Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I – Phật Giáo Nguyên Thủy Và Các Tư Tưởng Chính

Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I

Phật Giáo Nguyên Thủy Và Các Tư Tưởng Chính

Vài đặc điểm của Phật giáo nguyên thủy

Dưới đây là những ghi chép thực tế qua những năm tháng tu học tại Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Những ghi chép này còn thiếu nhiều điều tuy nhiên những gì được viết ra là những gì rất thực.

Có thể bạn cho rằng việc đầu trần, chân đất khất thực hay chỉ ăn 2 bữa ở thế kỷ 21 này là quan điểm cổ hủ, lậc hậu kém phát triển, nhưng chúng tôi cho rằng đó là hạnh của người xuất gia, từ bỏ gia đình, tài sản, danh lợi để tìm đến cuộc sống ít dính mắc và hài lòng biết đủ.

Bạn cũng có thể cho rằng cuộc sống tu hành trong rừng và  tránh tiếp xúc là cuộc sống bi quan, không trải rộng tình  thương cứu đời, nhưng chúng tôi cho rằng tình thương thực sự phải xuất phát từ hiểu biết, sau thời gian trong rừng để giảm  bớt Tham, Sân, Si, vị tu sỹ mới có đủ  năng lực để bước vào  đời mà không bị đời làm uế nhiễm.

Xin mượn lời 1 vị Thiền sư đã nói “Tu tập Thiền không phải để thành 1 pho tượng vô tri trong rừng vắng mà để xây dựng tâm thức vắng bóng cái Tôi, đạt được đỉnh cao của linh hoạt và lợi ích”

1. Về giáo lý

 Nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư, Ngài là vị Phật duy nhất trong kiếp hiện tại này, không có thế lực nào (cùng tên gọi là Phật) để ban ơn, cứu khổ cho bạn ngoài sự nỗ lực của chính bạn.

  • Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Lý Duyên Khởi là giáo lý cơ bản nhất.
  • Thực hành con đường Giới, Định, Tuệ để thực chứng 3 đặc tính của đời sống: Khổ, Vô thường, Vô ngã.
  • Coi Đức Phật như “là người chỉ đường”, là vị Thầy hướng dẫn và là tấm gương, là động lực thúc đẩy lòng tự tin trong  mỗi người thực hành theo Phật. Phật là con người như mỗi chúng ta và đã trở nên bậc Thánh, sao chúng ta lại không thể?
  • Ngay với thân này và tư tưởng này chúng ta đạt đến hiểu biết, giải thoát, không phải đi tìm kiếm điều kiện, hoàn cảnh khác tại các cõi/cảnh giới nào khác.
  • PGNT chủ trương tu tập để thành tựu 4 tầng thánh Đạo và Quả, với Quả vị lớn nhất là A la Hán, chỉ sau Đức Phật, trong khi đó Bồ Tát được xem như một con người ở giữa chúng ta,  và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.
  • Không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế gian này.
  • Người Phật tử theo PGNT thực hành Bố thí, Giữ giới, Hành thiền định và thiền quán (hay còn gọi là thiền Tuệ) gọi chung là Pháp Hành và học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý (dựa  trên kinh điển tiếng Pali được bảo quản từ Thế kỷ thứ ba trước công nguyên) gọi là Pháp Học. Người Phật tử được khuyến khích tìm hiểu kinh điển, không giới hạn trong 1 vài bộ kinh mà mở rộng ra toàn bộ Tam tạng kinh

Đặc biệt Phật tử trong truyền thống PGNT không bị tội khi nghiên cứu Giới luật xuất gia, mà còn được khuyến khích để  họ hoan hỷ dũng mãnh phát tâm xuất gia hoặc hộ trì người  xuất gia giữ giới cho được trong sạch.

  • Trong các buổi lễ, để tri ân và noi gương Tam bảo, người Phật tử theo truyền thống PGNT có thể niệm Ân đức Tam bảo, ví dụ niệm “Bút thô” đều đặn, liên tục giúp định tâm, hỗ trợ việc hành thiền, và Bút Thô (Buddho) nghĩa là giác ngộ, người niệm tưởng nhớ, tri ân và noi theo tấm gương phẩm chất tâm giác ngộ của Đức Phật. Việc niệm đó có ý nghĩa hoàn toàn khác so với niệm tên riêng của một vị Phật để xin tiếp dẫn như trong các truyền thống Phật giáo khác.

2. Tu sỹ – Phước điền thế gian

Phật tử trong truyền thống Phật giáo Nam Tông tôn trọng, gìn giữ và tụng đọc kinh bằng tiếng Pāli Nguyên Thủy và có thể tiếp theo là lời dịch bằng ngôn ngữ địa phương

Khất thực: Chư Tăng PGNT hàng sáng mỗi ngày mang bát đi khất thực gieo duyên cho mọi người từ giàu đến nghèo.  Nhà  sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món gì tùy ý.  Ngày nay ở Việt Nam do có nhiều sư giả khất thực nên nhà nước không cho phép được khất thực bên ngoài chùa nữa, nhưng   nếu bạn vào các chùa, thiền viện lớn vẫn thấy hình ảnh chư tăng, ni “đi bát” hoặc “ngồi bát”.

Ăn trước Ngọ: Đức Phật dạy dùng Trai Tăng, nghĩa là ăn  trước 12h trưa. Chư Tăng Ni PGNT dùng 1 hoặc 2 bữa/ ngày, và sau 12h trưa không dùng nữa cho đến sáng ngày hôm sau

Y áo: Y áo của các Sư PGNT màu vàng hoặc màu vỏ măng  cụt, vẫn duy trì giống hệt từ thời Đức Phật, may theo kiểu mẫu đúng với ý nghĩa là phước điền cho nhân loại. Bình bát cũng  có thể lệ tạo thành, chớ không phải tự ý riêng muốn dùng bình bát lớn, nhỏ hoặc bằng chất gì cũng được

Rừng thiền: Khái niệm Rừng Thiền có thể xa lạ  với  phần đông các bạn Phật tử Việt Nam, nhưng tại Miến Điện, Thái  Lan và ngay tại Châu Âu vẫn có nhiều những nhà sư PGNT tu  ở trong rừng, họ ở những lều tre, gỗ đơn giản, cách xa khu dân cư, hàng ngày đi bộ cả 2,3 km thiền hành xuống thôn  xóm  khất thực.

Trong chùa/thiền viện chỉ có tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, không thờ nhiều Thần tượng, bàn thờ thường đơn giản, nghi lễ không dùng chuông, mõ, khánh..vv.

Đảnh lễ: Khi tới chùa hoặc gặp các vị sư, Phật tử PGNT hay quỳ xuống đảnh lễ 3 lạy thay cho việc chắp tay xá như các truyền thống PG khác.

Giao tiếp tu sỹ – cư sỹ: Trong quan hệ với người khác phái, tu sỹ PGNT rất dè dặt, các Sư rất cẩn thận giữ giới không ngồi/đứng chỗ kín với người khác phái. Khi tiếp xúc không  nên chạm trực tiếp hay gián tiếp đến các vị sư (kể cả chạm vào y áo cũng không nên), khi đưa vật gì cho các sư mà vật đó quá nhỏ như chiếc USB hay cái kim…bạn nên đặt chúng lên quyển vở hay cái quạt, hoặc vị sư  đó sẽ dùng 1 cái khăn đưa ra để  bạn đặt vào.

Các sư PGNT nhận đồ cúng dường tận tay, bạn nên đặt  món  đồ đó vào tận tay người nhận.

3. Phật tử – Hộ trì  chánh pháp

Cân bằng giữa nam và nữ, giữa trẻ và già khi tới các thiền viện/chùa của PGNT.

Ngay từ những năm 1960, đã có những trung tâm thiền dành riêng cho người nước ngoài nói tiếng Anh tại Thái Lan, hiện nay số chư Tăng Ni và thiền sinh cư sỹ châu Âu,  Mỹ đang  tăng lên nhanh chóng. Các trường thiền theo phương  pháp thiền Goenka có mặt tại 30 quốc gia với hàng ngàn thiền sinh mỗi ngày, có các trung tâm thiền PGNT danh tiếng thu hút hàng trăm thiền sinh mỗi khóa tại Mỹ và châu Âu.

Ngày lễ, Tết là dịp để các Phật tử theo PGNT tại Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Châu Âu…vv tới các chùa, thiền viện để hành thiền, nghe Pháp. Họ thường xuyên tham dự các khóa thiền dài ngày, ăn ở tại thiền viện và giữ giới miên mật.

Trách vụ chính của Phật tử PGNT không phải chỉ là vào chùa làm công quả hay bố  thí tạo phước, họ còn là những thành  viên rất năng nổ trong việc giữ giới, học và hành Pháp. Các Phật tử của PGNT thông thường rất tinh thông kinh điển và giáo lý, thường xuyên hành thiền và áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống.

Bạn có thể thấy rất nhiều những tu sỹ Phật giáo Bắc Tông  (Phật giáo phát triển) tới các chùa, thiền viện của PGNT để tu thiền, học Pháp rồi ở lại sinh sống lâu dài.

Trong 1 khóa thiền thuộc PGNT, bạn sẽ trải qua mỗi  ngày hành thiền từ  6-12 giờ ngồi thiền và 4-6 giờ thiền hành (tùy  đặc điểm của mỗi phương pháp thiền) đó là nếu bạn muốn làm thiền sinh, còn muốn làm công quả tạo phước, bạn phải đăng  ký trước và đảm nhiệm việc nấu ăn, quét dọn…giúp cho thiền sinh có đủ thời gian để tập trung hoàn toàn vào việc thực hành thiền và nghe giảng Pháp. Nói chung, dù là thiền sinh hay làm công quả, bạn có dịp dốc hết sức cho việc làm điều thiện.

Sự hình thành của Đại thừa

Ở  Việt Nam khi nhắc đến Phật giáo, phần lớn đều hiểu rằng  chỉ có 1 truyền thống Phật giáo duy nhất thờ Phật Thích Ca và nhiều vị Phật khác, họ cho rằng những gì đang được giảng dạy tại các chùa, thiền viện khắp nơi trên toàn quốc là giống nhau  và cùng 1 nguồn gốc. Sự thật không phải như vậy.

Chúng tôi mời các bạn làm quen với 2 truyền thống Phật giáo: Phật giáo Nguyên Thủy (hay gọi là Phật giáo Nam Tông) và Phật giáo Phát Triển (hay gọi là Phật giáo Bắc Tông). Gọi là Nam hay Bắc là để chỉ hướng truyền đạo của Phật Pháp. Tuy  cả 2 bộ phái đều gọi chung là Phật giáo nhưng có nhiều điểm giống và khác nhau.

Đạo Phật Nguyên Thủy duy trì lối sống, phương pháp thực hành và tư duy lý luận dựa trên bộ kinh điển được bảo tồn nguyên bản từ thế kỷ thứ 3 TCN, được công nhận là bộ kinh điển chính xác nhất với lời Đức Phật dạy. Các kinh Đại Thừa (Đạo Phật Phát Triển) được trước tác và xuất hiện vào khoảng 400-500 năm sau khi Đức Phật tịch diệt. Đây là các tư tưởng cải cách để đại chúng hóa đạo Phật.

Khi phong trào phát triển đường lối Phật Giáo mới này ra đời, họ đã gọi Phật giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa (Cỗ xe nhỏ) và tự nhận mình là Đại Thừa (Cỗ xe lớn).

Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại Thừa) có ba đặc tính tổng quát.

  • Thứ nhất là sự đồng tình hết lòng với quan niệm về Bồ Tát Đạo vốn đã được một vài tông phái Nguyên Thủy khởi xướng từ trước.
  • Thứ hai, họ đưa ra một vũ trụ quan mới, dựa vào các pháp quán kiến về Đức Phật mà dưới cái nhìn mới, đã trở thành một vị siêu nhân, siêu thế.
  • Thứ ba, họ có những nhãn quan triết lý mới.

Từ ba đặc tính nầy, phát sinh một định hướng mới về giáo   pháp của Đạo Phật và tạo ra hằng loạt các diễn giải mới lạ, và dần dần tạo nắn thành một phong trào gọi là Đại Thừa với tính chất riêng biệt.

Những người truyền thống lúc đó không chấp nhận các văn  liệu mới nầy là “lời dạy của Đức Phật” (Phật ngôn – Buddhavaccana) như các kinh Nguyên Thủy. Thật  ra,  kinh điển Nguyên Thủy cũng bao gồm bài giảng  của các vị đại đệ  tử nhưng được họ chấp nhận là vì Đức Phật đã từng khen ngợi các vị đại đệ tử đó và Ngài đồng ý với các bài giảng đó. Ngay cả sau khi những vị đó đã qua đời, một vài bài kinh khác đã được thêm vào nếu chúng có cùng văn phong và nội dung với tạng kinh luật.

Kinh điển mới của Mahayana hoàn toàn khác hẳn về  văn  phong và âm điệu. Nhưng chúng được nhiều người theo phong trào mới chấp nhận là “Phật ngôn” vì nhiều lý do:

  • Thứ nhất, họ tin rằng Đức Phật vẫn hiện hữu, cảm nhận được qua các trạng thái nhập thiền và mộng tưởng, và đã giảng các bộ kinh đó.
  • Thứ hai, chúng được xem như sản phẩm từ các tuệ giác bát nhã có cùng một căn bản như các bài pháp của Đức Phật.

– Thứ ba, về sau nầy, nhiều người Đại Thừa lại tin rằng các  kinh điển đó là lời giảng của Đức Phật nhưng đã được dấu đi tại quốc độ của các loài thần rắn (Naga, Long vương), cho đến khi nào loài người có thể nhận thức được tầm mức quan trọng của kinh thì mới thỉnh được chúng qua năng lực trong  lúc  tham thiền.

Các quan niệm mới về giá trị của kinh điển đã khuyến khích phong trào Đại Thừa có thêm nhiều tự do phóng khoáng, nhiều sự “mặc khải”, để tạo ra hằng loạt các kinh điển mới ở Ấn Độ cho đến khoảng năm 650 CN. Các bộ kinh nầy thường được trước tác bởi các vị tu sĩ ẩn danh, thông thường có một nhóm tác giả viết ra một văn bản mới với nhiều chi tiết, càng ngày càng phát triển rộng thành các tác phẩm lớn, có khi lên đến vài trăm trang giấy. Trong khi đó, các kinh điển Nguyên Thủy thường ngắn gọn hơn, mỗi bài kinh chỉ có vài ba trang.

Những vị cứu rỗi nầy (chư Phật và chư Bồ Tát) với nhiều danh hiệu và nguồn gốc mới lạ, trở thành đối tượng  cho  việc tôn thờ, sùng bái và cầu nguyện, và từ đó gia  tăng tính hấp dẫn,  thu hút quần chúng, giúp thành công cho việc truyền bá phong trào Đại Thừa.

Đầu tiên, phong trào mới nầy được gọi là Bồ Tát Thừa (Bodhisatva-yana). Dần dần, khi bị nhiều chỉ trích và phê bình của những người không tán đồng các tư tưởng mới, phong trào nầy phản ứng lại bằng cách gia tăng ca ngợi tầm mức quan trọng của hạnh Bồ Tát và đưa ra một danh xưng mới:  Mahayana (Đại Thừa). Các “thừa” khác giờ đây bị  khinh chê  là thấp kém, và bị gán cho một tên gọi khác là Hinayana (Tiểu Thừa). Lý do biện minh cho cái “lớn” của Đại Thừa ở trong 3 lãnh vực: ý nguyện từ bi muốn cứu vớt muôn loài, tuệ giác thâm sâu mà họ cổ võ, và mục tiêu nhắm đến quả vị tối thượng của Phật.

Trong giai đoạn đầu khi mới thành hình, phong trào Đại Thừa khuyến khích các cư sĩ đi theo Bồ Tát Đạo, thoát khỏi ràng buộc gia đình và lập ý nguyện xuất gia, trở thành tu sĩ, hành trì để đạt đến một trình độ tâm linh cao thượng. Từ quan niệm Nguyên Thủy Bồ Tát là người sắp thành Phật và thường dùng để chỉ các tiền thân của Phật Thích Ca, quan niệm về Bồ Tát trong Đại Thừa được triển khai với ý nghĩa mới, trở thành một người cao thượng, giàu lòng hy sinh và từ bi để cứu nhân độ thế, làm việc từ thiện, chia sẻ công đức, đáp ứng các lời cầu nguyện, khuyến khích lễ lạc, phúng tụng, xây tháp v.v. Quan niệm nầy càng ngày càng trở nên phổ thông, nhất là khi Đại Thừa được truyền sang Trung Hoa và một số kinh  điển  đã được trước tác thêm tại đó.

Ba nơi nương nhờ (Tam quy)

Hòa thượng Nyanaponika

Về nơi thứ nhất, nương nhờ trong Phật Bảo (Phật nghĩa là sự Giác ngộ), chính Đức Phật nói:

Như ta, họ sẽ là những người chinh phục Người đã đạt tới sự chấm dứt mọi phiền não.

— MN 26 (Ariyapariyesana Sutta)

Như thế nơi nương nhờ thứ nhất không phải là Ẩn sĩ Gotama, mà là nương vào phẩm chất tâm giác ngộ, vượt thế gian, vốn  có sẵn trong mỗi con người chúng ta.

Về nơi nương nhờ thứ hai, trong Pháp, Đức Phật nói ngắn  gọn trước khi nhập diệt:

Hãy là hải đảo cho chính các con, hãy là nơi nương nhờ cho chính các con! Đừng lấy nơi nương nhờ nào khác! Hãy để Pháp là hải đảo của các con, hãy để Pháp là nơi nương nhờ của các con! Đừng lấy nơi nương nhờ nào khác!

— DN 16 (Mahāparinibbāna Sutta)

Pháp Bảo không chỉ là Con Ðường, là những lời dạy quý báu của Ngài, còn là những hiểu biết của mỗi người đạt được trên con đường đến giải thoát.

Nơi nương nhờ thứ ba: Tăng Bảo là những vị đã có niềm tin nơi Ðức Phật, lắng nghe và thông hiểu lời dạy, nỗ lực hành trình theo Con Ðường và chứng đắc các Ðạo Quả cao thượng.

Nơi nương nhờ tồn tại, nhưng chúng ta phải đi với nó bằng chính nỗ lực của chúng ta. Nó sẽ không đến với chúng ta bằng chính nó, trong lúc chúng ta ở yên. Đức Phật, như ngài thường tuyên bố, chỉ là vị thầy, “chỉ đường.” Do đó, việc nương nhờ có ý nghĩa là đức tin trong Phật giáo (saddhā), quyết định hành động có ý thức, quyết tâm hướng đến mục  đích  giải thoát. Bằng cách nầy khái niệm đức tin như chỉ thụ động chờ đợi để được “ân sủng cứu rỗi” bị bác bỏ.

Mỗi người phải tìm ra nơi nương nhờ nầy trong chính mình bằng những nỗ lực của chính người đó. Nơi nương nhờ trở thành và phát triển bằng tiến trình đi đến nó.

Bằng nỗ lực, tinh cần và tự thu thúc

Hãy để người trí làm hải đảo cho chính mình Không có trận lụt nào có thể chôn vùi.

— Dhp. v.25

Là Phật tử, chúng ta tìm về nơi nương tựa cao quý nhất trên   thế gian là Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.

Buddham saranam gacchāmi

Dhammam saranam gacchāmi

Sangham saranam gacchāmi

Dutiyampi….

Tatiyampi…

Có nghĩa là:

Con xin về nương tựa nơi Ðức Phật

Con xin về nương tựa nơi Giáo Pháp

Con xin về nương tựa nơi Tăng Đoàn

Lần thứ hai…

Lần thứ ba…

Chánh pháp như chiếc bè

Đức Phật đã dùng chữ chiếc bè, vì ngày xưa chiếc bè thường được xử dụng để vượt sang sông và cách giải thích Chánh Pháp như thế rất dễ hiểu. Nhưng lời ví dụ nầy mang một ý nghĩa thật quan trọng. Ta chẳng nên quá quyến luyến vào Chánh Pháp đến nổi quên cả chính mình, quá hảnh diện mình  là “ông thầy”, một nhà học giả, hay một bực trí thức học rộng. Nếu ta quên mất rằng Chánh Pháp chỉ như chiếc bè, các nguy cơ ấy sẽ lại nổi lên. Chánh Pháp là một chiếc bè, một phương tiện chuyên chở, để đưa ta sang đến bờ bên kia. Ðã đến bờ bên kia và bước chơn lên đất liền, ta chẳng điên khùng gì mà mang vác chiếc bè đi theo ta nữa.

Ví dụ đó dạy ta phải biết nhận chân ra và xử dụng chánh Pháp như một phương tiện để đạt đến mục đích, chớ chẳng để chụp bắt và bám níu vào, cho đến mức quên cả chính mình đi. Nếu  ta chẳng nhận chân ra nhiệm vụ thật sự của chiếc bè, chúng ta có thể giữ nó lại bên mình để phô trương hoặc để tranh cãi với kẻ khác. Ðôi khi nó lại còn được đem dùng để đua thuyền, thật là hao phí và vô dụng. Nó phải được xử dụng đúng theo chủ đích, để bơi sang sông, để vượt dòng nước. Kiến thức  về Chánh pháp cần phải được xử dụng để vượt qua biển khổ. Nó chẳng nên được cầm giữ lại vì mục đích có hại, như để chiến đấu nhau bằng miệng lưỡi sắc bén như gươm, hoặc để tranh luận, hay được dùng như một tế vật để tôn thờ, lễ bái. Sau  cùng, xin đừng chụp nắm và bám níu vào nó, để đến nổi khi đã sang bờ bên kia, bước chơn lên đất liền rồi mà vẫn còn muốn mang kè kè chiếc bè theo mình. 

Kinh Kalama – Bản tuyên ngôn về lòng tin

Đức Phật dạy:

+ “Này quý vị Kalama,

Chớ vội tin truyền thuyết. Chớ vội tin truyền thống.

Chớ vội tin điều nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

Chớ vội tin kinh điển hay sách vở.

Chớ vội tin lý luận siêu hình.

Chớ vội tin điều phù hợp với lập trường của mình.

Chớ vội tin dữ kiện hời hợt.

Chớ vội tin điều phù hợp với định kiến của mình.

Chớ vội tin điều được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

Chớ vội tin điều đạo sư của mình tuyên thuyết.

Nhưng này các Ông, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc. Thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an  trú trong hạnh phúc!

Khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: khi không tham, không sân, không si khởi lên trong nội tâm người nào,  thì sự khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

  • Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

+ Khi có người không bị tham sân si chinh phục, không giết  các sinh vật, không lấy của không cho, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho người ấy hay không?

  • Thưa có, bạch Thế Tôn.

+ Các Ông nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?

– Là thiện, bạch Thế Tôn.

+ Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?

  • Không đáng chê, bạch Thế Tôn.

+ Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?

  • Ðược người trí tán thán, bạch Thế Tôn.

+ Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay là như thế nào?

  • Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.

+ Như vậy, này các Kalama, điều Ta vừa nói với các Ông là như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên, những điều   này do chính bản thân các ông hiểu rõ và tự  chứng nghiệm,  vậy các ông hãy chứng đạt và an trú! Nếu các ông biết chấp nhận và thực hành và trọn đời sẽ được an lạc và hạnh phúc.”

Trong kinh, đức Phật không phải chỉ khuyên chúng ta nên tin vào những gì tự  mình chứng nghiệm mà thôi, mà ngài còn  trình bày thêm cho ta thấy những điều mà chính bản  thân chúng ta đã từng chứng nghiệm và biết rất rõ. Chúng  ta  ai cũng đã đều chứng nghiệm rằng, hễ mình hành động vì ganh  tỵ, nhỏ nhen, tính toán, si mê… thì chúng là bất thiện và sẽ mang đến khổ đau. Và ngược lại, những hành động nào do bao dung, tha thứ, trí tuệ, thương yêu… thì chắc chắn sẽ mang đến cho ta hạnh phúc.

Đức Phật bao giờ cũng khuyên ta nên có một niềm tin vào chánh pháp và sự thực tập của mình. Những việc làm nào bị thúc đẩy do tư lợi, do tham sân si sẽ mang đến cho ta khổ đau, và nếu biết cố gắng thực tập tha thứ, rộng lượng, cởi mở… ta chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Đó là những gì mà đức  Phật khuyên ta nên tin, bởi chúng ta đều đã chứng nghiệm và hiểu biết chúng rất rõ.

Dầu xã hội hay cuộc sống chung quanh có nói rằng, giàu sang sẽ mang đến tự do, và dầu cho có một uy quyền nào đó bảo ta rằng, danh lợi sẽ mang đến hạnh phúc … ta cũng đừng vội tin. Hãy tự nhìn lại những gì mình đã chứng nghiệm đi! Cái gì bắt đầu từ những cố chấp, nắm bắt, nhỏ nhen sẽ chỉ mang đến sự bất toại nguyện và khổ đau. Và cái gì bắt đầu bằng sự buông  bỏ, thảnh thơi sẽ đưa ta đến tự do và hạnh phúc.

Trước hết hãy tạm thời đặt lòng tin nơi Đức Phật như hành trang đi đường, cuối cùng rồi ta sẽ có được một sự tin tưởng vững chắc, dựa trên kinh nghiệm thực chứng, nơi uy lực giải thoát và thanh tịnh hóa của Giáo Pháp. Sự tin  tưởng  nơi lời dạy ấy sẽ mang lại lòng tịnh tín sâu xa nơi Đức Phật là  vị Thầy, và từ đó, ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc hành trì mà  Ngài truyền giảng để giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến giác ngộ, ngay cả khi chúng vượt ngoài khả năng kiểm chứng của ta.

Một phần vì phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều, một phần vì quỵ lụy vào kiến thức khoa học khách quan, khuynh hướng thời thượng ngày nay là vội vàng suy diễn cho rằng Đức Phật bác bỏ mọi lòng tin và giáo thuyết đã thiết lập, và cho rằng Ngài dạy chúng ta chỉ chấp nhận những gì ta có thể tự kiểm nghiệm, qua bài kinh Kalama. Tuy nhiên, sự suy diễn này không chính xác. Chúng ta đừng quên rằng đây là các lời khuyên của Đức Phật đến những người Kalama khi họ chưa  sẵn sàng tin Ngài và Giáo Pháp của Ngài; cũng bởi lẽ ấy, bài kinh đã không đề cập gì đến Chánh Kiến (hiểu biết đúng) và   cả bầu trời tươi sáng khi có được sư hiểu biết chân chính. Trái lại, bài kinh chỉ đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất để họ có được một đời sống hiền thiện, khi vấn đề về đức tin tối hậu được tạm thời gác sang một bên. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng lời Đức Phật dạy trong bài kinh bao gồm những gì mà chúng ta có thể tự thực chứng trong kinh  nghiệm đời  sống hằng ngày; rồi từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để ta đặt niềm tin vào những khía cạnh khác của Giáo Pháp, vượt qua những kinh nghiệm thông thường của ta. Đức tin trong Phật Pháp không bao giờ được xem như là cứu cánh, cũng không đủ bảo đảm để giác ngộ giải thoát, mà chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình thăng hoa chuyển hóa nội tâm để khai mở tuệ quán. Để tuệ quán thực hiện được chức năng giải thoát, nó cần phải được khai mở trong bối cảnh nắm bắt chính xác các chân lý trọng yếu về vị trí của chúng ta trong thế gian và về phạm vi của giải thoát. Các chân lý này đã được Đức Phật hoằng truyền từ sự hiểu biết thâm sâu của Ngài về bản chất của con người. Chấp nhận các chân lý đó với lòng tín thành, sau khi xem xét  kỹ lưỡng, là đặt bước đầu tiên trên cuộc hành trình chuyển hóa niềm tin thành trí tuệ, sự tín nhiệm thành sự chắc chắn, và đưa đến giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Tỳ khưu Bodhi

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app