3- Mohamūlacitta
Mohamūlacitta là bất-thiện-tâm có nhân si (mohahetu) hoặc bất-thiện-tâm có si tâm-sở (mohacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm ấy, nên gọi là si-tâm (mohacitta).
Si-tâm (mohacitta) này có si tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với si-tâm.
Si tâm-sở (mohacetasika) có 4 tính chất riêng biệt của si tâm-sở:
1- Añāṇalakkhaṇo: Có trạng-thái không biết tứ Thánh-đế.
2- Ārammaṇasabhāvacchādanaraso: Có phận sự làm che phủ thật-tánh của các đối-tượng.
3- Andhakārapaccuṭṭhāno: Có tính chất làm tối tăm là quả hiện hữu.
4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno: Do si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh mohacetasika.
Mohacitta: Si-tâm phát sinh chỉ nương nhờ upekkhāvedanā: thọ xả, hợp với vicikicchā, hoặc uddhacca, cho nên si-tâm phân chia ra làm 2 tâm như sau:
1- Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ.
Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.
2- Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ.
Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.
Giải nghĩa từ Pāḷi trong 2 si-tâm
* Upekkhāsahagata: upekkhā + sahagata
– upekkhā: thọ xả
– sahagata: đồng sinh với
– upekkhāsahagataṃ: đồng sinh với thọ xả.
* Vicikicchāsampayutta: vicikicchā+sampayutta
– vicikicchā: hoài-nghi
– sampayutta: hợp với
– vicikicchāsampayuttaṃ: hợp với hoài-nghi.
* Uddhaccasampayutta: uddhacca+sampayutta
– uddhacca: phóng-tâm
– sampayutta: hợp với
– uddhaccasampayuttaṃ: hợp với phóng-tâm.
Giảng giải về 2 si-tâm
1- Si-tâm đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.
2- Si-tâm đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.
* Upekkhāsahagataṃ: Đồng sinh với thọ xả
Hai si-tâm đồng sinh với thọ xả có tính chất khác với 4 tham-tâm đồng sinh với thọ xả.
Si-tâm đồng sinh với thọ xả dù tiếp xúc với đối-tượng tốt hoặc xấu vẫn bình thản, bởi vì si-mê không biết nhận thức giá trị của đối-tượng ấy.
Còn 4 tham-tâm hợp với thọ xả là khi tiếp xúc với đối-tượng không tốt không xấu, 4 tham-tâm hài lòng ít, nên không đủ để phát sinh thọ hỷ.
* Vicikicchāsampayuttaṃ: Hợp với hoài-nghi
Hoài-nghi có hai loại:
1- Nivaraṇavicikicchā: Hoài-nghi là pháp chướng-ngại của mọi thiện-pháp.
2- Paṭirūpakavicikicchā: Hoài-nghi về những môn học chưa hiểu rõ, hoài-nghi về người, vật, v.v… không gọi là hoài-nghi trong si-tâm.
Si-tâm hợp với hoài-nghi đó là nivaraṇa-vicikicchā làm chướng-ngại chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn; có 8 loại hoài-nghi:
1- Buddhe kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Phật rằng: Đức-Phật có thật hay không? Có phải người ta chế-định Đức-Phật ra để tôn thờ, …
Hoài-nghi về 9 ân-Đức-Phật rằng:
Đức-Phật có 9 ân-đức là “Arahaṃ, Sammā-sambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārathi, Satthā devamanus-sānaṃ, Buddho, Bhagavā” có thật vậy hay không?
2- Dhamme kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Pháp rằng: Đức-Phật thuyết giảng 6 ân-Đức-Pháp là “Svākkhāto Bhagavato dhammo, sandiṭṭhiko, akāliko, ehipassiko, opaneyyiko, paccattaṃ veditabbo viññūhi” có thật vậy hay không?
3- Saṃghe kaṅkhati: Hoài-nghi về Đức-Tăng rằng: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có 9 ân-Đức-Tăng là “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, ujuppaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho, ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho, sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, āhuneyyo, pāhuneyyo, dakkhiṇeyyo, añjalikaraṇīyo, anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa” có thật vậy hay không?
4- Sikkhāya kaṅkhati: Hoài-nghi về 3 sikkhā là adhisīlasikkhā: thực-hành pháp-hành giới bậc cao, adhicittasikkhā: thực-hành pháp-hành thiền-định bậc cao, adhipaññāsikkhā: thực-hành pháp-hành thiền-tuệ bậc cao trở thành bậc Thánh-nhân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, có thật vậy hay không?
5- Pubbante kaṅkhati: Hoài-nghi về ngũ-uẩn đã từng có trong kiếp trước thật hay không? Hoặc kiếp trước có thật vậy hay không?
6- Aparante kaṅkhati: Hoài-nghi về ngũ-uẩn sẽ có trong kiếp sau thật hay không? Hoặc kiếp sau có thật vậy hay không?
7- Pubbantāparante kaṅkhati: Hoài-nghi về ngũ-uẩn kiếp trước, kiếp sau có thật hay không? Hoặc kiếp trước, kiếp sau có thật vậy hay không?
8- Paṭiccasamuppāde kaṅkhati: Hoài-nghi về pháp thập-nhị-duyên-sinh:
“Avijjāpaccyā saṅkhārā,
Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ…”
(Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh,
Do hành làm duyên, nên thức sinh …)
Những pháp phát sinh theo nhân và quả liên hoàn với nhau, quả của pháp trước rồi làm nhân của pháp sau, cứ như vậy diễn tiến không có pháp bắt đầu và cũng không có pháp cuối cùng, có thật vậy hay không?
Si-tâm hợp với 8 điều hoài-nghi này, ngoài ra, những điều hoài-nghi khác không phải là hoài-nghi trong si-tâm.
* Uddhaccasampayuttaṃ: Hợp với phóng-tâm
Si-tâm hợp với phóng-tâm là tâm bị động tiếp nhận các đối-tượng lộn xộn, tâm không ổn định, chưa hết chuyện này đã sang qua chuyện khác, định-tâm các đối-tượng không rõ ràng. Cho nên ác-nghiệp trong si-tâm hợp với phóng-tâm có ít năng lực.
Phóng-tâm và hối-hận là 1 trong 5 pháp-chướng-ngại gây trở ngại cho mọi thiện-pháp không thể phát sinh được.
Nhân sinh hoài-nghi
Hoài-nghi phát sinh do hai nguyên-nhân là:
1- Ayonisomanasikāra: Si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp.
2- Hoài-nghi nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo; hoài-nghi kiếp trước, kiếp sau, …
Nhân diệt hoài-nghi
Hoài-nghi diệt do 2 nguyên-nhân là:
1- Yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.
2- Trí-tuệ hiểu biết rõ các pháp: Thiện-pháp, bất-thiện-pháp, pháp nên hành, pháp không nên hành, pháp nên phát triển, pháp nên diệt, v.v…
Pháp diệt hoài-nghi
Diệt hoài-nghi có 6 pháp là:
1- Bahussutā: Nghe nhiều hiểu rộng.
2- Paripucchakatā: Ham thích học hỏi.
3- Vinaye pakataññatā: Tinh thông trong Tạng Luật.
4- Adhimokkhabahulatā: Quyết định sáng suốt.
5- Kalyāṇamittatā: Có bạn thiện trí tốt.
6- Sappāyakathā: Nghe lời giáo-huấn hay, hiểu rõ không còn hoài-nghi nữa.
Nhân sinh phóng-tâm
Phóng-tâm phát sinh do 2 nguyên-nhân là:
1- Ayonisomanasikāra: Si-mê hiểu biết trong tâm không đúng theo thật-tánh của các pháp.
2- Phóng-tâm là tâm bị động tiếp nhận các đối-tượng lộn xộn, tâm không ổn định, chưa hết chuyện này sang chuyện khác, không tự chủ được.
Nhân diệt phóng-tâm
Phóng-tâm diệt do 2 nguyên-nhân là:
1- Yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.
2- Thiện-tâm thanh-tịnh an trú trong đối-tượng.
Pháp diệt phóng-tâm
Diệt phóng-tâm có 6 pháp là:
1- Bahussutā: Nghe nhiều hiểu rộng.
2- Paripucchakatā: Ham thích học hỏi.
3- Vinaye pakataññatā: Tinh thông trong Tạng Luật.
4- Buddhasevitā: Thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật.
5- Kalyāṇamittatā: Có bạn thiện trí tốt.
6- Sappāyakathā: Nghe lời giáo-huấn hay, tâm ổn định, thanh-tịnh.
Nhận xét về 2 si-tâm
Si-tâm có 2 tâm:
– Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.
– Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.
* Si-tâm có 2 tâm, không có tham tâm-sở đồng sinh, cũng không có sân tâm-sở đồng sinh, chỉ có si tâm-sở đồng sinh với 2 si-tâm mà thôi, khi tiếp xúc với đối-tượng tốt, không biết tốt, nên không đồng sinh với thọ hỷ; hoặc khi tiếp xúc với đối-tượng xấu, cũng không biết xấu, nên không đồng sinh với thọ ưu. Cho nên, 2 si-tâm này chỉ đồng sinh với thọ xả mà thôi.
* Si-tâm thứ nhất hợp với hoài-nghi và si-tâm thứ nhì hợp với phóng-tâm.
– Nếu si-tâm hợp với hoài-nghi trong đối-tượng thì dù không tác-động (asaṅkhārika) hoặc dù có tác-động (sasaṅkhārika) cũng không có gì đặc biệt.
– Nếu si-tâm hợp với phóng-tâm trong các đối-tượng lộn xộn thì tâm bị động, chưa hết chuyện này đã sang chuyện khác nên mất tự chủ, không có nhiều năng lực. Cho nên dù không tác-động (asaṅkhārika) hoặc dù có tác-động (sasaṅkhārika) cũng không có gì đặc biệt.
Vì vậy, 2 si-tâm đều không có asaṅkhārika và sasaṅkhārika. Còn 8 tham-tâm và 2 sân-tâm, nếu bất-thiện-tâm nào không có tác-động asaṅkhārika thì tạo ác-nghiệp nặng, nếu bất-thiện-tâm nào có tác-động sasaṅkhārika thì tạo ác-nghiệp nhẹ.
* Si-tâm có 2 tâm, không hợp với tà-kiến (diṭṭhi) và hận (paṭigha), bởi vì 2 si-tâm vốn không biết tính-chất của đối-tượng đúng theo sự thật, vả lại, 2 si-tâm đồng sinh với thọ xả (upekkhā) nên không hài lòng cũng không bực tức trong đối-tượng.
Còn tà-kiến (diṭṭhi) phát sinh do hài lòng nơi đối-tượng và hận (paṭigha) phát sinh do bực tức trong đối-tượng. Cho nên, 2 si-tâm không hợp với tà-kiến (như 4 tham-tâm) hoặc không hợp với hận (như 2 sân-tâm).
Si tâm-sở (mohacetasika) gọi là vô-minh (avijjā) phát sinh do 4 pháp āsava: 4 pháp trầm-luân (ngũ-dục trầm-luân, kiếp trầm-luân, tà-kiến trầm-luân, vô-minh trầm-luân).
“Āsavasamudayā avijjāsamudayo.”
Do sự sinh của 4 pháp trầm-luân, nên có sự sinh của vô-minh.
* Tâm-sở đồng sinh với si-tâm thứ nhất có 15 tâm-sở, có hoài-nghi, tác-ý tâm-sở (cetanā cetasika) gọi là ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp này có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau thì sinh trong loài súc-sinh.
* Tâm-sở đồng sinh với si-tâm thứ nhì có 15 tâm-sở, có phóng-tâm, tác-ý tâm-sở (cetanācesika) gọi là ác-nghiệp nhẹ không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả sau thời-kỳ tái-sinh mà thôi.
Quả của si-tâm
* Si-tâm (mohacitta) là bất-thiện-tâm có si tâm-sở (mohacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với si-tâm không chỉ không biết thật-tánh của các pháp, mà còn không biết tính-chất tốt xấu của các đối-tượng nữa, làm cho tâm si mê trong kiếp hiện-tại và các kiếp vị-lai.
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với si-tâm tạo ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp trong si-tâm hợp với hoài-nghi có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm hợp với hoài-nghi gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong loài súc-sinh, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi loài súc-sinh.