Tiêu đề 13- Trí hiểu rõ về thức (viññāṇa).
Chánh kinh.
ChưHiền, thế nào là thức (viññāṇa), thế nào là tập khởi của thức, thế nào là đoạn diệt của thức, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức?
Chư Hiền, có sáu loại thức này: Nhãn thức (cakkhuviññāṇaṃ), nhĩ thức (sotaviññāṇaṃ), tỷ thức (ghānaviññāṇaṃ), thiệt thức (jivhāviññāṇaṃ), thân thức (kāyaviññāṇaṃ), ý thức (manoviññāṇaṃ).
Từ tập khởi của hành (saṅkhārasamudayā) có tập khởi của thức, từ đoạn diệt của hành có đoạn diệt của thức; và Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt của thức, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Giải.
Viññāṇa được phân tích thành VI (đặc biệt) +Ñāṇa (biết), nghĩa là “biết đặc biệt”, đó là sự biết đơn thuần, không phải là sự biết của tưởng hay sự biết của trí. Như người lần đầu biết được cảnh vật.
Pāli có giải thích:
“Vijānātī’ti = viññāṇaṃ.
Hiểu biết đặc biệt là thức”[78], (jānāti là hiểu biết, vi là đặc biệt)
Bốn ý nghĩa thực tính của thức là:
– Trạng thái: Biết cảnh (cách đặc biệt) (vijjānanalakkhaṇaṃ).
– Phận sự: Hướng đạo cho các tâm sở và sắc nghiệp (pubbaṃ gamarasaṃ).
– Thành tựu: Nối liền (chặng trước và chặng sau) (paṭisandhipaccupaṭṭhānaṃ).
– Nhân cần thiết: Có Hành (saṅkhārapadaṭṭhānaṃ) hoặc Vật và Cảnh (vatthārammaṇapadaṭṭhānaṃ).
Giải.
– “Biết cảnh đặc biệt”.
Là cái biết đơn thuần, cái biết không do nhớ lại, cái biết không có trí tham dự.
Cái biết của thức ví như người mới biết cảnh lần đầu, cho dù sau này có nhận lại cảnh đó thì “sự biết như buổi ban đầu không thay đổi”, nếu như nhớ rằng “cảnh này đã từng biết”, thì đó là cái biết do tưởng, nếu như có sự nhận xét “cảnh như cũ, cảnh đổi khác”, đó là cái biết do trí.
– “Hướng đạo các tâm sở và các sắc nghiệp”.
Như Phật ngôn: “Manopubbaṃgamā dhammā, mamoseṭṭhā mano mayā.
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo”.
Các pháp ở đây chỉ cho tâm sở và sắc nghiệp.
–“Nối liền”.
Là tâm này diệt đi, tâm khác sinh lên ngay không gián đoạn.
Khi kiếp sống cũ vừa chấm dứt, tâm sinh lên nối tiếp ngay (ngoại trừ bậc Alahán viên tịch), khởi điểm cho kiếp sống mới, tâm nối liền hai kiếp sống cũ và mới có tên gọi paṭisandhiviññāṇa (Thức nối liền hay thức tục sinh).
– “Có hành (saṅkhāra)”.
Là có nghiệp đã tạo trong quá khứ, nghiệp đã tạo là bất thiện, gọi là phi phúc hành.
Nghiệp đã tạo là thiện gọi là phúc hành. Nghiệp đã tạo chỉ thành tựu danh pháp, không thành tựu sắc pháp trong tương lai, gọi là bất động hành.
Có một loại nghiệp cho cho thành tựu sắc, không thành tựu danh trong tương lai, đó là nghiệp Vô tưởng, nghiệp này được quy vào phúc hành.
“Có vật”.
Trong cõi ngũ uẩn, tâm sinh lên phải nương trú vào vật (vatthu), nên vật là điều kiện trợ giúp cần thiết cho tâm sinh lên.
Nhãn vật giúp nhãn thức sinh khởi, nhĩ vật giúp nhĩ thức sinh lên… sắc ý vật trợ cho ý thức sinh lên.
Tóm lại, có 6 vật trợ giúp cho sáu thức sinh khởi.
“Có cảnh”.
Đặc tính của tâm là “biết cảnh”, cảnh ở đây nói gọn là 6 cảnh: Cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp.
Có sáu loại thức là:
1- Nhãn thức (cakkhuviññāṇa).
Là cái biết do nương vào mắt, hay thức phát sinh và nương trú ở mắt (thần kinh nhãn – cakkhupasāda).
Nhãn thức là sự nhận biết cảnh sắc hay cảnh sắc là đối tượng bị nhãn thức nhận biết.
Tuy cảnh sắc vẫn bị các tâm khác biết, nhưng nếu không có nhãn thức sinh lên trước tiên để nhận biết cảnh sắc thì các tâm khác không thể nhận biết cảnh sắc, như người mù bẩm sinh chẳng hạn. Người mù, ngoại trừ nhãn thức vẫn có những tâm khác, nhưng bao giờ còn mù người ấy không bao giờ biết cảnh sắc. Điểm đặc biệt của nhãn thức là đây.
Có hai loại nhãn thức: Một là quả dị thục bất thiện (akusalavipākaṃ), một là quả dị thục thiện (kusalavipākaṃ).
Tất cả đều có chức năng nhận bắt cảnh sắc, đều thọ xả, chỉ khác nhau là: Nhãn thức thọ xả quả bất thiện thì chỉ nhận biết cảnh sắc xấu, nhãn thức thọ xả quả thiện thì nhận biết cảnh sắc tốt.
Trong sách Thanh tịnh đạo, chương XVII, giải về năm uẩn, có giải thích về nhãn thức như sau:
“Cakkhu sannissita rūpavijānalakkhaṇaṃ = cakkhuviññāṇaṃ.
Đặc tính nương thần kinh nhãn, biết cảnh sắc, là nhãn thức.”
Trong Paramatthadīpanīṭīkā giải thích:
“Cakkhuṃ nissitaṃ viññānanti = cakkhuviññāṇaṃ.
Biết do nương vào mắt, là nhãn thức.”.
2- Nhĩ thức (sotaviññāṇaṃ).
Là cái biết do nương vào tai hay thức phát sinh nương trú ở tai (thần kinh nhĩ – sotapasāda).
Nhĩ thức chỉ biết độc nhất một cảnh là cảnh thinh, các tâm khác có thể biết cảnh thinh, nhưng nếu không có nhĩ thức dẫn lộ thì không thể biết.
Như người điếc bẩm sinh, bao giờ còn hư thần kinh nhĩ, y không bao giờ biết được âm thanh, đây là điểm đặc biệt của nhĩ thức.
Có hai loại nhĩ thức: Một là quả của bất thiện, chỉ nhận âm thanh xấu, gọi là nhĩ thức thọ xả quả bất thiện. Một là quả của thiện, chỉ nhận âm thanh tốt, gọi là nhĩ thức thọ xả quả thiện.
Sách Thanh tịnh đạo giải thích sotaviññāṇa như sau:
-“Sota sannissita saddavijānanalakkhaṇaṃ = sotaviññāṇaṃ.
Đặc tính nương vào tai (thần kinh nhĩ) để biết cảnh thinh, là nhĩ thức.”
Trong Paramatthadīpanīṭīkā giải thích:
“Sotaṃ nissitaṃ viññānanti = sotaviññāṇaṃ.
Biết do nương vào tai, là nhĩ thức”.
3- Tỷ thức (ghānaviññāṇaṃ).
Là cái biết do nương vào mũi, hay thức phát sinh và nương trú ở mũi (thần kinh tỷ -ghānapasāda).
Tỷ thức chỉ biết độc nhất cảnh mùi, đồng thời chính nó dẫn lộ cho các tâm khác biết được cảnh mùi. Đây là điểm đặc biệt của tỷ thức.
Có hai loại tỷ thức: Một là quả của bất thiện, chỉ biết cảnh mùi xấu, gọi là nhĩ thức thọ xả quả bất thiện. Một là quả của thiện, chỉ biết cảnh mùi tốt, gọi là nhĩ thức thọ xả quảthiện
Sách Thanh tịnh đạo giải thích Tỷ thức như sau:
“Ghāna sannisita gandhavijānanalakkhaṇaṃ = ghānaviññāṇaṃ.
Đặc tính nương vào mũi (thần kinh tỷ) để biết cảnh mùi, là tỷ thức.”
Trong Paramatthadīpanīṭīkā giải thích:
“Ghāna nissitaṃ viññānanti = viññāṇaṃ.
Biết do nương vào mũi, là tỷ thức.
4- Thiệt thức (jivhāviññāṇaṃ).
Là cái biết do nương vào lưỡi, hay thức phát sinh và nương trú ở lưỡi (thần kinh thiệt – jīvhāpasāda).
Thiệt thức chỉ biết độc nhất một cảnh vị, đồng thời chính nó dẫn lộ cho các tâm khác biết được cảnh vị. Đây là điểm đặc biệt của thiệt thức.
Có hai loại thiệt thức: Một là quả của bất thiện, chỉ biết cảnh vị xấu, gọi là thiệt thức thọ xả quả bất thiện. Một là quả của thiện, chỉ biết cảnh vị tốt, gọi là thiệt thức thọ xả quả bất thiện.
Sách Thanh tịnh đạo giải thích Thiệt thức như sau:
“Jīvhā sannissita rasavijānanalakkhaṇaṃ = jīvhāviññāṇaṃ.
Đặc tính nương vào lưỡi (thần kinh thiệt) để biết cảnh vị, là thiệt thức.
Trong Paramatthadīpanīṭīkā giải thích:
“Jīvhaṃ nissitaṃ viññāhanti = jīvhāviññāṇaṃ.
Biết do nương vào lưỡi, là thiệt thức”.
5- Thân thức (kāyaviññāṇaṃ).
Là cái biết do nương vào thân, hay thức phát sinh và nương trú ở thân (thần kinh thân – kāyapasāda).
Thân thức chỉ biết độc nhất cảnh xúc, đồng thời chính nó dẫn lộ cho các tâm khác biết được cảnh xúc. Đây là điểm đặc biệt của thân thức.
Có hai loại thân thức. Một là quả của bất thiện, tâm thân thức này thọ khổ và chỉ biết cảnh xúc thô xấu, gọi là thân thức thọ khổ quả bất thiện. Một là quả của thiện, thân thức này thọ lạc và chỉ biết cảnh xúc êm ái, gọi là thân thức thọ lạc quả thiện.
Sách Thanh tịnh đạo giải thích Thân thức như sau:
“Kāyaṃ sannisitaṃ phoṭṭhabbavijānanalakkhaṇaṃ = kāyaviññāṇaṃ.
Đặc tính nương vào thân (thần kinh thân) để biết cảnh xúc, là thân thức.
Trong Paramatthadīpanīṭīkā giải thích:
“Kāyaṃ nissitaṃ viññānanti = kāyaviññāṇaṃ.
Biết do nương vào thân, là thân thức.”
Năm thức trên có cảnh khác nhau không lẫn lộn, chỉ vì mỗi sắc thần kinh chỉ dung nạp được một cảnh tương thích.
Đức Phật có trả lời câu hỏi của Bàlamôn Unnābha như sau:
“Pañcimāni, brahmaṇā, indriyāni nānāvisayāni, nānāgocarāni na aññamaññassa gocaravisayaṃ paccanubhonti. Katamāni pañca? Cakkhundriyaṃ, sotindriyaṃ, ghānindriyaṃ, jīvhindriyaṃ, kāyindriyaṃ.
“Này Bàlamôn, có năm căn này, đối cảnh khác nhau (nāmavisayāni), hành cảnh khác nhau (nāmāgocarāni), chúng không dung nạp (paccanubhonti) hành cảnh, đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.
Imesaṃ kho, brahmaṇa, pañcannaṃ indriyānaṃ nānāvisayānaṃ nānāgocarānaṃ na aññamaññassa gocaravisayaṃ paccanubhontānaṃ mano paṭisaranaṃ, manova nesaṃ gocaravisayaṃ paccanubhohotī’ti.
Này Bàlamôn, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh, đối cảnh của nhau, ý làm chỗ quy tựa (patisaranaṃ) cho chúng, ý dung nạp hành cảnh, đối cảnh của chúng.”[79]
6- Ý thức (manoviññāṇaṃ).
Ngoại trừ năm đôi thức được nêu ở trên, tất cả tâm còn lại được gọi là ý thức.Ý thức trong tiêu đề này chỉ cho các tâm quả hiệp thế .
Câu saṅkhārasamudayā chỉ rõ “thức sinh khởi do có hành”.
Vì sao không kể đến tâm quả Siêu thế (lokuttaraphalacittaṃ)? .
Vì tâm quả Siêu thế thành tựu từ tâm Đạo (maggacitta), tâm Đạo nhận cảnh Nípbàn có khuynh hướng diệt nghiệp (tức là diệt hành).
Nên tâm quả Siêu thế thành tựu không phải do hành mà là do kết quả “sát trừ phiền não” của tâm Đạo.
Ví như nước làm tắt ngọn lửa, sức nóng mất; sức nóng mất ví như tâm quả Siêu thế, nước ví như tâm Đạo, phiền não hay nghiệp ví như ngọn lửa.
Mặc khác, các tâm quả hiệp thế là pháp vipākadhammā (pháp quả khác thời gian), còn tâm quả Siêu thế là akālikadhammā (pháp phi thời gian): “Khi đắc đạo thì đắc quả không chậm trể”.
Vì sao không kể đến các tâm bất thiện, tâm thiện và tâm duy tác?.
Vì các tâm ấy không phải là loại tâm thành tựu từ nghiệp thủ, tuy chúng còn nhận cảnh trong thế gian như Pāli sau:
“Anupādinnupādāniyā dhammā:
Các pháp phi thành do (nghiệp) thủ mà cảnh thủ”.
Chi pháp là: Tâm bất thiện, tâm thiện hiệp thế và tâm duy tác cùng các tâm sở (hợp trong những tâm ấy) và 19 sắc phi nghiệp (sắc tâm tạo, sắc thời tiết tạo và sắc vật thực tạo).
Như vậy, ý thức trong tiêu đề này là 22 tâm quả hiệp thế: 2 tâm Tiếp thâu, 3 tâm Quan sát, 8 tâm quả Dục giới hữu nhân , 5 tâm quả thiền Sắc giới và 4 tâm quả thiền Vô sắc giới.
Các tâm thiện hiệp thế, tâm bất thiện và tâm duy tác thành tựu từ đâu?.
Các tâm ấy thành tựu do nương vào loại tâm hữu phần cùng cảnh ngoại quan.
Tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) là loại tâm chủ thể, duy trì đời sống danh pháp của chúng sinh (tùy theo chủng loại mà tâm hữu phần khác nhau), chúng chỉ có một trong ba cảnh chủ thể là: cảnh nghiệp (kammārammaṇa), cảnh nghiệp tướng (kamma nimittārammaṇa) hay cảnh (sinh) thú tướng (gatinimittārammaṇa).
Trong đời sống bình nhật, khi có một cảnh ngoài ba cảnh này xuất hiện, thế là nảy sinh một số tâm sở tương ứng với cảnh, tùy theo các loại tâm sở ấy, tâm hữu phần chuyển đổi thành tâm bất thiện, tâm thiện hay tâm duy tác. Ví như nước tinh khiết khi phối hợp với trà thì thành nước trà, phối hợp với muối thì thành nước muối …
“Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhan’ti.
“Tâm này, này các Tỳkhưu, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.”[80]
Tâm là sáng chói chỉ cho tâm hữu phần.
Tổng quát, thức trong tiêu đề này chỉ cho 32 tâm quả hiệp thế.
Thức duyên cho danh sắc.
Thức duyên cho danh sắc có hai mô thức: Quả thức (vipāka viññāṇa), nghiệp thức (kamma viññāṇa).
Quả thức là 32 tâm quả hiệp thế (lokiyavipākacittaṃ). Nghiệp thức là tâm sở Tư tạo nghiệp trong quá khứ (là tâm sở Tư trong tâm thiện hiệp thế hay tâm bất thiện trong quá khứ).
Thức duyên cho danh sắc là nói đến quả thức duyên cho danh sắc.
Ngũ song thức (nhãn, nhĩ,tỷ, thiệt và thân) chỉ có mặt trong thời bình nhật, riêng ý thức chúng có mặt trong cà ba thời: thời tục sinh, thời bình nhật và thời tử.
Có 19 tâm chúng có mặt cả ba thời, đó là: 2 tâm quan sát thọ xả, 8 tâm đại quả (tâm quả Dục giới hữu nhân) và 9 tâm quả thiền.
Trong thời tục sinh chúng có tên là “thức tục sinh”, trong thời bình nhật chúng có tên là “tâm hữu phần”, trong thời tử chúng có tên là “tâm tử”.
Hai tâm Quan sát xả thọ và 8 tâm đại quả, chúng còn làm phận sự Na cảnh (tadārammaṇa), nên còn có tên gọi “tâm Na cảnh”.
Chúng ta có “thức duyên cho danh sắc theo ba thời” như sau:
a–Thời tục sinh.
– Tục sinh trong cõi ngũ uẩn.
Gồm có 15 tâm tục sinh (trừ 4 tâm quả thiền Vô sắc), là thức duyên cho danh sắc (là 15 tâm quả này tạo ra sắc tục sinh).
-Tục sinh trong cõi Vô sắc.
Gồm 4 tâm quả thiền Vô sắc, là thức duyên cho danh.
– Tục sinh trong cõi Vô tưởng.
Là nghiệp thức làm duyên (tâm sở Tư trong tâm ngũ thiền kiếp trước), khởi đầu một kiếp sống của chúng sinh cõi Vô tưởng, chính là bọn sắc Mạng quyền. Đây là nghiệp thức duyên cho sắc.
b- Trong thời bình nhật.
– Trong cõi ngũ uẩn.
Ngũ song thức sinh khởi duyên cho danh (là các tâm sở sinh chung với ngũ song thức).
Hai tâm Tiếp thâu, ba tâm Quan sát và 8 tâm đại quả (khi làm việc Na cảnh) thì duyên cho danh sắc (là các tâm sở đồng sinh với chúng, đồng thời chúng tạo ra một loại sắc tâm, gọi là sắc tâm quả).
Các tâm hữu phần duyên cho danh sắc (là các tâm sở đồng sinh với tâm hữu phần, đồng thời các tâm hữu phần này tạo ra sắc nghiệp bình nhật, sắc nghiệp bình nhật này do nghiệp thức tạo).
Sắc nghiệp bình nhật (pavattikammajarūpa) và sắc tâm quả (cittajavipākarūpa) được quy vào tâm quả, vì do quả thức và nghiệp thức trợ.
– Trong cõi Vô sắc, các tâm hữu phần duyên cho danh.
c- Trong thời tử. Tương tự như thời tục sinh, chỉ khác là thức, danh sắc bị diệt mất, chấm dứt kiếp sống cũ.
Dứt giải về thức.
-ooOoo-