PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

Thời kỳ Ðức Thế Tôn còn tại thế thuộc về thời kỳ Phụ hệ, hay cũng gọi là Phụ quyền…. Vì vậy hàng phụ nữ tại Ấn Ðộ thời kỳ ấy bị xem như là hàng thấp kém, nếu không nói như tôi đòi. Xã hội thời ấy, không nhìn nhận khả năng của hàng phụ nữ. Mặc dú trong gia đình, ông chồng cũng coi vợ nhà có quyền hạn gì hết.

Sau khi Ðức Phật thành đạo, Ngài không phân biệt giai cấp xã hội, và chế độ kỳ thị hàng phụ nữ cũng bị Ngài diệt bỏ luôn. Bằng chứng rõ rệt là Ðức Thế Tôn cho phép hàng phụ nữ xuất gia và cũng được liệt vào hàng tứ chúng.

Trong tạng Luật bộ, Culavagga, nói về Ðức Ananda vào xin Ðức Phật cho bà Gotami xuất gia. Sơ lược đoạn ấy như vầy.

Ðức Ananda bạch Phật xin rằng: – Bạch hóa Ðức Thế Tôn, khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài đã giáo truyền, những hàng phụ nữ ấy có thể đắc đạo từ quả từ Tu đà hườn đến quả A-La-Hán hay không?

– Ananda này, nếu hàng phụ nữ xuất gia hành đúng theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền, cũng có thể đắc đạo quả từ Tu-đà-hườn đến A-La-Hán.

– Bạch hóa Ðức Thế-Tôn, nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài có thể đắc Tu-đà-hườn đến A-La-hán, xin Ðức Thế-Tôn mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài. Hơn nữa, hơn nữa lệnh bà Gotami là người có công ơn rất lớn đối với Ngài, đã nuôi dưỡng và cho Ngài bú từng giọt sữa, đút từng vắt cơm, sau khi Phật mẫu đã băng hà.

Ðức Thế Tôn nhận lời của Ðại đức Ananda nhưng phải có điều kiện là phải thật hành theo Tám Trọng Pháp (xin xem quyển “Lịch sử Ðức Phật Cồ Ðàm” của tác giả).

Ngoài ra Ðức Thế Tôn còn khen nhiều vị tỳ-khưu ni có tài, như có tích ông Cư sĩ tên Visakha vấn nạn bà Tỳ-khưu ni tên là Dhammadinna về thiền định, bà trả lởi rất thông, nhưng ông không biết rằng có đúng hay không. Ông mời vào hầu Phật bạch những gì ông đã được nghe nơi bà Tỳ-khưu ni.

Ðức Thế Tôn mới dạy: Này ông Thiện nam Visakha, nếu ông hỏi Như Lai thì Như Lai cũng trả lời như con gái của Như Lai vậy. Rồi Ðức Thế Tôn ca tụng bà Tỳ-khưu ni Dhammadinna là một vị Thánh-nhơn, một vị pháp sư tài lổi lạc, có thể sánh với đệ tử tay mặt của Ngài là Ðại đức Xá-lợi-phất. Bà là vị đệ tử tay mặt về hàng Tỳ-khưu ni.

Sở dĩ ông Thiện nam không hiểu nổi câu trả lời của bà Tỳ- khưu ni, vì ông mới đắc A-na-hàm quả còn bà thì đắc A-la-hán quả, Bà lại thuyết về Thánh định thuộc về hạnh trên ông một bực.

Xin đừng hiểu lầm ông là thiện nam tên Visakha, còn bà nữ đại Thí chủ tên là Visakha.

Ðức Thế-Tôn cũng vẫn khen tặng những bà hiền nội trợ biết lo gia đình. Như có câu Phật ngôn: Bhariya Parama Sakha, vợ là người bạn quý nhất của chồng.

Riêng trong bài kinh Singalovadasutta có dạy bổn phận người chồng phải đối xử với vợ cho tương xứng sự cao quý của bà hiền nội trợ. Như vậy Phật giáo không coi hàng phụ nữ thấp kém hơn người nam, hay thiếu khả năng, hoặc có khả năng nhưng kém hơn người nam. Sự thật Phật giáo xem người đều có giá trị ngang hàng nhau, có tự do và quyền lợi như nhau.

Người đàn bà có đủ đức hạnh là người bạn quý nhất của chồng là người có thể giữ tài sản của chồng. Tôi xin nhắc lại Túc sanh truyện.

Khi xưa Ðức Bồ Tát sanh làm trưởng giả, ngài có gia đình và ngài có đi đánh bạc, nhưng canh bạc nào ngài cũng thắng luôn. Những tay cờ bạc bợm cũng phải chịu, không biết sao mà Ngài tài vậy. Khi ấy có một Bà-la-môn rất thông về thuật tướng số và biết nhiều chuyện huyền bí, ông ta bảo: sở dĩ mà ông trưởng giả thắng là ông nhờ sự trong sạch của bà hiện nội trợ, bà ấy có phẩm hạnh thanh cao nên khiến cho ông thắng cuộc. Những người ấy hỏi: Nếu muốn phá ông Trưởng giả phải làm sao?

Ông Bà-la-môn nói: Chỉ có cách phá phẩm hạnh của bà ấy.

– Phá bằng cách nào?

– Làm sao cho bà phạm một giới nhứt là giới tà dâm, vì nhà bà giàu có, không làm cho bà phạm giới gì được chỉ có giới tà dâm.

Bọn ấy mới chọn một thanh niên thật đẹp trai và nói năng lễ phép có đủ tư cách người quý phái, giả làm người đi buôn xin ghé ở nhờ, nhân cơ hội phá phạm hạnh bằng cách nào cũng được. Người thanh niên ấy làm y lời dặn của bọn ấy, nhời tài ăn nói khéo léo, đẹp trai sang giàu, làm cho bà trưởng giả phá giới. Khi bà bị phá giới thì Ðức Bồ-Tát bắt đầu thua đến sạch túi. Ông trở về nhà hay biết chuyện ấy lấy làm chán nản việc thế nhân, ông liền bỏ đi xuất gia. Vì vậy nên Ðức Thế-Tôn dạy: Người vợ hiền giữ được phạm hạnh hằng đem lại sự thành công cho chồng.

Nơi đây chúng ta thấy rằng: Ðàn bà là một người quan trọng trong gia đình. Nên Ðức Thế-Tôn dạy người đàn bà quí nhất là người biết tu hành giữ phạm hạnh. Người đàn bà có giới hạnh không khác nào một cái kho kiên cố giữ tài sản cho chồng. Giới đức đây ví như cái kho người hiền nội trợ là người giữ kho.

Ðôi khi ta cũng thấy một đôi chổ Ðức Thế-Tôn dạy răn những thói hư tật xấu của phụ nữ, như những người ngoại tình…. Chẳng riêng các bà, nếu các ông hư đốn không tu hành, hay làm việc tội lỗi, như hạnh Tỳ-khưu cũng bị Ðức Thế-Tôn chỉ ngay tội lỗi. Ta hãy xem có 7 hạng vợ và cũng có 7 hạng chồng, hạng tốt có xấu có. Dù Ðức Thế-Tôn có chỉ cái xấu của phụ nữ chăng nữa, chẳng phải Ngài muốn chỉ trích mà chỉ nói ngay sự làm không lành mà thôi. Như vậy thì Phật giáo không thiên vị người nam, ghét bỏ người nữ. Ngài xem ngang hàng nhau, chỗ khác biệt nhận thức của con người tu Phật là Thiệc và Ác mà thôi.

Trong Tam-tạng có ghi lời nói của chư đệ tử trong tập Theragatha có nghĩa là kệ ngôn của chư Ðại đức. Còn nếu của quý bà nói thì gọi là Therigatha, kệ ngôn của chư Tỳ-khưu ni. Thêm một lần nữa để quý bà thấy rằng Phật giáo không khinh trọng ai hết, mà chỉ khen việc làm là Thiện hay Ác mà thôi.

Trong bộ kinh Pháp-cú, đoạn Sahassavagga, chư thiên có khen cô con gái của ông trưởng giả rằng: không phải chỉ riêng có đàn ông là hàng trí thức, đàn bà người có Trí tuệ cũng là người Trí thức được.

Lý do có câu này là: Ngài nọ có cô con gái của vị Trưởng giả thành Savatthi (Thất-la-phiệt) vừa 16 tuổi, đang đứng trên từng lầu 7. Bỗng dưng cô thấy Ðao thủ phủ dẫn một tên tù nhân đến pháp trường. Cô thấy lòng yêu thương tên tù nhân ấy vô hạn, cô mới vào thưa với cha mẹ như ý của cô. Và cô nói: Nếu con không được người ấy làm chồng thì chắc chắn con phải chết.

Bà mẹ cô khuyên: Con ơi, con là con một Trưởng giả không thể có chồng hạng ấy được, con phải có chồng môn đăng hộ đối.

Mặc dầu cha mẹ nói sao cô cũng chẳng nghe theo, cô nằng nặc quyết rằng: Sẽ chết, nếu không được chồng là tù nhân ấy.

Vì có một người con gái, yêu thương vô tận, nên ông bà buộc lòng phải đưa tiền ra chuộc tên tử tội ấy về gả con.

Vì là tên tướng cướp hung tàn, nên không thể chịu nổi khuôn khổ của gia đình trưởng giả: phải nói năng lễ phép, không được uống rượu tự do. Anh chành thấy tù túng khó chịu; anh ta mới nghĩ kế giết vợ để cướp đồ châu ngọc bán đi và tha hồ mà chơi bời thỏa chí. Anh chàng mới giả dạng buồn. Con ông Trưởng giả thấy chồng buồn liền hỏi: Tại sao xem anh buồn rầu như vậy? Có chuyện gì xảy ra chăng?

Tên tướng cướp đáp: Có gì đâu em.

– Vậy cha mẹ em giận và rầy la anh chăng?

– Cũng không.

– Vậy vì lý do nào mà anh buồn quá vậy?

– Em ơi! Khi anh bị đem ra pháp trường, anh có khấn với thần linh ở quả núi kia rằng: Nếu nhờ oai đức Thần linh cho tôi được thoát nạn này, tôi xin cúng dường trọng thể.

– Ồ! Tưởng chuyện gì quan trọng, chớ chuyện ấy thì có gì mà anh phải phiền muộn. Vậy anh cần cúng dường những gì bảo em, em lo chu đáo.

– Có gì đâu, anh chỉ cần cơm đề-hồ và đồ để cúng dường mà thôi.

– Chuyện ấy có gì khó đâu, để em lo cho.

Cô lật đật đi lo cho đầy đủ mọi việc cần của chồng. Xong cô liền đến bảo chồng rằng: – Công việc đã xong rồi. Vậy chúng ta đi thôi.

– Em hãy trang điểm cho thật sang, đeo vòng vàng kim cương châu ngọc vào, chúng ta cúng dường xong, chơi chiều về. Nhớ khi đi đến nơi cúng tế, em bảo người nhà về để hai chúng ta ở chơi nơi ấy.

Con ông Trưởng giả bằng lòng không nghi ngại chi hết. Khi đến cái hố để xô kẻ tử tù xuống, người chồng bảo vợ: Hãy bảo người nhà về hết đi chúng ta hành lễ.

Cô ta vâng lời. Khi người nhà về hết tên tướng cướp ngồi yên không làm gì hết. Cô mới hỏi: Người nhà đã về hết rồi tại sao anh ngồi lặng thinh không lo cuộc lễ?

– Ta nào có cúng vái thần linh đâu!

– Tại sao vậy?

– Ta chỉ cần, đưa ngươi đến đây để giết ngươi cướp lấy đồ trang điểm của ngươi mà thôi.

Cô ta nghe vật lấy làm kinh khủng và năn nỉ rằng: Anh ơi! chính vật quý giá nhất là thân tôi đã giao cho anh rồi, thì của này còn giá trị gì đâu, anh cứ cầm lấy mà dùng tùy thích.

Mặc dầu có nài nỉ van xin thế nào, tên tướng cướp nhất định phải giết cô mà thôi. Cô liền ngâm câu kệ: Giây chuyền vàng ngọc quý giá này, anh hãy cầm lấy và tha chết cho tôi.

Tướng cướp nói: Nếu ta tha cô, cô đi báo quan ta không khỏi chết! Liền ngâm câu kệ: Cô đừng cầu khẩn van xin chi cho uổng công, mau mau cởi châu ngọc ra chịu chết.

Cô nghĩ: Ồ! Thật là ác nghiệp này ta không thể chịu được, vậy phải dùng thủ đoạn mới được.

Cô liền nói với tướng cướp rằng: Anh ơi! khi anh là tướng cướp bị đem ra pháp trường, lúc ấy tôi yêu cầu cha mẹ tôi chuộc anh về, từ ấy tôi hết lòng làm một người vợ hiền, không hề sai phận sự làm vợ, vậy giờ này là giờ chót anh cũng nên vui lòng để cho tôi làm tròn phận sự hiền nội trợ.

Tên tướng cướp bằng lòng. Cô liền đi quanh mình tướng cướp và mỗi hướng lạy một lạy. Khi ấy tên tướng cướp ngồi ngó mặt phía hố, đến lượt lạy sau lưng cô ta thình lình đẩy tướng cướp rớt xuống hố.

Chư thiên ngự gần nơi ấy thấy và nghe rõ tự sự nên mới khen cô câu kệ nói trên. Chuyện này còn rất dài nhưng đây tôi chỉ nhắc để thấy rằng: Người phụ nữ cũng có đủ trí tuệ khả năng cứu mình được. Về sau, cô xuất gia là Tỳ-khưu ni, là một vị Thánh-nhơn và cũng là một vị pháp sư lừng danh vậy.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app