TÔN GIÁO

Xã hội là một đoàn thể nhiều người sống chung với nhau, có nhiều liên quan mật thiết và có ý chí, sự hành động giá trị, tư tưởng, lợi lộc bình đẳng.

Từ xưa, môn học về xã hội hầu như bị người lãng quên, nên không có chương trình ở các học đường. Về sau, người gặp phải tai biến như hai trận thế chiến, nên làm cho người quan tâm đến đời sống của xã hội càng ngày càng mạnh lên. Nên mới lập ra chương trình học về môn ấy gọi là Sociologie nghĩa là Xã Hội Học.

Người sanh lại trong thế giới này, hạng người nào cũng phải cùng sống chung trong một nhóm gọi là Xã hội. Con người sống chung trong một xã hội đều cần có bốn điều nhu cầu trọng đại cần thiết, là Cơm nước, thuốc men, chỗ cư ngụ, và y phục. Theo Phật giáo gọi là Tứ vật dụng.

Mặc dầu, người trong xã hội có đầy đủ nhu cầu cần thiết, nhưng cũng vẫn còn chưa đủ, nghĩa là còn chưa hoàn toàn làm cho đời sống yên vui và hạnh phúc; vì còn thiếu món rất cần cho tinh thần nó là Ðạo đức. Vì thiếu đạo đức nên con người không được hoàn toàn an vui thật sự. Vì cái an vui thật sự đó là vui của Tinh Thần.

Các bực Trí thức chia sự an vui nhu cầu của Xã hội có ba phần:

  1. Physical Need, Nhu cầu cho thể chất trong đó có bốn điều nhu cầu kể trên.
  2. Social Need, Nhu cầu cho Xã hội, là tạo cho xã hội có trật tự, có ngoại giao để xứ này xứ kia hiểu biết nhau nhiều thêm, giao dịch, giữ quyền lợi của cá nhân cũng như của một dân tộc, nhứt là giảm mức chiến tranh hay không cho có chiến tranh.

Hai điều trên thật quan trọng nhưng vẫn còn kém điều thứ ba.

  1. Spiritual Need, Nhu cầu cần thiết cho tinh thần. Nhu cầu này thuộc về luân lý lễ giao. Nếu nói theo đường lối nhà Phật là Giới Ðức, lòng Từ Ái, không làm hại và cố tránh xa sự làm hại nhau và sự hiềm khích nhau, diệt tắt sự oan trái oán thù và yêu thương nhau như người thân thuộc.

Ðiều thứ ba này là sự sùng kính một Tôn giáo hay là Phật đạo. Theo Phật ngôn dạy thì tất cả những vật có thức tánh, chỉ có người là khôn ngoan hơn hết, biết tổ chức một xã hội khả dĩ tạm gọi là hoàn toàn hơn các loài khác. Nhưng nếu xã hội ấy thiếu Tôn giáo hay Phật đạo thì trở nên càng nguy hiểm hơn.

Tại sao? Vì thiếu luân lý dạy về tinh thần như đã nói trên. Tóm lại Xã hội tuy có Tổ chức thật là chu đáo nhưng cũng chỉ chu đáo được một phần nào thôi, vì thiếu phương pháp tổ chức về tinh thần. Chỉ có Tôn giáo hay Phật đạo mới dạy về tinh thần chu đáo, và nhờ đó mà con người được an vui hơn, hạnh phúc hơn.

Tôn Giáo Là Gì?

Nói về Tôn Giáo, theo người phương Tây dùng tiếng Religion, Việt Nam dịch là Tôn giáo. Tiếng Tôn giáo đối với Ðệ tử Phật thật là xa lạ. Vì Ðệ tử Phật đã nhận định rõ rệt là Phật Giáo không phải là Tôn giáo.

Còn có tiếng khác hơn tiếng Religion (Tôn giáo) là tiếng Doctrine, có nghĩa là Lý thuyết hay Chủ nghĩa (theo Tự Ðiển Anh Việt của Ông Nguyễn Văn Khôn). Lại còn tiếng Philosophy, nghĩa là Triết Học (theo Tự điển Anh Việt của ông Nguyễn văn Khôn); có tiếng khác nữa gọi là Ethic có nghĩa là Luân Lý Học hay Ðạo Ðức Học (theo Tự Ðiển Anh Việt của ông Nguyễn văn Khôn).

Trong bốn tiếng kể trên không có tiếng nào định nghĩa được tiếng Phật Giáo cho rõ rệt. Vì lẽ nói trên đây, nên nội dung quyển sách này, tôi không nói một Tôn giáo nào khác hơn Phật Giáo.

Trước hết tôi tạm giải tóm tắt bốn tiếng nói trên hầu quí vị độc giả.

Tiếng Religion (Tôn Giáo) phát sanh từ tiếng Latin là Reigio. Tiếng này có hai vị đại Trí thức người Roman, một vị tên Cicego dạy rằng: Tiếng Religion phát sinh từ tiếng Leg có nghĩa là Nhận Lãnh, Thừa Hành hoặc là Cùng Hội Họp Lại. Có nghĩa rộng là Nhận lãnh hiện tượng nào có liên quan với đấng chúa tể để thừa hành theo; hay là thừa hành theo lời giáo huấn của đấng chúa tể.

Còn vị thứ nhì tên là Servius có giảng tiếng Religion phát sanh từ tiếng Lig mà ra. Lig có nghĩa là Liên Quan hay Cột dính vào; nghĩa rộng là sự liên quan giữa con người và đấng thiêng liêng (a communion betwen the human and supreme human). Ý nghĩa rõ hơn là: Sự liên quan (về tinh thần) giữa người và đấng thiêng liêng. Vì lý do trên nên tiếng Religion được dịch sang tiếng Việt là Tôn Giáo.

Tiếng Religion người phương Tây dùng có ý nghĩa là sự giao phó Ðức tin của mình để cúng dường cho đấng thiêng liêng là Chúa.

Theo tin tưởng của người phương tây, tiếng Religion có bốn trạng thái là:

  1. Tin chắc rằng: Chúa là người tạo ra thế gian này và tất cả vạn vật trong thế gian.
  2. Tất cả kinh đều do nơi Chúa ban bố ra dạy đời.
  3. Có nhiều điều chỉ được phép tin tưởng mà không được quyền hỏi hay nghi ngờ và cật vấn. Chỉ tin theo lời giảng giải của đấng cứu thế thôi, vì đấng cứu thế có uy quyền trên vạn vật nên con người không được phép nghi ngờ.
  4. Có qui luật là người vào tôn giáo ấy bắt buộc phải tự mình phát nguyện giao sanh mạng và sự hành động của mình cùng mọi việc có liên quan đến bản thân mình cho chúa và phải hết lòng yêu thương chúa.

Tiếng Religion của phương Tây còn có thích hợp với nhiều Tôn giáo như Bà la môn giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo.

Các tôn giáo kể trên, khi bắt đầu xin làm tín đồ phải tin tưởng một đấng thiêng liêng tối cao tạo ra quả địa cầu và vạn vật phải tin chắc lời giáo huấn của ông chúa tể ấy là khuôn vàng thước ngọc, bất khả tư nghị.

Tóm lại tiếng Religion của người phương Tây là: Phải tỏ ra lòng kính thành, sự tin tưởng, kinh sợ bực tối cao là Ðấng thiêng liêng hay là vị Chúa tể có oai đức trên hết tất cả vạn vật. Vị ấy không thể thấy và biết được, chỉ biết và thấy bằng trí tuệ mà thôi.

Riêng Phật giáo có một đường lối khác hẳn hơn Religion (Tôn giáo) của người phương Tây. Ðạo Phật hay Phật giáo có nghĩa là lời giáo huấn của đấng hoàn toàn Giác Ngộ là Phật. Còn có nghĩa rộng hơn nữa là: Ðường lối tự tin lấy bản thân mình, tự hành để đi đến nơi hoàn toàn giải thoát, có ý nói là Tự giác Giác tha. Phải tự mình bỏ dữ về lành, sửa tâm lương thiện, chớ không có nhờ một tha lực nào hết.

Phật giáo có ý nghĩa tương phản với tiếng Religion là:

  1. Không có tin tưởng riêng một đấng thiêng liêng nào, nhưng tin ở Nghiệp là nguyên nhân đưa con người đi sanh tùy theo người đã tạo ra nghiệp ấy.
  2. Không tin nơi lời nào gọi là do đấng thiêng liêng hay tạo hóa mà không đủ bằng cớ. Mặc dầu người bảo rằng: đây là Phật ngôn nhưng không đủ lý do là lời Phật thì cũng được quyền không tin và cật vấn cho ra lẽ.
  3. Trong bài kinh Kãlãma sutra có dạy: Người đệ tử Phật chân chánh không thể tin một chuyện gì không đủ lý do, luôn luôn nên dùng Trí tuệ để tham cứu cho rõ rệt. Lắm kẻ lợi dụng lời nói để bịa ra nói là Phật ngôn. (Xin xem đoạn sau, nói rõ những lý do nào thật là Phật ngôn và không phải Phật ngôn)
  4. Người muốn làm đệ tử Phật không bị bắt buộc là p hải thệ nguyện không bỏ đạo, không được nghe lời giảng dạy người nào khác. Người tu Phật có quyền bỏ Phật giáo theo Tôn giáo hay một triết lý nào cũng được, khi mà nghe thấy Phật giáo, không phải là con đường giải thoát. Và khi ăn năn biết rõ mình lầm đường vẫn trở lại được, không có chi trở ngại.

Các bực Trí thức dạy phải có đầy đủ bốn nguyên nhân mới có thể gọi là Religion được.

  1. Có thể tin tưởng được là có nơi ta đến lễ bái cúng dường mà người thời xưa đã tạo nên làm di tích rồi truyền đến hôm nay.
  2. Lời giáo huấn ấy phải phù hợp với Luân Lý, Lễ giáo và có Kỷ Luật để người hành theo, nhờ sự hành đạo ấy đem lợi ích đến cho người.
  3. Phải có một đấng khai hóa Religion (Tôn Giáo) ấy rõ rệt và phải có sách sử ghi rõ rệt.
  4. Phải còn có người thực hành đúng theo khuôn khổ của các bực khai hóa ấy.

Ðây mới thật là một Religion (Tôn giáo).

Việt Nam Tự Ðiển của ông Thanh Nghị cắt nghĩa tiếng Religion là Tôn Giáo có nghĩa là: “Giáo lý của một giáo phái lấy sự thờ của Thần Linh làm chủ đích”.

Doctrine

Doctrine có nghĩa là Học thuyết, Lý thuyết. Có khi ta thấy có nơi viết Lý thuyết của Bà La môn hay của một vị Trí thức nào. Riêng Ðệ tử Phật thì không bao giờ nói Lý thuyết hay Triết lý của Phật, mà chỉ nói là Phật ngôn, hay chân lý Phật giáo.

Theo tự điển Anh ngữ của Ông Chamber và Webster cắt nghĩa: “Lời giảng dạy nhau từ xưa còn rồi truyền đến nay. Sự tin tưởng, lời giảng dạy của một tôn giáo phái nào”.

Từ điển Oxford cũng giải giống như trên.

Theo lời giảng trên thì Doctrine là một Lý thuyết chớ không gọi là một Tôn giáo. Tiếng Doctrine theo Tự điển Việt Nam của Ông Thanh Nghị giải: Cái cốt ý chủ trương riêng của một phái, một đẳng nào về phương diện Triết học.

Philosophy

Philosophy là Triết học, đây cũng là một danh từ mới.

Theo tiếng Âu Mỹ Philos có nghĩa là sự Thương Yêu. Tiếng Sophy có nghĩa là Trí Tuệ. Khi hai tiếng ấy nối vào nhau thì có nghĩa là sự thương yêu nhau bằng Trí Tuệ. Còn Tự điển Thái của ông Rãjapamdita có cắt nghĩa là: Phương pháp nói về nguyên tố của sự hiểu biết sự thật.

Theo Việt Nam Tự điển của ông Thanh Nghị giải tiếng Philosophy là Triết Học, môn học nghiên cứu để tìm hiểu nguyên lý của vạn vật.

Ý nghĩ của các bực Trí thức dạy tiếng Doctrine Triết lý là môn học của các chư vị Trí thức nghiên cứu kỹ càng không hề chịu ảnh hưởng các giáo phái hay tôn giáo nào, nghĩa là không chịu ảnh hưởng của Thiên đàng, của một vị giáo chủ nào hết. Ðiều quan trọng của Doctrine là dạy đời sống, về sự thật của đời sống.

Ethic

Ethic nghĩa là Luân Lý Học (Theo Tự điển Anh Việt của ông Nguyễn văn Khôn).

Lý Do Có Tôn Giáo

Sở dĩ mà có Tôn giáo là do nơi lòng tin tưởng vì lý do kinh sợ mà thờ phượng, và vì có nhiều người đồng ý với nhau nên sự thờ phượng và tôn kính ấy rõi truyền từ đời này đến đời khác, rồi sự thờ phượng ấy cũng đi theo đà tiến triển của con người mà thay đổi. Sau này có nhiều vị Trí thức sưu tầm và khảo cứu thấy lý do sanh ra Tôn giáo, chia ra làm ba giai đoạn.

Giai đoạn Thứ Nhứt.

Nguyên nhân phát sanh ra Tôn giáo chia ra làm Năm thời kỳ tùy theo sự tiến hóa cuả nhân loại.

  1. Animalism: sự tin tưởng ở thiên nhiên. Trên thế giới này có hai phần là nhân vật có thức tính, và vật không có thức tánh. Theo lịch sử mà nói, thì khi người sinh ra đã có vạn vật như sáng, tối, lạnh, nóng, núi, rừng v.v… Người bị hoàn cảnh thiên nhiên bên ngoài chi phối nào là lạnh quá, nóng quá, hay mưa to gió lớn làm cho kinh khủng, hay bị tật bịnh vì thời tiết thay đổi bất thường. Nên tin tưởng rằng: Thiên nhiên ấy có oai lực vô lượng, và rất là huyền dịu. Nên đồng cùng nhau lập ra nơi thờ phượng, tỏ lòng cung kính và cầu xin cho được an vui, nên gọi là Animatism – Sự tin tưởng thiên nhiên.
  2. Animism: Tin tưởng tôn sùng Thần linh. Con người nhờ sự tiến hóa lần lần nên đi đến nơi sáng suốt hơn, người thời ấy mới nghĩ: Tối, Sáng, Nóng, Lạnh, rừng thẩm, núi cao, sông sâu biển rộng có oai lực làm cho vạn vật biến chuyển được, và cũng có thể trừng phạt và ban thưởng. Những oai lực ấy có thể làm cho người vui hay khổ được. Ðó là các đấng Linh thần gọi là Spirit có nghĩa là Linh Thần.

Sự tin tưởng Thần Linh này chúng ta có thể chia ra làm ba phần khác nhau:

  1. Tin rằng Vạn vật đều có Thần Linh, Spirit, ứng bên trong.
  2. Tin rằng Spirit – Thần Linh ấy có quyền thưởng phạt con người. Những Thần linh ấy, người không thể nhận thấy bằng mắt được mà thật ra có hình dạng, nếu khi nào muốn cho thấy thì ứng hiện ra rõ rệt.
  3. Mặc dầu không thấy được nhưng đã có ứng hiện ra cho người thấy để vẽ hay nắn hình thờ phượng.

Ðây là những lý do làm cho người trong xã hội thời ấy tin tưởng thờ phượng. Nên các bực trí thức cho tên là Animism, Thần Giáo. Tiếng Animism do nơi gốc của tiếng Latin là Animus có đồng nghĩa như tiếng Soul hay Spirit của Anh.

  1. Polytheism: Tin tưởng nhiều vị thần linh. Người thời ấy tin tưởng những hình ảnh nào thì tự mình chế ra như nắn hình hay vẻ ra để tôn thờ tùy theo lý trí của mình. Vì nhiều người trong một xã hội nhờ có ý kiến và sự tôn sùng khác nhau như vậy nên họ đồng ý nhau tạo ra tượng hay vẻ hình mỗi ý kiến cần thiết của mình ra cùng thờ chung một chỗ như chỗ thờ thần tập thể. Người thời ấy cùng tin tất cả các vị thần linh. Vì vậy nên gọi là Polytheism.
  2. Henotheism: Chỉ tin tưởng một vị duy nhất trong một nhóm (hay trong một xã hội nhỏ). Mặc dầu thời ấy sùng bái nhiều vị thần linh. Nhưng mỗi vị đều có quyền hạn và phép màu khác nhau. Vì vậy nên mỗi một bộ lạc do nơi vị Tù Trưởng cầm đầu sùng bái thế nào thì người trong bộ lạc ấy phải thật hành theo lễ nghi hay sự tôn sùng theo ý cuả vị Tù trưởng.

Khi xưa xứ Do Thái trước Moset ra mười điều cấm, Ten Commandments. Người Israel mỗi một bộ lạc sùng bái riêng một vị Thần Linh. Trong xứ Hy Lạp thời kỳ Thánh John đem Thiên Chúa giáo đến truyền bá vẫn còn sùng bái một vị thần linh khác nhau.

Thời xưa xứ Ấn Ðộ mỗi một bộ lạc cũng sùng bái một vị Thần Linh khác nhau tùy theo giai cấp và sự tin tưởng của mình. Sự Tôn sùng như vậy gọi là Henotheism, phái này truyền bá rất mạnh.

  1. Monotheism: Nhứt Thần Giáo. Monotheism nghĩa là sự sùng bái riêng chỉ độc nhứt một vị thần linh mà thôi. Nên gọi là Monotheism, Nhứt thần giáo.

Người tạo ra Thần giáo này không thấy nói rõ tên họ, Người ấy chỉ nói rằng: Chỉ có một đấng tối cao có uy quyền tuyệt đối. Ngài là đấng tạo ra vạn vật. Ngài buộc cả vạn vật phải tùy theo Ngài chỉ định, Ngài là đấng cao quí nhất, Ngài có đầy lòng Từ ái, nên cai quản nhân loại.

Sự truyền bá 10 điều cấm của Yahova do Moset, hay của Mohamet càng ngày càng truyền bá sâu rộng; đây là nguyên nhân làm cho người càng ngày càng có ý tưởng sùng bái các Tôn Giáo.

Giai Ðoạn Thứ Nhì: Sự Cúng Tế.

Nguyên nhân của sự cúng tế thời ấy chỉ cho ta thấy rằng: Vì người thời ấy kém sáng suốt chưa thông hiểu rõ về thời tiết và thiên nhiên của vũ trụ chẳng hạn như bão tố, động đất, lụt ngập v.v… Người thời ấy bị những tai nạn như vậy tưởng lầm là sự trừng phạt của thần linh. Vì vậy nên lập ra sự cúng tế tuỳ theo ý tưởng tượng của mình.

Vật cúng tế tùy theo ý thích của người thời ấy cho vật gì quí nhứt đem vật ấy ra cúng tế. Như ta thường thấy người quí trọng gái đẹp thích gái đẹp tưởng Thần linh cũng thích như vậy nên thường tế Thần linh là Ðồng nhi nam và đồng nhi nữ v.v… có nơi cúng tế: quần áo thuốc men chỗ oở và vật thực.

Giai Ðoạn Thứ Ba: Sự Cúng Dường Tổ Tiên

Sự cúng dường đến tổ tiên cũng là một nguyên nhân quan trọng của con người. Người biết được sự cúng dường của người thời xưa là nhờ đào được nhiều vật cúng dường, có cả những bộ xương ướp thuốc từ xưa, thật là một giá trị quí bao nhứt của người xưa để lại, và rất cần thiết cho sự nghiên cứu.

Các nhà khảo cổ có nghiên cứu và cho biết là sự cúng dường tổ tiên cũng là một nguyên nhân có thêm một tôn giáo nữa.

Nên nêu ra câu hỏi: Tại sao người thời xưa lại cúng dường các đấng tiên nhân?

Ðáp: – Vì người thời xưa tin tưởng rằng: Người tuy đã chết nhưng linh hồn không bao giờ tiêu hoại. Linh hồn ấy cứ vẩn vơ trên đời nầy để trông nom phù hộ con cháu.

Có đôi khi người thời ấy tin rằng: Một thời kỳ nào đó Linh hồn ấy phải trở về với thi hài cũ. Nên người thời ấy phải ướp xác để dành cho người chết trở về .

Sự cúng dường ấy có thể chia ra làm hai lý do:

  1. Vì cung kính, thương yêu mà cũng kinh sợ linh hồn ấy làm hại, và một lẽ nữa là sự biết ơn.
  2. Vì sự kính trọng như vậy nên người lại tạo ra một đám táng linh đình, có cách tẩn liệm, có nhà dàn đi đưa, và cách chôn thể thức làm mả, và tang chế.

Giai Ðoạn Thứ Tư: Chuyện Thần Thoại.

Như chúng ta biết thời nào cũng có rất nhiều Tôn giáo. Chúng ta nên quan tâm coi vì lý do nào? Vì người đời thường đặt ra chuyện thần thoại ca tụng một vị Thần Linh nào đó làm cho người ta tin tưởng theo, vị thần linh ấy gọi là Mythology. Câu chuyện thần thoại có nhiều nhứt trong thế gian này là xứ Ấn Ðộ và Ả Rập. Sự thật, chuyện thần thoại là chuyện ít có sự thật nếu không muốn nói là không có. Trong chuyện Thần thoại ấy, phần lớn nói về sự hiện về của những linh hồn đã chết lâu hay mau tuỳ theo người đặt ra chuyện ấy.

Chung qui, sự đặt ra chuyện thần thoại ấy cốt ý làm cho người tin tưởng chuyện của mình đã nói, chuyện càng huyền bí, càng có nhiều người tin tưởng theo.

Như ta biết, có rất nhiều Tôn giáo như đã giải trên, nếu nói tóm lại là: Do nơi sự tin tưởng thiếu sáng suốt, nên sanh ra sự kinh sợ mà lập nên đền thờ, thờ phượng và cúng tế.

Có thể chia ra làm hai phần để thấy rõ vì lý do gì mà tin tưởng như vậy:

  1. A) Vì sự thiếu sáng suốt. Nên không nhận định thấy rõ thiên nhiên của vũ trụ. Như người Ấn Ðộ khi xưa không hiểu rõ giòng sông Ganga (Hằng) phát nguyên từ đâu, tin là giòng sông ấy là giòng sông Thánh phát nguyên từ cõi Trời, do nơi một vị thần có oai quyền tối thượng tên Isavara ban bố cho chúng sanh có nước mà dùng.

Cũng như người Ai Cập khi xưa, không nhận định được rõ rệt giòng sông Nile phát nguyên từ đâu đến. Tin rằng giòng sông ấy là giòng lệ của bà Eilis than khóc chồng bà là ông Osiris.

  1. B) Sự kinh sợ. Nghĩa là người kinh sợ những sư đe dọa của thiên nhiên bên ngoài như sấm sét, bão tố v.v… nên lập ra đền thờ các vị thần ấy.

Giai Ðoạn Thứ Năm:

Giai đoạn này, người đã tiến lên độ sáng khả quan hơn, nên đã tìm hiểu về thiên nhiên bên ngoài do sự luân chuyển của vạn vật tạo thành, bỏ lần sự lầm lẫn của người thời xưa.

Ðây cũng là một lý do làm cho các tôn giáo đi đến nơi chính đáng và xác thật hơn.

Lý Do Có Phật Giáo.

Như đã giải trước Phật giáo không phải là Religion (Tôn giáo), Doctrine (học thuyết), Philosophy, (Triết học), hay Ethic (Luân lý học).

Phật giáo là lời giảng giải của một vị vĩ nhân đã tìm ra lối thoát khỏi Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Ngài là đấng toàn trí toàn giác. Ngài chỉ con đường cho chúng sanh ra khỏi giòng Luân hồi.

Nội dung quyển sách này tôi không nói đến các Tôn giáo khác mà chỉ nói riêng về Chân Lý hay con đường đi đến nơi hoàn toàn giải thoát của Ðức Phật đã khẩu truyền.

Trước khi muốn nói đến Chân Lý của Ðức Phật, tưởng cũng nên nhắc sơ qua Lịch sử của Ngài, lần lượt đến Chân Lý của Ngài đã tìm thấy dưới cội Bồ Ðề.

Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm

Người Việt chúng ta thường gọi là Ðức-Phật-Tổ Thích Ca Mâu-Ni.

Ðức Phật không phải là một đấng thiêng liêng, hoặc một thần linh để người khấn vái, van xin cứu độ hay hộ trì. Hoặc là do nơi sự tưởng tượng của một số người tạo ra, để người đời cúng tế cầu phước, cầu tài lộc, mà Ngài cũng chẳng phải con của một vị Ngọc Hoàng Thượng đế nào, lãnh lịnh sanh xuống để cứu độ nhân sanh, mà cũng chẳng có một vị Thánh Thần nào nhập vào Ngài để nhờ cái thể xác của Ngài đi truyền đạo.

Ðức Phật chính là một người bằng xương bằng thịt có cha sanh mẹ đẻ như chúng ta. Ngài có khác hơn chúng ta là Ngài là một vị Hoàng tử, và sau nay là một vị Ðế vương. Ngài nhìn thấy cái khổ của sự Sanh, Tử luân hồi mà từ bỏ ngai vàng và tất cả những gì mà người đời đang muốn và chưa được. Ngài đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ngài nhận thấy nhơn sinh khổ não, vì miếng mồi danh lợi, nên Ngài mới mở đạo dạy đời. Sau này Ngài là một đấng giáo chủ.

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Tìm Hiểu Đạo Phật, tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham

Link  cuốn Tìm Hiểu Đạo Phật
Link  tải sách ebook Tìm Hiểu Đạo Phật
Link  video cuốn Tìm Hiểu Đạo Phật
Link  audio cuốn Tìm Hiểu Đạo Phật
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app