PHẬT GIÁO VỚI THUYẾT VÔ NGÃ

Thời kỳ Ðức Thế Tôn còn tại thế, Bà-la-môn giáo hầu như là một quốc giáo. Phần đông hàng vua chúa xu hướng theo vì tin nơi sự cúng tế và xem thiên văn, coi ngày giờ xấu tốt, vì Bà-la-môn giáo có Tam-Phệ-Ðà, kinh dạy về binh thơ v.v… nên người tin tưởng theo hầu hết là giòng cao sang, đến người bần cùng nghèo khổ.

Theo Bà-la-môn giáo dạy rằng: Người có cái bản ngã, Bắc Phạn gọi là Attamam. Theo Phật gọi là Attã, nghĩa là Ta hay Ngã.

Theo Phật giáo có tiếng Attã, “Ta”, nhưng Ðức Thế Tôn phủ nhận cái ta ấy là ta thật sự. Vì Ngài dạy thuyết Vô Ngã (không phải Ta). Cái mà ta cho là Ta đây, nó chỉ là một vật phối hợp lại do nhiều lý do mà ai cũng biết. Khi có nó, ta chỉ cưỡng danh để gọi mà thôi, chớ kỳ thật không có chi gọi là Ta, là người cả. Vật mà ta gọi là Ta nó không có căn bản nào vững chắc là Ta, hay thay đổi từ trạng thái này đến trạng thái khác. Cái mà ta gọi là Ta đây chính là xác thân này, hay là Tâm, nhưng dầu nó là Thân hay Tâm cũng chẳng phải là Ta. Vì không phải là Ta, nên chúng ta phải khổ vì nó. Muốn biết rõ Vô Ngã thì đây tôi xin dịch lại bài kinh gọi là Vô Ngã Tướng Kinh, Phạn ngữ gọi là Anattakakkhanasutta. Ngài Hộ Tông có dịch trong quyển kinh Tụng. Nhưng tôi xin viết lại nơi đây để quí vị khỏi phải tìm nơi quyển khác.

– Ta là Ananda có nghe như vầy:

Một thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại rừng Lộc giả, gần thành Bãrãnasĩ (Ba-la-nại)

Ðức Thế Tôn gọi 5 vị Kiều Trần Như đến nơi ấy và dạy rằng: – Này các thầy Tỳ-khưu, sắc thân này Vô ngã, chẳng phải của ta. Nầy các thầy Tỳ-Khưu, nếu sắc thân này thật là của Ta, thì nó không phải chịu sự đau ốm.

Lại nữa, người đời có thể nói: Xin cho sắc thân của ta như thế này, xin đừng cho sắc thân ta như thế kia.

Này các Tỳ khưu, sắc thân này thật Vô ngã nên nó phải hằng chịu sự đau ốm.

Hơn nữa, người đời không thể nói: Xin cho sắc thân ta như thế này, xin đừng cho sắc thân ta như thế kia.

Thọ thật chẳng phải là của Ta. Này các thầy Tỳ-khưu; Nếu thọ thật là của ta, thì thọ ấy không phải chịu sự đau khổ.

Hơn nữa người đời có thể nói: Xin cho Thọ của ta như thế này, xin đừng cho thọ của ta như thế kia.

Này các thầy Tỳ-khưu, Thọ thật là Vô ngã, nên nó hằng chịu sự đau khổ.

Hơn nữa, người đời không thể bảo: Xin cho thọ của ta như thế này, xin đừng cho thọ của ta như thế kia.

Tưởng chẳng phải là của ta. Này các thầy Tỳ-khưu, nếu tưởng thật là của ta, tưởng ấy không phải chịu đau khổ.

Lại nữa người đời có thể bảo: Xin cho tưởng của ta như thế này, xin đừng cho tưởng ta như thế kia.

Này các thầy Tỳ-khưu, Tưởng thật chẳng phải là của ta, nên nó hằng bị sự đau khổ.

Lại nữa người đời không thể nói: Xin cho tưởng của ta như thế này, xin đừng cho tưởng ta như thế kia.

Hành chẳng phải là của ta. Này các thầy Tỳ-khưu, nếu hành thật là của ta thì hành ấy không phải chịu sự đau khổ.

Lại nữa, người đời có thể nói: Xin cho hành của ta như thế này, xin đừng cho hành của ta như thế kia.

Này các thầy Tỳ-khưu, hành thật chẳng phải là của ta, nên nó hằng chịu sự đau khổ.

Lại nữa, người đời không có thể bảo rằng: Xin cho hành của ta như thế này, xin đừng cho hành của ta như thế kia.

Thức chẳng phải là của ta. Này các thầy Tỳ-khưu, nếu thức là của ta, Thức ấy cũng chẳng phải chịu đau khổ.

Lại nữa người đời có thể bảo rằng: Xin cho thức của ta như thế này, xin đừng cho thức của ta như thế kia.

Này các thầy Tỳ-khưu, các người nhận thức rằng: Thân này thường hay vô thường?

Các thầy đáp: Bạch Ngài, sắc thân này là vô thường.

– Vật chi vô thường, vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Ngài, vật chi vô thường, vật ấy khổ.

– Vật chi vô thường là khổ, là hay biến đổi thì nên cho vật đó là của ta, đó là của ta, đó là thân ta chăng?

– Bạch Ngài, chẳng nên.

– Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy cho Thọ là thường hay là vô thường?

– Bạch Ngài, thọ là vô thường.

– Vật chi vô thường, vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Ngài, vật ấy khổ.

– Vật nào vô thường là khổ, có sự biến đổi là lẽ thường thì nên cho vật ấy là của ta, đó là ta, đó là thân ta chăng?

– Bạch Ngài chẳng nên.

– Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy cho Tưởng là thường hay vô thường?

– Bạch ngài, tưởng là vô thường.

– Vật chi vô thường vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Ngài vật chi vô thường vật ấy khổ.

– Vật chi vô thường là khổ có sự biến đổi là thường, thì có nên cho vật ấy là của ta, đó là ta, đó là thân ta chăng?

– Bạch Ngài, chẳng nên.

– Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy cho Hành là thường hay vô thuờng?

– Bạch Ngài, hành là vô thường.

– Vật nào vô thường vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Ngài, vật ấy khổ.

– Vật chi vô thường là khổ, có sự biến đổi là thường thì nên cho vật đó là của ta, đó là ta, đó là thân ta chăng?

– Bạch Ngài, chẳng nên.

– Này các Tỳ-kheo, các thầy cho Thức thường hay là vô thường?

– Bạch Ngài, thức là vô thường.

– Vật nào vô thường, vật ấy khổ hay vui?

– Bạch Ngài, vật ấy khổ.

– Vật chi vô thường là khổ, có sự thay đổi là thường thì có nên cho vật đó là của ta, đó là ta, đó là thân ta chăng?

– Bạch Ngài, chẳng nên.

– Này các thày Tỳ-khưu, vì vậy nên, Sắc nào dầu trong quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hay cao quí, sắc nào dầu xa hay gần, các sắc ấy đều chỉ là Sắc mà thôi.

Các thầy nên nhận thức Sắc ấy bằng trí tuệ trong sạch theo chơn lý như vầy: Ðó chẳng phải của ta, đó chẳng phải là ta, đó chẳng phải thân ta.

Thọ nào trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hay cao quí, gần hoặc xa, thọ ấy đều chỉ là Thọ thôi.

Các thầy nên nhận thức bằng trí tuệ đúng theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải của ta, đó chẳng phải là ta, đó cũng chẳng phải là thân ta.

Tưởng nên trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hoặc cao quí, ở gần hoặc ở xa, các tưởng ấy chỉ là Tưởng mà thôi.

Các thầy nên nhận thức sự ấy bằng trí tuệ theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải là của ta, chẳng phải là ta, đó chẳng phải là thân ta.

Hành nào trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hay cao quí, gần hay xa, các hành ấy chỉ là Hành mà thôi.

Các thầy nên nhận thức sự ấy bằng trí tuệ, theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải của ta, đó chẳng phải là ta, đó chẳng phải là thân ta.

Thức nào trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong bên ngoài, thô hay vi tế, hèn hạ hay cao quí, xa hoặc gần, các thức ấy chỉ là Thức thôi.

Các thầy nên nhận thức bằng trí tuệ, theo chân lý như vầy: Ðó chẳng phải là của ta, cũng chẳng phải là thân ta.

Này các thầy Tỳ-khưu, các bực Thinh-văn được nghe và thấy như thế rồi, các Ngài chán nản trong sắc, chán nản trong thọ, chán nản trong tưởng, chán nản trong hành và chán nản trong thức.

Khi đã chán nản (như vậy) thì được tránh xa dục ái, tâm được giải thoát. Khi Tâm được giải thoát, trí tuệ (của bực Thinh văn) phát sanh rõ rệt mà biết rằng: Tâm của ta đã giải thoát rồi.

Các bực Thinh văn cũng biết rõ rằng: sự sanh (của ta) đã dứt, đạo pháp cao thượng ta đã đắc rồi, phận sự nên hành ta cũng đã hành rồi.

Ðức Phật đã giảng giải dứt bài kinh, năm vị Kiều-Trần như nghe được khẩu truyền của Ðức Thế Tôn lấy làm hoan hỉ. Khi Ðức Thế Tôn giảng kinh này thì Tâm thức của năm thầy được giải thoát các vi tế phiền não, vì chẳng còn mê chấp (rằng Ta, rằng của Ta, Thân ta nữa).

Bài pháp này để thấy rằng: Phật giáo giữ vững lập trường Vô ngã. Nghĩa là không có gì là của ta, phải chăng những gì mà ta có đây đều là vật tạm bợ vậy thôi. Nhưng chúng sanh vì vô minh che đậy nên chấp chắc Thân, Tâm, và vạn vật của Ta, nên không bao giờ giải thoát được, trái lại còn mang nặng thêm Nghiệp chướng oan trái để luân hồi lâu càng là cho lâu thêm mà thôi.

Muốn hiểu rõ thuyết Vô ngã hơn, nơi đây tôi xin nhắc lại một người thanh niên tên là Mogharãga vấn nạn Ðức Thế Tôn về cái Ta. Bài kinh này trong tạng kinh bộ Khuddakanikãya, Culaniddesa, bài kinh ấy tên là Mogharãjamãnavaniddesa.

Người thanh niên hỏi Phật: Bạch hóa Ðức Thế Tôn, tôi là người mong mỏi hỏi Ngài, nên mới đến hầu Ngài là đấng thông thấu các pháp siêu việt. Vậy người phải quán tưởng thấy thế giới này như thế nào tử thần mới không dám đến gần người ấy?

Ðức Thế Tôn đáp: – Này Mogharãja, ngươi nên luôn luôn có trí nhớ quan sát thấy thế giới này là vật rỗg không, nhổ tận gốc sự chấp Ta rồi, ngươi sẽ thoát khỏi tử thần bằng cách ấy. Một khi ngươi quán tưởng thấy thế giới này rỗng không như thế, thì tử thần không tìm thấy người ấy.

Giải: Tiếng Loka, Thế giới, trong câu Phật dạy là: Sunnato Lokam Avekkhasu. Quan sát thấy Thế gian này là vật rỗng không. Thế giới này ý chỉ là địa ngục, ngạ quỉ súc sinh, trời, người, uẩn, chất, căn, thế giới này và thế giới khác – như thế giới Phạm Thiên.

Có một vị Tỳ-khưu hỏi Ðức Thế Tôn: Bạch hóa Ðức Thế Tôn, Ngài thường thuyết “Loka, Thế Giới”. Như thế Bạch Ngài, tiếng Thế Giới mà Ngài đã dạy ấy vì lý do nào?

Ðức Thế Tôn dạy: Này thầy Tỳ-khưu, Như Lai dạy Loka, Thế giới, có nghĩa là Tàn Hoại. Vật gì tàn hoại? Nhãn, sắc, nhãn thức, sự cảm xúc của nhãn, thọ vui, thọ khổ, thọ không, vui không khổ, sanh lên bởi nhản đều bị phá hoại. (Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý cũng tương tự như thế).

Câu Phật ngôn dạy quán tưởng thấy Thế giới này là vật tàn hoại. Câu này có ý dạy người nên quán tưởng thấy rõ hai nguyên nhân là:

  1. Nên hiểu biết rằng “Không ở dưới một thế lực nào”, ý nói rằng: Không có một nhân vật nào trong tam giới có đủ uy quyền cai quản Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức được.

Như có lời Phật dạy: Này các thầy Tỳ-khưu, Sắc là Vô ngã. Này các thầy Tỳ-khưu, nếu sắc là vô ngã thật, thì sắc này hằng sanh lên để bị bịnh hoạn, và nếu có yêu cầu rằng: Xin cho sắc này hãy như thế này thế nọ, Sắc ấy cũng chẳng y theo lời yêu cầu. Này các thầy Tỳ-khưu, vì sắc là vô ngã nên nó thường hay bịnh hoạn.

Này các thầy Tỳ-khưu, Thọ là vô ngã, nếu thọ là Ngã (ta) thì thọ ấy sẽ không theo khổ, và nếu có yêu cầu Thọ rằng: Xin cho thọ của ta như thế này, thế nọ, Thọ cũng không chịu theo ta đâu (Xin hiểu, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như câu trên).

  1. Nên hiểu rằng: các pháp hành đều “rỗng không” (vô ngã).

Ðức Thế Tôn dạy: Này các thầy Tỳ-khưu, Thân này không phải là các thầy, mà cũng chẳng phải của kẻ khác; Nghiệp cũ (đã tạo ra từ trước rồi) do nơi Tác ý là nguyên nhân (của thân này). Các thầy nên quán tưởng rằng: Thân này là nơi sanh Thọ. Này các thầy Tỳ-khưu, chư Thánh Nhơn đã được học rõ (về thân này), được nghe rồi hằng quán tưởng theo lý Nhân duyên rằng: Vì lý do này không còn có thì vật kia sẽ không có, nếu vật này không sanh thì vật kia cũng không sanh. Khi mà vật nầy diệt thì vật kia cũng diệt. Vì vô minh là nguyên nhân sanh hành. Hành là nguyên nhân sanh Thức v.v… Khi mà Vô minh diệt thì hành ắt diệt, Hành diệt thì được thì thức ắt diệt v.v…

Vậy các thầy nên quán tưởng rằng: thế giới này là vật rỗng không (Vô ngã)

Người nên quán tưởng rằng: Thế giới này là vật rỗng không có nghĩa là không có vật gì cứng rắn. Những vật có ấy là sắc, thọ, tưởng, hành thức, đều là vật không cứng rắn, mau hư mau hoại hơn hết. Nếu bên ngoài vật mà ta thấy là núi sông v.v… cũng có ngày tiêu diệt vì thời gian và không gian, không vật gì tồn tại mãi mãi nó chỉ còn đợi thời gian mà thôi.

Sắc này không rắn chắc, không có sự rắn chắc, không bền vững, không lâu dài, không trường tồn. Vì những vật ấy có tánh cách là phải thay đổi, không đứng yên một chỗ.

Hơn nữa, các Thầy nên quán tưởng thế giới này là vật rỗng không (Vô ngã) có 6 lý do là:

– Người nên hiểu rằng: Ta không làm chủ được thân này.
– Người nên hiểu rằng: Nó không theo ý muốn của ta.
– Người nên hiểu rằng: Nó không đem lại sự an vui cho ta.
– Người nên hiểu rằng: Nó không chịu kiểm soát dưới uy quyền của ta.
– Người nên hiểu rằng: Nó theo ý sở hữu của nó.
– Người nên hiểu rằng: Nó là vật rỗng không.

Người trí tuệ nên quan sát hiểu thế giới này là vật rỗng không như 6 điều kể trên.

Người nên quán tưởng thế giới này là vật rỗng không theo 10 điều sau đây:

– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật rỗng.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật trống.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật không.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật không phải là Ta.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật không có lỗi.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là đao thủ phủ đi đánh theo bên nguời như cây giáo đâm trong mình người.
– Người nên quan sát hiểu rằng: thế giới này chỉ là một nguyên nhân mà thôi.
– Người nên quan sát hiểu rằng: thế giới này là vật bị trầm nịch.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật làm cho nhức nhối.
– Người nên quan sát hiểu rằng: Thế giới này là vật bị những nguyên tố cấu tạo.

Các người nên quán tưởng thấy theo 8 điều này:

– Sắc này không phải chúng sanh.
– Sắc này không phải đời sống.
– Sắc này không phải là người nam.
– Sắc này không phải là người nữ.
– Sắc này không phải là thanh niên.
– Sắc này không phải là thiếu nữ.
– Sắc này không phải là Ta.
– Sắc này không phải là người.

Phật dạy: Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy nên vứt bỏ vật không phải Ta, các thầy diệt vật ấy được, thì các thầy sẽ được sự lợi ích an vui lâu dài. Này các thầy Tỳ-khưu, vật gì không phải của Ta, các Thầy nên diệt bỏ. Này các thầy Tỳ-khưu, nếu không phải là cái tự ngã, các thầy nên diệt bỏ sắc ấy. Sắc mà các thầy diệt bỏ được rồi, thì sẽ đưa sự lợi ích an vui lâu dài. (Xin hiểu Thọ, tưởng, hành, thức cũng có thể thức như sắc).

Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy hiểu điều này như thế nào? Vậy, cỏ, lá, nhánh cây và cây ở trong Kỳ viên Tịnh xá này, ngưòi đem đi đốt hết hay tùy theo trường hợp mà thi hành. Vậy nên các thầy nên nghĩ rằng: Người ta đem đi đốt hay làm thế nào tùy theo trường hợp.

Các thầy Tỳ-khưu bạch: Bạch hóa Ðức Thế Tôn, vì những vật ấy không phải là Ta, không phải là vật liên quan đến Ta, nên dứt bỏ tùy theo sở thích.

– Này các thầy Tỳ-khưu, điều ấy cũng như vật không phải của ta, của các người, các người nên dứt bỏ những vật ấy. Vật mà các thầy dứt bỏ, sẽ đem lợi ích an vui lâu dài đến, sắc không phải của các thầy, các thầy diệt được sẽ được an vui lâu dài. Này các thầy Tỳ-khưu, thọ, tưởng, hành, thức cũng đồng một thể.

Ðại đức Ananda có bạch hỏi Phật: Bạch hóa Ðức Thế-Tôn; Ngài dạy rằng: Thế giới rỗng không có nghĩa là gì?

– Này Ananda, Thế giới có nghĩa là rỗng không, không có Ta, không phải Ta, nên gọi là rỗng không (vô-ngã). Này Ananda, vật gì rỗng không, không có người thì không có nhãn, không có sắc, không có thọ, không có sự cảm xúc ở mắt, không có thọ vui, thọ khổ (xin hiểu, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng một thể). Vì sự rỗng không như vậy nên Như Lai gọi là Vô ngã. Người nên quán tưởng thấy rõ như vậy.

Ðức Thế Tôn có dạy ông Thiện nam Gãminĩ rằng: này ông Gãminĩ, khi người thấy rõ sự sanh của các pháp; sự nối tiếp của các pháp hành theo sự thật (là vô ngã) thì sẽ không có sự kinh khủng. Khi người nào quán tưởng thấy bằng trí tuệ rằng thân này ví như cây cỏ. Khi ấy, người đó không hề muốn sanh vào cảnh giới nào khác, ngoài ra Niết Bàn. Người nên quán tưởng thấy thế giới như thế ấy.

Này các thày Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu hằng theo dõi, và tìm hiểu Sắc coi sắc ấy có bao nhiêu đường lối (sanh lên), theo dõi tìm hiểu thọ, tưởng, hành, thức. Mặc dầu người ấy thiên về Tà kiến cho rằng Ta, hay vì ái dục mà chấp rằng: là của Ta. Hoặc và lòng Ngã mạn cho rằng là Ta. Nếu có vị Tỳ khưu nào chấp như vậy, thầy Tỳ-khưu ấy sẽ không chấp như vậy nữa. Vì vị ấy đã quán tưởng rằng: Thế giới này không phải là như vậy.

Chú giải dạy: Phải quan sát thấy Thế giới này rỗng không có nghĩa là xem xét, so sánh, quan sát, quán tưởng, suy gẫm, cho thấy rõ rệt rằng Thế gian này là vật rỗng không. Vì vậy nên gọi là Thế giới là vật rỗng không.

Có câu Phật ngôn dạy: “Sadã” có nghĩa là luôn luôn, hằng ngày, hằng giờ. Và tiếng nói “Sati” nghĩa là Trí nhớ. Tóm lại là phải luôn luôn không có dễ duôi, để Trí nhớ quan sát Tứ niệm xứ.

Câu dạy Attãnuditthi Ũhacca có nghĩa là nhổ lên, kéo lên, đào lên, làm cho ngừng hẳn lại, diệt bỏ, làm cho hết không còn dư sót. Attãnuditthi là chấp Ta. Nên có được nghĩa là: Nên nhổ tận gốc rễ sự chấp Ta.

Ðức Thế Tôn có dạy chư Tỳ-khưu: Này các thầy Tỳ-khưu, loài thú rừng ở trong rừng sâu đi đứng nằm ngủ cũng cẩn thận trọng. Tại sao vậy? Vì các loài thú rừng ấy không đi không ở trong đường của thợ săn, cũng như chư Tỳ-khưu là người vắng lặng lòng dục vọng, xa Ác Pháp, nhập vào sơ thiền được an lặng. Này các thầy Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu ấy Như Lai gọi là người làm cho Ma vương mờ tối, đánh đuổi được Ma vương không còn lối thoát, vị Tỳ-khưu ấy đi đến nơi mà không có thể dùng mắt thấy được. Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu nhập nhị thiền… (xin hiểu như thể thức nói trên) v.v…

Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu nhập Diệt thọ Vô tưởng định, phiền não của vị ấy đã dứt tuyệt, vì các vị ấy nhìn thấy rõ bằng Tuệ Giác. Này cá thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu ấy, Như Lai gọi là người làm cho Ma vương mờ tối, đánh đuổi Ma vương không còn lối thoát, vị Tỳ-khưu ấy đi đến nơi mà Ma vương không thể dùng mắt mà trông thấy được, giải thoát khỏi Ái dục. Vị Tỳ-khưu ấy đi đứng nằm ngồi nơi nào cũng chẳng cần phải cẩn thận. Tại sao? Vì vị Tỳ-khưu ấy không đi trên đường lối của Ma vương. Vì vậy nên Tử thần không trông thấy được vị Tỳ khưu ấy.

Nơi đây xin nhắc lại câu kệ Ðức Thế Tôn thuyết cho Ông Mogharãja nghe như vầy: Này Mogharãja, ngươi hãy có Trí tuệ nhớ, tìm hiểu quan sát thấy thế giới là vật rỗng không, nhổ tận gốc sự chấp Ta. Nên giải thoát khỏi Tử thần, bằng phương pháp như thế ấy, khi mà ngươi quán tưởng thế giới bằng phương pháp ấy, thì Tử thần sẽ không thế nào trông thấy Người.

Ý câu kệ này Ðức Thế Tôn dạy về thuyết Vô Ngã. vì ta còn chấp cái Có, nên Ma vương mới nhìn thấy được. Ma vương là sự Có, mà người tu diệt cái Có hết, thì còn gì mà Ma vương có thể nhìn thấy được? Vì vậy nên chỉ có cái không có vạn vật là giải thoát mà thôi.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app