Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc

Phần 4 – Một Cái Nhìn Sáng Tỏ: Tuệ Giác và Từ Bi

Thiên Trú

Trong kinh Phật, tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả còn được gọi là thiên trú, tức những nơi cư ngụ của các bậc Phạm Thiên. Tự tánh của tâm, khi không bị vô minh che lấp, rộng lớn tột cùng. Tâm ta tự nó vô cùng tĩnh lặng, ôm trọn hết tất cả mọi sự và giữ gìn chúng trong một sự quân bình rất tự tại.

Và từ chính nơi chốn an tĩnh này mà những phản ứng trong tâm ta phát khởi lên để đáp ứng lại những biến cố của cuộc đời. Tâm Từ phát sinh lên như một phản ứng tự nhiên đối với mọi người và mọi loài. Tâm Bi phát khởi khi ta tiếp xúc được với nỗi khổ của người khác. Tâm Hỷ là một niềm vui sinh lên từ sự chia xẻ với hạnh phúc và sự may mắn của kẻ khác, khi ý thức được nó. Và tất cả ba trạng thái ấy của tâm, từ, bi và hỷ, là những phản ảnh khác nhau của một tâm buông xả, trầm tĩnh cơ bản, trong ta.

Sự trầm tĩnh ấy không có nghĩa là trống không. Sự trầm tĩnh của tâm xả tàng chứa hết tất cả.

Tâm Từ

Từ trong tiếng Pali gọi là metta, có nghĩa là một tình thân toàn vẹn và không hạn chế. Đức Phật dạy, khi tâm ta an ổn, nó sẽ có những đặc tính như là thân thiết, tương đắc và đầy thiện ý. Một tâm an ổn sẽ thương mến, hầu như, hết tất cả mọi người. Ngay đối với những kẻ, dầu cho cá nhân hoặc hành động của họ có khó ưa đến đâu, tâm an ổn của ta cũng sẽ thích nghi được bằng tình thương.

Có nhiều phương cách khác nhau để giúp ta nuôi dưỡng và phát huy tâm từ. Có những phương cách sử dụng thiền quán. Có những phương cách áp dụng sự thực tập vào đời sống hằng ngày, như là mỉm cười với người bán hàng ở tiệm siêu thị, giúp người khác khuân những món đồ nặng, giữ cửa thang máy cho người cuối cùng bước vào. Nếu chỉ nhìn phớt qua, ta sẽ có cảm tưởng như sự thực tập tâm từ, metta, là để giúp cho kẻ khác. Nhưng thật ra nó cũng là cho chính ta.

Tình thân ái không có gì là khó. Chúng ta không cần phải học cách thân ái. Chúng ta chỉ cần phải nhớ để bày tỏ sự thân ái mà thôi. Các em bé, trừ những khi sợ hãi, bao giờ cũng thân thiện. Những chú chó con cũng thân thiện. Một anh bạn của tôi, mới đây khám phá ra rằng những con chim cánh cụt (penguin) ở Galapagos, cũng rất là thân thiện, vì chúng không cảm thấy sợ hãi.

“Tôi đang sợ sệt một vấn đề gì đây?” là một câu tôi tự hỏi mỗi khi cảm thấy mình không thích thân thiện với một người nào đó. Luôn luôn phải có một cái gì! Khi mới bắt đầu thực tập thiền quán về tâm từ, trong khi ngồi thiền tôi tập phóng những tư tưởng, mong ước tốt lành của tôi đến tất cả những người tôi biết. Tôi giật mình khi khám phá ra là mình đã cất giữ trong tâm một danh sách thật dài về những người mà tôi ghét. Thật ra nó cũng chẳng có gì là quan trọng, bực mình người này một chút, không ưa gì người kia lắm, hơi bất mãn về một người nọ… những chuyện lặt vặt đâu đâu nhưng chúng đã khéo léo và bí mật dẫn tôi đến việc sắp xếp họ vào trong một nhóm người mà “Tôi không ưa thích gì mấy.”

Nhưng không phải là tôi cố ý ghét bỏ gì những người đó mà xếp họ vào một danh sách riêng. Thật ra, tôi rất ngạc nhiên về những ký ức ấy, và cũng rất bất mãn về những ảnh hưởng của chúng có đối với tôi. Nghĩ thật là kỳ cục, vì chuyện cũng đã biết mấy năm qua rồi! Nó cũng làm xấu đi cái hình ảnh mà tôi có về chính mình. Tôi đã từng rất hảnh diện rằng tôi là một người rất cởi mở và rộng lượng, nhưng khi thấy được chân tướng của mình, tôi thất vọng vô cùng.

Cũng vì cảm thấy thất vọng và không muốn âm thầm mang cái danh sách thù ghét ấy trong tâm mãi, tôi quyết định thực tập ban rãi tâm từ, tình thương đến những ai đã từng gây thương tích cho tôi.

Dần dần cái danh sách của những người “khó ưa” ấy cũng bắt đầu thay đổi. Những người tôi không ưa không còn là một đe dọa đối với tôi nữa. Sau một thời gian, tuy vẫn còn nhớ tên những người trên danh sách ấy, nhưng cái năng lượng tiêu cực của nó đã biến mất. Ngày hôm nay, tôi khám phá ra là mình không còn nhớ một tên nào nữa!

Dễ thương cũng là một danh từ kỳ cục khác, nhưng nó đi đôi với lại thân ái.

Không phải tôi bắt đầu tu tập vì muốn mình được là một người dễ thương.

Tôi nghĩ mình bao giờ cũng đã là dễ thương rồi. Tôi tu tập vì muốn được bớt sợ hãi. Nhưng dầu sao thì tôi cũng đã trở nên dễ thương hơn, và lại còn được bớt sợ hãi nữa.

Biết Thương Yêu là Biết Hạnh Phúc

Phóng rãi tâm từ, gởi những ý nghĩ tốt lành, đến người ta thương mến thường thường thì bao giờ cũng dễ. Ban rãi ý nghĩ tốt lành của ta đến những người nằm trong danh sách “khó thương”, cái đó mới là khó. Điều mà giúp ta có thể thực hiện được việc ấy là nhớ lại ít nhất một việc gì tích cực mà người ấy đã làm, kỷ niệm đó có thể sẽ giúp mở rộng trái tim ta. Chìa khóa ở đây là sự tha thứ. Không làm được điều ấy ta chỉ sẽ gặp đớn đau thôi.

Ngày sinh nhật thứ mười chín của tôi, một tháng sau khi tôi làm đám cưới, bà cố dì của tôi, Sarah, mất trong bệnh viện Bellevue, sau một cơn bệnh dai dẳng và suy nhược. Ba tôi, thân nhân duy nhất của bà, không có mặt trong nước, còn lại chỉ có mình tôi là phải đứng ra để lo việc mai táng. Những người thân thích của bà gọi điện thoại lại cho tôi, bảo đảm là sẽ không có một vấn đề gì hết, bà cố tôi là một thành viên trong hội mai táng và những chi phí đã được trang trải xong xuôi hết rồi. Tôi chỉ cứ việc có mặt vào sáng mai tại nhà quàng. Tôi lo sợ chết đi được, tôi không hề có một kinh nghiệm gì với chuyện chôn cất hết. Ba chồng tôi bảo, “Ngày mai Ba sẽ đi với con!”

Khung cảnh của nhà quàng tối tăm và ảm đạm, tôi cảm thấy kỳ quặc. Tôi là người đàn bà duy nhất có mặt ở đó. Có những nhóm ông cụ già, không có họ hàng gì với chúng tôi, tụm lại với nhau, họ là những người trong ban tụng niệm minyan, gồm có mười người mỗi nhóm. Có hai người đàn bà lớn tuổi bước ra từ căn phòng phía sau và ra về. Ông chủ nhà quàng bước đến gần bên tôi và nói, “Đó là những bác đã đến để tắm rửa, sửa soạn cho người chết trước khi chôn. Bây giờ, cần một phụ nữ trong gia đình vào nhà trong để kiểm soát lại thân thể người chết.” Chắc là gương mặt của tôi lúc ấy phải là tái ngắt. Ba chồng tôi nói, “Để Ba vào coi cho!”

Ba chồng của tôi, Harry Boorstein, sống thêm mười lăm năm nữa, những kỷ niệm tôi có về ông thì rất là chung chung, lờ mờ, không có gì rõ rệt, chỉ nhớ ông là một người tốt. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ đến ông trong giây phút ấy tại nhà quàng, tôi cảm thấy một sự biết ơn vô cùng và trái tim tôi mở rộng. Mỗi khi tôi nhớ lại bất cứ một lời nói vu vơ nào, một hành động vô ý nào của ông, tôi chỉ có thể nhớ lại câu nói ấy của ông tại nhà quàng – “Để Ba vào coi cho” – và tôi thấy thương ông. Tôi rất trân quý giây phút đó, vì nó là cây chìa khóa kỳ diệu để thương ông mãi mãi, và khi tôi biết thương yêu, tôi hạnh phúc.

Thương Yêu Mọi Người là Chuyện Dễ Nhất

Nửa giờ sau khi cất cánh trên chuyến bay từ Chicago, viên phi công thông báo, “Không có gì đáng lo cả, thưa quý vị, nhưng chúng ta bị hư mất một hệ thống thủy lực của phi cơ, chúng ta sẽ quay trở lại Chicago để sửa, thay vì băng ngang qua rặng núi Rocky mà không có hệ thống ấy.” Trong khi viên phi công báo tin, chiếc phi cơ đánh một vòng tròn lớn quay trở lại. “Chừng ba mươi phút nữa chúng ta sẽ đáp xuống đất, xin quý vị hãy ngồi nghỉ cho thoải mái.”

“Thoải mái?!” Tôi đang đọc quyển sách mới của bạn tôi Joseph “Kinh Nghiệm Thiền Quán”, viết về chánh niệm và thiền quán, khi nghe lời thông báo ấy. Chánh niệm tức là ý thức được rõ ràng kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại, và tôi ý thức rõ ràng là mình đang lo sợ. Tôi lại cầm cuốn sách lên đọc, hy vọng rằng nó sẽ làm cho tôi quên đi một chút. “Khi có những cảm thọ khó khăn khởi lên,” Joseph viết, “đừng nên làm ngơ, hoặc đánh lãng sự chú ý của mình.” “Được rồi, Joseph,” Tôi nói thầm, và đóng sách lại.

Tôi nghĩ đến những gì mình cần nên làm. Tôi chợt ý thức là mình có thể chết, và tôi hoàn toàn không hề có một sự chọn lựa nào về việc ấy hết. Tôi quyết định là mình sẽ thực hành từ bi quán, đem tâm từ ban rãi đến những người thân thuộc trong gia đình, mà đây cũng là một sự thực tập hằng ngày của tôi. “Cầu xin cho Grace được an vui… Cầu xin cho Nathan được an vui…

Cầu xin cho Erik được an vui… Cầu xin cho Leah… Cầu xin cho Collin…” Tất cả là mười ba tên. Làm xong suôi, chiếc phi cơ của chúng tôi vẫn còn bay lướt nhẹ nhàng trong không trung. Thế là tôi lập lại một lần nữa. Tôi cảm thấy mình trầm tĩnh hơn trước.

Chiếc phi cơ bắt đầu hạ thấp xuống, và mặc dù mọi việc có vẻ bình thường, chúng tôi được hướng dẫn cởi mắt kiếng và giày, và bỏ hết những đồ nhọn như là viết ra khỏi túi. Tôi bắt đầu nghĩ đến những người quen khác, nằm ngoài cái danh sách mười ba người thân trong gia đình của tôi, tôi cũng muốn cầu xin cho họ được an lạc và hạnh phúc. Thế là tôi bắt đầu lập thêm một danh sách mới, “Cầu xin cho Miriam được an vui… Cầu xin cho Aaron… Eugenia… Henry…” Đầu óc tôi đầy tên tuổi của những người mà tôi biết câu truyện đời của họ, và tôi bắt đầu niệm mỗi lúc một nhanh hơn, muốn chắc rằng sẽ nhắc được hết tên của mọi người.

Bên ngoài cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy mặt đất mỗi lúc đang một dâng lên gần hơn. Những cô tiếp viên hàng không hướng dẫn cho chúng tôi cái tư thế tự ôm choàng lấy mình, và chúng tôi ngả người tới phía trước hai tay choàng ôm chặt hai đầu gối. Tôi tự nghĩ, “Trong vòng một phút nữa, tôi hoặc sẽ chết hoặc không chết. Tôi có nên lập lại cái danh sách mười ba người thân thuộc của mình một lần nữa không? Tôi có bỏ sót một ai mà tôi thương mến không? Cầu xin cho tất cả mọi loài được an vui! Cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc! Cầu xin cho tất cả mọi loài được an vui!”

Chúng tôi chạm bánh xuống đất, hệ thống thắng vẫn hoạt động tốt đẹp, chiếc phi cơ từ từ dừng lại. Dọc theo phi đạo đậu một hàng dài những chiếc xe cứu cấp, đèn đỏ nhấp nhóa sáng rực, và may mắn là chúng tôi không phải cần đến họ. Tôi học được hai điều: Yêu thương tất cả mọi người dễ hơn là chỉ yêu thương một nhóm người đặc biệt nào đó. Nó không đòi hỏi ta phải nhớ ai là có tên trong danh sách, ai không có tên, ai là trên bảng danh sách chánh và ai trên bảng phụ. Và ta cũng không cần phải lo sợ là mình sẽ bỏ sót một người nào.

Tôi cũng học được rằng, lòng thương yêu chân thật hướng về kẻ khác sẽ xóa bỏ hết những nỗi sợ hãi trong ta. Tôi đã không hề đánh lãng hướng sự chú ý của mình; tôi biết rất rõ ràng cái gì đang xảy ra, và tôi cũng biết là tôi có một phương thức hữu hiệu để đối phó với hoàn cảnh ấy. Một thời gian sau kinh nghiệm đó, tôi nghĩ, “Tôi muốn dạy phương pháp này cho người khác để họ có thể sử dụng trong giờ phút trước khi lâm chung.” Về sau này tôi hiểu là, “Tôi muốn dạy phương pháp này để họ thực tập cho từng mỗi giây phút của cuộc sống.” Tất cả những giờ phút của ta đều là những giây phút trước cái chết của mình, và sự cầu mong an vui là một phương pháp sống vô úy nhất. Đôi khi tôi nghĩ chỉ có mỗi một việc đáng để nói mà thôi, đó là “Tôi thương yêu bạn.”

Tâm Bi

Tâm bi là một phản ứng tự nhiên của con tim khi nó không bị che mờ bởi cái vọng tưởng chúng ta là những cá thể độc lập, cách biệt nhau. Trong kinh điển, Bi có nghĩa là “sự rung động của con tim” khi ta ý thức được nỗi khổ của kẻ khác. Tôi nghĩ chúng ta cảm thấy nó như là một sự rung động của chính con tim mình theo cùng với nhịp điệu của kẻ khác. Nó đòi hỏi một trạng thái tĩnh lặng trong tâm. Một sự rung động rất tinh tế.

Có một lần tôi đi trên chuyến bay sớm tại thành phố Laramie, Wyoming, sau khi vừa hướng dẫn xong một khóa tu ba ngày. Đó là một khóa tu thinh lặng cho khoảng ba mươi thiền sinh. Trong suốt khóa tu, tôi đã cố gắng để tâm chú ý đến từng kinh nghiệm của mỗi thiền sinh, và bây giờ tôi cảm thấy rất thoải mái và hài lòng vì nghĩ rằng khóa tu đã thành công.

Có một cặp vợ chồng lớn tuổi đến ngồi cạnh ghế của tôi. Khi phi cơ vừa cất cánh, các cô tiếp viên cũng bắt đầu dọn buổi ăn sáng.

“Chúng tôi có xin trước đồ ăn chay,” ông lão nói với cô tiếp viên hàng không.

“Để cháu coi lại,” cô trả lời, một lúc sau cô trở lại với lời xin lỗi, “Xin lỗi bác, họ đã quên không để thực phẩm của bác trên chuyến bay này. Thôi, bác để cháu dọn đồ ăn thường ra, rồi bác cứ coi xem có món nào ăn được thì bác cứ việc dùng?” Cô mời mọc.

“Thôi, chắc không được đâu,” ông lão đáp. “Chúng tôi không làm vậy được!”

Tự nhiên tôi bật khóc và rất lấy làm ngạc nhiên. Chuyện ấy chẳng có gì là quan trọng và chuyến bay cũng chỉ ngắn thôi. Có lẽ tôi cảm thấy xúc động vì hai vợ chồng bác gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh ông bà Nội của tôi, và tôi cảm thông được hoàn cảnh khó xử của họ. Đối với người ngoài thì trường hợp của hai ông bà rất là đặc biệt và kỳ cục. Nhưng đối với họ thì đó là một sự thất vọng không thể trả giá được. Vì tâm tôi tĩnh lặng, tôi có thể cảm nhận được nỗi đau của họ.

Bất cứ một nỗi đau nào cũng là quan trọng đối với người cảm thọ nó. Khi tôi còn nhỏ, người ta thường hay nói với những đứa trẻ nào không ăn hết đĩa của mình, “Người ta chết đói ở các xứ nghèo đó, nhớ vậy đi.” Tôi rất cám ơn là đã không có ai nói với tôi những lời ấy. Tôi, bẩm sinh là một đứa trẻ khó ăn uống, nếu lại đi cộng thêm cái mặc cảm tội lỗi, hỗ thẹn vào một tình trạng đã khó khăn, thì chỉ làm tăng thêm nỗi khổ của tôi mà thôi. Những người nói những lời ấy, có lẽ họ quên rằng, đói là đau đớn, nhưng ăn khi ta không đói cũng là đau đớn nữa. Mà đau đớn là đau đớn. Phân chia, xếp hạng nó là một chuyện dư thừa.

Chúng ta đánh giá mỗi nỗi đau bằng cách đưa nó qua cái hệ thống phán xét của mình, mà thật ra hệ thống đó lại được làm bằng những ý kiến của chính ta. “Đây là một nỗi đau lớn,” hoặc “Đây là một nỗi đau nhỏ không đáng kể.” Mỗi khi tôi cảm thấy xa cách đối với nỗi đau của một người nào, thường thì bao giờ cũng bởi vì tôi đã có một thành kiến về nó. Cũng có thể tôi nghĩ hoàn cảnh của người ấy khốn cùng quá, không thể chịu đựng nổi, và tôi tự bảo vệ mình bằng cách che tai bịt mắt mình lại. Lúc còn nhỏ chúng ta cũng làm như vậy khi xem phim, ta thường che mắt lại mỗi khi đến những cảnh rùng rợn và nói “Chừng nào hết đoạn ghê gớm này nói cho tôi biết nha!” Bây giờ đôi khi tôi vẫn còn có hành động ấy, một phản xạ tự nhiên, khi xem những đoạn phim nào quá hãi hùng.

Cũng có lúc tôi cảm thấy xa cách với nỗi đau của người khác vì tôi không chịu được lối phán xét của họ. “Tại sao anh lại đi lo âu về ba chuyện nhỏ nhặt này?” Tôi tự nghĩ. “Cái mà đáng lo là cái kia kìa, nó mới quan trọng hơn!” Đi quyết định dùm người khác việc nào mới “đáng” để cho họ lo, điều ấy thật tức cười. Mỗi người có một sự dính mắc khác nhau và không ai giống ai hết. Có lúc tôi cũng hổ thẹn chịu nhận rằng, có những nỗi khổ đối với tôi rất lớn vì mình bị dính mắc, mà tôi biết rằng so với người khác nó chẳng ra gì cả. Không cần gì đến sự phê bình của người ngoài, tánh tôi cũng đã hay khắt khe với chính mình. “Mình thật là một người ích kỷ hết sức!” Tôi thường tự trách. “Thế giới này đầy dẫy những khổ đau, mà mình lại cứ lo âu vì ba chuyện lặt vặt này hay sao?”

Chúng ta khó có thể nào nhận diện trực tiếp được nỗi đau, vì chúng nhiều quá. Có lẽ đức Phật đã nói đúng, cuộc đời này có quá nhiều khổ đau, nên đôi khi chúng ta thường hay cố gắng làm cho chúng nhỏ đi. “Sự việc có thể còn tệ hơn như vầy nữa,” bằng một thiện ý chúng ta thường nói thế với một người bạn đang gặp chuyện buồn, hy vọng lời khuyên ấy sẽ làm họ bớt khổ. “Của đi thay người.” “Dầu sao thì công việc anh cũng còn vững.” Hoặc là một sự so sánh cao xa như là, “Trong cái vũ trụ mênh mông này thì chuyện ấy có nghĩa lý gì?” Tất cả những lời đó đều là một hình thái khác của câu “Người ta chết đói ở các xứ nghèo đó, nhớ vậy đi”, nhưng dành cho người lớn. Theo tôi nghĩ, những lời ấy chỉ cộng thêm một sự khinh miệt vào nỗi đau của họ mà thôi, chứ thật ra chẳng giúp ích gì thêm.

Lẽ dĩ nhiên, sự thật là so với cái mênh mông vô cùng của vũ trụ này thì nỗi đau của ta rất là nhỏ nhoi và không đáng kể. Nhìn qua lăng kính của một bầu vũ trụ mênh mông thì tất cả mọi việc đều không đáng kể như nhau. Nhưng việc ấy không đúng với cái cảm xúc thực tế của ta. Có những người và những vấn đề đối với ta rất là quan trọng. Và ta đâu có sống trong một bầu vũ trụ mênh mông. Chúng ta đang sống ở nơi này đây!

Nhớ đến quan điểm về một bầu vũ trụ bao la, nhớ đến hình ảnh trái đất mọc khi nhìn từ mặt trăng, nhớ đến tính cách tương duyên của mọi hiện tượng – tất cả những điều ấy sẽ giúp cho ta tiếp xúc trực tiếp hơn với nỗi đau của mình. Chúng cần thiết để giúp ta có thể thấy rõ ràng và chịu đựng được nỗi đau của mình. Và, cũng nhờ nhớ được cái tính chất cá biệt của ta, nhớ được những thương tâm trong câu truyện đời của ta, mà dường như rất thực và quan trọng, việc ấy sẽ giữ cho hai chân ta đứng trong thế giới này với một lòng thương yêu sâu xa và hành động từ ái, chứ không phải lơ lửng trên mâỵ.

Rộng Lượng là Một Hành Động Tự Nhiên

Tôi cảm thấy khiếp phục mỗi khi được chứng kiến những hành động nhân ái không tự kỷ. Chúng là những ví dụ cụ thể nhất cho ý niệm về Vô Ngã của đức Phật. Lẽ dĩ nhiên, thân ta, nói về mặt vật lý, nó tách biệt với lại những thân thể khác, vào ra thế giới này ở những thời điểm khác nhau và không gian khác nhau. Nhưng cái bản chất tâm thức có mặt trong những thân ấy thì chỉ là một mà thôi. Ý thức được việc ấy, các nỗi sợ hãi của ta sẽ tan biến và thái độ chia xẻ sẽ là một hành động hoàn toàn tự nhiên.

Một người đàn bà trẻ hơn tôi nhiều đang thay đổi y phục cạnh tôi trong phòng thay đồ của một nhà tập thể dục. Chúng tôi đang bàn về những ích lợi của việc tập thể dục đều đặn, giữ cho thân thể được thon và khoẻ. Cô ta nói thêm, “Em mới vừa bị mổ vài tháng trước, và bác sĩ của em rất ngạc nhiên về sự phục hồi sức khoẻ nhanh chóng của em.”

“Cô bị mổ về cái gì?” Tôi hỏi.

“Em cho em gái của em một cái thận. Nó bị bệnh tiểu đường, và cần phải thay thận.”

Cô nói bằng một giọng hết sức bình thường như là cô nói, “Em có một chiếc xe đạp không dùng đến…” Đối với cô ta chuyện ấy hoàn toàn như không có gì là đặc biệt. Một chuyện cần làm phải làm, thế thôi.

Tôi đã có nhiều năm đặc biệt suy nghĩ về một câu chuyện của đức Phật. Trong một tiền kiếp của ngài, đức Phật đi trên một con đường núi, chợt ngài nghe có tiếng khóc phía bên dưới vực thẳm vọng lên. Nhìn xuống dưới vực sâu, ngài thấy có một bầy cọp con đang bị đói khát, và một cọp mẹ quá yếu đuối không còn đủ sức để nuôi chúng. Đức Phật tương lai không chút do dự, tự lao mình xuống vực thẳm để hiến thân nuôi những bầy cọp con đói khát.

Câu truyện ấy được kể để làm thí dụ về sự bố thí. Nhưng nó làm cho tôi hơi lo, vì tôi không thể nào tưởng tượng được một thái độ vô ngã tự nhiên đến vậy.

Nhưng bây giờ thì tôi đã có thể. Tôi có năm đứa cháu. Đối với chúng, tôi không hề có một chút do dự nào về hành động vực thẳm. Và tôi cũng sẽ không hảnh diện về việc ấy, vì thật ra đó chẳng có gì là to tát cả. Tôi không thể không làm được. Cái to tát là bước kế tiếp, là làm sao luôn nhớ rằng bất cứ một đứa cháu nào, của bất cứ ai, cũng đều là của ta. Và đứa cháu nào của ta cũng là cháu của tất cả mọi người.

Nhưng bạn không cần phải có con hoặc cháu mới có thể hiểu được việc ấy. Chân lý về không có một cái tôi riêng biệt này tự nó sẽ hiển lộ ra khi tâm ta được định. Tôi thấy rõ điều ấy những khi có một tai họa nào đó xảy ra. Một chiếc phi cơ chở đầy hành khách rớt trên sông Potomac, những người qua đường liều mình nhảy xuống dòng sông đông đá lạnh cóng để cứu người khác – không phải vì đó là những người họ biết, mà vì những người ấy đang cần sự cứu giúp. Lửa cháy trên tòa nhà chọc trời World Trade Center, người ta phụ khiêng một người bạn ngồi trên xe lăn xuống sáu mươi bảy tầng thang lầu, không kể gì đến hiểm nguy của chính họ. Không một ai nghĩ, “Tôi sẽ ra tay nghĩa hiệp,” hoặc “Tôi sẽ làm chuyện nhân ái.” Khi tâm ý ta tĩnh lặng, ta nhận thức được chúng ta đều là một phần tử của nhau. Thật ra tôi nghĩ, chữ rộng lượng cũng chưa được chính xác lắm vì ta vẫn còn nghĩ đến có người ban cho và người thọ nhận. Khi sự chia xẻ là một việc làm tự nhiên và tự động, chúng ta gọi đó là Bi.

Tôi thường nghĩ rằng nếu tôi xem mọi người khác như là thân thuộc của tôi, nó sẽ trở thành một gánh nặng. Nhưng sự thật là ngược lại như thế! Khi một người nào tôi biết làm một việc gì đó đáng ca ngợi, tôi không cảm thấy tôi cần phải làm việc ấy. Vì các vị ấy đang thay mặt cho tôi, hoặc cũng chính là tôi, đang gánh vác công việc ấy. Mẹ Theresa giúp những người khốn khổ dùm tôi, Beethoven sáng tác nhạc dùm tôi, thánh Gandhi tranh đấu dùm tôi… và bạn cũng chính là tôi nữa.

Tâm Hỷ: Niềm Vui Vị Tha

Jerry Rice, vị cầu thủ bắt banh nổi tiếng của đội banh bầu dục San Franciso, trong một cuộc phỏng vấn nói về những thành tích của anh trong quá khứ. Người phóng viên hỏi, “Anh còn muốn đạt thêm một thành tích mới nào nữa không?” Jerry mỉm cười đáp, “Tôi muốn đạt được hết tất cả!” Người phóng viên hỏi tiếp, “Trong số tất cả những kinh nghiệm vui nhất trong sự nghiệp chơi banh của anh, thì anh có thể kể lại một kinh nghiệm nào mà đã đem lại cho anh một niềm vui to tát nhất không?”

“Tôi còn nhớ trong trận đá chung kết Super Bowl XXIII,” Jerry đáp, “Đó là lần đầu tiên tôi được chơi trong một trận chung kết, vào hai phút cuối trước khi cuộc chơi chấm dứt, Joe Montana chọi banh cho cầu thủ John Taylor, anh ta đang đứng trong vùng đất cấm của đối phương, khi Taylor bắt được quả banh ấy, tôi cảm thấy một nỗi vui thật lớn như chính mình đã bắt được banh vậy.”

Đó là một niềm vui của tâm hỷ, của lòng vị tha, vui với niềm vui của kẻ khác – một niềm vui trong giây phút hiện tại mà đối tượng của nó hoàn toàn không quan trọng. Niềm vui của tất cả mọi người đều được chia xẻ đồng đều.

Có một lần tôi được nghe đức Đạt Lai Lạt Ma dạy về sự khôn ngoan của việc đặt hạnh phúc người khác lên, ít nhất, là cũng ngang hàng với của mình. Ngài giải thích, số người chung quanh ta rất nhiều, thành thử cơ hội có hạnh phúc của ta sẽ tăng lên vô cùng tận, nếu ta biết kinh nghiệm hạnh phúc của người khác như là của chính ta. Trên hành tinh này, cơ hội để cảm thấy hạnh phúc của tôi sẽ được tăng lên gấp 5.5 tỷ lần nếu tôi biết thực hiện việc ấy. Đó là một lợi thế rất lớn!

Vì bản chất của niềm vui vị tha, của tâm hỷ, là hạnh phúc chứ không phải khổ đau, ta cứ tưởng là nó sẽ dễ thực hiện lắm. Nhưng thật ra nó lại phức tạp và rắc rối vô cùng. Tôi nghĩ, thường thường chúng ta hầu hết ai cũng đã có lần cảm được niềm vui của tâm hỷ. Có việc gì may mắn xảy ra cho một người khác, ta cảm thấy vui thành thật. Nhưng rồi, từ cái tâm chưa được hài lòng hoàn toàn của ta, lại có một ý nghĩ khởi lên, “Ước gì phải chi mình cũng được chút may mắn như người kia!”

Tôi nhận thấy việc ấy xảy ra mỗi khi tôi xem những chương trình quảng cáo trên ti-vi về những người vừa trúng một giải xổ số. Nó chiếu một người vừa ra mở cửa nhà của anh hoặc chị ta, thì được trao cho một tấm chi phiếu 10 triệu đồng. Tôi cảm thấy vui mừng thật sự khi thấy người vừa được trúng giải bàng hoàng sung sướng, cười rồi khóc. Rồi tôi lại nghĩ tiếp, “Không biết nếu chuyện ấy xảy ra cho mình, mình sẽ làm gì đây!”

“Dĩ nhiên,” tôi lập tức tự nhắc nhở mình, “Tôi sẽ tặng đi hết một phần lớn của số tiền cho các hội từ thiện. Ít nhất là 75 phần trăm. Hay có lẽ là 50 phần trăm. Phần còn lại tôi sẽ cho hết mấy đứa con. Để cho chúng nó trang trải tiền nhà mỗi tháng.” Rồi tôi lại nhớ, “Chúng nó cũng đâu có khó khăn gì về tài chánh đâu. Hay là tôi sẽ bỏ vào một trương mục ủy thác để dành cho mấy đứa cháu lên đại học.” Rồi tôi lại nghĩ tiếp, “Nhưng mà cũng còn ít nhất là mười năm nữa chúng nó mới lên đại học, mà có ai biết được chừng đó chúng sẽ ra sao, hay là đại học sẽ như thế nào. Hay là mình và anh Seymour có thể làm một chuyến du hành ba tháng trên biển vòng quanh thế giới. Nhưng mà cũng không được, anh ấy hay bị say sóng!” Chỉ trong chừng vài giây đồng hồ, một tâm đang tràn ngập niềm vui với cái vui của kẻ khác, đã trở thành một tâm đầy những dự định, toan tính ích kỷ cho lợi lạc của chính mình, mà chẳng biết phát xuất từ đâu! Trước khi người trúng giải xổ số xuất hiện trên ti-vi với tấm ngân phiếu, tôi cảm thấy rất hài lòng với những gì mình đang có! Nhưng dường như là tâm ta, nếu không được soi sáng bởi chánh niệm và tĩnh lặng, nó sẽ dễ bị hấp dẫn bởi cái ý nghĩ muốn được thỏa mãn thêm một chút nữa!

Tôi nghĩ, chúng ta chấp nhận mỗi khi người khác nghe những tin vui, sự may mắn của ta, khi họ chúc mừng ta, là họ ước mong rồi một ngày họ cũng sẽ được như thế. Và có lẽ khi ta cầu chúc lại cho họ, là chúng ta công nhận niềm vui của mình, và giúp cho người kia cất bỏ đi cái mặc cảm tội lỗi về một nỗi ghen tức mà họ có thể có trong tâm. Tôi học được điều này khi tôi còn nhỏ, lắng nghe những lời người ta chúc mừng nhau trong các lễ đám cưới. Mẹ của một cô gái chưa chồng, ôm mẹ của cô dâu và nói, “Chúc cho chị sẽ giữ được hạnh phúc của ngày hôm nay mãi mãi.” Mẹ của cô dâu đáp lại, “Chúc cho con gái của chị cũng sẽ có một ngày như thế này.” Người mẹ kia lại nói, “Hy vọng trời sẽ nghe lời cầu chúc của chị!”

Tôi cũng đã từng cảm thấy hổ thẹn, có khi là tội lỗi, vì mỗi khi nghe có ai được một sự may mắn nào, dính dáng đến việc tôi đang mơ ước, là tôi cảm thấy ghen tức ngay. Tôi thường hay tự trách, “Sao lại vậy Sylvia? Mình đã có quá đầy đủ rồi. Sao mình lại còn có thể suy nghĩ như vậy được?”

Nhưng vấn đề không phải là ta có đầy đủ hay là không đầy đủ. Cuộc sống này tràn ngập những điều kỳ diệu mà có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc, ta muốn nhận lãnh bao nhiêu mà chẳng được! Vấn đề là ta có đủ sáng suốt để ý thức được việc ấy không! Dưới ánh mắt của chánh niệm tất cả những người nhận thật ra chỉ là một mà thôi.

Trong trận banh chung kết Super Bowl XXIII, khi Joe Montana chọi quả banh định mệnh ấy, John Taylor đã có mặt ở đúng nơi, đúng lúc, và tâm của Jerry Rice cũng vậy nữa.

Tâm Xả: Trong Tĩnh Lặng Có Hết Tất Cả

Người ta thường thắc mắc không biết là mình có thể vừa có an lạc mà lại vừa có thể có nhiệt tình không! Tôi tin là nó có thể được. Tôi muốn thực hiện việc đó trong sự tu tập của tôi. Tôi nghĩ, người ta đặt câu hỏi ấy vì họ đã lẩn lộn giữa sự vắng lặng với lại an lạc hoặc bình thản. An lạc (peaceful) có nghĩa là “không sân hận.” Bình thản (equanimous) có nghĩa là “quân bình” Chúng không hề có nghĩa là “lạnh lùng,” hoặc “lãnh đạm.”

Những bước đầu trên con đường tu tập theo Phật của tôi, tôi thường lo sợ mình sẽ trở thành một người lạnh lùng, không tình cảm. Tôi nghĩ rồi mình sẽ giống như người có một trái tim bằng phẳng, như là vừa bị chiếc xe hủ-lô cán qua vậy, không phản ứng trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Tôi nghĩ tôi cũng đã có một quan niệm sai lầm như những người khác – tin rằng thực nghiệm tâm linh có nghĩa là đạt đến một sự “tĩnh lặng bất lay chuyển.” Ý nghĩ ấy dường như lại được xác nhận qua những mẩu chuyện mà thầy tôi kể, về những người hành thiền tinh chuyên đến nổi “sự ham muốn về tình dục không còn nữa, và vợ chồng sống với nhau như anh chị em.” Tôi hơi lo ngại, vì mặc dù muốn được giác ngộ, nhưng tôi không muốn chuyện đó xảy đến cho tôi.

Sự tĩnh lặng và an bình là những trạng thái tâm rất đẹp, và thật ra chúng có chung một tính chất phẳng lặng và êm ái. Yếu tố tĩnh lặng này là một tâm hành rất quan trọng trong tâm, nó làm quân bình những hăng hái, những ước vọng, và vui sướng trong ta, và từ đó cái thấy sáng tỏ và sự hiểu biết của ta có thể hiển lộ ra. Nhưng tĩnh lặng và an bình không phải là những mục tiêu của sự tu tập, ít ra là đối với tôi. Tôi muốn mình vẫn còn có thể có một nhiệt tình. Khi tôi càng hiểu rằng, mọi vật đều trống rỗng và vô nghĩa trừ khi chúng ta cho phép chúng là quan trọng, tôi lại càng muốn mình có được khả năng “cho phép” ấy. Tôi đang có mặt trong một cuộc đời. Tôi vẫn muốn nhớ nó chỉ là một cuốn phim mà thôi, nhưng tôi cũng muốn sống như là nó có thật nữa.

Tám năm về trước, trong buổi tối đầu tiên của một khóa tu nhiều ngày nhất trong năm, do tôi hướng dẫn ở California, con gái tôi, Emily, bất ngờ ghé qua thăm.

“Má với ba có muốn dẫn Johan và con đi ăn tối hôm nay không?” Nó hỏi.

“Muốn chứ, nhưng tối nay thì không được, vì khóa tu bắt đầu tối nay, Má cần phải có mặt để hướng dẫn.” Tôi giải thích.

“Má có chắc là Má không muốn đi ăn tối với con không?”

“Không phải vậy, Má muốn đi với con chớ, nhưng không được vì Má có lớp phải dạy.”

“Má không thể đi ra một chút để ăn mừng Má sắp sửa được làm bà ngoại lần đầu tiên sao?”

Tôi hét to vì vui sướng. Tôi không phải là mình nữa. Tôi nhảy tưng tưng lên. Ngay khi ấy thì chuông điện thoại reng, tôi nhắc lên. Đó là chị bạn thân của tôi. “Em nói chuyện không được,” tôi trả lời, “em bị kích động quá đi!”

Sau đó, Emily cười và nói, “Con tiếc quá, con đã không đem theo máy quay phim.” Bốn người chúng tôi dẫn nhau đi ăn tối hôm ấy. Xong xuôi tôi trở lại khoá tu và dạy lớp đầu tiên.

Sự tu tập đã giúp tôi trở nên nồng nhiệt hơn, chứ không hề làm giảm nó đi. Những khi tôi vui sướng, mà chuyện đó rất thường, tôi lại mê say, ngây ngất. Khi buồn, tôi khóc rất dễ dàng. Và không có gì là lớn chuyện hết. Nó là sao thì nó là vậy, và rồi kế tiếp sẽ là một chuyện khác.

Xong là Xong

Một trong những vị thầy của tôi thường dùng câu này mỗi khi ông muốn tôi trở về chú ý đến giây phút hiện tại. “Xong là xong,” ông ta nói. Giờ đã đến đoạn cuối của quyển sách này, tôi thắc mắc không hiểu làm sao tôi biết được khi nào là xong. Tôi rất thích kể chuyện, và mỗi ngày là một câu chuyện mới.

Tôi còn nhớ một lần nói chuyện với Jack, một người thầy và cũng là một người bạn tốt của tôi.

“Tôi lo là tôi đã dần dần mất đi cái nhiệt tâm của mình trên con đường tu tập,” tôi nói với Jack, “Tôi nghĩ là tôi hiểu cái phương thức của hạnh phúc rồi. Tôi tin chắc là mình sẽ phải thực tập nó suốt cuộc đời, nhưng tôi không còn cảm thấy thắc mắc, cần thiết để hỏi thêm gì nữa hết.”

“Chị nói vậy cũng đúng,” Jack đáp. “Khi chị đã nhận lãnh xong thông điệp rồi, thì chị cúp máy điện thoại.”

Tôi có hai thông điệp muốn trao cho bạn trong quyển sách này. Thông điệp thứ nhất là về một đời sống tâm linh. Tôi thấy nó đơn giản lắm. Người thường cũng thực hành việc ấy, mặc dù họ không biết là họ đang làm việc ấy. Giữa những cuộc sống tầm thường, với những niềm vui và nỗi muộn phiền quen thuộc, họ sống với lòng từ ái, biết ơn, và họ hạnh phúc.

Thông điệp thứ hai là về những vị thầy minh triết. Họ có mặt ở khắp mọi nơi. Tôi để ý là trong quyển sách này, nhiều vị thầy của tôi là những người trên phi cơ. Tôi cũng có nghĩ đến sự kiện ấy như là tượng trưng cho một cái gì hơi huyền bí, như là “phi cơ đưa ta đến những nơi chốn mới lạ” hoặc “phi cơ đưa ta lên cao,” tôi biết những ý tưởng ấy chỉ là sự thêu dệt thêm của tâm ý ta mà thôi. Tôi gặp nhiều vị thầy trên phi cơ là vì tôi phải đi phi cơ rất nhiều. Mọi người ai cũng đều là một vị thầy. “Hãy luôn luôn chú ý đến tất cả mọi người,” tôi nghĩ, “vì mọi người ai cũng đều có thể là một vị Phật.”

Lời khuyên của Jack cũng có thể nói ngược lại, “Khi bạn đã trao thông điệp xong rồi, thì bạn cúp máy điện thoại.” Tôi nghĩ tôi đã làm xong việc ấy.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app