PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI GIAI CẤP CỦA XÃ HỘI

Ðức Thế Tôn sanh nhằm thời kỳ xã hội xứ Ấn Ðộ chia ra làm năm giai cấp khác nhau, và khinh bỉ, hiếp đáp nhau.

Năm giai cấp trong thời kỳ ấy là:

  1. Giai cấp vua, chúa. Hạng này cho rằng: Giòng vua là giòng cao quí nhứt, vì vua chúa có phận sự cai trị, có quyền thưởng phạt tùy thích. Hạng này chỉ biết giao tiếp cùng hàng vua chúa mà thôi, xem dân chúng không khác nào hàng nô lệ, không đáng giá là gì hết.
  2. Giai cấp Bà-la-môn. Hạng Bà-la-môn mới là hạng cao quí nhứt, họ cho rằng họ sanh từ hàng Phạm thiên đến. Họ là hàng có uy quyền tột đỉnh là họ có thể giao tiếp với đấng thiêng liêng. Ngoài ra, còn có phận sự xem thiên văn, địa lý, vua chúa muốn cúng tế phải nhờ Bà-la-môn hành lễ mới được hoàn toàn cuộc lễ.
  3. Hạng thương gia, nông phu, hạng này chỉ biết buôn bán, và làm ruộng mà thôi.
  4. Hạng lao công, hạng này phải làm việc vất vả nặng nhọc cả ngày.

Chỉ có hạng thứ năm là hạng đáng thương hại nhứt. Hạng này bị người khinh khi hành hạ không khác nào con thú, họ muốn đánh đập hành hạ cách nào cũng không bao giờ dám chống trả lại. Hạng này gọi là Chiên-Ðà-La.

  1. Chiên-Ðà-La, không thuộc về thành phần của bốn hạng trên nên bị người khinh bỉ. Sở dĩ mà có hạng này vì, trong bốn hạng trên không làm lễ sính hôn với nhau mà lại sính hôn với khác giòng của mình. Chẳng hạn giòng vua mà lập gia đình với giòng Bà-la-môn cũng bị khai trừ khỏi dòng vua và giòng Bà-la-môn trở nên giòng Chiên-đà-la.

Vì vậy nên giòng này không đứng vào một giòng nào trong bốn giòng kể trên, họ bị coi là thấp hèn nhứt, vì vậy nên bị người ghét bỏ và hành hạ tột độ.

Vì xã hội thời ấy có giai cấp như vậy, nên khi Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, truyền bá giáo lý mạnh và rất sâu rộng, đến đỗi các Tôn giáo trong thời ấy phập phòng lo sợ tôn giáo của mình bị tiêu diệt. Sở dĩ mà Phật giáo truyền bá được rất mạnh và mau như vậy là nhờ hai nguyên nhân.

  1. Ðức Thế Tôn giải thích những sự thật mà từ ngàn xưa chưa ai hiểu và giải cho nhân loại biết: Ðó là Tứ Diệu Ðế. Sự diệt khổ ở tận lòng mình chớ không có một tha lực nào có thể giúp mình.
  2. Ngài không chấp nhận các giai cấp của xã hội. Ngài dạy: chúng sanh khi có thân này, thì có tự do, quyền lợi ngang nhau. Chỉ có sự hành động xấu tốt mới có thể phân giai cấp con người Thiện Ác được.

Nơi đây tôi xin nhắc lại sự hành động của một vị Ðại đệ tử Phật và giai cấp của xã hội.

Ngày nọ, Ðại đức Ananda đi đường xa nắng nóng; ngài cảm thấy khát nước, nhưng không tìm đâu ra một miếng để giải khát. Vừa khi ấy có một cô đội một bầu nước đi gần đến nơi.

Ngài đại đức đến gần và nói: – Cô thí chủ, bần đạo vì phải đi xa trời nóng lấy làm khát nước, xin cô vui lòng cho tôi xin một ít nước giải khát.

Cô ấy nghe Ðức Annada nói vậy lật đật tìm thế tránh Ngài. Ðức Annada mới hỏi: – Tại sao cô lại tìm thế trốn tránh bần đạo?.

Cô ấy đáp: – Bạch Ngài, sở dĩ tôi lẫn tránh Ngài vì tôi là hạng người tôi đòi, còn Ngài là hạng Sa-môn, mà ngoài đời Ngài là hàng Vua chúa thuộc giòng Thích Ca hạng rất cao quí nhứt, thì tôi làm sao dám gần Ngài và dám cho ngài nước?

Ðại đức Annada đáp: – Cô Thí chủ, trên đời này không có giai cấp, và phân biệt sang hèn, giòng giống, những sự chia rẽ giai cấp do một hạng người nặng lòng khinh khi, ngả mạn đặt ra. Người có đủ thân hình là người có quyền sống, được quyền hưởng mọi việc có trên đời này, không phân biệt gái, trai già trẻ v.v… Ðiều đáng phân giai cấp hơn hết là sự hành động hung ác và hiền đức mà thôi. Hai điều ấy mới là pháp quan trọng nhứt để phân biệt giai cấp.

Cô ấy nghe vậy lấy làm cảm mến Ðại đức Ananda, nên đem nước đến dâng cho Ngài.

Tích này cho chúng ta thấy rằng: Sở dĩ mà có giai cấp vì lòng vị kỷ, ngã mạn; khinh người đó toàn là những Phiền não bên trong chia rẽ người với người, là nguyên nhân làm cho người và người càng xa cách nhau hơn, thù hận oán ghét và sự muốn làm hại nhau càng ngày càng gia tăng, không bao giờ thương yêu nhau, vì vậy nên xã hội sống trong vòng oán ghét dầu có muốn gần nhau cũng chẳng đặng nào. Người sống trong xã hội như thế vui ít khổ nhiều.

Phật giáo, không phân chia giai cấp không hề đề cao sự giàu sang quyền quí của một cá nhân, mà cũng không khinh bỉ ai. Chủ nghĩa của Phật giáo là chỉ biết chúng sanh là người sợ khổ, muốn an vui, và Phật giáo là nguồn gốc diệt khổ, đem an vui lại cho chúng sanh, nên giai cấp đối với Phật giáo không thành vấn đề. Sự chú trọng nhứt của Phật giáo là sự hành động của con người. Con người đáng khen tặng cao quí nhất là người có lòng Từ thương yêu chúng sanh, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau coi nhau như người thân thuộc, không phân biệt giàu sang nghèo hèn, dân hay quan, hoặc là vua chúa. Tóm lại, Phật giáo có phân biệt chăng là ở chỗ hành động Thiện hay Ác của con người mà thôi.

Trong bộ kinh Pháp cú (Dhammapada), đoạn Brahmavagga nói về Bà-la-môn, có tích như vầy:

Khi Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh Xá của Trưởng gia cấp cô độc. Có vị Bà-la-môn nghĩ rằng Thầy Sa-môn Cồ đàm thường gọi đệ tử của ông ta là Bà-la-môn. Ta là người sanh trong giòng Bà-la-môn trong sạch; lẽ ra ông ta cũng gọi ta là Bà-la-môn mới đúng.

Nghĩ vậy thầy liền vào chùa hầu đức Phật và nói lên ý nghĩ của mình.

Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: – Này Thầy Bà la môn, Như Lai không hề gọi người nào là Bà la môn, bởi người ấy sanh trong giòng Bà la môn. Như Lai chỉ gọi người nào không có phiền não, không có sự phiền não, không có sự quyến luyến, sự ngã chấp, là Bà la môn.

Rồi Ðức Thế Tôn dạy câu kệ:

Na Cãham Brãhmanam Brũ Mi
Yonixam Mattisambhavam
Bhovãdi Nãma So Hoti
Sace Hoti Sakincano
Akincanam Anãvãdam
Tam Aham Brũmi Brãhmanan

Nghĩa: Như Lai không bao giờ gọi người sanh ra bởi bà mẹ chính là giòng Bà-la-môn. Người (Bà-la-môn) ấy, có đi cổ động cho bản thân mình là: “Người tiến hóa, Người văn minh”, mà người (Bà-la-môn) ấy còn đầy phiền não. Như Lai chỉ gọi người không có phiền não, không có sự bận rộn, người không ngã mạn là Bà-la-môn.

Sau khi dứt thời Pháp, thầy Bà-la-môn ấy đắc quả Tu đà hườn vì thầy thấy rõ chân lý Bà-la-môn phải là người không còn phiền não, không còn lẫn trong đời ô-trọc nữa.

Theo Phật giáo lấy sự hành động Thiện hay Ác mới là chân giá trị của con người; chớ người tự cho mình là hạng quí tộc, sang cả, học thức, vua chúa mà còn làm những điều bất lương thì chỉ mang cái dáng bên ngoài mà thôi. Vì vậy Phật giáo đối với giai cấp không thành vấn đề.

Theo hàng Tăng lữ, Ðức Thế Tôn càng để điều luật bắt buộc người xuất gia phải biết tôn kính nhau theo thứ tự; không phải vì mình là hàng vua chúa xuất gia, hàng Bà la môn xuất gia mà bắt buộc hạng ngoài ra mình phải cung kính tôn trọng mình. Nghĩa là người đã xuất gia theo Phật pháp rồi thời giai cấp ở xã hội đều bỏ, mà phải kính trọng nhau ở chỗ người xuất gia trước và sau mà thôi.

Tạng Tiểu bộ Khuddakanikãya, bài kinh Vasalasutta có nói:

Khi Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá. Buổi sáng nọ Ðức Thế Tôn cùng chư đệ tử đắp y mang bát vào thành khất thực. Ðồng thời cũng có thầy Bà-la-môn tên Aggikabhãradvãja đang nhúm lửa và chuẩn bị cúng dường thần lửa tại chỗ ông ta ở. Ðức Thế Tôn đến nơi của ông sắp tế thần lửa.

Khi ông trông thấy Ðức Thế Tôn, ông liền bảo: – Hãy ngừng lại đó hỡi lão trọc. Ngừng ngay lại thầy Sa-môn. Ðừng lại nơi ấy hỡi người đê tiện.

Khi nghe ông Bà-la-môn nói như vậy, Ðức Thế Tôn hỏi ông ra rằng: – Này ông Bà-la-môn, vậy ông có biết người đê tiện và pháp nào làm cho con người đê tiện không?

– Ông Sa-môn, tôi không biết người đê tiện mà cũng chẳng biết pháp nào làm cho con người trở nên đê tiện. Vậy xin ông Cồ-Ðàm chỉ bão pháp ấy cho tôi biết người đê tiện và pháp làm cho người đê tiện?

– Này thầy Bà la môn vậy người hãy nghe đây.

Ðức Thế Tôn dạy hơn hai mươi câu kệ rất dài, vậy nơi đây tôi xin miễn kể nguyên văn Phạm ngữ, chỉ tóm tắt: – Ðức Thế Tôn liền dạy:

  1. Người hay sân hận, oán thù, bội ơn, hiểu lầm, xảo trá. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  2. Người làm hại chúng sanh – một kiếp hay là hai kiếp; không có Tâm thương hại chúng sanh; nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  3. Người đi làm hại kẻ khác, là thường đi cướp của giết người trong làng hay tông, người có tiếng như vậy thì nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  4. Người lấy của kẻ khác mà người chủ của không cho, của ấy hoặc ở trong nhà hay ngoài rừng; nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  5. Người vay nợ, không chịu trả, nói rằng: không có thiếu nợ, rồi trốn bỏ nhà đi; nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  6. Người giết kẻ đi đường cướp của vì lòng tham lam, nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  7. Người bị lấy khẩu cung để làm nhân chứng, nhưng lại nói dối vì lý do của cá nhân mình, hay vì kẻ khác, hoặc vì tiền của (bị người mua chuộc). Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  8. Người tư thông với vợ kẻ khác hay vợ bạn qua tham ái hay bằng cưỡng bách, nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  9. Người có thể (nuôi cha mẹ được), nhưng không phụng dưỡng cha mẹ già thì nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  10. Người đánh đập cha, mẹ, anh, chị, ông, bà, cha, mẹ, chồng, cha mẹ vợ; nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  11. Người mà có người khác đến hỏi việc có lợi ích (hay việc từ thiện) mà lại nói chuyện vô ích, hay nói tránh chuyện khác. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  12. Người làm chuyện tội lỗi xấu xa, nhưng trái lại muốn rằng ai cũng chẳng nên biết việc làm xấu xa của ta. Người ấy che đậy tội lỗi của mình. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  13. Người khi đến nhà kẻ khác được ăn uống sạch sẽ: khi người đến nhà mình thì không trọng đãi lại. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  14. Kẻ dối gạt được các bực Sa Môn, Bà la môn, tu sĩ, bằng lời nói. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  15. Khi đang ăn uống chửi rủa các bực Sa Môn, Bà la môn, trái lại cũng chẳng cúng dường chi cho các vị ấy. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  16. Người trong thế gian này vì si mê nên muốn được đồ vật của kẻ khác; đồ ấy không đáng giá, mà lại khoe khoang đặc ân cao quí của mình mà thật ra thì không có đặc ân cao quí gì hết. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  17. Người chỉ biết tâng bốc mình, chê bai kẻ khác vì bởi lòng ngã mạn. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  18. Người cương ngạnh cứng đầu ham muốn nhiều, nhưng trái lại bỏn xẻn keo kiệt mà hay khoe khoang; không biết hổ thẹn, và không biết sợ tội lỗi. Nên biết rằng: đó là người đê tiện.
  19. Kẻ phỉ báng Ðức Phật, phỉ báo các bực xuất gia hay là người tại gia đệ tử Phật. Nên biết rằng: đó là kẻ đê tiện.
  20. Kẻ nào tự mình không phải là A la hán, mà tự cho mình là A la hán. Nên biết rằng: kẻ ấy là người đê tiện.

Những kẻ nào ta thuyết đây đều là những kẻ đê tiện. Người đời không phải đê tiện vì dòng giống, không phải tự mình làm cao sang vì sanh vào dòng Bà la môn. Những người đê tiện hay cao sang cũng bởi do nơi nghiệp Lành và Dữ.

Con của người Chiên Ðà La sống với vật thực tự tay mình nấu lấy tên là Tanmãga, được uy quyền vĩ đại là nhà vua và hạng Bà la môn đem Long xa đến rước về thành, ông ta là người diệt được lòng tham ái, là hạng người được sanh vào cõi Phạm thiên. Dòng giống không thể ngăn ông Tanmãga sanh vào cõi Phạm thiên hay dòng Bà la môn được. Những người dòng Bà la môn làm tội thì cũng bỉ chỉ trích trong kiếp này và kiếp vị lai phải sanh vào Ác đạo. Người trong đời này không phải trở thành người Ðê tiện hay sang hèn đều do nơi sự hành động của mình.

Sau khi nghe thời pháp, ông ta rất hoan hỷ với giảo pháp của Ðức Thế Tôn. Ông liền đảnh lể và nói: Bạch hóa Ðức Thế Tôn thật pháp của Ngài hoàn toàn minh bạch; làm cho tôi sáng ra như kẻ mù lòa được ánh sáng, như người đốt đuốc trong nơi tối tăm. Xin Ngài cho tôi Qui y tam bảo kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời.

Những xóm nhà ở núi Kalakutta gần Vương Xá thành là những xóm của hạng người Chiên đà la ở. Nơi ấy trước kia là nơi hoang vu, những người ấy trong thấy người nào khác giòng họ đều lánh mặt, hay nói đúng là trốn, vì người thời ấy thường hay hiếp đáp đánh đập người Chiên đà la như con thú biết nói.

Sau khi Ðức Thế Tôn thành đạo, Ngài đi vân du khắp mọi nơi không phân giai cấp và giống dân, nên Ngài có ngự đến những xóm ấy dạy đạo. Những người ở xóm ấy hiểu lý đạo nên thay đổi đời sống lại, có tổ chức thôn xóm và có bầu Trưởng thôn, Xã v.v..; nhà của làng xóm khang trang thật đẹp mắt.

Ngày nọ, có một nhóm lái buôn đi ngang qua thôn, xóm ấy, thấy nhà cao, cửa đẹp, thật là cảnh đẹp. Những người lái buôn ấy lấy làm lạ, mới hỏi ông Trưởng ấp rằng: Thưa ông, cách đây mấy năm tôi có đi ngang qua rạng núi này, nơi đây là nơi hoang vu, những người nơi đây thấy chúng tôi đều lánh mặt, không vậy cũng tránh xa. Nhưng hiện tình nay, thì tôi lấy làm lạ là nơi đây có nhà cửa khang trang tốt đẹp, đời sống của người nơi đây thật sung túc; thật chúng tôi lấy làm hài lòng với đời sống của các ông. Nhưng tại sao quý ông lại mặc đồ trắng khác hơn trước đây?

Ông Trưởng ấp đáp: Thưa ông, trước kia chúng tôi là hạng Chiên đã là, là giai cấp thắp hèn nhứt trong các giai cấp ở xã hội này, nay chúng tôi đã giải thoát giai cấp ấy, nên chúng tôi tu chỉnh sửa chữa, sự hành động cách ăn mặc, và nhà cửa lại cho thích hợp với nếp sống mới của chúng tôi.

Những người lái buôn lấy làm lạ hỏi: Thưa ông Trưởng ấp, các ông giải thoát khỏi giai cấp Chiên đà la, vậy hiện nay các ông là giai cấp gì?

– Thưa ông, các ông có biết Ngài Ðại Sa môn Cồ Ðàm là vị Chánh đẳng Chánh giác không?

– Làm gì mà chúng tôi không biết, Ngài là đấng Chí Tôn của chúng tôi.

– Hiện nay chúng tôi đã sanh vào giai cấp Phật tử; chúng tôi là người ở ngoài giai cấp trong xã hội này. Lúc nọ, Ðức Thế Tôn có ngụ qua nơi này, chúng tôi trốn tránh Ngài, Ngài không cho chúng tôi tránh Ngài được và cũng dạy không cho chúng tôi trốn tránh ai hết. Ngài xưa kia là vị Ðế Vương khi còn tại gia, và hiện nay là vị Pháp vương cao hơn các Ðế Vương và các giai cấp trong xã hội này. Ngài dạy chúng tôi cũng không nên trốn tránh Ngài và càng phải gần Ngài hơn. Ngài cho gọi hết tất cả chúng tôi đến, dạy pháp giải thoát phiền não trong thâm tâm, và giải thoát khỏi giai cấp Chiên đà la này. Ngài dạy chúng tôi tu chỉnh hành vi và sửa sang nhà cửa cho khang trang, mặc đồ cho sạch sẽ, bên trong là phần tinh thần, bên ngoài là vật chất cho hoàn toàn trong trắng như đồ trắng mà chúng tôi mặc đây.

– Vậy Ðức Thế Tôn dạy các ông những gì xin các ông vui lòng kể lại cho chúng tôi nghe với.

– Ngài dạy chúng tôi đủ mọi việc từ cách cư xử của một người cho đến một xã hội phải thương yêu nhau, tóm lại là Ngài dạy hạnh phúc của người trong kiếp này và kiếp vị lai, trên ấy nữa là hạnh phúc vĩnh viễn là Niết-Bàn. Có một điều đáng nhớ nhứt là Ngài dạy chúng tôi, kiếm đủ các loại cây trông rừng lại chất đống, loại nào theo loại ấy, xong xuôi, Ngài bảo chúng tôi phải đốt những đống cây ấy lên một lượt. Khi lửa cháy ngài chỉ chúng tôi và dạy rằng: mặc dầu cây khác giống nhau, nhưng khi đốt cháy thì ngọn lửa và ánh sáng giống hệt nhau, không khác gì hết; người sanh ra trong đời này đều có vui, buồn như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ hành vi Ác và Thiện mà thôi. Nếu người làm việc dữ thì bị quả khổ, người làm lành được hưởng quả an vui. Trong giáo pháp của Ðức Như Lai không có giai cấp, nhưng chỉ chú trọng hành vi tốt, xấu, của người mà thôi. Vì vậy đã là con người thì ai ai cũng như nhau không phân giai cấp, mọi người đều có quyền tự do, bình đẳng mọi người đều có quyền xuất gia hành Phạm hạnh. Nếu không thể xuất gia được thì phải hành đúng theo Chánh Pháp của một người Cư sĩ là phải có Ngũ giới và phải có lòng Từ Bi, giúp đỡ người, tóm lại phải tránh xa các Ác pháp.

Ðức Thế Tôn có dạy, lúc nọ, nhằm mùa đông; có một thầy Bà la môn đến bạch hỏi Phật rằng: Bạch Ngài Sa Môn Ngài thuộc giai cấp nào trong xã hội nầy?

Ðức Thế Tôn đáp: Thầy Bà-la-môn, thầy không nên hỏi về giai cấp, nên hỏi về hành vi của người là hơn.

Theo lời Phật dạy đây, chúng tôi hiểu rằng: sự quan trọng của Phật giáo không phải ở giai cấp mà ở chỗ hành vi cao quí. Kể từ ngày ấy đi, chúng tôi thấy chúng tôi phải tự cải thiện từ cách ăn ở, đến hành động cho trọn lành, để cho xứng đáng làm đệ tử Phật. Vì vậy chúng tôi phải sửa chữa nhà cửa khang trang, tổ chức bầu cử trưởng ấp và bắt buộc mọi người ít lắm phải có Ngũ giới, hay cao hơn, là phải có Bát quan trai giới. Những người nào làm việc không lành nghĩa là phạm vào giới cấm thì bị trục xuất khỏi nhóm của chúng tôi, trừ khi biết tu chỉnh tánh tình lại thì mới được trở lại ở cùng xóm với chuùng tôi.

Thưa các ông vì những lẽ trình bày trên nên chúng tôi nói chúng tôi là người ở trong giai cấp ngoài các giai cấp có trong xã hội này từ xưa nay, xã hội của chúng tôi là một xã hội trọn lành yêu thương nhưng giúp đỡ nhau, tìm chân lý giải thoát.

Hãy xem, dòng Thích Ca là dòng tự cao tự phụ lòng ngã mạng hơn tất cả người trong thời ấy. Nhưng khi vào xuất gia sau ông thợ cạo (Ngài U ba li) của mình trong một khoảnh khắc mà phải kính trọng Ông ấy và phải gọi là Ngài hay sư huynh, Ðức Thế Tôn có chế ngự điều luật mà tất cả người xuất gia phải tuân theo. Vì tất cả nước ở các con sông trên địa cầu này, chảy ra đến biển đều trở thành một màu và một vị là xanh và mặn, cũng như người trên thế gian này có nhiều dòng nhưng khi xuất gia rồi chỉ là một vị Tỳ khưu hành theo chánh pháp mà thôi, chớ không còn giai cấp gì của xã hội bên ngoài nữa.

Ngoài ra, Ðức Thế Tôn còn dạy người trong xã hội phải thật hành những pháp đối đãi với nhau để gây cảm tình thương mến nhau mãi mãi không bao giờ quên nhau. Những pháp ấy phạm ngữ gọi là Sãrãniyadhamma nghĩa là: pháp là nguyên nhân làm cho người hằng thương nhớ nhau, kính mến nhau không gây gỗ nhau và hòa hợp nhau. Khi người trong xã hội ai cũng hành đúng theo 6 pháp này thì xã hội ấy sống trong cảnh an vui hạnh phúc tràn trề, không có sự oán ghét, thù hận nhau và xã hội ấy có một sức mạnh vô lượng vô biên là khi đã thương yêu nhau thì không bao giờ bỏ nhau, khi không bỏ nhau thì người này có chuyện chẳng lành xảy ra, thì không ai bỏ cho phải đau khổ một mình, mọi người đều đến giúp đỡ, như vậy người đã có được một sự đoàn kết chặt chẽ, khi có sự đoàn kết chặt chẽ chính là có một sức mạnh vô biên vậy.

Sáu Pháp ấy là:

Pháp thứ nhứt: Mettãkãyakamma

Nghĩa là làm việc gì cũng làm bằng lòng Từ ái. Câu này ý dạy người vì thương nhau nên giúp đỡ nhau bằng tất cả tấm lòng chân thành, không mong cầu sự trả ơn hay chi chi hết, nhứt là không nghỉ đến số tiền thù lao. Tóm lại sự giúp đỡ công hay của, cũng giúp đỡ bằng lòng tương trợ nhau, với tấm lòng thương yêu quí mến nhau như người thân mà thôi. Người mà giúp đỡ kẻ khác bằng lòng Từ ái không vì tư lợi, là người đã gây được cảm tình với người mà đã ra công giúp đỡ. Chắc chắn rằng: mình đã gieo được một mầm thương mến của mình trong lòng kẻ khác. Người ấy chắc chắn không quên, và hằng nghĩ cách trả ơn lại.

Pháp Thứ Nhì: Mettãvacĩkamma

Nói lời Từ ái. Nghĩa là trước mắt hay sau lưng mọi người, không bao giờ nói chuyện gì của người khác, và dùng lời bất nhã làm cho người bị nói nghe lại phát sanh sự bất bình, hay tức giận, rồi cột oan trái oán thù. Người nói lời Từ ái là người hằng nhắc nhở người làm lành, hay chỉ đường lối, làm việc lành, nếu không hợp với lẽ đạo cũng tránh khỏi phạm vào tội lỗi của thế gian. Khi người nói được như thế là gây thêm nhiều mỹ cảm với người khác.

Pháp Thứ Ba: Mettãmanokamma.

Suy nghĩ việc gì cũng nghĩ bằng Tâm Từ, nghĩa là người ấy không bao giờ nghĩ ác, mặc dầu ai làm cho tức giận, nhưng không bao giờ có nghĩ đến sự làm cho người ấy bị tai nạn hay bị tổn thương, luôn luôn đối với người thù cũng như là đối với quyến thuộc vợ con trong nhà. Người này có lòng khoan dung và tha thứ cho mọi người, không bao giờ đem sự tức giận vào lòng. Khi Ðức Thế Tôn còn là vị Bồ Tát Ngài đối với người thù oán ngài làm hại Ngài cũng như con Ngài. Vì vậy nên khi Ðề Bà Ðạt Ða sắp chết có nói với các thầy Tỳ khưu theo ông rằng: – Mặc dầu, ta làm hại Phật nhiều phen như vậy nhưng Ngài vẫn đối với ta một tấm lòng thương mến như chính Ngài thương con Ngài là ông Ra-hầu-la vậy. Lòng từ bi của Ngài đối với chúng sanh như mặt quả Ðịa cầu. Vì mặt quả địa cầu không bao giờ giận hay ghét ai và không bao giờ trả thù ai hết.

Nếu người đời ai cũng có Tâm Từ như Ðức Phật thì tức nhiên người ấy không có nhiều oan trái oán thù, gây tình cảm với mọi người, thì quanh mình người ấy bao bọc một Ðức lành ác pháp bất khả xâm phạm. Người sống thật an vui hạnh phúc. Người có đầy đủ lòng Từ, từ nơi lòng mình xuất phát ra thì khiến cho người quanh mình được ảnh hưởng mát mẻ.

Những người hành theo đúng với lòng Từ thì được 8 điều hạnh phúc hay gọi là quả báo lòng từ:

  1. Sukham Supati: Ngủ được yên giấc.
    2. Sukham Patibujjhati: Thức giấc cũng được an vui.
    3. Na Pãpakam supinam Passati: Ngủ không có ác mộng.
    4. Amanussãnam Piyo Hoti: Phi nhơn (ma quỉ) cũng yêu thương.
    5. Manussãnam Piyo Hoti: Người ai ai cũng thương yêu quí mến.
    6. Devatãrakkhanti: Chư thiên thường hộ trì mọi nơi.
    7. Nãssa Aggivã Visamvã Satihamvã Kamati: Lửa, thuốc độc, khí giới không thể xâm phạm được.
    8. Uttarin Appativijjhanto Brahmalokũgohato: Khi chưa đắc được đạo quả Niết Bàn cũng được sanh vào cõi Phạm Thiên.

Tôi xin nhắc lại một tích một vị Tỳ khưu hành hạnh Từ được chư thiên yêu mến.

Có một vị Tỳ khưu học Thiền định về đề mục Từ. Ông vào ở một nơi nọ trong rừng. Khi hành một hạ xong, ông mới định đi ở nơi khác. Sáng ngày, ông định đi, ông nghe tiếng người than khóc lấy làm lạ hỏi rằng: Tiếng ai than khóc đó?.

Có tiếng đáp: Bạch Ngài, chúng tôi là thọ thần ở rừng này.

Ngài hỏi: Tại sao các người lại khóc?

– Bạch Ngài, trước khi Ngài đến ở nơi này, chúng tôi thường gây gổ, và hay oán thù nhau, từ khi Ngài đến cư ngụ nơi đây, chúng tôi không còn gây gỗ nhau nữa, nhờ nơi sự rải lòng Từ của Ngài đến chúng tôi. Vậy xin tạm ở nơi này cho chúng tôi nhờ.

Vị Tỳ Khưu ấy, thấy nhờ lòng Từ mà làm cho Thọ thần giải được thù oán gây gỗ nhau, nên Ngài bằng lòng ở lại nơi ấy. Và Ngài đắc được quả Thánh cũng nhờ Ngài niệm lòng từ.

Ðây là quả báo mà ta thấy hiện tại. Và cũng là một trong bao nhiêu chuyện khác có trong kinh sách.

Pháp Thứ Tư: Lãbha.

Chia lợi lộc của mình cho người gần bên. Người đời vì lòng tham muốn còn, nên vẫn còn muốn sự giúp đỡ, vì thiếu hụt hoặc về vật chất hay tinh thần. Cũng có người, vì giàu có nên cũng không nhận thấy sự cần nhờ vả vào ai; nhưng rốt cuộc họ cũng cần phải nhờ, không việc này cũng việc khác, vì vậy ta có thể chia sự vật mà ta có được, thì nên chia, vì cái chia cho người khác dùng, những vật ấy không bao giờ mất, mà ta còn được tình thương của người khác.

Có câu Phật dạy “Dadam Mittani Ganthati”, nghĩa: Người thường đem của mình ra cho thì hằng có nhiều bạn. Người nếu thường cho kẻ khác thì thường được người giúp đỡ mến thương. Theo Phật dạy khi mình cho ai món gì là mình gieo trong lòng họ một việc tốt đẹp. Vậy lòng người là một mảnh đất có nhiều màu mỡ, khi ta gieo hột giống nào rồi chắc chắn sẽ không bao giờ mất, một khi nào đó, ta lại được gặt hái quả ấy không sai vậy. Sự chia của mình ra cho người là một hạnh của các bực Trí thức nhứt là hạnh Bồ-Tát.

Pháp Thứ Năm: Sila.

Nghĩa là Trì giới. Giới của Phật giáo là những điều mà người lương thiện cần phải có. Người có giới Ðức là người có thân khẩu được trọn lành là không sát sanh, trộm cướp. Tà dâm vọng ngữ nói đâm thọc, nói là vô ích, chửi rủa, mắng nhiếc, và uống rượu say sưa. Thì thử nghĩ xã hội ấy ra thế nào? Nếu người người đều có một trình độ như nhau thì chắc chắn sẽ được nhiều an vui hòa thuận. Người trong gia đình vợ chồng con cháu đều có những cử chỉ như nhau thì chắc không bao giờ có sự ngờ vực và oán ghét nhau.

Pháp Thứ Sáu: Kiến hòa.

Nghĩa là người ở chung nhau cùng có một ý kiến như nhau, nghĩa đồng cùng một ý tưởng, người trong nhóm mà ai ai cũng đồng lòng nhau thì chắc chắn không còn có một sức mạnh nào có thể làm cho nhóm ấy bị hại, hay nói cho đúng là nhóm ấy có một sức mạnh khó có ai làm tan rã được. Ðây là một nguyên nhân mà người trong xã hội nhỏ là gia đình và người trong xã hội bực trung là một sở nào, hay người trong xã hội lớn là một nước cần phải có Ðồng ý kiến nhau mới làm nên việc.

Ðây là Sáu pháp làm cho người ta thương tưởng và nhớ nhau không ngày quên nhau. Vậy người tại gia cũng nên hành theo để đem lợi ích cho mình và cho người trong xã hội.

Ngoài ra Ðức Thế Tôn còn dạy người trong xã hội phải hành bốn pháp, Phạn ngữ gọi là Sangaha nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau. Sangaha giúp đỡ ấy có bốn pháp là:

Pháp Thứ Nhứt: Dãna

Nghĩa là Bố Thí, âm Ðàn-na. Bố thí đây có nghĩa là cung phụng, tặng, giúp đỡ.

  1. Bố thí có nghĩa là Cung phụng, là con có phận sự phải phụng dưỡng mẹ, cha bằng cách đem đến cho quần áo, thuốc men, vật thực; mùng mền v.v… nói tóm lại là những gì mà mình cần dùng là cha mẹ cần dùng, con có hiếu nên nghĩ đến cha mẹ già trước, khi còn dư ở cha mẹ mới tới mình. Ðây là cho, hay nói một cách khác là Cúng Dường đến cha mẹ.
  2. Tặng. Có nghĩa là người chồng tốt, người vợ hiền, thường thấy vật gì lạ mua về cho vợ, hay cho chồng. Khi đi xứ xa lạ hay nơi nào lạ thấy có món gì ngộ, đẹp, mua về tặng cho vợ, hay cho chồng, hoặc đối với bạn bè đi xa về thường có quà tặng.
  3. Giúp đỡ. Có nghĩa là thấy nguời thiếu thốn không nói là lạ hay quen, gìa hay trẻ, trai hay gái đều hết lòng giúp đỡ tiền bạc hay công mình. Những việc giúp đỡ của mình không làm hại đến người nào khác và cũng chẳng hại chi đến mình.

Sự giúp đỡ thường mỗi người có một lý do khác nhau là:

  1. Vì lòng thương hại người thiếu thốn, giúp đỡ để đắp vào sự thiếu thốn của người, đây cũng có lý do bởi có lòng Từ.
  2. Giúp đỡ vì nghĩ rằng: Người này là người cùng quê hương với ta. Người này là quyến thuộc ta. Người này là đồng bào ta.
  3. Giúp đỡ vì muốn đứt lòng bẻn xẻn, và không ham muốn chứa chấp của cải thêm.
  4. Giúp đỡ không còn nghĩ phân biệt giòng giống giai cấp, người tu hay hạng người nào. Người hạng này muốn bố thí vì nghĩ thấy rằng: Của cải mà ta đã có đây, ngày nào đó nó sẽ mất đi, vì trộm cướp, cháy, trôi, hay ta chết cũng không đem theo được. Nghĩ đến lời Phật dạy, người đang ở trong cái nhà đang cháy nên cố đem của cải trong nhà ấy ra để tạo một cái nhà khác. Cũng như người sống trong những giờ phút tiêu lần tuổi thọ, nên cố làm việc lành để đem của cải ấy về ngày vị lai. Người hạng này phần lớn là đệ tử Phật.

Nếu người trong đời này đều nghĩ như những người kể trên, gom của cải ra cho người nghèo khổ thiếu hụt, thì đời được tươi sáng hơn nhiều, và cũng là nhân gây nên hạnh phúc cho mình cho người cùng một xã hội.

Người đời đã không cho ra được mà còn muốn thâu vào thêm càng nhiều càng hay, nên thường hay gây ra thù oán ganh t�, làm hại nhau; không bao giờ chịu giúp nhau. Sở dĩ mà có những điều kể trên vì con người có tánh tham lam. Người đời từ khi sanh ra đến lớn, phần lớn đều học tiếng Thâu hơn là nghe tiếng Xuất. Nghĩa là người chỉ học làm ra tiền và cất đó, chớ không có học làm lành, là đem của mình đã có ra cho. Chỉ có Phật giáo có phương pháp lạ hơn hết là người đệ tử Phật phải học cách Cho trước hết; ý nói người Phật tử đều học cách Bố Thí. Và phải có Bố Thí càng nhiều càng hay.

Người thường đem của mình ra cho thì được 5 điều quả báo.

  1. Piyo: được nhiều người thương yêu mến chuộng.
    2. Bhajo: Các bực trí thức hằng đến giao thiệp.
    3. Kitti: Có tên tuổi tốt, đi đến nơi nào cũng có người tiếp rước, kính mến.
    4. Visãrato: Ở nơi nào cũng không thấy hổ thẹn hay sợ sệt việc gì.
    5. Sugatin Gacchati: Sau khi chết được sanh về cõi trời.

Pháp Thứ Nhì: Piyavãcã

Nói lời dịu ngọt. Lời nói thế nào gọi là nói dịu ngọt? Tại sao phải dùng lời nói dịu ngọt? Phàm người đời ai ai cũng thích lời dịu ngọt vì lời dịu ngọt làm cho người nghe có cảm tưởng vui vẻ và không bị người khinh bỉ hay coi thường. Lời nói dịu ngọt là lời nói êm ái, như nói với người nhỏ hơn gọi là em, cháu, con. Còn ta xưng là anh, chú, chị, cô, dì v.v… Nơi đây tôi xin nhắc lại chuyện bốn người con của bốn vị trưởng giả.

Lúc quá khứ, có bốn người con của bốn ông Trưởng giả ở thành Bãrãnasĩ rủ nhau vào rừng chơi. Khi ấy gặp một người thợ săn đang chở đầy một xe thịt rừng đem vào thành bán. Bốn người ấy muốn xin thịt và đánh cá nhau coi ai xin được thịt ngon.

Người thứ nhứt kêu: Nè tên thợ săn hung dữ kia ơi, ngươi nên cho ta xin một ít thịt.

Người thợ săn ấy nghe câu nói không êm tai và đáng ghét ấy, mới lấy thịt chỗ dai nhứt của con thú cho con ông Trưởng giả.

Người thứ nhì kêu: Này anh thân yêu, xin anh cho tôi một ít thịt với nào.

Người thợ săn nghe câu ấy làm vừa lòng và cảm thấy như chính em của mình xin thịt. Anh ta liền cắt lấy thịt đùi cho con ông trưởng giả thứ nhì.

Người thứ ba kêu: Cha ơi! Cho con xin miếng thịt với.

Người thợ săn lấy làm cảm động; tìm lấy quả tim cho con ông Trưởng giả.

Ðến người thứ tư nói: Này ông bạn thân mến của tôi ơi, xin ông vui lòng cho tôi xin một miếng thịt ăn với nào.

Lời nói ấy làm cho người thợ săn có cảm tưởng thật là thấm thía và lòng thương mến của con ông Trưởng giả sánh lên thật mạnh. Người thợ săn liền mời con ông Trưởng giả lên xe chở về nhà đãi một bữa ăn toan thịt rừng thứ ngon nhứt.

Sau khi ăn uống xong. Con ông Trưởng giả cho anh thợ săn một số vốn thật lớn để anh ta đổi nghề. Và dạy anh thợ săn ấy không nên làm nghề giết hại thú nữa. Con ông Trưởng giả ấy chính là tiền thân của Ðức Thích-Ca Mâu-Ni.

Khi thuyết xong tích này Ðức Thế Tôn dạy, người đời thương yêu hay thù oán nhau cũng do nơi lời, nếu nói lời dịu ngọt thì ai cũng thương mến và hết lòng giúp đỡ.

Chú giải có dạy thêm: Người đệ tử Phật, bao giờ cũng không nên quên mình mà dùng lời bất nhã với ai hết, mặc dầu người ấy là hạng người kém hơn mình đủ mọi phương diện. Sở dĩ con ông Trưởng Giả thứ nhứt được thịt bầy nhầy là vì ông ta nói lời không êm tai chút nào hết. Người thứ tư được người thợ săn tiếp rước đặc biệt, chiều chuộng mến thương cũng vì lời nói dịu ngọt.

Sở dĩ người thợ săn yêu thương người con ông Trưởng giả vì ông ta dùng tiếng Bạn. Người thời xưa chuộng tiếng Bạn. Vì Bạn ở tiếng Phạn gọi là Mitta, mà tiếng Mitta từ tiếng Metta, “Tâm Từ Ái” mà ra. Tiếng Mitta (bạn) của Phạn ngữ có chứa một ý nghĩa là sự thương yêu do lòng Từ mà ra, nghĩa là lòng yêu ấy không có lẫn phiền não, và sự thương yêu ấy hằng lo giúp nhau không nài lo khổ. Tình bạn này không bao giờ phản bội nhau.

Pháp thứ ba: Atthacariyã

Nghĩa là: Làm việc ích lợi cho mình và cho người khác.

Trong đời này, người ai ai cũng muốn làm lợi ích; nhứt là lợi ích cho mình. Cũng vì ích kỷ muốn làm lợi ích riêng cho mình; nên người thường bị thất bại nhiều hơn thành công. Cũng vì lòng ích kỷ muốn đem lợi ích về cho mình nên xã hội này không được an vui, và người sống trong xã hội không thật lòng thương yêu, quí mến nhau. Nếu người, ai ai cũng lo lợi ích cho mình và cũng nhân cơ hội nào đó làm lợi ích cho người, không ích kỷ, hay bớt lòng ích kỷ đi thì xã hội này sẽ đổi lại một đời sống hạnh phúc hơn, vì không thù oán và ganh ghét nhau.

Ðức Phật dạy sự hành động của con người có khác nhau là:

  1. Người chỉ biết làm lợi ích cho mình thôi, nhưng không bao giờ làm hại kẻ khác, mà cũng không giúp đỡ ai hết. Hạng này tạm gọi là khá, vì không có thù oán với ai, nhưng người đời thường không ưa, và nếu cần sự giúp đỡ thì thật là khó. Nếu có người giúp đỡ chăng thì phải trả tiền thù lao.
  2. Người hạng này đã làm lợi cho mình mà còn làm hại cho kẻ khác. Chẳng hạn như đầu cơ chợ đen, dùng uy quyền bóc lột kẻ yếu thế; người này thật ra chỉ biết lợi cho mình trước chớ không nghĩ thương hại ai cả.

Hạng người này sống giữa hận thù của người khác. Nếu có cơ hội thuận tiện thì không tránh khỏi trả thù. Hạng này các bực Trí thức hằng chê trách; và thường khuyên hàng đệ tử hãy lánh xa hạng ấy, và cũng chẳng nên lấy đó là gương vì là tấm gương nhơ đục.

  1. Hạng người này chỉ biết lo làm lợi ích cho kẻ khác, còn riêng mình thì có hại, hay không có hại cũng chẳng cần biết. Người hạng này thuờng bị người khôn ngoan hơn lợi dụng và khen tặng. Người này thích khen là anh hùng cá nhân. Chạy theo miếng mồi ảo mộng mà chặt lấy cái chết cho mình, không khác nào con thiêu thân thấy ánh sáng bay vào cho chết thôi.
  2. Hạng người này biết làm lợi ích cho mình mà cũng lo cho nguời. Có nghĩa là người hạng này làm gì cũng không hại mình mà cũng chẳng hại người, trái lại đem lợi ích cho mình và người. Người như thế mới gọi là người biết xử thế. Người biết hy sinh tùy theo hoàn cảnh không gọi là bị người lợi dụng.

Ðức Thế Tôn thường khen hạng này là hạng thức thời biết làm lợi cho mình và cho người khác. Người này sống trong hoàn cảnh nào, xã hội nào, cũng đều làm cho người quanh mình được hạnh phúc an vui và thương mến mình. Người không ích kỷ, ngã chấp thì tức nhiên không có oan trái, oán thù và người muốn làm hại. Nếu người trong xã hội này ai cũng thật hành như vậy, thì không những điều đáng tiếc xảy ra, xã hội có nhiều người như vầy, thì xã hội ấy chứa một tình thương bao la, là một Ðại Gia Ðình, một nơi không có hận thù, hay oán ghét nhau thật là hạnh phúc.

Sự làm lợi ích cho người nơi đây không phải có bao nhiêu của cải đem ra cho người hết mà chỉ chia phần ra chi tiêu. Ðoạn này xin giải ở đoạn sau, “Phật giáo đối với người Tại gia”. Người đời cũng có thể dùng Trí tuệ để giúp đỡ con người cũng gọi là sự giúp đỡ nhau.

Pháp thứ tư: Samanattatã.

Hòa mình với mọi người, và mọi hoàn cảnh. Con người vì lòng Tự cao, ngã mạng, khinh người, nên không bao giờ có thể hòa mình với mọi người khác giai cấp, có phong tục khác với mình. Người không thể hòa mình với hoàn cảnh là người không thức thời. Người không được người khác kính yêu và ủng hộ cũng vì không biết hòa mình với mọi hoàn cảnh.

Câu “Hòa mình” này có nhiều ý nghĩa là:

  1. Hòa mình với mọi người có nghĩa là có thể sống chung với mọi hạng người không phân giai cấp, không phân phong tục, không tỏ khinh người, chê hay tị hiềm.
  2. Tỏ ra sự tôn trọng việc làm của nguời, không dám tỏ vẻ gì là không vừa lòng.
  3. Nếu đang ở trên một địa vị cao sang cũng không tỏ vẻ khinh việc làm của một bộ lạc hay một nhóm người thiểu số, trái lại hòa đồng vui với việc làm của họ.

Người hòa mình được mọi hoàn cảnh là nguời sống được an vui, người diệt được nhiều phiền não như là ngã mạn; khinh người, tự cao v.v…

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app