Như khi Bồ tát Vessantara hành pháp đại thí, vua trời Đế Thích giả dạng một Bàlamôn đến xin vợ Ngài là nàng Maddī, Ngài cho vợ đến người xin bằng cách rải nước vào tay hai người  [37].

Trong bài kinh Bàlamôn Doṇa, Đức Phật cũng giảng cho Bàlamôn Doṇa sự đi tìm vợ đúng pháp của các Bàlamôn thuở xưa, đó là “người vợ” không phải do mua, không phải do bán, chỉ với một nữ Bàlamôn đã được nước tưới lên. [38]

Gia chủ Ugga có cho vợ mình đến người đàn ông mà vợ gia chủ Ugga mong muốn. Gia chủ Ugga cho mời người ấy lại, “với tay trái tôi (gia chủ Ugga – Ns) cầm người vợ, với tay phải tôi cầm bình nước (bhiṅgāraṃ) rồi tôi rửa sạch người ấy…[39].

6- Lấy khăn trùm đầu rồi tác thành vợ (obhatasumbattā).

Đây là một phong tục xưa, một nhà có nhiều cô gái độc thân, một người nam cầu hôn. Các cô trùm kín đầu để người nam không nhận diện mặt, sau đó, người nam ấy chọn cô nào, cô ấy sẽ là vợ của nam nhân đó.

7- Vợ là nữ nô tỳ (dāsībhariyā).

8- Vợ là người làm công (kammakārībhariyā).

9- Vợ là nữ tù binh bắt được (bhaṇāhatā).

10- Vợ tạm thời trong thời gian ngắn (muhuttikā).

Như những nàng kỹ nữ bằng lòng sống với người nam trong khoảng thời gian ngắn với sự thỏa thuận bằng một số tiền nào đó, đây cũng là loại vợ “được mua bằng tiền”, nhưng khác chút ít là “có thời gian qui định”, còn vợ mua bằng tiền thì vĩnh viễn.

Nàng Uttarā, con gái ông Trưởng giả Puṇṇa được cha cho mười lăm ngàn đồng tiền vàng, cô thuê nàng kỹ nữ Sirimā phục vụ cho chồng trong mười lăm ngày, để nàng rảnh rang cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng [40].

Đây là vợ mua bằng tiền trong thời gian ngắn.

Hoặc, một người vợ vô sinh, vì muốn chồng có người nối dõi, nên thuê một nữ nhân làm vợ cho chồng. Sau khi sinh được đứa con, nữ nhân kia phải giao con cho lại cho nhà chồng rồi ra đi. Đây cũng là vợ tạm thời.

Lại nữa, người nam không nên giao du thân mật với mười hai hạng người nữ là: Mười hạng vợ, nữ nhân có hôn ước và nữ nhân đang thụ nhục hình (nữ tù nhân).

Đối với 10 hạng vợ và nữ nhân có hôn ước, tuy không có quan hệ tình dục bất chính, nhưng những người chồng (hay hôn phu) sẽ nghi ngờ, ghen tương dẫn đến những tai hại cho nam nhân giao du thân mật với các đối tượng ấy.

Về nữ nhân đang thụ hình, không nên giao du thân mật, vì sẽ dẫn đến nghi ngờ là “đồng lõa trong một nghi án nào đó”, hay bị kẻ đang có hiềm thù, cáo gian là “đồng lõa với tội phạm”, thế là dẫn đến tai họa “bị bắt giữ, bị tra khảo…”.

Đối với 8 trong 10 hạng nữ nhân chưa có chồng (ngoại trừ nữ nhân có hôn ước, nữ nhân đang thụ hình), tức là thân họ chưa có chủ, họ có quyền đối với thân của họ, khi thích người nam nào sẽ giao thân cho người nam ấy, nếu người nam ấy cũng độc thân như họ, hành động này không sai phạm trong điều tà hạnh (riêng người nam thì rơi vào tà hạnh trong dục).

Đối với 12 hạng nữ nhân còn lại cho dù là vợ tạm thời (muhuttikā) cũng xem như có chồng, nếu họ giao thân cho người nam khác, xem như phạm giới tà hạnh trong dục.

Đức Phật có dạy trong kinh Pháp cú:

“Cattāri ṭhānāṇi naro pamatto. Āpajjati paradārūpasevī.

Apuññalābhaṃ na nikāmaseyyaṃ. Nindaṃ tatiyaṃ nirayaṃ catutthaṃ.

“Bốn điều bất hạnh đến với người bất cẩn, có hành động tà dâm: Gặt hái tội khổ, ngũ không yên giấc, ba là bị khiển trách và bốn là ở khổ cảnh.

“Apuññalābho ca gatī ca pāpikā. Bhītassa bhītāya ratī ca thokikā

Rājā ca daṇḍaṃ garukaṃ paṇeti. Tasmā naro paradāraṃ na seve.

“Có sự gặt hái tội khổ, cũng như có số phận bất hạnh. Hỷ lạc của người đàn ông và người đàn bà đang run sợ quả thật ngắn ngủi. Vua lại ban hành hình phạt nặng nề. Do đó không nên lân la với vợ người. [41]

Đối với nữ nhân có pháp luật gìn giữ, như Tỳkhưu ni, nữ đạo sĩ… không nên quan hệ tình dục, cho dù có sự đồng tình của nữ nhân.

Sadi khi hành dâm với một nữ nhân, bị trục xuất khỏi phẩm mạo sadi, sau đó có thể được xuất gia lại và thọ giới Tỳkhưu.

Nhưng nếu hành dâm với Tỳkhưu ni thì vĩnh viễn không được xuất gia trong Giáo pháp này (vì Tỳkhưu ni là nữ nhân được pháp luật bảo hộ).

Riêng Tỳkhưu, dù hành dâm với bất cứ đối tượng nào: nam, nữ, thú cái, nữ ngạ quỷ… đều bị tội triệt khai, không còn phẩm mạo Tỳkhưu, phải xuống phẩm mạo sadi hay hoàn tục. [42]

Trong điều tà hạnh trong dục lạc, xem ra chỉ đề cập nhiều đến nam nhân, còn nữ nhân ra sao?

Xét ra, nếu người nam không nên quan hệ tình dục bất chánh đến hạng nữ nhân nào, thì nữ nhân cũng không nên quan hệ tình dục đối với các hạng nam nhân ấy như thế.

Mặt khác, nữ cư sĩ khi ngoại tình, xem như phạm vào tà dâm (kāmesumicchācārā), đồng thời là một nhơ uế:

“mal ’ itthiyā duccaritaṃ:

Tà hạnh uế nữ nhân”[43].

 Xét ra, nữ nhân ngoại tình mang tính nghiêm trọng hơn nam nhân.

c- Việc tà dâm có bốn chi.

1- Người nên kiêng tránh (agamanīyaṭṭhānaṃ).

2- Có ý (muốn) dâm dục với người nên kiêng tránh (tasmiṃ sevanācittaṃ).

3- Rán sức tà dâm (upakkamo).

4- Đã tà dâm (maggena maggappaṭipādanaṃ).

Về sự vi phạm chỉ có một điều là “tự mình làm”.

Ngoài những đối tượng là những nữ nhân kiêng tránh, có một số trường hợp đối với vợ nhà cũng phải kiêng tránh, nếu vi phạm xem như “làm sái quấy trong dục lạc”, đó là:

– Tuy chính thức là vợ chồng, nhưng ở những nơi tôn nghiêm như: Nơi thờ tự, đền miếu, tháp, chùa… Quan hệ tình dục ở những nơi như thế, xem như tà dâm.

– Người vợ trong thời không thể giao hợp, như: Đang bịnh, đang có thai nhi (gần sinh nở), đang bị nguyệt kỳ… quan hệ tình dục xem như tà dâm.

Quan niệm cổ sơ của Bàlamôn giáo rất nghiêm túc về sự quan hệ tình dục.

Nghiêm túc do quan niệm về “huyết thống thanh tịnh”, huyết thống thanh tịnh là một trong những đặc điểm để được gọi là Bàlamôn thanh tịnh.

Nghiêm túc vì giao hợp với mục đích duy trì nòi giống, không phải để vui thú trong dục lạc.

Đức Phật có giảng cho Bàlamôn Doṇa. [44]

Các Bàlamôn thuở xưa không đi đến giao hợp (khi) người nữ có mang (nếu đi đến trong thời người nữ có mang, thời đứa bé trai hay gái được sinh ra bị ô uế (atimiḷhajo).

– Không đi đến giao hợp khi nữ nhân đang trong thời kỳ cho con bú (đứa bé trai hay gái sẽ bị ô uế, (vì sữa mẹ) không được tinh khiết).

–  Nam Bàlamôn không đi đến với nữ Bàlamôn trong thời kỳ không thể thụ thai.

“Kasmā ca, Doṇa, brāhmaṇo na anutuniṃ gacchati?

Sace, Doṇa, brāhmaṇo anutuniṃ gacchati. Tassa sā hoti brāhmaṇī kāmatthā davatthā ratatthā pajatthāva brāhmaṇassa brāmaṇo hoti.

“Này, Doṇa, vì sao Bàlamôn không đến (với nữ Bàlamôn) trong thời không thụ thai?.

Này Doṇa, nếu vị Bàlamôn đến (nữ Bàlamôn) trong thời không thể thụ thai, thời nữBàlamôn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục (kāmatthā), để vui đùa (devatthā), để thỏa thích(ratatthā)”. (sđd).

d- Quả của tà hạnh trong dục.

Nghiệp tà hạnh trong dục cho quả là tái sanh vào khổ cảnh. Nếu được sinh làm người, sẽ là người bị người khác oán thù.

Đức Phật có dạy:

“Kāmesumicchācāro, bhikkhave, asevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattanikaṃ tiracchanayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattaniko.

Yo sabbalahuso kāmesumicchācārassa vipāko, manussabhūtassa sapattavera saṃvattaniko hoti.

“Này các Tỳ khưu, tà hạnh trong các dục được thực hiện, được tiến hành (bhāvita), được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục, là được làm người, với sự oán thù của kẻ địch (sappattavera saṃvattaniko)” [45]. 

B- Lời nói bất thiện có bốn điều: Nói dối, nói đâm thọc, nói thô ác, nói phù phiếm.

1-             Về nói dối (musāvāda).

a- Giải từ.

Phân tích musāvāda được: musā + vāda

Chữ musā nghĩa là “chuyện không đúng, không thật”. Đồng thời musā còn có nghĩa “làm mất lợi ích (đến người khác) bằng sự không đúng sự thật”.

Vāda là “lời nói”.

Với ý muốn cho người khác hiểu sai sự thật bằng lời nói (hay bằng thân) gọi là musāvāda.

Ngôn ngữ là điều không thể thiếu trong cuộc sống, là phương tiện giao tiếp, truyền đạt, thông tri ý nghĩa với nhau. Do đó, cẩn trọng trong lời nói là việc làm tốt đẹp và thiết yếu.

Dù là không có ý hại người, nhưng nói dối để vui đùa vẫn có tội tuy rằng nhẹ. Còn khi nói với ý muốn “khiến cho người hiểu lầm” và gây ra tác hại lớn, có tội nặng.

Nghĩa là: “Nói dối có tội nhẹ khi mang lại tác hại nhỏ, sẽ có tội nặng khi mang lại tác hại lớn”.

Đức Phật có dạy:

“Tasmātiha te Rāhula: hassā pi na musā bhaṇissāmīti.

Evaṃ hi te Rāhula sikkhitabbaṃ.

“Do vậy này Rāhula, ta quyết không nói dối, dầu nói để mà chơi.

Như vậy, này Rāhula, ngươi phải học tập”   ([46].

Người nói dối để vui đùa tuy không mang đến hậu quả xấu, nhưng cũng tập thành một thói quen xấu (phóng dật), đồng thời nói lên tính chất “không hổ thẹn tội lỗi (ahiri), không ghê sợ tội lỗi (anottappa)”.

“Musāvādo, bhikkhave, asevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattanikaṃ tiracchanayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattaniko.

Yo sabbalahuso musāvādassa vipāko, manussabhūtassa abhūtabbhakkhānasaṃvattaniko hoti.

 “Này các Tỳkhưu, nói dối được thực hành, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói dối là được làm người bị vu cáo không đúng sự thật.”    [47] .

“Ekam dhammaṃ atītassa. Musāvādissa jantuno

Vitiṇnaparalokassa. Natthi pāpaṃ akāriyam,

“Không có điều ác nào mà người vọng ngữ vi phạm định luật (chơn thật), và dững dưng trước thế giới bên kia, không làm được”. [48]

Nói dối được thực hiện do vì mình hay do vì người, hay vì một vài lợi ích vật chất nhỏ, Đức Phật gọi “lời nói như phân” [49].

Trong các lời nói dối, nói vu khống cho người là tệ hại hơn cả, vì mang ác ý  làm mất lợi ích, có hại đến người bị vu khống.

Vu khống người có giới hạnh kém thì tội ít, vu khống cho người có giới hạnh cao thì tội nặng.

Như nàng Ciñcā vu khống Đức Phật, nên nàng bị đất rút, bà Hoàng Mallikā tuy là một nữ cư sĩ tịnh tín nơi Tam bảo, nhưng ray rứt về lời nói dối của mình đối với vua Pasenadi (Batưnặc), sau khi mệnh chung rơi vào địa ngục bảy ngày [50].

Đức Phật dạy:

“Abhūtavādī nirayaṃ upoti. Yo c’āpi katvā na karotī’ti c’āha

Ubho’pi te pecca samā bhavanti. Nihina kammā mannujā parattha.

Người nói điều không thật (rơi) vào cảnh khổ. Và người đã làm một việc, rồi nói “tôi không có làm”, cũng vậy. Sau khi chết cả hai đều như nhau, người có hành động ti tiện trong thế giới khác” . [51]

Và:

“Aṭṭhime bhikkhave, anariyavohārā. Katame aṭṭha?

Adiṭṭhe diṭṭhavāditā, asute sutavāditā, amute mutavāditā, aviññāte viññātavāditā.

Diṭṭhe adiṭṭhavāditā, sutte asuttavāditā, mutte amutāvāditā, viññate aviññatavāditā.

Ime kho, bikkhave, aṭṭha anariyavohārā’ti.

“Này các Tỳkhưu, có tám phi thánh ngôn (anariyavohāra). Thế nào là tám:

– Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết.

– Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, nghĩ nói không nghĩ, biết nói không biết”.

Này các Tỳ khưu, đây là tám phi thánh ngôn” [52].

b- Nói dối có bốn chi.

1- Điều không thật (atattaṃ vatthu).

2- Tính nói dối (visaṃvādanacittaṃ).

3- Rán sức nói dối (tajjo vāyāmo).

4- Đã làm cho người tin chắc lời nói dối ấy (parassa tadatthavijānanaṃ).

 Sự nói dối được thực hiện bằng hai cách là thân và ngữ.

Dối trá có tính chất “làm người khác hiểu sai sự thật”, nếu lừa gạt người khác qua những cử chỉ về thân (của người muốn đánh lừa), gọi là “nói dối bằng thân”, như viết thư cáo gian người khác…. Hoặc như câu truyện sau:

Tu sĩ giả hiệu.

Một vị tu khổ hạnh chứng đắc được 5 thắng trí, Ngài trú ngụ trong một chòi lá tại một khu rừng, gần một ngôi làng nơi biên địa, dân làng rất kính trọng Ngài.

Bấy giờ Bồtát sinh làm một con cắc kè chúa, sống trong gò mối cuối đường kinh hành của vị ấy, hằng ngày thường đến viếng thăm vị đạo sĩ khổ hạnh hai ba lần, nghe pháp từ vị này (khi vị ấy gỉảng pháp cho dân làng nghe), rồi đảnh lễ Ngài trở về nơi ở của mình.

Về sau, vị ấn sĩ thanh tịnh ra đi nơi khác, một vị tu khổ hạnh giả dối khác đến trú nơi am thất ấy. Bồtát nghĩ “đây là vị có giới hạnh”, nên cũng đi đến đảnh lễ vị ấy như từng thực hành.

Một hôm dân làng dâng cho vị tu sĩ món thịt cắc kè rất ngon ngọt, vị ấy hỏi:

– Món thịt ngon ngọt này là thịt gì?.

– Bạch Ngài, là thịt cắc kè.

Vì tham đắm vị ngon vật thực, vị ấy sanh ác ý muốn giết cắc kè chúa (Bồtát), y cầm chày vồ, dùng tay áo che lại, rồi ngồi chờ Bốtát đến.

Vào buổi chiều, Bồtát đi đến đảnh lễ vị tu sĩ, khi đang đi đến, Bồtát thấy sắc diện của vị tu sĩ thay đối, Ngài cảnh giác và vì đứng dưới gió Bồtát ngửi được mùi thịt cắc kè nên không đến gần vị tu sĩ giả hiệu.

Thấy thế, tu sĩ giả hiệu ném chày vồ vào Bồtát, nhưng chỉ trúng đuôi mà thôi.[53]

Đây là sự giả dối được thực hiện bằng thân, nên Đức Phật có dạy:

“Kiṃ te jaṭāhi dummedha. Kiṃ te ajinasāṭiyā.

Abbhantaraṃ te gahaṇaṃ. Bāhiraṃ parimajjasi.

“Kẻ ngu có ích gì. Bện tóc với da dê

Nội tâm toàn  phiền não. Ngoài mặt đánh bóng suông.” [54]

Lại nữa, sự im lặng để “đánh lừa tri kiến người khác, khiến người khác hiểu sai sự thật” cũng là “nói dối bằng thân”.

Vì rằng, khi nghe người khác nói điều tốt đẹp về mình, sự im lặng là “mặc nhiên công nhận”.

Có lần Tôn giả Savittha vấn pháp nơi Tôn giả Musila, sau đó Tôn giả Savittha đã tán thán Tôn giả Musila rằng:

“Như vậy, Tôn giả Musila là bậc Alahán, đã đoạn tận các lậu hoặc”.

Khi nghe như vậy, Tôn giả Musila đã im lặng .

Nghe vậy, Tôn giả Narada nói với Tôn giã Sāvittha:

“Này hiền giả Savittha, lành thay nếu tôi được hỏi những câu này. Hãy hỏi tôi những câu này và tôi sẽ trả lời hiền giả những câu này.

Vả những câu hỏi được lập lại, sau đó Tôn giả Sāvittha tán thán tôn giả Narada:

Như vậy Tôn giả Narada là bậc Alahán, đã đoạn tận các lậu hoặc”.

Và Tôn giả Narada đã nói:

“Này hiền giả, do “Hữu diệt là Nípbàn”, tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị Alahán đã đoạn tận các lậu hoặc.

Ví như trên con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có giây, không có gàu nước. Rồi có một người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mõi run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: “Giếng này có nước”, nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước…[55]

Trước những điều không đúng sự thật, im lặng để đánh lừa tri kiến người khác, xem như nói dối bằng thân.

Nói dối bằng lời, điều này cũng dễ hiểu, những lời ngụy biện cũng xem như nói dối.

Cũng nên ghi nhận: bốn chi phần của nói dối, chi phần thứ tư (đã làm cho người khác nghe tin chắc) chỉ trong phạm trù giới. Tức là “khi người khác tin” thì đứt giới nói dối, đồng thời mang nghiệp nói dối.

Cả hai chi phần đầu:

– Lời không thật.

– Cố ý nói.

Đã kết thành nghiệp nói dối, chi phần thứ ba (rán sức nói) làm cho ác quả nói dối trở thành nặng do sự cố gắng ấy (càng cố gắng nhiều thì ác quả càng nặng).

c- Có bốn cách thức (payoga) nói dối.

– Tự mình nói dối (sahatthika).

– Khiến người khác nói dối (anatthika).

– Tạo cạm bẩy dối trá (nissaggiya), như viết thư phao vu rồi quăng bỏ cho người khác đọc, gây chia rẻ giữa hai người.

Hay ngụy tạo những chứng cứ không thật để đánh lừa người khác.

– Phổ biến (thāvara) dối trá: Như viết những điều hư ngụy in thành sách rồi cho loan truyền rộng rải để lừa mị người, hoặc phao tin nhãm nhí rộng rãi…  .

Cũng nên ghi nhận: Bồtát cũng có nói dối, nhưng loại nói dối nào khiến người khác hiểu sai phát sinh sự hư hỏng Bồtát không nói. Loại nói dối nào người nghe hiểu sai nhưng không phát sinh hư hỏng, Bồ tát có nói loại nói dối này.

Trong Bổn sanh Hārita [56] có ghi:

“Bodhisattassa hi ekaccesu thānesu pāṇātipāto, adinnādānaṃ, kāmesu micchācāro, surāmerayamajjappāmampi hoti.

Yeva atthabheda kavisaṃ vādanaṃ purakkhitvā musāvādo nāma na hoti”.

Một đôi khi vị Bồtát có thể sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc, uống rượu và chất say.

Nhưng nói dối làm hư hoại lợi ích người nghe, điều này không hề có”.

Nhưng dù sao cũng là nói dối, chính từ điểm này đã xác nhận “Bồtát tuy tốt đẹp hơn người thường, nhưng Ngài vẫn là phàm nhân”.

Nguy hại nhất có lẽ là những luận thư đề cao những tà thuyết, vì nó đánh lạc tri kiến chân thật, khiến người đọc rơi vào tà kiến và sự giải thoát khỏi luân hồi trở thành thiên nan, vạn nan.

2- Lời đâm thọc – Pisuṇā vācā.

a- Giải từ.

Chữ pisuṇa theo nghĩa gốc là: “nghiền nát, làm vỡ nát”.

Pisuṇā vācā có hai tính chất:

– Lời nói nào khiến người nghe thương mình và ghét người khác.

– Lời nói nào gây chia rẽ, gây bất hòa, gây hiềm khích giữa hai người.

Có hai loại lời đâm thọc, là “lời nói dối” và “lời nói thật”.

-Lời nói dối ngoài tính chất “đánh lừa tri kiến người nghe”, nếu kèm theo một trong hai mục đích nêu trên, được xem là lời đâm thọc.

Nói cách khác “lời nói dối này thành tựu hai ác nghiệp: nói dối và nói đâm thọc”, còn chỉ với mục đích “đánh lừa tri kiến người nghe” thì chỉ thành tựu ác nghiệp nói dối.

– Lời nói thật với một trong hai mục đích nêu trên, gọi là lời thật có tính đâm thọc.

Có câu hỏi rằng: “Lời nói thật là do có tâm thiện điều sử, vì sao lại là lời đâm thọc?”

Đáp: Nếu là tâm thiện, thì không có một trong hai mục đích nêu trên, khi có một trong hai mục đích trên, không thể gọi là tâm thiện, còn lời nói chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích trên (tức là ngữ biểu tri – vacī viññatti).

Lời nói (vācā) có bốn loại:

– Saddavācā: Lời nói chỉ là âm thanh, như tiếng rên rỉ, tiếng kêu gào, tiếng than khóc kể lể….

– Virativācā: Lời nói có tính ngăn trừ ác, bất thiện.

– Cetanāvācā: Lời nói do có ý. Nghĩa là có ý làm sanh khởi ngữ biểu tri.

– Capanavācā: Lời nói có khả năng làm cho người khác hiểu được ý của mình.

Lời nói (tuy thật) chỉ là sắc cảnh thinh, khi có cetanā bất thiện lời nói ấy không thể gọi là thiện được.

Do đó, bậc trí thường cẩn trọng lời nói, có những lời thật phải tùy thời, tùy đối tượng để tỏ bày.

Như một Tỳkhưu biết vị Tỳkhưu khác phạm giới, nói lên điều vi phạm của vị ấy với mục đích làm mất lợi ích cho vị kia, thì rơi vào bất thiện, còn như tâm muốn vị ấy không rơi vào tội lỗi, thì đó là thiện.

Trưởng lão Sāriputta có dạy rằng:

“Này các hiền giả, khi vị Tỳkhưu muốn buộc tội người khác,  hãy an trú năm pháp trong nội tâm rồi hãy buộc tội. Thế nào là năm?

– Tôi sẽ nói đúng thời, không nói phi thời.

– Tôi sẽ nói chơn thật, không nói hư ngụy.

– Tôi sẽ nói nhu hòa, không nói thô bạo.

– Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải  không liên hệ đến lợi ích.

-Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải nói với sân tâm [57].

Và Đức Thế Tôn có dạy thêm là:

 “… Này Sāriputta, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình … không câm ngọng; hãy nói chuyện với những người này. Hãy giáo giới các vị đồng phạm hạnh, hãy giảng dạy.

Này Sāriputta, các vị đồng phạm hạnh nghĩ rằng: “Sau khi giúp (các vị đồng phạm hạnh) ra khỏi phi diệu pháp, tôi an trú các vị đồng phạm hạnh trong diệu pháp”, này Sāriputta hãy như vậy học tập (sđd).

b- Lời nói dâm thọc có bốn chi:

–                Người bị tổn hại  (bị đâm thọc) (bhinditabbo paro)

–                Có ý gây chia rẽ (bhedanla purekkhāratā).

–                Rán sức với cố ý ấy (tajjo vāyāmo).

–                Người khác hiểu được ý nghĩa đó (tassa tadatthavijjananaṃ).

Giải:

– Người bị tổn hại, chia rẽ.

Chữ bhindi là bất định từ (aorist) của động từ bhindati, nghĩa là: chia ra, làm bể.

Người bị tổn hại là:

1- Người bị người khác cách ly.

2- Bị người khác ghét

– Cố ý gây chia rẽ.

Mục đích gây chia rẽ này có hai:

– Muốn người khác quý mến mình và ghét người mình không ưa.

– Ly gián hai người đang thân thiết với nhau.

Người khác hiểu được ý nghĩa ấy.

Tức là người nghe đã rơi vào một trong hai mục đích mà người nói lời đâm thọc đang hướng đến.

Tóm lại, người có tâm uế nhiễm dùng thân hay ngữ để làm hại người – lợi mình, gọi là pisuṇā vācā – lời hai lưỡi.

c- Có hai cách thức nói chia rẽ.

– Bằng lời,

– Bằng thân, như viết thư gây ly gián.

d- Quả của nói đâm thọc.

Quả của nói đâm thọc thường đưa xuống khổ cảnh, nếu may mắn làm người, sẽ là người cô độc, không có bạn.

“Pisuṇā, bhikkhave, vācā āsevitā bhāvitā bahulīkatā nirayasaṃvattanikā tiracchānayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattanikā.

Yo sabbalahuso pisuṇāya vācāya vipāko, manussabhūtassa mittehi bhedasaṃvattaniko hoti.

“Này các Tỳkhưu, nói hai lưỡi được thực hiện, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói dối là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ.” (sđd–A.iv. 247).

Đối tượng bị hại kém giới đức thì có tội nhẹ, đối tượng bị hại là bậc có giới đức thì có tội nặng.

Ly gián bằng thân. [58]

Tương truyền: Trong thời Đức Phật Kassapa (Ca Diếp), có hai Tỳkhưu rất thân với nhau.

Vào thời Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, mỗi sáu tháng chư Tỳkhưu hành lễ Bốtát (uposatha) với nhau. Bấy giờ, hai vị Tỳkhưu ấy cùng nhau đi đến nơi hội của chư Tăng để hành lễ Bốtát.

Một vị chư thiên cõi trời Tam thập tam thấy hai vị Tỳkhưu thân mến nhau như anh em ruột, khởi lên ý nghĩ  “có thể nào chia rẽ được hai vị Tỳkhưu này không?”

Nhân lúc một vị tách ra đi vệ sinh, vị chư thiên hóa ra một phụ nữ từ bụi cây, nơi vị Tỳkhưu đang vệ sinh đi ra, nữ nhân này y phục xốc xếch, một tay vuốt tóc, một tay sửa lại y phục. Vị chư thiên dùng thần lực không cho vị đang làm vệ sinh thấy, chỉ cho vị bên ngoài thấy mà thôi.

Thấy nữ nhân trong hiện cảnh như thế, vị Tỳkhưu đứng đợi cho rằng vị Tỳkhưu đi vệ sinh đã phạm giới, khi thấy vị Tỳkhưu kia đi ra, liền nói rằng:

– Này Hiền giả! Hiền giả đã phạm giới.

– Thưa Hiền giả! Tôi không có vi phạm giới.

– Chính tôi trông thấy một nữ nhân từ bụi cây đi ra, với y phục xốc xếch, một tay vuốt tóc, một tay sửa lại y phục.

Rồi mặc cho vị kia phân trần, vị Tỳkhưu ấy rẽ sang lối khác, cương quyết không đi chung với “người phạm giới”.

Về đến Giảng đường khi hành lễ Bốtát (uposatha), vị Tỳkhưu ấy cương quyết không hành Bốtát với vị “phạm giới”.

Vị chư thiên suy nghĩ: “Ta đã làm một ác trọng nghiệp, đã chia rẽ hai vị Tỳkhưu này”.

Vị chư thiên hiện ra, tỏ bày câu chuyện và xin sám hối hai vị Tỳkhưu. Hai vị Tỳkhưu tuy hành Bốtát chung, nhưng từ đó không còn thân thiện như xưa nữa.

Mệnh chung, hai vị Tỳkhưu sanh về thiên giới, còn vị chư thiên rơi vào địa ngục, chịu khổ suốt một thời gian giữa hai vị phật (từ thời Đức Phật Kassapa đến đời Phật hiện tại).

Vào thời Đức Phật hiện tại, vị chư thiên tái sinh trong thành Sāvatthī, nhờ nghe pháp, vị nam tử này xin xuất gia, có tên là Kuṇḍadhāna.

Từ khi Ngài Kuṇḍadhāna thọ giới Tỳkhưu, Ngài đi bất cứ nơi đâu cũng có bóng nữ nhân đi theo phía sau, Ngài không thấy nhưng mọi người thấy.

Về sau, nhờ vua Pasenadi (Batưnặc) xác minh “đó là ảo ảnh”, và cung thỉnh Ngài đến Hoàng cung thọ thực.

Trước đây, Ngài Kuṇḍadhāna luôn im lặng trước lời chế nhạo “kẻ đê tiện” của chư Tỳkhưu. Từ khi được Đức vua Pasenadi xác minh “nữ nhân theo sau là ảo ảnh”, khi bị chư Tỳkhưu gọi là “kẻ đê tiện”, Ngài trả đủa lại chư Tỳkhưu rằng “chính các ngươi mới là đồ đê tiện”.

Chư Tỳkhưu trình lên Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng:

– Này Tỳkhưu, chư Tỳkhưu thấy nữ nhân theo sau lưng ngươi nên họ gọi ngươi là “kẻ đê tiện”. Còn ngươi, ngươi có thấy các Tỳkhưu đê tiện không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này Tỳkhưu, đây là một nghiệp đê tiện của ngươi đã làm trong quá khứ. Vì sao, nay ngươi lại có thái độ sai lầm nữa?.

Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳkhưu, Đức Phật thuật lại tiền nghiệp của Trưởng lão Kuṇḍadhāna, rồi Ngài dạy kệ ngôn:

M’ āvoca pharusaṃ kañci. Vuttā paṭivadeyya taṃ

Dukkhā hi sāranabha kathā. Paṭidanḍā phusseyya taṃ.

“Không nên dùng lời cộc cằn thô lỗ. Người bị nói cộc sẽ trả lời thô. Những lời gây thù trả oán quả thật là đau đớn. Lời qua tiếng lại sẽ làm tổn hại như gây thương tích.”

Sace uresu attānaṃ. Kaṃso upahato yathā

Esa patto’si nibhānaṃ. Sārambho te na vijjati.

“Nếu giữ được im lặng như cái mỏ bể, con đã đắc Nípbàn. Con không có tâm báo oán. [59]

Nghe xong kệ ngôn Ngài Kuṇḍadhāna chứng quả Alahán, từ đó nữ nhân ảo ảnh không còn. Và Ngài được Đức Phật ban cho địa vị “vị nhận phiếu thực đầu tiên”.

3- Lời thô ngữ (pharusa vācā).

a- Giải từ.

Pharusa là thô lỗ, cộc cằn, không êm tai.

Lời nào không êm tai, thô lỗ, tục tằn, khiến người nghe khó chịu, gọi là pharusa vācā (lời thô ác).

Có những lời nói khi thoáng nghe, ngỡ là ác ngữ, nhưng thật ra không phải, vì lời nói ấy không xuất phát từ sự nóng giận hay ác ý, đó là sự nói theo thói quen, như cha mẹ mắng (yêu) con, thầy mắng (thương yêu) trò, bạn thân mắng (đùa) nhau…

Trưởng lão Pilindavaccha là bậc Alahán, Ngài thường gọi các bậc đồng phạm hạnh là “đồ bần tiện”. Chư Tỳkhưu trình lên Đức Phật, sau khi quán xét, Đức Phật dạy:

– Này chư Tỳkhưu, Tỳkhưu Pilindavaccha gọi theo thói quen, không phải do ý ác. Vì trong tiền kiếp Tỳkhưu Pilindavaccha đã từng 500 kiếp sanh vào dòng Bàlamôn cao quý, nên thường gọi người khác là “đồ bần tiện”.[60]

Hay có câu chuyện sau đây:

Có đứa con thường hay cải lời mẹ, trốn vào rừng chơi, bà mẹ cản không được, bực tức rủa: “vái cho trâu rừng rượt mầy”.

Đứa bé vào rừng chơi, bị trâu rừng rượt thật. Trong lúc hốt hoảng, cậu ta khấn rằng: “Nếu mẹ tôi có ý hại tôi thì trâu rừng hãy húc tôi, còn như mẹ tôi không có ý hại tôi, xin hãy thành tựu như ý bà”. Bấy giờ, con trâu dừng lại ngay, giống như bị cột lại.

b- Thô ngữ có ba chi:

– Đối tượng bị mắng chưỡi (akkosi tabboparo).

– Tâm nóng giận, bực tức (kappitacittaṃ).

– Đã mắng chưỡi (akkosanā).

Thực hiện thô ngữ do thân cũng có, do lời cũng có.

Thực hiện thô ngữ do thân: Là làm những điệu bộ, cử chỉ để mắng chưỡi người hay viết thư mắng người. Hoặc “cười mỉa mai”, “cười khinh bỉ” cũng là ác ngữ từ thân.

Thô ngữ bằng lời, điều này dễ hiểu.

c- Quả của thô ngữ.

Thô ngữ làm thường xuyên sẽ dẫn xuống khổ cảnh, may mắn được làm người sẽ là người nghe những điều không đáng hài lòng.

“Pharusā, bhikkhave,  vācā āsevitā bhāvitā bahulīkatā nirayasaṃvattanikā tiracchānayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattanikā.

Yo sabbalahuso pisuṇāya vācāya vipāko, manussabhūtassa amanāpasaddasaṃvattaniko hoti.

“Này các Tỳkhưu, nói ác khẩu, được thực hiện, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói ác khẩu là được làm người, và được nghe những tiếng không khả ý.” (sđd- A.iv, 247).

Ác ngữ có tội nhẹ nếu đối tượng là người kém giới đức, sẽ có tội nặng khi đối tượng là bậc có giới đức cao.

Bà Ampapālī trong tiền kiếp mắng chưỡi vị Tỳkhưu ni Alahán “là kỹ nữ”, nên kiếp này bà phải làm kỹ nữ, từ khi nghe Pháp của Đức Thế Tôn, bà chứng quả Dự lưu, không còn hành nghề kỹ nữ.

Về sau bà xuất gia Tỳkhưu ni, khi nghe Trưởng lão Vimalakoṇḍañña (con của bà) thuyết pháp, bà triển khai thiền quán chứng  quả Alahán Tam minh [61].

Bồtát trong quá khứ nói thô ngữ đối với Đức Phật Độc giác: “Ông Sa môn này chỉ xứng đáng ăn gạo sālī đỏ dành cho ngựa”.

Vào hạ thứ 12, Đức Phật an cư mùa mưa tại xứ Verañja, Ngài phải ăn gạo đỏ sālī dành cho ngựa.[62]

Một cung nữ trong quá khứ giả dạng gù lưng để chế nhạo thân của vị  Phật Độc Giác với mục đích vui đùa, trong kiếp hiện tại nàng  là Khujjuttarā gù lưng.[63].

4- Lời vô ích – samphapalāpa.

a- Giải từ.

Phân tích từ samphapalāpa gồm sampha + palāpa.

Sampha là “hủy diệt lợi ích, hủy diệt an lạc”, palāpa là “lời nói”.

Những lời phù phiếm, những câu chuyện linh tinh, những lời tán gẫu không có mục đích được xem là lời vô ích.

Lại nữa, lời vô ích là lời không có căn cứ, là lời bàn tán, suy luận một việc không hề xẩy ra, như bàn luận rằng: “Nếu như mọi người đều xuất gia thì có còn loài người không?…”

Sự kiện mọi người đều xuất gia không hề xẩy ra, vì rằng: “Thế gian phần lớn rơi vào dục tham, thích thọ dụng năm dục hơn là có khuynh hướng từ bỏ năm dục”.

Phần đông đều cho rằng: “Những câu chuyện vui đùa, không làm hại ai thì không có ác quả”.

Thật ra, khi đàm luận những câu chuyện không có mục đích, không mang đến lợi ích, đồng nghĩa tạo điều kiện cho phóng dật (uddhacca) sinh khởi, một khi có phóng dật thì bất thiện tâm sinh khởi. Ví như khu vườn không có cây lợi ích thì cỏ dại sẽ mọc lên.

Do đó, Đức Phật có dạy:

“Dvinnaṃ vo bhikkhave sannipatitānaṃ dvayaṃ karaṇīyaṃ dhammī vā kathā tuṇhībhāvo vā”

 “Này các Tỳkhưu, khi hai vị Tỳkhưu hội hợp với nhau, có hai việc là: bàn luận pháp hoặc im lặng bậc thánh (là an trú trong đề mục thiền tịnh– Ns)”.

Và:

“Nāhaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yena anupannā vā akusalādhammā uppajjhanti uppannā vā kusālādhammā parihāyanti yathayidaṃ, bhikkhave, pamādo.

 “Này các Tỳkhưu, ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh được đoạn tận, này các Tỳkhưu như phóng dật” [64].

Ngoài ra, lời vô ích còn hàm ý “bàn luận những vấn đề không có thực”, những vấn đề do tưởng tượng tạo ra, rồi tìm hiểu những ảo tưởng, ảo kiến ấy.

Ngài Mahā Koṭṭhita có thưa với Đức Sāriputta (Xálợiphất):

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ, asesavirāganirodhā atthaññaṃ kiñcī’ti?

– Māhevaṃ, āvuso.

Thưa hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ (channaṃ passāyatanaṃ) không có dư tàn, có còn một cái gì khác nữa?

– Chớ có nói như vậy, thưa hiền giả.

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ asesavirāganirodhā natthaññaṃ kiñcī’ti?

– Māhevaṃ, āvuso.

“Thưa hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, không còn một cái gì khác nữa.

– Chớ có nói như vậy, thưa hiền giả.

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ asesavirāganirodhā nevatthi no natthaññaṃ kiñcī’ti?

– Māhevaṃ, āvuso.

“Thưa hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa.

– Chớ có nói như vậy, thưa hiền giả.

Và Đức Mahā Koṭṭhita có hỏi Đức Xálợiphất, cần phải hiểu ý nghĩa lời nói này như thế nào? Đức Xálợiphất đáp:

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ, asesavirāganirodhā atthaññaṃ kiñcī’ti, hi vadaṃ appapañcaṃ papañceti.

– Thưa hiền giả, “sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không còn dư tàn, còn có một cái gì khác nữa”, nói như vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận (vadaṃ appañcaṃ pāpañceti).

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ, asesavirāganirodhā natthaññaṃ kiñcī’ti, hi vadaṃ appapañcaṃ papañceti.

“Sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không còn dư tàn, không còn cái gì khác nữa”, nói như vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận.

“Channaṃ, āvuso, phassāyatanānaṃ, asesavirāganirodhā nevatthi no natthaññaṃ kiñcī’ti, hi vadaṃ appapañcaṃ papañceti.

“Thưa hiền giả, sau khi đoạn diệt, ly tham sáu xúc xứ không có dư tàn, còn có và không còn có một cái gì khác nữa, nói như vậy là khiến trở thành hý luận một vấn đề không phải hý luận [65].

Thuật ngữ papañca có rất nhiều nghĩa như: Khái niệm, ảo thuyết, không tưởng”.

Hai Ngài vấn đáp nhau để chư Tỳkhưu học tập, Ngài Mahā Kotthita nêu ra câu hỏi thuộc dạng “suy luận, tưởng tượng ra” một vấn đề không nên suy tưởng và bàn luận.

Vì rằng: Sáu xứ là thế gian (loka), mà thế gian thì không thể bàn luận cho hết (loka acinteyya), sáu xứ cần phải hiểu rõ theo thực tại, không phải hiểu qua suy luận.

Sáu xúc xứ là quả của danh sắc, bao giờ còn danh sắc thì còn sáu xúc xứ.

Sáu xúc xứ do duyên sinh, khi không có nhân duyên sinh khởi thì chúng không hiện khởi, khi nhân duyên diệt thì chúng diệt.

Khi vị Thánh Alahán viên tịch (parinibbāna), vì không còn nhân duyên nên danh sắc mới không sinh lên, danh sắc cũ đã hết nhân duyên nên diệt. Ví như ánh sáng ngọn đèn đang cháy, khi hết nhiên liệu thì ngọn lửa tắt, ngọn lửa tắt thì ánh sáng cũng tắt, không thể nói ánh sáng tắt còn “một cái gì” hay  “ánh sáng mất”.

Nếu cho ánh sáng còn, thì nó đi về đâu? Hướng Đông, hướng Tây, hướng Nam, hướng Bắc, hướng trên hay hướng dưới? Không thể biết được, đã không biết ánh sáng đi về hướng nào, thì vì sao biết là “còn”?.

Nếu cho ánh sáng mất, khi nhiên liệu tái khởi (ví như có nhân duyên mới) ngọn lửa khởi lên, ánh sáng không thể hiện ra (vì đã mất), điều này vô lý.

Câu thứ ba: “Nói còn có và không còn có”, nghĩa là “có phần tồn tại, có phần không tồn tại”. Vậy cái gì tồn tại, cái gì không tồn tại? Không biết được. Đã không biết được cái gì tồn tại, cái gì không tồn tại, thì “nói có phần tồn tại, có phần không tồn tại, có hợp lý không?”.

Chính xác phải nói: Khi hết nhân duyên thì danh sắc không sinh, danh sắc không sinh thì sáu xứ không hiện khởi.

Do đó, vị Thánh Alahán viên tịch, cho rằng “còn một cái gì khác” xem như rơi vào thường kiến, cho rằng “không còn cái gì khác” là rơi vào đoạn kiến (vì cho rằng “trước đó có một cái gì đó, nay “cái đó” diệt mất).

b- Lời vô ích có hai chi:

– Hướng tâm nói lời vô ích (niratthakathāpurakkhāro).

– Đã nói lời vô ích (tathārūpīkathākathanaṃ).

c- Quả của vô ích ngữ.

“Samphappalāpo, bhikkhave, āsevitā bhāvitā bahulīkatā nirayasaṃvattanikā tiracchānayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattanikā.

Yo sabbalahuso pisuṇāya vācāya vipāko, manussabhūtassa anādeyyavācāsaṃvattaniko hoti.

“Này các Tỳkhưu, nói phù phiếm, được thực hiện, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói phù phiếm là được làm người, và được nghe những lời khó chấp nhận”.(sđd – A.iv, 247)

Tóm lại, quả của 7 bất thiện nghiệp.

Cả bảy điều trên (ba ác nghiệp về thân, bốn ác nghiệp về ngữ) nếu thường thực hiện, làm cho sung mãn, thường cho tái sinh về bốn khổ cảnh. Quả rất nhẹ là may mắn được sanh làm người thì:

– Sát sanh, sẽ cho làm người có tuổi thọ ngắn.

– Lấy của không cho, sẽ cho làm người với sự tổn hại tài sản (bhogayasana samvattanika).

Tài sản bị tổn hại do nước, do lửa, do trộm cắp, do bị vua quan chiếm đoạt và do kẻ thừa tự  phá hoại.

– Tà dâm, sẽ cho  làm người bị người khác oán thù.

– Nói dối, sẽ cho làm người bị vu cáo không đúng sự thật.

– Nói đâm thọc, sẽ cho làm người không có bạn bè.

– Nói ác, sẽ cho làm người, được nghe những tiếng không khả ý.

– Nói vô ích, sẽ cho làm người, được nghe những lời khó chấp nhận.

C- Ý bất thiện.

Tham đắm (abhijjhā), hiềm hận (byāpāda) và tà kiến (micchādiṭṭhi) là ý bất thiện.

1- Tham đắm – abhijjhā.

a- Giải từ.

Chữ abhijjhā = abhi (cao tột) + căn jhe .    Căn jhe có nghĩa là: “nhìn bằng tâm”.

Theo nghĩa gốc abhijjhā là “nhìn bằng tâm cao tột”, nên abhijjhā được hiểu là tham đắm, đắm nhiễm.

Chăm chú vào tài sản của người khác và muốn nó thuộc về mình, gọi là tham đắm.

b- Tham đắm có hai chi:

– Vật của người (parabhaṇḍaṃ).

– Muốn nó thuộc về mình (attanopariṇāmanaṃ).

Tội ít hay tội nhiều của ý tham đắm cũng giống như trộm cắp, tức là tham vật có giá trị cao thì tội nặng, có giá trị ít thì tội nhẹ.

Tham đắm tài sản của người có giới đức kém, có tội nhẹ, của người có giới hạnh cao, có tội nặng.

Giữa tham và tham đắm có điểm giống nhau là: “muốn chiếm hữu tài sản”, điểm khác biệt là: “mãnh lực tham nhẹ hơn tham đắm”.

Tham đắm dẫn đến hành động trộm cắp, còn tham thì không, một người có thể có tham nhưng không rơi vào trộm cắp.

Một thợ rừng vào rừng tìm gỗ quý để đốn, chỉ có thể gọi y có tâm tham, không thể gọi y trộm cắp.

Một nông dân trồng lúa, y ước muốn trúng mùa, chỉ có thể gọi y có tâm tham không thể gọi y làm việc tội lỗi.

Tham (lobha) có hai loại:

– Tham theo pháp (dhammiyalobha).

– Tham không theo pháp (adhammiyalobha).

Tham theo pháp hay tham không theo pháp là nói theo lãnh vực thế gian (tức là lấy thế gian làm chủ), khi lấy pháp làm chủ thì cả hai đều không tốt, vì tham là căn bản của bất thiện pháp.

Tham nhưng không hành động tội lỗi, như người phật tử muốn sinh về thiên giới nên trì giới, bố thí… là tham theo pháp.

Tham thực hành theo ác pháp như: trộm cắp, tà hạnh trong dục… là tham không theo pháp. Abhijjhā là tham không theo pháp.

Làm duyên cho tham sinh khởi đó là “tướng tốt đẹp (subhanimittaṃ)” và “không như lý tác ý (ayoni so manasikāra)”.

“Ko panāvuso, hetu ko paccayo yena anuppanno vā rāgo uppajjati uppanno vā rāgo bhiyyobhāvāya vepullāya saṃvattatī ’ti?.

Subhanimittantissa vacanīyaṃ ca ayoniso manasikāra ca.

“Do nhân gì, do duyên gì, này chư Hiền, tham chưa sinh được sinh khởi và tham sinh rồi đưa đến tăng trưởng lớn mạnh?

– Cần phải trả lời là “tướng tốt đẹp” “không như lý tác ý”.[66]

2-Thù oán (hay hiềm hận) – byāpāda

Gọi thù oán là ý nghĩa “muốn hủy hoại lợi ích, muốn hủy hoại an lạc của người khác”.

Sân (dosa) khác với thù oán.

Sân là trạng thái khó chịu, phẩn nộ nhưng không có ý làm tổn hại đến người khác, bậc thánh Dự lưu hay Nhất lai, tuy còn tâm sân nhưng không có sân ác vì các Ngài không có ý hại hay hủy hoại lợi ích của người.

Tội ít hay nhiều của sân ác giống như ác ngữ, tức là khởi ý hủy hoại lợi ích bậc có giới đức lớn thì tội nặng, hủy hoại lợi ích bậc kém giới đức thì tội ít.

Trong sớ giải kinh Pháp cú, có mẩu truyện:

Trong thời Đức Phật Kassapa, có một tên trộm chỉ vì có tâm hiềm hận với Trưởng giả Sumaṅgala, đã lén đốt ruộng của Trưởng giả bảy lần, chặt chân bò trong chuồng bảy lần, và lén đốt nhà Trường giả bảy lần.

Sau cùng, muốn làm cho Trưởng giả đau khổ, y đã đốt hương thất do Trưởng giả xây dựng cúng dường đến Đức Phật Kassapa. Mệnh chung, y bị rơi vào địa ngục Atỳ, quả dư sót phải tái sanh làm ngạ quỷ trăn [67].

Đức Phật có dạy:

Na paro paraṃ nikubbetha. Ñātimaññetha ketthacinaṃ kiñci

Byārosanā paṭighasaññā. Ñāññamaññassa dukkhamiccheyya.

“Chúng sanh chẳng nên dọa hẩm làm hại chúng sanh khác, chẳng nên khinh bỉ (dù) chút ít kẻ khác bất cứ nơi đâu, chẳng nên muốn làm khổ lẫn nhau vì sự nóng giận hoặc bất bình là sự bực tức trong tâm.[68]

Thù oán có hai chi:

– Chúng sanh khác (parasatto).

– Có tâm hủy diệt (tassa taṃ vināsacintā).

Duyên khiến sân sinh khởi là “chướng ngại tướng (paṭighanimittaṃ)” và “không như lý tác ý (ayoni so manasikāra).”

“Ko panāvuso, hetu ko paccayo yena anuppanno vā doso uppajjati uppanno vā doso bhiyyobhāvāya vepullāya saṃvattatī ‘ ti?.

Paṭighanimittaṃ tissa vacanīyaṃ ca ayoniso manasikaara ca.

“Do nhân gì, do duyên gì, này chư Hiền, sân chưa sinh được sinh khởi, sân đã sinh được tăng trưởng lớn mạnh?

Cần phải trả lời là chướng ngại tướng không như lý tác ý”. (sđd, A.i, 199).

3-Tà kiến (micchādiṭṭhi)

Là sự thấy sai, hiểu sai. Tà kiến là thấy, hiểu không đúng theo chân lý.

Tội nặng hay nhẹ của tà kiến giống như lời nói phù phiếm. Lại nữa, tà kiến ít có tội nhẹ, tà kiến nhiều có tội nặng (xem kinh Phạm võng – Trường bộ I).

Tà kiến có hai chi là:

– Nắm giữ điều sai với chân lý (atthaviparitatā) .

– Thấy là thật trong điều không thật (tatthābhāvupaṭṭhānaṃ).

Có hai duyên khiến tà kiến sinh khởi, đó là: Tiếng nói người khác và không như lý tác ý.

“Dveme, bhikkhave, micchādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve? Parato ca ghoso ayoniso ca manasikāro…

“Có hai duyên, này các Tỳkhưu, khiến tà kiến sinh khởi. Thế nào là hai? Tiếng nói người khác và không như lý tác ý..”[69]

Phân tích mười bất thiện nghiệp.

Mười bất thiện nghiệp được phân tích theo năm khía cạnh.

  1. Phân tích theo pháp (dhammato).

Bảy bất thiện nghiệp (ba thân nghiệp, bốn ngữ nghiệp) thuộc về thân – ngữ, do tâm sở Tư (cetanācetasika) điều sử.

Ba bất thiện nghiệp còn lại thuộc về ý, là những tâm sở Bất thiện đi chung với tâm sở Tư.

  1. Phân tích theo nhóm (koṭṭhāsato).

Bảy bất thiện nghiệp đầu và ý tà kiến là bất thiện, nhưng không phải là căn (mūla: gốc rễ) bất thiện.

Ý tham đắm, ý hiềm hận là pháp bất thiện lẫn căn bất thiện, ý tham đắm là căn tham, ý hiềm hận là căn sân.

“Tiṇimāni bhikkhave, akusalamūlāni. Katamānitiṇi?

Lobho akusalamūlaṃ, doso akusalamūlaṃ, moho akusamūlaṃ.

“Này các Tỳkhưu, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba?

Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện”[70].

  1. Phân tích theo đối tượng (arammaṇato).

Sát sanh có đối tượng là chúng sinh, tức là lấy danh – sắc mạng quyền (jīvitindriya) làm đối tượng.

Một chúng sinh gọi là chết khi danh mạng quyền (tức tâm sở mạng quyền – jīvitindriyacetasika) bị hoại, như chúng sinh cõi Vô sắc, hoặc sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa) bị hoại, như chúng sinh cõi vô tưởng (asaññībhūmi), hoặc cả hai loại danh – sắc Mạng quyền đều bị hủy hoại, như chúng sinh cõi ngũ uẩn (cõi dục giới – cõi sắc giới có tâm thức).

Gọi là sát sinh khi hủy diệt hai loại mạng quyền này, và sự kiện này chỉ xảy ra từ cõi Tứ Đại vương trở xuống.

– Trộm cắp có đối tượng chúng sinh và vật không phải là chúng sinh.

Như trộm cắp những con vật quý của người hay bắt cóc người thân của ai đó, rồi đòi tiền chuộc (lấy bằng cách hăm dọa), hoặc trộm cắp vàng, ngọc…

– Làm sai trong dục lạc có đối tượng chúng sinh và do mảnh lực của xúc (phassa) làm duyên.

Một số Giáo thọ sư cho rằng: “Làm sai trong dục lạc” có đối tượng là chúng sinh lẫn phi chúng sinh, như hành dâm với tử thi …

– Nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác có đối tượng là chúng sinh, do xúc làm duyên.

– Đối tượng của nói phù phiếm cũng là chúng sinh, nhưng có sự khác biệt với ba loại bất thiện ngữ ở trên là: Nói phù phiếm do tưởng làm duyên, nhớ lại sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp đã nhận biết.

– Tham đắm có đối tượngchúng sinh lẫn vật phi chúng sinh, tương tự như trộm cắp.

– Hiềm hận có đối tượngchúng sinh.

– Tà kiến có đối tượng“pháp hành – saṅkhāradhamma”, là mãnh lực diễn tiến của các pháp hữu vi trong tam giới.

4- Phân tích theo cảm thọ (vedanāto).

Ở đây chỉ trình bày theo ba thọ: Lạc, khổ và xả, vì trong lạc thọ ngầm có hỷ thọ, trong khổ thọ ngầm có ưu thọ.

– Sát sanh chỉ có một loại thọ: Thọ khổ.

– Trộm cắp có đủ ba thọ: lạc, khổ, xả.

Có những trường hợp trộm cắp không do tham mà do sân hận, như “trộm cho bỏ ghét”…

Hoặc có những trường hợp “trộm cắp với tâm thản nhiên” như trường hợp người con thản nhiên lấy tiền bạc của cha mẹ mà không xin (xét về năm chi phần trộm cắp thì đủ cả năm).

– Làm sai trong dục lạc có hai thọ: lạc và xả.

– Nói dối có ba thọ: lạc, khổ,  xả.

Nói dối có thọ lạc, như thích thú khi lừa gạt người và thấy người khác tin lời mình.

Nói dối có thọ khổ, như trường hợp sợ hãi nên nói dối.

Nói dối có thọ xả, như nói dối theo thói quen.

– Nói đâm thọc cũng có ba loại: khổ, lạc, xả.

Do hiềm hận nên nói lời đâm thọc để ly gián (là thọ khổ khi nói lời đâm thọc).

Thích thú được người khác thương, nên nói đâm thọc (là thọ lạc).

Thản nhiên với lời đâm thọc là thọ xả.

– Nói thô ác chỉ có một thọ là thọ khổ.

– Nói phù phiếm có ba thọ.

– Tham đắm và tà kiến có hai thọ: Lạc – xả.

– Hiềm hận có một thọ là thọ khổ.

  1. 5. Phân tích theo căn (mūlato).

Do mãnh lực dính mắc trong cảnh, gọi là căn tham.

Do mãnh lực khó chịu, nghịch ý, gọi là căn sân.

Do mãnh lực mê muội trong cảnh, gọi là căn si.

– Sát sanh do tâm sân điều khiển nên có hai căn là sân – si.

– Trộm cắp do tâm tham điều sử, có hai căn là tham – si.

Trộm cắp do tâm sân điều sử, có hai căn là sân – si.

– Tà dâm chỉ do tâm tham điều sử, nên có hai căn là tham – si.

– Nói dối do tâm tham điều sử, có hai căn là tham – si.

 Nói dối do tâm sân điều sử, có hai căn là sân – si.

– Nói đâm thọc, nói phù phiếm tương tự như nói dối.

– Nói thô ác chỉ do tâm sân điều sử nên có hai căn là sân, si.

– Tham đắm chỉ có một căn là căn si, vì tham chính nó là căn bất thiện, nó không thể đi chung với chính nó.

Trong tâm tham có hai căn là tham và si, nên tham đắm có một căn là căn si.

– Tương tự như thế với hiềm hận, vì hiềm hận chính là căn sân, nên hiềm hận có một căn là căn si.

– Tà kiến chỉ có ở trong tâm tham, nên tà kiến có hai căn là tham,  si.

B- Trí hiểu rõ về Thiện và căn bản của thiện.

Từ bỏ sát sanh là thiện (pāṇātipātā veramaṇī kusalaṃ).

Chữ veramaṇī, chữ vera có nghĩa là: sự thù nghịch, sự chống lại, veramaṇī  nghĩa đen của từ ngữ là “có ý chống lại”, nghĩa mở rộng là “kiêng cữ, tránh ra, từ bỏ”, đồng nghĩa với veramaṇī là virati. .

Các Giáo thọ sư có giải thích veramaṇī là “cố ý (cetanā) làm hư hoại tội lỗi, cố ý xua đuổi xấu xa”, như:

Veraṃ manati =  viramaṇī: (cố ý ) xua đuổi tội lỗi, gọi là viramaṇī.

Hay: “Làm cho không còn tội lỗi, gọi là viramaṇī”..

Theo văn phạm Pāli thuộc ngôn ngữ xứ Magadha, thì viramaṇī biến đổi thành veramaṇī, có lẽ đây là một hình thức đọc trại âm thường thấy.

Vì thế có người tụng cả hai, tức là veramaṇī sikkhāpadaṃ hay viramaṇī sikkhāpadaṃ (nghĩa là: Theo điều học là cố ý lánh xa).

Tóm lại, veramaṇī (hay viramaṇī) là một từ khác chỉ chi cetanā.

Cetanā này được đặt tên trên nền tảng tác ý (manasikāra), nếu tác ý đúng (yoni so manasikāra) thì cetanā này sẽ lánh xa ác xấu, từ bỏ ác xấu, tiêu diệt ác xấu. Nếu tác ý không đúng (ayoni so manasikāra) thì cetanā sẽ tạo ra ác xấu, tội lỗi.

Tác ý đúng sinh khởi cetanā tốt, tác ý sai sinh khởi cetanā xấu, tác ý đúng hay sai này nằm trong tâm Hướng ý môn (manodvāravajjanacitta).

Chính tâm Hướng ý môn làm duyên cho loại tâm đổng lực (javanacitta) thiện hoặc tâm đổng lực bất thiện sinh lên [71] (ở đây không đề cập đến những đổng lực duy tác của bậc Alahán).

Lại nữa, “cố ý tránh xa tội lỗi, ác xấu” hàm ý dựa vào hai tâm sở “hổ thẹn tội lỗi (hiri) và ghê sợ tội lỗi (ottappa)”. Chính hai pháp này giúp cho cetanā (cố ý) có nhiều sức mạnh, không tạo ra bất thiện nghiệp, hay ác nghiệp.

 Ba loại kiêng tránh (virati).

Bất cứ một loại kiêng tránh nào, cũng phải đối điện với ác xấu, tội lỗi, ví như Thánh đạo phải có Nípbàn làm đối tượng (cảnh) mới diệt trừ phiền não.

Đối diện với tội lỗi, tâm không rơi vào tội lỗi mới gọi là kiêng tránh, còn không gặp tội lỗi nên tâm không rơi vào ác xấu đó là lẽ đương nhiên.

Như “không gặp vật quí nên không có tâm lấy trộm đó là lẽ đương nhiên, gặp vật quí của người nhưng không có ý lấy trộm, đó là kiêng tránh”.

Không có cơ hội gặp người khác, thì không thể rơi vào 4 ngữ ác là việc thường tình, khi gặp người mà không nói nhãm, không nói dối… Đó là sự kiêng tránh.

Và từ điểm này chúng ta mới thấy “lợi ích của sự sống nơi thanh vắng”, như lời Bậc Đạo sư thường dạy.

  1. Kiêng tránh do thói quen (sampattavirati).

Chữ sampatta là quá khứ phân từ của động từ sampāpuṇāti (saṃ + pa + ap + uṇā).

Động từ sampāpuṇāti nghĩa là “đến nơi, gặp được”, nên sampatta nghĩa là “đã đến nơi, đã gặp được”.

Từ ý nghĩa của sampatta, có thể hiểu sự kiêng tránh này đã từng làm, đã từng thực hiện và đã trở thành thói quen..

Một người có thói quen không làm điều ác – bất thiện, khi đối diện với ác – bất thiện sẽ không vi phạm vào ác – bất thiện.

Như Trưởng lão MahāKassapa khi còn là thanh niên có tên Pippali không muốn lập gia đình, vì trong tiền kiếp nhiều lần tu tập thiền tịnh, nên tâm thường hướng về ly dục, nhưng cha mẹ ép nài chàng phải cưới vợ.

Để làm vui lòng cha mẹ, chàng làm một tượng thiếu nữ rất xinh đẹp, cho tượng mặc áo đỏ và đeo những vật trang sức, nói với cha mẹ rằng: “Nếu tìm được thiếu nữ nào như vầy, con sẽ lấy nàng làm vợ”.

Mẹ chàng cho các Bàlamôn mang pho tượng đi khắp nơi để tìm người giống như thế.

Ở Sāgala có nàng Bhaddā giống hệt pho tượng mà thanh niên Pippali làm ra, các Bàlamôn đã tìm thấy nàng Bhaddā.

Cũng như thanh niên Pippali, nàng Bhaddā không muốn có chồng, cả hai viết thư cho nhau nói rõ ý niệm của mình.

Hai người đưa thư, gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi, rồi đồng tình tráo thư với nội dung ngược lại.

Do vậy, đám cưới được cử hành, nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau một vòng hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, hai người quyết định xuất gia.

Sở dĩ có hiện tượng trên là vì hai vị đã từng sống đời phạm hạnh bên nhau rất nhiều kiếp, nên nay tuy phải làm đám cưới, nhưng hai vị vẫn giữ được sự trong sạch phạm hạnh.[72]

(Một ô nhiễm trong dục lạc như vầy còn không có, thì nói gì đến sự vi phạm giới tà dâm nhỉ?) .

Bản Sớ giải kinh Chánh tri kiến[73] có nêu câu chuyện khác, tóm lược như sau:

Bồtát Cakkana.

Bồtát khi còn lăn trôi trong luân hồi, có một kiếp Ngài có tên là Cakkana, mẹ của Ngài bịnh nặng, thầy thuốc bảo phải tìm con thỏ còn sống, giết thỏ lấy máu hòa với thuốc mới khỏi bịnh, anh của Cakkana bảo:

– Này Cakkana, em hãy đi ra rẩy, tìm bắt thỏ mang về.

Vâng lời anh, Cakkana đi ra rẩy, Cakkana bắt được con thỏ, nhìn thấy vẽ sợ hãi và van lơn của thỏ. Bồtát suy nghĩ: “Thật không thích hợp cho ta khi phải giết một sinh mạng để đổi lấy sự sống cho mẹ ta”. Và chàng đã thả con thỏ đi.

Khi trở về, người anh hỏi: “Này Cakkana, em có tìm được thỏ không?”

Cakkana thuật lại câu chuyện, người anh la mắng Cakkana, Cakkana đi vào nơi mẹ nằm, phát nguyện rằng: “Từ khi tôi sinh ra đến giờ, tôi không từng giết hại một con vật nào, do lời chân thật này xin cho mẹ tôi hết bịnh”.

Liền khi ấy, bịnh của mẹ cậu thuyên giảm rồi dứt hẳn.

Lời phát nguyện trên cho thấy “thói quen” của Cakkana là “không từng giết hại sinh vật nào”, nên thấy thỏ run sợ chàng xúc động buông tha.

Cakkana là tiền thân Bồtát, Ngài thường có tâm từ bi với mọi chúng sinh, do thói quen này nên Cakkana không từng sát hại sinh vật từ khi mới sinh ra cho đến lớn.

Lại nữa, một người khi đối diện với điều ác xấu, do nghĩ đến danh dự cao quý của mình, hay danh dự tốt đẹp của gia tộc nên không rơi vào ác, bất thiện.

Hoặc là, nghĩ đến những hình phạt của vua quan, những quả báo đau khổ của ác, bất thiện nên khi đối diện với ác, bất thiện sẽ tránh xa ác, bất thiện ấy.

Đây gọi là kiêng tránh do thói quen.

  1. Kiêng tránh do thọ trì (samādāna virati).

Là sự kiêng tránh do chấp nhận quy luật của một sinh hoạt tín ngưỡng, tương tự như sự chấp nhận nội quy trường học của một học sinh hay sự chấp nhận quân luật của người binh sĩ…

Sự chấp nhận (samādāna) thọ trì học giới xuất phát từ tinh thần tự giác, đi chung với đức tin.

Trong Phật giáo có bốn học giới như sau:

– Học giới dành cho Tỳkhưu, gồm 227 điều. [74]

– Học giới dành cho Tỳkhưu ni, gồm 311 điều. [75]

– Học giới dành cho Sadi – Sadi ni gồm mười giới và 75 Ưng học pháp.

Riêng học nữ (sikkhāmānā) là Sadi ni muốn thọ giới Tỳkhưu ni, phải gìn giữ sáu giới (năm giới đầu của Sadi và giới không ăn phi thời) trọn vẹn hai năm, không bị đứt đoạn.

Tức là ngoài Sadi ni giới ra, sáu giới này không được vi phạm, giả như được một năm Sadi ni này ăn phi thời, dĩ nhiên phải sám hối, nhưng một năm trôi qua kể như bỏ, phải hành lại từ đầu.

– Học giới dành cho cận sự nam –  cận sự nữ, gồm 5 giới, 8 giới hay 10 giới.

Học giới trong Phật giáo không chỉ đơn thuần là giới mà còn bao gồm cả định và tuệ.

“Sādhikamidaṃ, bhikkhave, diyaḍḍhasikkhāpadasataṃ anvaddhamāsaṃ uddesaṃ āgacchati, yattha attakāmā kulaputtā sikkhanti.

Tisso imā, bhikkhave, sikkhā yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ gacchati. Katamā tisso?

Adhisīlasikkhā adhicittasikkhā adhipaññāsikkhā. Imā kho, bhikkhave, tisso sikkhā, yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ gacchati.

“Này các Tỳkhưu, bản đọc tụng này, gồm hơn 150 học giới, cần phải đọc tụng nửa tháng một lần. Ở đây, các thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản đọc tụng ấy.

Này các Tỳkhưu, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới. Thế nào là ba?

– Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỳkhưu thâu nhiếp tất cả [76].

Và Đức Phật có dạy:

Yampi, Pahārāda, mayā sāvakānaṃ sikkhāpadaṃ paññattaṃ taṃ mama sāvakā jīvitahetupi nātikkamanti.

“- Này Pahārāda (Atula vương – Ns), khi các học pháp được Như lai chế định cho các đệ tử, dù cho vì nhân mạng sống, cũng không vượt qua” [77].

Sách Thanh tịnh đạo có nêu ra 2 mẫu truyện như sau:

Trong rừng Mahāvattani, có vị Trưởng lão bị bọn cướp bắt trói bằng dây leo màu đen rồi chúng bỏ đi.

Sợi dây trói không chắc lắm, nhưng vị Trưởng lão nằm đó trọn bảy ngày vì e ngại phạm vào giới “làm hại thảo mộc” phạm vào Ưng đối trị (pācittiya là “làm hư hoại thiện pháp”). Trong thời gian ấy, Ngài phát triển tuệ quán chứng quả Anahàm, mệnh chung sinh về Phạm thiên giới.[78]

Bản sớ giải kinh Chánh tri kiến có nêu ra câu truyện như sau:

Có một cận sự nam thọ trì giới nơi Trưởng lão Piṅgala Buddharakkhita tại Tịnh xá Ambariya xong rồi, ông ra đồng làm việc, đến trưa, ông tháo bò cho nó đi ăn và nghĩ trưa.

Khi thức giấc, ông phát giác con bò của mình đã đi lạc, ông đi tìm bò. Do bất cẩn, ông bị con trăn quấn quanh người, trên tay ông có cầm con dao bén, ông toan chém vào con trăn nhưng chợt nhớ lại giới mình thọ trì, ông suy nghĩ “nếu ta cầm con dao bén, khi bị trăn xiết mạnh, vì sợ chết ta có thể hạ sát con trăn”, rồi ông suy nghĩ tiếp “nếu ta ném con dao ở gần, có thể ta sẽ nhặt lại để sát hại con trăn”.

Ông liền ném con dao ra xa, rồi tưởng niệm đến giới mà mình đã thọ trì. Do sức mạnh của giới, khiến con trăn tháo mình ra và ông được an lành.

  1. Kiêng tránh do đoạn trừ(samuccheda virati).

Là tuyệt đối không còn vi phạm, do đã chứng đạt Nípbàn, nhổ lên tận gốc rễ (setughāta – phá bỏ cây cầu), không có sự liên lạc với ác, bất thiện.

Như bậc Dự lưu tuyệt đối không phạm vào ngũ giới, một tư tưởng sát hại chúng sinh, lấy của không cho … không hề khởi lên cho vị thánh Dự lưu.

Bậc Thánh Anahàm, một tư tưởng hành dâm cũng không khởi lên, bậc Alhán một tư tưởng bất thiện không hề có.

Trong ba loại kiêng tránh, kiêng tránh do chấp nhận điều học (tức là giới tu tập) là quan trọng nhất vì hiểu rõ lợi ích của giới.

Kiêng tránh do đoạn trừ là giới thành tựu, giới thành tựu là kết quả của giới tu tập, vị ấy không cần phí sức nhiều như giới tu tập.

Còn kiêng tránh do thói quen có thể là loại tâm thiện không có trí, là bản năng tự nhiên, như người xứ Bắc cưu lô châu (Uttarakurudīpa) gìn giữ giới một cách tự nhiên, nhưng những người ở châu này không chứng đạo quả.

Chỉ có giới do thọ trì, đưa bậc trí đến giải thoát khổ, vì hiểu rõ giới cùng lợi ích của giới.

“Dussīlassa bhikkhave, sīlavipannassa hatūpaniso hoti sammāsamādhi.

Sammāsamādhimhi asati sammāsamādhivipannassa hatūpanisaṃ hoti yathābhūtañāṇadassanaṃ…

“Này các Tỳkhưu, với người ác giới, với người phá giới (sīlavipannassa), chánh định nhân vậy bị phá hoại (hatūpaniso).

Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân vậy bị phá hoại”…[79]

Lại nữa, sự thọ trì giới được nghiêm túc là do nương vào đức tin, đức tin sung mãn thì giới sẽ không hề bị vi phạm, trái lại đức tin yếu kém hay hạn hẹp, người này sẽ vi phạm vào giới.

“…Saddhaṃ kulaputtaṃ nissāya antojano pañcahi vaḍḍhīhi vaḍḍhati. Katamāhi pañcahi?

Saddhāya vaḍḍhati, sīlena vaḍḍhati, sutena vaḍḍhati, cāgena vaḍḍhati, paññāya vaḍḍhati.

“…Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên  về 5 phương diện. Thế nào là năm?

Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về dứt bỏ, lớn lên về trí tuệ.”  [80].

Đoạn kinh trên cho thấy Đức Phật nêu lên lòng tin trước, khi lòng tin tăng trưởng thì giới tăng trưởng.

Lại nữa, một trong 5 tâm cứng rắn (cetokhila) là: “Nghi ngờ Học giới (sikkhāya kaṅkhati)”, vị Tỳkhưu có tâm nghi ngờ Học giới sẽ không sẽ không trưởng thành, hưng thịnh trong giáo pháp này [81].

Do đó, các Giáo Thọ sư dạy rằng: “Sự thọ trì học giới do nương vào đức tin”.

2-Phân tích thiện nghiệp.

Phân tích theo pháp (dhammato).

Ba thân thiện nghiệp (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục lạc) thuộc về thân, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.

Bốn ngữ thiện nghiệp (không nói dối, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không nói nhãm nhí) là ngữ, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.

Ba ý thiện nghiệp (không đắm nhiễm, không sân và trí) thuộc về ý, do tâm sở Tư điều sử các tâm sở phối hợp với nó, dựa trên tác ý đúng.

Phân tích theo nhóm (koṭṭhāsato).

Bảy thiện nghiệp thuộc thân và ngữ là thiện, không phải là căn (mūla) thiện.

Ba ý thiện nghiệp là pháp thiện lẫn căn thiện, ý không tham là căn vô tham (alobhamūlaṃ), ý không sân là căn vô sân (adosamūlaṃ), chánh kiến là căn vô si (amohamūlaṃ).

– Phân tích theo đối tượng (ārammaṇa).

Đối tượng của thiện nghiệp tương tự như bất thiện nghiệp, chỉ khác là “không tạo ra ác, bất thiện.

Phân tích theo thọ (vedanāto).

Các thiện nghiệp này chỉ có hai thọ là: lạc và xả, vì thiện nghiệp không có khổ thọ.

Phân tích theo căn (mūlato).

Bảy thiện nghiệp đầu: Nếu được làm bởi tâm thiện ly trí thì có hai căn là vô tham và vô sân.

Nếu làm với tâm thiện có trí thì đủ ba căn là: Vô tham, vô sân và vô si.

Ý không tham trong tâm thiện ly trí chỉ có một căn là căn vô sân, trong tâm thiện có trí thì có hai căn là: vô sân và  vô si.

Vì “vô tham” nó chính là căn, nó không thể đi chung với chính nó.

Ý không sân trong tâm thiện ly trí, có một căn là vô tham, trong tâm thiện có trí có hai căn: Vô tham và vô si.

Chánh kiến có hai căn là: Vô tham – vô sân.

Ngoài ra, nếu phân tích theo Tứ đế thì:

a- Bất thiện nghiệp.

Bảy bất thiện nghiệp đầu là khổ đế trực tiếp.

 Ý tham đắm (abhijjhā) là tập đế trực tiếp.

Ý hiềm hận (byāpāda), ý tà kiến vừa là khổ đế vừa là tập đế gián tiếp.

b- Thiện nghiệp.

Bảy thiện nghiệp đầu là khổ đế gián tiếp.

Ý vô tham, ý vô sân vừa là khổ đế gián tiếp vừa là tập đế gián tiếp.

Chánh kiến trong tâm đạo là đạo đế, trong tâm hiệp thế vừa là khổ đế gián tiếp vừa là tập đế gián tiếp.

Chánh kiến trong tâm quả siêu thế là ngoại đế.

Diệt trừ ác, bất thiện nghiệp là diệt đế (tạm thời).

Dứt phần trí biết rõ về bất thiện và thiện.

-ooOoo-

[1]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu  129.

[2]- HT. TMC (d), Dhp, câu 222.

[3]- Đại Đức Thiện Phúc (d), Paramatthajotika- Chú giải người và cõi, phần chư thiên chiến đấu với Asura.

[4]- A.iv, 432.

[5]- HT. TMC (d), M.iii, Kinh Tiểu Nghiệp Phân biệt.

[6]- HT. TMC (d), Dhp, câu 225 .

[7]- Sớ giải kinh Đại viên tịch (mahāparinibbānasuttaṃ).

[8]- Đại Đức Giác Giới (dịch), Luật tạng- Đại phân tích bộ- Điều triệt khai thứ ba.

[9]- A.iv, 247.

[10]- Đại Đức Giác Giới (d), Luật phân tích Tỳkhưu, điều triệt khai thứ ba (số 218).

[11]- D.i, kinh Phạm võng (Brhamajālasutta)- đoạn số 26.

[12]- Đại Đức Thiện Phúc (d), Paramatthajotika- Chú giải người và cõi- Chuyện vua Daṇdakī.

[13]- Đại Đức Thiện Phúc (dịch), Chú giải Người và cõi.

[14]- Bà Trần Phương Lan (dịch), JA, số 213- chuyện vua Bharu.

[15]- Đại trưởng lão Hộ Tông (dịch), (1995), Thập độ q.2 (Bồ tát hành  giới độ), Tp Hồ Chí Minh, Thành Hội Phật Giáo tp Hồ Chí Minh, tr.5.

[16]- HT. TMC (d), M.ii, kinh Upali (upālisutta).

[17]- Đại Đức Giác Giới (dịch) (kn), Đại phân tích Tỳkhưu giới- điều tăng tàn thứ 6.

[18]- A.iii, 136

[19]- A.ii, 27.

[20]- DhpA, kệ ngôn 296- 301.

[21]- DhpA, câu

[22]- Đại Đức Giác Giới (d), Luật phân tích Tỳkhưu, điều triệt khai thứ 2.

[23]- Đại Đức Giác Giới (dịch) (kn), Luật phân tích Tỳkhưu, điều triệt khai thứ 2, số 130.

[24]- A.iv, 247.

[25]- DhpA. kệ ngôn số 71.

[26]- Nên lưu ý, Phạm  là từ  âm của chữ brahma, chữ brahma được âm là Phạm ma hay Phạm thiên, hạnhlà dịch từ chữ cariya.

[27]- HT. TMC (d), A.iii, 347. Pháp sáu chi, kinh Migasālā (Migasālāsuttaṃ). 

[28]- HT. TMC (d), S.v, 26.

[29]- HT. TMC (d), A.iii, 272 . Kinh Đoạn trừ bỏn xẻn (Macchariyappahānasuttaṃ).

[30]- A.i, 232

[31]- HT. TMC (d), A.iii, 275. Pháp năm chi, kinh Tỳkhưu (bhikkhusuttaṃ)

[32]- HT.TMC (d), A.iii, 203.Pháp năm chi, kinh Sợ hãi (Sārajjasuttaṃ),

[33]- A.iv, 54. Pháp bảy chi, kinh Dâm dục (Methunasuttam.)

[34]- HT. TMC (d), A.i, 1. Phẩm sắc( Rūpādivaggo)

[35]- Trần Phương Lan (dịch), JA, chuyện số 536- tiền thân Kunāla.

[36]- HT. TMC (d), A.v, 263. Pháp 10 chi, kinh Cunda (người thợ rèn)- (Cundasuttam.)

[37]- Đại trưởng lão Hộ Tông (soạn dịch), (1995), Thập độ, tích Bồtát Vessantara.

[38]- HT. TMC (d), A.iii, 223.

[39]-HT. TMC (d), A.iv, 208.

[40]-DhpA, câu 223.

[41]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 309, 310.

[42]- Đại Đức Giác Giới (d), Luật tạng, bộ Đại phân tích, điều triệt khai 1.

[43]- HT. TMC (d), Dhp, câu 242.

[44]- A.iii, 223.

[45]- HT. TMC (dịch), A.iv, 247. (Kinh Quả ác hạnh, duccaritavipākakasuttaṃ) (pháp tám chi).

[46]- HT.TMC (d), M.ii, Kinh Giáo giới Ra Hầu La (Rahulovādasuttaṃ).

[47]- HT. TMC (d), A.iv, 247 (Kinh Quả ác hạnh, duccaritavipākakasuttaṃ) (pháp tám chi).

[48]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 176.

[49]- HT. TMC (d), A.i, 127.

[50]- DhpA, câu  kệ số 151

[51]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp- 306.

[52]- HT. TMC (d), A.iv, 307.

[53]- Trần Phương Lan (d), JA, truyện số 138, tiền thân  Godha.

[54]- HT. TMC (d), Dhp, câu 394.

[55]- S.ii, 115.

[56]- JA, câu truyện 431.

[57]- A.iii, 196 và A.v, 79.

[58]- Đại trưỡng lão Pháp Minh (d), DhpA, câu 133- 134.

[59]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp- 133-134.

[60]- DhpA- câu số 408.

[61]- Therī, phẩm 20 kệ, bà Ambapālī.

[62]- Luật Phân tích Tỳkhưu giới.

[63]- DhpA, câu kệ số 21, 22, 23.

[64]- HT. TMC (d), A.i, 10.

[65]- HT. TMC (d), A.ii, 161.

[66]- HT. TMC (d), A.i,199. Pháp ba chi, chương VII, Kinh Du sĩ ngoại đạo (Aññatitthiyasuttaṃ)  

[67]- Đại trưởng lão Pháp Minh (d), DhpA, câu số 126.

[68]- Đại trưởng lão Hộ Tông (d), Sn, 25- Kinh Từ bi.

[69]- HT. TMC (d), A.i, 86. Pháp 2 chi, phẩm  Āsāduppajahavaggo, (126)

[70]- HT. TMC (d), A.i, 201. Pháp ba chi, chương VII, phẩm lớn (mahāvaggo), kinh Căn bản bất thiện (akusalamūlasuttaṃ).

[71]- Xem Quy Trình Tâm Pháp. (TK Chánh Minh biên soạn).

[72]- Thera, 94- Ngài MahāKassapa.

[73]- Đại Đức Thiện Phúc (d), Sớ giải kinh Chánh tri kiến.

[74]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu.

[75]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu ni- Đại Đức Giác Giới dịch.

[76]- HT. TMC (d), A.i, 232 , Pathamasikkhāsuttaṃ (Kinh Bản đọc tụng thứ nhất). 

[77]-HT. TMC (d), A.iv,  197. Pháp tám chi, Pahārādasuttaṃ (Kinh Atula Pahārāda).

[78]- Vsm, 99.

[79]- HT. TMC (d), A.iii, 19.  Pháp năm chi, Dussīlasuttaṃ (Kinh Ác giới).

[80]- HT. TMC (d), A.iii, 44. Pháp năm chi, Mahāsālaputtasuttaṃ (Kinh cây Sāla lớn).

[81]- M.i, kinh số 16- Cetokhilasuttaṃ ( kinh Tâm hoang vu).

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app