Tu Thanh De Va Thap Nhi Nhan Duyen

Tứ Thánh Đế Và Thập Nhị Nhân Duyên

Bốn thánh đế này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa-môn, các Bà-la-môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến?

  • Do chấp thủ sáu giới, này các Tỷ-kheo, nên có nhập thai.
  • Do có nhập thai, nên có danh sắc.
  • Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ.
  • Do duyên sáu xứ, nên có xúc.
  • Do duyên xúc, nên có thọ.

Với người có cảm thọ, này các Tỷ-kheo, Ta nêu rõ: “Ðây là khổ”, Ta nêu rõ: “Ðây là khổ tập; Ta nêu rõ: “Ðây là khổ diệt”, Ta nêu rõ: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ Thánh đế?

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu, não là khổ. Ðiều mong cầu không được là khổ.
Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Này các Tỷ-kheo, đây là Khổ Thánh đế.

11. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập?

  • Vô minh duyên hành,
  • hành duyên thức,
  • thức duyên sắc,
  • danh sắc duyên sáu xứ,
  • sáu xứ duyên xúc,
  • xúc duyên thọ,
  • thọ duyên ái,
  • ái duyên thủ,
  • thủ duyên hữu,
  • hữu duyên sanh,
  • sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não.

Như vầy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.

12. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt?

  • Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt.
  • Do hành diệt, nên thức diệt.
  • Do thức diệt nên danh sắc diệt.
  • Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt.
  • Do sáu xứ diệt nên xúc diệt.
  • Do xúc diệt nên thọ diệt.
  • Do thọ diệt nên ái diệt.
  • Do ái diệt nên thủ diệt.
  • Do thủ diệt nên hữu diệt.
  • Do hữu diệt nên sanh diệt.

Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt.

Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, Ðây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.

13. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt?

Ðây là Thánh đạo Tám ngành, tức là

  • chánh tri kiến,
  • chánh tư duy,
  • chánh ngữ,
  • chánh nghiệp,
  • chánh mạng,
  • chánh tinh tấn,
  • chánh niệm,
  • chánh định.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt.

Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không có uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa-môn, các Bà-la-môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ Kinh, Ba Pháp 

“Nầy các Tỳ-khưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Tứ Thánh Đế, mà ta và các ông đã lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử.”

“Này các Tỳ kheo, khi nào mà tri kiến như thật về bốn Thánh đế với ba chuyển và mười hai tướng hoàn toàn rõ ràng nơi Ta, thì khi ấy, Ta mới tự nhận đã chứng đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong thế giới với chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, quần chúng Sa môn, Bà La Môn, Trời và Người. Bấy giờ, tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta; đây là lần sinh cuối cùng, Ta không tái sinh nữa”.

Nguồn trích dẫn: Kinh Chuyển Pháp Luân“Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu.

Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.”

Nguồn trích dẫn: Kinh Thánh Cầu
* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app