Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 9 – Dục-giới Tịnh-hảo-tâm & Đại-thiện-tâm Có Tám Tâm Chia Theo Thọ

Dục-Giới Tịnh-Hảo-Tâm (Kāmāvacarasobhaṇacitta)

Dục-giới tịnh-hảo-tâm (kāmāvacarasobhaṇa-citta) là tâm phần nhiều phát sinh trong cõi dục-giới, bởi vì có tịnh-hảo tâm-sở (sobhaṇacetasika) đồng sinh với dục-giới tịnh-hảo-tâm.

Dục-giới tịnh-hảo-tâm có 24 tâm chia 3 loại tâm:

1-Dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) có 8 tâm.

2- Dục-giới quả-tâm (đại-quả-tâm) có 8 tâm.

3- Dục-giới duy-tác-tâm (đại-duy-tác-tâm) có 8 tâm.

Giảng Giải:

1-Kāmāvacarakusalacitta (Mahākusalacitta)

Kāmāvacarakusalacitta: Dục-giới thiện-tâm gọi là mahākusalacitta: đại-thiện-tâm.

Định-nghĩa kusalacitta rằng:

Kucchite pāpadhamme salayati kampeti viddhaṃsetīti kusalaṃ.

Tâm nào làm tiêu diệt ác-pháp mà chư bậc thiện-trí ghê tởm, tâm ấy gọi là thiện-tâm (kusala-citta). Thiện-tâm là tâm tốt, không bị ô nhiễm bởi phiền-não, không có lỗi, cho quả an-lạc.

Kusalacitta: Thiện-tâm có 5 ý nghĩa:

– Arogayattha: Nghĩa là không có bệnh là không có phiền-não tham, sân, si, … làm khổ tâm. Phiền-não tham, sân, si gọi là bệnh, bởi vì phiền-não làm khổ tâm, khổ thân đối với chúng-sinh.

– Sundarattha: Nghĩa là tốt lành là sự lợi ích, sự an-lạc đối với chúng-sinh.

– Chekattha: Nghĩa là khôn ngoan, người có thiện-tâm nói năng hành động đàng hoàng tử tế.

– Anavajjattha: Nghĩa là không có lỗi, không đáng chê trách gì cả.

– Sukhavipāka: Có quả an-lạc đáng hài lòng.

Kāmāvacarakusalacitta (Mahākusalacitta)

Dục-giới thiện-tâm (kāmāvacarakusalacitta) gọi là đại-thiện-tâm (mahākusalacitta) phát sinh do nương nhờ 3 pháp là vedanā: thọ, ñāṇa: trí-tuệ, saṅkhāra: tác-động, nên đại-thiện-tâm phân chia ra có 8 loại tâm như sau:

Đại-thiện-tâm có 8 tâm:

1- Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ.

Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

2- Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

3- Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ. 

Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

4- Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

5- Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

6- Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

7- Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

8- Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ. Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

Giảng giải 8 đại-thiện-tâm

* Somanassasahagata: somanassa+sahagata

– somanassa: thọ hỷ

– sahagata: đồng sinh với

– Somanassasahagataṃ: đồng sinh với thọ hỷ. 

* Upekkhā sahagata: upekkhā + sahagata

– upekkhā: thọ xả

– Upekkhāsahagataṃ: đồng sinh với thọ xả.

* ñāṇasampayutta: ñāṇa + sampayutta

– ñāṇa: trí-tuệ

– sampayutta: hợp với

– Ñāṇasampayuttaṃ: hợp với trí-tuệ.

* ñāṇavippayutta: ñāṇa + vippayutta

– ñāṇa: trí-tuệ

– vippayutta: không hợp với

– Ñāṇavippayuttaṃ: không hợp với trí-tuệ.

* Asaṅkhārikaṃ: không cần tác-động.

* Sasaṅkhārikaṃ: cần tác-động.

Nguyên-nhân dục-giới thiện-tâm (kāmavacara-kusalacitta) gọi là đại-thiện-tâm (mahākusala-citta) như sau:

Mahākusalacitta: Đại-thiện-tâm có 8 tâm, có tác-ý thiện trong đại-thiện-tâm không có lỗi, cho quả an-lạc, đặc biệt có quả-tâm phát sinh nhiều hơn sức mình, nghĩa là tác-ý thiện trong 8 đại-thiện-tâm (mahākusalacitta) có quả là 8 đại-quả-tâm (mahāvipākacitta) và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm (ahetukakusalavipākacitta) gồm có 16 quả-tâm.

Đại-thiện-tâm phát sinh có khả năng biết 6 đối-tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tốt đáng hài-lòng đối với các loài chúng-sinh trong tam-giới gồm có 30 cõi-giới từ cõi địa-ngục cho đến cõi trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên (trừ chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên) tùy theo khả năng của mỗi chúng-sinh trong mỗi cõi-giới.

Đại-thiện-tâm có thể phát sinh đối với các chúng-sinh trong cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, nhân-loại, chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên) và chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Đại-thiện-tâm là tâm làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho 10 phước-thiện, cho pháp-hành giới, cho pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm; cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có khả năng đạt đến trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa đặc biệt tiếp nhận đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, và còn làm phận sự paccavekkhaṇañāṇa quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả đã chứng đắc, Niết-bàn đã chứng ngộ, phiền-não đã diệt tận rồi và phiền-não nào chưa diệt tận được.

Dục-giới thiện-tâm (kāmavacarakusalacitta) có khả năng đặc biệt biết rộng lớn như vậy, cho nên gọi là đại-thiện-tâm (mahākusalacitta).

Đại-thiện-tâm có 8 loại tâm do nương nhờ nơi 3 pháp là vedanā: thọ, ñāṇa: trí-tuệ, saṅkhāra: tác-động, nếu phân chia theo mỗi pháp thì có 2 loại tâm như sau:

a-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo thọ:

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app