Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc

Phần 4 – Một Cái Nhìn Sáng Tỏ: Tuệ Giác và Từ Bi

Tự Tánh Của Tâm

Khi người ta nghe nhà Phật nói về sự trống không, khi họ nghe tâm ta được diễn tả như là một khoảng không gian thênh thang rộng lớn, họ lại tưởng tượng đến tâm tĩnh lặng cũng giống như là một điểm đen (black hole) trong vũ trụ vậy. Và từ đó họ có thể đâm ra sợ hãi và nói, “Tôi càng lúc càng trở nên thoải mái trong khi ngồi thiền, nhưng rồi tôi hoảng sợ là tôi sẽ quên đi mình là ai,” hoặc “Tôi sợ là mình lạc đi đâu đó và rồi không còn biết đường mà trở về nữa.”

Nói chung thì chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra. Chúng ta lúc nào cũng vẫn nhớ mình là ai. Và thường thì tác dụng của thiền quán là để giúp chúng ta có mặt trong hiện tại hơn, bây giờ và ở đây, chứ không phải đưa ta đến một nơi chốn xa xôi, lạ kỳ nào khác. Một tâm rộng lớn và không xao động, không có nghĩa là tâm ta sẽ trống vắng không còn một ý nghĩ hoặc ý niệm hoặc cảm thọ nào nữa. Nó chỉ có nghĩa là tâm ta không còn xao động, thế thôi!

Khi tôi còn bé, thành phố nhỏ nơi tôi ở có thông qua một sắc lệnh là cấm làm “ồn ào nơi công cộng.” Tôi thường thắc mắc không biết thế nào là làm ồn ào nơi công cộng. La hét ở chỗ đông người chăng? Hay là ca hát trên đường phố? Ngày nay, giữa đời sống phức tạp ở thành phố, ý niệm về việc giữ cho một nơi chốn nào đó được thinh lặng thật là một việc hết sức kỳ diệu.

Tự tánh của tâm ta là tĩnh lặng. Đối với tôi thì khám phá ấy, ít nhất trong thời gian đầu, vừa đem lại một tin vui mà cũng vừa mang một tin buồn. Tin buồn là vì một tâm thư thái, một tâm không bị động loạn, trạng thái ấy thì không có gì là kỳ diệu hoặc phiêu diêu, biến hóa như tôi đã từng mơ tưởng hết. Còn tin vui là vì sự tĩnh lặng ấy lại chính là một trạng thái nhiệm mầu nhất của tâm ta, và nó không bao giờ nhàm chán hoặc buồn tẻ hết. Chúng ta có thể kinh nghiệm được nó mãi mãi. Và sở dĩ chúng ta có thể kinh nghiệm được nó mãi mãi bởi vì nó chính là tự tánh của ta.

Không Có Một Cây Tùng Rực Lửa

Annie Dillard đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với tôi vào những năm tôi mới bắt đầu bước chân vào con đường tu tập. Tôi đã đọc quyển Người Hành Hương tại Con Suối Tinker của bà rất nhiều lần. Trong quyển ấy có một đoạn đã làm tôi xúc động thật mạnh. Bà ghi lại, có một lần trong khi bà đi xuyên qua rừng, trên đường trở về căn nhà gỗ của mình tại Con Suối Tinker, nơi đây bà sống suốt một năm trời trong rừng vắng để tiếp xúc với thiên nhiên. Rõ ràng là lúc ấy tâm bà rất tĩnh lặng, sự chú ý của bà rất cao, và bà đang sống trong một trạng thái như tiếp xúc được hết với mọi sinh vật có mặt chung quanh bà. Lẽ dĩ nhiên, đây là một trạng thái tâm thức mà từ đó người ta có thể có được những tuệ giác rất khác thường.

Ngày hôm ấy trên đường trở về căn nhà nhỏ, bà chợt thấy một cây tùng bên đường bốc rực lửa. Tôi biết, khi đọc những dòng ấy, không phải bà muốn nói là cây tùng ấy đang bốc cháy thật sự. Tôi nghĩ có lẽ bà muốn diễn tả cây tùng ấy có tỏa ra một hào quang hoặc một ánh sáng chói chang nào đó. Sự kiện ấy, tự chính nó, tôi nghĩ không có gì là lạ thường hết, nhưng vì bà đã nhìn nó bằng một con mắt khác thường. Bà diễn tả lại giây phút ấy như có một năng lượng chuyển hóa rất lớn, và viết rằng bà sống cho những ảnh tượng như vậy.

Và tôi cũng muốn mình sẽ có được một cây tùng rực lửa giống như thế. Tôi nghĩ rằng nếu tâm ta tĩnh lặng đủ, nó sẽ bùng sáng lên như một ngày lễ lớn, có pháo bông rực sáng trong nội tâm, không cần biết bên ngoài là đêm hay ngày. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng ít nhiều đã bị ảnh hưởng vì cuốn phim Yellow Submarine của ban nhạc the Beatles, trong màn đầu mọi vật đang trắng đen đột nhiên trở nên đầy màu sắc. Tôi muốn thế giới của tôi được bừng sáng, rực rở màu sắc.

Khi tiếp tục thiền tập, đôi khi tôi cũng có lúc kinh nghiệm được những giây phút có những sự kiện thú vị xảy ra trong thân và tâm. Có lúc tôi cảm thấy cơ thể mình lâng lâng vui sướng, thân tôi rung động mạnh vì một niềm hoan lạc, màu sắc chung quanh tôi dường như sắc sảo hơn, đường viền của những chiếc lá chừng như rõ nét hơn. Thực phẩm trong khóa tu có những hương vị thơm ngon hơn bình thường. Nhưng nó không có nghĩa là một trái táo khô sẽ trở nên mọng nước hơn. Một trái táo khô sẽ vẫn là một trái táo khô, tôi biết vậy. Và hương vị ngọt ngào sẽ vẫn là hương vị ngọt ngào, và tôi cũng biết vậy. Nhưng không có gì bốc lửa, không có gì tỏa hào quang, và cũng không có một trời hoa pháo nào xảy ra trong tâm tôi. Một hôm, sau nhiều năm tu tập, trong một khóa tu thiền, tôi đi dạo ra bên ngoài tu viện và ngồi xuống trên một chiếc băng gỗ cạnh cửa sau, chờ vài phút cho đến giờ ăn trưa. Ngày hôm ấy trời có nhiều sương mù và mây xám. Tu viện là một tòa nhà cũ kỹ nằm yên trong một khung cảnh buồn tẻ. Trời tháng hai California u ám và tẻ nhạt. Chiếc băng ghế ngồi lạnh lẽo. Phía trước mặt tôi là một thân cây, vẫn còn trơ trọi vì những nụ lá xanh chưa nở. Tôi tự nghĩ, “Không biết đây có phải là cây tùng của mình không!”

Tôi nhắm mắt lại và chú ý đến hơi hở của mình. Tôi cảm thọ được thân mình đang ngồi trên chiếc băng ghế lạnh. Tôi cảm thọ được không khí ẩm ướt chung quanh. Tôi cảm thấy rất thư thái. Tôi bắt đầu thấy thích chiếc băng ghế lạnh, tôi thích sự cứng chắc của nó, tôi thích hơi sương lành lạnh chung quanh tôi. Tôi ý thức là mình đang có hạnh phúc. Tôi thấy hơi đói nhưng vẫn thấy là hạnh phúc. Rồi chuông báo hiệu giờ ăn trưa vang lên. Tôi nghe tiếng chuông, tôi thích âm thanh ấm áp ấy, nhưng tôi không cảm thấy một sự thúc đẩy nào bảo tôi phải đứng dậy để đi vào trong nhà sắp hàng. Tôi vẫn ngồi yên đó. Đột nhiên, tôi ý thức được đây là một kinh nghiệm khá đặc biệt, và sự kiện là không có một sự thúc đẩy nào khởi lên trong tôi bắt tôi đi làm một chuyện khác, là phi thường lắm. Đây là một tiếng chuông kêu gọi tôi đi vào nhà làm một công việc thú vị hơn, trong một khung cảnh ấm cúng hơn, và dù vậy trong tâm tôi không hề có một ý muốn nào khởi lên bảo tôi phải thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình. Tôi hoàn toàn mãn nguyện. Tôi tự nghĩ, “Hay thật! Mãn nguyện là một trạng thái tâm thức kỳ diệu nhất. Nó khác thường vô cùng.” Tôi lại nghĩ tiếp, “Có lẽ đây là giây phút giác ngộ của tôi. Có lẽ nếu tôi mở mắt ra, thân cây trước mặt tôi sẽ ngời sáng và tỏa chiếu hào quang.” Tôi rụt rè nhút nhát, từ từ mở mắt ra. Thân cây trước mặt tôi vẫn không có một chút gì thay đổi, nó vẫn thật tầm thường. Nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Thỉnh thoảng trong tôi cũng vẫn còn có một ước vọng về một cây tùng rực lửa. Thường thường, những lúc nào tôi cảm thấy thật tĩnh lặng và an lạc, tôi lại có một ý nghĩ, “Cảm giác này thật kỳ diệu, có lẽ bây giờ là lúc cây tùng bốc lửa của mình xuất hiện đây!” Nhưng chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra! Mà thật ra tôi nghĩ đó cũng là một điều may mắn cho tôi. Nếu tôi có thấy được một lần, nó chắc chắn sẽ không kéo dài lâu và rồi cũng qua đi, nhưng tôi lại bắt đầu tìm kiếm để mong được thấy thêm một cây tùng khác nữa. Nó sẽ thành một chướng ngại lớn.

Những cây tùng rực lửa ấy hiếm hoi và khó mà xảy ra lắm. Nhưng những giây phút an lạc thì có thể có mặt trong mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời. Thật ra, mỗi giây phút của ta đều có tàng chứa sự an lạc. Sở dĩ ta không tiếp xúc được với chúng, cũng bởi vì tâm ta vẫn chưa dừng lại đó thôi.

Ba Con Dấu Của Thực Tại

Đức Phật có nói đến ba sự thật về những kinh nghiệm trong cuộc sống, về tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống của ta. Chúng bảo đảm sẽ đem lại cho ta hạnh phúc và an lạc nếu ta có thể thật sự hiểu được chúng. Thật ra thì ba sự thật ấy rất là hiển nhiên, mỗi khi tôi đem ra dạy, người ta thường hay nói, “Chỉ có vậy thôi sao? Ai mà lại không biết việc đó!” Đúng vậy, chúng là những sự thật hết sức bình thường, và mọi người có lẽ ai cũng đều biết chút ít về chúng. Nhưng tôi tin rằng điều quan trọng trên phương diện tu tập là ta phải hiểu cho thật thẳm thấu, làm thế nào để chúng có thể giúp ta bớt sợ hãi hơn và có hành động từ ái hơn.

Ba sự thật ấy còn được gọi là ba con dấu, trong kinh điển gọi là Tam Pháp Ấn, là ba đặc tính của mọi kinh nghiệm trong cuộc sống của ta: anicca, dukkha và anatta. Anicca có nghĩa là vô thường, tất cả mọi việc đều biến đổi không ngừng. Không có gì trên đời này là có thể tồn tại mãi được. Sự việc hiện lên từ một chân trời giả tưởng mà ta gọi là “tương lai,” chúng đi qua như những kinh nghiệm, và biến mất vào trong một khoảng trống không mà ta gọi là “quá khứ.” Và ngày hôm qua của ta cũng nằm trong cùng với một khoảng trống không như cuộc Thế Chiến vừa qua. Dukkha có nghĩa là sự không vừa lòng, bất toại nguyện. Vì chung quanh ta không có gì là bền vững, không một nơi nào cho ta an nghỉ, nên cuộc sống là một chuỗi dài của những sự điều chỉnh liên tục để đi tìm hạnh phúc. Và con dấu thứ ba, Anatta, có nghĩa là vô ngã, không có một thực thể riêng biệt. Nó có nghĩa là tất cả những kinh nghiệm của ta chỉ là một dòng sông trôi chảy không ngừng nghỉ, nó khởi lên, hiển lộ ra, và rồi biến mất đi. Và chỉ là vậy! Ý niệm cho rằng có một người nào đó riêng biệt đứng bên ngoài nhìn dòng sông ấy, chỉ là một ảo tưởng mà thôi.

Nếu những sự thật ấy quá đơn giản và ai cũng biết, thì tại sao chúng ta phải cần đến sự tu tập làm gì? Nói cho cùng, trong chúng ta có những người có tuệ giác một cách tự nhiên. Nhưng còn đa số chúng ta, một cái biết kiến thức dường như vẫn là chưa đủ. Sự tu tập vì vậy rất cần thiết, vì nó có thể đem lại cho chúng ta một cái thấy sáng suốt và sâu sắc, và nó còn có một tác dụng chuyển hóa nữa. Trong kinh điển, sự chuyển hóa này còn được gọi là một sự phát triển tuệ giác. Bạn không thể nhìn thấy được tuệ giác, nhưng bạn có thể thấy được những phản ảnh của chúng. Những phản ảnh của chúng chính là sự an lạc, không sợ hãi và lòng từ ái của bạn.

Như Bọt Nước, Sương Mai

Trên một chuyến xe buổi sáng ở Massachusetts, tôi một mình với chú tài xế trên đường đến phi trường Logan. Chú trông cũng trạc tuổi tôi nên tôi đoán có lẽ chú cũng đã có con, cháu. Chỉ trong vài phút, chúng tôi đã thăm hỏi nhau hết về những chi tiết cần thiết – có bao nhiêu con cháu, trai hay gái, mấy tuổi. Và rồi chúng tôi lại bàn tiếp đến sự kỳ diệu của tính chất di truyền, như là màu tóc đỏ của ông nội và tánh nhút nhát ghê gớm của dì nó đã biểu hiện thật rõ ràng nơi đứa cháu trai bốn tuổi.

Vui miệng, câu chuyện tự nhiên từ đó bắt sang những niềm hạnh phúc: đứa cháu trai của chú là một diễn viên, cháu trai tôi biết nói tiếng Thụy Điễn, gia đình của chú ai cũng biết thương và lo lắng cho nhau, gia đình tôi cũng thế. Và sau một hồi, chúng tôi lại sang đến những khó khăn: đứa nào có những vấn đề về sức khỏe, về công ăn việc làm, về chuyện vợ chồng…

Tôi để ý thấy rằng cuộc đời của chúng ta ai cũng giống như nhau, có những niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau tương xứng, chỉ duy có tên tuổi nhân vật là thay đổi mà thôi. Chú gật gù đồng ý và mỉm cười, khi nhớ lại một kỷ niệm xưa. “Chúng tôi vui lắm,” chú kể, “diện quần áo thật kẻng cho mấy đứa con nít để đi lễ. Đứa lớn nhất được mười chín tuổi khi em nó mới sanh, cả gia đình tôi cùng bước vào một lượt trông thật đẹp mắt, tất cả là tám người.

“Ngày lễ Giáng Sinh,” chú tiếp tục, “đó mới thật là nhộn nhịp. Vào lúc ấy cái gì thấy cũng là quan trọng vô cùng, và bây giờ nhìn lại thì như là chưa từng xảy ra. Tôi đã làm việc cho sở bưu điện hơn ba mươi bốn năm trời, trước khi về hưu và bắt đầu lái xe, mà bây giờ nhìn lại cũng thấy dường như chuyện sở bưu điện ấy cũng chưa xảy ra bao giờ!”

Kinh Kim Cang đã diễn tả sự thật ấy rất hào hùng, khuyên ta nên nghĩ đến “cuộc sống vô thường” này như là “mộng huyễn, như bọt nước, như sương mai, như ánh chớp” (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán.) Những học trò của tôi, đôi khi cũng gặp khó khăn với những ý niệm như là sự trống không hoặc là không có một thực thể riêng biệt. Vì trong giây phút này mọi vật thấy dường như là rất thực, rất quan trọng và rất vững chắc. Tôi nghĩ, có lẽ vì sự dũng mạnh của ý kinh hoặc những hình ảnh ví dụ đã làm cho họ bị rắc rối. Chỉ cần chiêm nghiệm lại kinh nghiệm của chính cuộc đời mình, ta sẽ biết rằng những điều kinh nói là sự thật.

Anicca: Vô Thường

Anicca là chân lý về vô thường, về cái tự tánh thay đổi và biến chuyển liên tục của mọi kinh nghiệm. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta ai mà lại không biết rằng sự vật sẽ thay đổi, rằng không có gì là tồn tại mãi mãi. Tôi không biết một người nào mà lại thích đi gặp nha sĩ, nhưng chúng ta ai cũng đã phải đi, và ít nhiều gì cũng tương đối cảm thấy thoải mái, cho dù có vấn đề gì đi chăng nữa. Và tôi dám chắc là sẽ không ai dám đi gặp nha sĩ nếu mỗi buổi hẹn đều kéo dài vô tận, không biết khi nào ta mới được bước ra khỏi phòng thuốc. Chúng ta biết là việc gì rồi cũng sẽ đổi khác, cái gì rồi cũng sẽ qua, những khi mình đi gặp nha sĩ. Nhưng trong cuộc sống, đôi khi ta lại quên việc ấy, nhất là khi mình bị bối rối. Buồn rầu làm ta bối rối, mất mát và muộn phiền làm cho ta sợ hãi. Nếu chúng ta có thể giữ cho tâm mình được trong sáng một chút thôi, và ý thức được rằng cái gì cũng chỉ là tạm thời, chúng ta sẽ có thể đối diện với những hoàn cảnh phức tạp, khó khăn bằng một sự ung dung.

Cái Này Rồi Cũng Sẽ Qua

Đứa con thứ tư của tôi chào đời khi đứa đầu tiên được năm tuổi. Tôi rất vui mừng với hoàn cảnh của mình, và niềm hân hoan ấy tràn ngập tâm tôi. Tôi vẽ hàng chữ “Cái này rồi cũng sẽ qua,” trên khung cửa nhà bếp. Và ngày ấy cũng đã trôi qua. Bây giờ hồi tưởng lại những ngày tháng đó tôi cảm thấy thật nhiều thương nhớ. Khi tôi hiểu được thời gian lướt qua rất nhanh và những việc trong đời tôi đã trôi ngang như một bóng mờ, tôi chợt ý thức rằng ngày mai đây khi thức dậy, nhìn lại mình tôi sẽ thấy đã già tám mươi tuổi. Khi mẹ chồng tôi đã lớn tuổi, bà ta thường hay thở dài và nói, “Mới quay lưng một chốc mà rồi xong hết!” Tôi thường nghĩ đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân của bà về cuộc đời. Bây giờ thì tôi biết đó là sự thật.

Không Có Sự Dễ Chịu Nào là Lâu Dài

Căn nhà tôi đang ở cũng đã được một trăm tuổi. Khi chúng tôi mới dọn vào ở trước cửa chánh có một hàng rào để vịn tay dọc theo những bậc thang dẫn lên nhà. Những người chủ trước, các cụ đã lớn tuổi, dọn đến một căn nhà khác dễ dàng cho sự ra vào của họ hơn. Vì hàng rào vịn tay ấy trông không được đẹp mắt cho lắm, và chúng tôi vẫn còn trẻ trung, khoẻ mạnh, lúc vừa mới dọn vào chúng tôi đã cho người tháo gỡ nó xuống.

Mới đây, chúng tôi đã cho dựng gắn chiếc hàn rào vịn tay ấy lên lại. Chúng tôi chưa cần đến nó nhưng đa số bạn bè chúng tôi cần. Điều thật lạ lùng là tôi có cảm tưởng như là mình mới tháo gỡ nó xuống ngày hôm qua đây thôi! Nếu tôi kể lại một câu chuyện về cuộc đời vô thường, bắt đầu bằng, “Cuộc đời tôi trôi qua như bóng mây…” thì tôi có thể trở thành bi quan. Lòng thương cảm phải được sử dụng để giúp ta trân quý giây phút hiện tại này hơn thì mới có ích lợi. Còn nếu ta chỉ biết thương nhớ, tiếc nuối về những gì mình đã bỏ lỡ, chúng sẽ chỉ trì kéo ta xuống thêm mà thôi.

Phyllis là một trong những người mà tôi biết ngày nay phải cần đến chiếc hàng rào vịn tay ấy. Mười năm trước khi mới gặp chị, chị có thể lên xuống những bậc thang trước nhà tôi hết sức dễ dàng. Bây giờ cơ thể chị quá mỏng mảnh, chị phải cần đến một chiếc ghế đặc biệt mới có thể ngồi thoải mái. Tuần rồi, trong khi sắp xếp lại mấy chiếc gối dựa lưng cho chị, tôi hỏi, “Chị có cảm thấy dễ chịu hơn không?”

“Đở lắm,” chị trả lời một cách nuối tiếc, “nhưng không có sự dễ chịu nào là được lâu hết!”

Dukkha: Bất Toại Nguyện

Khi ta nói, “Cuộc đời này không toại nguyện,” việc ấy có vẻ hơi thiếu lịch sự, như là chúng ta đang phàn nàn về một cái gì. Tôi nhớ khi lên lớp Ba, tôi bị cô giáo phê “Không vừa ý” trong mục “Làm việc và chơi đùa với bạn.” Bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn cảm thấy hơi bất mãn. Tôi nghĩ, có lẽ tôi bị điểm xấu vì khi so sánh với những người khác, họ đã làm việc và chơi với nhau hay hơn tôi. Nhưng làm sao mà cuộc sống lại có thể là “không toại nguyện” được? Ta so sánh nó với cái gì đây?

Con dấu thứ hai của những kinh nghiệm trong cuộc sống là sự bất toại nguyện, tức dukkha. Đức Phật dạy rằng sự bất toại nguyện cơ bản nhất của ta phát sinh từ một ý thức về sự vô thường. Đáng lẽ điều ấy phải khai phóng ta mới phải! Vì khi ta “hiểu” được tính cách tạm bợ của mọi vật, ta cũng sẽ “hiểu” là nếu mình bám víu vào bất cứ một cái gì, chẳng những hành động ấy hoàn toàn vô ích mà còn sẽ mang lại cho ta nhiều khổ đau nữa.

Không một việc gì mà có thể tồn tại mãi được. Có lần tôi hướng dẫn một khóa tu dài một tuần cho toàn những thiền sinh mới. Đa số những phương pháp thiền tập, kể cả phương pháp thiền quán mà tôi hướng dẫn, đều bắt đầu bằng cách yêu cầu mỗi người chú ý đến cảm thọ của hơi thở. Lý do là vì chúng ta ai cũng thở, hơi thở rất bình dị và ai cũng có thể cảm nhận được nó rất dễ dàng. Biết chú ý vào kinh nghiệm của hơi thở sẽ đem lại cho ta sự tĩnh lặng và một khả năng tập trung sáng tỏ.

Tôi cố diễn đạt những lời hướng dẫn của tôi sao cho mọi người có thể chú ý và kinh nghiệm được sự biến đổi liên tục đang xảy ra trong họ và chung quanh họ. Tôi cố ý làm việc ấy. Vì hy vọng của tôi khi hướng dẫn mọi người là không những họ sẽ được trở nên tĩnh lặng, mà còn phát sinh được tuệ giác, và sẽ tự chứng nghiệm được những chân lý giải thoát mà đức Phật đã dạy. Tôi nói những lời như, “Khi bạn đặt sự chú ý của mình vào kinh nghiệm của hơi thở, bạn hãy nhớ ghi nhận sự sinh lên và diệt đi của chúng. Hể cái gì có sinh thì sẽ có diệt.”

Mỗi ngày qua trong khóa tu, và tôi tiếp tục đưa ra những lời hướng dẫn tương tự, với hy vọng sẽ giúp mọi người chú ý đến cái tính cách tạm bợ của mọi hiện tượng. “Khi đi, hãy ghi nhận mỗi bước chân đặt xuống của ta sanh lên và diệt đi như thế nào.” “Khi ăn trưa, hãy ghi nhận đến cơn đói bụng của ta lúc ban đầu, nó dần mất đi khi ta tiếp tục ăn.”

Cuối cùng, một buổi chiều, như là không còn chịu đựng được nữa, một thiền sinh cắt ngang lời tôi: “Sao bà cứ lại nói như thế hoài vậy?” anh ta kêu lên. “Tôi không chịu nổi khi bà cứ nói như vậy.”

“Tôi nói như vậy,” tôi đáp, “vì đó là sự thật.”

Tôi rất cảm thông với sự bất mãn của anh. Tôi có thể chia xẻ được điều ấy vì tôi cũng đã từng trải qua một thời gian dài tương tự. Trên con đường tu tập, tôi cũng đã từng có những lúc mà tôi chỉ ý thức được duy có mỗi sự sanh diệt của các hiện tượng mà thôi. Cuộc sống đối với tôi dường như chỉ là những bài toán khó khăn, đau đớn, và vô lý trên con đường đi đến cái chết. Trong một buổi trình pháp, tôi kể cho vị thầy tôi nghe là tôi cảm thấy mọi chuyện bây giờ đối với tôi dường như rất là trống vắng và vô nghĩa.

“Cẩn thận nhé Sylvia,” ông bảo, “đừng để cho cái tuệ giác về tính chất bất toại nguyện này làm khổ đến kinh nghiệm sống của chị.”

“Cám ơn thầy nhiều lắm,” tôi lịch sự trả lời, như học trò đối với một vị thầy mình kính mến, tin là ông hiểu rõ những gì ông nói, và tôi chào ông bước ra ngoài. Khi cánh cửa khép lại phía sau lưng, tôi nghĩ, “Nhưng phải LÀM SAO đây?”

Không lâu sao đó, vẫn còn bị dính mắc với quan niệm rằng đời-vô-nghĩa-vì-bất-toại-nguyện, tôi cùng với nhà tôi đi nghỉ mát ở Hạ Uy Di vào một ngày lễ. Kinh nghiệm lần ấy mới thật là kỳ cục! Hạ Uy Di phải là một nơi của tình yêu và thơ mộng. Hai vợ chồng tôi cùng ngồi với nhau ngoài vỉa hè của một nhà hàng, ngắm mặt trời hoàng hôn lặn cuối chân trời. Chung quanh tôi là những cặp tình nhân nắm tay nhau, nhìn hoàng hôn mỉm cười, chắc chắn là họ đang thì thầm với nhau những lời tình tứ, trong khi chỉ có mình tôi là đang khóc thầm trong lòng! “Lại một buổi chiều tàn, một ngày lại trôi qua! Mọi việc đang đi qua! Cuộc đời sao thấy trống vắng và vô nghĩa quá!” Tôi đoán có lẽ lần ấy tôi đã không là một người bạn đồng hành vui tươi lắm đối với nhà tôi.

Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể ý thức được tính chất bất toại nguyện của cuộc sống mà không cần phải chán bỏ hết tất cả. Khi ta ý thức được sự mỏng manh và tạm bợ của mọi hiện tượng, sự thật là sớm muộn gì chúng ta rồi cũng sẽ mất nhau, ta sẽ cảm thấy mình cần phải biết luôn thương yêu nhau, hiểu biết nhau hơn. Đối với một người bị bệnh nan y chúng ta thường nói, “Bà ấy không còn được bao nhiêu ngày nữa.” Thật ra thì tất cả chúng ta cũng sẽ còn có được bao nhiêu ngày nữa? Nào ai có thể biết chắc được con số ấy là bao nhiêu. Chúng ta không có một giây phút nào để lãng phí cả!

Dẫu Đời Có Là Vô Nghĩa, Món Nấm Vẫn Quan Trọng

Cuộc đời của người bạn tôi, Alta, là một bài học cho tôi, mà cái chết của bà cũng là một bài học nữa. Suốt bảy mươi chín năm trời, bà có một cuộc sống dồi dào sức khỏe, đùng một cái bà ngã bệnh nặng, và mọi người ai cũng biết là bà khó có thể nào qua khỏi. Bà đã chấp nhận số phần ấy với một thái độ khoan dung thường ngày của bà. Nhưng đó chỉ là phân nửa bài học mà bà đã dạy tôi.

Phân nửa bài học còn lại, là về cái gì là thật sự có ý nghĩa. Lần cuối cùng bà còn có thể nói chuyện với tôi, hai ngày trước khi bà nhắm mắt, chúng tôi bàn về ý nghĩa của cuộc đời.

“Tôi đã suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của cuộc đời này,” bà nói, “và nó dường như không có gì là quan trọng lắm! Em nghĩ sao?”

“Có lẽ thật ra nó chẳng có gì cả, nhưng người ta lại cứ làm loạn cả lên.” Tôi đáp.

“Ừ chắc là vậy,” bà trả lời và tiếp, “Em đã đọc một bài điếu văn thật hay lúc bác trai ở nhà mất.”

“Em sẽ viết một bài cho chị.”

“Nhưng tôi không muốn làm phiền gì đâu…”

“Ồ có gì đâu mà chị lại nói vậy, Alta! Chị muốn em nói gì về chị?”

“Cái gì cũng được. Em nói bất cứ điều gì em muốn.”

“Em biết rồi, nếu em đọc cái công thức về món nấm ngâm sốt đặc biệt của chị, có được không?”

“Ý đó hay lắm! Món đó thì tuyệt. Tôi biết có nhiều người thích nó lắm!”

“Mà chị còn nhớ công thức không? Chị đọc lại cho em nghe đi!”

“Tôi không nhớ hết. Em tìm trong hộp đựng giấy tờ đồ ăn để trong nhà bếp. Em nhớ nhắc kỹ là không nên nấu lâu hơn bốn tiếng đồng hồ trước khi dùng. Nấm sẽ khô héo đi!”

Tôi nghĩ, nấm cũng có ý nghĩa quan trọng như bất cứ một việc gì khác trên cuộc đời này.

Anatta: Vô Ngã

Sự hiểu biết có năng lực giải thoát thứ ba mà đức Phật dạy là vô ngã, tức anatta. Thật ra đó cũng chỉ là một hình thái khác của luật biến đổi mà thôi. Vì mọi vật đều luôn luôn thay đổi, nên không có ai có thể làm chủ của sự thay đổi được, và cũng không thể có một ai để cho sự thay đổi ấy xảy đến. Chúng ta là động từ chứ không phải danh từ, là những kinh nghiệm đang xảy ra, là những câu chuyện mà tự chúng tự kể lấy và rồi tiếp nối nhau. Một câu chuyện này đều có liên hệ đến tất cả những câu chuyện khác. Trong kinh điển đức Phật dùng chữ duyên khởi để diễn tả rằng mọi việc nhờ nương nhau mà có, tất cả mọi hiện tượng đều có liên quan mật thiết với nhau, hoàn toàn không có một cái gì có thể đứng riêng rẽ, cá biệt, một mình được hết.

Cái Nhìn Xa Rộng, Cái Nhìn Nhỏ Gần

Tôi nhớ có đọc đâu đó là những phi hành gia đã từng đặt chân lên mặt trăng, hoặc có lẽ tất cả những phi hành gia nào đã đi xa đủ để có thể nhìn lại và thấy được toàn thể trái đất một lần thôi, họ đều cùng chia xẻ chung với nhau một kinh nghiệm. Họ cảm nhận được sự nhiệm mầu của những gì đang xảy ra trên mặt điạ cầu mà không hề cộng thêm vào đó một sự phê phán tốt xấu, như khi bắt đầu trở về gần lại trái đất. Tôi cũng có một kinh nghiệm tương tợ khi tôi có dịp đi đâu cách xa gia đình mình. Chỉ sự hiện hữu của những người tôi thương thôi, cũng đủ quan trọng hơn bất cứ một sự bất mãn hoặc ưa thích nào của tôi có về họ khi chúng tôi ở gần nhau. Sự thực nghiệm tâm linh sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn rộng lớn và bao dung, cho dù chúng ta có đang rất thân thiết và gần kề bên nhau.

Tấm ảnh mà tôi thích nhất là hình trái đất mọc khi nhìn từ mặt trăng. Nó tuyệt đẹp. Một trái banh lớn màu xanh dương và lá cây lơ lững giữa không gian mênh mông đen thẳm, nằm yên trên quỷ đạo của nó. Từ điểm nhìn ấy, quang cảnh trên trái đất kỳ diệu vô ngần! Có loài sinh vật sinh ra, có loài chết đi, cây cỏ một bên đang nở rộ, một bên đang tàn héo, có tuyết rơi, mưa đổ, gió thổi, núi lửa phun, động đất rung chuyển, tiếng người ta nói chuyện, âm thanh ca nhạc hát vang. Từ mặt trăng nhìn về, đó là một vở tuồng vũ trụ lạ kỳ. Và từ ở chỗ chúng ta đứng, bên trong vở tuồng ấy, nhìn lên mặt trăng, thì đó lại là một câu chuyện khác. Nó biến từ một vở tuồng của chung thành một vở tuồng của riêng tôi, và từ đó trở thành một vấn đề. Nếu bạn đứng xa đủ để nhìn lại, thì nó không phải là câu chuyện riêng của bạn đâu – nó là một trong những năm tỷ rưởi câu chuyện trên quả đất này.

Làm cách nào để giữ cho ta có được hai cái nhìn như thế cùng một lúc là một thử thách lớn. Có một lần, cách đây hai mươi năm, người bạn của tôi, Zalman, có đưa ra một ví dụ mà tôi đã kể lại cho các thiền sinh của tôi nghe rất nhiều lần. Nó cho ta thấy muốn giữ cho mình có được hai quan điểm ấy cùng một lúc đòi hỏi một sự tinh tế vô cùng. Ông ta bảo chúng ta hãy tưởng tượng mình đang ở trong một rạp hát, bắt đầu chiếu đoạn mở đầu cho cuốn phim kinh dị Psycho của Alfred Hitchcock. Nữ tài tử Janet Leigh bị đâm nhiều nhát dao trong phòng tắm. Chúng ta cảm thấy sợ hãi và định đứng lên bỏ về, nhưng người bạn ngồi cạnh bên cản lại và nói, “Có gì đâu, người ta chỉ đóng phim thôi mà!” Ông Zalman bảo ta hãy tưởng tượng tiếp, là mình lại ngồi xuống và tiếp tục theo dõi truyện phim, bắt đầu thấy nó hấp dẫn, và rồi cũng người bạn ấy, cứ mỗi hai phút lại khều ta và nói, “Nhớ nhé, đây chỉ là đóng phim thôi!” Ta sẽ bực mình và bảo, “Để yên cho tôi một chút có được không, tôi đang thưởng thức truyện phim mà!”

Dẫu biết rằng cuộc đời này cũng giống như một cuốn phim mà mỗi người chúng ta được giao phó cho một vai tuồng, điều ấy không có nghĩa là ta có thể có một thái độ bất cần hoặc dững dưng với nó được. Thật ra những diễn viên giỏi bao giờ cũng cảm nhận được vai tuồng của họ, và hài lòng khi được người khác phê bình là nhân vật của họ rất sống động. Tôi muốn cảm nhận được sự sống của tôi một cách trọn vẹn, đóng vai trò của mình như nó là thật, và vui vẻ cởi bỏ áo mão sau khi màn đã buông xuống. Muốn được như vậy, tôi cần phải giữ cho mình một cái nhìn bao dung và rộng lớn.

Khi ba tôi sắp mất, tôi đã có mặt bên cạnh ông suốt những ngày chót của cuộc đời. Những ngày cuối ấy, ba tôi bị chìm trong một cơn hôn mê, thỉnh thoảng ông tỉnh dậy. Chúng tôi biết ba không còn được bao lâu nữa, cố giúp cho ông được dễ chịu chừng nào tốt chừng ấy, chờ hơi thở chót. Rồi có lúc ba tôi dường như đang trút một hơi thở cuối: thân ông rung động mạnh, hơi thở đứt quảng, tất cả những triệu chứng của một người sắp chết. Tôi siết chặt tay ông và nói một bài đã sửa soạn trước: “Hãy đi vào nơi có ánh sáng” và “Bây giờ là cơ hội để ba rời bỏ thân xác này.” Tôi rất hài lòng là mình đã nói những lời ấy, vì đó là những lời mà người hấp hối cần được nghe! Nào là “Ba đã làm hết những gì ba cần làm trong kiếp sống này rồi.” “Mọi người đều thương và quý ba.” “Đã đến lúc ba phải tiếp tục hành trình của mình rồi.” “Ba đâu cần gì cái thân hư hao này nữa…” Mỗi lần thấy ba tôi vất vả với hơi thở của ông, là tôi lập lại bài diễn thuyết ấy. Có lúc ông trở nên thoải mái hơn và ngủ thiếp đi, tôi lại chờ đợi. Vào lúc cuối, hơi thở của ông trở nên đứt quảng liên tục, tôi nhỏm dậy và lại bắt đầu nói về “Hãy đi vào ánh sáng…” Ông mở mắt ra nhìn tôi và nói một cách thật rành mạch, “Con biết không, chẳng có gì đâu con, đừng làm cho to chuyện!”

Bác Thợ Sửa Máy May: Quên Đi Câu Truyện Của Mình

Tuệ giác của Vô Ngã, một ý thức rằng câu truyện này là không có chủ, điều ấy có lẽ khó hiểu nhất. Ví dụ, khi ta nói “Tôi buồn quá,” thì ta thật sự cảm thấy như có một người nào đó trong ta là chủ của nỗi buồn ấy. Có một lần, tôi gặp được một người mà ông ta có thể nhìn thấu suốt qua được câu truyện của ông, và hoàn toàn tự tại.

Chiếc máy may của tôi bị hư, cần được sửa. Vì vừa dọn đến một thành phố mới nên tôi giở quyển sách điện thoại niên giám ra để tìm một đại lý sửa máy may. Khi lái xe đến tiệm, tôi chú ý đến một tấm bảng để bên ngoài cửa sổ ghi: “Công việc tốt đẹp. Mọi người thật tuyệt. Cuộc đời kỳ diệu!” Tấm bảng ấy hơi khác thường đối với một cửa tiệm sửa máy may. Mà thật ra nó cũng bất thường đối với bất cứ một cửa hiệu nào khác.

Bước vào bên trong, tôi nhận thấy trên những vách tường và trên mặt quầy hàng có trưng bày những khẩu hiệu lạc quan, như là: “Khi cuộc đời trao cho bạn một trái chanh, hãy pha cho mình một ly chanh đá!” “Ngày hôm nay là của bạn, muốn nó sẽ ra sao là tùy ở nơi bạn.” Người chủ tiệm ra dấu chào tôi, và rồi tiếp tục chú ý hoàn toàn đến người khách hàng đang ở trước mặt ông. Ông ta chẳng có gì là vội vã, thế nên tôi cũng vậy.

Khi đến phiên tôi, ông ta tiếp đãi thật chu đáo. Sau khi đã hoàn tất thủ tục bỏ sửa chiếc máy may, tôi mạo hiểm hỏi một câu tâm lý hơi có tính cách cá nhân: “Bác trông có vẻ là một người vui tính,” tôi nói. “Chắc Mẹ bác cũng vui tính và yêu đời như bác?”

“Không,” ông trả lời. “Mẹ tôi nghiện rượu và rất chán đời.”

“Tôi đoán,” tôi tiếp tục, “chắc là Ba của bác phải là một người gương mẫu cho bác noi theo.”

“Không Ba của tôi ưa nổi nóng bất thường lắm, và ông hay đánh đập chúng tôi.”

“Thế nhưng bác lại trở thành một người thành công như vầy thì thật là hay quá!” Tôi buột miệng khen.

“Tôi không thành công lắm đâu! Tôi cũng đã có lúc tệ hại lắm!” Ông mỉm cười, hơi có một nét gì hối tiếc. “Tôi học hành không ra gì. Không bao giờ thật sự biết đọc. Tôi ra Trung học vì mình cứ lớn dần và lớn dần, đến một lúc nhà trường bắt buộc phải cho tôi lên lớp vậy!”

Ông kể lại câu truyện của đời ông không chút ngại ngùng. Và tôi tiếp tục hỏi. Trường hợp của ông hình như rất ngoại lệ, nó bất chấp hết mọi sự khôn ngoan thường tình.

“Sau khi ra Trung học mọi việc lại càng tệ bạc hơn. Tôi vướng vào nghiện ngập. Tôi bị lôi thôi đủ chuyện này nọ. Cuối cùng, không biết làm gì hơn, nên tôi xin gia nhập vào thủy quân lục chiến. Ngày đầu tiên, họ phát cho tất cả chúng tôi đồng phục, tóc hớt ngắn y như nhau. Họ bảo chúng tôi ngồi quay mặt vào trong tường, và xởn hết tóc mọi người. Rồi họ xoay người bọn tôi lại, sáu đứa tất cả, cùng một lúc đối diện trước một tấm gương lớn. Tôi giật mình hơi kinh hoảng một chút. Tôi không tìm được ra mình trong ấy. Không có một người nào trong đó mà tôi biết được câu truyện đời của anh ta!”

Đối với tôi, đó là câu quan trọng nhất trong bài tự thuật của ông. ” Không có một người nào trong đó mà tôi biết được câu truyện đời của anh ta!” Ông ta kể tiếp, sau khi thấy rằng tất cả vấn đề chỉ nằm ở chỗ câu truyện nào là “của” ta, ông quyết định tìm cho mình một câu truyện mới. Câu truyện cũ, ông nghĩ, đã không giúp ích gì cho ông lắm.

Sau khi giải ngũ, nhờ đã học về máy móc, ông được huấn luyện thêm về ngành sửa máy may, lập gia đình, có con, và làm chủ một cửa tiệm nhỏ nhưng khá đông khách. Ông cười to và nói với tôi là chưa bao giờ ông đọc hơn trọn một quyển sách trong suốt đời mình. Nhưng người ta cứ thích đổ xô kéo đến tiệm ông. Tôi nghĩ một phần có lẽ vì ông sửa máy may giỏi. Còn phần lớn có lẽ vì họ thích cái không gian chung quanh ông. Tôi đoán chắc là không phải khác hàng nào cũng nhiều chuyện như tôi. Tôi nghĩ họ chỉ linh cảm rằng ông ta có biết một cái gì đó rất đặc biệt.

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app