Nội Dung Chính
Sống Trong Từng Sát Na
Phần 2: Quán Thân
– Quán niệm về bốn oai nghi
– Quán niệm về thân hành
– Quán niện về thân bất tịnh
– Quán niệm về thân tứ đại
– Quán niệm về cửu tưởng
QUÁN NIỆM VỀ BỐN OAI NGHI
Khi ta muốn đi, tâm trí phát khởi ý định muốn đi. Ý định muốn đi sinh khởi trước, kế đó sự đi mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn đi. Khi bắt đầu đi, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu đi. Khi đang đi, ta ý thức rõ ràng sự đang đi và từng cử động của chân. Ta có sự ghi nhận bàn chân dở lên, bước tới và hạ xuống trên từng mỗi bước đi.
- Chân trái dở lên, bước tới và hạ xuống
- Chân phải dở lên, bước tới và hạ xuống
Đừng nghĩ tưởng về nơi ta sẽ đến. Hãy tập trung tâm trí vào sự đang đi trong giây phút thực tại. Ta ý thức và nhận biết từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trên từng mỗi nhịp bước trong suốt quá trình đi.
Khi ta muốn đứng, tâm trí phát khởi ý định muốn đứng. Ý định muốn đứng sinh khởi trước, kế đó sự đứng mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn đứng. Khi bắt đầu đứng lên, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu đứng lên. Khi đang đứng, ta ý thức rõ ràng sự đang đứng. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu đứng lên. Ta ý thức từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trong khi đang đứng.
Khi ta muốn ngồi, tâm trí phát khởi ý định muốn ngồi. Ý định muốn ngồi sinh khởi trước, kế đó sự ngồi mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn ngồi. Khi bắt đầu ngồi xuống, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu ngồi xuống. Khi đang ngồi, ta ý thức rõ ràng sự đang ngồi. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu ngồi xuống. Ta ý thức từng sự xúc chạm của thân thể với mặt ghế trong khi đang ngồi.
Khi ta muốn nằm, tâm trí phát khởi ý định muốn nằm. Ý định muốn nằm sinh khởi trước, kế đó sự nằm mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn nằm. Khi bắt đầu nằm xuống, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu nằm xuống. Khi đang nằm, ta ý thức rõ ràng sự đang nằm. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu nằm xuống. Ta ý thức từng sự xúc chạm của thân thể với mặt giường trong khi đang nằm.
Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, ta cũng đều ý thức về toàn thân thể và tư thế của thân thể. Khi đi, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang đi của thân thể. Khi đứng, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang đứng của thân thể. Khi ngồi, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang ngồi của thân thể. Khi nằm, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang nằm của thân thể.
Ta ghi nhận về ý định muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm đã sinh khởi và tan biến trong sát na đó. Ta ý thức về từng cử động bắt đầu và chấm dứt nơi thân thể khi bắt đầu đi, bắt đầu đứng, bắt đầu ngồi, bắt đầu nằm. Ta ghi nhận về từng chi tiết bắt đầu và chấm dứt của từng cử động nơi thân thể trong suốt quá trình đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm.
Thí dụ, khi đang ngồi, ta muốn đứng dậy để đi. Trước nhất, tâm thức phát khởi ý định muốn đứng. Ta ghi nhận sự sinh khởi của ý định đó. Ta ghi nhận thân thể đang bắt đầu cử động để đứng dậy. Ta ghi nhận từng cử động bắt đầu và chấm dứt của thân thể. Ta ý thức về toàn thân thể và tư thế của thân thể khi bắt đầu đứng dậy, bắt đầu cử động để đi. Ta ý thức từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trong suốt quá trình đi.
Ta an trú trong sự quán niệm: “Có sự đi đây”, “Có sự đứng đây”, “Có sự ngồi đây”, “Có sự nằm đây”, và tất cả chỉ là sự đi đứng ngồi nằm. Không có “ta” đang cử động. Tất cả chỉ là ý định muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm, và tất cả chỉ là sự đi đứng ngồi nằm của thân thể. Với sự quán chiếu như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về các tư thế của thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.
QUÁN NIỆM VỀ THÂN HÀNH
Cũng như ý thức về các tư thế của thân thể khi đi đứng ngồi nằm, bất cứ thân thể đang cử động trong việc gì, ăn hay uống, nhai hay nếm, cúi xuống hay đứng lên, đi tới hay đi lui, nhìn trước hay nhìn sau, mặc áo cà sa hay mang bình bát, đi đại tiện hay tiểu tiện, ngủ hay thức, nói hay im lặng… Ta ý thức sự sinh khởi của từng ý định “muốn” của tâm thức, từng cử động của thân thể, đang làm gì, đang ở đâu, một cách rõ ràng tỉnh biết.
Khi nói hay im lặng, ta ý thức rõ ràng về điều đó. Khi im lặng, ta ý thức là ta đang im lặng. Khi nói, ta ý thức về từng lời nói. Khi lắng nghe, ta ý thức là ta đang lắng nghe. Ta ý thức rõ ràng và sáng suốt trong mọi lúc mọi nơi, nhận biết mình đang ở đâu, đang nói với ai, đang nói những gì, đang lắng nghe những gì.
Khi ngủ hay thức, ta ý thức rõ ràng về điều đó. Khi nằm ngủ, ta an trú tâm nơi hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở và chỉ biết có hơi thở. Ta ghi nhận sự xúc chạm của thân thể với mặt giường khi đang nằm. Ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang nằm của thân thể. Những khi thân thể có sự thay đổi về tư thế nằm, hoặc chân tay co duỗi, ta không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào mà không có sự ghi nhận. Ta quán sát hơi thở cho đến khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, mọi sự điều hành trong thân thể trở nên lắng dịu. Và rồi, giấc ngủ an bình tự nhiên đến, ta an giấc trong sự thư thái của thiền định.
Những khi chợt giật mình thức giấc nửa đêm, điều trước tiên mà ta cần ý thức là biết mình đã thức giấc. Ta ý thức về tư thế đang nằm của thân thể. Ta ghi nhận về sự xúc chạm của thân thể với mặt giường. Ta trở về với hơi thở và chỉ biết có hơi thở. Và cứ như thế, cho đến khi giấc ngủ trở lại một cách tự nhiên, ta đi vào giấc ngủ trong sự bình an của tâm thức.
Khi thức dậy, ý thức đầu tiên là ghi nhận mình đã thức và đang nằm trên giường. Ta ghi nhận về tư thế đang nằm của thân thể. Ta ý thức rõ ràng về từng mỗi hơi thở. Ta ghi nhận về ý định muốn thức dậy. Ta ghi nhận từng cử động của thân thể khi trở mình, bắt đầu ngồi dậy, đứng lên, cử động chân tay, thân thể di chuyển tới lui thu dọn chăn mền. Ta ý thức một ngày mới đang sinh khởi và sự việc đang diễn ra ngay bây giờ đều mới lạ, như chiếc lá bình minh vừa đâm trổ đầu cành.
Cố gắng tinh chuyên hành trì nắm giữ hơi thở trong mọi lúc. Với ảnh hưởng của ánh sáng chánh niệm, mọi cử động của thân thể sẽ tự động giảm chậm xuống. Thư thả, nhẹ nhàng và vững chải. Một kinh nghiệm đầu tiên vừa phát khởi trên bước đầu của sự tỉnh thức. Đó là định lực do kết quả hành thiền không ngoài yếu chỉ “động tịnh thể an nhiên” trong Chứng Đạo Ca của Đại sư Huyền Giác – “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói im động tịnh thảy đều an nhiên” (Hành diệc thiền, tọa diệc thiền, ngữ mặc động tịnh thể an nhiên).
Bất cứ đang làm việc gì, ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, một mình, hay đang tiếp xúc với người, ta cố gắng đừng để đánh mất sự ghi nhận và quán sát về hơi thở, về các tư thế của thân thể, về các cử động của thân thể. Ý thức từng mỗi phút giây sống trong giờ phút hiện tại. Khi đang làm một việc gì, ta tập trung tất cả tâm trí vào công việc đó. Ta biết ta đang thở vào. Ta biết ta đang thở ra. Ta ý thức về công việc mình đang làm. Ta ghi nhận về các tư thế của thân thể, từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể, từng sự xúc chạm của tay chân với vật thể trong khi đang làm công việc đó.
Ta ghi nhận về sự sinh khởi của từng ý định “muốn” đi tới, đi lui, đứng lên, cúi xuống, ăn uống, nhai nếm, nói hay im lặng… Ta ý thức từng cử động của thân thể trong sự bắt đầu của các cử động. Ta ý thức từng cử động bắt đầu và chấm dứt của thân thể trong suốt quá trình đi tới, đi lui, đứng lên, cúi xuống, ăn uống, nhai nếm, nói hay im lặng… Ta ý thức từng cử động sinh khởi và chấm dứt nơi thân thể trong từng mỗi phút giây vô thường trong suốt quá trình cử động của thân thể.
Ta an trú trong sự quán niệm: “Có sự đi tới đây”, “Có sự đi lui đây”, “Có sự đứng lên đây”, “Có sự cúi xuống đây”, “Có sự ăn đây”, “Có sự uống đây”… và tất cả chỉ là các cử động của thân thể. Không có “ta” đang cử động. Tất cả chỉ là ý định “muốn” và các cử động của thân thể ở nơi thân thể. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về các cử động của thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.
QUÁN NIỆM VỀ THÂN BẤT TỊNH
Ta quán niệm về thân thể này, từ gót chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc bởi một lớp da, bên trong chứa đầy các loại bất tịnh. Ta quán niệm về các loại bất tịnh bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, như “tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, chất dầu, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước nhờn ở khớp xương, nước tiểu”.
Thí dụ, có một cái bao chứa đựng các loại hạt. Khi mở bao ra, ta có thể thấy đủ các loại hạt chứa đựng trong đó, nào là các loại gạo, các loại đậu, các loại lúa, các loại mè… Ta quán chiếu về thân thể này cũng vậy, tất cả được bao bọc bởi một lớp da, bên trong chứa đầy các loại bất tịnh.
Ta quán chiếu về các loại bất tịnh nơi thân thể, sinh khởi từ thân thể, hủy diệt từ thân thể, thải bỏ ra ngoài thân thể, như máu, mủ, đàm, mồ hôi, nước tiểu, phẩn… Ta an trú trong sự quán niệm: “Có các chất bất tịnh trong thân thể đây”, “Có các chất bất tịnh từ thân thể thải bỏ ra ngoài đây”… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Ta ý thức về các chất bất tịnh và tất cả chỉ là các chất bất tịnh. Không có “ta” liên hệ đến các chất bất tịnh nơi thân thể. Ta ý thức các chất bất tịnh chỉ là các chất bất tịnh, không có “ta” thọ lãnh, không có “ta” thải bỏ. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về các chất bất tịnh, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.
QUÁN NIỆM VỀ THÂN TỨ ĐẠI
Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, thường xuyên quán chiếu xác thân này do bởi bốn yếu tố chính cấu tạo thành là đất, nước, lửa và gió.
- Yếu tố đất như da, xương, thịt, tim, ..
- Yếu tố nước như máu, mủ, đàm…
- Yếu tố lửa như sức nóng trong người…
- Yếu tố gió như hơi thở vào ra…
Thí dụ, một người đồ tể làm nghề giết bò, ngồi giữa ngã tư đường và cắt xẻ con bò ra thành nhiều mảnh nhỏ. Mỗi một phần để riêng ở mỗi một góc đường. Nhìn lại, thân thể đây cũng vậy, do bởi bốn yếu tố chính cấu tạo thành bao gồm đất, nước, lửa và gió.
Do bởi hành trì tinh chuyên pháp quán tứ đại, ta có thể trực nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của ngũ uẩn tự thân. Tánh vô ngã ở đây có nghĩa là những gì hiện hữu ở xác thân hoàn toàn không có tự tánh riêng biệt. Nếu như một mai thân xác ta mất đi, thì gió sẽ về với gió, lửa sẽ về với lửa, nước sẽ về với nước, cát bụi sẽ về với cát bụi.
Không có sự mất. Không có sự được. Không có sự thêm. Không có sự bớt. Tất cả chỉ là sự trở về và là sự trở về với đất, nước, lửa, gió. Do bởi quán chiếu như vậy, ta sẽ không còn quá đắm mê thân xác và sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về bản chất thật của tất cả mọi sự vật hiện hữu trên cuộc đời này.
Ta quán niệm về các yếu tố của tứ đại bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, như hơi thở từ ngoài vào, hơi thở từ trong ra, sức nóng trong thân thể, nhịp đập của trái tim, mồ hôi, phẩn, nước tiểu… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Tất cả chỉ là đất nước lửa gió sinh sinh diệt diệt trong một xác thân tạm bợ vô thường.
Ta an trú trong sự quán niệm: “Có yếu tố đất đây”, “Có yếu tố nước đây”, “Có yếu tố lửa đây”, “Có yếu tố gió đây”. Tất cả chỉ là các yếu tố cấu tạo thành thân thể và chỉ là các yếu tố đất, nước, lửa, gió. Không có “ta” gắn liền với tứ đại nơi thân thể. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về bốn yếu tố chính cấu tạo thành thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.
QUÁN NIỆM VỀ CỬU TƯỞNG
Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, thường xuyên quán chiếu về 9 giai đoạn tan rã của một tử thi:
- Xác chết sình trương, thâm tím và thối rữa
- Xác chết bị diều hâu và chó sói rừng gặm xé
- Xác chết chỉ còn lại xương, thịt và máu
- Xác chết chỉ còn lại xương và máu
- Xác chết chỉ còn lại bộ xương
- Xác chết chỉ còn lại đống xương rời rạc khắp đó đây
- Xác chết chỉ còn lại đống xương trắng màu vỏ ốc
- Xác chết chỉ còn lại đống xương khô
- Xác chết chỉ còn lại đống xương đã rã tan thành cát bụi
Ta trình tự quán chiếu qua từng giai đoạn của cửu tưởng, từng mỗi giai đoạn ta trở lại quán chiếu về xác thân đây, bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, bao gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Tất cả rồi cũng sẽ sình trương, thối rữa và hoại tàn cùng cát bụi.
Thân thể đây, đã được sinh ra từ máu huyết mẹ cha, mà khi đã có sự sinh ra thì sẽ có sự mất đi. Rồi một ngày, thân xác đây cũng sẽ bị hư hoại. Cuộc đời người, ai cũng phải một lần chết. Khi sự chết đến, ta không thể nào trốn thoát. Cuối cùng, xác thân đây rồi cũng sẽ bị rã tan. Không có bất cứ gì gọi là riêng mãi của ta đối với mọi vật thể vô thường trong vũ trụ.
Thường xuyên quán niệm như vậy, ta sẽ có cái nhìn bình tỉnh hơn đối với sự sống, bình thản hơn đối với sự chết. Rồi một ngày mai, những người thân của ta sẽ ra đi và chính bản thân ta cũng sẽ ra đi. Tất cả sẽ là vậy. Có sinh ắt có diệt. Có được ắt có mất. Sự sống không thể nào tránh né. Sự chết chẳng thể nào đổi thay.
Ta an trú trong sự quán niệm: “Có thân thể đây”, và thân thể chỉ là thân thể. Không có thân thể của “ta”. Tất cả chỉ là thân thể và là thân thể ở nơi thân thể. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.
Quán niệm về cửu tưởng tinh cần sẽ giúp ta bình tỉnh hơn khi đối diện với sự chết. Bản thân không còn quá luyến tiếc xác thân này và sẽ cảm thấy bình thản để ra đi. Tất cả có đến và có đi, như gió hoàng hôn đưa lá thu vàng về cùng cát bụi.