Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc – Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản Của Phật Iii

Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc

Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản của Phật 

Chánh Nghiệp: Hành Động Chân Chánh

Những giới luật đạo đức đa số đều thường có dính dáng đến những sự cấm đoán: không được làm cái này, không được làm cái kia. Tất cả các truyền thống tâm linh mà tôi biết, ít nhiều gì thì cũng thường có chung một bảng danh sách liệt kê những điều ngăn cấm. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì tất cả những điều cấm ấy đều được phát triển từ ý thức rằng, nếu chúng ta không sáng suốt, sự thúc đẩy tự nhiên của tâm tham lam và sân hận trong ta sẽ khiến ta làm những việc lạm dụng hoặc có hại cho kẻ khác. Điều luật cơ bản nhất là, “Đừng gây thêm khổ đau.”

Trong kinh điển Phật giáo, khi nói đến chánh nghiệp, người ta dùng chữ hiri và ottappa, thường được dịch là “biết hổ thẹn” và “biết khiếp sợ.” Hổ thẹn và khiếp sợ có mang một ngụ ý hơi tiêu cực, nhưng tôi thích những chữ ấy. Tôi tôn trọng cái ý niệm về một trách nhiệm to tát mà những danh từ ấy muốn chuyển đạt. Nói chung lại, chúng có nghĩa là mỗi một hành động nào của ta cũng đều có một khả năng gây nên khổ đau, và mỗi một việc làm nào của ta cũng đều có những hậu quả lan rộng, mà ta không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Nhưng việc ấy không có nghĩa là ta không nên làm gì hết. Nó có nghĩa là ta nên hành động cho thật cẩn trọng. Tất cả mọi hành động đều quan trọng.

Ông Ngoại Tôi và Những Trái Cam

Tôi không nhớ rằng có lúc nào mình lại không biết chuyện ông ngoại và những trái cam không! Tôi đoán có lẽ tôi đã nghe ông kể khi tôi mới lên chín hoặc mười gì đó. Chắc tôi đã thắc mắc hỏi ông, vì thấy ông làm việc tại một cây xăng, mà ông không hề biết lái xe.

“Khi Ngoại mới đến xứ Hoa-kỳ,” ông Ngoại tôi kể, “Ngoại mới được hai mươi lăm tuổi, và có người tập cho Ngoại lái xe đạp. Ngoại chạy chưa được vững lắm, và một hôm ông Ngoại vô ý đụng nhầm một bà đang ôm những giỏ giấy đi chợ. Một chiếc giỏ rơi xuống đất, và những trái cam đổ ra lăn lóc khắp nơi trên mặt đường. Ngoại hối hận về hậu quả mình gây ra quá, và rồi từ đó trở đi quyết định là mình sẽ không bao giờ lái một cái gì nữa hết!”

“Nhưng đó chỉ mới có một lần thôi mà,” tôi phản đối.

“Việc đó không thành vấn đề,” ông Ngoại nói. “Sau khi Ngoại biết được cảm giác đụng phải người khác như thế nào rồi, Ngoại không bao giờ muốn đâm vào ai một lần nữa.”

Có lẽ đó là một mức độ hơi cực đoan của hiri và ottappa, nhưng tôi cảm thấy kính phục ông Ngoại tôi rất nhiều. Và trong suốt đời ông, tôi đã nghe ông lặp đi lặp lại câu chuyện ấy rất nhiều lần, tôi có cảm tưởng là Ngoại tôi rất hài lòng với quyết định của mình. Ông sống với một ước vọng là sẽ không làm đau khổ ai hết. Như ông đã nói, “Tôi không bao giờ muốn gây thêm phiền phức gì cho bất cứ ai.”

Chánh Nghiệp Tích Cực: Cứu Cấp Trên Phi Cơ

Thật ra, những hành động cấm đoán chỉ mới là một nửa phần của chánh nghiệp mà thôi. Một nửa phần còn lại là biết sử dụng hết mọi cơ hội của mình để làm vơi bớt khổ đau. Nhận lãnh trọn thế giới này không phải chỉ là một hành động cao thượng đối với kẻ khác mà thôi, nó còn to tát hơn thế nhiều, nó là một việc làm rất tốt lành cho chính ta.

Đôi khi hồi tưởng lại quá khứ, tôi cảm thấy rất buồn vì đã bỏ lở những cơ hội mà tôi có thể hành động để làm vơi chút phần nào khổ đau cho người khác. Năm năm trước đây, tôi đã lở một cơ hội trên một chuyến bay, tôi vẫn còn nhớ mãi và học được rất nhiều từ đó. Tuần vừa qua, suýt chút nữa là tôi lại đánh mất thêm một cơ hội nữa, nhưng tôi ý thức kịp thời. Sau đó, tôi tự hỏi, không biết lỗi lầm đầu tiên của tôi có được bôi xóa nhờ sự sửa sai lần sau này không. Và tôi ý thức rằng, việc ấy không ăn chung gì hết! Hành động chân chánh, tức chánh nghiệp, là một đòi hỏi thường xuyên trong suốt cuộc đời. Không có một thời điểm nào để ta có thể dừng lại và cân bằng số điểm, xem mình thắng bại ra sao. Nếu có một hành động nào là cần thiết và hành động ấy tốt lành, thì nó cần phải được thực hiện. Việc ấy nghe như là một sứ mạng rất to tát, như một lời nguyện của vị bồ tát, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, muốn đoạn dứt hết mọi phiền não, mà sự thật là vậy. Nhưng thật ra, việc ấy cũng không khó như ta nghĩ đâu. Những quyết định của ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì trốn tránh không phải là một sự chọn lựa, nên công việc chỉ là ý thức được những việc nào là tốt lành và thực hành chúng mà thôi.

Cứu Cấp Trên Phi Cơ: I. Sự Sai Lầm

Tôi ngồi yên trong ghế của mình, cột dây an toàn xong xuôi, trong khi những người hành khách cuối cùng bước lên phi cơ từ Boston đi San Francisco. Bổng có giọng nói cáu kỉnh của một bà mẹ gây sự chú ý cho tôi. Tôi ngước nhìn lên và thấy gương mặt của bà ta đỏ bừng và căng thẳng. Đứa con trai nhỏ mặt trông tái mét và sợ sệt. Bà ta loay hoay với mấy chiếc giỏ xách tay, đẩy đứa bé đi tới trước đến chỗ ngồi của bà, mắng nhiếc nó từng bước một. Tôi nhíu mặt và nhìn sang chỗ khác, tôi có những ý nghĩ không tốt về bà ta.

Chuyến bay dài sáu giờ đồng hồ. Hai mẹ con ngồi phía sau tôi cách chừng vài dãy ghế, đều đặn, tôi có thể nghe tiếng gay gắt của bà. Mỗi lần nghe tiếng bà là tôi cảm thấy bực mình. Tôi ước gì mình đã đi trên một chuyến bay khác. Tôi cảm thấy khó chịu vì bà ta đã làm hỏng cái hy vọng rằng đây sẽ là một dịp cho tôi nghỉ ngơi. Tôi lo lắng cho đứa bé trai, và tưởng tượng ra những hình ảnh đen tối cho tương lai và cuộc đời của nó. Tôi nghĩ rồi sẽ có một ngày nào đó, những hành động của người đàn bà này sẽ trở lại ám ảnh bà ta. Tôi ngồi yên trong ghế, suy nghĩ đủ hết tất cả mọi chuyện, trừ việc giúp đở họ.

Trong lúc đó, tôi không có một giải pháp can thiệp nào hết. Có lẽ tôi quá bực mình, tôi nghĩ tôi sẽ lại thốt ra những lời bất nhã. “Mình nói gì,” tôi tự hỏi, “mà lại có thể giúp ích được cho họ?”

Phi cơ đáp xuống, người đàn bà và đứa con trai mất dạng vào trong đám đông. Khi ấy, có lẽ vì cơn nước lũ lụt phê phán đã dừng, tôi biết được việc gì mình đã có thể làm. Tôi đã có thể dừng lại bên chỗ dãy ghế của bà ta, mỉm cười và nói, “Đi xa với lại một đứa bé như vầy chắc chắn là cực lắm, phải không? Tôi cũng có lần làm như vậy, lâu lắm rồi, và tôi vẫn còn nhớ mãi. Bà đi như vầy lâu chưa? Bà có phải chờ đợi ở phi trường lâu không? Bà đi về đâu? Có ai ra đón không?” Dĩ nhiên là tôi không cần phải hỏi tất cả những câu ấy. Chừng một hoặc hai câu cũng đủ tỏ cho bà ta biết rằng tôi thấy được nỗi cực nhọc của bà và lưu tâm đến. Việc đó chắc chắn sẽ giúp được phần nào.

Nào ai biết được việc gì đã có thể xảy ra nếu tôi và bà nói chuyện với nhau? Có lẽ tôi đã có thể nói cho bà ta nghe một vài điều hữu ích về vấn đề nuôi dạy con. Có lẽ tôi đã có thể khiến cho bà cố gắng thay đổi một phần nào. Có lẽ cuộc đời của đứa bé trai ấy đã thay đổi.

Những việc đáng lẽ tôi đã phải làm trở nên rất rõ ràng sau đó, khi nó đã là quá trể. Tôi cảm thấy hối hận. Nhà Phật có dạy rằng hành động này sẽ “làm điều kiện” cho hành động khác, và sự không-hành-động của tôi đã điều kiện cho một quyết định là mình sẽ hành động tốt hơn về sau.

Cứu Cấp Trên Phi Cơ: II. Sửa Sai

Năm năm sau, một lần nữa, tôi ngồi yên trong ghế trên chuyến bay United 33, từ Boston đến San Francisco, tôi hy vọng sẽ được sáu giờ rảnh rang để viết lách, vì chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ hạn cho bản thảo của quyển sách này. Người đàn bà ngồi cạnh tôi có vẻ bất an, bồn chồn trong ghế ngồi, háo hức muốn nói chuyện. Bà kể tôi nghe, gần đây bà bị té và đầu xương cụt của bà bị bầm tím, bây giờ mỗi khi ngồi nó đau đớn lắm. Bà giải thích là bà hơi lo và không vui, vì chuyến bay này khá dài mà lại không được phép hút thuốc.

Tôi bỏ một thời gian để nói chuyện, hy vọng rồi bà ta sẽ ổn định xuống để tôi có thể trở lại viết lách mà không tỏ ra mất lịch sự. Tôi lào xào sắp xếp lại mớ giấy tờ của mình, cố ý cho bà thấy là tôi muốn được yên để làm việc. Mỗi lần chúng tôi kết thúc một chủ đề và tôi bắt đầu quay sang chỗ khác, bà ta lại bắt đầu một đề tài mới.

Giờ ăn trưa đến và đi. Tôi hy vọng là dịp nói chuyện trong giờ ăn sẽ cho phép tôi được yên sau đó, để có thể nghiêm chỉnh tiếp tục sự viết lách của mình, nhưng việc ấy đã không xảy ra. Chuyến bay càng kéo dài, bà ta lại càng trở nên bất an. Lưng của bà đau và bà thèm thuốc lá.

Thật ra chính là bà, chứ không phải tôi, đã đánh thức tôi dậy trước khi tôi lại phạm lỗi một lần nữa. Chúng tôi kể cho nhau nghe về việc làm của mình, và bà thắc mắc, hỏi một chuỗi câu hỏi về công việc của một người đi hướng dẫn thiền tập. Tôi dạy cho những ai? Những gì tôi dạy có ích lợi cho những người bị căng thẳng không? Nó có khó không? Nếu bà muốn học thì sao? Bà hăm hở nhờ tôi ghi xuống tên của những quyển sách bà có thể đọc, những cuộn băng bà có thể mua, những nơi bà có thể tìm đến học.

Cuối cùng, tôi hiểu. Tôi nói, “Bà có muốn tôi chỉ cho bà phương pháp thiền tập ngay bây giờ không? Nó có thể sẽ làm bà cảm thấy dễ chịu hơn.”

“Vâng, tôi muốn chứ,” bà đáp. “Tôi rất là muốn lắm.”

Tôi bỏ viết xuống. Tôi giảng cho bà nghe vài lời hướng dẫn về thiền tập. Bà ta ngồi yên trong một thời gian. Và sau đó chúng tôi bàn về kinh nghiệm của bà.

Bà nói bà cảm thấy được thoải mái hơn. Tôi giải thích, một cảm giác thoải mái hơn một chút sẽ làm cho bà ta cảm thấy thoải mái hơn thật nhiều, bởi vì bây giờ bà có thể tin chắc là mình có khả năng vượt qua được chuyến bay này. Chúng tôi nói về việc tâm của ta có thể nắm lấy một sự khó chịu nho nhỏ thôi và thổi phòng nó lên thật to.

Tôi bắt đầu nhận ra là mình đang có những giờ phút rất vui. Tôi chợt thấy, thật là rất buồn cười khi ta bận rộn viết về niềm vui của những hành động vô kỷ và từ ái, về việc đem tình thương ra ban rải mỗi khi có dịp, trong khi ta lại cố chối bỏ một người đang khổ đau ngồi ngay sát cạnh bên ta. Trong nửa giờ cuối của chuyến bay bà ta ngủ say, và tôi đã viết một bài thật hay.

Chánh Ngữ: Một Lời Đã Nói Ra, Bốn Ngựa Không Theo Kịp

Một tấm bảng trong một cửa tiệm cạnh nhà tôi ghi:

Cẩn thận trong việc chọn lời của bạn

Giữ cho chúng ngắn gọn và ngọt ngào

Bạn không bao giờ biết sẽ có một ngày

Những lời nào rồi bạn sẽ phải lãnh.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sự kiện là đức Phật đã dành riêng một chi phần đặc biệt trong Bát Chánh Đạo cho sự nói năng chân chánh, tức Chánh Ngữ. Ngài có thể đơn giản hóa bằng cách nhập nó vào chung với Chánh Nghiệp, tức hành động chân chánh, cũng được vậy! Vì nói năng cũng là một hình thái của hành động. Có thời gian tôi nghĩ có lẽ đức Phật để nó riêng ra là vì chúng ta nói nhiều quá. Nhưng rồi sau đó tôi đã đổi ý – vì biết có một số người không nói gì nhiều hết. Bây giờ, tôi nghĩ nó được phân loại riêng là vì lời nói của ta có một quyền năng rất lớn.

Vài năm trước đây, tôi có đọc được một câu trên một trang báo. Nó được in ở cuối trang như một câu châm ngôn chêm vào cho đầy hết trang báo, vì bài viết vẫn còn dư một khoảng trống. Tôi không còn nhớ bài viết về đề tài gì, cũng như trên tờ báo nào, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ câu ấy. Nó ghi, “Gậy và đá đôi khi có thể làm gẫy xương ta, nhưng lời nói thì lúc nào cũng có thể gây thương tích cho ta.”

Đôi khi trong lớp, tôi thường hỏi, “Em nào đã từng bị gẫy xương giơ tay lên.” Sau khi các em đưa tay lên, tôi nói, “Em nào bây giờ vẫn còn đau vì gẫy xương thì cứ để tay cho tôi xem.” Thường thường thì tất cả những bàn tay đều bỏ xuống. Sau đó tôi hỏi tiếp, “Giơ tay lên nếu có em nào vẫn còn cảm thấy đau đớn về một chuyện gì đó mà ai nói với em trong một năm vừa qua.” Rất nhiều bàn tay đưa lên. “Giữ tay ở đó nếu em nào vẫn còn cảm thấy khổ đau vì một lời phê bình của ai về mình trong năm năm qua.” Những bàn tay vẫn còn đưa cao. “Mười năm qua… hai mươi năm qua… ba mươi năm qua… lời nói của ai khi em mới được năm tuổi.” Nhiều bàn tay vẫn còn giơ cao. Họ quay chung quanh nhìn nhau và mỉm cười, ngượng ngùng, nhưng tôi không nghĩ là có ai vui vẻ gì. Đó là một giây phút thật dễ thương của sự chia xẻ lòng từ ái, của việc làm chứng nhân cho một gánh nặng mà tất cả chúng ta đang mang trên vai, một nỗi đau của những lời phê bình gây thương tích. Có lẽ chúng ta nghĩ nếu mình là người lớn, ta phải bỏ qua được những lời chê trách trẻ con của người khác. Tôi tự hỏi, nếu ta có bao giờ thật sự quên bỏ được chúng không! Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều rất dễ bị thương tích, như một cái bánh kem-su, bên ngoài tuy dòn nhưng bên trong rất là mong manh, và cũng rất là ngọt ngào.

Vào thập niên 60, châm ngôn của xả hội thời ấy là “Hãy bộc lộ ra hết tất cả,” tôi cứ tưởng tượng về việc mình sẽ viết một quyển sách có tựa đề Giữ Hết Lại Bên Trong. Tôi cảm thấy lo âu vì thấy mọi người không ý thức được rằng chúng ta có thể dễ bị thương tích đến mức nào. Nhưng mấy năm gần đây, tôi đã đổi tựa quyển sách của tôi thành Giữ Nó Lại Bên Trong Cho Đến Khi Nào Chúng Ta Tìm Được Một Đường Lối Để Phát Biểu Cho Có Hữu Ích.

Tôi tin là chúng ta có bổn phận phải nói sự thật. Nói lên sự thật là một phương cách giúp ta chăm sóc kẻ khác. Đức Phật dạy chúng ta phải hoàn toàn chân thật, nhưng ngài cũng dạy thêm là bất cứ một lời nói nào của ta cũng phải có hai yếu tố: chân chánh và hữu ích.

Khi dạy về Chánh Ngữ, đức Phật cũng có cung cấp cho ta một kim chỉ nam trong việc sửa sai người khác. Một sự khiển trách, đức Phật dạy, phải có đủ những yếu tố sau đây: thời gian, chân thật, nhẹ nhàng, dễ thương và bổ ích. Khi tôi nói cho người ta nghe về những tiêu chuẩn ấy, họ thường kêu lên, “Nhưng nếu vậy thì sẽ không còn ai có thể khiển trách ai được nữa hết!” Tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ với Chánh Ngữ người ta vẫn có thể phát biểu ý kiến hoặc nhận xét của mình qua một đường lối mà người kia có thể lắng nghe và sử dụng được, mà không hề cảm thấy mình bị thấp kém.

Luật Sáu Mươi Giây

Trình độ sơ cấp của chánh ngữ là những lời nói không gây đổ vỡ thêm cho bất cứ một hoàn cảnh nào. Việc này sẽ ngăn ngừa được những lỗi lầm căn bản, như là nói dối hoặc cố ý dùng những lời gây khổ đau. Trình độ cao cấp của chánh ngữ sẽ giúp duy trì sự quân bình của hoàn cảnh, bằng cách không cộng thêm vào đó yếu tố phá hại của việc nói những lời thị phi.

Những lời thị phi tức là nói chuyện về một người nào đó không có mặt. Trừ những trường hợp hiếm hoi, khi có thể ta cần phải phát biểu một vấn đề nào đó thay mặt cho một người khác. Khi nói chuyện gièm pha về một người thứ ba là ta đang mời gọi người nghe cùng chia xẻ cái khoảng không gian cáu kỉnh, bất an trong tâm mình. Nói chuyện ca ngợi về một người thứ ba có thể khiến cho người nghe cảm thấy họ là không quan trọng. Như vậy tại sao ta lại không chọn nói về những gì đang có mặt trong hiện tại?

Sau đây là một bài tập về chánh ngữ cho trình độ cao cấp. Bắt đầu ngày mai khi bạn thức dậy, đừng nói chuyện phiếm. Xem việc gì sẽ xảy ra nếu bạn không phê bình về bất cứ một ai không có mặt. Cẩn thận lắng nghe tiếng nói trong tâm khi nó chuẩn bị để phê phán, và bạn hãy tự hỏi, “Tại sao mình phải nói như thế?” Thấy được ý định của ta là phương cách hay nhất để biết được lời phê phán mà ta sắp nói ra có là chánh ngữ hay không. Ý định của ta có tốt lành không, có thật sự là một ý muốn giúp đở người khác hay không? Hay chỉ là để khoe khoang? Hoặc là gièm pha?

Đôi khi bàn chuyện thị phi có vẽ dường như là vô hại, một cố gắng để gợi chuyện, để trám cái khoảng trống im lặng giữa hai người. Tôi nghĩ chúng ta ưa nói chuyện phiếm vì sợ người bạn của mình sẽ nghĩ rằng ta không thấy thích thú đủ để nói chuyện với họ. Khi ta có thể có mặt với một người nào đó và nói, “Tôi đang có một thời gian tuyệt vời và rất thích cùng đi dạo với bạn (ăn với bạn, lắng nghe nhạc với bạn, uống trà với bạn), nên chúng ta không cần phải nói chuyện gì”, đó là một hạnh phúc lớn. Tôi xuất thân từ một gia đình của những “nhà vô địch” thích nói chuyện, cho nên tôi rất ngạc nhiên khi khám phá ra là mình lại rất thích những khoá tu thiền im lặng. Rửa xà-lách, xắt cà-rốt trong thinh lặng, với một người khác cũng rất là thân mật. Thật vậy, chia xẻ cái không gian thinh lặng của công việc làm xà-lách với một người lạ trong vòng một tuần, khơi dậy một cảm giác chúng tôi là những người bạn rất thân thiết.

Một trình độ rất cao của Chánh Ngữ đòi hỏi ta phải ý thức được ý định của mình trong tất cả mọi sự truyền thông, không phải chỉ có trong việc nói chuyện phiếm mà thôi. Tôi cũng bắt đầu xem xét lại lời nói của chính mình sau một thời gian tu tập trong thinh lặng. Khi trở về nhà, cũng mất dăm ba ngày trước khi lời nói của tôi trở lại cái tốc độ phản ứng quen thuộc của nó. Tôi đã có thể ghi nhận được cái khoảng thời gian, từ khi câu trả lời khởi lên trong tâm tôi và cho đến khi nó thoát ra khỏi miệng. Tôi có đủ thời giờ để ý thức được động cơ nào đã thúc đẩy mình. Xét ra thì những động cơ thúc đẩy tôi cũng rất tốt đó, nhưng chúng không tốt như tôi đã tưởng. Có lẽ 80 phần trăm những câu trả lời của tôi là để trình bày sự thật, 10 phần trăm là tôi bị thúc đẩy vì muốn phô trương cách thức khéo léo mà tôi sẽ trình bày chúng, và 10 phần trăm còn lại là tôi muốn gây một thiên kiến nơi người nghe. Đôi khi còn tệ hơn thế nữa! Đôi khi 10 phần trăm chót ấy là một hình thức che đậy, một thủ đoạn để trả đũa người khác, cho một sự khinh thường, có thật hoặc tưởng tượng, nào đó.

Lúc mới đầu, tôi rất nản khi khám phá ra tôi đã lạm dụng năng khiếu sử dụng ngôn ngữ của mình, lấy đó làm một phương tiện kín đáo để hành xử không đẹp. Nhưng tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng sau khi quyết định sẽ không làm thế nữa. Chánh Ngữ ở một trình độ cao cấp xét ra cũng không phải là khó lắm. Một khi tâm ta đã được hướng dẫn để quán sát tìm những thông điệp ẩn tàng, nó sẽ hành động theo đó một cách tự nhiên. Quyết định thay đổi ấy đã giản dị hóa cuộc đời của tôi rất nhiều, vì tôi không còn lo nhiều về việc phải thu dọn về sau nữa.

Và Chánh Ngữ ở trình độ tối cao là ta phải biết trung thực hoàn toàn, nó đòi hỏi ở nơi ta một sự có mặt trọn vẹn. Tôi học được điều này từ Jim, một nhà tâm lý học tôi có dịp làm quen khi chúng tôi cùng dạy chung tại một cuộc hội thảo đối thoại giữa Phật giáo và Công giáo. Tôi đã đọc những quyển sách của ông viết, và rất mừng được dịp đi ăn chiều với tác giả.

“Chị nghĩ sao về đề tài A, Sylvia?” ông hỏi. (Tôi dùng đề tài A,B,C… vì không còn nhớ chúng tôi nói về vấn đề gì, và những điều tôi học từ Jim là cái phương cách mà ông nói hơn là từ nơi chủ đề.)

“Tôi nghĩ như vầy, như vầy và như vầy,” tôi trả lời lập tức. “Còn anh nghĩ sao về đề tài B và C?”

Ông ta chỉ ngồi yên lặng. “Chết rồi,” tôi thầm nghĩ. “Có lẽ mình đã làm gì mích lòng ông ta chăng. Chắc là điều mình hỏi có tính cách cá nhân quá. Hay có lẽ mình đã nêu ra nhiều đề tài quá.”

Nhưng rồi ông từ tốn trả lời, “Tôi nghĩ như thế này, thế này về B và C. Còn chị nghĩ sao về vấn đề D?”

“Ồ, D,” tôi đáp ngay, “Tôi nghĩ như vầy, như vầy và như vầy. Còn E và F thì sao?”

Và ông lại ngồi im lặng. Tôi chợt thức tỉnh và thấy được chuyện gì đang xảy ra. Khi tôi hỏi ông nghĩ gì, thì ông thật sự bỏ ra thời giờ để suy nghĩ. Ông trả lời bằng cách nói cho tôi nghe những gì ông đang nghĩ ngay bây giờ, không phải là của ngày hôm qua hoặc của tuần trước. Tôi cảm thấy mình được ông quý trọng. Tôi cảm thấy ông biết tôn trọng những câu hỏi của tôi đủ để ông nói cho tôi nghe một sự thật hiện tại nhất về nó.

Bài thực tập của Chánh Ngữ ở trình độ tối cao tức là luật Sáu Mươi Giây trong khi trò chuyện. Bất cứ khi nào có ai đặt một câu hỏi, người đáp cần phải im lặng trong sáu mươi giây trước khi trả lời. Vì sự dừng lại ấy là bắt buộc, cho nên câu trả lời của ta sẽ có nhiều cơ hội để bao gồm sự suy ngẫm, xem xét ý định, duyệt lại giọng nói – tất cả những gì là tối cần thiết cho một câu trả lời sáng suốt.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app