Thế nào là Thực Duyên?

Ð- Nuôi dưỡng Tâm pháp và sắc Pháp được tồn tại và tăng trưởng gọi là Thực duyên. Có 4 loại:

– Ðoàn Thực là chất dinh dưỡng Sắc Pháp được trường tồn và phát triển thêm.
– Xúc Thực là sở hữu Xúc nuôi dưỡng Tâm và Sắc (Xúc duyên danh Sắc).
– Tư Thực là sở hữu Tư đào tạo và duy trì Quả Luân Hồi (Hành duyên thức).
– Thức Thực là các tâm.Vì vậy Thực Duyên có 2: Sắc Thực Duyên và danh Thực Duyên.

(*) Tứ Thực trợ giúp hộ trì bằng cách dinh dưởng Danh Sắc cho được tăng trưởng gọi là Thực Duyên (Upakāraka cattāro Āhāra: Āhārapaccayo).

367- Sắc Thực Duyên (Rūpa Āhārapaccayo).

V- Thế nào là Sắc Thực Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng chất dinh dưỡng cho Sắc Pháp được sinh trưởng gọi là Sắc Thực Duyên. Thí dụ: nhờ cơm cháo … mà con người được sống. Sắc Thực Duyên phân theo Tam Ðề Thiện chỉ có 1 cách:

– Vô Ký trợ Vô Ký bằng sắc Thực Duyên (Vô Ký năng Duyên là Sắc vật Thực Nội và sắc Thực Ngoại. Vô Ký sở Duyên là các Sắc Pháp đồng sinh (đang trụ) với Sắc Vật Thực.

368- Danh Thực Duyên (Nāma Āhārapaccayo).

V- Thế nào là Danh Thực Duyên?

Ð- Trợ giúp các Pháp đồng sanh bằng cách thu hút đối tượng (Cảnh) làm chất dinh dưỡng gọi là Danh Thực Duyên. Hay nói cách khác; Tâm, Xúc và Tư giúp cho các tâm Pháp sinh khởi, tồn tại và tăng trưởng nên gọi là Danh Thực Duyên. Thí dụ: như một tiệm buôn, nhờ người chủ tổ chức, nhờ viên Quản lý điều hành mọi công việc và người bán hàng giao tiếp với khách hàng, tiệm buôn mới được sinh hoạt đều đều và các công nhân trong tiệm được sống lâu dài. Người chủ như Tâm, Quản lý như Tư, người bán hàng như Xúc. Danh Thực Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Danh Thực Duyên (Thiện năng duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện, sở hữu Xúc và tư hiệp với các Tâm Thiện. Thiện sở duyên là 25 sở hữu Tịnh hảo, 11 Tợ Tha (trừ Xúc và Tư) khi hiệp với Tâm Thiện và cũng có thể tính thêm các Tâm Thiện sở hữu Xúc và Tư ở phương diện nhờ)

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Danh thực Duyên (Thiện năng duyên là tâm Thiện, sở hữu Xúc và Tư hiệp với Tâm Thiện Vô Ký sở duyên là Sắc tâm Thiện)

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Danh Thực Duyên (Thiện năng duyên cũng là 3 Thực. Thiện và Vô Ký sở duyên là tất cả Pháp Thiện và Sắc Tâm Thiện)

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Danh Thực Duyên (Bất Thiện năng duyên là 12 tâm Bất Thiện, sở hữu Xúc và Tư hiệp với Tâm Bất Thiện. Bất Thiện sở duyên là 14 sở hữu Bất Thiện, 11 sở hữu Tợ Tha (trừ Xúc và Tư), và có thể tính luôn cả 12 tâm Bất Thiện, sở hữu Xúc và tư hiệp với Tâm Bất Thiện trên phương diện nhờ).

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Danh Thực Duyên (Bất Thiện năng duyên vẫn là 3 Thực Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Bất Thiện)

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và vô Ký bằng Danh Thực Duyên (Bất Thiện Duyên là 3 Thực Bất Thiện và Vô Ký sở duyên là tất cả Pháp Bất Thiện và Sắc Tâm Bất Thiện).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Danh Thực Duyên (Vô Ký năng duyên là các Tâm Quả, tâm Duy Tác, sở hữu Xúc và Tư hiệp với Tâm Quả và Duy tác. Vô Ký sở duyên là 24 sở hữu Tịnh Hảo, 11 Tợ tha (trừ Xúc và Tư) có thể tính luôn cả 3 Thực Vô Ký trên phương diện nhờ và sắc tâm Vô Ký).

369- Quyền Duyên (Indriyapaccayo). (*)

V- Thế nào là Quyền Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách cai Quản, điều hành các Pháp đồng sinh gọi là Quyền Duyên, thí dụ: như vị tướng chỉ huy các binh sĩ. Quyền Duyên phân ra có 3:

1) Ðồng Sinh Quyền Duyên. 2) Tiền Sinh Quyền Duyên. 3) Sắc Mạng Quyền Duyên.

(*) Trợ giúp bằng cách điều khiển gọi là Quyền Duyên (Indriyancataṃ paccayaṃ cāti: Indriyapaccayo).

370- Ðồng Sinh Quyền Duyên (Sahajātindriyaccayo).

V- Thế nào là Ðồng Sinh Quyền Quyên?

Ð- Năng và Sở đồng sinh, nhưng năng giúp cho Sở bằng cách điều khiển gọi là Ðồng Sinh Quyền Duyên. Có 8 chi pháp căn bản của Ðồng Sinh Quyền Duyên: Tín Quyền, Cần Quyền, Niệm Quyền, Ðịnh Quyền, Tuệ Quyền, Ý Quyền, Thọ Quyền (Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả), Mạng Quyền (danh) (Vị Tri Quyền, Dỉ Tri Quyền và Cụ Tri Quyền thuộc về Tuệ Quyền). Ðồng Sinh Quyền Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Thiện năng duyên là Bát Quyền Hiệp với Tâm Thiện. Thiện Sở Duyên là tất cả Pháp Thiện, tính cả Bát Quyền trên phương diện nhờ).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Thiện năng duyên là Bát Quyền trong phạm vi Thiện Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Thiện năng duyên là Bát Quyền Thiện. Thiện và Vô Ký sở duyên là tất cả Pháp Thiện và Sắc tâm Thiện).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Bất Thiện năng duyên là Thọ, Cần, Ðịnh, Mạng Quyền (hiệp với Tâm Bất Thiện) và Tâm Bất Thiện sở duyên là tất cả Pháp Bất Thiện tính trên phương diện nhờ).

5) Bất Thiện Vô Ký bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Bất Thiện năng duyên là Ngũ Quyền bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Bất Thiện).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Bất Thiện năng duyên là ngũ Quyền Bất Thiện. Bất Thiện Vô Ký sở duyên là sắc Tâm Bất Thiện và ngũ Quyền Bất Thiện trên phương diện nhờ).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Quyền Duyên (Vô Ký năng duyên là Tín, Cần, Niệm, Ðịnh, Tuệ, Thọ, Danh, Mạng Quyền và Ý Quyền trong phạm vi Tâm Quả và Duy Tác Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Vô Ký, Sắc Nghiệp Tục Sinh và Bát Quyền Vô Ký trên phương diện nhờ).

371- Tiền Sinh Quyền Duyên (Purejātindriyaccayo).

V- Thế nào là Tiền Sinh Quyền Duyên?

Ð- Năm Sắc Vật sinh trước có khả năng điều khiển Ngũ Song Thức và 7 sở hữu Biến Hành cùng hiệp sắp sinh gọi là Tiền Sinh Quyền Duyên. Thí dụ: Sắc Nhãn Vật đối chiếu với Cảnh sắc, Nhãn Thức mới sinh khởi v.v…Tiền Sinh Quyền Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 1 cách:

– Vô Ký trợ Vô Ký bằng Tiền Sinh Quyền Duyên (Vô Ký năng duyên là Nhãn Vật, Nhĩ Vật, Tỷ Vật, Thiệt Vật và Thân Vật ở khoảng giữa của sát na trụ. Vô Ký sở duyên là Ngũ Song Thức và 7 sở hữu Biến Hành).

372- Sắc Mạng Quyền Duyên (Rūpajīvitindrīyapaccayo).

V- Thế nào là Sắc mạng Quyền Duyên?

Ð- Sắc Mạng Quyền trợ cho Sắc Nghiệp đồng sinh gọi là Sắc Mạng Quyền Duyên. Thí dụ: nước nuôi dưỡng các loại thủy thảo được sống còn v.v… Sắc Mạng Quyền Duyên phân theo Tam Ðề Thiện chỉ có 1cách:

– Vô Ký trợ Vô Ký bằng Sắc mạng Quyền Duyên (Vô Ký năng duyên là sắc mạng Quyền. Vô Ký sở duyên là 9 Sắc Nghiệp ngoài ra hoặc 8 Sắc đồng sinh trong bọn).

373- Thiền Duyên (Jhānapaccayo). (*)

V- Thế nào là Thiền Duyên?

Ð- Trợ giúp các Pháp đồng sinh bằng cách đối trị nghịch Pháp gọi là Thiền Duyên. Thí dụ: Chi tâm đối trị Hôn Thùy v.v… Thiền Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Thiền Duyên (Thiện năng duyên là Tầm, Tứ, Hỷ, Thọ (lạc xả) và Thức Hành trong phạm vi Tâm Thiện. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 Tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp, kể cả 5 chi Thiền. Thiện trên phương diện nhờ).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Thiền Duyên (Thiện năng duyên là 5 chi Thiền Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Thiền Duyên (Thiện năng duyên là 5 chi Thiền Thiện và Vô Ký sở duyên là sắc Tâm Thiện và tất cả Pháp Thiện trên phương diện nhờ).

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện Bằng Thiền Duyên (Bất Thiện năng duyên là Tầm, tứ, Hỷ, Thọ, Lạc, Xả, Ưu) và Nhứt Hành trong phạm vi Tâm Bất Thiện. Bất Thiện sở duyên là 12 Tâm Bất Thiện và 27 sở hữu cùng hiệp. Kể cả 5 chi Thiền bất Thiện trên phương diện nhờ).

5) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Thiền Duyên (Bất Thiện năng duyên là 5 chi Thiền Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm bất Thiện).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Thiền Duyên (Bất Thiện năng duyên là 5 chi Thiền Bất Thiện. Bất Thiện và Sắc Tâm Bất Thiện và tất cả Pháp Bất Thiện trên phương diện nhờ).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Thiền Duyên (Vô Ký năng duyên là Tầm, Tứ, Hỷ, Thọ (lạc, Xả) và nhứt hành là trong phạm vi Tâm Quả và Duy Tác. Vô Ký sở duyên là sắc Tâm Vô Ký, 42 tâm Quả (trừ Ngũ song 20 Tâm Thức), Duy Tác và 38 sở hữu cùng hiệp, kể cả 5 chi Thiền Vô Ký trên phương diện nhờ).

(*) Trợ giúp bằng Thiền định gọi là Thiền Duyên (Jhānancataṃ paccayancāti: Jhānapaccayo)

374- Ðạo Duyên (Maggapaccayo). (*)

V- Thế nào là Ðạo Duyên?

Ð- Những Pháp như con đường, đưa chúng sanh đến nơi Khổ, chổ Vui và Niết Bàn gọi là Ðạo. Và những Pháp ấy hổ trợ các Pháp đồng sinh gọi là Ðạo Duyên. Thí dụ: Bát Chánh Ðạo là con đường đến Niết Bàn, 8 chi Ðạo trợ cho Tâm Ðạo và các sở hữu đồng sinh v.v… Ðạo Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 7 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Ðạo Duyên (Thiện năng duyên là Trí, tầm, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Cần, Niệm và Nhứt Hành trong phạm vi Tâm Thiện. Thiện sở duyên là 21 hoặc 37 tâm Thiện và 38 sở hữu cùng hiệp, kể cả 8 chi Ðạo trên phương diện nhờ).

2) Thiện trợ Vô Ký bằng Ðạo Duyên (Thiện năng duyên là 8 Chi đạo trong phạm vi Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Vô Ký).

3) Thiện trợ Thiện và Vô Ký bằng Ðạo Duyên (Thiện năng duyên là 8 chi Ðạo trong phạm vi Thiện. Thiện và Vô Ký sở duyên là Tâm, sở hữu vô ký Hữu Nhân và sắc Tâm vô Ký Hữu Nhân.

4) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Ðạo Duyên (Bất Thiện năng duyên là Tầm, Cần, tà Kiến và Nhứt Hành trong phạm vi Tâm Bất Thiện. Bất Thiện sở duyên là tất cả Pháp Bất Thiện trên phương diện nhờ).

5) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Ðạo Duyên (Bất Thiện năng duyên là 4 chi Ðạo bất Thiện hiệp với tâm Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Bất Thiện).

6) Bất Thiện trợ Bất Thiện và Vô Ký bằng Ðạo Duyên (Bất Thiện năng duyên là 4 chi Ðạo Bất Thiện trong phạm vi tâm Bất Thiện. Bất Thiện và Vô Ký sở duyên là Sắc tâm Bất Thiện và tất cả Pháp Bất Thiện trên phương diện nhờ).

7) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðạo Duyên (Vô Ký năng duyên là 8 chi đạo trong phạm vi Tâm Quả và Duy Tác. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Vô Ký, 21 hoặc 37 Tâm Quả Hữu Nhân, 17 Tâm Duy Tác Hữu Nhân và 38 sở hữu cùng hiệp kể cả 8 chi Ðạo trên phương diện nhờ).

(*) Trợ giúp bằng chi Ðạo gọi là Ðạo Duyên (Maggabhāvena upakārako dhammo: Maggapaccayo).

375- Tương Ưng Duyên (Sampayuttapaccayo). (*)

V- Thế nào là Tương Ưng Duyên?

Ð- Tứ Danh Uẩn hổ trợ nhau bằng cách hòa hợp tương đồng gọi là Tương Ưng Duyên. Thí dụ: như chén nước mắm có đủ các thứ: nước, muối, thuốc (gia vị) cá … phối hợp lại thành 1, mặc dù trong ấy có đủ mùi vị các thứ, nhưng không thể tách rời ra. Tương Ưng Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Thiện trợ Thiện bằng Tương Ưng Duyên (Thiện năng duyên là tất cả Pháp Bất Thiện trên phương diện trợ giúp. Thiện sở duyên là tất cả Pháp Thiện trên phương diện trợ giúp. Thiện Sở Duyên là tất cả Pháp Thiện trên phương diện nhờ).

2) Bất Thiện trợ Bất Thiện bằng Tương Ưng Duyên (Bất Thiện năng duyên là tất cả Pháp bất Thiện trên phương diện hỗ trợ. Bất Thiện sở duyên là tất cả Pháp bất Thiện trên phương diện nương nhờ).

3) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Tương Ưng Duyên (Vô Ký năng duyên là tất cả Pháp Vô Ký Danh về phía trợ. Vô Ký sở duyên là tất cả Pháp Vô Ký Danh phía nhờ).

(*) Trợ giúp bằng cách phối hợp và hòa đồng với nhau gọi là Tương Ưng Duyên (Sampayutta bhāvena upakārako dhammo: Sampayuttapaccayo).

376- Bất Tương Ưng Duyên (Vippayuttapaccayo). (*)

V- Thế nào là Bất Tương Ưng Duyên?

Ð- Danh và Sắc hổ trợ nhau nhưng không hòa đồng nên gọi là Bất Tương Ưng Duyên. Thí dụ: Dầu và nước đổ chung, nhưng dầu và nước không bao giờ hòa nhau thành một. Bất Tương Ưng Duyên có 3:

1) Ðồng Sinh Bất Tương Ưng Duyên.

2) Sinh Tiền Bất Tương Ưng Duyên (tức Vật Sinh Tiền Bất Hiệp Duyên và Cảnh Vật Sinh Tiền Bất Hiệp Duyên và cảnh Vật Sinh Tiền Bất Hiệp Duyên).

3) Hậu Sinh Bất Tương Ưng Duyên (tức Hậu Sinh Duyên).

(*) Trợ giúp bằng cách không hòa đồng với nhau gọi là Bất Tương Ưng Duyên (Vippayutta bhāvena upakārako dhammo: Vippayuttapaccayo)

377- Ðồng Sinh Bất Tương Duyên. (Sahajātavippayuttapaccayo).

V- Thế nào là Ðồng Sinh Bất tương Ưng Duyên?

Ð- Trợ giúp nhau bằng cách Ðồng Sinh, nhưng không hòa đồng gọi là Ðồng Sinh Bất Tương Ưng Duyên. Thí dụ: như Hội Liên Tôn hay Liên Hiệp Quốc v.v… Ðồng Sinh Bất Tương Ưng Duyên phân theo Tam Ðề Thiện có 3 cách:

1) Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Bất Sinh Bất Tương Ưng Duyên (Bất Thiện năng duyên là tất cả Pháp Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc tâm Thiện).

2) Bất Thiện trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Bất Tương Ưng Duyên (Bất Thiện năng duyên là tất cả Pháp Bất Thiện. Vô Ký sở duyên là Sắc Tâm Thiện).

3) Vô Ký trợ Vô Ký bằng Ðồng Sinh Bất Tương Ưng Duyên (Vo Ký năng duyên là Tâm Vô Ký (trừ Ngũ Song Thức, 4 Quả Vô sắc và Tâm Tử của A La Hán), 38 sở hữu cùng hiệp và Sắc Mạng Quyền tục sinh. Vô Ký sở duyên là 2 Tâm Quan sát thọ xả, 8 Quả Dục Giới Hữu Nhân, 9 Quả Ðáo Ðại, 35 sở hữu cùng hiệp, Sắc Tục Sinh và Sắc Tâm Vô Ký).

378- Hiện Hữu Duyên (Atthipaccayo).

V- Thế nào là Hiện Hữu Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách hiện diện, hiện hữu. Hiện hữu duyên phân ra có 6:

1) Ðồng Sinh Hiện Hữu Duyên (tức Ðồng Sinh Duyên).

2) Cảnh Sinh Tiền Hiện Hữu Duyên (tức Cảnh Sinh Tiền duyên).

3) Vật Sinh Tiền Hiện Hữu Duyên (tức Vật Sinh Tiền Y Duyên).

4) Hậu Sinh Hiện Hữu Duyên (tức Hậu Sinh Duyên).

5) Vật Thực Hiện Hữu Duyên (tức Sắc Mạng Duyên).

6) Quyền Hiện Hữu Duyên (tức sắc Mạng Quyền Duyên).

379- Vô Hữu Duyên (Natthipaccayo).

V- Thế nào là Vô Hữu Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách khiếm diện, không hiện hữu gọi là Vô Hữu Duyên. Thí dụ: Sát na tâm Khai Ngũ Môn diệt mất nên Tâm Ngũ Song Thức mới sinh lên được … (Vô Hữu Duyên tức Vô Gián Duyên).

380- Ly Duyên (Vigatapaccayo).

V- Thế nào là Ly Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách khứ ly, xa lìa nhau gọi là Ly Duyên, thí dụ: Sát na tâm Ngũ Song Thức diệt mất nên Tâm Tiếp Thâu mới sinh lên được…(giống như Vô Hữu Duyên tức là Vô Gián Duyên hay Ðẳng Vô Gián Duyên.

381- Bất Ly Duyên (Avigatapaccayo).

V- Thế nào là Bất Ly Duyên?

Ð- Trợ giúp bằng cách đang sanh, đang có (tức Hiện Hữu Duyên).

382- Kết Luận Về Duyên Hệ.

Như đã trình bày, Duyên Hệ đại khái có tất cả là 24 thứ. Tùy theo trường hợp các Duyên sinh khởi không thể tìm ra khởi điểm đầu tiên; bởi lẻ trùng trùng Duyên sinh, điệp điệp Duyên Hệ. Các bậc Viên Giác đoạn tận mọi Duyên Sinh, Duyên Hệ nên chẳng có thân sau; vì “Niết Bàn là Vô Duyên”!

Từ trước đến đây đã trình bày về Tâm, sở hữu Tâm, Sắc Pháp và Niết Bàn là pháp thuộc về phần Chơn Ðế (Paramatthasacca). Bây giờ sẽ bàn đến phần Tục Ðế (Sammuttisacca).

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app