The Nao La Ho Tri Chan Ly

 

Thế Nào Là Tu Tập Thân, Tu Tập Tâm Trong Giới Luật Bậc Thánh?
Thế Nào Là Hộ Trì Chân Lý?
Thế Nào Là Giác Ngộ Chân Lý?
Thế Nào Là Chứng Đạt Chân Lý?
Các Pháp Nào Được Hành Trì Nhiều Trong Sự Chứng Đạt Chân Lý?

1. – Cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý? Cho đến mức độ nào, chân lý được hộ trì?

– Này Bharadvaja,

⑴ nếu có người có lòng tin và nói: “Ðây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”;
⑵ nếu có người có lòng tùy hỷ,…
⑶ nếu có người có lòng tùy văn,…
⑷ nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do,…
⑸ nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”;

Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý.

Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý.

2. – Cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ?

– Ở đây, này Bharadvaja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp…

… Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham, không có lòng sân, không có lòng si …
… Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham, có lòng sân, có lòng si khéo giảng”.
… Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những tham, sân, si pháp,
  1. người này sanh lòng tin đối với vị ấy,
  2. với lòng tin sanh, người này đến gần,
  3. khi đến gần liền thân cận giao thiệp,
  4. do thân cận giao thiệp, nên lóng tai,
  5. lóng tai, người ấy nghe pháp,
  6. sau khi nghe, liền thọ trì pháp,
  7. rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì;
  8. trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận;
  9. khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh,
  10. khi ước muốn sanh, liền cố gắng,
  11. sau khi cố gắng liền cân nhắc,
  12. sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần.
Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.

3. – Cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt?

– Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt.

Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.

4. – Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

⑴ – Trong sự chứng đạt chân lý, này Bharadvaja, tinh cần được hành trì nhiều.
Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý.
Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý.
Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.

⑵ – Trong sự tinh cần, này Bharadvaja, sự cân nhắc được hành trì nhiều.
Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý.
Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần.
Do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.

⑶ – Trong sự cân nhắc, này Bharadvaja, cố gắng được hành trì nhiều.
Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc.
Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc.
Do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.

⑷ – Trong sự cố gắng, này Bharadvaja, ước muốn được hành trì nhiều.
Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng.
Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng.
Do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều.

⑸ – Trong ước muốn, này Bharadvaja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.
Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên.
Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên.
Do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.

⑹ – Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bharadvaja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.
Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp.
Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp.
Do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.

⑺ – Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì nhiều.
Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa.
Do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều.

⑻ – Trong sự thọ trì pháp, này Bharadvaja, nghe pháp được hành trì nhiều.
Nếu không nghe pháp thì không có thọ trì pháp.
Và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp.
Do vậy, trong sự thọ trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.

⑼ – Trong sự nghe pháp, này Bharadvaja, lóng tai được hành trì nhiều.
Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp.
Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều.

⑽ – Trong sự lóng tai, này Bharadvaja, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.
Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lóng tai.
Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.

⑾ – Trong sự thân cận giao thiệp, này Bharadvaja, đi đến gần được hành trì nhiều.
Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp.
Và vì có đi đến gần nên có thân cận giao thiệp; do vậy, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.

⑿ – Trong sự đi đến gần, này Bharadvaja, lòng tin được hành trì nhiều.
Nếu lòng tin không sanh thì không đi đến gần.
Và vì lòng tin sanh, nên có đi đến gần; do vậy, trong sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều.

1. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.
2. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý.
3. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý.Tôn giả Gotama đã trả lời. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ.
4. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều.

Trong sự chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ.

Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: “Và ai là những Sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên, và ai là những người hiểu biết Chánh Pháp”. Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tin kính Sa-môn đối với các Sa-môn.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!

Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
 
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 95. Kinh Cankì (Cankì sutta)
* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app