Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I

Thiền Giữa Đời Thường

Thành công hay thất bại

Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình là một thiền sinh rất tệ. Có những ngày tôi ngồi thiền nhưng chẳng có chút gì là chánh niệm (ghi nhận quan sát thân tâm mình). Tôi tự hỏi, không biết mình có cố gắng đủ hay không? Tôi có lười biếng quá không? May mắn thay, vì được dạy rằng mình cần phải biết rộng lượng và tha thứ cho những thất bại của mình trên con đường tu học, nên tôi cũng không cảm thấy buồn nản cho lắm. Nhưng cũng có thể vì vậy mà tôi thiếu sự tinh tấn chăng? Sự thật là nhiều năm trước đây, tôi nhận thấy thật ra mình cũng không thể nào kiểm soát được những gì xảy ra trong lúc ngồi thiền – tôi chỉ có thể  có mặt ngồi nơi tọa cụ mà thôi. Trong thời gian đầu, tôi vất vã cố gắng để thực hành theo lời hướng dẫn – theo dõi hơi thở, khi nào tâm ta lo ra, buông bỏ tư tưởng ấy và trở lại với hơi thở của mình – nhưng chẳng có gì đặc biệt xảy ra hết. Thật ra, tôi cảm thấy rất bất an trong những lúc ngồi thiền. Sau đó, tôi cảm thấy khá hơn một chút, nhưng cái kinh nghiệm ấy tự nó vẫn là khó chịu. Nhưng cuối cùng rồi thì tôi cũng vượt qua, và bắt đầu có được những kinh nghiệm tĩnh lặng và sáng tỏ. Và trong suốt nhiều năm, và các khóa tu, kế tiếp, tôi cố gắng giữ một sự quân bình trong sự thực tập của mình, “dụng công nhưng không dụng lực.”

Khi nào tôi thể hiện được điều này thì mọi việc dường như đều rất trôi chảy, tôi cảm thấy mình có một sự tỉnh thức tự nhiên và buông bỏ nhẹ nhàng. Và ngược lại, những khi thất bại, tôi cảm thấy mình lạc lõng, bối rối và tràn ngập bởi những tư tưởng và cảm giác rằng mình hoàn toàn mất sự tự chủ. Và rồi từ đó tôi lại tự hỏi không biết phương cách thực tập này của tôi có thích hợp không.

Gần đây, tôi có đọc được bài kinh mở đầu trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-Nikáya). Trong bài kinh ấy có người hỏi đức Phật bằng cách nào để ngài vượt qua được dòng nước lũ, ý nói về sự giác ngộ của ngài. Câu trả lời của Phật thật vô cùng đơn sơ:

  • “Này Hiền giả, không đứng lại, không vội vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ.”
  • “Thưa ngài, làm sao không đứng lại, không vội vã, Ngài vượt khỏi dòng nước lũ?” Người ấy hỏi.
  • “Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta bị chìm xuống. Khi Ta vội vã, thời Ta bị cuốn trôi; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không vội vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ.”

Tôi nghĩ câu trả lời của đức Phật diễn tả được điều mà tôi đang cố gắng để đạt đến trong sự thực tập của chính mình. Tôi cứ tiếp tục có mặt nơi toạ cụ của mình, dù cho chuyện gì xảy ra, nhưng không cố sức quá.

Trong thời gian qua, tôi cũng có thực tập theo chương trình Twelve-Step programs, họ có một câu châm ngôn là “chỉ từng ngày một.” Tôi nghĩ câu ấy có nghĩa là, ta đừng cố gắng phải giải quyết hết mọi vấn đề trong cùng một lúc – hay là đạt giác ngộ – chỉ cần ta chăm sóc cho những gì cần thiết trong ngày hôm nay. Hôm nay ta chỉ cần ngồi trên toạ cụ của mình theo thời gian hạn định. Đừng tự trách móc hay phê phán về buổi ngồi thiền ấy là thành công hay thất bại. Đó không phải là chuyện của mình. Chuyện của mình là có mặt và ngồi ở đó. Nếu bạn bỏ sự thực tập vì nó không đạt đúng với “tiêu chuẩn” của mình muốn, như đức Phật dạy, bạn sẽ bị chìm xuống.

Đức Dalai Lama cũng có khuyên chúng ta không nên lúc nào cũng cứ xem xét và phê phán sự thực tập của mình. Ngài dạy, chúng ta chỉ nên nhìn lại sau một thời gian dài, như là năm hay mười năm, chừng ấy ta mới thật sự thấy được sự tiến triển của mình. Tôi nghĩ có lẽ ý ngài cũng khuyên chúng ta đừng nên dừng lại. Nhưng dù vậy, trên con đường thực tập, có những lúc tôi nhìn chung quanh và thấy hoang vu, không có gì thay đổi hay khác biệt. Tôi có tự dối gạt mình hay không? Tôi có thật sự cố gắng đủ chưa? Có lúc, tôi thực tập với một vị thầy dạy cho tôi những phương pháp thực hành gắt gao hơn, nhưng rồi tôi vẫn trở về với đường lối nhu hoà của mình. Đó có phải là phản ảnh của một tính khí yếu đuối chăng? Có lẽ tôi cần phải nên cố gắng nhiều hơn để tăng trưởng định lực và chánh niệm của mình. Vấn đề là mỗi khi tôi cố gắng gò bó mình, cuối cùng tôi lại cảm thấy còn tệ hại hơn trước. Chắc có lẽ tôi chỉ có thể là vậy thôi.

Đứa con gái của tôi khi lên sáu, mỗi lần bị la rầy nó hay nói: “Con đâu phải là chủ của đầu óc của mình” Nghe thấm thía làm sao. Tôi là một giáo thọ, tôi đi hướng dẫn các khóa tu, vì vậy cho nên tôi thuộc vào hạng “Bác sĩ, hãy lo chữa bệnh cho mình đi!” Thật ra thì tôi cũng hiểu về những ý nghĩ ngờ vực này của tôi lắm chứ. Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là thế nào là Chánh Tinh Tấn? Thật ra đó không phải là một vấn đề của riêng tôi. Trong những khóa tu, tôi thường khuyên người khác nên từ tốn với chính mình, có niềm tin vào sự thực tập, nhìn mọi việc xảy ra trong một không gian rộng lớn, và nhớ rằng cái gì cũng rồi sẽ qua. Hãy có niềm tin vào đạo pháp, cho dù ta không có niềm tin nơi mình. Đó là lời khuyên mà tôi có thể dùng được!

Là một giáo thọ, tôi không trách khỏi ghi nhận những hình ảnh của các vị giáo thọ khác, và thấy rằng gương mặt họ lúc  nào cũng tươi sáng và nở nụ cười. Hình như họ có một thông điệp là, “Nếu bạn thiền tập như tôi, bạn sẽ có hạnh phúc!” Và những lời hướng dẫn thiền tập cũng vậy, có vẽ như rất hoàn hảo, không có chút gì là bất toàn hết. Đôi khi tôi tự hỏi, ta có nên ghi thêm những câu này trong các khoá tu không: “Những kinh nghiệm thật sự của bạn trong khóa tu này sẽ tùy thuộc vào những nghiệp quả trước đó, karma, của bạn. Các vị thầy và trung tâm này không thể bảo đảm về sự giác ngộ của bạn (hoặc là bạn có vui thích hay không).”

Cuộc đời của tôi có biết bao những thăng trầm – buồn vui, căng thẳng, hân hoan, mệt mỏi. Và tất cả những trạng thái ấy đều được phản ảnh trong buổi ngồi thiền hằng ngày của tôi. Đôi khi, tôi muốn sự thiền tập của mình hoàn toàn cách biệt hẳn với chúng, như là một trạng thái nhiệm mầu nào đó mà tôi có thể bước vào và lánh xa hết tất cả. Nhưng thật ra thiền tập không phải là một sự trốn tránh thực tại, mà ngược lại, nó là một nhận thức về thực tại sâu sắc hơn. Và nếu ta nhìn cho sâu và cho thật rõ, bên dưới cái thực tại bất an ấy là một thực tại tĩnh lặng, tuệ giác và hạnh phúc. Đó mới chính là chân thực tại. Và nếu tôi không dừng lại và cũng không vội vã, sự tĩnh lặng và tuệ giác này này sẽ tự nhiên hiển lộ – theo thời điểm của nó, chứ không phải của tôi.

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Nguyễn Duy Nhiên

Theo: Buddhasasana

Thiền Vipassana đã giúp tôi cân  bằng cuộc sống như thế nào?

Tôi  là  người  rất  hay  lo  xa,  và  thường  xuyên  lập  kế hoạch, dự định cho tương lai. Thời gian gần đây tôi nghỉ sinh con. Con tôi ra đời, cháu không khỏe, thường xuyên ốm đau luôn nên tôi chưa tìm được việc làm vì phải liên tục để trông con. Gần đây chồng tôi cũng gặp rắc rối trong công việc, những kế hoạch cho tương lai của chúng tôi đều đang bị trì hoãn, tôi rất choáng váng và lo lắng.

Khi gặp thiền, tôi bắt đầu học cách sống trong hiện tại nhiều hơn, bớt lo xa tính toán hơn, và tôi thấy tôi thích nghi nhiều hơn với hoàn cảnh không còn cứng nhắc như xưa nữa. Tôi hiểu những gì đang xảy ra là những cơ hội mới cho tôi.

Càng ngày, tôi càng thấy mình tích cực hơn rất nhiều so với trước khi hành thiền. Ví dụ thay cho việc sợ thất nghiệp, tôi vẫn đi xin việc, nhưng tôi cảm thấy không còn áp lực căng thẳng như trước, tôi thoải mái hơn vì coi đây là cơ hội được gần bên chồng con nhiều hơn.

Trước đây, tôi thấy cuộc sống thất nghiệp ở nhà với đứa con đau ốm thật sự đáng sợ, nhưng nay tôi nhìn thấy ở đó những cơ hội để làm những việc mà nếu phải đi làm hằng ngày tôi không thể làm được. Tôi ít lập kế hoạch xa xôi hơn, mà tìm cách hiểu hơn về hiện tại và chỉ hướng tới những mục tiêu ngắn hạn nhưng khả thi, tôi thấy rất nhiều kế hoạch nhỏ được thành công, còn những kế hoạch lớn lao, dài lâu tôi vẫn giữ trong lòng và cố gắng vì điều đó nhưng chúng không còn làm tôi lo lắng, áp lực như trước kia nữa.

Cảm ơn thiền Vipassana, cảm ơn duyên lành đưa tôi tới gặp được facebook TGĐT và gặp các Sư. Cảm ơn Sư cô đã hướng dẫn tôi học thiền- học cách sống tích cực trong hiện tại.

Đối với Tôi, Thiền đã trở thành một thói quen

Mình là Thắng, năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con trai 2 tuổi. Hôm nay mình xin phép được chia sẻ một số kinh nghiệm khi mình thực hành thiền Vipassana.

Trước kia mình là người trầm tính, ít nói, trực tính và dễ nổi giận. Mặc dù vẫn biết đó là những tính xấu cần phải thay đổi, và mình cũng đã từng áp dụng rất nhiều biện pháp như đọc sách tìm hiểu về thói quen, tham gia hội thảo, xin góp ý từ những người xung quanh … nhưng kết quả đạt được cũng không khả quan cho lắm.

Mình tìm hiểu và thực hành thiền Vipassana cũng là muốn thay đổi triệt để những thói quen xấu này của mình. Vậy mà sau khoảng 01 năm thực hành, những gì mình nhận được còn lớn hơn rất nhiều những gì mình mong đợi. Sự căng thẳng và những cơn giận hàng ngày của mình đã giảm đi rất nhiều, mình biết chấp nhận bản thân hơn và sống trong hiện tại nhiều hơn. Trước kia, hễ khi nào gặp việc không như ý hoặc những tình huống không thuận lợi trong công việc hay các mối quan hệ cá nhân, mình rất dễ căng thẳng và cáu kỉnh thì bây giờ mình đã kiểm soát được gần như hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực này, mỗi lần nó xuất hiện, mình “bắt sóng” với nó sớm hơn để tự nhắc nhở mình quay lại quan sát hơi thở, “quay vào bên trong” để quan sát, tìm hiểu những người bạn này. Thường thì sau một thời gian ngắn đón tiếp chu đáo mấy anh bạn này thì họ cũng tạm biệt mình khá nhanh và mình trở lại trạng thái bình thường, bình tĩnh hơn trong việc đưa ra quyết định để xử lý các tình huống.

Hiện tại, mình ngồi thiền hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Nó đã trở thành một thói quen mỗi khi thức dậy. Trong mỗi thời thiền mình cảm thấy mình thực sự sống cho chính bản thân mình hơn bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày, không còn bận tâm, lo lắng cho tương lai hay suy nghĩ về quá khứ, chỉ đơn giản là thư giãn quan sát những gì xảy ra trên thân tâm mình. Tuyệt!!!

Tôi đang học cách thu thúc nhãn thức như thế nào?

Tôi là người phải lái xe nhiều, khi ra đường tôi rất hay thất niệm, không ghi nhận được thân tâm mình. Tâm luôn bị hướng ra ngoài, nhất là nhãn thức, đặc biệt với gái xinh hay xe đẹp … tạo cho tôi những cảm thọ dễ chịu, vì vậy tâm bị hút rất nhiều vào đối tượng. Những lúc đường đông xe, hoặc có ai không tuân thủ luật giao thông thì tôi bị phản ứng, phán xét rất nhiều.

Thi thoảng tôi cũng có ghi nhận được thân tâm, tôi thấy thật căng thẳng và mệt mỏi, tôi không muốn điều đó. Tôi bắt đầu học cách thay đổi từ cái nhìn. Khi mắt nhìn thấy một hình ảnh dễ chịu hoặc khó chịu tôi tự nhắc mình “tập trung vào việc lái xe, không nhìn hình ảnh đó nữa, hoặc thu tầm nhìn lại chỉ đủ cho việc lái xe, nhìn theo hướng khác … miễn sao hình ảnh đó không đập vào mắt nữa mà vẫn đảm bảo cho việc lái xe là được”.

Khi đó tôi ghi nhận được hai trạng thái tâm, một là thân tâm ít bị cảm thọ dễ chịu hay khó chịu chi phối, do không có sự so sánh đánh giá; nhưng thường thì tâm luôn muốn hướng ra phía đối tượng, lúc đó tôi lại tự nhắc nhở mình. Khi đó tôi cảm nhận được như đang có sự giằng co nhau giữa hai trạng thái muốn nhìn và không được nhìn.

Lúc đầu sự nhắc nhở đó thật khó khăn, vì theo thói quen cũ tâm luôn hướng ra ngoài để đánh giá và phán xét, và những thói quen cũ thường chiến thắng. Nhưng dần dần thì sự nhắc nhở cũng bắt đầu có tác dụng và nhãn thức cũng thu thúc được hơn, do đó ít các phán xét, đánh giá và các cảm thọ dễ chịu hay khó chịu cũng ít dần đi. Tôi cũng không biết làm như vậy là đúng hay sai nhưng tôi thấy rằng khi ở trạng thái tâm ít phán  xét thì thân tâm sẽ thoải mái và dễ chịu hơn, sự dễ chịu này khác hẳn so với sự dễ chịu của thích hay không thích. Sau đó  tôi có được gặp Ngài Jatila, ngài nói (tôi không nhớ chính xác lắm) “Từ khi tôi đi tu, tôi ít nhìn ngang, dọc, trước, sau, vì vậy tôi ít phán xét mọi người và mọi thứ xung quanh hơn”. Khi đó tôi tự thấy hình như mình cũng đang đúng đúng)

Chia sẻ từ bạn Pannasara Ninh – thành viên TGĐT

Kệ tỉnh thức

Lẽ tử sanh xưa nay thường sự

Khổ, biệt ly, muôn thuở đương nhiên

Khách hồng trần trăm nỗi đảo điên

Bậc thiện trí vượt ngoài hệ lụy.

Cuộc trầm luân khởi từ vô thủy

Nước mắt nhiều hơn bốn đại dương

Ðã bao đời dâu bể tang thương

Xương trắng trải phủ đầy đại địa.

Dù một kiếp trọn vui không dễ

Những phù du, hưng phế, đổi thay

Tuổi thanh xuân gẫm có bao ngày

Già, đau, chết, hỏi ai tránh khỏi.

Kìa bao cuộc thăng trầm danh lợi

Những nhục vinh kết nối liền nhau

Khi qua rồi còn lại niềm đau

Gió đời thổi, phàm tâm xao động.

Kìa yêu thương, buồn vui, huyễn mộng

Tình thân nhân, bằng hữu, phu thê

Thương phải xa, ghét phải gần kề

Ai trọn kiếp không điều ngang trái.

Kìa sự nghiệp, bạc vàng, của cải

Ðổ mồ hôi nước mắt dựng xây

Vật ở đời, tay lại qua tay

Buông tất cả khi tàn hơi thở.

Kìa kiến chấp: hữu, vô, ngã, sở

Bao tị hiềm cùng chuyện can qua

Lắm đổi dời trong mỗi sát-na

Hạnh phúc đó, não phiền cũng đó.

Người trí hiểu căn nguyên thống khổ

Tìm hướng đi thoát ngõ quẩn quanh

Ngược dòng mê, chánh đạo thực hành

Chứng thánh quả, đoạn mầm sanh tử.

Nương Phật Ðà chí tôn chí thánh

Nương Pháp mầu đại hạnh đại duyên

Nương Tăng Già vô thượng phước điền

Nguyện uy đức cao dầy tiếp độ

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app