Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc – Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản Của Phật Ii

Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc

Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản của Phật

Tim Tôi Vẫn Còn Níu Kéo

Trong một bài nhạc tình, câu “Tim em gắn bó với anh” là một lời yêu thương rất nồng nàn tha thiết. Chúng ta muốn trái tim và ý nghĩ của người mình yêu gắn chặt với mình. Nhưng theo sự hiểu biết của nhà Phật thì chính sự bám víu, dính mắc này là nguyên nhân của khổ đau. Mặc dù vậy, trái tim của tôi vẫn còn rất dính mắc. Vào những ngày tốt trời thì nó ít bị dính mắc hơn một chút.

Lúc mới bắt đầu tu tập, một trong những việc mà tôi thích nhất là được nghe kể chuyện về đức Phật và Phật pháp. Trước khi tôi ý thức được là ta cũng có khả năng tĩnh tâm và cảm nhận được giải thoát là gì, tôi rất thích được nghe kể những câu chuyện về giải thoát.

Những câu truyện về đức Phật bao giờ cũng rất là kỳ diệu. Thường thì câu truyện được bắt đầu bằng sự diễn tả về nơi chốn đức Phật thuyết pháp, tên của những nhân vật chánh đến thính pháp. Thường thì câu truyện kể lại có một vị nào đó “từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, đứng dậy, đảnh lễ đức Phật, xong ngồi xuống và nghe pháp.” Và tiếp theo “Đức Như Lai nói như vầy,” rồi truyện trình bày một bài pháp trong đó đức Phật giải thích về chân tánh của mọi vật. Câu truyện thường được chấm dứt bằng “Sau khi nghe Phật nói xong, các vị … đều được giác ngộ hoàn toàn” hoặc là “Nghe xong, tất cả đại chúng đều được hoàn toàn giác ngộ.” Lời kết ấy thường được viết như vầy: “Và tâm các ngài, nhờ không còn bị dính mắc, được giải thoát khỏi những sự ô nhiễm.” Tôi yêu những lời ấy vô cùng. Trải qua biết bao nhiêu năm tu tập cho đến ngày hôm nay, mỗi khi có dịp được nghe ai thuyết pháp, tôi đều tưởng tượng rằng có thể đây là lúc mình sẽ đạt được sự giác ngộ hoàn toàn và cuối cùng, như những vị ấy. Sự kiện là nó đã xảy ra trong thời đức Phật, đã để lại cho ta một tiền lệ rất tốt. Có điều là nó chỉ chưa xảy đến cho tôi mà thôi!

Tôi nghĩ việc ấy đã không xảy đến dễ dàng cho chúng ta, là vì tâm ta đã bị điều kiện bởi những phản ứng theo thói quen quá nặng nề. Thói quen của tâm rất khó thay đổi. Tôi thường hay bị nhức đầu mỗi khi bị tức giận, vì tôi không biết cách nào để biểu lộ sự bất mãn của mình ra cho được tự nhiên. Bây giờ tôi có thể bày tỏ cảm xúc tức giận của mình thoải mái hơn, nhưng đôi khi tôi cũng cần một cơn nhức đầu để nhắc nhở là mình đang giận. Và tôi cũng hoàn toàn tin rằng khổ đau phát sinh mỗi khi tôi gắng chống cự lại với những biến cố nào trong đời mà tôi không thay đổi được. Dù biết vậy, đôi lúc, tôi vẫn cứ khăng khăng chống cự. Thói quen thì rất khó mà chuyển đổi.

Tôi có một giả thuyết về vì sao thói quen của tâm lý và tâm linh lại khó có thể mà xóa bỏ hoàn toàn được. Tôi gọi đó là giả thuyết chiếc-áo-thun-của-sự-thay-đổi trong tâm. Đã lâu rồi, trên ti vi trong một tiết mục quảng cáo, có chiếu một bà mẹ đưa lên một chiếc áo thun của đứa con trai mình, cho thấy những nơi bị dính dơ bởi bơ đậu phụng, mứt, chỗ cậu ta làm rớt kem sô-cô-la, và những nơi cậu ta lăn lộn chơi banh trên đất bùn. Bà ta bỏ chiếc áo thun dính bẩn ấy vào máy giặt và cộng thêm với loại xà bông mà họ muốn quảng cáo với khán giả. Sau đó khi bà lấy ra khỏi máy giặt, chiếc áo trở nên trắng tinh như mới, không còn một tì vết nào. Trong đời kinh nghiệm giặt đồ của tôi, tôi chưa bao giờ từng thấy một chiếc áo nào lấy ra khỏi máy giặt mà trông hoàn toàn như mới. Lúc nào cũng còn một vài chỗ bị phai màu, và ngay cả những trường hợp hiếm hoi khi mọi chỗ dính bẩn đều được giặt sạch, chiếc áo vẫn không bao giờ có thể thẳng thớm như khi còn mới. Những dấu vết cho thấy chiếc áo đã được mặc rồi, dính vào nó mãi mãi. Tôi nghĩ đối với tâm ta cũng vậy, và tôi nghĩ việc ấy cũng bình thường thôi. Nếu chúng ta biết bên nào của chiếc áo bị ngắn hơn, ta có thể nhét bên ấy vào cho chặt hơn một chút, và rồi thì nó cũng xem rất chỉnh tề.

Nếu như tâm tôi không bị dính mắc, tôi sẽ hoàn toàn vô úy. Không có gì đe dọa tôi được, vì không có một vật gì tôi sợ phải đánh mất, và cũng không có một vật gì tôi cần cho hạnh phúc của mình. Nhưng tâm tôi vẫn còn dính mắc, nên đôi khi tôi vẫn sợ rằng không có được những gì mình nghĩ là cần thiết, hoặc sẽ đánh mất những gì tôi nghĩ là mình muốn. Nhưng dầu sao đó cũng không còn là một vấn đề lớn nữa, vì sự sợ hãi không còn làm tôi kinh khiếp như xưa. Tôi biết nó có mặt là do sự dính mắc của mình, và tôi biết nó rồi sẽ đi qua. Tôi có thể tự nhủ, “Tôi đang sợ hãi, bởi vì mặc dù tôi biết cái gì là chân thật, nhưng ngay lúc này tôi đã quên mất. Nhưng tôi biết khả năng ấy hiện hữu.” Và khả năng ấy, niềm tin tưởng ấy, đã đem lại cho tôi thật nhiều hy vọng, giữa những cơn dông tố hãi hùng trong cuộc đời.

Chân Đế Thứ Tư: Vòng Tròn Bát Chánh

Giả sử như chúng ta dùng hình ảnh về một cuộc hành trình để biểu thị cho sự tầm đạo của mình. Một tấm bản đồ chánh mà đức Phật đã để lại cho chúng ta, cho hành trình đi đến hạnh phúc và an lạc, được gọi là Bát Chánh Đạo, tức Con Đường của Tám Nguyên Tắc Hành Động Chân Chánh. Nhưng tôi thường nghĩ ta gọi là Vòng Tròn Bát Chánh thì đúng hơn. Một con đường thì phải đi từ một nơi này đến một nơi kia, và khi ta đến gần nơi kia hơn, ta sẽ cách xa nơi này hơn. Và con đường thì có tính cách tiến triển từng bước một. Cũng như một chiếc thang, ta không thể nào đột nhiên nhảy ngang vào nấc thứ năm rồi bắt đầu leo lên được. Trên một con đường thật sự cũng thế, ta phải bắt đầu từ điểm khởi đầu và tiến bước đều đặn có thứ tự cho đến điểm cuối cùng. Nhưng với một vòng tròn thì ta có thể bắt đầu ở bất cứ một điểm nào, và nó cũng vẫn là nằm trên cùng một vòng tròn.

Khi giảng về con đường Bát Chánh của ngài, đức Phật dạy rằng nó có một số những thành tố đặc biệt. Người ta có thể vững tin là mình đang đi đúng đường nếu họ thấy một trong những tám bảng hiệu đặc biệt ấy. Tám bảng đánh dấu đường đó là: thấy biết chân chánh (chánh kiến), suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy), nói năng chân chánh (chánh ngữ), hành động chân chánh (chánh nghiệp), mưu sinh chân chánh (chánh mạng), siêng năng chân chánh (chánh tinh tấn), thiền định chân chánh (chánh định), và nhớ nghĩ chân chánh (chánh niệm). Người khách du hành nhìn thấy một trong những bảng chỉ đường này sẽ biết là mình đang đi về hướng của an lạc và hạnh phúc.

Thứ tự mà người du hành nhìn thấy những bảng hiệu ấy trên đường nó không quan trọng. Vì nếu nhìn cho sâu sắc, ta sẽ thấy rõ: trong một cái có tàng chứa hết tất cả những cái khác. Chỉ cần một chút của sự thấy biết chân chánh thôi, ví dụ như một ý nghĩ cho rằng ta có thể có an lạc cho dù không được thoả mãn, sẽ khơi dậy sự suy nghĩ chân chánh thúc đẩy ta cố gắng siêng năng chân chánh để phát triển thêm sự thấy biết chân chánh ấy. Và bất cứ một ai muốn tu tập nói năng chân chánh, muốn mỗi lời mình nói ra đều hữu ích và đúng với sự thật, sẽ khám phá rằng ta không thể nào không có sự nhớ nghĩ chân chánh. Nhớ nghĩ chân chánh có nghĩa là biết chú ý trong mỗi giây mỗi phút, và những ai thực tập điều đó đều biết rằng nó cần phải có sự thiền định chân chánh. Ta không thể nào nói rằng, “Bát Chánh Đạo sao phức tạp quá. Tôi chỉ muốn tu Nhất Chánh Đạo thôi!” Việc ấy không thể nào có được. Tất cả đều có liên hệ mật thiết với nhau.

Vì vậy, trên hành trình đi đến an lạc và hạnh phúc, bạn có thể bắt đầu ở bất cứ một điểm nào. Tôi cũng hơi do dự về việc gọi sự tu tập ấy là một vòng tròn. Vì một vòng tròn, cho dù là nhỏ bé, cũng choáng một khoảng không gian. Và không gian sẽ tạo nên một ý niệm về nơi này và nơi kia. Thật ra chẳng có một nơi kia nào hết. Khi chúng ta tỉnh thức và an lạc, chúng ta đang thật sự sống ở nơi này hơn bao giờ hết. Nhưng vì sự tỉnh thức ấy có xảy ra và sự tu tập có hiệu quả, nên chúng ta cần phải gọi đó là gì. Tôi nghĩ có lẽ ta nên gọi đó là Bát Chánh Điểm.

Chánh Kiến: Bạn Tôi Alta và Vô Thường

Khi người ta nói đến phương thức tạo hạnh phúc của đức Phật, người ta thường bắt đầu bằng sự thấy biết chân chánh, tức chánh kiến. Thấy biết chân chánh có nghĩa là tin rằng, ít nhất cũng đôi chút, là tuy cuộc sống có nhiều sự thất vọng không tránh được, nhưng ta vẫn có thể có hạnh phúc. Khi nghe vậy, có nhiều người chú ý ngay đến sự kiện là có một phương thuốc chữa trị cho nỗi khổ trong cuộc đời, nhưng lại miễn cưỡng không muốn nghĩ đến cái phần không tránh được kia. Nhưng chính cái phần không tránh được ấy mới thật sự có một công năng khai phóng, vì không có nó chúng ta sẽ nghĩ rằng mọi việc có thể tốt đẹp mãi mãi, nếu ta biết khôn khéo hoặc biết cố gắng đúng mức. Nhưng không có gì sẽ hoàn hảo mãi mãi, vì không có gì trên đời này là thường hằng cả.

Ý thức về vô thường là một thành phần chủ yếu của tuệ giác. Và mặc dù đức Phật đã giảng dạy rất nhiều việc, nhưng chính ra đức Phật đã dạy về lý vô thường trong hơi thở cuối của ngài. Truyền thuyết kể rằng, đó là lời nói trước câu tuyên bố cuối cùng mà đức Phật để lại trước khi ngài nhập diệt: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường.” Có nghĩa là, “Mọi vật đều thay đổi.”

Bác bạn của tôi, Alta, mất khi bà được bảy mươi chín tuổi. Tôi gặp bác khoảng hai mươi lăm năm trước đó, khi bác ghi tên học lớp yoga do tôi hướng dẫn. Bác bảo tôi, “Ông nhà của tôi vừa mới mất sau một thời gian dài bệnh hoạn, và bây giờ thì tôi bắt đầu xây dựng đời mình lại từ đầu.” Bác ta trở nên ham thích học những lớp về tâm linh và theo học hết những khóa do tôi hướng dẫn. Có lẽ bác cho rằng tôi là thầy của bác, nhưng thật ra, bác mới chính là thầy của tôi. 

Câu truyện về bác Alta bắt đầu biến đổi khoảng mười năm trước đây. Bác bị trặc lưng, có lẽ trong một chuyến chạy bộ ba dặm Anh thường ngày của bác, và vì cơn đau khá dữ dội, bạn của bác thuyết phục bác nên đi khám bác sĩ.

“Lần cuối bác đi khám sức khoẻ là lần nào?” Bác sĩ hỏi.

“Chắc cũng đã ba mươi lăm năm rồi,” bác Alta đáp.

Đôi lông mày của vị bác sĩ hơi nhướng cao. “Ba mươi lăm năm? Thế còn bác khám ngực và thử mammograms thì sao?”

“Tôi chưa thử bao giờ.”

“Còn những ‘thay đổi khác’ thì như thế nào?”

“Tôi đã trải qua hết,” bác trả lời.

Trải qua những biến cố đổi thay trong cuộc đời là việc mà bác Alta sành sỏi nhất, và với khả năng ấy, bác là một gương mẫu cho tôi. Chúng tôi đã trở thành bạn thân, bỏ ra nhiều ngày mưa mùa đông trong phòng khâu vá của bác, thường là để may quần áo cho tôi. Tôi kể cho bác nghe về gia đình của tôi, và bác kể chuyện của bác – những câu chuyện mà phụ nữ thường hay tâm sự với nhau trong khi may vá. Tôi thường cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy những chuyện tôi cho là một vấn đề, đối với bác lại chẳng đáng gì hết. Và tôi để ý thấy bác có thể kể cho tôi nghe về những khó khăn trong gia đình bác, mà tôi thấy thật to lớn, trong khi bác vẫn điềm đạm may vá không trật một đường kim. Tôi biết bác buồn, nhưng bác vẫn có vẽ thoải mái. “Bác không bất mãn sao?” Tôi hay hỏi. “Mình đã làm hết những gì có thể làm rồi,” bác trả lời, “thì bực mình cũng chẳng có ích lợi gì.”

Khi chúng ta thật sự hiểu rằng bất cứ một việc gì rồi cũng thay đổi, ta sẽ có được một cái nhìn sáng suốt hơn đối với những biến cố xảy ra trong đời mình. Giả sử như khi gặp một hoàn cảnh khổ đau nào ta không thể thay đổi được, ít nhất, ta cũng có một niềm tin là nỗi đau ấy sẽ không kéo dài mãi mãi. Nhiều khi, chính cái ý nghĩ cho rằng nỗi đau sẽ không bao giờ chấm dứt đã khiến ta không thể chịu đựng nổi. Khi an ủi những ai đang chịu tang, người ta thường nói, “Thời gian sẽ chữa lành hết tất cả,” nhưng người nghe khó có thể tin được việc ấy. Trong cơn đau, chuyện ấy thấy mơ hồ quá. Chánh kiến có nghĩa là ta cảm thấy khổ đau, nhưng vẫn nhớ rằng nỗi đau nào cũng có một giới hạn, và từ đó ta tìm được an ủi. Và, khi mọi việc là hạnh phúc, ngay cả cực kỳ hạnh phúc, ý thức về vô thường sẽ không làm giảm bớt niềm vui của ta, mà còn làm tăng trưởng nó thêm nữa.

Chánh Tư Duy: Thực Tập Sự Khác Biệt

Nhiều năm trước đây, khi tôi mới được hơn hai mươi tuổi, đi phi cơ đối với tôi vẫn còn là một cái gì mới lạ lắm, tôi bay đến thành phố Newyork từ Atlanta, Georgia. Hôm ấy trời mưa to, và chiếc phi cơ chong chóng của tôi không bay cao hơn mây, nên chúng tôi bị dằn vật dữ lắm. Tôi ngồi bám cứng lấy chỗ gác tay trên ghế, nghiến chặt răng, cứ thỉnh thoảng lại đếm nhịp tim của mình, và mong từng phút cho đến khi phi cơ đáp. Một “bà đứng tuổi” trong chiếc ghế cạnh bên (có lẽ cũng khoảng tuổi tôi mà thôi) ngồi bất động, nhận đĩa ăn trưa từ cô tiếp viên hàng không, và múc ăn. “Sao cô ta chẳng sợ gì hết vậy?” tôi tự hỏi. Sau khi phi cơ vừa chạm bánh xuống phi đạo của phi trường Newyork, tôi thở phào nhẹ nhõm, “Cám ơn thượng đế!” Cô ta quay sang tôi và mỉm cười. “Đúng vậy!” cô đáp. Đó là một bài học thật đáng để tôi nhớ mãi. Cô ta có sợ đó chứ, nhưng cô vẫn thưởng thức được bửa ăn trưa của mình.

Bạn của tôi Elizabeth bị giải phẩu ung thư ngực mười năm trước đây, và trong khi tôi và Jim, chồng chị, đứng chờ ngoài phòng hồi sức, mấy cô y tá ghé qua báo cho chúng tôi nghe tin tức về chị và kể lại là thấy chị rất vui tươi khi họ đẩy vào phòng mổ. Họ tỏ vẽ khâm phục sự thoải mái và thái độ không sợ sệt của chị. Sau này tôi nói lại cho Elizabeth nghe về chuyện của mấy cô y tá kể. “Có thật là chị không sợ hãi một chút nào không?” tôi hỏi. Chị cười to và nói, “Tôi sợ khiếp đi đó chứ, nhưng tôi nghĩ làm người khác bất an chẳng có ích lợi gì.”

Cô bạn ngồi trên phi cơ cũng như chị Elizabeth, cả hai đã không hề chối bỏ cảm xúc của mình. Cả hai nào có ưa thích gì về chuyện xảy đến cho họ, nhưng họ cũng không có một sự chọn lựa nào khác. Sự chọn lựa duy nhất mà họ có là cái thái độ trong việc sử dụng thời gian ấy. Có được khả năng để chọn lựa một thái độ, một phong cách, đối với tôi, dường như là một tự do lớn. Có lẽ đó là ý nghĩa sâu sắc nhất của câu “tự do chọn lựa.”

Suy nghĩ chân chánh, tức chánh tư duy, là những gì phát huy trong tâm thức khi chúng ta hiểu rằng mình có sự tự do chọn lựa. Sự sống lúc nào cũng sẽ khai mở theo đường lối của nó: dễ chịu hoặc khó khăn, thất vọng hoặc vui tươi, biết trước được hoặc bất ngờ… hoặc tất cả những cái vừa kể! Hạnh phúc biết bao khi biết rằng, bất cứ một làn sóng nào từ biển khơi xô đến, ta cũng có thể vui vẻ cởi lên nó được. Nếu thiện nghệ hơn một chút, ta có thể như những người cởi ván lướt sóng (surfer) chuyên môn, mừng vui mỗi khi được gặp những cơn sóng to.

Áp dụng sự suy nghĩ chân chánh vào đời sống hằng ngày, có nghĩa là ta cương quyết hành xử sao để nới rộng cái giới hạn của những phản ứng bị điều kiện của ta. Nếu tôi muốn có những bắp thịt nở nang, tôi cần phải lợi dụng hết mọi cơ hội để tập thể dục. Nếu tôi muốn có một lối sống thương yêu, rộng lượng và không sợ hãi, tôi cần phải thực tập khắc phục những khuynh hướng giận dữ, tham lam hoặc mê lầm trong tôi. Cuộc đời là một phòng tập thể dục tuyệt diệu. Mỗi hoàn cảnh là một cơ hội tu tập. Trong thuật ngữ của nhà Phật, đó còn được gọi là phát triển sự vô tham, vô sân và vô si.

Tha Thứ

Bà ngoại của Ronna đã thực tập sân hận. Trong suốt ba mươi năm cuối của đời bà, bà mang trong lòng một nỗi hận câm lặng đối với má của Ronna. Sự căm hận ấy vẫn tiếp tục mặc dù ký ức của bà đã phai mờ. Một hôm, lúc gần kề với cái chết, bà cụ hỏi Ronna, “Con có nhớ ta giận má con về việc gì không?” Ronna nhớ, nhưng cô ta thấy nhắc lại cũng chẳng ích lợi gì. “Không,” cô đáp, “Con cũng không nhớ nữa!” “Ta cũng quên mất tiêu rồi,” bà ngoại cô nói, “nhưng ta nhớ là ta giận nó lắm!”

Tập dượt “bắp thịt” sân hận nhiều đến độ nó tự hoạt động một mình, chuyện ấy tôi thấy tội nghiệp quá! Tôi bất mãn nhất là mỗi khi nghe ai nói, “Ngày nào mà tôi vẫn còn sống tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó!” Tôi tự nghĩ, “Thật tội nghiệp cho cô ta. Cô đã bị người kia làm đau khổ, và bây giờ cô còn lại định ôm giữ nỗi đau ấy mãi bằng cách tôn thờ nó trong ký ức.” Việc ấy gợi tôi nhớ đến những cảnh trong phim cao bồi được quay vào thập niên 40, có vị cảnh sát trưởng bắt một tội phạm nhốt vào xà-lim và đóng cửa lại, nhưng không khóa. Điều khôi hài là người tù la lối và khua những chấn song sắt ầm ĩ, trong khi khán giả đều biết rằng anh ta chỉ cần đưa tay mở cửa là có thể bước ra.

Nhưng đôi khi tôi thấy người ta còn làm những chuyện tệ hơn là chỉ khua những chấn song. Thay vì tự giải cứu, chúng ta lại khư khư ôm giữ lấy cơn giận mà ta cho là chính đáng, bằng cách cứ nhắc đi, nhắc lại những đau buồn của mình. Việc đó cũng giống như là ta đang cầm cây chìa khóa trong tay, vói tay tự khóa nhốt mình lại, rồi quăng chiếc chìa khóa ra ngoài xa.

Trong một bài pháp đức Phật giảng tại vườn Jetavana, ngài dạy, những ai cứ tiếp tục nghĩ về những lúc mình bị lạm dụng hoặc bị làm xấu hổ, sẽ không bao giờ có thể giải thoát ra khỏi sự sân hận. Và những ai có thể buông bỏ những tư tưởng ấy, ngài dạy tiếp, sẽ có thể biết thương yêu được. Có lần tôi đang giải thích điều này cho một lớp của tôi, thì có một cậu học trò nói to, “Lẽ dĩ nhiên, thưa cô. Tha thứ là cái giá mà ta phải trả cho sự tự do.” “Tom,” tôi nói, “câu ấy hay lắm. Tôi có thể dùng nó để đi dạy được không?” Cậu ta đáp, “Được chứ, nhưng cô phải nhớ nhắc là “Tom nói câu đó’ ” Và lúc nào tôi cũng nhắc điều ấy.

Những Củ Hành Tây

Không phải bao giờ bạn cũng có thể biết được lúc nào, hoặc vì lý do gì, lòng tham lam của mình lại nổi dậy. Chánh Tư Duy, tức suy nghĩ chân chánh là một sự cố gắng để đối trị lại sự nổi dậy ấy. Mùa thu năm ngoái, tôi và chị bạn thân Mary Kay trồng hành tây vào đúng ngày trăng rằm tháng mười.

Quyển lịch niên giám nói rằng trăng tròn sẽ bảo đảm cho việc được mùa to. Công việc gieo trồng rất là chậm chạp, vì mỗi cọng hành non mỏng manh cần phải được trồng riêng rẽ, nhưng cũng rất là thích thú vì thời tiết rất mát và chúng tôi có dịp tâm sự với nhau.

Chúng tôi chúc mừng lẫn nhau về việc đã chọn được một ngày lành tháng tốt để khởi công. Tôi nói, “Nếu chúng ta thật sự thu hoạch được một mùa thật to thì sao? Chị có nghĩ là tụi mình có thể cất chúng trong nhà hết không? Hay là phải phơi khô? Ta có phải thái nhỏ ra, bỏ vào bao và giữ trong tủ lạnh không?” “Tụi mình có thể đem biếu bớt cho những tiệm ăn dành cho người nghèo,” Mary Kay nói, “hoặc là cho những nơi nuôi những người không nhà.” Mary Kay là giám đốc của một nhà tạm trú dành cho những người vô gia cư, và tôi cũng thường hay mang đồ đến đó cho. Dù vậy, dẫu biết rằng tôi có thể ra chợ mua một xe củ hành đem tặng họ, nhưng tôi muốn là những cây hành từ khu vườn này phải đi vào bụng của tôi. Một cây hành là một cây hành, và tôi trồng là vì tôi thích trồng, không phải vì tôi không thể mua được, mặc dù vậy tôi cũng cảm thấy rất khó chịu về một sự mất mát giả tưởng trong tương lai. Đó là một nỗi đau thật sự, một tâm dính mắc vào một cái gì nó nghĩ là nó cần, cho dù đó chỉ là một cọng hành. Tôi không muốn phải thú tội về sự tham lam của mình, tránh lãnh thêm khổ đau, nên tôi vượt qua nó. “Lẽ dĩ nhiên tụi mình sẽ đem cho,” Tôi nói thật lòng. Và tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái.

Thành phố Alexander Valley tại California nơi tôi cư ngụ, ở một tiệm hàng có một bảng hiệu ghi, “Tự do không phải là quyền cho phép bạn làm bất cứ việc gì bạn muốn, mà là để làm những gì bạn cần nên làm.”

Cháu Ngoại Tôi và Tu Viện

Mấy năm trước đây, tôi có tự nguyện rằng khi đối diện với bất cứ một việc gì mà tôi sợ hãi, và nếu tôi nghĩ là mình có thể làm được, tôi sẽ làm. Châm ngôn của tôi là, “Nếu người khác làm được, thì tôi cũng có thể làm được.” Nguyên tắc ấy đã thúc đẩy tôi làm những việc mà bình thường có lẽ tôi đã chịu khuất phục. Nó cho phép tôi dám lặn xuống đáy sâu để thấy được một thế giới kỳ diệu dưới lòng đại dương, và nó cũng đã nâng đở tôi qua những kinh nghiệm mãnh liệt và dị thường trong thiền tập, để tôi có thể nhìn được tận mặt một thế giới kỳ diệu của nội tâm.

Sợ hãi là một thói quen của tâm thức. Có người có thói quen ấy nhiều hơn kẻ khác. Nhưng nó bao giờ cũng là dư thừa và không cần thiết. Bị giam hãm bởi sự sợ hãi là một hình tướng của si mê. Ta chỉ có thể hoặc là làm được một việc gì, hoặc là không làm được, thế thôi. Nếu tôi thật sự không thể làm được – ví dụ như tôi rất vụng về về máy móc, lái máy bay là chuyện không khôn ngoan chút nào hết – tôi sẽ không làm. Và nếu tôi thật sự có khả năng, và nếu đó là một công việc lành mạnh, tôi sẽ bắt buộc mình phải cố gắng. Có một hôm tôi khám phá ra rằng, sự sợ hãi thật ra chỉ là một chuỗi tác động của tế bào thần kinh trong bộ óc mà thôi! Thấy được điều ấy, tôi rất bất mãn là sao mình lại chịu giam cầm bởi những dòng điện đơn sơ chạy ngoằn ngoèo trong đầu ấy!

Các bà nội, bà ngoại thường đóng vai trò của một vị thầy tâm linh. Bà ngoại tôi là vị thầy đầu tiên của tôi, và tôi hy vọng sẽ tiếp tục được nhận lãnh vai trò ấy của bà cho các thế hệ về sau. Bài học mà tôi lãnh hội nhiều nhất từ bà là phải biết cương quyết chịu đựng khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn. “- đâu nói rằng,” bà sẽ hỏi, “là ta lúc nào cũng phải vui vẻ?”

Có một lần tôi dẫn đứa cháu tôi, Collin, đến thăm chị bạn Mary, lúc nó mới lên ba tuổi. Mary là một tu sĩ thuộc dòng Nữ Tu Dominican ở San Rafael. Lúc chúng tôi đến viếng thăm, chị đang sống tại một tu viện thật đẹp và đồ sộ, đã được sử dụng làm trung ương cho dòng tu của chị trong nhiều năm qua. Tu viện có những cánh cửa to lớn, nặng nề và hùng vĩ, với những chiếc cầu thang rất dài dẫn lên chúng. Mary kể cho tôi nghe những cánh cửa ấy đối với chị dễ sợ như thế nào lần đầu chị đến đây, cách đây đã hơn ba mươi năm, khi chị mới bước vào dòng tu. Thằng Collin cũng chẳng thích chút nào.

“Cháu không thích mấy nấc cầu thang này, bà ngoại. Mình đi về đi!”

“Bây giờ không phải là thời gian đi-về. Bây giờ là thời gian thăm-viếng-bác-Mary.”

“Cháu thật là không thích mấy nấc thang này, ngoại.”

“Cháu đâu cần phải thích chúng, Collin. Cháu chỉ cần leo lên chúng mà thôi. Nắm tay ngoại đi, hai bà cháu mình cùng đi với nhau.”

Chúng tôi đã ở lại thăm Mary, và dĩ nhiên, Collin cũng thích thú lắm. Nó dám leo lên cả chiếc cầu thang chánh và dài nhất của tu viện. “Coi kìa bà ngoại, nhìn những nấc thang ấy kìa!” Nó cảm thấy hảnh diện về chiến thắng của nó, và tôi thì cảm thấy rất vui về những bước đầu trên con đường tu tập tâm linh của nó. Tôi thường kể truyện của Collin lại cho các học trò của tôi, đặc biệt cho những ai đang thực tập thiền quán trong một khóa tu. Tôi kể câu chuyện ấy những khi nghe một thiền sinh nào nói, “Tôi đang kinh nghiệm thân và tâm tôi một cách rất mới lạ, tôi cảm thấy sợ hãi quá!” Tôi muốn họ biết rằng cái gì mới lạ và khác thường bao giờ cũng có thể gây nên một cảm giác sợ hãi hết, nhưng cái sợ ấy không cần thiết. Nếu có một ai đó nắm tay ta, “sợ hãi” sẽ đổi thành “thú vị”, và “thú vị” là một trong những yếu tố của sự giác ngộ.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app