Đoạn trích từ bài viết “Bản chất Phổ quát của Dhamma”
Khi ta nương tựa vào Đức Phật, ta cần thận trọng để sự tôn kính này không biến thành sự sùng kính mù quáng. Sự thiếu hiểu biết như vậy có thể khiến ta tin rằng Đức Phật sẽ giúp ta được giải thoát khỏi khổ đau. Ngược lại, sau khi kinh nghiệm được quá trình thanh lọc tâm diễn ra trong chúng ta và trong những người khác thông qua việc thực hành phương pháp thiền này, nếu lòng biết ơn của ta đối với Bậc Giác ngộ Từ bi bắt đầu tuôn chảy, những biểu hiện của lòng kính trọng và biết ơn chắc chắn cũng sẽ xuất hiện.
Khi sự tôn kính khởi nguồn từ những phẩm tính thiện lành có khả năng giải thoát và thanh lọc tâm, sự tôn kính đó sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta phát triển những phẩm tính ấy. Nếu sự tôn kính có bản chất như vậy thì nó sẽ không trở thành một niềm tin mù quáng mà sẽ là một nhân tố giác ngộ. Nhân tố giác ngộ này sẽ giúp cho tâm trở nên êm dịu, và điều này là sự hỗ trợ lớn cho ta trong quá trình thanh lọc tâm bằng phương pháp thiền Vipassana.
Đối tượng của phương pháp thiền Vipassana không phải là Đức Phật mà là sự ý thức liên tục, từ giây phút này sang giây phút khác, về bản chất thay đổi của tâm và thân chúng ta. Các thiền sư Vipassana dạy chúng ta không ngừng tỉnh thức đối với bản chất thực sự của các đối tượng trong từng khoảnh khắc. Phương pháp thiền này dạy cho chúng ta cách sống và ý thức về khoảnh khắc thực tại, nhìn nhận và kinh nghiệm mọi thứ theo đúng bản chất của chúng – ai ai cũng có thể chấp nhận và thực hành một phương pháp như vậy.
Ta học cách quan sát bản thân và nghiên cứu bản chất của mình. Ta khảo sát tâm và thân của chính mình, và quan sát sự biểu hiện các điều kiện sinh khởi của tâm trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Ta quan sát sự sinh khởi của thèm muốn và ghét bỏ. Bằng việc thực hành ý thức như vậy, ta có thể giải thoát bản thân khỏi tất cả những ô nhiễm tinh thần và trở nên vững vàng trong Dhamma thực sự.
Một cá nhân với tâm thuần khiết như vậy sẽ được kính trọng và yêu mến cho dù người đó theo tôn giáo nào đi nữa. Với tâm không bị trói buộc, một con người như vậy không chỉ luôn cảm thấy hạnh phúc và an lạc trong lòng, mà còn trở thành một công cụ để giúp những người khác được hạnh phúc và bình an hơn.
Nguyện cho những phẩm tính hào phóng, rộng mở, nhân từ phổ quát của Dhamma sẽ vươn tới tất cả các chúng sinh đang khổ đau và trở thành nguồn cội cho sự an lạc, hạnh phúc và giải thoát của mọi chúng sinh.
Nguyện cho tất cả các chúng sinh được hạnh phúc!
S.N. Goenka
VNL Vol.9 Số.12 Tháng 12 năm 1999