2- Dosamūlacitta
Dosamūlacitta là bất-thiện-tâm có nhân sân (dosahetu) hoặc bất-thiện-tâm có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm ấy nên gọi là sân-tâm (dosacitta).
Sân-tâm (dosacitta) này có sân tâm-sở đứng đầu dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm.
Sân tâm-sở (dosacetasika) có 4 tính chất riêng biệt:
1- Caṇḍikalakkhaṇo có trạng-thái hung dữ.
2- Nissayadahanaraso có phận sự làm nóng nảy thiêu đốt trong tâm của mình và người khác.
3- Dūsanapaccuṭṭhāno gây tai hại đến đối-tượng là quả hiện hữu.
4- Āghātavatthupadaṭṭhāno có đối-tượng hận thù là nhân-duyên gần phát sinh dosacetasika.
Dosacitta: Sân-tâm phát sinh do nương nhờ 3 pháp là domanassa: thọ ưu, paṭigha: hận thù, saṅkhāra: tác-động, nên sân-tâm phân chia ra làm 2 tâm như sau:
1- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ. Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.
2- Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ.
Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.
Giải nghĩa từ Pāḷi trong 2 sân-tâm
* Domanassasahagata: domanassa+sahagata
– Domanassa: Thọ ưu: sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm nên phát sinh thọ ưu.
– Sahagata: đồng sinh với
– Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu.
* Paṭighasampayutta: paṭigha + sampayutta
– paṭigha: hận thù.
– sampayutta: hợp với.
– Paṭighasampayuttaṃ: hợp với hận.
* asaṅkhārikaṃ: không cần tác-động.
* sasaṅkhārikaṃ: cần tác-động.
Dosacitta (Sân-tâm) có 2 tâm:
1- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.
2- Sân-tâm đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.
* Nhân phát sinh 2 sân-tâm
Hai sân-tâm phát sinh do 5 nhân:
1- Dosajjhāsayatā: Người có tính hay sân hận.
2- Agambhīrapakatitā: Thói quen không suy xét sâu sắc, không tế nhị.
3- Appassutatā: Người có ít học hỏi, kém hiểu biết trong các thiện-pháp.
4- Aniṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng xấu không hài lòng.
5- Āghātavatthusamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng hận thù với mình hoặc người thân của mình.
Giảng giải về 2 sân-tâm
Do nguyên nhân nào gọi là sân-tâm?
Bất-thiện-tâm nào có nhân sân (dosahetu), hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dắt dẫn các tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm ấy biết đối-tượng xấu, phát sinh khổ tâm, gọi bất-thiện-tâm ấy là sân-tâm (dosacitta).
Sân-tâm có nhân sân (dosahetu) chắc chắn cũng có nhân si (mohahetu) hoặc có sân tâm-sở (dosacetasika) chắc chắn có si tâm-sở (moha-cetasika) che phủ thật-tánh của đối-tượng nên sân-tâm mù quáng gây tai hại đối-tượng.
Dosacitta (Sân-tâm) phát sinh do nương nhờ 3 pháp căn bản:
1- Vedanā (Thọ tâm-sở) đó là domanassa-vedanā: thọ ưu. Domanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ ưu.
2- Paṭigha (Sân hận) đó là sân tâm-sở. Paṭighasampayutta: Hợp với hận.
3- Saṅkhārika (Tác-động) đó là asaṅkhārika không cần tác-động, sasaṅkhārika cần tác-động.
Cho nên, sân-tâm phân chia ra làm 2 loại.
* Domanassasahagata: Đồng sinh với thọ ưu
Khi 2 sân-tâm biết đối-tượng xấu, cảm nhận nỗi khổ tâm khó chịu, nóng nảy, sầu não, v.v… đó là domanassa: thọ ưu thuộc về vedanācetasika.
Thọ tâm-sở (Vedanā) có 5 loại:
1- Dukkhavedanā: Thọ khổ.
2- Sukhavedanā: Thọ lạc.
3- Somanassavedanā: Thọ hỷ.
4- Domanassavedanā: Thọ ưu.
5- Upekkhāvedanā: Thọ xả.
* Domanassavedanā: Thọ ưu này chỉ đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi, không đồng sinh với tâm nào khác cả. Cho nên, khi nào sân-tâm phát sinh thì khi ấy chắc chắn có domanassavedanā: thọ ưu đồng sinh.
Vì vậy, gọi là domanassasahagata: Đồng sinh với thọ ưu.
* Paṭighasampayutta: Hợp với hận
Khi 2 sân-tâm hợp với hận nghĩa là khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu thì paṭigha sân hận, khổ tâm khó chịu gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy.
Paṭigha này là dosacetasika: sân tâm-sở luôn luôn chỉ đồng sinh với domanassavedanā mà thôi, không đồng sinh với vedanā nào khác.
Domanassavedanā và paṭigha có 2 tính chất thật-tánh khác nhau như sau:
– Domanassavedanā là 1 trong 5 loại vedanā-cetasika: thọ tâm-sở thuộc về vedanā-kkhandha: thọ-uẩn thụ hưởng đối-tượng xấu, cảm giác nỗi khổ tâm.
– Paṭigha đó là dosacetasika thuộc về saṅkhārakkhandha: hành-uẩn gây tai hại, phá hoại đối-tượng xấu ấy.
Domanassavedanā và paṭigha tuy có 2 tính chất thật-tánh khác nhau, nhưng do năng lực của dosacittuppāda (các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm) cho nên khi sân-tâm phát sinh thì ắt có domanassavedanā và paṭigha luôn luôn đồng sinh với sân-tâm ấy.
* Asaṅkhārika: Không cần tác-động
Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, quá bực tức, sân hận paṭigha có năng lực mạnh, sân-tâm tự mình phát sinh với asaṅkhārika không cần tác-động.
Cho nên, sân-tâm này có năng lực mạnh, ác-nghiệp trong sân-tâm này rất nặng.
* Sasaṅkhārika: Cần tác-động
Khi sân-tâm tiếp xúc với đối-tượng xấu, sân hận paṭigha có năng lực yếu, khi có người khác đến tác-động nên sân-tâm mới phát sinh với sasaṅkhārika cần tác-động.
Cho nên, sân-tâm này có năng lực yếu, ác-nghiệp trong sân-tâm này nhẹ.
* Nguyên nhân gần để phát sinh sân-tâm
Nguyên nhân gần để phát sinh 2 sân-tâm đó là aniṭṭhārammaṇa: đối-tượng xấu và āghāta-vatthu: đối-tượng hận thù.
Āghātavatthu (Đối-tượng hận thù) có 10 loại:
1- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho ta.
2- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho ta.
3- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho ta.
4- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng gây tai hại cho người thân yêu của ta.
5- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang gây tai hại cho người thân yêu của ta.
6- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ gây tai hại cho người thân yêu của ta.
7- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đã từng làm lợi ích cho kẻ thù của ta.
8- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy đang làm lợi ích cho kẻ thù của ta.
9- Hận thù do nghĩ rằng: Người ấy sẽ làm lợi ích cho kẻ thù của ta.
10- Hận thù do gặp phải rủi như vấp ngã đau, đạp gai đâm vào bàn chân đau, v.v …
Nhận xét về 2 sân-tâm
Sân-tâm có 2 tâm:
* Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.
* Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.
– Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhất có 20 tâm-sở, trong 20 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là ác-nghiệp, cho nên ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nặng nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận không cần tác-động, có năng lực mạnh.
– Tâm-sở đồng sinh với sân-tâm thứ nhì có 22 tâm-sở có hai tâm-sở thina: buồn-chán và middha: buồn-ngủ, nên làm sân-tâm có năng lực yếu.
Trong 22 tâm-sở này có tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp này thuộc về ác-nghiệp nhẹ nhất, bởi vì sân-tâm này đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động, có năng lực yếu.
Trình bày 2 sân-tâm tiếp theo sau 8 tham-tâm bởi vì tham-tâm là nhân, sân-tâm là quả, nếu không có tham-tâm thì chắc chắn cũng không có sân-tâm.
Thật vậy, bậc Thánh Bất-lai diệt tận được tham-ái trong 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc trong cõi dục-giới, cũng đồng thời diệt tận được 2 sân-tâm không còn dư sót nữa.
Bậc Thánh-Bất-lai chỉ còn tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, các tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên mà thôi. Cho nên bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh kiếp sau trở lại trong cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm bậc cao gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với sắc-giới quả-tâm ấy mà thôi, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Quả của sân-tâm
* Sân-tâm (dosacitta) là bất-thiện-tâm có sân tâm-sở (dosacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với sân-tâm làm khổ tâm trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm tạo ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp trong sân-tâm ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.