Chương 17: GIÁO DỤC CON NGƯỜI VỀ CUỘC ĐỜI
Trong tiếng La tinh, “giáo dục” là “educere,” có nghĩa là “dẫn đến” hay “hướng đến.” Hiểu được nghĩa gốc của từ nầy, chúng ta có thể suy rộng ra ý nghĩa của hai chữ “giáo dục”. Nếu giáo dục là “dẫn dắt hay hướng con người đến một cái gì đó” thì nó sẽ dẫn và hướng chúng ta đến cái gì? Mục tiêucủa người làm giáo dục là gì? Tôi cũng xin nói thêm về ý nghĩa của giáo dục, cụm từ “hướng dẩn con người” gợi cho chúng ta một cái gì đó nhẹ nhàng phải không các bạn? Khi bạn hướng dẫn người nào đó, bạn không thể ép buộc họ. Và muốn hướng dẫn ai đó, bạn phải là tấm gương để họ kính trọng và tự nguyện noi theo.
HƯỚNG DẪN BẰNG CÁCH LÀM GƯƠNG
Không ai muốn học bất cứ điều gì, cho dù đó là những ý tưởng cao đẹp nhất, từ một ông thầy mà bản thân ông ta không sống và thể hiện thật sự những gì ông ta thuyết giảng. Dưới con mắt của học trò, ông ta chỉ là một người đạo đức giả. Chúng ta chán ghét và phẫn nộ khi có ai đó bảo chúng ta phải sống tốt trong khi bản thân họ lại xấu xa đê tiện. Vì thế, nếu người làm giáo dục mà không xứng đáng với vai trò của họ, thì thay gì hướng dẫn, họ phải ép buộc và cưỡng bức người khác. Kết quả là chúng ta sẽ có một nền giáo dụcáp đặt, mua chuộc, và chỉ biết kích thíchbản năng ganh đua và tranh chấp giữa con người.
Phần lớn ai cũng có xu hướng muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người khác. Khi khuynh hướng nầy được khuyến khích trong giáo dục, nó sẽ kích thích mạnh mẽ sự ganh tỵ, mặc cảm tự ty, hay thái độ tự mãn và tự tôn giữa con người với nhau. Đây là những tình cảm sẽ đưa con ngườiđến khổ đau và tuyệt vọng. Trong hệ thốnggiáo dục dựa trên sự tranh đua, điều quan trọng là phải thắng lợi và thành đạt, và trong cuộc đua nầy, chỉ có một người được thắng cuộc. Nhưng hệ thống giáo dục dựa trên sự đoàn kết và hợp tác sẽ giúp mọi người phát triển tiềm năng để trở thành hữu ích cho bản thân họ và xã hội. Vì thế, trong nền giáo dục lấy sự đoàn kết và hợp tác làm căn bản, việc giáo dục hay “hướng dẫn con người” cũng có nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến từng con người cá nhân trong đó.
Trong đời đi học, tôi đã gặp nhiều vị thầy không thật sự làm đúng bổn phận của “người hướng dẩn.” Vì ai cũng phải đi làm để sống nên nhiều người đã chọn nghề dạy học để sống. Khi hồi tưởng lại những ngày đi học, tôi nhớ là có rất ít vị thầy đã thật sự cống hiến đời mình cho học trò và hiếm khi họ là những người thật sự đáng kính trọng. Nhưng thông thường, nhà trường cũng không đòi hỏi các thầy giáo phải trở thành những người hướng dẫn xứng đáng. Trường học chỉ trả lương để các thầy dạy học trong một thời gian rồi sau đó về nhà nghỉ Trong môi trường đó, người thầy sẽ xem dạy học là để kiếm tiền như bao nhiêu việc làm khác, thay vì là cái nghề mà qua đó, họ có thể hiến dâng và phục vụ cho xã hội.
Các thầy giáo và trường học nên thấy rằng giáo dục là một cái gì đó cao hơn là việc đào tạonghiệp vụ. Tuy các thầy cô không phải là nam hay nữ tu sĩ, nhưng nhiệm vụ của họ cũng gần giống như thế, đó là hiến dâng và bố thí. Họ phải có tâm nguyện cao cả để trở thành người hướng dẫn xứng đáng; họ phải được người khác kính trọng và tin tưởng. Đây là thể hiện quan trọng nói lên bản chất của xã hội, phải không các bạn? Xã hội cần có những người công dân gương mẩu, không những gồm các tu sĩ mà cả thầy giáo, các vị có nghiệp vụ chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, và công chức nhà nước — thậm chí cả vị Thủ Tướng hay Tổng thống và tất cả những công dân bình thường ở lứa tuổi trưởng thành.
GIÁO DỤC LÀ CÁI GÌ CAO HƠN VIỆC ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ
Lý tưởng mà nói, giáo dục phải chuẩn bị cho con người đi vào cuộc đời. Nhưng thông thường người ta chỉ nhìn giáo dục như một quá trình dạy cho học sinh biết đọc và biết viết. Mục đích của giáo dục thường chỉ là dạy học sinh học hành, thi cử đỗ đạt, kiếm được việc làm, và làm ra tiền rất sớm. Ngoài ra, nó không chuẩn bị con người khả năng đối diện với tuổi già hay thất nghiệp. Trong chừng mực nào đó, giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của nhiều người vì nó không chuẩn bị cho họ gì hết ngoại trừ tìm được việc làm.
Nhưng có được việc làm chỉ là một phần của cuộc sống. Chúng ta chỉ làm việc một số giờ nào đó trong ngày, và một số năm tháng nào đó trong đời. Và hiện nay, xã hội đang phát triển theo hướng là sẽ giảm số giờ và số năm làm việc của con người; hiện nay, người ta có khả năng về hưu sớm. Nhưng cũng chính khả năng nầy lại làm cho nhiều người lo sợ. Họ than vãn, “Tôi sẽ phải làm gì với thời giờ còn lại nếu phải về hưu lúc năm mươi lăm tuổi?” Các tu sĩ Phật giáo không thể nghỉ hưu lúc năm mươi lăm tuổi. Lúc năm mươi lăm tuổi, tôi xin phép về hưu nhưng Giáo hội đã từ chối. Tuy nhiên, đối với những người không phải là tu sỉ, khả năng không phải làm việc suốt đời là có. Đây là khả năng có thật.
Tuy nhiên, chúng ta luôn xem thất nghiệp là con bệnh của xã hội. Chúng ta thường nói, “Nạn thất nghiệp thật là kinh khủng”, chứ không bao giờ nói, “Thất nghiệp là điều tốt và đáng mừng vì công nhân sẽ không phải làm việc trong những hãng xưởng hay văn phòng buồn bã và tẻ nhạt nữa, không phải lập đi lập lại những công việc nhàm chán, thiếu hứng thú và chỉ mang lại bực bội và phiền não.” Chúng ta không cho thất nghiệp là điều đáng hoan hỷ; chúng ta cho đó là cái gì rất kinh khủng. Khi có thất nghiệp, chúng ta tự trách là đã không làm tròn trách nhiệm đối với giới trẻ vì đã không tạo cho họ những việc làm mà thực chất là nhàm chán, lập đi lập lại, và không hứng thú chút nào, và qua đó đã không giúp họ kiếm ra tiền. Nền giáo dục hiện đại làm cho chúng ta tin rằng nếu không làm ra tiền, thì về thực chất, chúng ta không làm gì cả. Trong mức độ nào đó, nhân phẩm chúng ta sẽ bị hạ thấp hoặc chúng ta sẽ mất hẳn giá trị làm người.
Nền giáo dục hiện đại không giúp chúng ta tìm hiểu những giới hạn của đời sống con người. Nó không nêu những vấn đề như, “Đời sống là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của con người sống trên trái đất nầy là gì?” Những câu hỏi đại loại như trên đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩvà quán tưởng; Chúng ta phải mở rộng tâm thức để tiếp nhận và ý thức về những tình cảm, tư duy, kinh nghiệm, và cảm giác của chúng ta — nói khác đi, để tiếp cận với những giới hạn của kiếp sống con người. Nếu không biết giới hạn của mình, chúng ta sẽ không tự lượng được sức và dễ đi đến chỗ quá đà. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ bị mặc cảm tự ti và co rút lại trong đời. Cả hai thái cực nầy đều dẫn con người đến những khó khăn tâm lý và tình cảm về sau nầy.
Trong con người thường có nhiều loại xung lực tâm lý, có loại tốt đáng được trân trọng; có loại xấu cần loại bỏ. Những xung lực tâm lý nầy nối kết với nhau thành một chuỗi liên tục từ cái cao thượng nhất đến cái hạ tiện nhất. Vì thế, trong khi hành thiền và thực hành giáo Pháp, chúng ta sẽ tiếp cận và làm quen với những xung lực tâm lý đáng được trân trọng bên trong chúng ta. Thấy được những xung lực tâm lý nầy trong nội tâm và tìm cách thể hiện chúng ra trong cuộc sống là điều rất quan trọng. Suy nghĩ và quán tưởng về những vấn đề như “Làm người trong xã hội nầy, tôi phải sống như thế nào? Như một người cha, mẹ, vợ, chồng, thầy giáo, luật sư, nhà kinh doanh, người buôn bán, thợ thủ công, hay bất cứ nghề nào đi nữa, tôi nên sống như thế nào? Làm sao tôi có thể hướng những khả năng và đức tính của mình đến những mục tiêu mà tôi hằng kính trọng?” là rất quan trọng. Khi nêu lên và tìm giải đáp cho những câu hỏi này, đó chính là lúc mà chúng ta đang “giáo dục” hay “hướng dẫn” chúng ta về cuộc đời và hướng cuộc đời chúng tađến những mục tiêu cao cả; lúc đó nhận thức của chúng ta sẽ thống nhất và hòa làm một với Sự Thật và Sự Thánh Thiện.
Ngược lại, chúng ta có thể đưa một cá nhân hay cả một dân tộc vào con đường sai lầm. Tâm chúng ta có thể đầy ấp với những mê tín dị đoan hay với những niềm tin và nhận thức hoàn toànsai lạc về cuộc đời.
Khác với những xã hội sơ khai, xã hội hiện đại dễ đi vào con đường sai lầm. Trong thế giới hiện đại, môi trường sống của con người ít nhiều rất giả tạo và có nguy cơ là sẽ cắt đứt chúng ta khỏi quá trình phát triển tự nhiên của cuộc sống; để cuối cùng chúng ta sẽ rơi vào những tháp ngà đầy ô nhiễm và ảo tưởng. Chúng ta có thể xem thường những bộ lạc sơ khai, cho thế giới của họ là đầy dị đoan và mê tín, nhưng chúng ta nên nhớ rằng họ vẫn sống gần gủi với thiên nhiên. Thế giới quan của họ có thể khác với chúng ta, nhưng họ rất ý thức, tỉnh giác và thường xuyên sống nhu thuận và hòa hợp với môi trường tự nhiên chung quanh.
Khi nền văn minh hiện đại phát triển và con người bị tác động bởi những hệ tư tưởng khác nhau, chúng ta có khuynh hướng bị lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi xem truyền hình, tâm chúng ta chỉ tiếp thu những loại tin tức rác rưởi và vô ích. Chúng ta sống một thếgiới hoàn toàn giả tạo và quên hẳn đi những dòng vận động tự nhiên của trái đất nầy. Thậm chí, chúng ta mất hẳn liên hệ với thân thể vật chất của chính mình. Nếu không nhờ gia đình, truyền thống tôn giáo, hay nhà trường nhắc nhở, chúng ta sẽ mất hẵn ý niệm về sự thiêng liêng của cuộc sống; chúng ta sẽ bị chìm đắm trong những thú vui thô thiển của ngũ dục, những trò tiêu khiểngiải trí, hay những cuộc phiêu lưu tình cảm. Và dĩ nhiên, sau khi đắm mình trong những dục lạctrên, chúng ta sẽ càng điên loạn và sụp đổ tinh thần. Tất cả những vấn đề của xã hội hiện đại đều bắt nguồn từ những ô nhiễm và ảo tưởng trong tâm chúng ta và từ việc chúng ta đã mù quángchấp nhận những cái giả tạo mà xã hội nầy cung cấp.
Trở lại chuyện về Đức Phật, Ngài luôn khuyên các tu sĩ vừa thọ giới tỳ kheo nên vào rừng để sống. Ngài khuyên như thế với mục đích gì? Hãy tưởng tượng khi ngắm cảnh núi rừng, tâm bạn sẽ như thế nào? Kinh nghiệm của riêng tôi cho thấy là khi nhìn và tiếp cận với thiên nhiên chưa bị tàn phá, chưa bị hoen ố bởi dục vọng và lo sợ của con người, tôi thường cảm thấy bình an và thanh tịnh. Cùng thế ấy, nếu sống lâu trong rừng, bạn sẽ cảm thấy an tịnh. Cây cỏ và đời sống ở rừng không làm ô nhiễm tâm chúng ta. Chúng chỉ là chúng; chúng không giả vờ và ngụy tạo. Trong khi đó, rất nhiều điều mà con người tạo tác, xây dựng, hay tái tạo lại giả tạo và khó có thể mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn chúng ta.
GIÁO DỤC VỀ TÍNH CHẤT CHUNG NHẤT CỦA CON NGƯỜI
Tuy nhiên, xã hội hiện đại cũng có thuận lợi của nó. Nhờ vào khoa học kỹ thuật mà chúng ta có được cái nhìn toàn cầu. Luân Đôn không xa Băng Cốc, Hoa Thịnh Đốn, hay bất cứ nơi nào khác trên trái đất nầy. Đã có thời nước Anh chỉ dành cho người Anh; phần đông dân chúng Anh theo đạo Ky Tô, và thuộc Giáo Hội Anh Quốc. Lúc đó người Anh rất dễ đoàn kết, vì họ có chung một văn hóa, tôn giáo, và giá trị đạo đức. Nhưng hiện nay, nước Anh đã mất đi sự thống nhất và ổn định đó. Không ai biết được những mong ước, cảm nhận và sở nguyện của phần đông dân chúng Anh hiện nay. Sự thống nhất và đoàn kết về tôn giáo không còn nữa. Nước Anh trở thành đa tôn giáo, đa màu da, đa nguyên và đa dạng trong mọi lãnh vực. Và trong chừng mực nào đó, đây cũng là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới.
Xu hướng đa nguyên này có những thuận lợi và bất thuận lợi. Một trong những bất thuận lợi là sự rối loạn và mất phương hướng của xã hội. Xã hội Anh có những lý tưởng của nó; Người Anh cũng muốn làm những điều đúng đắn và hợp lý. Chắc chắn nó không phải là một xã hội hạ tiện, ích kỷ, chỉ biết bo bo bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng hiện nay nước Anh đang mất hướng vì cơ sở chung của toàn xã hội đang sụp đổ. Các giai cấp và tôn giáo không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Không ai đồng ý với ai về bất cứ vấn đề gì.
Trên thế gian nầy, không có yếu tố chung nào hết giữa con người với nhau ngoại trừ cái “chất người” trong mỗi con người chúng ta. Là con người, chúng ta đều có chung một loại đau khổ. Đó là tất cả chúng ta đều sẽ già, bệnh, rồi chết. Tất cả chúng ta đều sầu bi và khổ não, cho dù chúng ta nói những thứ tiếng khác nhau, có hình dáng khác nhau, cách thức ăn uống khác nhau, và những phản ứng khác nhau với cuộc đời. Vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ về cái “chất người” chung nầy, nói khác đi, cần ý thức rõ về kinh nghiệm khổ đau chung nầy của con người. Và đây là điều mà những ai làm công tác giáo dục phải lưu ý và nhấn mạnh. Chúng ta cần ghi nhớ điều nầy trong tâm và nhắc nhở người khác nhớ về điều này. Chúng ta cần nhận thức về kinh nghiệm khổ đau chung nầy của con người, cho dù kinh nghiệm khổ đau đang xảy ra ở Ethiopia hay tại cung điện hoàng gia Anh Buckingham, ở Tòa Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ hay tại Baghdad bên Trung Đông, tất cả kinh nghiệm khổ đau đều giống nhau. Con người, cho dù nam hay nữ, của tất cả các chủng tộc hay quốc gia đều có cùng một kinh nghiệm, đó là được sanh ra, đau đớn, bệnh tật, già nua, rồi chết. Là con người, chúng ta bị kiềm chế và giam hãm liên tục trong một trạng tháibất toại nguyện, và cũng chính vì thế mà chúng ta đã dành phần lớn cuộc đời mình để phấn đấu đi tìm sự thoải mái và toại nguyện. Chúng ta phấn đấu một cách tuyệt vọng để được hạnh phúc và thoải mái — và cuộc đấu tranh giành hạnh phúc và thoải mái nầy đã biến thành mục đích của toàn bộ cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả những lúc chúng ta đã có được an toàn và hạnh phúc, lo âu và sợ hãi vẫn không rời chúng ta. Vì thế, khổ đau là kinh nghiệm chung của tất cả con người.
Và tâm từ và tâm bi cũng thế. Khái niệm tâm từ hay metta trong đạo Phật có nghĩa là khả năng kham nhẫn và chịu đựng những bất toàn của cuộc đời, xã hội, và của chính chúng ta. Thái độ từ bi nầy là giá trị chung và phổ biến cho tất cả mọi người. Bạn có thể từ bi với người Công giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, với bất cứ hội đoàn chính trị nào, và với tất cả giai cấp trong xã hội.
Tất cả mỗi người trong chúng ta đều có tâm từ nầy. Vấn đề là chúng ta thường không nhận ra nó, bỏ quên nó trong lúc chạy theo những ham muốn và thôi thúc điên đảo của chúng ta. Chúng ta bị cuốn hút trong cuộc sống đến nỗi chúng ta quên đi những đức tính có công năng đem lại sự quân bình trong tâm như nhẫn nhục, tha thứ, tử tế, và dịu dàng. Nhưng khi mở rộng và giải phóng tâm khỏi những ô nhiễm và ảo tưởng về cuộc sống, chúng ta sẽ tiếp cận với tâm từ. Tâm từ là tâm chung và phổ biến có mặt trong tất cả mọi người cho dù đó là người có học hay dốt nát, là nam hay nữ. Tâm từ không phải là đặc quyền của bất cứ giai cấp thống trị hay nhóm tôn giáo nào. Một tâm thức mở rộng bao la và phủ trùm tất cả là mảnh đất chung cho tất cả mọi người; chính từ mảnh đất đầy từ bi nầy, chứ không phải từ những lập trường cực đoan, mà chúng ta có thể nhận diện cuộc đời một cách trong sáng và rõ ràng.
Nền giáo dục đúng đắn là nền giáo dục hướng dẫn trẻ con, người lớn, nam hay nữ tu sĩ, người Ky tô giáo, người Ấn độ giáo, người Hồi giáo — và cùng bao nhiêu người khác nữa — tiến về cái chung và phổ biến của con người, thay vì hướng về sự chia rẽ và phân liệt.
___________________
* Câu hỏi: Tại sao Sư muốn thuyết giảng đạo Phật cho người khác?
Trả lời: Tôi thuyết giảng đạo Phật vì người ta muốn biết về đạo Phật. Như bạn biết, là một tu sĩPhật giáo, chỉ khi nào có yêu cầu, tôi mới được giảng về đạo Phật. Đây là một trong những giới luật của người tu. Tôi không thể tự mình đứng lên và kêu gọi, “Bạn nên theo đạo Phật.” Nhưng nếu bạn đến và yêu cầu, “Xin sư giảng Đạo Phật cho tôi nghe” hay hỏi tôi, “Sư là ai? Sư theo đạo nào?”, lúc đó tôi mới được phép giảng về đạo Phật.
Tôi đến nước Anh vì có lời mời; các Phật tử Anh đã mời tôi đến đây. Nếu không có lời mời của họ, tôi đã không bao giờ đến đây. Vì thế một tu sĩ Phật giáo, cho dù nam hay nữ, đều không phải là những nhà truyền giáo; chúng tôi không muốn thay đổi đức tin của ai cả. Nhưng chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng giảng cho những ai đến và hỏi hay muốn tìm hiểu về đạo Phật.
Truyền thống trong đạo Phật đòi hỏi một nam hay nữ tu sĩ phải sống làm sao để cuộc đời của họ có thể khơi dậy và làm tăng trưởng đức tin nơi người cư sĩ và thúc đẩy họ hướng về đạo. Điều nầy có nghĩa là chúng tôi phải giữ tròn giới hạnh để các bậc thiện trí kính trọng. Khi có ai đó phát tâm muốn tìm hiểu và đến hỏi chúng tôi, “Đức tin của Sư là gì?” hay “Tại sao Sư cạo đầu?” thì chúng tôi sẽ giải thích cho họ. Vì thế, giảng Pháp luôn là một quá trình giải đáp những câu hỏi, chứ không phải là một cố gắng để truyền đạo hay thuyết phục ai đó về một điều gì.
Vì đạo Phật chỉ mới thâm nhập phương Tây gần đây, nên người ta thường hỏi chúng tôi, “Tu sĩ Phật giáo các ông đã giúp ích được gì cho xã hội?” Người ta có thể cho chúng tôi chỉ là những người ăn bám vào xã hội, hay chỉ là những kẻ ăn không ngồi rồi. Họ chất vấn, “Thế thì các vị đã đóng góp được gì cho nền hòa bình của thế giới?” Người ta thường đặt những câu hỏi nầy cho chúng tôi vì đầu óc của người phương Tây thường cho là chỉ có những hoạt động thiết thực và cụ thể mới là tốt. Nhưng trong truyền thống đạo Phật, chúng tôi tu tập không phải để khẳng định mình là ai trong xã hội. Phẩm chất đạo đức thể hiện trong cuộc sống của chúng tôi là để tạo điều kiện hay trợ duyên cho người khác nhìn lại chính họ. Sự có mặt của chúng tôi là để cho người khác đặt câu hỏi và quán tưởng về cuộc đời.
___________________