Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I

Suy Ngẫm

Hãy sống thật đơn giản bằng cách đặt xuống mọi sự và hiểu rõ những gì mình đang làm. Ông cũng chẳng cần phải cân đong đo đếm mức độ tu tập của mình rồi bận tâm vớ vẩn. Mọi sự luôn tự có một vị trí và giá trị cho riêng mình. Bất cứ cái gì xảy đến trong cuộc tu, cứ để mặc chúng qua đi. Ta chỉ việc hiểu rằng cái gì cũng là bất toàn và vô thường. Hãy nhớ thật kỹ, cái gì cũng vô thường. Hãy sống trọn vẹn với tinh thần đó.

(Trích từ sách “Họ đã nghĩ như thế”)

Cốt tủy của đạo thật giản dị. Không cần phải giải thích dông dài. Loại bỏ yêu ghét và để mọi sự tự nhiên. Đó là những điều tôi thực hành trong việc tu tập của tôi.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Đừng nghĩ rằng chỉ cần ngồi nhắm mắt là hành thiền. Nếu nghĩ như vậy thì hãy gấp rút thay đổi tư tưởng đó đi. Hành thiền đều đặn là giữ chánh niệm trong mọi lúc, dầu đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm. Sau giờ ngồi thiền đừng nghĩ rằng bạn đã xả thiền; phải biết rằng đó chỉ là là sự thay đổi tư thế thôi. Nếu được như vậy bạn sẽ có bình an thực sự. Dầu đang ở đâu bạn cũng phải luôn luôn sống trong thiền, luôn luôn giữ  tâm chánh niệm.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Khi cảm thấy làm biếng ta  phải  hành  thiền. Không  phải  chỉ những lúc cảm thấy đầy năng lực hay thoải mái mới hành thiền.

Đó là thực hành theo lời Phật dạy. Chúng ta chỉ chịu hành thiền khi cảm thấy thoải mái. Nhưng phải đi đâu để tìm sự thoải mái. Muốn cắt đứt tham ái mà bạn lại thực hành theo tham ái vậy sao?

(Thiền sư Ajahn Chah)

 Bây giờ  thì  chúng  ta  đừng  bận  lòng  quá  nhiều  về  đời  sống nữa. Chúng ta chẳng nên bàn chi tới cái Đẹp, Xấu, dễ yêu hay đáng ghét của nó. Chỉ nên nhìn ngắm thôi. Đúng, chúng ta chỉ việc chú ý quan sát đời sống, quan sát vùng nước mà mình đang bơi lội. Đời sống cảm quan chúng ta thực ra chỉ là cái thế giới của những cảm giác chúng ta sinh ra trong đó và cảm nhận.

Ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ, chúng ta đã là một sinh thể độc lập để một mình cảm nhận trọn vẹn những nóng, lạnh, đói khát, buồn, vui … Rồi khi lớn lên, thế giới cảm xúc của chúng ta càng rắc rối hơn nữa. Ngũ quan chưa đủ, chúng ta còn sống bằng cả những ý thức để suy nghĩ, ghi nhớ, quan niệm… Tất cả đều là cảm giác. Chúng có thể là những niềm vui, những kinh ngạc mà cũng có thể là những áp lực, giằng xé. Tất cả những xúc tác đó của đời sống cảm quan chỉ đơn giản là vậy. Chúng là chúng. Đau khổ là đau khổ và hạnh phúc là hạnh phúc. Cả xả thọ cũng vậy.

(Trích từ sách “Họ đã nghĩ như thế”)

 Dính mắc vào sự an tịnh còn tệ hại hơn là giao động bất an.

Bởi vì ít ra bạn còn muốn thoát khỏi giao động, trong khi đó bạn hài lòng với an tịnh và không tiến xa hơn. Khi hành thiền mà tâm an lạc tĩnh lặng thì hãy thản nhiên tiếp tục việc hành thiền mà đừng dính mắc vào chúng.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Chúng ta muốn tìm một con đường dễ dàng. Nhưng không có đau khổ thì không có trí tuệ. Để cho trí tuệ chín muồi bạn phải ngã đổ và khóc than nhiều lần trong khi hành thiền.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Hãy nhớ rằng không phải chúng ta đang cố gắng để trở thành một ông thánh hay một cao nhân nào cả. Chúng ta cũng không nổ lực Để Tống Khứ một ác pháp nào hết. Hãy sống hồn nhiên và thoải mái. Cảnh giới nội tâm của chúng ta Là Như vậy. Nó có thể là bất tịnh hay trong sáng và đó là một cặp hành trang đối đãi nhau qua ý thức. Thấy rõ Chúng như là Chúng, thấy rõ Chúng luôn vô thường, vô ngã thì đó chính là trí tuệ vậy. Trong khi đó, bằng một ý thức ngã chấp, chúng ta cố gắng mong mỏi “Tôi sẽ phát triển những gì thanh tịnh, tống khứ những gì không thanh tịnh” thì lập tức cái không thanh tịnh sẽ xuất hiện và kềm hãm chúng ta. Chúng ta lại vấp vào khối đá thất vọng trên đường đi của mình, thế là tiếp tục đau khổ. Hãy cẩn trọng với hai tháng cấm túc này. Vô minh luôn sẵn sàng khiến cho chúng ta tự chuốc lấy những khổ lụy.

(Trích từ sách “Họ đã nghĩ như thế”)

 Khổ chỗ này người ta chạy đến chỗ kia. Chỗ mới này khổ họ lại chạy nữa. Họ tưởng rằng chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng thực ra không phải vậy. Họ mang đau khổ đi mọi nơi mà không biết. Không biết đau khổ sẽ không biết nguyên nhân của khổ đau. Không biết nguyên nhân của khổ đau sẽ không biết chấm dứt đau khổ. Do đó không có cách gì để thoát khỏi khổ đau.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Các pháp trên thế gian hiện hữu qua sự thay đổi. Bạn không thể chống lại hay ngăn cản chúng. Hãy nghĩ xem, bạn có thể thở vào mà đừng thở ra được không? Làm như vậy có cảm thấy thoải mái không? Hoặc thở ra mà đừng thở vào sẽ như thế nào? Chúng ta không muốn chuyện đổi thay nhưng sự vật không ngừng thay đổi.

(Thiền sư Ajahn Chah)

Sự cô đơn không phải là bởi vì không có ai ở bên cạnh mình, mà là không thể nói ra được những điều mà mình cho là quan trọng đối với chính mình, hay là phải cố giữ trong lòng không nói ra những điều mà người khác không thể chấp nhận được. Nếu một người nào đó hiểu biết nhiều hơn những người khác, người đó sẽ cảm thấy cô đơn. Nhưng cô đơn không nhất thiết là không tốt cho tình bạn, bởi vì không có ai nhạy cảm hơn những người cô đơn, và tình bạn chỉ nảy nở khi nào mỗi người đều ý thức được về chính bản thân mình và không đồng hóa mình với những người khác. Tôi phải tuân theo “quy luật từ bên trong” đang chi phối chính bản thân tôi, không cho tôi cơ hội được lựa chọn. Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng tuân theo nó. Có ai cứ sống y nguyên không thay đổi bao giờ cơ chứ?

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Tôi thấy mình phải chấp nhận rằng những suy nghĩ đang tự tung tự tác trong tâm mình cũng là một phần của thực tại. Những thang tiêu chuẩn đúng – sai tất nhiên là vẫn còn đó, nhưng bởi vì không còn trói buộc được mình nữa nên chúng chỉ chiếm vị trí thứ yếu mà thôi. Sự hiện diện của các suy nghĩ còn quan trọng hơn sự đánh giá chủ quan của mình về chúng. Nhưng không nên đè nén sự đánh giá đó, bởi vì chúng cũng là một phần trong toàn thể cuộc sống của chúng ta.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Chúng  ta  không  phải  là  người  trí  tuệ  toàn  hảo.  Có  đôi  khi chúng ta cũng phạm sai lầm. Tôi không nghĩ là mình phải cảm thấy tội lỗi suốt cả cuộc đời về những sai lầm mình đã làm trong quá khứ. Hãy tha thứ cho chính mình. Hãy để cho mình trở thành một con người mới.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Người nào chưa từng đi qua lò lửa nhiệt não của các cảm xúc và tình cảm sẽ không bao giờ vượt qua được chúng. Khi đó họ có thể sẽ chạy trốn sang ngôi nhà bên cạnh, và ngọn lửa ấy rồi cũng sẽ tràn sang và thiêu rụi ngôi nhà ấy bất cứ lúc nào. Bất cứ lúc nào chúng ta bỏ cuộc, cố tình bỏ lại đằng sau hay lãng quên đi quá nhiều, thì điều nguy hiểm là những thứ chúng ta cố tình quay mặt làm ngơ ấy sẽ quay trở lại với sức mạnh còn lớn hơn.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

 Tất cả những khó khăn bạn đang gặp đều rất có ý nghĩa nếu bạn có  được thái  độ  chân chánh  và  cách nhìn đúng  đắn. Bạn phải giúp đỡ người khác sống một cuộc đời ý nghĩa và cũng có những người khác sẽ giúp bạn. Chúng ta phải có những mối  liên hệ nhân quả nghiệp báo như thế. Chúng ta sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, đừng nghĩ rằng tất cả mọi khó khăn trên đời là vô nghĩa.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika

Tôi  đã  từng  đau  khổ  rất  nhiều  và  bây  giờ  tôi  vẫn  còn  đau khổ, nhưng tôi chịu đựng một cách bình tĩnh, một cách cao quý, đầy lòng tự trọng. Tôi coi đau khổ như một phần của cuộc sống, một phần rất quan trọng. Làm sao tôi có thể học hỏi được điều gì nếu tôi không đau khổ? Nhưng tôi bình tĩnh mỗi khi tôi đau khổ. Ai có thể tin được rằng tôi lại đau khổ sâu sắc đến thế? Tôi không nghĩ rằng cuộc đời không nên có đau khổ; tôi không nghĩ rằng tôi cần phải loại bỏ đau khổ; tôi không cố gắng vượt qua đau khổ, nhưng tôi cố gắng biến đau khổ trở thành có ý nghĩa; tôi cố gắng thấu hiểu đau khổ một cách sâu sắc. Không chống cự. Tôi không bị trầm cảm, lo lắng bất an. Tôi chỉ hy vọng rằng tôi đủ trí tuệ để thấu hiểu đau khổ và cuộc sống.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

 Hãy giữ bình tĩnh; chờ đợi; và kiên nhẫn. Làm bất cứ điều gì có thể làm được trong thời điểm hiện tại. Chẳng có cái gì ở lại mãi cả. Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể theo chiều hướng tốt hơn nếu bạn sáng suốt và bình tĩnh, nhưng nếu bạn xáo động, bất an, và chạy lăng xăng như hóa dại, bạn sẽ chỉ càng làm cho mọi  việc thêm rối mà thôi.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Chúng ta cần phải có một lý tưởng cho cuộc đời mình, để mà có một hướng đi, một mục đích sống cho mình, nhưng không nên phát điên lên vì những lý tưởng ấy. Lý tưởng tốt đẹp nhất là luôn luôn chánh niệm. Ôm ấp một hình ảnh thiếu thực tế  về bản thân mình là điều rất nguy hiểm.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Mâu  thuẫn  với  mọi  người  thật  là  mệt  mỏi.  Khao  khát  sự cung kính, sự đánh giá và trân trọng của người khác là một  ngục tù. Tôi đã từng cố hết sức để là một con người dễ thương; tôi đã từng cố làm cho người khác hạnh phúc nhưng tôi phát hiện ra rằng mỗi khi tôi làm cho một người hạnh phúc thì sẽ luôn có một người khác không hạnh phúc về điều đó. Vì vậy tôi thất bại, không thể làm cho tất cả mọi người cùng hạnh phúc được. Bây giờ thì tôi chỉ cố gắng hết mình để làm cho một người duy nhất được hạnh phúc – đó là chính tôi; thậm chí ngay cả điều đó không phải lúc nào cũng làm được.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

Hãy  sống  cuộc  đời  theo  cách  sống  của  riêng  mình.  Có  ai thực sự để ý đến bạn đâu cơ chứ? Hãy nhìn tất cả mọi việc thật nhẹ nhàng, thanh thản. Cuối cùng thì cũng chẳng có gì là quan trọng cả

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

***

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app