Sống Trong Từng Sát Na

Phần 10: KINH BỐN LÃNH VỰC QUÁN NIỆM (tiếp theo)

Này các vị, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức như thế nào?

Trước hết, người khất sĩ quán niệm về năm hiện tượng ngăn che như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Quán niệm bằng cách nào?

Khi có một niệm ái dục, người khất sĩ ý thức mình có một niệm ái dục. Khi không có một niệm ái dục, người khất sĩ ý thức mình không có một niệm ái dục.

Khi một niệm ái dục chưa phát sinh, nay bắt đầu phát sinh, người khất sĩ ý thức sự sinh khởi ấy. Khi một niệm ái dục đã phát sinh, nay đang hoại diệt, người khất sĩ ý thức sự hoại diệt ấy. Khi một niệm ái dục đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa, người khất sĩ cũng ý thức về điều đó.

Khi có một niệm sân hận, người khất sĩ ý thức mình có một niệm sân hận. Khi không có một niệm sân hận, người khất sĩ ý thức mình không có một niệm sân hận.

Khi một niệm sân hận chưa phát sinh, nay bắt đầu phát sinh, người khất sĩ ý thức sự sinh khởi ấy. Khi một niệm sân hận đã phát sinh, nay đang hoại diệt, người khất sĩ ý thức sự hoại diệt ấy. Khi một niệm sân hận đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa, người khất sĩ cũng ý thức về điều đó.

Khi có sự u mê và buồn ngủ, người khất sĩ ý thức mình có sự u mê và buồn ngủ. Khi không có sự u mê và buồn ngủ, người khất sĩ ý thức mình không có sự u mê và buồn ngủ.

Khi sự u mê và buồn ngủ chưa phát sinh, nay bắt đầu phát sinh, người khất sĩ ý thức sự sinh khởi ấy. Khi sự u mê và buồn ngủ đã phát sinh, nay đang hoại diệt, người khất sĩ ý thức sự hoại diệt ấy. Khi sự u mê và buồn ngủ đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa, người khất sĩ cũng ý thức về điều đó.

Khi có sự giao động bất an và hối hận, người khất sĩ ý thức mình đang có sự giao động bất an và hối hận. Khi không có sự giao động bất an và hối hận, người khất sĩ ý thức mình không có sự giao động bất an và hối hận.

Khi sự giao động bất an và hối hận chưa phát sinh, nay bắt đầu phát sinh, người khất sĩ ý thức sự sinh khởi ấy. Khi sự giao động bất an và hối hận đã phát sinh, nay đang hoại diệt, người khất sĩ ý thức sự hoại diệt ấy. Khi sự giao động bất an và hối hận đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa, người khất sĩ cũng ý thức về điều đó.

Khi có sự nghi ngờ, người khất sĩ ý thức mình đang có sự nghi ngờ. Khi không có sự nghi ngờ, người khất sĩ ý thức mình không có sự nghi ngờ.

Khi sự nghi ngờ chưa phát sinh, nay bắt đầu phát sinh, người khất sĩ ý thức sự sinh khởi ấy. Khi sự nghi ngờ đã phát sinh, nay đang hoại diệt, người khất sĩ ý thức sự hoại diệt đó. Khi sự nghi ngờ đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa, người khất sĩ cũng ý thức về điều đó.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, hoặc bên trong đối tượng tâm thức, hoặc bên ngoài đối tượng tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài đối tượng tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức. Hoặc người ấy quán niệm: “Có đối tượng tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về đối tượng tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về năm hiện tượng ngăn che như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Tiếp đó, người khất sĩ quán niệm về sự bám víu vào năm uẩn như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Quán niệm bằng cách nào?

Người khất sĩ quán niệm như sau:

“Đây là hình sắc. Đây là sự phát sinh của hình sắc. Đây là sự hoại diệt của hình sắc.”

“Đây là cảm thọ. Đây là sự phát sinh của cảm thọ. Đây là sự hoại diệt của cảm thọ.”

“Đây là tri giác. Đây là sự phát sinh của tri giác. Đây là sự hoại diệt của tri giác.”

“Đây là sự vận hành tâm tư. Đây là sự phát sinh của sự vận hành tâm tư. Đây là sự hoại diệt của sự vận hành tâm tư.”

“Đây là ý thức phân biệt. Đây là sự phát sinh của ý thức phân biệt. Đây là sự hoại diệt của ý thức phân biệt.”

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, hoặc bên trong đối tượng tâm thức, hoặc bên ngoài đối tượng tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài đối tượng tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức. Hoặc người ấy quán niệm: “Có đối tượng tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về đối tượng tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về sự bám víu vào năm uẩn như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Tiếp đó, người khất sĩ quán niệm về sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Quán niệm bằng cách nào?

Người khất sĩ ý thức về mắt, ý thức về đối tượng của mắt là hình sắc, ý thức về những ràng buộc tạo nên do mắt và hình sắc. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Người khất sĩ ý thức về tai, ý thức về đối tượng của tai là âm thanh, ý thức về những ràng buộc tạo nên do tai và âm thanh. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Người khất sĩ ý thức về mũi, ý thức về đối tượng của mũi là mùi hương, ý thức về những ràng buộc tạo nên do mũi và mùi hương. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Người khất sĩ ý thức về lưỡi, ý thức về đối tượng của lưỡi là vị nếm, ý thức về những ràng buộc tạo nên do lưỡi và vị nếm. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Người khất sĩ ý thức về thân, ý thức về đối tượng của thân là sự xúc chạm, ý thức về những ràng buộc tạo nên do thân và sự xúc chạm. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Người khất sĩ ý thức về tâm ý, ý thức về đối tượng của tâm ý là tư tưởng, ý thức về những ràng buộc tạo nên do tâm ý và tư tưởng. Người ấy ý thức về những ràng buộc chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về những ràng buộc đã phát sinh, nay đang hoại diệt, về những ràng buộc đã hoại diệt và không còn phát khởi lại nữa.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, hoặc bên trong đối tượng tâm thức, hoặc bên ngoài đối tượng tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài đối tượng tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức. Hoặc người ấy quán niệm: “Có đối tượng tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về đối tượng tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Tiếp đó, người khất sĩ quán niệm về bảy yếu tố của sự giác ngộ như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Quán niệm bằng cách nào?

Khi có yếu tố chánh niệm, người khất sĩ ý thức là mình đang có chánh niệm. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có chánh niệm”. Khi không có chánh niệm, người khất sĩ ý thức là mình không có chánh niệm. Người ấy ý thức về chánh niệm chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về chánh niệm đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố trạch pháp, người khất sĩ ý thức là mình đang có sự quyết trạch về các pháp. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có sự quyết trạch về các pháp”. Khi không có sự quyết trạch về các pháp, người khất sĩ ý thức là mình không có sự quyết trạch về các pháp. Người ấy ý thức về sự quyết trạch về các pháp chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự quyết trạch về các pháp đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố tinh tấn, người khất sĩ ý thức là mình đang có sự tinh tấn. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có sự tinh tấn”. Khi không có sự tinh tấn, người khất sĩ ý thức là mình không có sự tinh tấn. Người ấy ý thức về sự tinh tấn chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự tinh tấn đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố hoan hỷ, người khất sĩ ý thức là mình đang có sự hoan hỷ. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có sự hoan hỷ”. Khi không có sự hoan hỷ, người khất sĩ ý thức là mình không có sự hoan hỷ. Người ấy ý thức về sự hoan hỷ chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự hoan hỷ đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố khinh an, người khất sĩ ý thức là mình đang có sự khinh an. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có sự khinh an”. Khi không có sự khinh an, người khất sĩ ý thức là mình không có sự khinh an. Người ấy ý thức về sự khinh an chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự khinh an đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố định, người khất sĩ ý thức là mình đang có định. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có định”. Khi không có định, người khất sĩ ý thức là mình không có định. Người ấy ý thức về sự định tâm chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự định tâm đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Khi có yếu tố buông xả, người khất sĩ ý thức là mình đang có sự buông xả. Người ấy quán niệm: “Tâm mình đang có sự buông xả”. Khi không có sự buông xả, người khất sĩ ý thức là mình không có sự buông xả. Người ấy ý thức về sự buông xả chưa phát sinh, nay đang phát sinh, về sự buông xả đã phát sinh, nay đang thành tựu.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, hoặc bên trong đối tượng tâm thức, hoặc bên ngoài đối tượng tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài đối tượng tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức. Hoặc người ấy quán niệm: “Có đối tượng tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về đối tượng tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về bảy yếu tố của sự giác ngộ như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Tiếp đó, người khất sĩ quán niệm về bốn sự thật cao quý như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Quán niệm bằng cách nào?

Khi sự kiện là đau khổ, người khất sĩ quán niệm: “Đây là đau khổ”. Khi sự kiện là nguyên nhân đưa đến đau khổ, người khất sĩ quán niệm: “Đây là nguyên nhân đưa đến đau khổ”. Khi sự kiện là sự chấm dứt đau khổ, người khất sĩ quán niệm: “Đây là sự chấm dứt đau khổ”. Khi sự kiện là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ, người khất sĩ quán niệm: “Đây là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ”.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, hoặc bên trong đối tượng tâm thức, hoặc bên ngoài đối tượng tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài đối tượng tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi đối tượng tâm thức. Hoặc người ấy quán niệm: “Có đối tượng tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về đối tượng tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về bốn sự thật cao quý như đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Này các vị, người khất sĩ nào thực hành được bốn lãnh vực quán niệm trên trong bảy năm, người ấy có thể đạt được quả vị chánh trí ngay nơi đây và trong kiếp này. Hoặc nếu vẫn còn dư báo thì có thể đạt được quả vị không còn trở lại.

Này các vị, đừng nói gì đến bảy năm. Người nào thực hành được bốn lãnh vực quán niệm trên trong sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, hoặc một năm, người ấy cũng có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay nơi đây và trong kiếp này. Hoặc nếu vẫn còn dư báo thì có thể đạt được quả vị không còn trở lại.

Này các vị, đừng nói gì đến một năm. Người nào thực hành được bốn lãnh vực quán niệm trên trong bảy tháng, sáu tháng, năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, hoặc nửa tháng, người ấy cũng có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay nơi đây và trong kiếp này. Hoặc nếu vẫn còn dư báo thì có thể đạt được quả vị không còn trở lại.

Này các vị, đừng nói gì đến nửa tháng. Người nào thực hành được bốn lãnh vực quán niệm trên trong bảy ngày, người ấy cũng có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay nơi đây và trong kiếp này. Hoặc nếu vẫn còn dư báo thì có thể đạt được quả vị không còn trở lại.

Đó là lý do tại sao mà tôi đã nói: “Đây là con đường duy nhất để thanh tịnh thân tâm, vượt thắng phiền não, diệt trừ ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Nàn. Đó là con đường của bốn lãnh vực quán niệm”.

Đức Phật đã nói như vậy. Các vị khất sĩ hoan hỷ ghi nhận và thực tập theo lời Ngài.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app