Chương 6: TÂM VÀ VŨ TRỤ
Vì con người là chúng sinh biết suy nghĩ, Đức Phật luôn khuyên chúng ta nên tu tập để có được suy nghĩ đúng đắn. Khi sầu muộn và lo sợ, chúng ta dễ hiểu sai lạc về chính mình và thế giới chung quanh. Tuy nhiên, khi có suy nghĩđúng đắn, những sợ hãi, lo âu, và khó khăn sẽ tự tan biến đi. Trong đạo Phật, những suy nghĩ dựa trên quan điểmđúng đắn hay Chánh Kiến là điều rất quan trọng.
NGHĨ VỀ CHÚNG TA NHƯ NHỮNG CÁ NHÂN RIÊNG LẺ
Dựa trên kinh nghiệm tu tập cá nhân, tôi nhận thấy những tư tưởng sai lầm của con người thường xuất phát từ quan điểmcho rằng chúng ta là một cái ngã bị tách biệt không ngừng và mãi mãi khỏi những gì còn lại trên cuộc đời. Đó là quan điểm cho chúng ta là con người nầy, đang sống tại đây, được sinh ra và bị giới hạn bởi những điều kiện của thế gian, hay nói khác đi, chúng ta là một nạn nhân bơ vơ không nơi nương tựa do nhân duyên và hoàn cảnh tạo nên. Trong đời đã bao lần bạn từng nghĩ hay nghe người khác than thở, “Tôi đã làm gì mà phải chịu đau khổ như thế này? Tại sao phải là tôi? Tại sao những điều này xảy đến với tôi?” Và đã bao lần bạn chứng kiến cảnh con người cứ băn khoăn tự hỏi tại sao họ quá cô đơn, xa lạ, lạc lõng, hay tuyệt vọng? Đây là những kinh nghiệm rất chung và thường xảy đến với con người, phải không các bạn? Chúng ta thường sống với cảm giác bị cô lập, tách biệt, cô đơn, và lạc loài trong vũ trụ bao latrong đó không ai lo cho ai, không tình người, không thương yêu, và không công bằng. Khi chúng ta xem cuộc sống của mình như một cá nhân riêng lẻ, bị tách biệt hoàn toàn và mãi mãi khỏi thế gian còn lại, dĩ nhiên chúng ta sẽ cảm thấy xa lạ, sợ hãi, và lo lắng. Những tình cảm nầy sẽ là cơ sở cho suy nghĩ của chúng ta. Và thái độ xuất phát từ nỗi sợ hãi và lo âu nầy sẽ tác động lên cách nhìn của chúng ta về cuộc đời.
Nhìn từ một góc độ nào đó, sự lo âu của chúng ta là chính đáng. Chúng ta là những chúng sinhmỏng manh và nhạy cảm, yếu đuối và có nhiều nhược điểm; và như tất cả chúng ta đều biết, sắc thân nầy sẽ phải chịu rất nhiều đớn đau và khó chịu. Tất cả chúng ta đều lo sợ là một ngày nào đó chúng ta sẽ mắc bịnh hiểm nghèo, hay bị tàn tật và đầy thương tích. Những gì chúng ta dính mắc, tùy thuộc, và yêu thích có thể dễ dàng trở thành cái mà chúng ta chán ghét. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể bị chia cách khỏi những người thân thương và quen thuộc. Vì thế, trong một mức độ nào đó, chỉ vì được sinh ra làm người với khả năng suy nghĩ, bản thân sự suy nghĩ cũng mang lại cho chúng ta nhiều lo âu và phiền não.
Chúng ta có thể xem thân thể nầy là của riêng như thể toàn bộ cuộc đời chúng ta là được gói ghém trong tấm thân nầy. Chúng ta có thể nghĩ, “Tôi là con người nầy với một cá tính đã bị điều kiện và huân tập bởi cuộc sống, gia đình, nền giáo dục mà tôi thọ hưởng, và giai cấp mà tôi trót được sinh vào.” Chúng ta có thể bám víu và đồng hóa con người mình với những giá trị tiếp thu từ cuộc sống, để từ đó chúng ta sẽ được đánh giá là một người đàng hoàng tử tế hay chỉ là một tên vô lại, một người tài giỏi hay một kẻ hèn kém. Vì mang trong đầu tư tưởng chúng ta là “một cái gì đó”, nên suốt đời chúng ta bị kẹt và dính chặt vào tư tưởng nầy. Từ đó, suốt đời chúng ta sẽ hiểu sai về chính mình — và điều nầy chắc chắn sẽ làm chúng ta đau khổ.
Chúng ta có khuynh hướng ứng xử với cuộc đời như một cá nhân riêng lẻ và rất dễ bị phiền muộnbởi những gì người khác nói về mình. Nếu bạn nói, “Tôi không thích khuôn mặt của anh tí nào,” tôi sẽ cảm thấy buồn và bị tổn thương. Chúng ta có thể suốt đời bực tức và ganh tỵ với những người hình như có nhiều ân huệ hay của cải hơn chúng ta. Tỵ hiềm và ganh ghét là những vấn đềchung của con người trên thế gian nầy. Nếu chúng ta không nghĩ về bản thân và không tự xem mình là một cá thể biệt lập thì sẽ không còn ganh tỵ và bực tức nữa, phải không các bạn? Ganh tỵchỉ xuất hiện khi chúng ta chỉ quan tâm hay nghĩ về chính mình. Chúng ta nghĩ, “Hắn đã làm gì để xứng đáng với những đặc ân đó? Tại sao tôi lại không được như thế?”
Đây là những trạng thái tâm luôn biến đổi, sinh rồi diệt. Trong Đạo Phật, chúng tôi phân biệt giữa tâm và những trạng thái tâm. Trạng thái tâm chỉ là những điều kiện tâm lý sinh rồi diệt. Thí dụ như những cảm giác, tình cảm, nhận thức, khái niệm, và những thức như nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thứcv.v. đến từ năm giác quan của chúng ta. Vũ trụ bao gồm tất cả những gì chúng ta có thể nhận thức và ý thức được vì thế tự nó vũ trụ là một trạng thái của tâm thức.
KHÁCH THỂ VÀ CHỦ THỂ
Dĩ nhiên chúng ta có thể xem xét vũ trụ một cách khách quan và khoa học. Vào một đêm trời đầy sao, chúng ta có thể ngắm nhìn vũ trụ như là một cái gì tồn tại bên ngoài và tách biệt hẳn với chúng ta. Chúng ta cũng có thể nhìn vũ trụ như một hệ thống hành tinh mà trong đó chúng ta là một bộ phận; nhưng riêng tôi, tôi chưa bao giờ nhìn vũ trụ như thế. Trước khi xuất gia, tôi nhìn vũ trụ như cái gì đó tách biệt và nằm ngoài tôi, và sự chia cách đó luôn làm tôi đau xót vì tôi cảm thấynhư bị cắt đứt và mất liên lạc với một cái gì đó. Nếu chỉ thấy quan hệ của chúng ta với vũ trụ là như thế, thì cuộc sống của chúng ta quả thật là đáng thương, và chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được nó. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra được cái bí mật, bao la và vi diệu của vũ trụ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chỉ biết cố gắng duy trì tấm thân vật lý nầy. Chúng ta có thể phí cả đời lo tìm một nơi an toàn để sống hầu không ai làm hại mình.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét sự chia cách giữa chúng ta như một chủ thể và vũ trụ như một khách thể. Chúng ta là những chúng sanh có ý thức; Có ý thức nghĩa là có khả năng làm chủ thể để hiểu khách thể. Nhưng nếu ý thức của chủ thể bị tác động bởi những quan điểm, thành kiến, và cái nhìn xuyên tạc thì chúng ta sẽ hiểu sai khách thể. Điều này xảy ra khi chúng ta chấp vào một tư tưởng rồi dùng nó để áp dụng chung cho tất cả trường hợp — nghĩa là chúng ta sử dụngnhững quan điểm cứng nhắc, thành kiến và xuyên tạc. Vì thế, nếu chúng ta cho một người nào đó là xấu thì chúng ta sẽ tiếp tục giữ quan điểm ông ta là xấu. Và bất cứ khi nào người đó, tên đó, hay hình ảnh đó hiện lên trong ý thức, chúng ta liền nghĩ đến tất cả những gì xấu xa về ông ta. Do đó, khi chấp vào những quan điểm và ý kiến về chúng ta và người khác, chúng ta tự biến mình thành kẻ thiếu tế nhị. Chúng ta mất nhạy cảm với thực tế và từ đó thiếu tỉnh thức; chúng ta sẽ chỉ biết phản ứng lại với thực tế mà thôi.
Chúng ta có thể sống cả đời để chỉ biết phản ứng — phản ứng với thành kiến về chủng tộc và màu da chẳng hạn. Nhiều người thường không thể thấy rằng chủng tộc hay màu da chỉ là những nhận định chủ quan của tâm thức, vì thế họ cho là có một chủng tộc nào đó ưu việt hơn các chủng tộc khác, và áp dụng cùng cái nhìn thành kiến nầy vào những vấn đề giai cấp, giới tính, quốc gia và tôn giáo. Vì không thật sự xem xét bản chất của tư tưởng và những giới hạn của nó, chúng ta sẽ bị kẹt trong những suy nghĩ của mình.
Tuy nhiên, thay vì chỉ biết phản ứng với những quan điểm và ý kiến bồng bột và sai lầm, chúng tacó thể quán sát tư tưởng, vì tư tưởng thay đổi. Nó sinh rồi diệt. Quá trình suy nghĩ tự nó luôn luôn thay đổi. Nó diễn tiến rất nhanh, hết chập tư tưởng nầy đến chập tư tưởng khác. Chúng ta quen suy nghĩ theo cách liên tưởng: khi một tư tưởng vừa chấm dứt, tư tưởng khác lại xuất hiện, tạo thành một dòng suy nghĩ không bao giờ dứt. Chúng ta dính mắc vào dòng tư tưởng này và dùng nó để đánh giá hay đồng hóa chúng ta với nó. Nhưng thay vì làm như thế, chúng ta có thể tập quán sát tư tưởng như một cái gì đó vô thường, luôn biến đổi, như cái gì đó đến rồi đi trong tâm, cho dù nó hợp lý hay không hợp lý, thông minh hay ngu ngốc, đúng hay sai. Chúng ta có thể quán sát nó như là tư tưởng, như là cái đến rồi đi, thay vì suy nghĩ hay tìm cách phân tích nguồn gốc và động cơ của tư tưởng đó. Phân tích như thế sẽ chỉ cũng cố cảm tưởng về sự có mặt của một cái ngã cô đơn và biệt lập trong con người chúng ta.
KHI NHÂN CÁCH TRỞ THÀNH CHỦ THỂ
Khi nói đến nhân cách, tôi muốn nói về cái tổng thể gồm những quan điểm, ý kiến, trí nhớ và tất cả những gì được sinh khởi và hun đúc từ cuộc sống vào trong tâm của con người. Nhân cách là một điều kiện được nhiều điều kiện khác nhau hợp lại và tạo thành. Nó không phải là một sự thậttuyệt đối, một cái gì có thật; nó không phải là một chủ thể thật sự. Ngược lại, nó là một đối tượng để chúng ta xem xét và tìm hiểu.
Nếu chúng ta để cho nhân cách, cùng với những quan điểm và ý kiến của nó, trở thành chủ thể, chúng ta sẽ kinh nghiệm cuộc đời qua nhân cách đó. Vì nhân cách biểu hiện dưới nhiều hình thứcnên chúng ta có thể cảm thấy hưng phấn hoặc chán nản — thành công hay thất bại. Chúng tasống trong nền văn hóa luôn nhấn mạnh rằng nhân cách chính là tự ngã. Vì thế, để có một nhân cách, để là một con người, để có quyền làm người, để là một người đàn ông hay đàn bà, để là thành viên của một nhóm người, một giai cấp, một gia đình, một quốc gia, hay một hội đoàn nào đó là những vấn đề hết sức riêng tư đối với chúng ta. Ngay cả những gì không thuộc về nhân cách — như những chức năng tự nhiên của thân thể chẳng hạn, chúng ta cũng biến nó thành của riêng. Chúng ta chỉ thích những gì đẹp đẽ và dễ chịu và chối bỏ những gì xấu xa và khó chịu của cơ thể. Nhiều người xem quá trình già nua, bịnh tật, và đau đớn của cơ thể là cái gì hết sức riêng tư. Ngay cả những nhu cầu tự nhiên và thuộc về bản năng của cơ thể như đói hay khát khao tình dục cũng được xem là của riêng. Chúng ta đánh giá những nhu cầu tự nhiên nầy theo tiêu chuẩncá nhân như tốt hay xấu, được phép làm hay không nên làm, vi tế hay thô thiển.
Trên đây là những quan điểm của nhân cách. Khi thấy dễ chịu, chúng ta sẽ hân hoan; khi thấy khó chịu, chúng ta sẽ buồn phiền. Bất cứ sự thành công nào xảy đến cũng là của riêng ta và bất cứ sựthất bại nào cũng là của riêng mình. Bất cứ lời khen hay tiếng chê nào cũng là của riêng ta; vì thế nên ai khen thì chúng ta vui, ai chê thì chúng ta khổ. Nhưng khi tâm chánh niệm bắt đầu làm việc thì những quan điểm của nhân cách về hạnh phúc và khổ đau, lời khen và tiếng chê sẽ ngừng hoạt động và nhường chỗ cho một chủ thể khác. Đó là tâm tỉnh thức hay tâm giác ngộ.
KHI TÂM TỈNH THỨC TRỞ THÀNH CHỦ THỂ
Khi hành thiền nhiều hơn, chúng ta sẽ biến tâm tỉnh thức thanh tịnh thành chủ thể của ý thức. Với tâm tỉnh thức và thanh tịnh nầy, chúng ta sẽ quán sát những điều kiện hay nhân duyên như là những nhân duyên, thế thôi, thay vì phán đoán và phản ứng lại với cái nhìn cá nhân riêng lẻ. Vì thế, Đức Phật nhấn mạnh việc tu tập tâm chính niệm, trong đó chúng ta tập buông bỏ và tỉnh thứcvới sự diễn tiến của tất cả sự vật chung quanh mình, mà không phán đoán; Khi chánh niệm, chúng ta không phán đóan hay đánh giá mà chỉ thuần quán sát. Thậm chí, chúng ta có thể quán sát những phản ứng của chính chúng ta.
Chánh niệm đi đôi với trí tuệ. Trí tuệ là khả năng thấy và biết được quy luật phát triển và vận hànhcủa các pháp. Để làm được việc nầy, chúng ta có thể dựa vào những lời dạy của Đức Phật như phương tiện thiện xảo giúp chúng ta nhìn và quan sát. Và khi có chánh niệm và trí tuệ, chủ thể không còn là cái gì riêng tư nữa. Chủ thể không còn là của tôi hay của chúng ta, nó không có tên gọi, nó không còn là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những điều kiện và dính mắc thuộc nhân cách sẽ chấm dứt. Bạn sẽ thấy nhân cách không còn vận hành nữa mà chỉ có tâm tỉnh thức. Tâm tỉnh thức vẫn tiếp tục làm việc và công năng quan sát với trí tuệ trên sự vận hành của các pháp thế gian vẫn tiếp tục. Dưới con mắt của tâm tỉnh thức, sự đau đớn hay khoái lạc chỉ là những pháp hay những sự vật diễn biến như nó đang diễn biến. Khi có trí tuệ soi sáng, chúng ta không còn lựa chọn cái nầy hay cái kia nữa — đau khổ hay khoái lạc đều có giá trị như nhau. Chúng ta chỉ quánsát chúng như chúng đang hiện hữu mà thôi.
Thế giới của giác quan luôn vận hành theo nguyên tắc nhị nguyên. Chúng ta là những chủ thể quan sát sự vật như là những khách thể. Với đôi mắt, chúng ta sẽ thấy tất cả những gì trước mắt; chúng ta sẽ nhận thức về những sự vật đó, cho dù nó là đẹp nhất hoặc xấu xa nhất. Những giác quan còn lại cũng vận hành như thế. Tâm tỉnh thức không đóng kín và loại trừ những cảm nhận nầy, nó cũng không chỉ phản ứng theo thói quen và điều kiện. Nó biết cách ứng xử và tìm những giải pháp thích hợp cho những kinh nghiệm cụ thể. Chúng ta chỉ có thể ứng xử một cách hồn nhiên và thích hợp khi tâm không phản ứng, bởi vì phản ứng là hành động bị thôi thúc bởi những xung lực tâm lý mù quáng. Phản ứng đi liền theo sau những xung lực tâm lý mù quáng, nhưng sự hồn nhiên và hợp lẽ đạo đến từ tâm tỉnh thức thanh tịnh, từ tâm chánh niệm và trí tuệ. Cách ứng xử hồn nhiên và thích hợp không có quan hệ gì đến nhân cách, loại người, hay cá tính nào cả. Bất cứ ai có tâm chánh niệm và tỉnh thức đều có khả năng ứng xử thích hợp với tất cả những gì đang xảy ra chung quanh.
VŨ TRỤ CỦA TÂM
Chúng ta hãy so sánh sự khác biệt giữa nhận thức về vũ trụ và nhận thức về sắc thân con người. Khi nghĩ về bạn như một nhân cách riêng lẻ, bạn sẽ sợ hãi, vì dưới cái nhìn của chúng ta, vũ trụnầy hình như quá bao la và vô tận. Người ta nói về những khoảng thời gian dài hàng thiên niên kỷ và những khoảng cách không gian được đo bằng tốc độ của ánh sáng. Đây là những điều nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta; các nhà khoa học nói là có những tinh tú ở gần chúng tanhưng thật ra chúng ở cách xa chúng ta hằng tỷ dậm. Tuy nhiên, trong sắc thân nầy với những giác quan của nó, chúng ta vẫn có thể thấy và quán sát được vũ trụ dựa vào những tín hiệu và cảm giác nhận được.
Chúng ta có thể suy đoán về ảnh hưởng của các tinh tú và lực từ trường trong không gian; điều nầy là rất có thể. Có người sẽ đặt nghi vấn, “Làm thế nào mà sao Diêm Vương (Pluto) có thể tác động đến tôi được?” Tại sao lại không được? Chúng ta là một phần của hệ thống hành tinh nầy, và mọi vật đều có thể tác động lẫn nhau. Mặc dù không biết cụ thể nhưng tôi không loại trừ khả năng tác động của sao Diêm Vương và sao Hải Vương (Neptune) trên đời sống chúng ta. Hay ngược lại, chúng ta cũng có thể tác động đến sao Diêm Vương; điều nầy cũng rất có thể. Nhưng nếu bàn thêm, vấn đề nầy sẽ trở nên rất phức tạp phải không các bạn?
Nếu thấy rằng mọi vật trên đời nầy đều có thể tác động lẫn nhau, chúng ta sẽ cảm nhận được toàn bộ tổng thể của vũ trụ trong đó chúng ta là một bộ phận khắn khít, và như là con người, chúng ta có thể quan sát. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận giới hạn của một cá nhân riêng lẻ. Vũ trụ mà chúng ta có thể quán sát là vũ trụ của tâm với những cảm nhận của nó về dục lạc và khổ đau, về cái đẹp và xấu. Chúng ta có thể nhận thấy rằng toàn thể vũ trụ của tâm là những tín hiệu giác quan, lực hút và lực đẩy, sức mạnh và năng lượng. Chúng ta có thể thấy rằng, cho dù về hình thức, vũ trụ có bao la, vĩ đại và hùng mạnh đến đâu đi nữa, tất cả đều có chung đặc tính là bắt đầu và chấm dứt, sinh và diệt, bành trướng và thu hẹp. Và chúng ta có thể quan sát vũ trụ nầy qua những kinh nghiệm hình như rất là vô nghĩa như hơi thở ra vào, cảm thọ của thân, tình cảm phiền muộn, sầu khổ hay tham ái.
Trong giới hạn của tấm thân nầy, chúng ta không có năng lực của một Thượng đế toàn năng để nhìn thấy và hiểu được toàn bộ cuộc sống. Những gì chúng ta có thể làm được là quan sát sự sống nằm ngay trong chúng ta mà không phán đoán gì cả. Chúng ta phải bắt đầu từ những cái nhìn thu hẹp và nhỏ bé trong tâm, cho dù chúng hình như là hết sức riêng tư, khờ dại, và vô lý.
Đây chính là điều mà tôi muốn nói về việc quán sát cái vũ trụ nhỏ bé trong chúng ta. Chúng ta có thể quan sát được những xung lực của sự chấp thủ hay chống ghét, những lực hút và đẩy trong người chúng ta. Chúng ta có thể thấy được khát vọng mãnh liệt muốn trở thành một cái gì đó, tìm kiếm một cái gì đó, hay đợi chờ một cái gì đó sắp xảy ra. Chúng ta bị chìm đắm trong khát vọng muốn trở thành một cái gì đó vì chúng ta không biết sống theo quy luật tự nhiên của sự vật. Chúng ta xem việc khen và chê, thành công và thất bại, khoái lạc và khổ đau, bệnh tật và chết chóc là cái gì riêng tư. Tất cả mọi vật dường như quá riêng lẻ và khổ đau. Nhưng khi bạn nhìn đời với tâm chánh niệm và tỉnh giác, bạn sẽ thấy mọi vật diễn biến theo cách tự nhiên của nó, và đây chính là cái nhìn đưa chúng ta ra khỏi khổ đau.
NIỀM TIN Ở ĐẠO PHÁP
Hiện tại tôi cảm thấy tin tưởng mãnh liệt. Tôi tin tưởng vào cái mà chúng ta gọi là Pháp — hay quy luật phát triển tự nhiên của các pháp thế gian — vì những gì xãy đến cho tôi — một chúng sinhđang tồn tại tại đây — không còn quan trọng nữa. Đối với tôi, cuộc sống không còn là nỗi lo âu và bận tâm nữa. Cho dù điều gì xãy ra đi nữa — cái tốt nhất, cái xấu nhất, lời khen, tiếng chê, thành công, thất bại, bị ung thư máu hay được khỏe mạnh đến năm 95 tuổi và bình yên từ giã cõi đời nầy trong tư thế thiền định, xin bạn hãy tin tưởng là các pháp sẽ diễn biến theo cách tự nhiên của nó và chúng ta nên chấp nhận điều này như là cái gì thật và tự nhiên. Hãy xem mọi việc xãy ra như là Pháp hay chân lý thay vì tìm cách diễn giải và cho nó một tính chất cá nhân riêng lẻ.
Trong đạo Phật, chúng ta thường nói về lòng dũng cãm và tinh thần vô úy. Bất cứ lúc nào mà chúng ta có cái nhìn cá nhân riêng lẻ, chắc chắn chúng ta sẽ sợ hãi, và trở nên nhút nhát. Chúng ta sẽ nghĩ, “Tôi sẽ đau khổ. Tôi sẽ mất đi những gì tôi thương yêu. Tôi sẽ đau yếu, trở thành một người tàn tật, chịu nhiều đau đớn. Mọi người đều ghét bỏ tôi, và tôi sẽ bơ vơ một mình. Cuộc sống sẽ trở thành kinh hoàng. Tôi sẽ lạc loài, cô đơn, không tình thương, đau đớn, già nua và bệnh tật, ôi tội nghiệp cho tôi quá!” Số phận như thế quả thật là đáng sợ phải không các bạn? Nhưng khi những lo sợ nầy được quan sát như là các pháp, đến rồi đi, thì ngay cả cái gì ghê gớm và kinh khũng nhất chúng ta cũng có thể chịu đựng được. Chúng ta nhận ra rằng con người và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay chỉ là tạm thời. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa sự sinh và sự chết của tấm thân làm người nầy. Và trong quá trình chuyển tiếp giữa sự sinh và sự chết nầy, những gì chúng ta có được chính là cơ may để giác ngộ.
Với tâm tỉnh thức, sẽ không có sợ hãi. Chỉ có sự thấy và biết, chỉ có sự trong sáng rõ ràng và không có cái gì là thuộc cá nhân cả. Tâm tỉnh thức nầy không là của tôi; nó cũng không phải là của bạn; Khi tất cả mọi vật ngừng nghỉ và chấm dứt, chỉ có sự trong suốt, trí tuệ, và rạng rỡ còn lại. Lúc đó, chúng ta có thể gọi đó chính là “chủ thể thật sự.” Khi có người hỏi, “Thế thì cái gì là bản chất thật sự của tôi?” Tôi xin trả lời “Đó là sự bình yên, trí tuệ, thanh thản, bình tĩnh, và trong sáng. Đó là sự bất tử — nhưng xin nhớ là đừng bao giờ xem sự bất tử nầy như là của riêng bạn nhé.”
___________________
* Câu hỏi: Xin Sư giảng thêm về bản chất của tâm thanh tịnh.
Trả lời: Đây cũng chính là điểm mà Đức Phật rất thận trọng khi thuyết giảng cho các đệ tử của Ngài, vì khi chúng ta cố gắng mô tả một cái gì không thể mô tả được, định nghĩa một cái gì không thể định nghĩa được, hay giới hạn một cái gì không thể giới hạn được, chúng ta rất dễ rơi vào những ảo tưởng và quan kiến sai lầm. Cái duy nhất mà tôi có thể nói là, khi càng buông bỏ những ràng buộc trong cuộc sống, và khi nhận ra rằng tất cả những gì sinh ra đều hoại diệt, hay khi nhận ra được sự tận diệt của các pháp — thì bạn sẽ thấy được pháp vô vi, nghĩa là pháp không bị giới hạn bởi những nhân duyên của thế gian.
Có pháp hữu vi và pháp vô vi, pháp duyên khởi và pháp vô sinh. Bạn không thể dùng tư duy để hiểu pháp vô vi hay pháp vô sinh. Bạn có thể dùng tên gọi nhưng bạn không thể nhận biết nó. Không có biểu tượng tôn giáo hay ngôn ngữ nào có thể dùng để hiểu được nó. Bạn có thể xây dựng một giáo thuyết về nó, vì thế các tôn giáo thường dùng những giáo thuyết siêu hình để diễn tả và làm cho người ta tin vào đó. Tuy nhiên, vì giáo pháp của Đức Phật không phải là một học thuyết siêu hình. Trái lại, Đức Phật khuyên chúng ta nên tự mình chứng ngộ. Vì thế trong đạo Phật, không có một giáo thuyết siêu hình nào cả, và sự vắng mặt của giáo lý siêu hình này chính là nhân tố thuận lợi thúc đẩy bạn đi đến chứng ngộ thật sự. Sự chứng ngộ sẽ giúp bạn hiểu rằng thế giới hữu vi sinh rồi diệt. Nó không vĩnh cửu và rất giới hạn. Nó chỉ là những thay đổi, chuyển động hay rung động trong vũ trụ bao la nầy.
Dùng thuật ngữ và khái niệm để mô tả sự chứng ngộ nầy có thể làm chúng ta hiểu sai vấn đề. Chúng tôi đã từng trao đổi với các tín đồ Ky Tô giáo, và nhận thấy những hành giả Ky Tô giáo đang tiến gần đến các hành giả Phật giáo và họ đã phát biểu những điều gần như đi ngược lại với truyền thống tôn giáo của họ như “Thượng đế là không hay Thượng Đế không là cái gì hết.” Đối với người Phật tử, có lẽ khái niệm “không là cái gì hết” trên đây mô tả khá chính xác khái niệm Pháp vô vi hay Pháp vô sinh trong đạo Phật. Ngược lại, Ky Tô giáo theo truyền thống ba ngôi thường mô tả Thượng Đế như vừa là Cha, Con, hay Thánh Thần. Ky Tô giáo theo truyền thống thần bí thì vượt lên trên khái niệm ba ngôi và nói về tính chất huyền bí hay điều không thể hiểu được trong kinh nghiệm chứng ngộ của họ. Những tín đồ Ky Tô giáo theo truyền thống thần bí không có cùng ngôn ngữ tâm linh của đạo Phật, nên họ diễn tả theo cách khác. Nhưng nếu bạn vượt qua biên giới của ngôn ngữ, bạn sẽ thấy sự chứng ngộ mà họ mô tả là những kinh nghiệmxảy ra khi tâm thức không còn bị chi phối bởi cái ngã — và không còn tùy thuộc vào thế giới hữu vi. Ấn độ giáo và Hồi giáo cũng có cách diễn tả riêng về kinh nghiệm chứng ngộ. Qua đó, chúng tathấy tín đồ của tất cả tôn giáo đều tiềm tàng hướng về cái gì đó nằm ngoài và vượt lên trên chính bản thân họ.
Dính mắc vào nguyên tắc và truyền thống luôn là điều nguy hiểm. Ngay cả trong đạo Phật, mặc dù những lời dạy của Đức Phật là đẹp và trong sáng biết bao, nhưng ít người chịu hành theo những lời dạy nầy để được giác ngộ. Họ thường bị dính mắc vào một bộ phận nào đó của giáo lý. Tuy nhiên, hiện nay, tôi cho rằng loài người đang có nhiều tiềm năng để ngộ được chân lý hơn, và chân lý nầy không phải chỉ dành cho tín đồ Phật giáo mà là chân lý đứng lên trên tất cả truyền thống và nguyên tắc tôn giáo.
Con người ngày nay suy nghĩ rất rõ ràng và sáng suốt, và đây là điều rất đáng mừng. Tâm thứccon người rất trong sáng và người có trí tuệ ngày càng nhiều trên thế giới. Mặc dù thỉnh thoảng, tin tức báo chí về tình hình thế giới là rất đen tối và bi quan, tôi vẫn cảm thấy lạc quan. Tôi thấy là đang có sự thay đổi. Chỉ trong kiếp sống nầy thôi, tôi đã chứng kiến được sự thay đổi và phát triển vượt bực trong sự hiểu biết về tâm linh và trí tuệ của con người.