Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc – Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản Của Phật Iv

Thiền Quán Con Đường Hạnh Phúc

Phần 2: Con Đường Hạnh Phúc Giáo Lý Căn Bản của Phật

Chánh Mạng: Chị Pearl và Công Việc Ủi Đồ

Chánh Mạng, tức sự mưu sinh chân chánh, dường như khó thực tập đối với ngày nay hơn là ở vào thời của đức Phật. Điều luật thì cũng vẫn vậy: Chánh Mạng có nghĩa là tổ chức sự mưu sinh của mình sao cho không lạm dụng, không bóc lột, không gây hại cho ai. Dù sao, vào thời đại ngày nay thế nào là lạm dụng, là bóc lột thì cũng không nhất thiết được rõ ràng cho lắm.

Vào thời đức Phật, những loại nghề nào bất thiện rất dễ phân biệt. Làm binh sĩ, nuôi nô lệ, sản xuất võ khí và những chất say – tất cả đó đều là những nghề bị ngăn cấm. – thời đại chúng ta, binh sĩ đôi khi cũng còn có nhiệm vụ của một người duy trì hòa bình. Và ta cũng khó mà biết được sự tốt lành của tất cả mọi sản phẩm của bất cứ một công ty nào, nhất là trong thời đại mà các công ty mua bán, phụ thuộc lẫn nhau. Nào có ai biết những gì được sản xuất bởi công ty phụ thuộc với công ty làm bột giặt của tôi?

Ngày nay khi người ta nói, “Ông ấy, bà ấy là một người rất thành công” thường có nghĩa là “Ông ấy bà ấy có rất nhiều tiền.” Nó không nhất thiết có nghĩa là họ có đạo đức, có nhân cách hoặc là có hạnh phúc. Giáo lý của đức Phật về Chánh Mạng không hề loại bỏ những hạng người giàu có – ngài dạy cho tất cả mọi người, trong đó có hàng vua chúa – nhưng nó không hề được dựa trên của cải vật chất. Nó được dựa trên sự tốt lành.

Đối với tôi, một hình ảnh trọn vẹn về Chánh Mạng nó to lớn hơn là những cấm đoán mà được phản ảnh qua sự chọn lựa bên ngoài của ta. Sự chọn lựa tốt lành trong nội tâm – ví dụ một thái độ lành mạnh về công việc làm của ta cũng có thể đóng góp cho sự an lạc và hạnh phúc của ta nhiều lắm. Phương cách mưu sinh của mỗi người là một cơ hội để ta phát huy đức tự trọng.

Bạn của tôi, chị Pearl, sinh sống bằng nghề giữ nhà, khi bốn đứa con tôi còn bé và tôi mới bắt đầu đeo đuổi cao học. Tôi rất hảnh diện vì được nhận vào một trường đại học có uy tín, và chị Pearl thì rất vui với công việc mới của mình.

Chị Pearl nấu ăn rất khéo, mấy đứa con tôi mê những món chị làm. Chị lái xe chở chúng đi học, nhớ những giờ hẹn bác sĩ, và săn sóc khi chúng bệnh. Một chiều nọ, sau một ngày ở trường, tôi về nhà thấy chị đã ủi xong hết đống quần áo mà tôi nghĩ phải mất cả tuần. Những bộ đồ phẳng phiu được treo trên chiếc máng áo trông thật đẹp.

“Chị Pearl,” tôi kêu lên, “quần áo chỉ ủi trông đẹp quá!”

“Đẹp thật,” chị đáp. “Tôi rất hảnh diện với tài ủi đồ của mình!”

Tôi rất sung sướng là đã được câu trả lời của chị đánh thức tôi dậy. Tôi vẫn còn ghi nhớ nó mãi cho đến ngày hôm nay, ba mươi năm sau. Không phải là tôi có một thái độ tự cao về những công việc chuyên nghiệp đâu! Không phải vậy! Điều mà tôi học được ở chị Pearl là trong ngay giờ phút này thì cái mà bạn làm, bên ngoài, chỉ mới là phân nửa của công việc mà thôi. Nó đối với bạn ra sao, bên trong, là phân nửa phần còn lại!

Chánh Tinh Tấn: “Nhớ, Hãy Vui Vẻ”

Những lời dạy về Chánh Tinh Tấn, tức sự siêng năng chân chánh, trong đạo Phật rất là rõ rệt. Đức Phật dùng chữ thiện và bất thiện để nói đến những gì dẫn đến hạnh phúc và những gì đưa đến khổ đau. Nguyên tắc của Chánh Tinh Tấn là: hãy ghi nhận những cảm giác tốt lành như là tính thân thiện, từ ái, hoặc rộng lượng, khi chúng có mặt trong tâm, và khuyến khích cho chúng phát triển. Tập hành động dựa trên những cảm xúc ấy là một phương cách để ta phát huy hạnh phúc. Và ta cũng cần ghi nhận những cảm xúc bất thiện, như là giận dữ và tham lam, khi chúng khởi lên trong tâm, và cố gắng đừng làm cho chúng phát triển thêm. Hơn nữa, đức Phật còn khuyên rằng, những cảm xúc bất thiện cần phải được loại trừ ra khỏi tâm ta.

Tôi tin đức Phật có ý nói là chúng ta có thể chọn lựa về cái trạng thái trong tâm của mình. Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Tham lam và giận dữ, ít nhất là trong những sự bộc phát nho nhỏ, có một tác dụng khơi động năng lượng, và năng lượng ấy rất là quyến rũ. Có một lần, nhiều năm về trước, tôi lái xe đến phi trường Oakland vào nửa đêm để đón chồng tôi, anh ta trở về trên một chuyến bay khuya. Con đường xa lộ cảnh vật vắng tanh và đều đều. Tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, và chợt sợ là mình có thể bị ngủ gục trong khi cầm tay lái. Đột nhiên, trong dòng tư tưởng, tôi chợt nhớ đến một vấn đề giữa tôi với một người bà con xa, và cảm thấy bực mình về những điều mà người ấy nói về tôi.

“Chị ấy táo tợn đến thế là cùng!” tôi nghĩ, và ngay khi ấy tôi cảm thấy mình trở nên thật tỉnh táo. Một đòn tức giận chính đáng đã đánh tiêu tan hết sự buồn ngủ trong tôi.

“Chà, cái này hay thật!” Tôi tự chúc mừng mình về một sự khám phá mới. “Trạng thái của tâm có thể thay thế lẫn nhau được. Tôi có thể đem cái này để thay thế cho cái kia trong tâm. Tôi có thể đánh thức mình dậy bằng cách nghĩ những tư tưởng tức giận!”

Và tôi đã làm theo như vậy. Trên đường đi đến phi trường, tôi nghĩ đến những tư tưởng tức giận và lặp lại trong đầu những câu đối thoại khác nhau: lời tôi nói, những gì chị ta cho là tôi nói, những gì tôi có thể kể cho mọi người nghe về điều chị nói là tôi đã nói. Đến lúc tôi quẹo vào bãi đậu xe của phi trường, tôi đã tỉnh như sáo sậu. Tôi không nhớ rõ, nhưng tôi có thể đoán là có lẽ sau đó tôi đã cảm thấy cáu kỉnh và bực bội thật sự.

Hai ngày sau, tôi có đem câu chuyện ấy kể lại cho thầy tôi nghe, nghĩ rằng thế nào ông ta cũng khen ngợi tôi về cái tuệ giác mới này, về sự liên hệ mật thiết giữa thân tâm. Nghe xong ông cười và nói, “Phải rồi, sự thay thế lẫn nhau của những tâm thức là đúng đấy. Nhưng dù sao,” ông nói thêm, “chị có thể làm cho mình tỉnh táo bằng những tư tưởng gợi tình cũng được vậy, và như thế có còn thú vị hơn không!”

Sau một thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy ngoài những cơn bộc phát nhỏ của lòng tham và cơn giận – mà chúng là những phản ứng tự nhiên của tâm đối với những kinh nghiệm dễ chịu và khó chịu – bám víu vào hai thành tố ấy sẽ làm ta mệt mỏi lắm. Kéo dài sự mong ước và kéo dài sự ghét bỏ, cả hai đều sẽ làm cho ta bực bội và nản chí. Chúng làm cho tâm ta mỏi mệt. Đó cũng là một trong những lý do mà ta khó có thể nào loại trừ chúng được. Tôi nghĩ, vì ta cảm thấy mệt mỏi, nên không còn muốn thoát ra hoặc chịu nhìn vấn đề cho thấu suốt nữa. Vì vậy, chúng ta cần những điều luật để nhắc nhở mình. Và đôi khi ta cũng phải cần đến người chung quanh nữa.

Một hôm trong khi lái xe ngang qua chiếc cầu Golden Gate Bridge, trên đường đến đón một người bạn cùng đi xem nhạc ô-pê-ra, tâm tôi lúc ấy mang một tâm trạng bực dọc không hiểu vì lý do gì. Tôi không thấy được cái không gian bao la của vịnh biển đang ôm ấp thành phố San Francisco mới lên đèn. Tôi chầm chậm xe lại ngang phòng thu tiền qua cầu và trình vé của mình cho người gác cổng. “Bà có một ngày thật tuyệt vời nhá!” anh ta nói. Ái chà! Một dòng điện tỉnh thức chạy suốt qua người tôi. “Từ nảy tới giờ mình làm trò trống gì vậy?” Tôi nghĩ. “Bây giờ đây, ta sắp gặp một người bạn mà ta quý, đi làm một chuyện mà ta ưa thích nhất, và ta lại bực dọc!”

Không ai chối cải là ngay bây giờ trên thế giới này có những việc đáng buồn, ngay cả trong đời sống của tôi cũng vậy, nhưng sự bực dọc sẽ không làm cho bất cứ một việc nào được trở nên tốt đẹp hơn. Thật ra nó còn có thể làm cho sự việc trở nên tệ hơn nữa là khác. Đức Phật dạy, “Mỗi giây phút của tâm sẽ làm điều kiện cho giây phút kế tiếp.” Sự bực dọc lôi trì tâm ta xuống bằng chính sự mỏi mệt của nó. Hạnh phúc kéo tâm ta lên và giúp nó tiến bước trở lại.

Chị Sharon, người mà tôi theo học thiền quán về tâm từ (metta meditation), thường kết thúc buổi trình pháp của tôi với chị bằng câu, “Nhớ nhá Sylvia, hãy vui vẻ!” Ban đầu tôi cứ nghĩ đó là một lời nói xã giao thông thường của những người sống ở vùng này. Mất một thời gian rất lâu tôi mới hiểu rằng đó chính là một lời hướng dẫn tu tập cho tôi.

Chánh Định: Làm Nhẹ Đi Nỗi Đau

Đức Phật dạy, Chánh Định là một khả năng để cho sự chú ý của ta được thẳm thấu vào một đối tượng duy nhất. Chú tâm vào một đơn điểm sẽ làm phát sinh nên một phẩm tính rất cá biệt trong tâm ta. Nó là một cảm giác dễ chịu, quân bình, thư thái rất đặc biệt – một trạng thái mà trong kinh điển gọi là “một tâm mềm dịu.”

Lúc trước tôi có hướng dẫn một lớp gọi là “Thực Tập Định Tâm Qua Sự Thêu May.” Chúng tôi gặp nhau mỗi kỳ hai tiếng tại một phòng thiền. Trong một giờ đầu, tất cả chúng tôi ngồi trong thinh lặng và thêu may. Người ta thêu thùa, đan may, và thực tập những đường kim mũi chỉ. Trong phòng chỉ có tiếng lách cách của những mũi kim thêu, tiếng sột soạt của sợi chỉ xuyên qua bạt vải, bên ngoài có khi là trời mưa, tuyết. Trong giờ thứ hai, mọi người vẫn tiếp tục công việc thêu may của mình, và chúng tôi nói chuyện.

Trong giờ nói chuyện, chúng tôi không hề đề cập gì đến công việc thêu may của mình. Chúng tôi nói về đời sống, về nỗi lo sợ, những vất vả, những muộn phiền của chúng tôi. Lời nói của chúng tôi phát xuất từ một không gian tĩnh lặng, và chúng tôi lắng nghe nhau trong một không gian quân bình. Mọi người đều đồng ý rằng chính một giờ thực tập định tâm trước đó đã giúp cho chúng tôi có thể chia xẻ một cách thật sâu sắc. Sự thực tập định tâm, cùng một lúc, vừa làm vững mạnh và lại vừa làm êm dịu tâm. Đó không phải là một sự nghịch lý. Đó là một sự thật.

Tôi khám phá ra được hiệu quả của sự định tâm này lần đầu tiên vào cuối một khoá tu thiền trong thinh lặng hai tuần, tại tiểu bang Washington vào năm 1977. Vì đây là một trong những khóa tu tập đầu tiên của tôi, nên mọi việc trong khóa tu đều là kỳ lạ và khó khăn. Thân tôi đau vì ngồi lâu, tôi vật lộn với những cơn buồn ngủ, và hoàn toàn cảm thấy lộn xộn về những lời hướng dẫn.

Tôi bắt đầu cho rằng kinh nghiệm này cũng giống như là một cuộc phiêu lưu của tâm, và cảm thấy nếu hoàn tất được nó sẽ là một chiến thắng lớn. Mỗi ngày qua, cái đau nơi thân tôi dần dà mất đi và tôi cũng cảm thấy bớt buồn ngủ, nhưng không có một sự kiện gì là kỳ diệu xảy ra hết. Vào ngày cuối cùng, nếu có ai hỏi tôi “Chị có thấy khác biệt gì không?” Tôi chắc chắn sẽ trả lời rằng “Không!”

Chiều hôm ấy, sau khi khóa tu thinh lặng chấm dứt, tôi gọi điện thoại về cho nhà tôi ở California, để sắp xếp cho anh ra phi trường đón. Trong câu chuyện, tôi hỏi thăm về ba tôi, ông trông rất khỏe mạnh ngày trước khi tôi đi. “Anh muốn được thành thật với em,” nhà tôi nói “Anh muốn báo cho em biết là ba em bị bệnh ung thư, mà đây là một loại bất trị.” Ngay trong giây phút ấy, tôi chợt khám phá ra là mình đã có khác biệt đó chứ!

Những tin buồn thì thường như là những nhát búa chém vào tim. Ngay khi tôi nghe tin về ba tôi, tôi biết mình đã nhận lãnh nó trong một đường lối hơi khác thường. Không phải là tôi không buồn. Tôi cảm thấy đau đớn lắm chứ. Ba tôi còn trẻ, cường tráng, và vừa là một người bạn tốt của tôi. Tin ấy như là một nhát búa giáng xuống tôi, nhưng nhát búa ấy đã rơi vào một tấm nệm êm thay vì là một vách đá. Tôi run rẩy nhưng tôi không sụp đổ. Tôi cảm thấy một cơn đau và một nỗi buồn sâu xa. Và rồi tôi bước ra ngoài, hoà nhập với những thiền sinh khác và chúng tôi uống trà.

Tôi không hề có một tham vọng là tu sửa sao cho tâm mình sẽ không còn cảm thấy đau buồn trước những mất mát nữa. Tôi muốn được cảm xúc cho thật sâu sắc, và mỗi lần tôi bị tan vỡ con tim, tôi sẽ hiện trở lại với một tâm từ ái rộng lớn hơn. Tôi nghĩ tôi sẽ dám để cho tim mình bị vỡ tan dễ dàng hơn, vì biết rằng tôi sẽ không bao giờ vỡ nát mãi mãi.

Chánh Niệm: Ba Tôi và Cuốn Phim Cuối

Chánh niệm là một sự chấp nhận có ý thức và quân bình về kinh nghiệm hiện tại của mình. Thật ra nó chỉ có đơn giản như vậy thôi. Nó là một sự cởi mở hoặc tiếp nhận giây phút hiện tại này, dễ chịu hoặc khó chịu, như-là, mà không hề bám víu hoặc ghét bỏ. Theo tôi nghĩ, có ba cách để giúp ta hiểu mục đích của sự tu tập chánh niệm.

Phương cách thứ nhất là thấy được chánh niệm sẽ đưa đến tuệ giác như thế nào. Khi ta có thể duy trì khả năng tỉnh thức và giữ quân bình trong từng mỗi giây phút của hiện tại, những chân lý của kinh nghiệm sống tự chúng sẽ biểu lộ ra như là tuệ giác. Và khi tuệ giác tăng trưởng, những tập quán nào của tâm có khuynh hướng thích bám víu vào những gì không thể nắm bắt được, sẽ dần dần suy giảm, và khổ đau cũng từ đó bớt đi.

Phương cách thứ hai là thấy được chính sự tu tập chánh niệm, tự nó sẽ giải hóa tâm ta khỏi những tập quán thúc đẩy ta chạy trốn những gì khó chịu. Ta ngồi (hoặc đứng hoặc đi hoặc nằm hay trong bất cứ một tư thế nào), giờ này sang giờ kế, thực tập duy trì một sự tĩnh lặng và tỉnh giác qua tất cả những phạm trù của các trạng thái thân và tâm, khi chúng khởi lên – và không làm bất cứ một điều gì để thay đổi những kinh nghiệm ấy, mà chỉ khám phá rằng ta có thể chịu đựng chúng được. Nhờ vậy ta thấy được, sự tu tập tự nó là một liều thuốc giải độc cho chứng bệnh phản ứng hấp tấp thông thường của tâm, khi đối diện với mỗi giây phút mới.

Phương cách thứ ba là nghĩ đến sự tu tập chánh niệm tự nó chính là sự giải thoát, thay vì là dẫn đến sự giải thoát. Mỗi giây phút sáng tỏ không bị quấy động bởi sự dằn co giữa sự khen chê, ghét bỏ và ham muốn, là một giây phút giải thoát. Cuộc sống của ta chỉ được làm bằng những giây phút mà thôi. Thời gian mà ta thật sự có, là ngay giờ phút này đây. Để dành những giây phút tự do bây giờ cho một sự an nhàn trong tương lai có thể là tốt đó, nhưng chúng không thể nào bảo đảm cho ta một sự tự do mãi mãi. Suy tính cho sự giải thoát trong tương lai có thể tạo điều kiện cho Chánh Tư Duy và Chánh Tinh Tấn, nhưng nếu nó tạo nên một sự phấn đấu hoặc một cảm giác thiếu sút hoặc bất toàn trong tâm trong giờ phút này, thì ta đâu nào có thật sự tự do đâu!

Có lẽ các bạn cũng đã nghe về câu chuyện của một vị thầy tu bị một con cọp rượt chạy đến trước một bờ vực thẳm. Luýnh quýnh ông ta nhảy đại xuống vực, tay nắm được một sợi dây nho rừng mọc bên sườn núi, treo lơ lững giữa không trung. Phía dưới ông là một vực sâu thăm thẵm, bên trên ông là một con cọp đói đang gầm gừ. Trong khi vị sư bị đu đưa lủng lẳng nửa chừng trong không khí, có một con chuột bắt đầu gậm nhắm sợi dây nho rừng mà ông đang nắm. Tình trạng của ông thấy bấp bênh vô cùng. Lúc ấy, vị sư chợt thấy cạnh bên mình có một trái nho chín đỏ mọc hoang, ông vói tay hái lấy và ăn. Hương vị của trái nho mới ngọt ngào làm sao!

Ba tôi qua đời vì chứng bệnh ung thư về viêm tủy sống, một loại bệnh ung thư có thể đối trị nhưng không chữa được. Trong suốt bảy năm bệnh hoạn, ông xoay xở đối phó với sự suy sụp của sức khoẻ và sự gia tăng của cơn đau bằng một sức chịu đựng không lay chuyển. Ông sử dụng gậy chống, rồi đến xe lăn để đối phó với sự suy thoái của thể xác, mà vẫn tiếp tục có một đời sống giao du rất bận rộn. Chúng tôi đã rất cởi mở và bàn luận rất thường về cái chết không tránh khỏi của ông trong một tương lai không xa. Ông có vẻ như đã hòa giải được với cái chết, mà không hề cảm thấy tuyệt vọng hoặc chán đời. Chúng tôi nói đùa là không biết gia đình của đứa cháu nào là thích hợp cho sự tái sinh của ông đây, nếu thật sự là ông sẽ có một sự chọn lựa.

Một hôm, khi chứng bệnh của Ba tôi đã trở nên trầm trọng, tinh thần của ông dường như cũng đã suy sụp theo rất nhiều. Với một ngày mới đang mờ mịt trước mặt, tôi nói với ông, “Hai ba con mình đi coi xi nê nha!” Ông nhìn tôi với một ánh mắt hoài nghi, “Con biết không, Ba sắp chết đến nơi rồi!” Tôi đáp, “Đúng rồi, nhưng không phải là ngày hôm nay đâu ba.” Chúng tôi đi xem phim Raiders of the Lost Ark. Hai ba con tôi thích lắm. Chúng tôi ăn tối tại Pacific Cafe, hiệu ăn mà ông ưa nhất. Ngày hôm sau, ông bắt đầu bị sưng phổi phải đưa vào bệnh viện. Vài tuần sau ba tôi qua đời.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app