Trí-Tuệ Thiền-Tuệ Có 16 Loại
Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, không có ngoài Phật-giáo.
Pháp-hành thiền-tuệ gồm có 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ được chia ra làm 2 loại:
– Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā).
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā).
1-Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới có 14 loại trí-tuệ.
Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) gồm có 14 loại trí-tuệ thiền-tuệ đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, kể từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpapariccheda-ñāṇa theo tuần tự cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa và trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇa-ñāṇa cuối cùng.
2- Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có 2 loại trí-tuệ.
Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) gồm có 2 loại trí-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là maggañāṇa và trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là phalañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là magga-ñāṇa: Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là phala-ñāṇa: Thánh-quả-tuệ đồng sinh với 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn gọi là 9 siêu-tam-giới-pháp (lokuttaradhamma).
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, là hành-giả như thế nào?
* Hành-giả nào phải là người tam-nhân (tihetuka-puggala) có đủ 3 thiện-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) từ khi tái-sinh, đã từng thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ từ vô số kiếp quá-khứ đã được tích lũy ở trong tâm từ kiếp này đến kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài cho đến kiếp hiện-tại.
Kiếp hiện-tại hành-giả ấy là người có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, trở thành thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, có ý nguyện thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả ấy là người có giới hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, hiểu biết rõ đối-tượng thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Khi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả luôn luôn có yonisomanasikāra hỗ trợ cho chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác, thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā), có khả năng làm cho trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā), gồm có 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ từ bậc thấp đến bậc cao như sau:
16 Loại Trí-Tuệ Thiền-Tuệ
1- Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận ngay mỗi đối-tượng thân hoặc thọ hoặc tâm hoặc pháp hoặc sắc-pháp hoặc danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ, phân biết rõ thật-tánh của mỗi đối-tượng sắc-pháp hoặc mỗi đối-tượng danh-pháp ấy đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh, không phải vật này vật kia, v.v… mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.
Trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ đúng thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp như vậy là trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy là pháp-vô-ngã, thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Nāmarūpaparicchedañāṇa gồm có 4 từ nāma, rūpa, pariccheda, ñāṇa:
– Nāma: Danh-pháp đó là tâm với tâm-sở là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có 81 tam-giới-tâm (trừ 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm) và 52 tâm-sở.
– rūpa: Sắc-pháp là đối-tượng thiền-tuệ chỉ có 18 sắc-pháp thật rõ ràng (nipphannarūpa) mà thôi (trừ 10 sắc-pháp không rõ ràng (anipphannarūpa).
– pariccheda: Phân biệt rõ.
– ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ.
Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy là pháp-vô-ngã, thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa này không chỉ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ đối-tượng đúng theo thật-tánh của mỗi sắc-pháp hoặc mỗi danh-pháp ấy mà còn thấy rõ, biết rõ chủ-thể đúng theo thật-tánh của danh-pháp (tâm) biết đối-tượng mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, bởi vì đối-tượng và chủ thể liên quan với nhau đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả, v.v… mà chỉ là thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp mà thôi.
Trước đây, sự thật thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp bị màn vô-minh (avijjā) che phủ, nên không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp ấy, lại còn tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta, ngã, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…
Nay, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp hiện-tại, thực-hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ nên trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma):
– Danh-pháp chỉ là danh-pháp.
– Sắc-pháp chỉ là sắc-pháp.
– Danh-pháp là một, sắc-pháp là một.
– Trong danh-pháp không có sắc-pháp.
– Trong sắc-pháp không có danh-pháp.
– Khi trí-tuệ thấy sắc-pháp nào thì cũng biết đến danh-pháp biết sắc-pháp ấy, bởi vì liên quan với nhau.
– Khi trí-tuệ thấy danh-pháp nào thì cũng biết đến sắc-pháp nơi phát sinh danh-pháp ấy, bởi vì liên quan với nhau.
– Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, không phải ngã (ta), không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả, cũng không phải vật này, vật kia, v.v… mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.
Khi ấy, diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) hoặc tà-kiến chấp thủ nơi ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi) cả trong đối-tượng lẫn chủ thể, nên gọi là chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thanh-tịnh là pháp-thanh-tịnh thứ nhất trong pháp-hành thiền-tuệ.
Ví dụ: Trước đó, ông A đi đường vào ban đêm có ánh sáng trăng lờ mờ, thấy sợi dây ngoằn ngoèo giống như con rắn nằm giữa đường, ông thấy sai tưởng lầm nơi sợi dây ngoằn ngoèo kia cho là con rắn độc, ông phát sinh tâm sợ hãi, nên tránh xa con rắn độc ấy mà đi.
Sau đó, ông A gặp được bậc thiện-trí giảng dạy cho ông biết sự thật đó là sơi dây không phải là con rắn độc như ông đã thấy sai, tưởng lầm. Bậc thiện trí trao cho ông một cây đèn, dẫn ông trở lại chỗ sợi dây ngoằn ngoèo ấy. Ông A rọi đèn chiếu sáng đến sợi dây ngoằn ngoèo ấy, tận mắt thấy rõ đúng sự thật là sợi dây ngoằn ngoèo này chỉ là sợi dây ngoằn ngoèo mà thôi, không phải là con rắn độc như trước đó ông đã thấy sai, tưởng lầm, nên tâm của ông trở lại tự nhiên, không còn sợ hãi như trước nữa.
Qua ví dụ trên nên hiểu rằng:
– Sợi dây ám chỉ đến sắc-pháp, danh-pháp.
– Thấy sai, tưởng lầm nơi sợi dây cho là con rắn độc, nghĩa là thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là ngã, ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…
– Rọi đèn chiếu sáng, tận mắt thấy rõ sợi dây chỉ là sợi dây mà thôi, nghĩa là trí-tuệ thứ nhất phát sinh thấy rõ, biết rõ cả đối-tượng lẫn chủ thể liên quan với nhau đúng theo thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, không phải ngã (ta), không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả, cũng không phải vật này, vật kia, v.v… chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.
Attānudiṭṭhi: Tà-kiến theo chấp-ngã
– Đối với hạng phàm nhân không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, không có cơ hội học hỏi, nghiên cứu về môn Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa (Abhidhammatthasaṅgaha), nên có tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) hoặc tà-kiến chấp thủ nơi ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi), thấy sai chấp lầm nơi danh-pháp, nơi sắc-pháp cho là ta như sau:
– Khi nhãn-thức-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm cho là ta thấy. – Khi nhĩ-thức-tâm làm phận sự nghe đối-tượng thanh, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi nhĩ-thức-tâm cho là ta nghe.
– Khi tỷ-thức-tâm làm phận sự ngửi đối-tượng hương, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi tỷ-thức-tâm cho là ta ngửi.
– Khi thiệt-thức-tâm làm phận sự nếm đối-tượng vị, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thiệt-thức-tâm cho là ta nếm.
– Khi thân-thức-tâm làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân-thức-tâm cho là ta xúc giác.
– Khi ý-thức-tâm làm phận sự biết đối-tượng pháp, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi ý-thức-tâm cho là ta biết.
– Khi thân đi hoặc sắc-đi, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-đi cho là ta đi.
– Khi thân đứng hoặc sắc-đứng, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-đứng cho là ta đứng.
– Khi thân ngồi hoặc sắc-ngồi, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-ngồi cho là ta ngồi.
– Khi thân nằm hoặc sắc-nằm, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-nằm cho là ta nằm, v.v…
Do tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi danh-pháp, nơi sắc-pháp ấy cho là ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…” làm nhân-duyên phát sinh mọi phiền-não.
Diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến-thanh-tịnh
Đối với thiện-trí phàm-nhân thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, có cơ hội học hỏi, nghiên cứu về môn Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa (Abhidham-matthasaṅgaha), học hỏi nghiên cứu, hiểu biết về tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) đều là pháp-vô-ngã (anattā), rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thứ nhất phát sinh gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ đối-tượng đúng theo thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, và chủ thể (tâm) liên quan biết đến đối-tượng mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo thật-tánh đều là pháp-vô-ngã (anattā), không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả, cũng không phải vật này, vật kia, v.v… chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến chấp thủ nơi ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi) cả trong đối-tượng lẫn chủ-thể liên quan với nhau, nên gọi là chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi) như sau:
– Khi nhãn-thức-tâm làm phận sự thấy đối-tượng sắc, thì chánh-kiến thấy đúng là nhãn-thức-tâm thấy.
– Khi nhĩ-thức-tâm làm phận sự nghe đối-tượng thanh, thì chánh-kiến thấy đúng là nhĩ-thức-tâm nghe.
– Khi tỷ-thức-tâm làm phận sự ngửi đối-tượng hương, thì chánh-kiến thấy đúng là tỷ-thức-tâm ngửi.
– Khi thiệt-thức-tâm làm phận sự nếm đối-tượng vị, thì chánh-kiến thấy đúng là thiệt-thức-tâm nếm.
– Khi thân-thức-tâm làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc, thì chánh-kiến thấy đúng là thân-thức-tâm xúc-giác.
– Khi ý-thức-tâm làm phận sự biết đối-tượng pháp, thì chánh-kiến thấy đúng là ý-thức-tâm biết.
– Khi thân đi hoặc sắc-đi, thì chánh-kiến thấy đúng theo thật-tánh của sắc-pháp là sắc-đi.
– Khi thân đứng hoặc sắc-đứng, thì chánh-kiến thấy đúng theo thật-tánh của sắc-pháp là sắc-đứng.
– Khi thân ngồi hoặc sắc-ngồi, thì chánh-kiến thấy đúng theo thật-tánh của sắc-pháp là sắc-ngồi.
– Khi thân nằm hoặc sắc-nằm, thì chánh-kiến thấy đúng theo thật-tánh của sắc-pháp là sắc-nằm, v.v…
Do chánh-kiến thấy đúng theo thật-tánh của danh-pháp, của sắc-pháp là:
– Danh-pháp chỉ là danh-pháp mà thôi.
– Sắc-pháp chỉ là sắc-pháp mà thôi.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp ấy là pháp-vô-ngã, nên không thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp ấy cho là ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…” làm nhân-duyên phát sinh các trí-tuệ thiền-tuệ tiếp theo.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa này thấy đúng, biết đúng theo thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), nên gọi là chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thanh-tịnh, là pháp thanh tịnh thứ nhất của pháp-hành thiền-tuệ.
Vai trò của trí-tuệ thứ nhất
Trong 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ, trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa có vai trò tối ư thiết yếu, bởi vì trí-tuệ thứ nhất này thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp, thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-lý của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới đều là khổ-đế.
Hành-giả có được trí-tuệ thứ nhất này như đã gặp được vị chân-sư đó là sắc-pháp, danh-pháp thật.
Từ nay, vị chân-sư sắc-pháp, danh-pháp trực tiếp chỉ dẫn cho các trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ:
– Thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.
– Trạng thái riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
– Sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp trong hiện-tại, quá-khứ, vị-lai.
– Ba trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại trong tam-giới.
– Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới dẫn dắt phát sinh 14 loại trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.
– Danh-pháp siêu-tam-giới đó là Niết-bàn dẫn dắt phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, thuộc về 9 siêu-tam-giới-pháp.
Như vậy, vị chân-sư sắc-pháp, danh-pháp chỉ dạy, dẫn dắt phát sinh 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới qua 2 giai đọan như sau:
– Giai đọan đầu: Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới chỉ dạy, dẫn dắt phát sinh từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāma-rūpaparicchedañāṇa tiếp tục theo tuần tự cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa có đối-tượng sắc-pháp hoặc đối-tượng danh-pháp tam-giới, gồm có 12 loại trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) chấm dứt phận sự của đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
– Giai đọan cuối: Đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới làm đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa, liền tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là maggañāṇa có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới liền tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là phalañāṇa có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Thật vậy, chỉ có hạt muối mới cho biết được vị mặn của muối mà thôi, cũng chỉ có trái chanh mới cho biết được vị chua của chanh mà thôi.
Cũng như vậy, chỉ có sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mới cho trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp; sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới mà thôi.
Ngoài sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp ra, không có một ai có khả năng cho biết trực tiếp sự-thật thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, v.v…
Cho nên, sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là đối-tượng thiết yếu trong pháp-hành thiền-tuệ.
Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho các trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇañāṇa: Trí-tuệ quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận được, và phiền-não còn lại chưa bị diệt tận được.
Như vậy, trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thứ nhì phát sinh, rồi trí-tuệ thứ nhì làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ ba phát sinh, tiếp tục trí-tuệ thiền-tuệ trước làm nhân-duyên cho trí-tuệ thiền-tuệ sau phát sinh, các trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā).
Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggahañāṇa của pháp-hành thiền-tuệ phát sinh tiếp theo.
2- Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên phát sinh trí-tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa này phát sinh do nương nhờ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpa-paricchedañāṇ làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
– Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa phát sinh, có khả năng thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp khác nhau, tuỳ theo quan điểm của mỗi hành-giả, nhưng chắc chắn đều có kết quả giống nhau là diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi về sự-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên trong của mình và bên ngoài mình, của người khác, chúng-sinh khác trong hiện-tại, quá-khứ, vị-lai.
Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa gồm có 5 từ :
Nāma, rūpa, paccaya, pariggaha, ñāṇa
– Nāma: Danh-pháp.
– rūpa: Sắc-pháp.
– paccaya: Nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp.
– pariggaha: Gom nhặt lại.
– ñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh.
Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp khác nhau.
Nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp
* Nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp
Số hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ thân (sắc-pháp) bắt đầu từ khi đầu thai vào lòng mẹ (như loài người, số loài súc-sinh) do 5 nhân-duyên-sinh là:
1- Avijjā: Vô-minh là không biết tứ Thánh-đế.
2- Taṇhā: Tham-ái là nhân dẫn dắt tái-sinh kiếp sau.
3- Upādāna: Chấp-thủ là cố chấp trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp.
4- Kamma: Nghiệp là đại-thiện-nghiệp, hoặc bất-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau.
5- Āhāra: Vật-thực là món ăn nuôi dưỡng sắc-thân.
Trong 5 nhân-duyên-sinh này, vô-minh, tham-ái, chấp-thủ, nghiệp là nhân, vật-thực là duyên hỗ trợ.
5 nhân-duyên này được phân chia ra 3 phận sự:
– Vô-minh, tham-ái, chấp-thủ là nhân, là nơi nương nhờ tái-sinh kiếp sau, ví như người mẹ là nơi nương nhờ để cho đứa con đầu thai, rồi sinh ra đời.
– Nghiệp đó là đại-thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp là nhân cho quả tái-sinh kiếp sau, ví như người cha hỗ trợ tạo nên đứa con, các con súc vật.
– Vật-thực là duyên hỗ trợ nuôi dưỡng sắc-thân phát triển, ví như người vú nuôi đứa trẻ trưởng thành.
Thân này (sắc-pháp) chỉ phát sinh do 5 nhân-duyên-sinh này mà thôi. Ngoài 5 nhân-duyên-sinh này ra, chắc chắn không có một ai có khả năng tạo nên sắc-thân này được.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi, bởi vì thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
* Nhân-duyên phát sinh mỗi danh-pháp
Mỗi danh-pháp nào phát sinh do hội đủ nhân-duyên riêng biệt của chính danh-pháp ấy như sau:
– Đối-tượng sắc (hình dạng) tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (mắt), khi hội đủ 2 nhân-duyên ấy, thì nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự thấy đối-tượng sắc.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 nhãn-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Nhãn-tịnh-sắc (mắt) tốt (không bị bệnh mù).
2- Đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc.
3- Ánh sáng đủ thấy được.
4- Ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng sắc.
Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy thì 2 nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự thấy đối-tượng sắc.
– Đối-tượng thanh (âm thanh) tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (tai), khi hội đủ 2 nhân-duyên ấy, thì nhĩ-thức-tâm phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng thanh.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 nhĩ-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Nhĩ-tịnh-sắc (tai) tốt (không bị bệnh điếc).
2- Đối-tượng thanh rõ ràng tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc.
3- Không gian không bị vật cản bao kín.
4- Ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng thanh.
Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy, thì 2 nhĩ-thức-tâm phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng thanh (âm thanh).
– Đối-tượng hương (các mùi) tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc (mũi), khi hội đủ 2 nhân-duyên ấy, thì tỷ-thức-tâm phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 tỷ-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Tỷ-tịnh-sắc (lỗ mũi) tốt (không bị bệnh).
2- Đối-tượng hương rõ ràng tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc.
3- Chất gió đưa mùi hương đến lỗ mũi.
4- Ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng hương.
Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy, thì 2 tỷ-thức-tâm phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương (các mùi).
– Đối-tượng vị (các vị) tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc (lưỡi) khi hội đủ 2 nhân-duyên ấy, thì thiệt-thức-tâm phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 thiệt-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Thiệt-tịnh-sắc (lưỡi) tốt (không bị bệnh).
2- Đối-tượng vị rõ ràng tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc.
3- Chất nước miếng.
4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng vị.
Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy thì 2 thiệt-thức-tâm phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị (các vị).
5- Đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, …) tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (thân), khi hội đủ 2 nhân-duyên ấy, thì thân-thức-tâm phát sinh làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 thân-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:
1- Thân-tịnh-sắc (thân) tốt (không bị bệnh bại liệt).
2- Đối-tượng xúc rõ ràng tiếp xúc với thân-tịnh-sắc.
3- Chất đất cứng, mềm.
4- Ngũ-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng xúc.
Khi hội đủ 4 nhân-duyên ấy thì 2 thân-thức-tâm phát sinh làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh).
6- Đối-tượng pháp tiếp xúc với hadayavatthurūpa; sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, khi ý-thức-tâm nào hội đủ nhân-duyên, thì ý-thức-tâm ấy phát sinh làm phận sự biết đối-tượng pháp ấy.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 75 ý-thức-tâm phát sinh do hội đủ 3 nhân-duyên:
1- Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.
2- Đối-tượng pháp ấy tiếp xúc với hadayavatthurūpa.
3- Ý-môn hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng pháp ấy.
Khi hội đủ 3 nhân-duyên của ý-thức-tâm nào thì ý-thức tâm ấy phát sinh làm phận sự biết đối-tượng pháp ấy.
Như vậy, mỗi danh-pháp phát sinh do hội đủ nhân-duyên của nó, nếu thiếu nhân-duyên nào thì danh-pháp ấy không thể phát sinh được.
Mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp phát sinh đều do nhân-duyên, nên mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, không do một ai có khả năng tạo ra một sắc-pháp nào, một danh-pháp nào được cả.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi trong mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, bởi vì trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
* Sắc-pháp có 4 nhân-duyên
Số hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ mỗi sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên là:
1- Kamma: Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là 25 nghiệp, ngoại trừ 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp và 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp.
Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là kammajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do nghiệp này trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm (khaṇacitta) kể từ khi tái sinh v.v…
2- Citta: Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là 75 tâm, (trừ 4 vô-sắc-giới quả-tâm).
Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là cittajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do tâm trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-sinh (uppādakkhaṇa) của tâm kể từ hộ-kiếp-tâm đầu tiên sau tái-sinh-tâm, v.v…
3- Utu: Thời tiết làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là sự lạnh, sự nóng bên trong và bên ngoài thân.
Thời tiết nóng, lạnh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là utujarūpa: Sắc-pháp phát sinh do nóng hoặc lạnh trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-trụ (ṭhitikhaṇa) của tâm kể từ tái-sinh-tâm, v.v…
4- Āhāra: Vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là chất bổ trong các món vật-thực đã dùng vào trong sắc-thân của chúng-sinh.
Vật thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật-thực trong sắc-thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm, …
Sắc-pháp phát sinh do tâm
Tứ-oai-nghi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
* Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đi
Oai-nghi đi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:
– Tâm nghĩ “đi”.
– Do tâm nghĩ đi, nên làm cho phát sinh chất gió.
– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân chuyển động.
– Toàn thân di chuyển bước đi mỗi tư thế đi, dáng đi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Vì vậy, gọi là “thân đi” hoặc “sắc-đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
* Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đứng
Oai-nghi đứng phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:
– Tâm nghĩ “đứng”.
– Do tâm nghĩ đứng, nên làm cho phát sinh chất gió.
– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
– Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Vì vậy, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc-đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
* Nhân-duyên phát sinh oai-nghi ngồi
Oai-nghi ngồi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:
– Tâm nghĩ “ngồi”.
– Do tâm nghĩ ngồi, nên làm cho phát sinh chất gió.
– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
– Toàn thân, thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Vì vậy, gọi là“thân ngồi” hoặc“sắc-ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
* Nhân-duyên phát sinh oai-nghi nằm
Oai-nghi nằm phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:
– Tâm nghĩ “nằm”.
– Do tâm nghĩ nằm nên làm cho phát sinh chất gió.
– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.
– Toàn thân nằm trên mặt phẳng theo mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.
Vì vậy, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc-nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
Các oai-nghi phụ quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… đều là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).
Đức-Phật ví: “Sắc-thân” ví như “chiếc xe”, “tâm” ví như “người lái xe”. Thật vậy, sắc-thân này gồm có 27 sắc-pháp hoàn toàn không biết 6 đối-tượng, chỉ có thể tiếp nhận được 6 đối-tượng làm duyên để cho tâm phát sinh mà thôi.
Chiếc xe gồm có các bộ phận ráp lại với nhau không thể chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, ngừng lại, v.v… Sở dĩ chiếc xe có thể chạy mau, chạy chậm, rẽ phải, rẽ trái, ngừng lại, v.v… là do người lái xe điều khiển.
Cũng như vậy, sắc-thân này không thể đi, đứng, ngồi, nằm, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v…
Sở dĩ sắc-thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… là do tâm điều khiển.
Nếu trường hợp thiếu một nhân-duyên nào thì sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm,… không thể phát sinh được.
Ví dụ: Một người bị bệnh tê liệt, dù tâm của họ muốn đi, đứng, ngồi, nằm, v.v… như người bình thường cũng không thể được, bởi vì chất gió (vāyodhātu) trong thân thể của họ không đủ năng lực làm cử động toàn thân với chất đất (pathavīdhātu) và chất nước (āpodhātu) nặng nề trong thân thể của họ được.
Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa làm nền tảng với paccakkhañāṇa: Trí-tuệ trực tiếp thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại bên trong của mình (ajjhatta) như thế nào, và với anumānañāṇa: Trí-tuệ gián tiếp biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, chúng-sinh khác cũng như thế ấy.
Hơn nữa trí-tuệ thứ nhì này còn có khả năng thấy rõ, biết rõ mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong hiện-tại phát sinh do nhân-duyên như thế nào, thì mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong quá-khứ, trong vị-lai cũng phát sinh do nhân-duyên như thế ấy.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi, bởi vì thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong hiện-tại như thế này làm nền tảng, với anumānañāṇa: Trí-tuệ gián tiếp biết rõ rằng: “Dù mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong thời quá-khứ, trong thời vị-lai cũng do nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp cũng như thế ấy” nên diệt được 16 điều hoài-nghi như sau:
* Diệt 5 điều hoài-nghi trong thời quá-khứ
1- Trong quá-khứ ta đã có hay không?
2- Trong quá-khứ ta đã không có phải không?
3- Trong quá-khứ ta đã là gì?
4- Trong quá-khứ ta đã là thế nào?
5-Trong quá-khứ ta đã là thế nào, đến đây như thế này?
* Diệt 5 điều hoài-nghi trong thời vị-lai
1- Trong thời vị-lai ta sẽ có hay không?
2- Trong thời vị-lai ta sẽ không có phải không?
3- Trong thời vị-lai ta sẽ là gì?
4- Trong thời vị-lai ta sẽ là thế nào?
5- Trong thời vị-lai ta sẽ là thế nào, sau kiếp này?
* Diệt 6 điều hoài-nghi trong thời hiện-tại
1- Trong thời hiện-tại ta có hay không?
2- Trong thời hiện-tại ta không có phải không?
3- Trong thời hiện-tại ta là gì?
4- Trong thời hiện-tại ta là thế nào?
5- Ta từ đâu đến đây?
6- Rồi sau khi ta chết, sẽ đi đâu?
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì này phát sinh thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong hiện-tại, nên diệt được 16 điều hoài nghi này.
Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thứ nhì phát sinh, thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp với nhiều đối-tượng khác nhau, nhưng chắc chắn đều có kết quả giống nhau là trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tâm hoài-nghi về nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, hoặc thoát ly khỏi sự hoài-nghi về nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, danh-pháp trong thời hiện-tại, cả trong thời quá-khứ và trong thời vị-lai nữa.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhā-vitaraṇavisuddhi: Trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, là pháp-thanh-tịnh thứ 4, cũng là pháp-thanh-tịnh thứ nhì của pháp-hành thiền-tuệ, nên diệt-từng-thời (tadaṅ-gappahāna) được tâm hoài-nghi về nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, hoặc thoát ly khỏi sự hoài-nghi về nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, danh-pháp.
Trí-tuệ thứ nhì này chưa có khả năng diệt tận được (samucchedappahāna) tâm hoài-nghi.
Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi: Trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, cũng gọi là dhammaṭṭhitiñāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ vững vàng thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-sinh, hoặc gọi là yathābhūtañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp, hoặc gọi là sammādassana: Chánh-kiến thấy đúng theo chánh-pháp.
Trí-tuệ thứ nhất māmarūpaparicchedañāṇa và trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa thuộc về nātapariññā: Trí-tuệ có khả năng thấy rõ, biết rõ trạng-thái riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Quả của 2 trí-tuệ đầu của pháp-hành thiền-tuệ
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ theo tuần tự như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải chúng-sinh nào cả,… nên có chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thanh-tịnh, cũng là pháp-thanh-tịnh thứ nhất của pháp-hành thiền-tuệ, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến (chưa diệt tận được tà-kiến).
– Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại bên trong của mình (ajjhatta) với paccakkhañāṇa: Trí-tuệ trực-tiếp như thế nào, và với anumānañāṇa: Trí-tuệ gián-tiếp biết rõ nhân-duyên phát sinh mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, của chúng-sinh khác, thậm chí tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại, quá-khứ, vị-lai phát sinh cũng do nhân-duyên của chúng cũng như thế ấy.
Cho nên, trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ tư gọi là kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, là pháp-thanh-tịnh thứ nhì của pháp-hành thiền-tuệ, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được hoài-nghi (chưa diệt tận được hoài-nghi).
Tiểu-nhập-lưu Cūḷasotāpanna
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhất phát sinh, đạt đến chánh-kiến thanh-tịnh, nên diệt-từng-thời được tà-kiến nơi ngũ-uẩn, tiếp theo trí-tuệ thứ nhì phát sinh, đạt đến trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, nên diệt-từng-thời được hoài-nghi trong mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Như vậy, hành-giả có 2 trí-tuệ đầu (trong 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ ) của pháp-hành thiền-tuệ: Trí-tuệ thứ nhất và trí-tuệ thứ nhì đạt đến 2 pháp-thanh-tịnh có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến và hoài-nghi, nên hành-giả được gọi là cūḷasotāpanna: Tiểu-nhập-lưu. Cūḷasotāpanna vẫn còn là hạng thiện-trí phàm-nhân, chưa phải là bậc Thánh Nhập-lưu, bởi vì hành-giả chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, chưa diệt tận được (samucchedappahāna) được tà-kiến và hoài-nghi.
Hành-giả vẫn là người có giới hạnh trong sạch, có định tâm vững vàng, vẫn duy trì thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như vậy, nếu kiếp hiện-tại chưa trở thành Thánh-nhân bậc nào thì sau khi hành-giả ấy chết sẽ không bị sa đọa trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ có đại-thiện-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới: Cõi người hoặc cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.
Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa phát sinh tiếp theo.
3- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 Sammasanañāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 gọi là sammasanañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 này phát sinh do nương nhờ trí-tuệ thứ nhất và trí-tuệ thứ nhì làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
– Trí-tuệ thứ nhì thấy rõ, biết rõ sự sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-sinh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 là tổng hợp 2 loại trí-tuệ trên làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 gọi là sammasanañāṇa : Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên đặc biệt thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
Sammasanañāṇa gồm có 2 từ: Sammasana, ñāṇa.
– Sammasana: Biết thấu suốt.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ.
– Sammasanañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của các đối-tượng thiền-tuệ từng phần, mỗi phần có số pháp, mỗi pháp có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã mà mỗi trạng-thái của mỗi pháp là mỗi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Trong Visuddhimagga, phần Sammasanañāṇa có phân loại ra 23 phần là 5 uẩn, 6 môn, 6 đối-tượng, 6 thức, v.v… gồm có 201 pháp, mỗi pháp có 11 loại thành 2211 loại, mỗi loại có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, mỗi trạng-thái-chung là mỗi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3.
Như vậy, gồm có 6633 loại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Ví dụ: Ngũ-uẩn có 5 uẩn, mỗi uẩn có 11 loại:
Sắc-uẩn có 11 loại là sắc-uẩn quá-khứ, vị-lai, hiện-tại, bên trong hoặc bên ngoài, thô hoặc vi-tế, thấp hèn hoặc cao quý, xa hoặc gần.
Cũng như vậy, thọ-uẩn có 11 loại, tưởng-uẩn có 11 loại, hành-uẩn có 11 loại, thức-uẩn có 11 loại.
Như vậy, ngũ-uẩn gồm có 55 loại.
Phương pháp thực-hành đối-tượng thiền-tuệ ngũ-uẩn theo 11 loại
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng thiền-tuệ là ngũ-uẩn, mỗi uẩn có 11 loại, mỗi loại có sự diệt, nên có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, mỗi trạng-thái-chung là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 Sammasanañāṇa.
* Sắc-uẩn có 11 loại trạng-thái vô-thường
1- Sắc-uẩn nào trong quá-khứ, sắc-uẩn ấy đã diệt trong quá-khứ, không còn sót lại đến hiện-tại. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
2- Sắc-uẩn nào trong vị-lai, sắc-uẩn ấy sẽ diệt trong vị-lai, không còn sót lại đến sắc sau khác. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
3- Sắc-uẩn nào trong hiện-tại, sắc-uẩn ấy diệt trong hiện-tại, không còn sót lại đến vị-lai. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
4- Sắc-uẩn nào thuộc về bên trong, sắc-uẩn ấy diệt ngay bên trong, không còn sót lại đến sắc bên ngoài. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
5- Sắc-uẩn nào thuộc về bên ngoài, sắc-uẩn ấy diệt ngay bên ngoài, không còn sót lại đến sắc bên trong. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
6- Sắc-uẩn nào thuộc về loại thô, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại thô, không còn sót lại đến sắc loại vi-tế. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
7- Sắc-uẩn nào thuộc về loại vi-tế, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại vi-tế, không còn sót lại đến sắc loại thô. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
8- Sắc-uẩn nào thuộc về thấp hèn, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại thấp hèn, không còn sót lại đến sắc loại cao quý. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
9- Sắc-uẩn nào thuộc về cao thượng, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại cao quý, không còn sót lại đến sắc loại thấp hèn. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
10- Sắc-uẩn nào thuộc về loại xa, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại xa, không còn sót lại đến sắc loại gần. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
11- Sắc-uẩn nào thuộc về loại gần, sắc-uẩn ấy diệt ngay khi sắc loại gần, không còn sót lại đến sắc loại xa. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-thường, bởi vì diệt mất.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Cũng như trên,
* Sắc-uẩn có 11 loại trạng-thái khổ
– Sắc-uẩn nào trong quá-khứ, sắc-uẩn ấy đã diệt trong quá-khứ, không còn sót lại đến hiện-tại. Vì vậy, sắc-uẩn ấy có trạng-thái khổ, vì đáng kinh sợ.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Cũng như vậy, sắc-uẩn có 11 loại trạng-thái khổ, vì đáng kinh sợ.
* Sắc-uẩn có 11 loại trạng-thái vô-ngã
– Sắc-uẩn nào trong quá-khứ, sắc-uẩn ấy đã diệt trong quá-khứ, không còn sót lại đến hiện-tại. Vì vậy sắc-uẩn ấy có trạng-thái vô-ngã, vì vô dụng.
Đó là 1 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Cũng như vậy, sắc-uẩn có 11 loại trạng-thái vô-ngã, vì vô dụng.
Như vậy, sắc-uẩn có 11 loại, mỗi loại có 3 trạng-thái-chung gồm có tất cả là 33 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Cũng như vậy,
– Thọ-uẩn có 11 loại cũng có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, gồm có tất cả là 33 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
– Tưởng-uẩn có 11 loại cũng có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, gồm có tất cả là 33 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
– Hành-uẩn có 11 loại cũng có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, gồm có tất cả là 33 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
– Thức-uẩn có 11 loại cũng có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, gồm có tất cả là 33 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Như vậy, 5 uẩn gồm có 165 trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
Phương pháp thực-hành đối-tượng thiền-tuệ ngũ-uẩn ngũ-uẩn theo 40 trạng-thái
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng thiền-tuệ là ngũ-uẩn có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
Nếu khai triển 3 trạng-thái-chung thì có 40 trạng-thái chi-tiết, để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa được vững chắc.
– Trạng-thái vô-thường có 10 trạng-thái chi-tiết.
– Trạng-thái khổ có 25 trạng-thái chi-tiết.
– Trạng-thái vô-ngã có 5 trạng-thái chi-tiết.
Gồm có 40 trạng-thái chi-tiết .
* Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường có 10 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa, mà hành-giả thực-hành như sau:
1- Aniccato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái vô-thường, vì mỗi uẩn không tồn tại lâu.
2- Palokato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái tiêu hoại, vì mỗi uẩn bị hoại do bệnh hoạn, già, chết.
3- Calato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái biến đổi, vì mỗi uẩn bị biến đổi do bệnh, già, chết.
4- Pabhaṅguto: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái tan rã, vì mỗi uẩn bị tan rã do nguyên nhân bên ngoài và trạng-thái bên trong ngũ-uẩn.
5- Addhuvato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái không bền vững, vì mỗi uẩn không vững chắc.
6- Vipariṇāmadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái biến đổi là thường, vì thường bị biến đổi do sự già, sự chết.
7- Asārakato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái vô dụng, không cốt lõi, vì yếu, dễ mục nát như gỗ mục.
8- Vibhavato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái bị suy, vì không phát triển được.
9- Saṅkhatato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái bị cấu tạo, vì do nhân-duyên tạo nên.
10- Maraṇadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái huỷ diệt, chết là thường, vì có sự chết là thường.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, hiện rõ trạng-thái vô-thường với 10 trạng-thái vô-thường chi-tiết tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
* Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ có 25 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasana-ñāṇa, mà hành-giả thực-hành như sau:
1- Dukkhato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ khó chịu, vì sinh rồi diệt liên tục luôn luôn hành hạ, ngũ-uẩn là nơi phát sinh mọi sự khổ.
2- Rogato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ như bệnh tật, vì luôn luôn phải chăm sóc như người bệnh, là nơi phát sinh các thứ bệnh.
3- Gaṇḍato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ như ung nhọt, vì thường chảy ra những đồ dơ bẩn, nơi phát sinh mọi phiền-não, có sự lão, bệnh, tử.
4- Sallato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ như mũi tên độc, vì làm cho đau đớn do mọi phiền-não đâm bên trong, khó nhổ bỏ ra được.
5- Aghato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái bất hạnh, vì đem lại sự suy thoái.
6- Ābādhato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái bệnh hoạn, ốm đau, vì không được khỏe, và nguyên nhân phát sinh mọi bệnh tật.
7- Ītito: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái suy đồi, vì đem lại những điều thiệt hại lớn.
8- Upaddavato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ tai nạn, vì đem lại những điều bất lợi, và là nơi xảy ra mọi tai họa.
9- Bhayato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ đáng kinh sợ, vì là nơi phát sinh mọi điều đáng sợ làm cho khổ tâm lo sợ.
10- Upasaggato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ cản trở, vì có những điều trở ngại cản trở.
11- Atāṇato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ không có nơi bảo hộ, vì không bảo hộ được.
12- Aleṇato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ không có nơi ẩn náu, vì không có nơi an toàn.
13- Asaraṇato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ không nơi nương nhờ, vì không có nơi an toàn.
14- Ādīnavato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ nhiều tội chướng, vì khổ trong kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
15- Aghamūlato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái nguồn gốc của khổ đau, vì là nguồn gốc của mọi sự tội lỗi.
16- Vadhakato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ như kẻ sát hại, vì người sát hại là người mình tin cậy như người bạn thân.
17- Sāsavato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái có phiền-não trầm luân, vì là con đường đi đến khổ trầm luân.
18- Mārāmisato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ là mồi của Māra, vì là mồi của tử thần và phiền-não.
19- Jātidhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ sinh là thường, vì có sự tái-sinh kiếp sau là thường.
20- Jarādhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ già là thường, vì có sự già là thường.
21- Byādhidhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ bệnh là thường, vì có bệnh là thường.
22- Sokadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ sầu não là thường, vì có sầu não là thường.
23- Paridevadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ than khóc là thường, vì có sự than khóc là thường.
24- Upāyāsadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái nỗi thống khổ cùng cực, vì có nỗi thống khổ cùng cực là thường.
25- Saṃkilesikadhammato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, có trạng-thái khổ do phiền-não làm ô nhiễm, vì tham ái làm ô nhiễm là thường.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên hiện rõ trạng-thái khổ với 25 trạng-thái khổ chi tiết tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
* Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã có 5 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 samma-sanañāṇa, mà hành-giả thực-hành như sau:
1- Anattato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên có trạng-thái vô-ngã, không phải ta, bởi vì không có ai làm chủ.
2- Parato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên có trạng-thái khác lạ, bởi vì không có quyền lực điều hành được.
3- Rittato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên có trạng-thái trống không, bởi vì không có thường, lạc, ngã, tịnh như thấy sai, chấp lầm.
4- Tucchato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên có trạng-thái rỗng không, bởi vì không có cốt lõi.
5- Suññato: Hành-giả thực-hành có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên có trạng-thái hoàn toàn không, bởi vì không phải ta, không phải của ta, không có ai làm chủ, không chiều theo ý muốn của ai.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, nên hiện rõ trạng-thái vô-ngã với 5 trạng-thái vô-ngã chi tiết tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
Sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên
Sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên là nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu), vật thực (āhāra).
– Sắc-pháp phát sinh do nghiệp gọi là kammajarūpa.
– Sắc-pháp phát sinh do tâm gọi là cittajarūpa.
– Sắc-pháp phát sinh do thời tiết gọi là utujarūpa.
– Sắc-pháp phát sinh do vật thực gọi là āhārajarūpa.
Theo bộ Vi-Diệu-Pháp Yếu-Nghĩa giảng giải trong phần Rūpasamuṭṭhānanaya: Pháp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp có 4 pháp như sau:
1- Kamma: Nghiệp chỉ có 25 nghiệp đã tạo trong kiếp quá-khứ hoặc kiếp hiện-tại đó là 12 bất-thiện-nghiệp, 8 dục-giới-đại-thiện-nghiệp, 5 sắc-giới-thiện-nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là kammajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do nghiệp.
Ngoài 25 nghiệp ấy ra, còn lại 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp và siêu-tam-giới thiện-nghiệp không làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp.
Kammajarūpa: Sắc phát sinh do nghiệp có 18 sắc-pháp là:
– Pasādarūpa: 5 tịnh-sắc: Nhãn-tịnh-sắc, nhĩ-tịnh-sắc, tỷ-tịnh-sắc, thiệt-tịnh-sắc, thân-tịnh-sắc.
– Bhavarūpa: 2 sắc-tính: Sắc-nam-tính, sắc-nữ-tính.
– Hadayarūpa: 1 sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm.
– Jīvitarūpa: 1 sắc-mạng-chủ.
– Avinibbhogarūpa: 8 sắc-pháp bất-phân-tách (đất, nước, lửa, gió, sắc, hương, vị, vật-thực).
– Paricchedarūpa: 1 sắc-chân-không.
Sắc-pháp phát sinh do nghiệp trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm (khaṇacitta) kể từ khi tái-sinh,..
2- Citta: Tâm chỉ có 75 tâm đó là 12 bất-thiện-tâm, 8 vô-nhân-tâm (trừ 10 thức-tâm), 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-quả-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 15 sắc-giới-tâm, 8 vô-sắc-giới-tâm (trừ 4 vô-sắc-giới quả-tâm), 8 siêu-tam-giới-tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là cittajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do tâm.
Ngoại trừ 14 tâm: 10 thức-tâm và 4 vô-sắc-giới quả-tâm, bởi vì không làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp và các quả-tâm khi làm phận sự tái-sinh kiếp sau và tử-tâm của bậc Thánh A-ra-hán cũng không làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp.
Cittajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do tâm có 15 sắc-pháp là:
– Saddarūpa: 1 sắc-âm-thanh.
– Viññattirūpa: 2 sắc-cử động: Thân-cử-động, khẩu-cử-động.
– Vikārarūpa: 3 sắc-biến chuyển: Sắc-nhẹ-nhàng, sắc-mềm-mại, sắc-uyển-chuyển.
– Avinibbhogarūpa: 8 sắc-bất-phân-tách.
– Paricchedarūpa: 1 sắc-chân-không.
Sắc-pháp phát sinh do tâm trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na sinh (uppādakkhaṇa) của tâm kể từ hộ-kiếp-tâm đầu tiên sau tái-sinh-tâm, v.v…
3- Utu: Thời tiết đó là khí lạnh (sītatejo), khí nóng (uṇhatejo) ở bên trong và bên ngoài thân của chúng-sinh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là utujarūpa: Sắc-pháp phát sinh do nóng hoặc lạnh.
Utujarūpa: Sắc-pháp phát sinh do thời tiết có 13 sắc-pháp là:
– Saddarūpa: 1 sắc-âm-thanh.
– Vikārarūpa: 3 sắc-biến-chuyển: Sắc-nhẹ-nhàng, sắc-mềm-mại, sắc-uyển-chuyển.
– Avinibbhogarūpa: 8 sắc-bất-phân-tách.
– Paricchedarūpa: 1 sắc-chân-không.
Khí lạnh, khí nóng ở bên trong thân của chúng-sinh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp.
Sắc-pháp phát sinh do lạnh hoặc nóng trong mỗi sát-na-trụ (ṭhitikhaṇa) của tâm kể từ tái-sinh-tâm, v.v… Còn thời tiết lạnh, nóng ở bên ngoài tiếp xúc với thân của chúng-sinh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp lạnh hoặc nóng tiếp tục không ngừng.
4- Āhāra: Vật-thực đó là ojā: Chất bổ trong các món ăn thức uống, và chất bổ trong các thứ thuốc bổ đã dùng vào trong thân, làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực.
Āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực có 12 sắc-pháp là:
– Vikārarūpa: 3 sắc-biến chuyển: Sắc-nhẹ-nhàng, sắc-mềm-mại, sắc-uyển-chuyển.
– Avinibbhogarūpa: 8 sắc-bất-phân-tách.
– Paricchedarūpa: 1 sắc-chân-không.
Vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp đó là ojā: Chất bổ có 2 loại:
– Bahiddha ojā: Chất bổ bên ngoài đó là chất bổ trong các món ăn thức uống, các thứ thuốc bổ, …
– Ajjhatta ojā: Chất bổ bên trong thân có 2 loại:
– Kammaja ojā: Chất bổ phát sinh do thiện-nghiệp.
– Utuja ojā: Chất bổ phát sinh do thời tiết.
Hai loại ojā chất bổ này phát sinh trong thân của chúng-sinh, làm phận sự hỗ trợ cho āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực gọi là upathambhakasatti.
Còn Bahiddha ojā: Chất bổ bên ngoài làm phận sự trực tiếp để cho āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực gọi là janakasatti.
Trong 2 loại ojā: Kammaja ojā và utuja ojā, thì kam-maja ojā có vai trò quan trọng hỗ trợ cho āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực hơn utuja ojā.
Āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp suốt mỗi sát-na-tâm.
Trong bộ Visuddhimagga giảng giải rằng:
– Đối với con người trong cõi người dùng đồ ăn thức uống đầy đủ chất bổ một lần có khả năng duy trì sắc-thân suốt 7 ngày.
– Đối với chư-thiên cõi trời dục-giới dùng vật thực cõi trời một lần có khả năng duy trì sắc-thân suốt 1- 2 tháng.
Chất bổ (ojā) trong vật thực đã dùng vào trong bụng kết hợp với kammaja ojā trong thân của con người, hỗ trợ cho āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật-thực suốt 7 ngày trong cõi người. Còn chất bổ (ojā) trong vật-thực cõi trời tiếp xúc với thân của chư-thiên, hỗ trợ cho āhārajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do vật thực suốt 1 hoặc 2 tháng trong cõi trời dục-giới.
Đó là sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên: Nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu), vật thực (āhāra); thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp ấy.
Sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa)
Ví dụ: Iriyāpatha: Tứ-oai-nghi
Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, và các oai-nghi phụ gồm các cử động của thân như bước tới trước, bước lui sau, co tay vào, duỗi tay ra, co chân vào, duỗi chân ra, quay bên phải, quay bên trái, nhìn bên phải, nhìn bên trái, v.v…
Tứ-oai-nghi và các oai-nghi phụ của thân đều là sắc-pháp phát sinh do tâm, gọi là cittajarūpa.
Cittajarūpa: Sắc-pháp phát sinh do tâm. Tâm gồm có 75 tâm có khả năng làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp.
– Sắc-pháp tứ-oai-nghi và các oai-nghi phụ phát sinh chỉ có do 32 tâm mà thôi, đó là:
– Manodvāravajjanacitta: 1 ý-môn-hướng-tâm.
– Kāmajavanacitta: 29 dục-giới tác-hành-tâm: 12 bất-thiện-tâm, 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 1 tiếu-sinh-tâm, và 2 thần-thông-tâm (abhiññācitta).
Trong 32 tâm này, tâm nào cũng có khả năng làm nhân-duyên phát sinh 4 oai-nghi hoặc các oai-nghi phụ đều là sắc-pháp phát sinh do tâm ấy.
Thực-hành pháp-hành thiền-tuệ
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ sự diệt
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm gọi là sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp tứ-oai-nghi.
1- Oai-nghi đi gọi là sắc-đi
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đi đó là tư thế đi, dáng đi toàn thân di chuyển bước đi một cách tự nhiên theo mỗi sự biến chuyển như sau:
– Toàn thân dở chân lên (uddharaṇa) chưa kịp bước tới (atiharaṇa) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân dở chân lên, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi.
– Toàn thân bước tới (atiharaṇa) chưa kịp dời chân (vītiharaṇa) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân bước tới, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi.
– Toàn thân dời chân (vītiharaṇa) chưa kịp đặt chân xuống (vossajjana) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân dời chân, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi.
– Toàn thân đặt chân xuống (vossajjana) chưa kịp đạp chân (sannikkhepana) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân đặt chân xuống, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi.
– Toàn thân đạp chân (sannikkhepana) chưa kịp đè chân (sannirumbhana) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân đạp chân, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi.
Như vậy, mỗi khi dáng đi cũ bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang đến dáng đi mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đi ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đi ấy.
Tứ đại: Đất, nước, lửa, gió trong sắc-đi
– Khi toàn thân dở chân lên, thì địa-đại và thủy-đại có năng lực ít và yếu, còn hỏa-đại và phong-đại có năng lực nhiều và mạnh.
– Khi toàn thân bước tới và khi dời chân cũng giống như toàn thân dở chân lên, thì địa-đại và thủy-đại có năng lực ít và yếu, còn hỏa-đại và phong-đại có năng lực nhiều và mạnh.
– Khi toàn thân đặt chân xuống, thì hỏa-đại và phong-đại có năng lực ít và yếu, còn địa-đại và thủy-đại có năng lực nhiều và mạnh.
– Khi toàn thân đạp chân xuống và khi đè chân cũng giống như toàn thân đặt chân xuống, thì hỏa-đại và phong-đại có năng lực ít và yếu, còn địa-đại và thủy-đại có năng lực nhiều và mạnh, …
Cho nên, khi toàn thân dở chân lên, các sắc-pháp nương nhờ nơi tứ-đại ấy chưa kịp bước tới (atiharaṇa) thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp toàn thân dở chân lên và các sắc-pháp nương nhờ nơi tứ-đại ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp sắc-đi ấy.
2- Oai-nghi đứng gọi là sắc-đứng
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng một cách tự nhiên. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng như sau:
– Khi dáng đứng ấy bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang dáng đứng mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của dáng đứng cũ ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-đứng ấy.
Như vậy, mỗi khi dáng đứng cũ bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang đến dáng đứng mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đứng ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ trạng-thái vô-ngã của sắc-đứng ấy.
3- Oai-nghi ngồi gọi là sắc-ngồi
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi, thân phần trên ngồi thẳng, thân phần dưới ngồi co theo mỗi dáng ngồi một cách tự nhiên.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi toàn thân ngồi một cách tự nhiên như sau:
– Khi dáng ngồi ấy bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang dáng ngồi mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của dáng ngồi cũ ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-ngồi ấy.
Như vậy, mỗi khi dáng ngồi cũ bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang đến dáng ngồi mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-ngồi ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-ngồi ấy.
4- Oai-nghi nằm gọi là sắc-nằm
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm toàn thân nằm thẳng trên mặt phẳng một cách tự nhiên.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm toàn thân nằm thẳng trên mặt phẳng một cách tự nhiên như sau:
– Khi dáng nằm ấy bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang dáng nằm mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của dáng nằm cũ ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-nằm ấy.
Như vậy, mỗi khi dáng nằm cũ bắt đầu biến chuyển chưa kịp sang đến dáng nằm mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-nằm ấy, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-nằm ấy.
Phương pháp diệt diṭṭhi, māna, nikanti
Trong bộ Visuddhimagga, phần sammasanañāṇa-kathā giảng dạy phương pháp diệt diṭṭhi, māna, nikanti:
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp làm nền tảng, hành-giả thực-hành phương pháp diệt diṭṭhi (tà-kiến), māna (ngã-mạn), nikanti (tham-ái) bằng nhiều cách như sau:
– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa chỉ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp mà thôi, không thấy gì khác gọi là ta, người, chúng-sinh, … nên diệt được sattasaññā: Tưởng lầm chúng-sinh, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, không tưởng lầm chúng-sinh, nên tà-kiến không phát sinh nghĩa là thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã (diṭṭhi ugghāṭitā).
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp,của danh-pháp, khi thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã, nên ngã-mạn không phát sinh nghĩa là tách rời ra khỏi ngã-mạn (māno samugghāṭito).
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, khi tách rời ra khỏi ngã-mạn, nên tham-ái không phát sinh nghĩa là làm kiệt lực tham-ái (nikanti pariyādiṇṇā).
Phân biệt chưa diệt và đã diệt diṭṭhi, māna, nikanti
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa đã phát sinh, để nhận thức biết rằng: Hành-giả diệt được diṭṭhi, māna, nikanti hay chưa? Bằng cách kiểm tra lại tâm của hành-giả như sau:
– Nếu hành-giả còn chấp-thủ rằng:
“Ahaṃ vipassāmi, mama vipassanā.”
Ta thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, hoặc trí-tuệ thiền-tuệ ấy là của ta.
Như vậy, hành-giả chưa thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã.
– Nếu hành-giả khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 samma-sanañāṇa thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 đã thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã rồi (diṭṭisamugghāṭanaṃ nāma).
– Nếu hành-giả còn chấp-thủ rằng:
“Suṭṭhu vipassāmi, manāpaṃ vipassāmi.”
Ta thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp thật là quý hóa quá! Hoặc ta thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp thật là đáng hài lòng quá!
Như vậy, hành-giả chưa tách rời ra khỏi ngã-mạn.
– Nếu hành-giả khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 samma-sanañāṇa thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 đã tách rời ra khỏi ngã-mạn rồi (mānasamugghāṭo nāma).
– Nếu hành-giả còn chấp-thủ rằng:
“Vipassituṃ sakkomi.”
Ta có thể thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái-khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
Như vậy, hành-giả chưa làm kiệt lực được tham-ái.
– Nếu hành-giả khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 samma-sanañāṇa thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, thì gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 đã làm kiệt lực được tham-ái (nikantipariyādānaṃ nāma).
Tư duy ngăn cản diṭṭhi, māna, nikanti
– Nếu tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp là ta (ngã) thì chấp-thủ là ta (ngã) cũng nên, nhưng sự-thật thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là pháp-vô-ngã, không phải là ngã, là ta. Cho nên, tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp đều có trạng-thái vô-ngã, bởi vì không theo quyền lực của ai, không chiều theo ý muốn của ai; có trạng-thái vô-thường, bởi vì sinh rồi diệt, có rồi không, có trạng-thái khổ, bởi vì sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ.
Như vậy, nên diṭṭhi ugghāṭitā: Thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã.
– Nếu tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp là thường tồn lâu dài thì chấp-thủ là thường cũng nên, nhưng sự-thật thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là vô-thường, không phải là thường. Cho nên, tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp đều có trạng-thái vô-thường, bởi vì sinh rồi diệt, có rồi không; có trạng-thái khổ, bởi vì sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ; có trạng-thái vô-ngã, bởi vì không theo quyền lực của ai, không chiều theo ý muốn của ai.
Như vậy, nên māno samugghāṭito tách rời ra khỏi ngã-mạn.
– Nếu tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp là lạc thì chấp-thủ là lạc cũng nên, nhưng sự-thật thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là khổ, không phải là lạc. Cho nên, tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp đều có trạng-thái khổ, bởi vì sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ; có trạng-thái vô-thường, bởi vì sinh rồi diệt, có rồi không, có trạng-thái vô-ngã, bởi vì không theo quyền lực của ai, không chiều theo ý muốn của ai.
Như vậy, nên nikantipariyādānaṃ làm kiệt lực tham-ái.
Cho nên, 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, ngăn cản được tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái như sau:
– Nếu khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thường thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp thì thoát ra khỏi tà-kiến chấp-ngã.
Để diệt tận được tà-kiến thì chỉ có Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ mà thôi. Cho nên, bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến nữa.
– Nếu khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thường thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp thì tách rời ra khỏi ngã-mạn.
– Nếu khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thường thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp thì làm kiệt lực được tham-ái.
Để diệt tận được ngã-mạn và tham-ái thì chỉ có A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ mà thôi. Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được ngã-mạn, mọi tham-ái, mọi phiền-não, mọi ác-pháp không còn dư sót nữa.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa được tóm lược như sau:
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp theo 11 loại là sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, vị-lai, hiện-tại, bên trong, bên ngoài, thô, vi-tế, thấp hèn, cao quý, gần, xa đều có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, bởi vì sinh rồi diệt, có rồi không.
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ, bởi vì sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ.
– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã, bởi vì không theo quyền lực của ai, không chiều theo ý muốn của ai.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
– Sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp trong quá-khứ không sót lại sắc-pháp, danh-pháp trong hiện-tại.
– Sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp trong hiện-tại, không sót lại sắc-pháp, danh-pháp trong vị-lai.
Sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai có liên quan với nhau do nhân-duyên.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp cũ diệt liền danh pháp, sắc-pháp mới sinh.
Ví dụ: Oai-nghi ngồi là sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi bắt đầu thay đổi dáng ngồi cũ sang dáng ngồi mới, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa thấy rõ, biết rõ dáng ngồi cũ diệt mà dáng ngồi mới chưa hoàn thành.
Đó là tính chất của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 samma-sanañāṇa đang còn non yếu, nên chỉ có khả năng thấy rõ, biết rõ sắc-ngồi cũ diệt mà chưa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự diệt của những cử động của thân biến chuyển tuần tự sang sắc-ngồi mới, do thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-ngồi cũ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-ngồi cũ ấy.
Như vậy, dù trí-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa này chưa được chính thức gọi là trí-tuệ thiền-tuệ mà vẫn được ghép vào loại trí-tuệ thiền-tuệ đầu tiên (thứ nhất) trong 10 loại trí-tuệ thiền-tuệ, cũng gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 trong 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa cũng được ghép vào pháp-thanh-tịnh thứ 5 gọi là maggāmaggañāṇa-dassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến thanh-tịnh.
Nguyên nhân nào làm cho trí-tuệ thiền-tuệ không phát triển?
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, sau khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa đã phát sinh, nhưng chưa có khả năng phát triển lên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayānupassanāñāṇa, v.v… là do 5 pháp indriya: 5 pháp-chủ còn non yếu.
Indriya: Pháp-chủ có 5 pháp là:
– Saddhindriya: Tín-pháp-chủ.
– Vīriyindriya: Tấn-pháp-chủ.
– Satindriya: Niệm-pháp-chủ.
– Samādhindriya: Định-pháp-chủ.
– Paññindriya: Tuệ-pháp-chủ.
Để cho 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ được tăng thêm nhiều năng lực, hành-giả cần phải thực-hành 9 pháp-hỗ-trợ cho 5 pháp-chủ.
Pháp-hỗ-trợ 5 pháp-chủ có 5 pháp
1- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 thường thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt.
2- Thường tinh-tấn thấy rõ, biết rõ sự diệt như vậy, một cách kiên trì.
3- Thường tinh-tấn thấy rõ, biết rõ sự diệt như vậy, một cách liên tục không ngừng.
4- Hành-giả nên có đầy đủ 7 nơi thuận lợi và tránh xa 7 nơi bất lợi.
5- Thường tinh-tấn hướng tâm đến đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.
6- Thực-hành 7 pháp-giác-chi (bojjhaṅga) thích ứng với mỗi trường hợp, để trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 tăng trưởng tốt.
7- Thường tinh-tấn thực-hành như vậy, không màng đến thân và sinh mạng của mình.
8- Thường tinh-tấn liên tục không ngừng chế ngự tâm biếng nhác.
9- Thường tinh-tấn liên tục, không thoái chí nản lòng, chỉ quyết tâm thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để giải thoát khổ mà thôi.
Hành-giả đã có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasana-ñāṇa rồi, còn phải thực-hành đầy đủ thêm 9 pháp-hỗ-trợ cho 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ tăng thêm nhiều năng lực, để làm nhân-duyên hỗ trợ cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayānupassanāñāṇa và các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao khác được phát triển tốt.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh tiếp theo.
4- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ ba sammasanañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này phát sinh do nương nhờ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thứ ba làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
– Trí-tuệ thứ nhì thấy rõ, biết rõ sự sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-sinh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ ba thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 là tổng hợp 3 loại trí-tuệ trên làm nền tảng, làm nhân-duyên, để làm cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupassanāñāṇa hoặc udayabbayañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Udayabbayānupassanāñāṇa gồm có 3 từ udaya, vaya, anupassanāñāṇa.
– Udaya nghĩa là nibbattilakkhaṇa: Trạng-thái-sinh, do nhân-duyên-sinh.
– vaya nghĩa là vipariṇāmalakkhaṇa: Trạng-thái-biến-chất, trạng-thái-diệt do nhân-duyên-diệt.
– anupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ.
Udayabbayānupassanāñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này mới chính thức gọi là trí-tuệ thiền-tuệ, bởi vì thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh như thế nào?
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Giảng giải:
– Sự sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại phát sinh do nhân-duyên-sinh.
– Sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại phát sinh do nhân-duyên-diệt.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên phân chia 4 trường hợp như sau:
– Sự sinh của sắc-pháp là do nhân-duyên-sinh.
– Sự diệt của sắc-pháp là do nhân-duyên-diệt.
– Sự sinh của danh-pháp là do nhân-duyên-sinh.
– Sự diệt của danh-pháp là do nhân-duyên-diệt.
1- Sự sinh của sắc-pháp là do nhân-duyên-sinh
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh (samudaya):
– Sự sinh của sắc-pháp là do vô-minh sinh.
– Sự sinh của sắc-pháp là do tham-ái sinh.
– Sự sinh của sắc-pháp là do nghiệp sinh.
– Sự sinh của sắc-pháp là do vật-thực sinh.
– Trạng-thái-sinh của sắc-pháp (nibbattilakkhaṇa).
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 có khả năng thấy rõ, biết rõ quả sinh do thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh.
2- Sự diệt của sắc-pháp là do nhân-duyên-diệt
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt (nirodha):
– Sự diệt của sắc-pháp là do vô-minh diệt.
– Sự diệt của sắc-pháp là do tham-ái diệt.
– Sự diệt của sắc-pháp là do nghiệp diệt.
– Sự diệt của sắc-pháp là do vật-thực diệt.
– Trạng-thái-diệt của sắc-pháp (vipariṇāmalakkhaṇa).
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp hiện-tại do nhân-duyên-diệt, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 có khả năng thấy rõ, biết rõ quả diệt do thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-diệt.
3- Sự sinh của danh-pháp là do nhân-duyên-sinh
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh của danh-pháp hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh (samudaya):
– Sự sinh của danh-pháp là do vô-minh sinh.
– Sự sinh của danh-pháp là do tham-ái sinh.
– Sự sinh của danh-pháp là do nghiệp sinh.
– Sự sinh của danh-pháp là do sắc-pháp, danh-pháp sinh.
– Trạng-thái-sinh của danh-pháp (nibbattilakkhaṇa).
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 có khả năng thấy rõ, biết rõ quả sinh do thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh.
4- Sự diệt của danh-pháp là do nhân-duyên-diệt
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh-pháp hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt:
– Sự diệt của danh-pháp là do vô-minh diệt.
– Sự diệt của danh-pháp là do tham-ái diệt.
– Sự diệt của danh-pháp là do nghiệp diệt.
– Sự diệt của danh-pháp là do sắc-pháp, danh-pháp diệt.
– Trạng-thái-diệt của danh-pháp (vipariṇāmalakkhaṇa).
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này có khả năng thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-diệt, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 có khả năng thấy rõ, biết rõ quả diệt do thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-diệt.
Sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp theo sát-na
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp:
– Sắc-pháp sinh theo sát-na-sinh.
– Sắc-pháp diệt theo sát-na-diệt.
– Danh-pháp sinh theo sát-na-sinh.
– Danh-pháp sinh theo sát-na-diệt.
* Sự sinh, sự diệt của danh-pháp
Danh-pháp đó là tâm với tâm-sở có sự sinh, sự diệt vô cùng mau lẹ. Như Đức-Phật dạy trong Chi-bộ-kinh, phần Ekakanipāta rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai không thấy pháp nào có sự sinh, sự diệt vô cùng mau lẹ như tâm.
Trong Chú-giải Pāḷi giảng giải rằng:
“Chỉ một lần búng đầu móng tay, tâm với tâm-sở (danh-pháp) sinh rồi diệt 1,000 tỷ lần.
Mỗi tâm với tâm-sở có 3 sát-na là:
1- Uppāda khaṇa: Sát-na-sinh.
2- Ṭhiti khaṇa: Sát-na-trụ.
3- Bhaṅga khaṇa: Sát-na-diệt.
* Sự sinh, sự diệt của sắc-pháp
Sắc-pháp đó là nipphannarūpa có 18 sắc-pháp thật thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma)1 nên có sự sinh, sự diệt chậm hơn sự sinh, sự diệt của danh-pháp so sánh với thời gian 3 sát-na sinh-trụ-diệt của danh-pháp.
Sắc-pháp có 4 lakkhaṇarūpa là:
1- Upacayarūpa: Sắc-pháp sinh.
2- Santatirūpa: Sắc-pháp liên tục.
3- Jaratārūpa: Sắc-pháp già-dặn.
4- Aniccatārūpa: Sắc-pháp diệt.
Sắc-pháp có 4 trạng-thái: Sắc-pháp sinh, sắc-pháp liên tục, sắc-pháp già-dặn, sắc-pháp diệt, so sánh với 3 sát-na: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt của danh-pháp:
– Sắc-pháp-sinh của sắc-pháp là tương đương với sát-na-sinh của danh-pháp.
– Sắc-pháp liên tục và sắc-pháp già-dặn là tương đương với sát-na-trụ của danh-pháp.
– Sắc-pháp diệt của sắc-pháp là tương đương với sát-na-diệt của danh-pháp.
Sắc-pháp sinh và sắc-pháp diệt có thời gian 1 sát-na giống như sát-na-sinh và sát-na-diệt của danh-pháp.
Nhưng sắc-pháp trụ (sắc-pháp liên tục và sắc-pháp già-dặn) có thời-gian trụ lâu hơn sát-na-trụ của danh-pháp, bằng 49 sát-na-nhỏ của danh-pháp.
Ví dụ: Nhãn-môn lộ-trình-tâm (cakkhudvāravīthicitta) có đối-tượng sắc hình dạng rõ ràng gồm có đủ 17 sát-na-tâm, mỗi sát-na-tâm có 3 sát-na-nhỏ: Sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt, nên 17 sát-na-tâm gồm có 51 sát-na nhỏ.
1 18 sắc-pháp là 4 sắc tứ đại + 5 tịnh sắc + 7 hoặc 4 sắc đối-tượng + 2 sắc tính + 1 sắc-ý-căn + 1 sắc mạng chủ + 1 sắc vật-thực.
– Thời gian sinh-trụ-diệt của mỗi danh-pháp chỉ có 1 sát-na sinh, 1 sát-na trụ, 1 sát-na diệt mà thôi.
– Thời gian sinh-trụ-diệt của sắc-pháp có 1 sát-na-sinh, 1 sát-na-diệt giống như danh-pháp. Nhưng thời-gian trụ (sắc-pháp liên tục và sắc-pháp già-dặn) của sắc-pháp chậm hơn của danh-pháp, tương đương với 49 sát-na-nhỏ so sánh với sát-na-nhỏ của danh-pháp.
Xem đồ biểu nhãn-môn lộ-trình-tâm có đối-tượng sắc, hình dạng rõ ràng, để có sự so sánh giữa sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt của danh-pháp với sắc-pháp.
Nhãn-môn lộ-trình-tâm (cakkhudvāravīthicitta)
Giải thích: Nhãn-môn lộ-trình-tâm
Nhãn-môn lộ-trình-tâm gồm có số tâm sinh rồi diệt
theo tuần tự liên tục, có đối-tượng sắc rõ ràng.
Bắt đầu từ hộ-kiếp-tâm quá-khứ thứ nhất cho đến
tiếp-đối tượng-tâm thứ 17 là chấm dứt nhãn-môn lộ-
trình-tâm.
Nhãn-thức-tâm phát sinh do đối-tượng sắc rõ ràng
tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc, theo nhãn-môn lộ-trình-tâm
sinh rồi diệt tuần tự như sau:
Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt (bha)
1- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá-khứ vt (atī)
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động vt (na)
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt vt (da)
4- Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn hướng-tâm vt (pañ)
5- Cakkhuviññāṇacitta: Nhãn-thức-tâm vt (cak)
6- Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm vt (sam)
7- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm vt (san)
8- Voṭṭhabbanacitta: Xát-định-tâm vt (vot)
9- 15- Javanacitta: Tác-hành-tâm vt (ja)
16- 17- Tadālambana: Tiếp-đối-tượng-tâm vt (ta)
Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm vt (bha)
(Xem phần giải thích trong phần trước trang 16)
Sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn
Ngũ-uẩn là sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, mà sự sinh, sự diệt của mỗi uẩn có 5 trạng-thái như sau:
1- Sự sinh, sự diệt của sắc-uẩn
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh như sau:
– Sự sinh của sắc-uẩn là do vô-minh sinh.
– Sự sinh của sắc-uẩn là do tham-ái sinh.
– Sự sinh của sắc-uẩn là do nghiệp sinh.
– Sự sinh của sắc-uẩn là do vật-thực sinh.
– Trạng-thái-sinh của sắc-uẩn.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt như sau:
– Sự diệt của sắc-uẩn do vô-minh diệt.
– Sự diệt của sắc-uẩn do tham-ái diệt.
– Sự diệt của sắc-uẩn do nghiệp diệt.
– Sự diệt của sắc-uẩn do vật-thực diệt.
– Trạng-thái-diệt của sắc-uẩn.
2- Sự sinh, sự diệt của thọ-uẩn
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự sinh của thọ-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh như sau:
– Sự sinh của thọ-uẩn do vô-minh sinh.
– Sự sinh của thọ-uẩn do tham-ái sinh.
– Sự sinh của thọ-uẩn do nghiệp sinh.
– Sự sinh của thọ-uẩn do xúc sinh.
– Trạng-thái-sinh của thọ-uẩn.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự diệt của thọ-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt như sau:
– Sự diệt của thọ-uẩn do vô-minh diệt.
– Sự diệt của thọ-uẩn do tham-ái diệt.
– Sự diệt của thọ-uẩn do nghiệp diệt.
– Sự diệt của thọ-uẩn do xúc diệt.
– Trạng-thái-diệt của thọ-uẩn.
3-4- Sự sinh, sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh giống thọ-uẩn như sau:
– Sự sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn do vô-minh sinh.
– Sự sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn do tham-ái sinh.
– Sự sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn do nghiệp sinh.
– Sự sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn do xúc sinh.
– Trạng-thái-sinh của tưởng-uẩn, hành-uẩn.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt giống thọ-uẩn như sau:
– Sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn do vô-minh diệt.
– Sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn do tham-ái diệt.
– Sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn do nghiệp diệt.
– Sự diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn do xúc diệt.
– Trạng-thái-diệt của tưởng-uẩn, hành-uẩn.
5- Sự sinh, sự diệt của thức-uẩn
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự sinh của thức-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh như sau:
– Sự sinh của thức-uẩn do vô-minh sinh.
– Sự sinh của thức-uẩn do tham-ái sinh.
– Sự sinh của thức-uẩn do nghiệp sinh.
– Sự sinh của thức-uẩn do sắc-pháp, danh-pháp sinh.
– Trạng-thái-sinh của thức-uẩn.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thấy rõ, biết rõ sự diệt của thức-uẩn hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt như sau:
– Sự diệt của thức-uẩn do vô-minh diệt.
– Sự diệt của thức-uẩn do tham-ái diệt.
– Sự diệt của thức-uẩn do nghiệp diệt.
– Sự diệt của thức-uẩn do sắc-pháp, danh-pháp diệt.
– Trạng-thái-diệt của thức-uẩn.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi uẩn hiện-tại do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt như vậy, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi uẩn hiện-tại ấy.
– Sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp.
– Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh, nên diệt được tà-kiến loại ucchedadiṭṭhi: Đọan-kiến, và thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-diệt, nên diệt được tà-kiến loại sassatadiṭṭhi: Thường-kiến.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh và sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-sinh và do nhân-duyên-diệt, nên diệt được tà-kiến loại attadiṭṭhi: Ngã-kiến thấy sai, chấp lầm nơi danh-pháp, nơi sắc-pháp cho là ngã, là ta, là người, là người nam, là người nữ, là chúng-sinh, v.v…
Sự sinh, sự diệt của tứ-oai-nghi
Tứ-oai-nghi là oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi-ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm gọi là sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm như sau:
– Sắc-đi là sắc-pháp phát sinh do tâm đó là tư thế đi, dáng đi một cách tự nhiên.
– Sắc-đứng là sắc-pháp phát sinh do tâm đó là tư thế đứng, dáng đứng một cách tự nhiên.
– Sắc-ngồi là sắc-pháp phát sinh do tâm đó là tư thế ngồi, dáng ngồi một cách tự nhiên.
– Sắc-nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm đó là tư thế nằm, dáng nằm một cách tự nhiên.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại do 5 nhân-duyên-sinh.
– Sự sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do vô-minh sinh.
– Sự sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do tham-ái sinh.
– Sự sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do nghiệp sinh.
– Sự sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do vật-thực sinh.
– Trạng-thái-sinh của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại do 5 nhân-duyên-diệt như sau:
– Sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do vô-minh diệt.
– Sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do tham-ái diệt.
– Sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do nghiệp diệt.
– Sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại là do vật-thực diệt.
– Trạng-thái-diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-đi, sắc-đứng, sắc-ngồi, sắc-nằm hiện-tại do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt như vậy, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi sắc-đi, mỗi sắc-đứng, mỗi sắc-ngồi, mỗi sắc-nằm hiện-tại ấy.
Trạng-thái-chung sāmaññalakkhaṇa
Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp là pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramat-thadhamma) trong tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới.
1- Trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) với ý nghĩa là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp sinh rồi diệt (aniccaṃ khayaṭṭhena), vì có rồi không (hutvā abhavaṭ-ṭhena aniccā).
2- Trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa) với ý nghĩa là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thật là đáng kinh sợ, (dukkhaṃ bhayaṭṭhena), vì sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ (uppādavayapaṭipīḷanaṭṭhena dukkhā).
3- Trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa) với ý nghĩa là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là vô dụng (anattā asārakaṭṭhena), vì không chiều theo ý muốn của ai cả (avasavattanaṭṭhena anattā).
Mỗi sắc-pháp nào, mỗi danh-pháp nào phát sinh do nhân-duyên nào sinh, rồi danh-pháp ấy, sắc-pháp ấy cũng diệt do nhân-duyên ấy diệt.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có 2 loại:
1- Taruṇa udayabbayānupassanāñāṇa là trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu.
2- Balava udayabbayānupassanāñāṇa là trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 có nhiều năng lực.
1- Taruṇa udayabbayānupassanāñāṇa
Taruṇa udayabbayānupassanāñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu, nên vipassanupakkilesa có 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ là phi-đạo (amagga) phát sinh xen vào làm trở ngại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy không thể phát triển lên các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao được.
2- Balava udayabbayānupassanāñāṇa
Balava udayabbayānupassanāñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có nhiều năng lực thoát khỏi vipassanupakkilesa: 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanupakkilesavimutta).
Hành-giả tiếp tục thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā), thực-hành đúng theo chánh-đạo (maggapaṭipadā), thực-hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ làm cho các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao phát triển, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Giảng giải Taruṇa Udayabbayānupassanāñāṇa
Hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có giới hạnh trong sạch làm nền tảng, có định-tâm vững vàng, có sự tinh-tấn không ngừng, đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới.
Đối với hành-giả ấy ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, tuy trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupas-sanāñāṇa này đã phát sinh, nhưng vẫn còn non yếu, gọi là taruṇa udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu, nên vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh xen vào làm trở ngại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy, không thể phát triển lên các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao hơn được.
Vipassanupakkilesa là thế nào?
Vipassanupakkilesa là do 2 danh từ ghép:
Vipassanā + upakkilesa
– Vipassanā đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa còn non yếu.
– upakkilesa: Pháp bẩn đó là tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái phát sinh xen vào làm trở ngại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu không thể phát triển lên trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao được.
Vipassanupakkilesa có 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu đó là obhāsa, ñāṇa, pīti, passaddhi, sukha, adhimokkha, paggaha, upaṭṭhāna, upekkhā, nikanti.
Trong 10 pháp này có 9 loại pháp bẩn kể từ obhāsa cho đến upekkhā thuộc về thiện-pháp, không phải ác-pháp, chỉ là đối-tượng của tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái mà thôi.
Còn nikanti không chỉ là đối-tượng của tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái, mà còn là phiền-não vô cùng vi-tế khó biết được nữa.
10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy thật là lạ thường, chưa từng có từ trước đây đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, làm cho hành-giả hài lòng hoan hỷ dính mắc nơi pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy, rồi thấy sai, chấp lầm nơi pháp bẩn ấy không phải Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, không phải Thánh-quả cho là Thánh-quả. Cho nên, các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao không phát triển được.
Vấn: Vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khi nào?
– Và không phát sinh đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thuộc hạng hành-giả nào?
Đáp: Vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ này phát sinh đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có sự tinh-tấn thực-hành đúng theo pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh còn non yếu.
– Và vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ không phát sinh đối với 4 hạng hành-giả sau:
1- Bậc Thánh-nhân đã từng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn rồi.
2- Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không đúng theo pháp-hành trung-đạo, nghĩa là không đúng theo pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.
3- Hành-giả không tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ nữa. (ngưng không thực-hành pháp-hành thiền-tuệ).
4- Hành-giả tuy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đúng ở giai đọan ban đầu, nhưng là hạng hành-giả không có sự tinh-tấn nhiều.
Đối với 4 hạng hành-giả này, vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ, không phát sinh.
Vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ
Vipassanupakkilesa có 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ:
1- Obhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
2- Ñāṇa: Trí-tuệ của trí-tuệ thiền-tuệ.
3- Pīti: Hỷ đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
4- Passadhi: An-tịnh đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
5- Sukha: An-lạc đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
6- Adhimokkha: Đức-tin phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
7- Paggaha: Tinh-tấn phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
8- Upaṭṭhāna: Niệm phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
9- Upekkhā: Xả đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
10- Nikanti: Tâm ham muốn phát sinh trong 9 pháp bẩn từ obhāsa cho đến upekkhā ở trên.
Đó là 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có sự tinh-tấn nhiều, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh còn non yếu.
– Hành-giả hiểu lầm, bị dính mắc trong pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy không thể phát triển lên trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao được, bởi vì hiểu sai chấp lầm nơi pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy, rồi cho là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả!”
Cho nên, hành-giả vô cùng hoan hỷ hài lòng dính mắc trong pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy.
Giảng giải 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ
1- Obhāsa: Vipassanobhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh, đang còn non yếu, đồng thời ánh sáng này cũng phát sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Vipassanobhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thật là lạ thường chưa từng thấy trước đây bao giờ, nên hành-giả hiểu sai chấp lầm là “ánh sáng như thế này chưa từng có từ trước đây bao giờ! Vậy, chắc chắn ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp ánh sáng ấy không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp ánh sáng ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Vì vậy, hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc mà trước đây trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái-vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại ấy.
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi vipassano-bhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy. Vipassanobhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy tỏa ra hẹp hoặc rộng như thế nào tuỳ theo năng lực định-tâm của mỗi hành-giả.
– Ánh sáng này tỏa ra trong căn phòng, trong chùa.
– Ánh sáng này tỏa rộng ra nửa do-tuần.
– Ánh sáng này tỏa rộng ra 1 do-tuần.
– Ánh sáng này tỏa rộng ra 2, 3, 4, 5, … do-tuần.
– Ánh sáng này tỏa rộng ra từ mặt đất lên đến các tầng trời dục-giới, đến các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, cho đến tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
Vipassanobhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy thường phát sinh đối với hành-giả trước kia đã từng thực-hành pháp-hành thiền-định, đã chứng đắc các bậc thiền, rồi tiếp theo thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa phát sinh còn non yếu, nên ánh sáng cũng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Vipassanobhāsa: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy gọi là vipassanupakkilesa, bởi vì không chỉ làm trở ngại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayañāṇa còn non yếu không thể phát triển lên các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao, mà còn làm đối-tượng của tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến chấp thủ nữa.
Tuy nhiên, trường hợp ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ toàn-giác (sabbaññutañāṇa) của Đức-Phật Gotama có khả năng chiếu sáng thấu suốt 10.000 thế giới chúng-sinh, thì không phải là vipassanupakkilesa.
2- Ñāṇa: Vipassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh còn non yếu. Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 này đang thấy rõ, biết rõ sâu sắc sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, thì trí-tuệ đặc biệt vô cùng sắc bén, thấu suốt các pháp phát sinh chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ.
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm trí-tuệ ấy không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, trí-tuệ ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc, …
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi trí-tuệ đặc biệt này
3- Pīti: Vipassanāpīti: Hỷ đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời hỷ tâm-sở (pīti) đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Pīti có 5 loại:
1- Khuddakāpīti: Hỷ chút ít, cảm giác nổi da gà.
2- Khaṇikāpīti: Hỷ mỗi sát-na, cảm nhận như tia chớp.
3- Okkantikāpīti: Hỷ có trạng-thái rung người qua lại, như ngồi trên thuyền có sóng nhấp nhô.
4- Ubbegāpīti: Hỷ có trạng-thái làm cho thân tâm nhẹ như bay bổng lên.
5- Pharaṇāpīti: Hỷ có trạng-thái tỏa khắp toàn thân, tâm an-lạc trong thời gian lâu.
Pharaṇāpīti: Hỷ có trạng-thái tỏa khắp toàn thân, tâm an-lạc trong thời gian lâu đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu, nên hành-giả cảm giác pháp hỷ có trạng-thái tỏa khắp toàn thân, tâm an-lạc trong thời gian lâu chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ.
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là“Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”…
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp hỷ ấy không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp hỷ ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc…
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi pháp hỷ ấy.
4- Passaddhi: Vipassanāpassaddhi: An-tịnh đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành-thiền tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời có an-tịnh tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Khi hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, ban đêm hoặc ban ngày, cảm giác thân và tâm an-tịnh, không có những điều như:
– Không có sự nóng nảy bực dọc.
– Không có sự nặng nề khó chịu.
– Tay chân không cứng nhắc.
– Không có sự cử động khó khăn.
– Không có sự khổ thân, khổ tâm.
– Không có sự giả dối.
Mà chỉ có cảm giác thân và tâm an-tịnh như:
– Thân tâm thanh-tịnh an lành.
– Thân tâm nhẹ nhàng.
– Thân tâm nhu nhuyến.
– Thân tâm uyển chuyển.
– Thân tâm trong sáng.
– Sự chân thật ngay thẳng.
Hành-giả cảm giác thân tâm an-tịnh chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ.
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”…
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp an-tịnh ấy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp an-tịnh ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc…
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi sắc-thân tâm an-tịnh ấy.
5- Sukha: Vipassanāsukha: An-lạc đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời thọ lạc tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Pháp an-lạc vô cùng vi-tế phát sinh làm cho toàn thân và tâm cảm giác an-lạc không sao diễn tả được. Pháp an-lạc lạ thường chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ.
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”… Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm thọ lạc ấy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo; thọ lạc ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả. Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc…
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi thọ lạc ấy.
6- Adhimokkha: Saddhā, vipassanāsaddhā: Đức-tin đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời đức-tin tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Adhimokkha trở nên vipassanupakkilesa là sự trong sáng của đại-thiện-tâm có đức-tin vô cùng trong sạch và nhiều năng lực. Tâm với tâm-sở trong sáng có đức-tin trong sạch hoàn toàn như vậy, nên hành-giả nghĩ rằng: “Ta muốn những người thân của ta cũng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để họ có đức-tin trong sạch như ta.”
“Ta có được đức-tin hoàn toàn trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo như thế này là nhờ vị Thầy chỉ dạy pháp-hành thiền-tuệ cho ta. Ân đức Thầy thật vô cùng lớn lao quá đối với ta.” Nghĩ chuyện này sang chuyện khác, hành-giả hài lòng hoan hỷ trong những chuyện phước-thiện ấy với đức-tin hoàn toàn trong sạch của mình.
Thấy đức-tin hoàn toàn trong sạch như vậy, nên hành-giả nghĩ rằng: “Đức-tin hoàn toàn trong sạch như thế này chưa từng có từ trước đây bao giờ.”
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”…
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm nơi đức-tin ấy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, đức-tin ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc…
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi đức-tin ấy.
Thật ra, đức-tin hoàn toàn trong sạch là điều tốt, dù đức-tin đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu vẫn là đức-tin trong sạch thanh-tịnh mà người thường không dễ có được, nhưng đức-tin ấy trở thành vipassanu-pakkilesa, bởi vì tâm hài lòng hoan hỷ trong đức-tin ấy, mà sao lãng phận sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, làm cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu không phát triển lên các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao.
7- Paggāha: Vipassanāvīriya: Tinh-tấn đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh, đang còn non yếu đồng thời tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Tâm tinh-tấn không hăng hái quá cũng không chểnh mảng quá, tinh-tấn đều đặn không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không có cảm giác mệt nhọc, nên hành-giả nghĩ rằng:
“Từ trước đây, dù có vị Thiền-sư thường động viên khuyến khích ta cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, mà vẫn cảm thấy khó khăn, mệt nhọc, không thể cố gắng tinh-tấn nổi. Nhưng bây giờ, ta có tâm tinh-tấn đặc biệt tự nhiên, thuận lợi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, thì thật là lạ thường chưa từng có từ trước đây bao giờ.”
Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”…
Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp tinh-tấn ấy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp tinh-tấn ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả.
Cho nên, hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc…
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi pháp tinh-tấn ấy.
8- Upaṭṭhāna: Sati: Niệm đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời niệm tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Nếu sati là sammāsati: Chánh-niệm thì đó là niệm-thân, niệm-thọ, niệm-tâm, niệm-pháp mà thôi, gọi là pháp-hành tứ-niệm-xứ.
Upaṭṭhāna: Sati là vipassanupakkilesa là niệm tâm-sở đồng sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa có khả năng đặc biệt niệm ghi nhớ vững chắc các đối-tượng, không bị lay động.
Nếu hành-giả niệm đến đối-tượng nào thì đối-tượng ấy hiện rõ trong tâm ngay. Ví như hành-giả có nhãn thông, muốn nhìn thấy cõi chúng-sinh nào dù gần dù xa thì cõi chúng-sinh ấy hiện rõ trong tâm ngay như thế ấy. Niệm là Upaṭṭhāna phát sinh đến với hành-giả như vậy.
Đó là niệm chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ. Vì vậy, hành-giả hiểu sai, chấp lầm là “Ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”… Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp upaṭṭhāna: Sati ấy không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp upaṭṭhāna: Sati ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả. Cho nên hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc… Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi pháp upaṭṭhāna: Sati ấy.
9- Upekkhā: Vipassanupekkhā và āvajjanupekkhā:
– Vipassanupekkhā: Xả là tâm trung-dung trong tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Āvajjanupekkhā: Xả là tâm trung-dung khi phát sinh trong ý môn.
Upekkhā này phát sinh đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời upekkhā phát sinh với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Khi hành-giả hướng tâm đến bất cứ đối-tượng nào thì tâm có upekkhā đặc biệt nhiều năng lực này phát sinh, không hài lòng cũng không nhàm chán các đối-tượng ấy, giống như hành-giả không có phiền-não, tâm hành-giả không hề rung động đối với tất cả các đối-tượng.
Đó là tâm upekkhā nhiều năng lực vững chắc, dù có đối-tượng như thế nào tiếp xúc, tâm vẫn không lay động, tâm có upekkhā đặt trung-dung trong mọi đối-tượng. Cho nên hành-giả cảm thấy quá lạ thường chưa từng có bao giờ. Vì vậy, hành-giả hiểu sai chấp lầm là “Ta là bậc Thánh A-ra-hán rồi! Bởi vì tâm upekkhā của ta đặt trung-dung trong mọi đối-tượng, không còn tham muốn hoặc nhàm chán nữa.
Sự diệt phiền-não, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn là như vậy!”
Đó là do tà-kiến nương nhờ upekkhā ấy.
– Tiếp theo nghĩ sai rằng:“Ta là người có đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật, nên thực-hành không lâu thì chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt mọi phiền-não dễ dàng như vậy, không có ai như ta.”
Đó là do ngã mạn nương nhờ upekkhā ấy.
– Tiếp theo nghĩ sai rằng: “Ta được an nhiên tự tại rồi. Đối với tất cả mọi đối-tượng, ta không còn tham muốn, cũng không nhàm chán nữa. Đối với mọi người, ta không còn thương, không còn ghét, không còn vui, không còn buồn, không còn lo lắng khổ tâm như mọi người nữa. Xin cho tôi luôn luôn được như vậy.”
Đó là do tham-ái nương nhờ upekkhā ấy.
Thật ra, tâm upekkhā này là vipassanupakkilesa thuộc về thiện-pháp, không phải ác-pháp, nhưng hành-giả hiểu sai, chấp lầm upekkhā này nên làm nơi nương nhờ của tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái phát sinh.
10- Nikanti: Vipassanānikanti: Tâm ham muốn phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ.
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, đồng thời tâm ham muốn phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy. Nikanti: Tâm ham muốn này vô cùng vi-tế, có trạng-thái ham thích phát sinh đến với hành-giả, làm cho hành-giả ham mê trong các pháp vipassanupakkilesa từ obhāsa, ñāṇa, pīti, passaddhi, sukha, adhimokkha, paggaha, upaṭṭhāna, upekkhā.
Nikanti: Tâm ham muốn vô cùng vi-tế, có trạng-thái ham thích trong các pháp vipassanupakkilesa, mà không dễ có ai biết được rằng: Tâm ham muốn này là kilesa: Phiền-não (tham-ái). Cũng như các pháp vipassanupakkilesa như obhāsa, ñāṇa, v.v… khác, nikanti: Tâm ham muốn tha thiết trong các pháp từ obhāsa cho đến upekkhā thật là lạ thường chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ, nên hành-giả hiểu sai chấp lầm là “ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!” Do hiểu sai như vậy, nên hành-giả chấp lầm pháp nikanti ấy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, pháp nikanti ấy không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả. Vì vậy, hành-giả bỏ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp gốc mà trước đây trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Bây giờ, hành-giả hài lòng hoan hỷ nơi nikanti: Tâm ham muốn phát sinh từ 9 pháp phiền-não từ obhāsa cho đến upekkhā.
* Tích Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera
Tích Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera được tóm lược như sau:
Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera trú tại Uccavālika, là vị Thầy của Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera.
Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera ở tại Talaṅgara, chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ tuệ phân tích, các phép thần-thông.
Một hôm, ngồi nghỉ trưa, Ngài Trưởng-lão Dhamma-dinnatthera suy xét rằng:
“Kinnu kho amhākaṇ ācariyassa Uccavālikavāsīmahā-nāgattherassa samaṇabhāvakiccaṃ matthakaṃ pattaṃ, no.”
“Phận sự của bậc xuất gia nên thực-hành của Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera trú tại Uccavālika, vị Thầy của chúng ta đã hoàn thành hay chưa?”
“Với tâm thần-thông, Ngài Trưởng-lão thấy rõ, biết rõ Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera vẫn còn là hạng phàm-nhân, chưa phải bậc Thánh-nhân. Nếu ta không đến thức tỉnh Ngài Trưởng-lãoMahānāgatthera thì Ngài sẽ vẫn còn là hạng phàm-nhân đến khi chết.”
Sau khi suy xét như vậy, dùng phép thần thông bay lên hư không, Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera đến hầu đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.
Thấy Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera đến không phải lúc, Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera bèn hỏi rằng:
– Này Dhammadinna! Có việc gì mà con đến gặp thầy trong lúc này vậy con?
Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera bạch rằng:
– Kính bạch Thầy, con đến để hỏi những câu hỏi, kính xin Thầy giải đáp.
– Này Dhammadinna! Con hãy hỏi những câu hỏi ấy, nếu biết thì Thầy giải đáp cho con rõ.
Được có cơ hội, Ngài Trưởng-lão Dhammadinnat-thera bạch hỏi hằng ngàn câu hỏi, câu hỏi nào Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera đều giải đáp rành rẽ đúng đắn hợp với giáo pháp của Đức-Phật. Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera tán dương ca tụng trí-tuệ của Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera, tiếp theo Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera bạch hỏi rằng:
– Kính bạch Thầy, Thầy đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ tuệ phân tích từ khi nào vậy? Bạch Thầy.
Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera cho biết rằng: “Ito saṭṭhivassakāle, āvuso.”
– Này Dhammadinna! Thầy đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cách đây 60 năm qua rồi.
– Kính bạch Thầy, xin Thầy hóa phép thần thông?
– Này Dhammadinna! Điều ấy không khó đối với Thầy.
– Kính bạch Thầy, xin Thầy hóa ra một con voi.
Nghe Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera yêu cầu như vậy, Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera liền hóa ra một con bạch tượng to lớn.
Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera yêu cầu Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera sai khiến cho con bạch tượng dựng 2 lỗ tai, dựng thẳng đuôi, dở vòi chạy đến.
Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera sai khiến con bạch tượng làm như vậy.
Khi nhìn con bạch tượng chạy nhào đến như gây tai hoạ thì Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera đứng dậy để chạy thoát thân.
Ngay khi ấy, Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera nắm chéo y của Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera, rồi bạch rằng:
“Bhante, khīṇāsavassa sārajjaṃ nāma hoti.”
– Kính bạch Thầy, gọi là bậc Thánh A-ra-hán có còn sợ hãi nữa không?”
Ngay khi ấy, Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera mới biết mình còn là phàm-nhân, nên xin Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera rằng:
“Avassayo me āvuso Dhammadinna hohi.”
– Này Dhammadinna! Xin con làm nơi nương nhờ của Thầy! Rồi Ngài Trưởng-lão ngồi chồm hổm dưới chân. (padamūle ukkuṭikaṃ nisīdi).
Ngài Trưởng-lão Dhammadinnatthera bạch rằng:
– Kính bạch Thầy, con đã đến đây, chỉ làm nơi nương nhờ của Thầy mà thôi. Kính xin Thầy không nên bận tâm.
Bạch với Thầy như vậy, Ngài Trưởng-lão Dhamma-dinnatthera hướng dẫn đối-tượng thiền-tuệ cho Thầy.
Sau khi học đối-tượng thiền-tuệ ấy xong, Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, sử dụng oai-nghi đi gọi là sắc-đi đến bước thứ ba, (tatiye padavāre), liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay khi ấy.
Thật ra, 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm chỉ có khả năng diệt bằng cách chế-ngự, đè nén phiền-não (vikkhambhanappahāna) mà thôi, nếu khi có cơ hội thì phiền-não phát sinh trở lại; chỉ có 4 Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng diệt tận được (samucchedappahāna) mọi phiền-não mà thôi. Phiền-não nào đã bị diệt tận được rồi, bất cứ cơ hội nào, phiền-não ấy cũng không bao giờ phát sinh lên được nữa.
Trường hợp Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera từ trước đây vốn đã chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, nên chỉ có khả năng diệt bằng cách chế-ngự, đè nén phiền-não (vikkham-bhanappahāna) mà thôi, cho nên suốt 60 năm, phiền-não nào cũng không phát sinh. Vì vậy, Ngài Trưởng-lão Mahānāgatthera tưởng lầm là “ta đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán”.
Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ có 10 loại
Tóm lại, mười loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu như sau:
– Chín loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu kể từ obhāsa cho đến upekkhā thuộc về thiện-pháp, không phải là ác-pháp, chỉ là đối-tượng của tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái mà thôi.
– Nikanti không chỉ là đối-tượng của phiền-não tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái mà còn là phiền-não nữa.
Tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái chấp thủ trong 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupas-sanāñāṇa còn non yếu như thế nào?
Đối với hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh đang còn non yếu, nên thường phát sinh vipassanupakkilesa gồm có 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy.
Mười loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy không những làm trở ngại cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa còn non yếu không thể phát triển lên trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao được, mà còn làm đối-tượng của tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái dính mắc trong 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy nữa.
Bộ Visuddhimagga, trong phần Vipassanupakkilesa-kathā giảng giải về sự dính mắc như sau:
Ví dụ: Obhāso: Ánh sáng phát sinh từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy rằng:
“Mama obhāso uppanno.”
Ánh sáng đã phát sinh đến với ta rồi!
Nếu hành-giả chấp thủ như vậy, thì gọi là diṭṭhigāha: Chấp thủ do năng lực của tà-kiến.
“Manāpo vata obhāso uppanno.”
Ánh sáng đã phát sinh đối với ta, xinh đẹp lạ thường thật đáng hài lòng hoan hỷ quá!
Nếu hành-giả chấp thủ như vậy, thì gọi là mānagāha: Chấp thủ do năng lực của ngã-mạn.
“Obhāsaṃ assādayato.”
Hành-giả vô cùng hài lòng hoan hỷ nơi ánh sáng ấy.
Nếu hành-giả chấp thủ như vậy, thì gọi là taṇhāgāha: Chấp thủ do năng lực của tham-ái.
Chín pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa còn non yếu còn lại cũng tương tự như obhāsa, mỗi vipassanupakkilesa có tà-kiến, ngã-mạn, tham-ái chấp thủ như vậy, nên 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy gồm có 30 loại pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy.
* Không nhận thức được pháp bẩn của thiền-tuệ
Hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chưa có đủ kinh nghiệm, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh còn non yếu, nên thường phát sinh vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ có 10 pháp là obhāsa, ñāṇa, pīti, passaddhi, sukha, adhimokkha, paggaha, upaṭṭhāna, upekkhā, nikanti thật lạ thường mà hành-giả chưa từng có từ trước đây như thế này bao giờ.
Hơn nữa, hành-giả là người ban đầu phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu, tâm không biết nhận thức như thế nào là magga: Chánh-đạo, như thế nào là amagga: Phi-đạo, nên chấp thủ trong vipassanupak-kilesa: 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy, do năng lực của tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến chấp thủ rằng:
“Etaṃ mama, eso’ham’asmi, eso me attā.”
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy là của ta (etaṃ mama) chấp thủ do năng lực của tâm tham-ái.
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy là ta (eso’ ham’asmi) chấp thủ do năng lực của tâm ngã-mạn.
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy là tự ngã của ta (eso me attā) chấp thủ do năng lực của tâm tà-kiến.
Mười pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy bị chấp thủ do năng lực của tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến, nên gồm có 30 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy.
Thật ra, trong 10 loại pháp bẩn của trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy, có 9 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy kể từ obhāsa, ñāṇa, pīti, passaddhi, sukha, adhimokkha, paggaha, upaṭṭhāna, upekkhā thuộc về thiện-pháp, không phải là ác-pháp, bởi vì 9 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 còn non yếu ấy phát sinh do hành-giả đã thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo phần đầu, đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa tuy còn non yếu, nhưng không phải là điều dễ được.
Như vậy, 9 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy vốn là thiện-pháp, không phải ác-pháp.
Sở dĩ 9 pháp ấy gọi là vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ là vì tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến nương nhờ nơi 9 pháp ấy làm cho 9 pháp ấy trở thành pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa còn non yếu ấy.
Còn nikanti là phiền-não vô cùng vi-tế thật khó biết.
* Nhận thức được pháp bẩn của thiền-tuệ
Khi hành-giả là bậc thiện-trí có trí-tuệ sâu sắc biết nhận thức đúng đắn thấy rõ, biết rõ được rằng:
– 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbyānu-passanāñāṇa ấy, đó là amagga: Phi-đạo không dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
– Còn đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp mà trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, đã thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, đó chính là chánh-đạo (magga) dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tà-kiến, mọi tham-ái, mọi ngã-mạn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Khi ấy, 9 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa không còn bẩn nữa, bởi vì tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến không còn nương nhờ nơi 9 pháp vipassanupakkilesa ấy nữa. Cho nên, 9 loại pháp ấy trở lại thuần tuý thiện-pháp mà thôi.
Hành-giả có trí-tuệ sáng suốt biết nhận thức đúng đắn thấy rõ, biết rõ rằng:
“Netaṃ mama, neso’ham’asmi, na meso attā.”
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là của ta (netaṃ mama), không còn chấp thủ do năng lực của tâm tham-ái.
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là ta (neso’ham’asmi), không còn chấp thủ do năng lực của tâm ngã-mạn.
– Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là tự ngã của ta (na meso attā), không còn chấp thủ do năng lực của tâm tà-kiến.
Ví dụ: Ñāṇa: Vipassanāñāṇa là vipassanupakkilesa như sau:
– Ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là của ta (netaṃ mama), không còn chấp thủ do năng lực của tâm tham-ái.
– Ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là ta (neso’ham’asmi), không còn chấp thủ do năng lực của tâm ngã-mạn.
– Ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ ấy không phải là tự ngã của ta (na meso attā), không còn chấp thủ do năng lực của tâm tà-kiến.
Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ sáng suốt biết nhận thức đúng đắn thấy rõ, biết rõ 9 vipassanupakkilesa còn lại tương tự như ñāṇa vậy.
Khi ấy, hành-giả là bậc thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt, sâu sắc thấu suốt, biết nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng:
– Mười pháp vipassanupakkilesa là amagga: Phi-đạo không phải là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không phải là pháp-hành dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
– Và đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại mà trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại; đã thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại. Đó chính là magga: Chánh-đạo đúng là pháp-hành trung-đạo, pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, là pháp-hành dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Sau khi biết nhận thức đúng đắn thấy rõ, biết rõ như vậy, hành-giả từ bỏ amagga: Phi-đạo thực-hành theo magga: Chánh-đạo đó là thực-hành theo pháp-hành trung-đạo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như trước, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa phát sinh trở lại có nhiều năng lực, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có năng lực phát sinh, chính thức đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5 gọi là maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến thanh-tịnh là pháp-thanh-tịnh thứ 3 trong pháp-hành thiền-tuệ.
Khi đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5, maggāmagga-ñāṇadassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến thanh-tịnh, thì xem như hành-giả biết rõ được 3 sự thật chân-lý với trí-tuệ trong tam-giới (lokiyañāṇa) như sau:
– Hành-giả thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-lý khổ-đế (dukkhasacca) với trí-tuệ thứ nhất nāmarūpapariccheda-ñāṇa, đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến thanh-tịnh.
– Hành-giả thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-lý nhân sinh khổ-đế (samudayasacca) với trí-tuệ thứ nhì nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa, đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh.
– Hành-giả thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-lý pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế (maggasacca) với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa, đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5 maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến-thanh-tịnh.
2- Balava udayabbayānupassanāñāṇa
Sau khi hành-giả là bậc thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt nhận thức thấy rõ, biết rõ các pháp phi-đạo (amagga), và chánh-đạo (magga), nên từ bỏ các pháp phi-đạo, rồi thực-hành theo pháp-hành chánh-đạo là thực-hành theo pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā), tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa có nhiều năng lực (balava udayabbayānupassanāñāṇa) phát sinh, nên có khả năng thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ (upakkilesa-vimutta udayabbayānupassanāñāṇa) thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Tính chất đặc biệt của udayabbayānupassanāñāṇa
– Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa có năng lực đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5 gọi là maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến thanh-tịnh là pháp-thanh-tịnh thứ 3 trong pháp-hành thiền-tuệ.
– Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa có nhiều năng lực (balava udayabbayānupassanā-ñāṇa) có khả năng thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ (upakkilesavimutta udayabbayānupassanāñāṇa) đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 6 gọi là paṭipadāñāṇa-dassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh thuộc về pháp-thanh-tịnh thứ 4 của pháp-hành thiền-tuệ.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa này thuộc về tiraṇapariññā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-
pháp hiện-tại, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Ba gút mắt thực-hành pháp-hành thiền-tuệ
Hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thường gặp phải 3 điều gút mắt là:
1- Gút mắt thứ nhất về pháp-học của pháp-hành thiền-tuệ
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu kỹ tất cả mọi đối-tượng tứ-niệm-xứ là thân, thọ, tâm, pháp, mọi đối-tượng thiền-tuệ là mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp một cách rành rẽ từng chi tiết trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Thân, thọ tâm, pháp, sắc-pháp, danh-pháp mà hành-giả học hỏi, nghiên cứu ấy thuộc về vijjamānapaññatti: Chế-định-pháp danh từ ngôn-ngữ có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp làm nền tảng không phải là chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Thật ra, thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng thiền-tuệ chỉ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà thôi, không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma).
Thật vậy, sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng thiền-tuệ chỉ thuộc về chân-nghĩa-pháp mới có thật-tánh, có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp mà thôi.
Cho nên, hành-giả cần phải có trí-tuệ sáng suốt phân biệt rõ sự khác biệt nhau 2 loại đối-tượng:
– Đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chế-định-pháp.
– Đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Bởi vì mỗi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp có tính chất hoàn toàn khác nhau:
– Nếu đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chế-định-pháp thì không có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, không có sự sinh, sự diệt, không có 3 trạng-thái-chung của sắc-pháp, của danh-pháp, nên không phải là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
– Nếu đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
Pháp-hành thiền-tuệ chỉ có sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mới là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ mà thôi.
Khi hành-giả học hỏi, nghiên cứu, phân biệt hiểu biết rõ được mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), để làm đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ.
Như vậy, hành-giả đã tháo gỡ được gút mắt quan trọng đầu tiên, trước khi bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, biết sử dụng sắc-pháp hoặc danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
2- Gút mắt thứ nhì về thực-hành pháp-hành thiền-tuệ
Sau khi học hỏi, nghiên cứu, phân biệt hiểu biết rõ được tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không phải sắc-pháp, danh-pháp thuộc về vijjamānapaññatti: Chế-định-pháp danh từ ngôn-ngữ sắc-pháp, danh-pháp có thật-tánh-pháp làm nền tảng.
Hành-giả bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp của danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là sự-thật chân-lý hiển nhiên trong đời, sở dĩ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp không hiện rõ là vì vô-minh (avijjā) che phủ.
Vậy, để thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại được hiện hữu, hành-giả cần phải luôn luôn có yonisomanasikāra: Trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới đều là vô-thường, khổ, vô-ngã, bất-tịnh làm nhân-duyên phát sinh chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác mới ngăn được tâm vô-minh (avijjā) không phát sinh, đồng thời ngăn được 3 pháp-đảo-điên (vipallāsa) là tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên thấy sai, hiểu lầm cho sắc-pháp, danh-pháp là thường, lạc, ngã, tịnh không phát sinh, để hỗ trợ cho chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác phát sinh, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cho trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa là trí-tuệ đầu tiên trong 16 trí-tuệ thiền-tuệ, đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng, làm nhân-duyên để giúp cho 15 trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh.
Như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã tháo gỡ được gút mắt thứ nhì rồi, chỉ còn gút mắt cuối cùng nữa mà thôi.
3- Gút mắt thứ ba ở giai đọan trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4
Hành-giả ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh còn non yếu, thường có vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa còn non yếu ấy phát sinh rất lạ thường mà hành-giả chưa từng thấy từ trước đây bao giờ, nên hành-giả thấy sai chấp lầm là “ta đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả rồi!”
Như vậy, không phải là Thánh-đạo cho là Thánh-đạo, không phải là Thánh-quả cho là Thánh-quả. Chính upakkilesa là pháp bẩn làm trở ngại trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu không phát triển lên các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao được.
Đó là điều gút mắt thứ ba của pháp-hành thiền-tuệ.
– Khi hành-giả là bậc thiện trí có trí-tuệ sáng suốt biết nhận thức đúng đắn thấy rõ biết rõ rằng:
Vipassanupakkilesa có 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa còn non yếu ấy là phi-đạo không dẫn đến chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
– Và tiếp theo trí-tuệ sáng suốt nhận thức thấy rõ biết rõ rằng:
Sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại mà trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thấy rõ, đã biết rõ sự sinh, sự diệt, đã thấy rõ, đã biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp. Đó chính là magga: Chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Hành-giả từ bỏ amagga: Phi-đạo, trở lại thực-hành theo magga: Chánh-đạo, đó là pháp-hành trung-đạo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh có nhiều năng lực, thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 ấy, gọi là upakkilesavimutta udayabbayānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ ấy.
Như vậy, hành-giả đã thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đến giai đọan đã tháo gỡ được gút mắt thứ ba cuối cùng, hành-giả không còn gút mắt nào trong pháp-hành thiền-tuệ nữa.
Nếu hành-giả là người có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, và có đủ 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ thì có khả năng tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ, làm cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 cho đến trí-tuệ thứ 16 của pháp-hành thiền-tuệ, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ phát triển từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanā-ñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 gọi là bhaṅgānupassanāñāṇa phát sinh tiếp theo.
5- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayānupassanāñāṇa có nhiều năng lực đã thoát khỏi vipassanupakkilesa làm nền tảng, làm nhân-duyên, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 gọi là bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-diệt mà thôi, nên hiện rõ ràng 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 là tổng hợp 4 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 làm nền tảng, làm nhân-duyên, để làm cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 gọi là bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-diệt mà thôi, nên hiện rõ ràng 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Bhaṅgānupassanāñāṇa: Gồm có 2 từ bhaṅga + anupassanāñāṇa.
– Bhaṅga: Sự diệt do nhân-duyên-diệt.
– anupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ bỏ qua sự sinh, chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt.
Bhaṅgānupassanāñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-
pháp hiện-tại, do nhân-duyên-diệt mà thôi, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa phát sinh như thế nào?
Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 thường thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, làm cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 tăng thêm nhiều năng lực.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 có nhiều năng lực thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại một cách mau lẹ.
Đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa ấy bỏ qua sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp, mà chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng danh-pháp, hoặc sắc-pháp hiện-tại, còn thấy rõ, biết rõ sự diệt của chủ thể tâm biết đối-tượng nữa, làm cho hành-giả phát sinh động tâm vô cùng kinh ngạc chưa từng thấy trước kia bao giờ, cho nên, chỉ hướng tâm đến sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại mà thôi, mà không quan tâm đến sự sinh và sự trụ của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại nữa.
Như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanā-ñāṇa đặc biệt này chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất (khaya), sự tận diệt (vaya) sự tan vỡ (bheda) sự diệt (nirodha) của các sắc-pháp, các danh-pháp hiện-tại mà thôi. Tuy nhiên sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại mà trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa đặc biệt này thấy rõ, biết rõ là sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại này, còn làm nhân-duyên cho sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại kia, hoàn toàn không giống sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp như bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng (nirodha-samāpatti) (sự diệt của danh-pháp trong khi “nhập diệt-thọ-tưởng” là sự diệt của danh-pháp suốt 7 ngày đêm, đến ngày thứ 8 mới có sự sinh của danh-pháp trở lại).
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa đặc biệt này là trí-tuệ thiền-tuệ chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt do nhân-duyên-diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại mà thôi, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Hoặc trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa đặc biệt này chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất, sự tận diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại mà thôi, do nhân-duyên-diệt, nên gọi là bhaṅgānupassanāñāṇa.
Dõi theo thấy rõ, biết rõ như thế nào?
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅbgānupassanāñāṇa chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất, sự tận diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại như sau:
– Thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, không phải thấy thường.
– Thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ, không phải thấy lạc.
– Thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã, không phải thấy ngã.
– Nên phát sinh tâm nhàm chán, không phải tâm ham muốn.
– Nên phát sinh tâm ly dục, không phải tâm tham dục.
– Nên phát sinh tâm diệt, không phải tâm sinh.
– Nên phát sinh tâm từ bỏ, không phải tâm chấp thủ.
– Khi thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường, nên diệt được nicca-saññā: Tưởng lầm cho là thường.
– Khi thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ, nên diệt được sukhasaññā: Tưởng lầm cho là lạc.
– Khi thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã, nên diệt được atta-saññā: Tưởng lầm cho là ngã.
– Khi phát sinh tâm nhàm chán, nên diệt được tâm ham muốn.
– Khi phát sinh tâm ly-dục, nên diệt được tâm tham-dục.
– Khi phát sinh tâm diệt, nên diệt được tâm sinh.
– Khi phát sinh tâm từ bỏ, nên diệt được tâm chấp thủ.
Theo bộ Paṭisambhidāmagga, phần ñāṇakathā trình bày 18 mahāvipassanā: Đại-trí-tuệ thiền-tuệ diệt các pháp đối nghịch.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất (khaya), sự tận diệt (vaya) của pháp đối nghịch theo 18 mahāvipassanā: Đại-trí-tuệ thiền-tuệ như sau:
Mahāvipassanā có 18 đại trí-tuệ thiền-tuệ
1- Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được niccasaññā: Tưởng lầm cho là thường.
2- Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được sukhasaññā: Tưởng lầm cho là lạc.
3- Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được attasaññā: Tưởng lầm cho là ngã.
4- Nibbidānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự nhàm chán của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được nandī: Tâm tham hài lòng hoan hỷ.
5- Virāgānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự ly-dục của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được rāga: Tâm tham-dục.
6- Nirodhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được samudaya: Sự sinh của tham-ái.
7- Paṭinissaggānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự từ-bỏ của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được ādāna: Sự chấp-thủ.
8- Khayānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được ghanasaññā: Tưởng lầm cho là đồng-nhất.
9- Vayānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự tận diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được āyūhana: Tham-tâm tích-lũy.
10- Vipariṇāmānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự biến-chất của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được dhuvasaññā: Tưởng lầm cho là bất-biến trường-tồn.
11- Animittānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ phi-hiện-tượng của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được nimitta: Hiện-tượng của sắc-pháp, của danh-pháp.
12- Appaṇihitānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự vô-vọng của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được paṇidhi: Sự ước-vọng.
13- Suññatānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ tính chất hoàn toàn vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được abhinivesa: Tà-kiến theo chấp-ngã.
14- Adhipaññādhammavipassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ các pháp nên hành bằng trí-tuệ thiền-tuệ, nên diệt được sārādānābhinivesa: Tà-kiến, tham-ái chấp-thủ cho là thường, lạc, ngã trong sắc-pháp, danh-pháp.
15- Yathābhūtañāṇadassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đúng sự-thật chân-lý, nên diệt được sammohā-bhinivesa: Tà-kiến chấp-thủ do si-mê tăm tối.
16- Ādīnavānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ tội-lỗi của sắc-pháp, của danh-pháp, nên diệt được ālayābhinivesa: Sự chấp-thủ do tham-ái quyến-luyến không rời.
17- Paṭisaṅkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ con đường giải-thoát khỏi sắc-pháp, danh-pháp, nên diệt được appaṭisaṅkhā: Tâm si-mê đối nghịch với trí-tuệ thiền-tuệ theo con đường giải-thoát khổ.
18- Vivaṭṭānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ saṅkhārupekkhāñāṇa và anulomañāṇa, để dẫn dắt giải-thoát khổ, nên diệt được samyogābhinivesa: Sự chấp-thủ do phiền-não ràng-buộc trong ngũ-dục.
Đó là 18 đại-trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh tuỳ theo 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ hoặc tuỳ theo năng lực pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ của hành-giả.
Tuy nhiên, 18 đại-trí-tuệ thiền-tuệ này được tóm lại chỉ còn có 3 loại đại trí-tuệ thiền-tuệ căn bản chính là:
1- Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
2- Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
3- Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Còn lại 15 đại trí-tuệ thiền-tuệ khác được sáp nhập vào trong 3 đại trí-tuệ thiền-tuệ căn bản chính tuỳ theo trạng-thái tương tự như sau:
– Aniccānupassanā có 5 đại-trí-tuệ thiền-tuệ được sáp nhập vào chung là animittānupassanā, nirodhānu-passanā, khayānupassanā, vayānupassanā, vipariṇāmā-upassanā, bởi vì 5 đại-trí-tuệ thiền-tuệ này có trạng-thái tương tự với aniccānupassanā.
– Dukkhānupassanā có 4 đại-trí-tuệ thiền-tuệ được sáp nhập vào chung là appaṇihitānupassanā nibbidānu-passanā, virāgānupassanā, ādīnavānupassanā, bởi vì 4 đại trí-tuệ thiền-tuệ này có trạng-thái tương tự với dukkhānupassanā.
– Anattānupassanā có 4 đại trí-tuệ thiền-tuệ được sáp nhập vào chung là suññatānupassanā, paṭinissaggā-nupassanā, paṭsaṅkhānupassanā, vivaṭṭānupassanā, bởi vì 4 đại-trí-tuệ thiền-tuệ này có trạng-thái tương tự với anattānupassanā.
– Adhipaññādhammavipassanā có thể sáp nhập vào tất cả mọi đại-trí-tuệ thiền-tuệ.
– Yathābhūtañāṇadassanā thuộc về kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi.
Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có 3 đại trí-tuệ thiền-tuệ căn bản chính đã thuần thục rồi, còn các loại đại-trí-tuệ thiền-tuệ khác tuỳ theo năng lực của 5 pháp-chủ hoặc pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ mà phát sinh.
Ba đại-trí-tuệ thiền-tuệ này gọi là căn bản chính là vì có khả năng dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn riêng biệt:
– Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, có khả năng dẫn đến chứng ngộ animitta-nibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn.
– Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, có khả năng dẫn đến chứng ngộ appaṇihitanibbāna: Vô-ái Niết-bàn.
– Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, có khả năng dẫn đến chứng ngộ suññatanibbāna: Chơn-không Niết-bàn.
Tính chất của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp theo aniccānupassanā, v.v… như đã trình bày ở trên, nên diệt phiền-não bằng cách tadaṅgappahāna: Diệt-từng-thời phiền-não, và hướng tâm đến mong chứng ngộ Niết-bàn.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bằng nhiều cách như:
– Thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng sắc-pháp.
– Thấy rõ, biết rõ sự diệt của chủ thể: Tâm biết đối-tượng danh-pháp.
– Thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng danh-pháp.
– Thấy rõ, biết rõ sự diệt của chủ thể: Tâm biết đối-tượng danh-pháp.
– Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp hoặc danh-pháp hiện-tại như thế này, cũng thấu triệt sự diệt của sắc-pháp hoặc danh-pháp quá-khứ, vị-lai cũng như thế ấy.
– Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng sắc-pháp, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 thấy rõ, biết rõ sự diệt của chủ thể: Tâm biết sự diệt của đối-tượng sắc-pháp ấy (nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng sắc-pháp, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 khác thấy rõ, biết rõ sự diệt của chủ thể danh-pháp: Tâm biết đối-tượng).
– Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, do nhân-duyên-diệt liên tục như vậy, nên hành-giả nhận thức rằng:
“Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp này có sự diệt mất, sự tan rã là thường. Chính sự diệt mất, sự tan rã của ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp mà người ta chế định danh từ ngôn-ngữ gọi rằng: “Người chết”, “chúng-sinh chết”. Sự thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) thì không có người nào chết, không có chúng-sinh nào chết, mà chỉ có ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp diệt mất, tan rã mà thôi.”
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại liên tục lẫn sự diệt của chủ thể tâm biết đối-tượng như vậy, nên hiện rõ “suññatā: Không”, nghĩa là không phải ta, không phải của ta.
Hành-giả phát sinh động tâm vô cùng kinh ngạc chưa từng có từ trước đây bao giờ. Hành-giả nhận thức biết rõ ràng rằng:
“Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp này là pháp vô-ngã.”
– Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp này sinh rồi diệt là vô-thường như thế này!
– Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp này sinh rồi diệt vô-thường luôn luôn hành hạ là khổ như thế này!
– Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp này sinh rồi diệt vô-thường luôn luôn hành hạ là khổ, không chiều theo ý muốn của ta là vô-ngã như thế này!
Hành-giả khi có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgā-nupassanāñāṇa đã phát sinh thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, và thường dõi theo thấy rõ, biết rõ rằng:
Aniruddhameva nirujjhati, abhinnameva bhijjati. Sắc-pháp, danh-pháp nào chưa diệt thì sắc-pháp, danh-pháp ấy đang diệt mất; sắc-pháp, danh-pháp nào chưa tan rã thì sắc-pháp, danh-pháp ấy đang tan rã.
Cho nên, diệt-từng-thời được thường-kiến thấy sai, chấp lầm cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp là thường, mọi phiền-não cũng bị diệt-từng-thời. Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa thường thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp liên tục như vậy, nên hành-giả nhận thức thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp chỉ có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, chung quy cũng chỉ có khổ-đế mà thôi. Cho nên hành-giả hướng tâm đến Niết-bàn giải thoát khổ-đế.
Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa phát sinh, thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, do nhân-duyên-diệt, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 6 gọi là paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh thuộc về pháp-thanh-tịnh thứ 4 của pháp-hành thiền-tuệ.
Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ đầu tiên trong 10 loại trí-tuệ thiền-tuệ thuộc về pahānapariññā: Trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) phiền-não.
Quả báu của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, do nhân-duyên-diệt, nghĩa là thường thấy rõ, biết rõ rằng:
“Sabbe saṅkhārā bhijjanti bhijjanti.” “Tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đều diệt, diệt.”
Hành-giả có được aṭṭhānisaṃsa : 8 quả báu:
– Bhavadiṭṭhippahāna: Hành-giả diệt từng thời được thường-kiến trong kiếp hiện-tại.
– Jīvitanikantipariccāga: Hành-giả từ bỏ sự say mê trong sinh-mạng.
– Sadāyuttapayuttatā: Hành-giả tinh-tấn ngày đêm thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
– Visuddhājīvitā: Hành-giả nuôi mạng trong sạch thanh-tịnh.
– Ussukkappahāna: Hành-giả bỏ sự cố gắng trong mọi công việc lớn nhỏ khác, bởi vì phát sinh động tâm cực độ.
– Vigatabhayatā: Hành-giả không có điều tai họa.
– Khantisoraccapaṭilābha: Hành-giả có đức nhẫn-nại hoan hỷ trong pháp-hành thiền-tuệ.
– Aratiratisahanatā: Hành-giả có sự chế-ngự được sự hài lòng và không hài lòng.
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupas-sanāñāṇa thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, và biết 8 quả báu cao quý của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 này, nên kiên trì thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không thóai chuyển, với ý nguyện chỉ mong chứng đạt đến Niết-bàn, giải thoát khổ mà thôi.
Ví như người bị lửa cháy chiếc khăn quấn trên đầu, chỉ quyết tâm dập tắt lửa mà thôi.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa phát sinh tiếp theo.
6- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại thật đáng kinh sợ, nên hiện rõ ràng 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa chỉ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-diệt mà thôi, làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 là tổng hợp 5 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 làm nền tảng, làm nhân-duyên, để làm cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên-diệt, thật đáng kinh sợ, nên hiện rõ ràng 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Bhayatupaṭṭhānañāṇa gồm có 3 từ Bhaya,upaṭṭhāna, ñāṇa.
– Bhaya: Sự kinh sợ.
– upaṭṭhāna: Sự hiểu biết.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ.
Bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt của mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp hiện-tại liên tục do nhân-duyên-diệt, thật đáng kinh sợ, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa phát sinh như thế nào?
– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa có nhiều năng lực thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt mất (khaya), sự tận diệt (vaya), sự tan vỡ (bheda), sự diệt (nirodha) của ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại.
Các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp có sự diệt trong 3 cõi-giới (bhava), 4 loài (yoni), 5 cõi-giới tái-sinh (gati), 7 thức trụ (viññāṇaṭhiti), 9 cõi chúng-sinh (sattāvāsa) đang hiện-hữu thật đáng kinh sợ cực độ.
Cũng như con thú dữ như sư tử, hổ, beo, trâu rừng, bò rừng, voi rừng, con rắn hổ mang, hầm lửa đang cháy, v.v… đó là những vật đáng kinh sợ đối với người nhát gan có tính hay sợ sệt, muốn sống an-lạc.
– Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ thấu suốt trong 3 thời rằng: Atītā saṅkhārā niruddhā, paccuppannā nirujjhanti, anāgate nibbattanakasaṅkhārāpi evameva nirujjhissanti”
Các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã diệt rồi trong thời quá-khứ; sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại đang diệt trong thời hiện-tại; và sắc-pháp, danh-pháp sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng sẽ diệt trong thời vị-lai mà thôi.
Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ thấu suốt trong 3 thời như vậy, đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa.
Ví dụ dựa theo trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhaya-tupaṭṭhānañāṇa như sau:
Một người mẹ có 3 người con trai yêu quý, 3 người con trai của bà bị phạm luật triều đình, nên Đức vua truyền lệnh chặt đầu 3 người con trai yêu quý của bà.
Hôm ấy, bà đang đứng nhìn thấy đoàn lính dẫn 3 người con trai yêu quý của bà ra pháp trường xử trảm.
Bà đứng nhìn chăm chú thấy người đao phủ đã chém cái đầu của người con trai lớn yêu quý của bà rơi xuống đất, rồi y tiếp tục đang chém cái đầu của người con trai giữa yêu quý của bà.
Bà nhìn thấy cái đầu của người con trai lớn yêu quý đã rơi xuống đất rồi, và nhìn thấy cái đầu của người con trai giữa yêu quý của bà đang bị chém.
Bà khóc than thảm thiết đến người con trai út yêu quý rằng: Đến người con trai út yêu quý của ta chắc chắn cũng sẽ bị chém đầu như người con trai lớn và giữa vậy!”
Ví dụ này so sánh với 3 thời như sau:
– Bà mẹ chăm chú nhìn thấy người đao phủ đã chém cái đầu của người con trai lớn yêu quý của bà rơi xuống đất. Cũng như hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ sự diệt của pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã diệt rồi trong thời quá-khứ.
– Bà mẹ chăm chú nhìn thấy người đao phủ đang chém cái đầu của người con trai giữa yêu quý của bà. Cũng như hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ sự diệt của pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại đang diệt trong thời hiện-tại.
– Bà mẹ khóc than thảm thiết đến người con trai út yêu quý rằng: Đến người con trai út yêu quý của ta chắc chắn cũng sẽ bị chém đầu như người con trai lớn và giữa vậy!
Cũng như hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ sự diệt của pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp vị-lai cũng sẽ diệt trong thời vị-lai.
– Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt này thấy rõ, biết rõ sự diệt của pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong 3 thời như vậy, đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
Tính chất của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa không phải là trí-tuệ thiền-tuệ có sự đáng kinh sợ nào cả, mà trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thấu suốt sắc-pháp, danh-pháp trong 3 thời đáng kinh sợ rằng:
Tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã diệt trong thời quá-khứ rồi; sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại đang diệt trong thời hiện-tại; sắc-pháp, danh-pháp vị-lai chắc chắn cũng sẽ diệt trong thời vị-lai.
Thật vậy, ví như một người nhìn thấy 3 hầm lửa than hồng đang cháy hừng hực, chính người ấy không có sự kinh sợ gì cả, nhưng suy xét thấy 3 hầm lửa than hồng ấy, cảm thấy đáng kinh sợ rằng:
Nếu có người nào bị rơi xuống 3 hầm lửa than hồng ấy thì chắc chắn phải chịu khổ vì lửa thiêu nóng kinh khủng.
Cũng như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭ-ṭhānañāṇa này không có sự kinh sợ nào cả, mà chỉ nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng:
Tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới: Dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới ví như 3 hầm lửa than hồng đang cháy hừng hực ấy.
– Sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ đã diệt rồi.
– Sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại đang diệt.
– Sắc-pháp, danh-pháp vị-lai chắc chắn cũng sẽ diệt.
Pháp đáng kinh sợ của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6
Mūlavatthu: Nguồn gốc của sự khổ có 5 loại:
1- Uppāda là sự sinh của ngũ-uẩn trong kiếp hiện-tại là quả của nghiệp đã tạo trong kiếp quá-khứ. Ngũ-uẩn thật là khổ đáng kinh sợ.
2- Pavatta là sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp trong 11 cõi dục-giới, 16 cõi sắc-giới, 4 cõi vô-sắc-giới. Sắc-pháp, danh-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng là vô-thường, là khổ luôn luôn hành hạ thật là khổ đáng kinh sợ.
3- Nimitta (saṅkhāranimitta) là pháp-hữu-vi cấu tạo, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều là vô-thường, là khổ thật khó chịu đựng nổi, là vô-ngã không phải của ta, không chiều theo ý muốn của một ai cả, là vô chủ, vô dụng vì không có cốt lõi, v.v… sắc-pháp, danh-pháp chỉ có tan rã mà thôi. Cho nên sắc-pháp, danh-pháp thật là khổ đáng kinh sợ.
4- Āyūhana là sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau.
Nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau có 4 loại nghiệp:
– Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm, nên có 12 ác-nghiệp.
– Dục-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm, nên có 8 dục-giới thiện-nghiệp.
– Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm, nên có 5 sắc-giới thiện-nghiệp.
– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, nên có 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp.
Nghiệp gồm có 29 loại cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới. Cho nên, nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau đáng kinh sợ.
5- Paṭisandhi là sự tái-sinh kiếp sau, do nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới.
– Nếu ác-nghiệp trong 11 ác-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh 1 trong 4 cõi ác-giới: Địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, bị sinh trong cõi ác-giới nào, thuộc loại chúng-sinh nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của ác-nghiệp của chúng-sinh ấy, chịu quả khổ của ác-nghiệp cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.
– Nếu dục-giới thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh 1 trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc trong cõi-giới ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp của chúng sinh ấy.
– Nếu sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp thì hóa-sinh làm vị phạm-thiên 1 trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, được sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của sắc-giới thiện-nghiệp, hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ, rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp của vị phạm-thiên ấy.
– Nếu vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp thì hóa-sinh làm vị phạm-thiên 1 trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, được sinh trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào vô-sắc-giới quả-tâm, hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ, rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp của vị phạm-thiên ấy.
Hễ còn tái-sinh kiếp sau là còn khổ, chúng-sinh có ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 11 cõi dục-giới và 15 cõi sắc-giới, chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn trong cõi sắc-giới vô-tưởng-thiên, chúng-sinh có tứ-uẩn: Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 4 cõi vô-sắc-giới cũng đều có khổ cả, chỉ có khác nhau khổ nhiều khổ ít mà thôi.
Trong tam-giới: Cõi dục-giới có 11 cõi-giới, cõi sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, cõi vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, gồm có 31 cõi-giới chỉ là nơi tạm trú của tất cả mọi chúng-sinh trong tam-giới mà thôi, không có cõi nào gọi là cõi thường trú dành cho chúng-sinh nào cả.
Cho nên, sắc-pháp, danh-pháp tam-giới chỉ là khổ thật đáng kinh sợ là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ đặc biệt gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭ-ṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều có trạng-thái vô-thường thật đáng kinh sợ.
– Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭ-ṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều có trạng-thái khổ thật đáng kinh sợ.
– Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭ-ṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều có trạng-thái vô-ngã thật đáng kinh sợ.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 gọi là ādīnavānupassanāñāṇa phát sinh tiếp theo.
7- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa có nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 gọi là ādīnavānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đầy tội chướng.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại liên tục, do nhân-duyên-diệt, thật đáng kinh sợ có nhiều năng lực, để trở thành trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa là tổng hợp 6 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 làm nền tảng, làm nhân-duyên, để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
Ādīnavānupassanāñāṇa gồm có 3 từ ādīnava, anupassanā, ñāṇa.
– Ādīnava: Tội chướng.
– anupassanā: Dõi theo thấy rõ, biết rõ.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ.
Ādīnavānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
Tính chất của ādīnavānupassanāñāṇa
– Khi hành-giả phát triển trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thường dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp thật đáng kinh sợ có nhiều năng lực, trở thành trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp đầy tội chướng, nên không dính mắc trong mọi sắc-pháp, danh-pháp trong 3 giới (bhava), 4 loài (yoni), 5 cõi tái-sinh (gati), 7 thức trụ (viññāṇaṭhiti), 9 cõi chúng-sinh (sattāvāsa) đang hiện-hữu thật đáng kinh sợ tột độ, bởi vì tất cả mọi nơi, mọi cõi đang hiện-hữu ấy không phải là nơi ẩn náu (neva tāṇaṃ), không phải là nơi an toàn (na leṇaṃ), không phải là nơi đi lánh nạn (na gati), không phải là nơi nương nhờ (nappaṭisaraṇaṃ), và cũng không phải nơi mong muốn đối với hành-giả. Tại sao vậy?
Bởi vì, tam-giới (11cõi dục-giới, 16 cõi sắc-giới, 4 cõi vô-sắc-giới) đang hiện-hữu như 3 hầm lửa đầy than hồng đang hừng hực cháy rực không có khói.
– Tứ đại (địa-đại, thuỷ-đại, hoả-đại, phong-đại) trong sắc-thân đang hiện-hữu như 4 con rắn độc kinh khủng.
– Ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) đang hiện-hữu như tên đao phủ đang giở thanh đao chém xuống đầu.
– 6 xứ bên trong (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đang hiện-hữu như xóm làng hoang, không có người.
– 6 xứ bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đang hiện-hữu như kẻ trộm cướp lấy của cải tài sản.
– 7 thức trụ, 9 cõi chúng-sinh đang hiện-hữu như bị 11 thứ lửa (lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sinh, lửa già, lửa chết, lửa sầu não, lửa than khóc, lửa khổ thân, lửa khổ tâm, lửa thống khổ cùng cực) đang cháy ngầm thiêu đốt ngày đêm.
– Tất cả các pháp-hữu-vi, ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp đang hiện-hữu như là ung nhọt đau nhức (gaṇḍabhūtā), như là căn bệnh trầm kha (rogabhūtā), như là mũi tên độc (sallabhūtā), như là sự đau khổ bất hạnh triền miên (aghabhūtā), như là bệnh tật đau khổ (ābādhabhūtā), không có chút an-lạc nào cả, chỉ là đại tội chướng (mahā ādīnavarāsibhūtā) mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa như thế nào?
Ví như một người có tính nhát gan hay sợ sệt, chỉ mong muốn cuộc sống an-lạc mà thôi. Khi người ấy đi gặp phải hang có hùm beo, hoặc xuống sông gặp dạ-xoa dưới nước, hoặc đi đường gặp kẻ cướp sát nhân, gặp kẻ thù giở thanh đao đang chém xuống đầu, hoặc nằm trong căn nhà đang bị cháy, hoặc dùng vật-thực có thuốc độc, v.v… Người ấy phát sinh sự sợ hãi, sự kinh hồn bạt vía, bởi vì thấy những điều xảy ra ấy thật đáng kinh sợ, đối với hành-giả cũng như thế ấy.
Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatu-paṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp cả 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên cũng thấy rõ, biết rõ ràng tất cả các pháp-hữu-vi, ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong các cõi tam-giới đầy tội chướng, không có chút nào an-lạc.
Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng, nên gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
Vấn: Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ có nhiều năng lực, để trở thành trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng bằng cách nào?
Đáp: Để trở thành trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavā-nupassanāñāṇa, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatu-paṭṭhānañāṇa cần phải thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ bằng cách thấy rõ, biết rõ trong 5 đối-tượng như sau:
1- Uppāda: Sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
2- Pavatta: Sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự hiện-hữu của sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
3- Nimitta: Các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
4- Āyūhana: Sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
5- Paṭisandhi: Sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật đáng kinh sợ, nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavā-nupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp đầy tội chướng, nên không dính mắc trong mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong 3 giới (bhava), 4 loài (yoni), 5 cõi tái-sinh (gati), 7 thức trụ (viññāṇaṭhiti), 9 cõi chúng-sinh (sattāvāsa) đang hiện-hữu thật đáng kinh sợ tột độ, bởi vì tất cả mọi nơi, mọi cõi đang hiện-hữu ấy không phải là nơi ẩn náu (neva tāṇaṃ), không phải là nơi an toàn (na leṇaṃ), không phải là nơi đi lánh nạn (na gati), không phải là nơi nương nhờ (nappaṭisaraṇaṃ). Cho nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa này chỉ hướng đến Niết-bàn giải thoát khổ mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới với 5 đối-tượng uppāda, pavatta, nimitta, āyūhana, paṭisandhi thật đáng kinh sợ (bhaya); còn trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn với 5 đối-tượng đối nghịch là anuppāda, appavatta, animitta, anāyūhana, appaṭisandhi bằng nhiều cách như sau:
1- Đối-tượng kinh sợ (bhaya) và an-tịnh (khema)
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự sinh (uppāda) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là đáng kinh sợ (bhaya), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không sinh (anuppāda) (của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới) là pháp an-tịnh (khema), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự hiện-hữu (pavatta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là đáng kinh sợ (bhaya), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không có sự hiện-hữu (appavatta) của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới là pháp an-tịnh (khema), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 thấy rõ, biết rõ rằng: Pháp-hữu-vi (saṅkhāranimitta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là đáng kinh sợ (bhaya), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ pháp-hữu-vi của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn pháp-vô-vi (animitta) là pháp an-tịnh (khema), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tích lũy nghiệp chướng (āyūhana), cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật là đáng kinh sợ (bhaya), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānu-passanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tích lũy nghiệp chướng (anāyūhana) là pháp an-tịnh (khema), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trong tam-giới thật là đáng kinh sợ (bhaya), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tái-sinh kiếp sau (appaṭisandhi) là pháp an-tịnh (khema), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
2- Đối-tượng khổ (dukkha) và an-lạc (sukha)
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự sinh (uppāda) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là khổ (dukkha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không sinh (anuppāda) (của danh-pháp, sắc pháp trong tam-giới) là pháp an-lạc (sukha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự hiện-hữu (pavatta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là khổ (dukkha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không có sự hiện-hữu (appavatta) của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới là pháp an-lạc (sukha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Pháp-hữu-vi (saṅkhāranimitta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới thật là khổ (dukkha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ pháp-hữu-vi của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn pháp-vô-vi (animitta) là pháp an-lạc (sukha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tích lũy nghiệp chướng (āyūhana), cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật là khổ (dukkha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tích lũy nghiệp chướng (anāyūhana) là pháp an-lạc (sukha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trong tam-giới thật là khổ (dukkha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tái-sinh kiếp sau (appaṭisandhi) là pháp an-lạc (sukha), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavā-nupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
3- Đối-tượng pháp-hữu-vi (saṅkhāra) và Niết-bàn
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự sinh (uppāda) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới là pháp-hữu-vi (saṅkhāra), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không sinh (anuppāda) (của danh-pháp, sắc pháp trong tam-giới) là Niết-bàn (Nibbāna), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự hiện-hữu (pavatta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới là pháp-hữu-vi (saṅkhāra), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānu-passanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không có sự hiện-hữu (appavatta) (của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới) nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Pháp-hữu-vi (saṅkhāranimitta) của sắc-pháp, của danh-pháp 3 thời trong tam-giới là pháp-hữu-vi (saṅkhāra), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavā-nupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ pháp-hữu-vi của sắc-pháp, của danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn là pháp-vô-vi (animitta) nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tích lũy nghiệp chướng (āyūhana), cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới là pháp-hữu-vi (saṅkhāra), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānu-passanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tích lũy nghiệp chướng (anāyūhana) nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavā-nupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ rằng: Sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trong tam-giới là pháp-hữu-vi (saṅkhāra), nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới đầy tội chướng.
– Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa biết rằng: Niết-bàn không tái-sinh kiếp sau (appaṭisandhi) nên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa hướng đến Niết-bàn diệt tất cả mọi pháp-hữu-vi.
Thực-hành 10 loại trí-tuệ thiền-tuệ
Hành-giả kiên trì thực-hành 10 loại trí-tuệ thiền-tuệ rất thuần thục là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng 5 đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp có sự sinh (uppāda), sự hiện-hữu (pavatta), pháp-hành hữu-vi (saṅkhāranimitta), sự tích lũy nghiệp chướng (āyūhana), sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trong tam-giới đầy tội chướng, và
– 5 santipadañāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ hướng tâm đến Niết-bàn có 5 đối-tượng hoàn toàn đối nghịch với 5 đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa, đó là Niết-bàn không sinh (anuppāda), không hiện-hữu (appavatta), pháp-vô-vi (animitta), không tích lũy nghiệp chướng (anāyūhana), không tái-sinh kiếp sau (appaṭisandhi).
Khi kiên trì thực-hành 10 trí-tuệ thiền-tuệ này một cách thuần thục rồi, hành-giả ấy không hề bị lay chuyển bởi các tà-kiến.
Như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanā-ñāṇa với trí-tuệ thiền-tuệ santipadañāṇa, mỗi loại có 5 đối-tượng hoàn toàn đối nghịch với nhau, và dẫn đến như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng, thật đáng kinh sợ tột độ, bởi vì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp không phải là nơi ẩn náu (neva tāṇaṃ), không phải là nơi an toàn (na leṇaṃ), không phải là nơi đi lánh nạn (na gati), không phải là nơi nương nhờ (nappaṭisaraṇaṃ), chỉ có khổ thật sự mà thôi.
Cho nên, hành-giả phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán, không dính mắc vào sắc-pháp, danh-pháp ấy.
– Trí-tuệ thiền-tuệ santipadañāṇa hướng đến Niết-bàn tịch tịnh đầy ân-đức. Niết-bàn là pháp ẩn-náu an toàn, là pháp nương-nhờ an toàn, là pháp giải-thoát khổ hoàn toàn, chỉ có sự an-lạc tuyệt đối mà thôi.
Cho nên, hành-giả phát sinh đức-tin trong sạch vững chắc trong pháp-hành thiền-tuệ này dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa phát sinh tiếp theo.
8- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa có nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 gọi là nibbidānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật đáng nhàm chán.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại vị-lai trong tam-giới đầy tội chướng có nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa là tổng hợp 7 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán.
Nibbidānupassanāñāṇa gồm có 3 từ nibbidā, anupassanā, ñāṇa.
– Nibbidā: Thật đáng nhàm chán.
– anupassanā: Dõi theo thấy rõ, biết rõ.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp.
Nibbidānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán…
Nibbidā: Thật đáng nhàm chán có nghĩa là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã trải qua 7 loại trí-tuệ thiền-tuệ từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 uddayabbayānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, hiện rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, hiện rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp chỉ có khổ thật sự mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa đã thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng kinh sợ tột độ (bhaya).
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa đã thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đầy những tội chướng (ādīnava). Vì vậy, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidā-nupassanāñāṇa này phát sinh thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ, nên chỉ hướng tâm đến Niết-bàn giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài mà thôi.
Ví dụ: * Con chim bị bắt, rồi được nhốt trong chiếc lồng làm bằng vàng, bạc quý giá, được nuôi nấng chăm sóc ăn uống đầy đủ sung túc, nhưng nó cảm thấy nhàm chán cuộc sống trong chiếc lồng ấy, chỉ muốn trốn thoát ra khỏi lồng ấy mà thôi, trở lại rừng núi, nó được tự do bay khắp đó đây như thế nào.
Cũng như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanā-ñāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên cảm thấy nhàm chán tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp trong 3 giới, trong 4 loài chúng-sinh, v.v… Hành-giả chỉ muốn hướng tâm đến Niết-bàn, giải thoát khổ như thế ấy mà thôi.
Hoặc * con bạch tượng không hài lòng, nhàm chán với cuộc sống trong hoàng cung của Đức-vua, nó chỉ hài lòng hoan hỷ sống trong khu rừng lớn, gần hồ nước sâu trong vắt, rộng lớn như thế nào.
Cũng như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanā-ñāṇa thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên cảm thấy nhàm chán tột độ tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, mà chỉ hài lòng hướng tâm đến đối-tượng santipada Niết-bàn diệt tất cả các pháp-hữu-vi, bởi vì hành-giả hiểu biết rõ rằng:
Nếu được chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài thì mới an-lạc thật sự mà thôi, cũng như thế ấy.
Cho nên, hành-giả cố gắng tinh-tấn không ngừng thực-hành dõi theo 7 pháp anupassanā, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, diệt khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
7 pháp anupassanā
– Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường.
– Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ.
– Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã.
– Nibbidānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, danh-pháp thật đáng nhàm chán.
– Virāgānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, danh-pháp không đáng say mê.
– Nirodhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, danh-pháp đáng diệt bỏ.
– Paṭinissaggānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, danh-pháp đáng xả bỏ.
Giảng giải:
1- Aniccānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng có trạng-thái vô-thường như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được niccasaññā: Thấy sai, tưởng lầm cho là sắc-pháp, danh-pháp là thường.
2- Dukkhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái khổ; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng có trạng-thái khổ như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được sukhasaññā: Thấy sai, tưởng lầm cho là sắc-pháp, danh-pháp là lạc.
3- Anattānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại, nên hiện rõ trạng-thái vô-ngã; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng có trạng-thái vô-ngã như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được attasaññā: Thấy sai, tưởng lầm cho là sắc-pháp, danh-pháp là ngã.
4- Nibbidānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên thật đáng nhàm chán; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng thật đáng nhàm chán như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được nandi: Tâm tham-ái hài lòng trong sắc-pháp, danh-pháp.
5- Virāgānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên thật không đáng say mê; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng thật không đáng say mê như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được rāga: Tâm tham-ái say mê trong sắc-pháp, danh-pháp.
6- Nirodhānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên thật đáng diệt bỏ; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng thật đáng diệt bỏ như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được samudaya: Nhân-sinh-khổ của sắc-pháp, của danh-pháp.
7- Paṭinissaggānupassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên thật đáng xả bỏ; và trí-tuệ thiền-tuệ này cũng có khả năng biết rõ danh-pháp sắc-pháp quá-khứ, vị-lai cũng thật đáng xả bỏ như sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại này, nên diệt được ādāna: Sự chấp-thủ trong sắc-pháp, danh-pháp.
Trong 7 pháp ānupassanā này có 3 ānupassanā căn bản là aniccānupassanā, dukkhānupassanā, anattā-nupassanā, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
Ba loại trí-tuệ thiền-tuệ
Ba loại trí-tuệ thiền-tuệ là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đáng kinh sợ.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đầy tội chướng.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đáng nhàm chán.
Ba loại trí-tuệ thiền-tuệ này chỉ có khác nhau về tên gọi mà thôi, còn giống nhau về ý nghĩa.
– Nếu trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đáng kinh sợ thì gọi là bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Nếu trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đầy tội chướng thì gọi là ādīnavānupassanāñāṇa.
– Nếu trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp đáng nhàm chán thì gọi là nibbidānupassanāñāṇa.
Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ, nên hướng tâm đến đối-tượng santipada, Niết-bàn là pháp ẩn-náu an toàn, là pháp nương-nhờ an toàn, là pháp giải-thoát khổ hoàn toàn, chỉ có sự an-lạc tuyệt đối mà thôi.
Đối-tượng santipada, Niết-bàn như thế nào?
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupas-sanāñāṇa thấu suốt biết rõ rằng:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
Uppāda: Sự sinh của sắc-pháp, của danh-pháp thật là đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán, chỉ có khổ mà thôi.
Và anuppāda: Sự không sinh của sắc-pháp, của danh-pháp, đó là santipada, Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
Pavatta: Sự hiện-hữu của sắc-pháp, của danh-pháp thật là đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán, chỉ có khổ mà thôi.
Và anuppāda: Sự không sinh của sắc-pháp, của danh-pháp, đó là santipada, Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
Nimitta (saṅkhāranimitta): Pháp-hữu-vi của sắc-pháp, danh-pháp thật là đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán, chỉ có khổ mà thôi.
Và animitta: Pháp-vô-vi, không bị cấu tạo, đó là santipada, Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
Āyūhana: Sự tích lũy nghiệp chướng cho quả tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật là đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán, chỉ có khổ mà thôi.
Và anāyūhana: Sự không tích lũy nghiệp chướng, đó là santipada, Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ rằng:
Paṭisandhi: Sự tái-sinh kiếp sau trong tam-giới thật là đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán, chỉ có khổ mà thôi.
Và appaṭisandhi: Sự không tái-sinh kiếp sau, đó là santipada, Niết-bàn an-lạc tuyệt đối, v.v…
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán tột độ, chỉ có khổ mà thôi, nên chỉ hướng đến đối-tượng santipada, Niết-bàn diệt tất cả các pháp-hữu-vi, là pháp ẩn-náu an toàn, là pháp nương-nhờ an toàn, là pháp giải-thoát khổ hoàn toàn, có sự an-lạc tuyệt đối mà thôi.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa phát sinh tiếp theo.
9- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 Muñcitukamyatāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa có nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 gọi là muñcitukamyatāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ, nên chỉ mong giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới ấy mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thường dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp quá-khứ, hiện-tại vị-lai trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa là tổng hợp 8 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatā-ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ, nên chỉ mong giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới mà thôi.
Muñcitukamyatāñāṇa gồm có 3 từ muñcitu, kamyatā, ñāṇa.
– Muñcitu: Giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi.
– kamyatā: Sự mong muốn tha thiết.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự thật.
Muñcitukamyatāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ mong muốn tha thiết giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi, danh-pháp, sắc-pháp trong tam-giới.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa phát sinh như thế nào?
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp quá-khứ, hiện-tại, vị-lai trong tam-giới đáng kinh sợ, đầy tội chướng, đáng nhàm chán tột độ, chỉ có khổ mà thôi, nên hướng tâm đến đối-tượng santipada, Niết-bàn diệt tất cả các pháp-hữu-vi làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa chỉ mong chứng ngộ Niết-bàn giải thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài mà thôi.
* Ba giới gồm có 31 cõi là:
– Dục-giới có 11 cõi-giới.
– Sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
– Vô sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
1- Dục-giới có 11 cõi-giới chia làm 2 cõi
– Cõi ác-giới có 4 cõi.
– Cõi thiện-giới có 7 cõi.
* Cõi ác-giới có 4 cõi là cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh. Chúng-sinh bị sa đọa trong 4 cõi ác-giới này do quả của ác-nghiệp, rồi phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanā) trong 12 bất-thiện-tâm: 8 tham-tâm, 2 sân-tâm, 2 si-tâm.
Chúng-sinh nào đã tạo ác-nghiệp nào rồi, sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh 1 trong 4 cõi ác-giới: Địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh. Chúng-sinh sinh trong cõi ác-giới nào do năng lực của quả của ác-nghiệp ấy.
Đặc biệt có ít loài thú như voi báu, ngựa báu, chó, mèo,… do nhờ quả của đại-thiện-nghiệp từ những kiếp trước, nên chúng được người ta nuôi nấng chăm sóc đầy đủ, ít khổ hơn các con thú khác.
* Cõi thiện-giới có 7 cõi là cõi người và 6 cõi trời dục-giới. Chúng-sinh được sinh trong 7 cõi thiện-giới này do quả của đại-thiện-nghiệp, hưởng quả an-lạc trong cõi-giới ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
Đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở trong 8 dục-giới thiện-tâm.
2- Sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
Chư phạm-thiên được hóa-sinh lên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên này do quả của sắc-giới thiện-nghiệp.
Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
3- Vô sắc-giới có 4 tầng trời vô sắc-giới phạm-thiên.
Chư phạm-thiên được hóa-sinh lên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên này do quả của vô-sắc-giới thiện-nghiệp.
Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
* Bốn loài đó là 4 loài chúng-sinh:
1- Thai-sinh: Chúng-sinh thuộc về loài thai-sinh, đầu tiên cần phải nương nhờ nơi bụng mẹ, từ từ lớn dần cho đến khi đủ tháng đủ ngày, mới sinh ra đời. Đó là loài người, loài súc-sinh như trâu, bò, v.v…
2- Noãn-sinh: Chúng-sinh thuộc về loài noãn-sinh, đầu tiên cần phải nương nhờ nơi bụng mẹ, sinh trong trứng từ từ lớn dần cho đến khi đủ tháng đủ ngày, trứng sinh ra ngoài, rồi từ trứng sinh ra con. Đó là loài gà, vịt, chim, v.v…
3- Thấp-sinh: Chúng-sinh thuộc về loài thấp-sinh nương nhờ nơi ẩm thấp dơ dáy, dưới đất, lá cây, trái cây chín, máu, mủ, v.v… Đó là con giun đất, trùn, dòi, các loài sán, v.v…
4- Hóa-sinh: Chúng-sinh thuộc về loài hóa-sinh không cần nương nhờ vào nơi nào cả, chỉ nương nhờ nơi nghiệp quá-khứ của mình mà thôi. Khi hóa-sinh ngay tức khắc to lớn tự nhiên. Đó là chúng-sinh địa-ngục, các loài ngạ-quỷ, các loài a-su-ra, chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, chư phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, …
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa hiểu biết rằng:
Hễ còn tái-sinh kiếp sau là còn có ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, dù ở trong cõi nào cũng chắc chắn còn phải chịu khổ của sắc-pháp, của danh-pháp ấy.
Đối với hạng phàm-nhân, hễ còn tiếp tục tử sinh luân-hồi thì khó mà tránh khỏi 4 cõi ác-giới: Địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Cho nên, hành-giả phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng kinh sợ, đầy tội chướng, thật đáng nhàm chán thật sự. Vì vậy, hành-giả cảm thấy kinh sợ, nhàm chán trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nên chỉ quyết tâm tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ để mong chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ khỏi vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài mà thôi.
Tính chất của muñcitukamyatāñāṇa như thế nào?
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa chỉ mong chứng ngộ Niết-bàn giải thoát khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới mà thôi, qua những ví dụ như sau:
– Ví như con cá bị mắc lưới, cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi lưới như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới cũng như thế ấy.
– Ví như con ếch bị con rắn ngậm trong miệng, cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi miệng con rắn như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn… cũng như thế ấy.
– Ví như con gà rừng là con vật sống trong rừng, khi nó bị sa vào bẫy, người thợ săn đem nó về nhốt trong chuồng, nó cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi chuồng như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn, … cũng như thế ấy.
– Ví như con nai bị sa vào bẫy, người thợ săn đem nó về nhốt trong chuồng, nó cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi chuồng như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn, … cũng như thế ấy.
– Ví như con rắn bị nằm trong tay thầy rắn, nó cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi tay thầy rắn như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn,… cũng như thế ấy.
– Ví như con voi bị sa xuống hầm sâu, nó cố gắng hết sức mình leo lên để thoát ra khỏi hầm như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn, … cũng như thế ấy.
– Ví như long vương bị nằm trong mỏ của điểu vương, nó cố gắng hết sức mình vùng vẫy để thoát ra khỏi mỏ của điểu vương như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn, … cũng như thế ấy.
– Ví như một người bị kẻ thù vây hãm, người ấy cố gắng hết sức mình tìm đường chạy thoát ra khỏi vòng vây của kẻ thù như thế nào. Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 mong chứng ngộ Niết-bàn giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới cũng như thế ấy, v.v…
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa này thấy rõ, biết rõ ràng mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong 31 cõi trong tam-giới đều sinh rồi diệt, tan rã, là vô-thường, chỉ có khổ thật sự mà thôi, nên tâm của hành-giả chỉ mong chứng ngộ Niết-bàn, mới giải thoát ra khỏi mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, đồng thời giải thoát khổ ra khỏi vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, hành-giả không muốn dính mắc trong sắc-pháp, danh-pháp nào nữa, chỉ cố gắng tinh-tấn không ngừng tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mong chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ ra khỏi vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa phát sinh tiếp theo.
10- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa có nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 gọi là paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi trong tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ mong muốn tha thiết giải thoát ra khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm chán tột độ làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 gọi là paṭisaṅkhā-nupassanāñāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanā-ñāṇa là tổng hợp 9 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 gọi là paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi trong tam-giới.
Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa gồm có 4 từ paṭi, saṅkhā, ānupassanā, ñāṇa.
– Paṭi: Trở lại.
– aṅkhā: Suy xét.
– nupassanā: Dõi theo thấy rõ, biết rõ.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự thật.
Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi trong tam-giới.
Theo bộ Visuddhimagga , hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa này thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ 4 trạng-thái gồm có 53 trạng-thái chi-tiết:
– Trạng-thái vô-thường có 12 trạng-thái chi-tiết.
– Trạng-thái khổ có 27 trạng-thái chi-tiết.
– Trạng-thái bất-tịnh có 7 trạng-thái chi-tiết.
– Trạng-thái vô-ngã có 7 trạng-thái chi-tiết.
1-Aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường có 12 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa mà hành-giả nên thực-hành như sau:
1- Anaccantikato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không thường tồn, sinh rồi diệt liên tục không ngừng.
2- Tāvakālikato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái tạm thời ngắn ngủi.
3- Uppādavayaparicchinnakato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái phân tích sự sinh, sự diệt.
4- Palokato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái tiêu hoại.
5- Calato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái biến đổi bệnh, già, chết.
6- Pabhaṅguto: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái tan rã.
7- Addhuvato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không bền vững.
8- Vipariṇāmadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái biến đổi là thường.
9- Asārakato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái vô dụng, không cốt lõi.
10- Vibhavato:Ttrí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái bị suy.
11- Saṅkhatato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái bị cấu tạo.
12- Maraṇadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái huỷ diệt, chết là thường.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trở lại trạng-thái vô-thường có 12 trạng-thái chi-tiết phát sinh tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ có 27 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭi-saṅkhānupassanāñāṇa mà hành-giả nên thực-hành như sau:
1- Abhiṇhapaṭipīlanato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ luôn luôn hành hạ.
2- Dukkhato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ khó chịu đựng nổi.
3- Dukkhavatthuto: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ của nơi sinh.
4- Rogato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ bệnh.
5- Gaṇḍato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ như ung nhọt.
6- Sallato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ như mũi tên độc phiền-não.
7- Aghato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ vì bất hạnh.
8- Ābādhato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ bệnh hoạn, ốm đau.
9- Ītito: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái suy đồi.
10- Upaddavato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ tai nạn.
11- Bhayato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ đáng kinh sợ.
12- Upasaggato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ cản trở.
13- Atāṇato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ không có nơi bảo hộ.
14- Aleṇato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ không có nơi ẩn náu.
15- Asaraṇato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ không nơi nương nhờ.
16- Ādīnavato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ đầy tội chướng.
17- Aghamūlato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái nguồn gốc của khổ đau.
18- Vadhakato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ như kẻ sát hại.
19- Sāsavato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ phiền-não trầm luân.
20- Mārāmisato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ mồi của Ma.
21- Jātidhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ sinh là thường.
22- Jarādhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ già là thường.
23- Byādhidhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ bệnh là thường.
24- Sokadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ sầu não là thường.
25- Paridevadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ than khóc là thường.
26- Upāyāsadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái thống khổ cùng cực là thường.
27- Saṃkilesikadhammato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khổ do phiền-não làm ô nhiễm.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trở lại trạng-thái khổ có 27 trạng-thái chi-tiết phát sinh tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
3- Asubhalakkhaṇa: Trạng-thái bất-tịnh có 7 trạng-thái chi-tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa mà hành-giả nên thực-hành như sau:
1- Ajaññato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không tốt đẹp.
2- Duggandhato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái hôi hám.
3- Jegucchato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái đáng ghê tởm.
4- Paṭikkūlato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái dơ bẩn.
5- Amaṇḍanārahato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không có xinh đẹp gì cả.
6- Virūpato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái xấu xí.
7- Bībhacchato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái đáng gớm ghiếc.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trạng-thái bất-tịnh, có 7 trạng-thái chi-tiết phát sinh tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả. Bảy trạng-thái-bất-tịnh chi-tiết này là trạng-thái phụ của trạng-thái khổ được ghép chung vào trạng-thái khổ.
4- Anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã có 7 trạng-thái chi tiết là đối-tượng của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅ-khānupassanāñāṇa mà hành-giả nên thực-hành như sau:
1- Parato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái khác lạ.
2- Rittato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái rỗng không.
3- Tucchato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái rỗng tuếch rỗng toác.
4- Suññato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái hoàn toàn không, không phải ta, không phải của ta.
5- Assāmikato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái vô chủ.
6- Anissarato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không quyền hành.
7- Avasavattito: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn có trạng-thái không chiều theo ý muốn của ai. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trở lại trạng-thái vô-ngã có 7 trạng-thái chi tiết phát sinh tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa này thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới một cách rõ ràng đầy đủ các trạng-thái chi-tiết, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāma) được 3 pháp-đảo-điên (vipallāsa): Tưởng-đảo-điên (saññāvipal-lāsa), tâm-đảo-điên (cittavipallāsa), tà-kiến-đảo-điên (diṭṭhivipallāsa) cho là sắc-pháp, danh-pháp là thường, lạc, ngã, tịnh.
Cho nên, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanā-ñāṇa này sáng suốt tìm ra phương pháp giải thoát khổ khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới này.
Hành-giả tiếp tục cố gắng tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với phương pháp như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa phát sinh có nhiều năng lực.
Trong Visuddhimagga, phần trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇakathā dạy rằng:
“Aniccato manasikaroto nimittaṃ paṭisaṅkhāñāṇaṃ uppajjati.
Dukkhato manasikaroto pavattaṃ paṭisaṅkhāñāṇaṃ uppajjati.
Anattato manasikaroto nimittañca pavattañca paṭisaṅkhā ñāṇaṃ uppajjati. ”
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, biết rõ pháp-hữu-vi không bền lâu, chốc lát, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa phát sinh.
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ, biết rõ sự hiện hữu các pháp-hữu-vi, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa phát sinh.
Hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-ngã, biết rõ pháp-hữu-vi không bền lâu và sự hiện hữu các pháp-hữu-vi, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa phát sinh.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa phát sinh tiếp theo.
11- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 Saṅkhārupekkhāñāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa nhiều năng lực làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 gọi là saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ràng thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp là pháp-vô-ngã, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên đặt tâm trung-dung giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, để quyết định phương pháp giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa là tổng hợp 10 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupek-khāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên đặt tâm trung-dung (majjhatta) giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, để quyết định phương pháp giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
Saṅkhārupekkhāñāṇa gồm có 3 từ saṅkhāra, upekkhā, ñāṇa.
– Saṅkhāra: Các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp.
– upekkhā: Tâm trung-dung.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh.
Saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ràng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là pháp-vô-ngã, có 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên đặt tâm trung-dung (majjhatta) giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp để quyết định chọn phương pháp giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi trong tam-giới, để tìm ra phương-pháp giải thoát ra khỏi các pháp-hữu-vi này. Cho nên hành-giả trở lại suy xét rằng:
Sabbe saṅkhārā suññā.
Tất cả các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 6 xứ bên trong với 6 xứ bên ngoài, 18 tự-tánh (dhātu), … đều là hoàn toàn không (không phải ta, không phải của ta).
Thật vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ 2 pháp bên trong chính mình:
Suññamidaṃ attanena vā attaniyena vā.
Thật-tánh của các pháp-hữu-vi này không phải là ta và không thuộc về của ta.
Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhāru-pekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng các pháp-hữu-vi hoàn toàn không phải là ta, không thuộc về của ta với paccakkhañāṇa, trí-tuệ trực tiếp biết rõ bên trong của mình như vậy, và cũng thấy rõ, biết rõ ràng các pháp-hữu-vi bên trong của người khác bằng anumānañāṇa, trí-tuệ gián tiếp biết rõ 4 pháp rằng:
– “Nāhaṃ kvacani,
– Kassaci kiñcanatasmiṃ,
– Na ca mama kvacani,
– Kismiñci kiñcanatatthi.”
– Hành-giả không thấy có ta trong bất cứ nơi nào, thời gian nào, trong pháp nào cả.
– Hành-giả không thấy ta có quan hệ mật thiết đến một ai cả.
– Hành-giả thấy không có của ta, cũng không có của người khác, bất cứ nơi nào, thời gian nào, trong pháp nào cả.
– Hành-giả không thấy người khác có quan hệ với ta.
Pháp-hữu-vi là hoàn toàn không
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ các pháp-hữu-vi rằng:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 6 xứ bên trong: Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ, là hoàn toàn không (suñña), không phải là ta, không thuộc về của ta, vô-thường, không bền, không vững,…
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 6 xứ bên ngoài: Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ là hoàn toàn không (suñña), không phải là ta, không thuộc về của ta, vô-thường, không bền, không vững,…
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 6 thức-tâm: Nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm là hoàn toàn không, không phải là ta, không thuộc về của ta, vô-thường, không bền, không vững, …
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn là hoàn toàn không (suñña), không phải là ta, không thuộc về của ta, là vô dụng, vì không có lõi, không bền vững, vô-thường, không an-lạc, vô-ngã, luôn luôn biến đổi, ví như cây sậy, cây chuối, bong bóng nước, bọt nước, giọt sương, …
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn với 10 tính chất như sau:
Sắc-uẩn có 10 tính chất: 6
1- Rūpaṃ rittato passati: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là vô ích, bởi vì vô-thường, khổ, vô-ngã.
2- Tuccho: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là rỗng tuếch, bởi vì không có cốt lõi.
3- Suññato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là rỗng không, không phải là ta, không thuộc về của ta.
4- Anattato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là vô-ngã, bởi vì vô chủ, không chiều theo ý muốn của ai.
5- Anissariyato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không có chủ quyền, bởi vì không ai có quyền hành.
6- Akāmakāriyato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không làm theo ý muốn của ai.
7- Alabbhanīyato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ không thể muốn sắc-uẩn như thế này, đừng như thế kia.
8- Avasavattakato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không chiều theo ý muốn của ai.
9- Parato: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là khác lạ.
10- Vivittato pasati: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là vô chủ, bởi vì không phải người, không phải chúng-sinh nào cả.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là hoàn toàn không với 10 tính chất ấy như thế nào.
Cũng như vậy, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn cũng là hoàn toàn không với 10 tính chất như thế ấy.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn là hoàn toàn không với 12 tính chất như sau:
Sắc-uẩn có 12 tính chất:
1- Rūpaṃ na satto: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là chúng-sinh.
2- Na jīvo: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là sinh mạng vĩnh cửu như ngoại đạo.
3- Na naro: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là người nam.
4- Na māṇavo: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là người nam trẻ.
5- Na itthī: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là người nữ.
6- Na puriso: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là người.
7- Na attā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là ngã (ta).
8- Na attaniyaṃ: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải thuộc về ngã (ta).
9- Nāhaṃ: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải là ta.
10- Na mama: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải thuộc về của ta.
11- Na aññassa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải thuộc về của người khác.
12- Na kassaci: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn không phải thuộc về của một ai.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn là hoàn toàn không với 12 tính chất ấy như thế nào.
Cũng như vậy, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn cũng là hoàn toàn không với 12 tính chất như thế ấy.
* Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-uẩn hoàn toàn không với trạng-thái vô-thường có 12 trạng-thái chi-tiết; trạng-thái khổ có 27 trạng-thái chi-tiết; trạng-thái vô-ngã có 7 trạng-thái chi-tiết của sắc-uẩn.
Cũng như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn hoàn toàn không với trạng-thái vô-thường có 12 trạng-thái chi-tiết; trạng-thái khổ có 27 trạng-thái chi-tiết; trạng-thái vô-ngã có 7 trạng-thái chi-tiết như sắc-uẩn.
Khi hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp hoàn toàn không như vậy, gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới hoàn toàn không, không phải là ta, không phải thuộc về của ta.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới hoàn toàn không với nhiều phương pháp như vậy, tâm của hành-giả đặt trung-dung giữa tất cả các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
Như vậy, hành-giả đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 gọi là saṅkhārupekkhāñāṇa.
Tính chất của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11
Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới hoàn toàn không (không phải ta, không phải thuộc về của ta), thấy rõ, biết rõ đầy đủ trạng-thái chi-tiết của trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới, cho nên, hành-giả có được tính chất đặc biệt của trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa như sau:
– Hành-giả diệt được bhayañca nandiñca vippahāya: Tâm kinh-sợ (bhaya) và tâm hoan-hỷ (nandi) trong các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, bởi vì đặt tâm trung-dung (majjhatta) giữa các sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
– Hành-giả không chấp-thủ trong sắc-pháp, danh-pháp cho là ta (ahaṃ), thuộc về của ta (mama), bởi vì thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật đáng kinh-sợ, đầy tội-chướng, thật đáng nhàm-chán tột độ. Ví dụ:
Một chàng trai yêu say đắm người vợ trẻ đẹp, không muốn rời xa, vì quá yêu vợ. Nếu thấy người vợ đứng, ngồi nói chuyện, cười cợt với người đàn ông nào thì chàng trai ấy nổi cơn ghen tức, khổ tâm cùng cực.
Một hôm, chàng trai ấy bắt gặp vợ của mình ngoại tình với người đàn ông khác, thấy rõ, biết rõ người vợ phụ bạc, không có chung thuỷ với mình, đầy tội-lỗi như vậy, nên phát sinh tâm nhàm-chán tột độ, không còn yêu say đắm người vợ như trước nữa.
Chàng trai ấy quyết tâm ly dị với vợ, rồi đuổi vợ ra khỏi nhà, không còn chấp nhận là vợ của mình nữa.
Từ đó về sau, dù chàng trai trẻ thấy người vợ cũ đi theo với người ông khác, chuyện trò cười cợt với người đàn ông khác, chàng trai trẻ ấy vẫn tự nhiên, không hề nổi cơn ghen tức như trước nữa, bởi vì chàng trai trẻ đặt tâm trung-dung giữa người vợ cũ và người đàn ông ấy.
Cũng như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhāru-pekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp hoàn toàn không, là pháp-vô-ngã, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên không còn chấp-thủ trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp cho là ta (ahaṃ), thuộc về của ta (mama), đặt tâm trung-dung giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.
Hành-giả đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhāru-pekkhāñāṇa này thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp thật đáng kinh sợ, đầy tội-chướng, thật đáng nhàm-chán tột độ, chỉ mong giải thoát ra khỏi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp tam-giới mà thôi.
Hành-giả trở lại thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp hoàn toàn không, không phải là ta, không phải thuộc về của ta, nên đặt tâm trung-dung giữa ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, đó là đại-thiện-tâm có nhiều năng lực chỉ còn hướng đến Niết-bàn giải thoát khổ mà thôi.
Nếu đại-thiện-tâm chưa thấy đối-tượng danh-pháp Niết-bàn thì trở lại với đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, và hành-giả tiếp tục thực-hành như vậy, cho đến khi trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng thấy được đối-tượng danh-pháp Niết-bàn.
Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng thấy được đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, khi ấy, mới buông bỏ đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
Ví dụ: Chiếc thương thuyền đi trên đại dương.
Thời xưa, con người chưa có chiếc la bàn chỉ phương hướng. Chiếc thương thuyền trước khi khởi hành đi ra biển đại dương, người thuyền trưởng bắt một con quạ đem theo để chỉ phương hướng. Nếu khi chiếc thuyền bị gió mạnh đi lạc hướng, nhìn không thấy bến thì khi ấy người thuyền trưởng thả con quạ bay đi tìm bến.
Con quạ rời từ đỉnh cột buồm bay thẳng lên hư không, bay quanh các hướng, nếu nó thấy bến thì nó bay thẳng về hướng ấy, nhưng nếu nó chưa thấy bến thì nó bay trở lại đậu trên đỉnh cột buồm như trước.
Con quạ ấy tiếp tục bay như vậy, cho đến khi tìm thấy bến bay thẳng về hướng ấy, chiếc thuyền cũng đi theo hướng ấy đến bến.
Cũng như vậy, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa, nếu khi thấy được đối-tượng santipada Niết-bàn siêu-tam-giới thì buông bỏ đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã.
Nếu khi chưa thấy được đối-tượng santipada Niết-bàn siêu-tam-giới thì vẫn còn có đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã.
Hành-giả tiếp tục thực-hành như vậy, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa này phát sinh càng lâu càng vi-tế sâu sắc, thì càng có nhiều năng lực, đặt tâm trung-dung giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới.
Ba trí-tuệ thiền-tuệ cùng mục đích
Ba trí-tuệ thiền-tuệ có cùng mục đích giống nhau là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm-chán tột độ, nên chỉ mong giải thoát ra khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới mà thôi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa thấy rõ, biết rõ trở lại đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, để tìm ra phương pháp giải thoát ra khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa thấy rõ, biết rõ ràng thật-tánh của danh-pháp, sắc pháp là pháp-vô-ngã, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, đặt tâm trung-dung giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, nên có khả năng đặc biệt quyết định phương pháp thực-hành để giải thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.
Như vậy, 3 trí-tuệ thiền-tuệ này đều giống nhau về phận sự, về mục đích giải-thoát ra khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, nhưng chỉ có khác nhau về thời gian qua 3 giai đọan như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa ở giai đọan đầu.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa ở giai đọan giữa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa ở giai đọan cuối.
Tính chất của Saṅkhārupekkhāñāṇa
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa, nên có những tính chất đặc biệt như sau:
– Hành-giả không thóai chí nản lòng, chỉ có quyết tâm kiên trì thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong chóng chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài mà thôi.
– Hành-giả có 5 pháp đặc biệt là:
1- Bojjhaṅgavisesa: Pháp đặc biệt thất-giác-chi: Niệm-giác-chi, phân-tích-giác-chi, tinh-tấn-giác-chi, hỷ-giác-chi, tịnh-giác-chi, định-giác-chi, xả-giác-chi. Đó là 7 pháp-giác-chi hỗ trợ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.
2- Maggaṅgavisesa: Pháp đặc biệt bát-chánh-đạo: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định. Đó là 8 pháp-chánh-đạo hỗ trợ chính trực tiếp chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái.
3- Jhānaṅgavisesa: Pháp đặc biệt thiền-định. Jhāna nghĩa là định-tâm trong đối-tượng, có 2 loại:
– Lakkhaṇūpanijjhāna: Định-tâm trong mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, để trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
– Ārammaṇūpaṇūpanijjhāna: Định-tâm trong 40 đề-mục thiền-định.
4- Paṭipadāvisesa: Pháp-hành đặc biệt có 4 pháp thực-hành:
– Dukkhāpaṭipadā dandhābhiññā: Thực-hành pháp-hành khó nhọc, chậm chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
– Dukkhāpaṭipadā khippābhiññā: Thực-hành pháp-hành khó nhọc, mau chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
– Sukhāpaṭipadā dandhābhiññā: Thực-hành pháp-hành dễ dàng, chậm chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
– Sukhāpaṭipadā khippābhiññā: Thực-hành pháp-hành dễ dàng, mau chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
Nguyên nhân của mỗi pháp-hành
– Do nguyên nhân nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khó nhọc, chậm chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả?
Do 10 vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh xen vào làm trở ngại cho hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khó phát triển.
Khi hành-giả thực-hành khó nhọc mới thoát ra khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ rồi, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa phát sinh gần chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả vẫn còn chút trở ngại mới chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
Vì vậy, gọi là “dukkhāpaṭipadā dandhābhiññā: Thực-hành pháp-hành khó nhọc, chậm chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả”.
– Do nguyên nhân nào mà hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dễ dàng, mau chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả?
Do hành-giả thực-hành dễ dàng thoát ra khỏi 10 vipassanupakkilesa: Pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ, và đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa phát sinh gần chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả cũng dễ dàng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
Vì vậy, gọi là “sukhāpaṭipadā khippābhiññā: Thực-hành pháp-hành dễ dàng, mau chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả”.
* Đối với chư Phật chỉ có điều thứ 4 là “sukhā-paṭipadā khippābhiññā”: Thực-hành pháp-hành dễ dàng, mau chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả mà thôi.
* Đối với Ngài Đại-trưởng-lão Sāriputta chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả thuộc về điều thứ 4 “sukhā-paṭipadā khippābhiññā”.
* Đối với Ngài Đại-trưởng-lão Mahāmoggallāna, khi chứng đắc Sotāpattimagga, Sotāpattiphala thuộc về điều thứ 4“sukhāpaṭipadā khippābhiññā”. Nhưng đến khi chứng đắc 3 Thánh-đạo và 3 Thánh-quả bậc cao thuộc về điều thứ nhất “dukkhāpaṭipadā dandhābhiññā”.
* Đối với các hành-giả khác đều có 1 trong 4 pháp-hành tuỳ theo khả năng của mỗi vị.
5-Vimokkhavisesa: Pháp đặc biệt vimokkha có 3 pháp:
– Animittavimokkha: Vô-hiện-tượng giải-thoát là hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái vô-thường dẫn đến giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi tam-giới (animitta), chứng ngộ Niết-bàn animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn.
– Appaṇihitavimokkha: Vô-tham-ái giải thoát là hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái khổ dẫn đến giải thoát khỏi tham-ái trong các pháp-hữu-vi tam-giới (appaṇihita), chứng ngộ Niết-bàn appaṇihita-nibbāna: Vô-tham-ái Niết-bàn.
– Suññatavimokkha: Chơn-không vô-ngã giải-thoát là hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo trạng-thái vô-ngã dẫn đến giải thoát khỏi chấp ngã trong các pháp-hữu-vi tam-giới (suññata), chứng ngộ Niết-bàn suññatanibbāna: Chơn-không vô-ngã Niết-bàn.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 dõi theo 3 anupassanā cơ bản là:
1- Aniccānupassanā: Dõi theo trạng-thái vô-thường.
2- Dukkhānupassanā: Dõi theo trạng-thái khổ.
3- Anattānupassanā: Dõi theo trạng-thái vô-ngã.
Khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa dõi theo 3 loại anupassanā này liên quan đến 3 loại indriya, có khả năng đạt đến 3 pháp-giải-thoát vimokkha, chứng ngộ 3 loại Nibbāna, chứng đắc thành bậc Thánh-nhân ariyapuggala, phân định 7 nhóm Thánh-nhân trong Phật-giáo.
* Hành-giả đạt đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 gọi là saṅkhārupekkhāñāṇa này có một tiềm lực mãnh liệt, có khả năng đặc biệt quyết định chọn phương pháp thực-hành để giải thoát khổ khỏi tam-giới như sau:
– Bằng 1 trong 3 pháp-chủ Indriya: Saddhindriya, samādhindriya, paññindriya.
– Bằng 1 trong 3 anupassanā: Aniccānupassanā, dukkhānupassanā, anattānupassanā.
– Bằng 1 trong 3 sāmaññalakkhaṇa: Aniccalakkhaṇa, dukkhalakkhaṇa, anattalakkhaṇa.
– Bằng 1 trong 3 pháp-giải-thoát vimokkha: Animitta-vimokkha, appaṇihitavimokkha, suññatavimokkha.
– Bằng 1 trong 3 loại Nibbāna: Animittanibbāna, appaṇihitanibbāna, suññatanibbāna.
* Phân-định 7 nhóm Thánh-nhân:
1- Nhóm Thánh-nhân Saddhānusārī.
2- Nhóm Thánh-nhân Saddhāvimutta.
3- Nhóm Thánh-nhân Kāyasakkhi.
4- Nhóm Thánh-nhân Ubhatobhāgavimutta.
5- Nhóm Thánh-nhân Dhammānusārī.
6- Nhóm Thánh-nhân Diṭṭhipatta.
7- Nhóm Thánh-nhân Paññāvimutta.
1- Nếu hành-giả là hạng người có đức-tin trong sạch đặc biệt thì saddhindriya: Tín-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ), dõi theo aniccānu-passanā, thấy rõ, biết rõ aniccalakkhaṇa: Trạng-thái vô-thường, dẫn đến pháp-giải-thoát animittavimokkha: Vô-hiện-tượng giải-thoát là giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi tam-giới (animitta), chứng ngộ Niết-bàn animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả như sau:
– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo thuộc về nhóm Saddhānusārī: Bậc Thánh Nhập-lưu chứng đắc bằng đức-tin trong sạch,
– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-quả, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả gồm có 7 bậc Thánh-nhân này thuộc về nhóm Saddhāvimutta: Bậc Thánh-nhân giải thoát bằng đức-tin trong sạch.
2- Nếu hành-giả là hạng người có định-tâm vững chắc đặc biệt thì samādhindriya: Định-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ), dõi theo dukkhānupassanā, thấy rõ, biết rõ dukkhalakkhaṇa: Trạng-thái khổ, dẫn đến pháp-giải-thoát appaṇihita-vimokkha: Vô-tham-ái giải thoát là giải thoát khỏi tham-ái trong các pháp-hữu-vi tam-giới (appaṇihita), chứng ngộ Niết-bàn appaṇihitanibbāna: Vô-tham-ái Niết-bàn, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả như sau:
– Chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả gồm có 8 bậc Thánh-nhân đều thuộc về nhóm Kāyasakkhi: Bậc Thánh-nhân trước có các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng, sau thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả.
– Nếu hành-giả trước đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả thì thuộc về nhóm Ubhatobhāgavimutta: Bậc Thánh A-ra-hán giải-thoát cả 2: Tứ thiền vô-sắc-giới và A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
3- Nếu hành-giả là hạng người có trí-tuệ siêu-việt đặc biệt thì paññindriya: Tuệ-pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ), dõi theo anattānu-passanā, thấy rõ, biết rõ anattalakkhaṇa: Trạng-thái vô-ngã, dẫn đến pháp-giải-thoát suññatavimokkha: Chơn-không vô-ngã giải-thoát là giải thoát khỏi chấp ngã trong các pháp-hữu-vi tam-giới (suññata), chứng ngộ Niết-bàn suññatanibbāna: Chơn-không vô-ngã Niết-bàn, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả như sau:
– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo thuộc về nhóm Dhammānusārī: Bậc Thánh Nhập-lưu chứng đắc bằng trí-tuệ siêu-việt.
– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-quả, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, A-ra-hán Thánh-đạo gồm có 6 bậc Thánh-nhân này thuộc về nhóm Diṭṭhipatta: Bậc Thánh-nhân giải thoát bằng trí-tuệ siêu-việt.
– Chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả thuộc về nhóm Paññāvimutta: Bậc Thánh A-ra-hán giải-thoát bằng trí-tuệ siêu-việt, (không có bậc thiền nào làm nền tảng).
7 nhóm thánh-nhân theo 4 thánh-đạo, 4 thánh-quả
Phân loại 7 nhóm Thánh-nhân tương xứng với 8 bậc Thánh-nhân như sau:
1- Nhóm Thánh-nhân Saddhānusārī có 1 bậc Thánh Nhập-lưu chứng đắc bằng đức-tin trong sạch.
2- Nhóm Thánh-nhân Dhammānusārī có 1 bậc Thánh Nhập-lưu chứng đắc bằng trí-tuệ siêu-việt.
3- Nhóm Thánh-nhân Diṭṭhipatta gồm có 6 bậc Thánh-nhân giải thoát bằng trí-tuệ siêu-việt, đó là Nhập-lưu Thánh-quả, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, A-ra-hán Thánh-đạo.
4- Nhóm Thánh-nhân Saddhāvimutta gồm có 7 bậc Thánh-nhân giải thoát bằng đức-tin trong sạch, đó là Nhập-lưu Thánh-quả, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
5- Nhóm Thánh-nhân Kāyasakkhi gồm có 8 bậc Thánh-nhân trước có các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng, sau thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng đắc đầy đủ 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả.
6- Nhóm Thánh-nhân Ubhatobhāgavimutta có 1 bậc Thánh A-ra-hán giải thoát bằng cả 2 pháp: Tứ thiền-vô-sắc-giới và A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
7- Hạng Thánh-nhân Paññāvimutta có 1 bậc Thánh-A-ra-hán Thánh-quả giải thoát bằng trí-tuệ siêu-việt, (không có bậc thiền nào làm nền tảng).
* Trong thời-kỳ giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nếu hành-giả là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Bồ-tát Độc-giác do nguyện lực trong tiền-kiếp thì sẽ dừng ngay tại trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa này, không thể phát triển lên trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa được.
Còn nếu hành-giả là vị Bồ-tát thanh-văn-giác thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) đã từng tích-lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đặc biệt 5 pháp-chủ (indriya), 5 pháp-lực (bala), 7 pháp-giác-chi (bojjhaṅga) để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-
bàn, mới có khả năng tiếp tục phát triển lên trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpattimaggavīthicitta).
Đối-tượng trước thánh-đạo lộ-trình-tâm
Trong bộ Visuddhinagga, phần saṅkhārupekkhāñāṇa trình bày nhiều trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ ban đầu có đối-tượng thiền-tuệ khi thì sắc-pháp, khi thì danh-pháp khác nhau, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới, hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới. Những trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa có những đối-tượng thiền-tuệ tam-giới này không chắc chắn, có thể thay đổi đối-tượng thiền-tuệ theo mỗi lộ-trình-tâm, trước khi Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta) có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta), có đối-tượng thiền-tuệ tam-giới chắc chắn, không thay đổi, đó là đối-tượng sắc-pháp hoặc đối-tượng danh-pháp tam-giới, có 1 trong 3 trạng-thái-chung là trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, có 1 trong 3 pháp-chủ là tín-pháp-chủ, hoặc định-pháp-chủ, hoặc tuệ-pháp-chủ tuỳ theo năng lực pháp-chủ đặc biệt của hành-giả.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa phát sinh tiếp theo.
12- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 Saccānulomañāṇa
Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa nhiều năng lực đặc biệt làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 gọi là saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ ràng sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên đặt tâm trung-dung giữa mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, để quyết định phương-pháp giải thoát khỏi sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, làm nền tảng, làm nhân-duyên để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa là tổng hợp 11 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 nhiều năng lực đặc biệt làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau.
Saccānulomañāṇa gồm có 3 từ sacca, anuloma, ñāṇa.
– Sacca: Chân-lý tứ Thánh-đế: Khổ Thánh-đế, nhân sinh khổ Thánh-đế, diệt khổ Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế.
– anuloma: Thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước, và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau.
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp.
Saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau.
Giảng giải
– Sacca: Chân-lý tứ Thánh-đế là 4 sự thật chân-lý mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là:
1- Khổ Thánh-đế (dukkha ariyasacca): Đó là 81 tam-giới-tâm (trừ 8 siêu-tam-giới-tâm), 51 tâm sở (trừ tham-tâm-sở) và 28 sắc-pháp, gọi là khổ Thánh-đế.
2- Nhân sinh khổ Thánh-đế (dukkhasamudaya ariya-sacca): Đó là tham-ái là tham-tâm-sở (lobhacetasika), gọi là nhân sinh khổ Thánh-đế.
3- Diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha ariyasacca): Đó là Niết-bàn (Nibbāna), gọi là diệt khổ Thánh-đế.
4- Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế (dukkha-nirodhagāminī paṭipadā ariyasacca): Đó là pháp-hành bát-chánh-đạo: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định, gọi là pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế.
– Anuloma: Thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước, và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau.
* Thuận dòng theo 8 loại trí-tuệ thiền-tuệ phần trước:
1- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa.
2- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
3- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
4- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
5- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
6- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
7- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
8- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
* Thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma chứng đắc Thánh-đạo phần sau là:
– Satipaṭṭhāna: 4 pháp-niệm-xứ:
1- Thân niệm-xứ.
2- Thọ niệm-xứ.
3- Tâm niệm-xứ.
4- Pháp niệm-xứ.
– Samappadhāna: 4 pháp-tinh-tấn:
1- Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không phát sinh.
2- Tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh.
3- Tinh-tấn làm cho thiện-pháp phát sinh.
4- Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.
– Iddhipāda: 4 pháp-thành-tựu:
1- Pháp-thành-tựu do hài-lòng.
2- Pháp-thành-tựu do tinh-tấn.
3- Pháp-thành-tựu do quyết-tâm.
4- Pháp-thành-tựu do trí-tuệ.
– Indriya: 5 pháp-chủ:
1- Tín-pháp-chủ.
2- Tấn-pháp-chủ.
3- Niệm-pháp-chủ.
4- Định-pháp-chủ.
5- Tuệ-pháp-chủ.
– Bala: 5 pháp-lực:
1- Tín-pháp-lực.
2- Tấn-pháp-lực.
3- Niệm-pháp-lực.
4- Định-pháp-lực.
5- Tuệ-pháp-lực.
– Bojjhaṅga: 7 pháp-giác-chi:
1- Pháp niệm giác-chi.
2- Pháp phân-tích giác-chi.
3- Pháp tinh-tấn giác-chi.
4- Pháp hỷ-giác-chi.
5- Pháp tịnh giác-chi.
6- Pháp định-giác-chi.
7- Pháp xả giác-chi.
– Magga: 8 pháp-chánh-đạo:
1- Pháp chánh-kiến.
2- Pháp chánh-tư-duy.
3- Pháp chánh-ngữ.
4- Pháp chánh-nghiệp.
5- Pháp chánh-mạng.
6- Pháp chánh-tinh-tấn.
7- Pháp chánh-niệm.
8- Pháp chánh-định.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa phát sinh như thế nào?
* Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna)
Hành-giả nào là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala), đã tích-lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, và đủ 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ đã được lưu-trữ ở trong tâm từ vô số kiếp quá-khứ trong vòng tử sinh luân-hồi, từ kiếp này sang kiếp kia cho đến kiếp hiện-tại này.
Kiếp hiện-tại hành-giả ấy là người có giới-hạnh trong sạch làm nơi nương nhờ để thực-hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ đã phát sinh tuần tự từ trí-tuệ thứ nhất nānarūpaparicchedañāṇa đến trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa có nhiều năng lực đặc biệt, nên hành-giả nghĩ rằng:
Dāni maggo uppajjissati.
Bây giờ Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh.
Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) chỉ phát sinh trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta) mà thôi.
Trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm gồm có 4 loại trí-tuệ thiền-tuệ là:
1- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
2- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa.
3- Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa.
4- Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa.
Đồ biểu nhập-lưu thánh-đạo lộ-trình-tâm
(Sotāpattimaggavīthicitta)
Giải thích Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm trước viết tắt (bha)
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động vt (na)
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt vt (da)
4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm vt (ma)
5- Parikamma: Tâm chuẩn bị Thánh-đạo-tâm vt (pari)
6- Upacāra: Tâm cận Thánh-đạo-tâm vt (upa)
7- Anuloma: Tâm thuận dòng trước-sau vt (anu)
8- Gotrabhu: Tâm chuyển dòng phàm-nhân vt (got)
9- Sotāpattimaggacitta: Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm vt (mag)
10- Sotāpattiphalacitta: Nhập-lưu Thánh-quả-tâm vt (phal)
11- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sau vt (bha)
Chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Xem xét Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm kể từ manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm phát sinh 1 sát-na tiếp nhận đối-tượng sắc-pháp hoặc đối-tượng danh-pháp tam-giới có 1 trong 3 trạng-thái chung là trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã làm đối-tượng sinh rồi diệt, làm duyên cho javanacitta: Tác-hành-tâm phát sinh liên tục gồm có 7 sát-na-tâm là:
1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma: Tâm-chuẩn-bị cho Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm, có 1 trong 3 trạng-thái-chung làm đối-tượng giống như ý-môn hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm-cận Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm, có 1 trong 3 trạng-thái-chung làm đối-tượng giống như ý-môn hướng-tâm, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm-thuận-dòng trước và sau phát sinh 1 sát-na-tâm có 1 trong 3 trạng-thái-chung làm đối-tượng giống như ý-môn hướng-tâm.
Cả 3 sát-na-tâm parikamma, upacāra, anuloma này gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiya-dhamma phần sau, sinh rồi diệt, đồng thời diệt buông bỏ luôn cả đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp có trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, rồi làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm-chuyển-dòng từ phàm-nhân lên dòng bậc Thánh Nhập-lưu phát sinh 1 sát-na-tâm, tuy tâm còn là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nhưng có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Như vậy, hành-giả vẫn còn là bậc thiện-trí phàm-nhân, chưa phải là bậc Thánh Nhập-lưu, cho dù đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới vẫn chưa có khả năng diệt tận được (samucchedapahāna) phiền-não, sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là Sotāpattimaggacitta: Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh chỉ 1 sát-na-tâm mà thôi, tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedap-pahāma) 2 loại phiền-não là diṭṭhi: Tà-kiến chấp-ngã, (trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến) và vicikicchā: Hoài-nghi (trong si-tâm hợp với hoài-nghi) không còn dư sót, (còn lại 8 loại phiền-não chưa bị diệt tận được), sinh rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
6- Sát-na-tâm thứ 6, thứ 7 gọi là Sotāpattiphalacitta: Nhập-lưu Thánh-quả-tâm phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm, tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, an hưởng sự an-lạc tịch tịnh của Niết-bàn siêu-tam-giới.
– Hộ-kiếp-tâm sau bhavaṅgacitta chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Như vậy, trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthi-citta) có 7 sát-na-tâm javanacitta đặc biệt có 2 loại tâm, 2 loại đối-tượng như sau:
* 2 loại tâm
1- Dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) hợp với trí-tuệ có 4 sát-na-tâm là sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma, sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra, sát-na-tâm thứ 3 gọi là anuloma, sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu.
2- Siêu-tam-giới-tâm có 3 sát-na-tâm là sát-na-tâm thứ 5 gọi là Sotāpattimaggacitta thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm, và sát-na-tâm thứ 6, thứ 7 gọi là Sotāpatti-phalacitta thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm.
* 2 loại đối-tượng
1- Đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới (lokiya ārammaṇa) có 3 sát-na-tâm là sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma, sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra, sát-na-tâm thứ 3 gọi là anuloma.
2- Đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới (lokuttara ārammaṇa) có 4 sát-na-tâm là sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu, sát-na-tâm thứ 5 gọi là Sotāpatti-maggacitta, sát-na-tâm thứ 6, thứ 7 gọi là Sotāpatti-phalacitta.
* Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu có 1 sát-na-tâm đặc biệt, tuy tâm còn là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nhưng có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Tính chất đặc biệt trí-tuệ thiền-tuệ Saccānulomañāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa có 2 phận sự là:
1- Thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước kể từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayañāṇa cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa đã được thuần thục, có nhiều năng lực, để có khả năng dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo.
2- Thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau chắc chắn dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo.
Ví dụ: Đức vua là đấng minh quân ngự trên ngai vàng ngồi tại pháp đình lắng nghe 8 vị quan cận thần trong triều xử án, Đức vua không có tâm thiên vị, đặt tâm trung-dung truyền bảo rằng:
– Này các khanh! Quả nhân vô cùng hoan hỷ nghe 8 khanh xét xử đúng theo pháp luật của triều đình xưa.
Điều ấy như thế nào, thì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa cũng như thế ấy được ví dụ như sau:
– Đức vua là đấng minh quân ví như trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
– 8 vị quan cận thần trong triều xét xử đúng ví như thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước.
– Đúng theo pháp-luật của triều đình ví như thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới tột cùng trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Magga-vīthicitta) cũng là trí-tuệ thiền-tuệ tột cùng trong pháp-thanh-tịnh thứ 6 gọi là paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh.
Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh thứ 6 này gồm có 9 loại trí-tuệ thiền-tuệ là:
1- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa
đã thoát khỏi 10 pháp bẩn của trí-tuệ thiền-tuệ.
2- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
3- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
4- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
5- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
6- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
7- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
8- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
9- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa còn có 2 phận sự cuối cùng của sắc-pháp hoặc danh-pháp trong tam-giới như sau:
– Phận sự thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới.
– Phận sự diệt-từng-thời (tadaṅgappahāma) các phiền-não làm ô nhiễm, che phủ sự thật chân-lý Thánh-đế, nhờ 37 pháp bodhipakkhiyadhamma, để cho Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) sẽ phát sinh.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa sinh rồi diệt, làm nền tảng, làm duyên (paccaya) có 6 duyên là anantarapaccaya: Liên-tục-duyên, samanantarapaccaya: liên-tục-năng-duyên, āsevanapaccaya: Tác-hành-duyên, upanissayapaccaya: Tiềm-năng-duyên, natthipaccaya: vô-hiện-duyên, vigatapaccaya: Ly-duyên, để trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh liền tiếp theo sau.
13- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 Gotrabhuñāṇa
Theo trong cùng Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpattimaggavīthicitta) có 7 sát-na-tâm javanacitta, theo tuần tự: Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma, sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra, sát-na-tâm thứ 3 gọi là anuloma, 3 sát-na-tâm đầu này gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thuận dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau, sinh rồi diệt, đồng thời diệt buông bỏ luôn cả đối-tượng danh-pháp hoặc sắc-pháp có trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, rồi làm duyên cho sát-na-tâm liền tiếp theo sau là:
* Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm-chuyển-dòng từ phàm-nhân lên dòng bậc Thánh-nhân phát sinh 1 sát-na-tâm, tuy tâm còn là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nhưng có khả năng đặc biệt tiếp nhận Niết-bàn siêu-tam-giới làm đối-tượng.
Sát-na-tâm gotrabhu này gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana) lên bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Như vậy, hành-giả vẫn còn là bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana), cho dù dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới vẫn chưa có khả năng diệt tận được (samucchedappahāma) phiền-não.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là tổng hợp 12 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana) lên dòng bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Gotrabhuñāṇa gồm có 2 từ gotrabhu, ñāṇa
– Gotrabhu: Nghĩa là chuyển dòng từ bậc thiện-trí-phàm-nhân lên dòng bậc Thánh Nhập-lưu, hoặc chuyển dòng từ Thánh bậc thấp lên dòng Thánh bậc cao,…
– ñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana) lên dòng Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Giảng giải
Puthujjana nghĩa là phàm-nhân còn có đủ mọi phiền-não, tham-ái, v.v… chưa phải là bậc Thánh-nhân.
Puthujjana có 2 hạng theo ý nghĩa trong bộ Paṭisam-bhidāmagga giảng giải:
1- Andhaputhujjana: Tối-trí phàm-nhân không tìm hiểu học hỏi, nghiên cứu 6 pháp cơ bản của pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhūmi) là ngũ-uẩn (khandha), 12 pháp-xứ (āyatana), 18 pháp-tự-tánh (dhātu), 22 pháp-chủ (indriya), tứ Thánh-đế (ariyasacca), 12 pháp-duyên-sinh (paṭiccasamuppāda), v.v…
2- Kalyāṇaputhujjana: Bậc thiện-trí phàm-nhân có giới hạnh trong sạch, có trí-tuệ sáng suốt rất ham thích lắng nghe chánh-pháp của các bậc thiện-trí, đặc biệt tìm hiểu học hỏi, nghiên cứu 6 pháp cơ bản của pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhūmi) là ngũ-uẩn (khandha), 12 pháp-xứ (āyatana), 18 pháp-tự-tánh (dhātu), 22 pháp-chủ (indriya), tứ Thánh-đế (ariyasacca), 12 pháp-duyên-sinh (paṭiccasamuppāda), v.v…
Gotrabhuñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 này làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân lên dòng bậc Thánh Nhập-lưu; hoặc từ dòng bậc Thánh Nhập-lưu lên dòng bậc Thánh Nhất-lai; hoặc từ dòng bậc Thánh Nhất-lai lên dòng bậc Thánh Bất-lai; hoặc từ dòng bậc Thánh Bất-lai lên dòng bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa này chỉ có 1 sát-na-tâm mà thôi, tuy tâm còn là dục-giới-thiện-tâm (đại-thiện-tâm) hợp với trí-tuệ, nhưng có khả năng đặc biệt như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa làm phận sự đặc biệt chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân lên dòng bậc Thánh Nhập-lưu,…
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh liền tiếp theo sau. Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh như thế nào?
Ví dụ: Một người nhận thức thấy rõ, biết rõ bờ bên này đầy nguy hiểm, còn bờ bên kia là an-toàn, an-lạc, nên người ấy tìm phương pháp sang bờ bên kia cho được an-toàn, an-lạc.
Người ấy cột sợi dây trên cành cây cao, (hoặc cầm cây sào), rồi chạy nhanh lấy trớn, nắm đầu sợi dây nhảy tung người lên cao, lao người qua bờ bên kia, rồi buông sợi dây, đứng vững trên bờ bên kia an toàn, vẫn còn bỡ ngỡ như thế nào.
Cũng như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đã nhận thức thấy rõ, biết rõ 3 giới: Dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới này như 3 hầm lửa than hồng cháy đỏ vô cùng nóng nảy đang thiêu đốt các chúng-sinh, và 4 loài chúng-sinh: Thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh phải chịu mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, chỉ muốn chứng đắc Niết-bàn giải thoát khổ tử sinh luân-hồi, được an-toàn, an-lạc tuyệt đối mà thôi.
Hành-giả chạy lấy trớn từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa, v.v… nắm sợi dây đó là 1 trong 5 uẩn hoặc sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới có 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, hoặc danh-pháp làm đối-tượng, đến khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa phát sinh trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 7 sát-na-tâm javanacitta: Tác-hành-tâm phát sinh theo tuần tự.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa có 3 sát-na-tâm đầu:
– Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma phát sinh lấy trớn tung người lên cao rồi diệt, làm nhân-duyên cho sát-na-tâm tiếp theo.
– Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra phát sinh lao người qua gần bờ, Niết-bàn siêu-tam-giới rồi diệt, làm nhân-duyên cho sát-na-tâm tiếp theo.
– Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma phát sinh sắp đến bờ, Niết-bàn siêu-tam-giới, nên buông bỏ sợi dây đó là buông bỏ đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới có 1 trong 3 trạng-thái-chung rồi diệt, đồng thời trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa đã hoàn thành xong phận sự rồi diệt, làm nhân-duyên cho sát-na-tâm tiếp theo.
– Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu phát sinh đứng bên bờ, Niết-bàn siêu-tam-giới, an-toàn, an-lạc tuyệt đối, gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇa-puthujjana), để lên dòng bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Như vậy, hành-giả vẫn còn là bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana), dù cho đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, vẫn chưa có khả năng diệt tận (samucchedap-pahāma) phiền-não được.
Anulomañāṇa và gotrabhuñāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là 2 trí-tuệ thiền-tuệ cùng trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti-maggavīthicitta). Hai trí-tuệ thiền-tuệ này có pháp giống nhau và khác nhau như sau:
– Xét về tâm, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānuloma-ñāṇa với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa cùng có loại tâm javanacitta hoàn toàn giống nhau, đó là dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) hợp với trí-tuệ.
– Xét về đối-tượng, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccā-nulomañāṇa với trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa có đối-tượng hoàn toàn khác nhau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa tiếp nhận đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới có 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường hoặc trạng-thái khổ hoặc trạng-thái vô-ngã.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa có khả năng đặc biệt làm tan biến sự tối tăm do phiền-não che phủ sự thật chân-lý Thánh-đế, nhưng không thể tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, nhưng không có khả năng làm tan biến sự tối tăm do phiền-não che phủ sự thật chân-lý Thánh-đế.
Vuṭṭhānagāminīvipassanā: Trí-tuệ thiền-tuệ đến cận Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) có 2 loại trí-tuệ thiền-tuệ tột cùng của tam-giới là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ tột cùng của đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp trong tam-giới (lokiya ārammaṇa), tiếp theo sau là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới (lokuttara ārammaṇa).
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ tột cùng của trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiya-vipassanā), tiếp theo sau là Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 (lokuttaravipassanā) gọi là Maggañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự chuyển dòng từ bậc thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇa-puthujjana), để lên dòng bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Cho nên, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ tột cùng của trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā), nên không ghép vào pháp-thanh-tịnh thứ 6 paṭipadāñāṇadassanavisuddhi thuộc về lokiya-visuddhi: Pháp-thanh-tịnh tam-giới, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 này không thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới.
Và trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa cũng không ghép vào pháp-thanh-tịnh thứ 7 ñāṇadassanavisuddhi thuộc về lokuttaravisuddhi: Pháp-thanh-tịnh siêu-tam-giới, bởi vì trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 này không có khả năng diệt tận phiền-não.
Như vậy, trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa này ở khoảng giữa pháp-thanh-tịnh thứ 6 paṭipadāñāṇa-dassanavisuddhi và pháp-thanh-tịnh thứ 7 ñāṇadassana-visuddhi.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa này đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới sinh rồi diệt, làm duyên (paccaya), có 6 duyên là anantarapaccaya: Liên-tục-duyên, samanantarapaccaya: Liên-tục-hệ-duyên, āsevanapaccaya: Tác-hành-duyên, upanissayapaccaya: Tiềm-năng-duyên, natthipaccaya: Vô-hiện-duyên, vigatapaccaya: Ly-duyên, để trí-tuệ-thiền-tuệ thứ siêu-tam-giới 14 maggañāṇa phát sinh liền tiếp theo sau.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ đó là Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta) này tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới sinh rồi diệt làm duyên (paccaya), có 6 duyên là anantarapaccaya: Liên-tục-duyên, samanantarapaccaya: Liên-tục-hệ-duyên, āsevanapaccaya: Tác-hành-duyên, upanissayapaccaya: Tiềm-năng-duyên, natthipaccaya: Vô-hiện-duyên, vigata-paccaya: Ly-duyên, để trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa phát sinh liền tiếp theo sau.
* Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ đó là Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ đồng sinh với Nhập-lưu Thánh-quả-tâm (Sotāpattiphalacitta) này tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới phát sinh (2-3 sát-na-tâm) rồi diệt, đồng thời chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
14- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 Maggañāṇa
15- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 Phalañāṇa
Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpattimagga-vīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javanacitta) phát sinh theo tuần tự, thì 3 sát-na-tâm đầu gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa làm 3 phận sự:
1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma: Tâm-chuẩn-bị cho Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm-cận Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm-thuận-dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm, phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, đồng thời buông bỏ đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, có 1 trong trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm-chuyển-dòng từ thiện-trí phàm-nhân lên dòng bậc Thánh Nhập-lưu gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh 1 sát-na-tâm có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới mở đầu xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là magga: Thánh-đạo-tâm (maggacitta) đó là Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpatti-maggacitta) thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ này đó là Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ (Sotāpatti-maggañāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự diệt tận được phiền-não (samucchedappahāma).
6-7- Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi là phala: Thánh-quả-tâm (Phalacitta) đó là Nhập-lưu Thánh-quả-tâm (Sotāpattiphalacitta) thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Nhập-lưu Thánh-quả-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ này là Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ (Sotāpattiphala-ñāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự an-tịnh (paṭippassaddhippahāna).
Chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotā-pattimaggavīthicitta), hành-giả trở thành bậc Thánh Nhập-lưu: Sotāpanna là bậc Thánh-nhân thứ nhất trong Phật-giáo.
Giảng giải
14- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là maggañāṇa này là tổng hợp 13 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ.
Trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti-maggavīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javanacitta):
Sát-na-tâm thứ 5 gọi magga là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với Thánh-đạo-tâm (maggacitta).
Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ có 4 bậc:
1- Sotāpattimaggañāṇa: Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ.
2- Sakadāgāmimaggañāṇa: Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ.
3- Anāgāmimaggañāṇa: Bất-lai Thánh-đạo-tuệ.
4- Arahattamaggañāṇa: A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ.
Mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não (samucchedappahāma), nghĩa là phiền-não nào đã bị diệt tận do Thánh-đạo-tuệ nào, loại phiền-não ấy vĩnh viễn không bao giờ còn phát sinh lên nữa, bất cứ lúc nào, bất cứ kiếp nào khi còn tái-sinh kiếp sau như:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ (Sotāpattimaggañāṇa) thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) (trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến) và hoài-nghi (vicikicchā) (trong si-tâm hợp với hoài nghi) không còn dư sót nữa.
Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài-nghi, gồm có 5 bất-thiện-tâm đã bị diệt tận không còn dư sót (nghĩa là bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được 5 si tâm-sở trong 5 bất-thiện-tâm ấy, còn lại 7 si tâm-sở trong 7 bất-thiện-tâm chưa diệt được).
* Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna) chính thức gọi là “Sammāsambuddhassa orasaputtabhāvaṃ”.
“Con của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”
2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ (Sakadāgāmimaggañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Nhất-lai Thánh-đạo-tâm (Sakadāgāmimaggacitta) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô (trong 2 sân-tâm), chưa diệt tận được sân loại vi-tế.
3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ (Anāgāmimaggañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Bất-lai Thánh-đạo-tâm (Anāgāmimaggacitta) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế (trong 2 sân-tâm) không còn dư sót, và tham (lobha) (trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến) trong cõi dục-giới, (chưa diệt được phiền-não tham loại vi-tế trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới).
4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ (Arahattamaggañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với A-ra-hán Thánh-đạo-tâm (Arahattamaggacitta) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) tất cả 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa), tất cả mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót.
4 Thánh-đạo-tuệ (Maggañāṇa):
1- Sotāpattimaggañāṇa: Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ.
2- Sakadāgāmimaggañāṇa: Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ.
3- Anāgāmimaggañāṇa: Bất-lai Thánh-đạo-tuệ.
4- Arahattamaggañāṇa: A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ.
4 Thánh-đạo-tuệ này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 7 gọi là ñāṇadassanavisuddhi: Tri-kiến-thanh-tịnh.
4 Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Thánh-đạo-tâm phát sinh đối với hành-giả
* Đối với hành-giả ban đầu không thực-hành pháp-hành thiền-định mà chỉ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà thôi, đến khi Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh có đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, thì chắc chắn có đệ-nhất-thiền siêu-tam-giới Thánh-đạo-tâm. Đó là định-luật-tự-nhiên của pháp-hành thiền-tuệ.
Thật vậy, trong bộ Visuddhimagga giảng giải rằng:
“Vipassanāniyāmena hi sukkhavipassakassa uppan-namaggopi, samāpattilābhino jhānaṃ pādakaṃ akatvā uppannamaggopi, paṭhamajjhānaṃ pādakaṃ katvā pakiṇṇakasaṅkhāre sammasitvā uppāditamaggopi, paṭhamajjhānikāva honti. Sabbesu satta bojjhaṅgāni, aṭṭha maggaṅgāni, pañca jhānaṅgāni honti.”
“Thật vậy, theo định-luật tự nhiên của pháp-hành thiền-tuệ, Thánh-đạo-tâm phát sinh đến 3 hạng hành-giả:
* Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) chỉ phát sinh đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà thôi.
* Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh đối với hành-giả đã từng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, nhưng không sử dụng bậc thiền làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
* Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh đối với hành-giả đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp khác, không phải là đối-tượng danh-pháp của đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy.
Cả 3 hành-giả này đều chỉ chứng đắc đệ nhất thiền siêu-tam-giới Thánh-đạo-tâm mà thôi.
* 7 pháp-giác-chi, 8 pháp-chánh-đạo, 5 chi-thiền cùng đồng sinh với đệ nhất thiền siêu-tam-giới Thánh-đạo-tâm ấy.”
* Hành-giả trước đã chứng đắc từ đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi sau đó thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Nếu hành-giả sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ thì khi thực-hành trong giai đọan đầu, trước khi Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh, khi thì thọ hỷ đồng sinh với đại-thiện-tâm, khi thì thọ xả đồng sinh với đại-thiện-tâm, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa đã phát sinh, sẽ giải thoát khỏi phiền-não, sẽ buông bỏ sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, sẽ chuyển dòng phàm-nhân, đến khi Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh, thì chỉ có thọ hỷ đồng sinh với bậc thiền siêu-tam-giới Thánh-đạo-tâm mà thôi.
* Hành-giả trước đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, hoặc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, rồi sau thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, lấy bậc thiền làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ.
Nếu hành-giả sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ thì khi thực-hành trong giai đọan đầu, trước khi Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh, dù thọ hỷ đồng sinh với đại-thiện-tâm hoặc dù thọ xả đồng sinh với đại-thiện-tâm, khi trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa đã phát sinh, sẽ giải thoát khỏi phiền-não, sẽ buông bỏ sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, sẽ chuyển dòng phàm-nhân, đến khi Thánh-đạo-tâm (Maggacitta) phát sinh, cũng chỉ có thọ xả đồng sinh với đệ ngũ thiền siêu-tam-giới Thánh-đạo-tâm mà thôi.
Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa làm duyên có 6 paccaya là anantarapaccaya, samantara-paccaya, āsevanapaccaya, upanissayapaccaya, natthi-paccaya, vigatapaccaya, để trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15
Phalañāṇa phát sinh.
15- Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 Phalañāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là phalañāṇa này là tổng hợp 14 loại trí-tuệ trên từ trí-tuệ thứ nhất cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ.
Trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti-maggavīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javanacitta):
* Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi phala là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ đồng sinh với Thánh-quả-tâm (Phalacitta).
Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ có 4 bậc:
1- Sotāpattiphalañāṇa: Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ.
2- Sakadāgāmiphalañāṇa: Nhất-lai Thánh-quả-tuệ.
3- Anāgāmiphalañāṇa: Bất-lai Thánh-quả-tuệ.
4- Arahattaphalañāṇa: A-ra-hán Thánh-quả-tuệ.
Mỗi Thánh-quả-tâm là quả trực tiếp tương xứng với mỗi Thánh-đạo-tâm, nghĩa là 4 Thánh-đạo-tâm thuộc về 4 siêu-tam-giới thiện-tâm liền cho quả tương xứng với 4 Thánh-quả-tâm thuộc về 4 siêu-tam-giới quả-tâm không có thời gian ngăn cách (akālika).
Khi chứng đắc Thánh-đạo-tâm nào phát sinh 1 sát-na-tâm làm xong phận sự rồi diệt, liền cho Thánh-quả-tâm ấy phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm làm xong phận sự, rồi diệt trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm ấy (Magga-vīthicitta).
4 Thánh-Quả-Tuệ (Phalañāṇa)
1- Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ (Sotāpattiphalañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Nhập-lưu Thánh-quả-tâm (Sotāpattiphalacitta) là quả trực tiếp của Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta).
Khi Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm (Sotāpattimaggacitta) phát sinh 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm xong phận sự rồi diệt, liền cho quả Nhập-lưu Thánh-quả-tâm (Sotāpattiphalacitta) không có thời gian ngăn cách (akālika), phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm cũng tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, đặc biệt làm phận sự an-tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna).
2- Nhất-lai Thánh-quả-tuệ (Sakadāgāmiphalañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Nhất-lai Thánh-quả-tâm (Sakadāgāmiphalacitta) là quả trực tiếp của Nhất-lai Thánh-đạo-tâm (Sakadāgāmimaggacitta).
Khi Nhất-lai Thánh-đạo-tâm (Sakadāgāmimaggacitta) phát sinh 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm xomg phận sự rồi diệt, liền cho quả Nhất-lai Thánh-quả-tâm (Sakadāgāmiphalacitta) không có thời gian ngăn cách (akālika), phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm cũng tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, đặc biệt làm phận sự an tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna).
3- Bất-lai Thánh-quả-tuệ (Anāgāmiphalañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Bất-lai Thánh-quả-tâm (Anāgāmiphalacitta) là quả trực tiếp của Bất-lai Thánh-đạo-tâm (Anāgāmimaggacitta).
Khi Bất-lai Thánh-đạo-tâm (Anāgāmimaggacitta) phát sinh 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-
bàn siêu-tam-giới, làm xong phận sự rồi diệt, liền cho quả Bất-lai Thánh-quả-tâm (Anāgāmiphalacitta) không có thời gian ngăn cách (akālika), phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm cũng tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, đặc biệt làm phận sự an tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna).
4- A-ra-hán Thánh-quả-tuệ (Arahattaphalañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với A-ra-hán Thánh-quả-tâm (Arahattaphalacitta) là quả trực tiếp của A-ra-hán Thánh-đạo-tâm (Arahattamaggacitta).
Khi A-ra-hán Thánh-đạo-tâm (Arahattamaggacitta) phát sinh 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm xong phận sự rồi diệt, liền cho quả A-ra-hán Thánh-quả-tâm (Arahattaphalacitta) không có thời gian ngăn cách (akālika), phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm cũng tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, đặc biệt làm phận sự an tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna).
Vấn: Do nguyên nhân nào Thánh-quả-tâm Phalacitta phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm?
Đáp: Tác-hành-tâm (javanacitta) của Thánh-đạo lộ-trình-tâm (maggavīthicitta) chỉ có 7 sát-na-tâm mà thôi.
– Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc về hạng người mandapuggala có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi đạt đến Thánh-đạo lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) có 7 sát-na-tâm.
– Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma, sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra, sát-na-tâm thứ 3 gọi là anuloma, 3 sát-na-tâm này gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
– Sát-na-tâm thứ 4 gọi gotrabhu là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa.
– Sát-na-tâm thứ 5 gọi magga là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa.
– Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi phala là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa.
Cho nên, Thánh-quả-tâm: Phalacitta phát sinh chỉ có 2 sát-na-tâm mà thôi (tác-hành-tâm đủ 7 sát-na-tâm).
– Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) thuộc về hạng người tikkhapuggala có trí-tuệ sắc bén, nhanh nhạy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi đạt đến Thánh-đạo lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) có 7 sát-na-tâm.
– Sát-na-tâm thứ nhất gọi là upacāra, sát-na-tâm thứ nhì gọi là anuloma, 2 sát-na-tâm này gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa (không có sát-na-tâm parikamma).
– Sát-na-tâm thứ 3 gọi gotrabhu là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa,
– Sát-na-tâm thứ 4 gọi magga là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa.
– Sát-na-tâm thứ 5, thứ 6 và thứ 7 gọi phala là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa.
Cho nên, Thánh-quả-tâm: Phalacitta phát sinh 3 sát-na-tâm, để tác-hành-tâm (javanacitta) đủ 7 sát-na-tâm.
Gotrabhuñāṇa với Maggañāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa với trí-tuệ thiền tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa có pháp giống nhau và khác nhau như sau:
* Pháp giống nhau:
– Gotrabhuñāṇa với maggañāṇa cùng phát sinh trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
– Gotrabhuñāṇa với maggañāṇa cùng tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
* Pháp khác nhau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ đồng sinh với dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) hợp với trí-tuệ có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, nhưng “tâm” biết đối-tượng vẫn còn là dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) hợp với trí-tuệ, nên gọi là ekato vuṭṭhāna: Nghĩa là tâm vẫn còn là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, về đối-tượng là danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới. Như vậy, chỉ giải-thoát được 1 phần đối-tượng mà thôi.
* Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đồng sinh với Thánh-đạo-tâm (Magga-citta) thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, nên gọi là dubhato vuṭṭhāna nghĩa là giải thoát cả 2 phần: Tâm là Thánh-đạo-tâm siêu-tam-giới và đối-tượng là danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Maggañāṇa với Phalañāṇa
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa với trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa có pháp giống nhau và khác nhau như sau:
* Pháp giống nhau:
– Maggañāṇa và phalañāṇa phát sinh cùng trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
– Maggañāṇa đồng sinh với Thánh-đạo-tâm và phalañāṇa đồng sinh với Thánh-quả-tâm đều thuộc về siêu-tam-giới-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
* Pháp khác nhau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 14 maggañāṇa đồng sinh với Thánh-đạo-tâm thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 phalañāṇa đồng sinh với Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm.
– Thánh-đạo-tâm và Thánh-quả-tâm phát sinh cùng trong Thánh-đạo lộ-trình-tâm, Thánh-đạo-tâm nào phát sinh 1 sát-na-tâm làm xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho quả Thánh-quả-tâm ấy phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm, không có thời gian ngăn cách, nên gọi là “akāliko”.
Ví dụ: Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho Nhập-lưu Thánh-quả-tâm liền phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm làm xong phận sự rồi diệt.
– Mỗi Thánh-đạo-tâm (maggacitta) chỉ phát sinh 1 sát-na-tâm 1 lần duy nhất trong mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm (maggavīthicitta) và một kiếp duy nhất mà thôi.
– Mỗi Thánh-quả-tâm (phalacitta) có thể phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm (maggavīthicitta).
– Nếu khi bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả (phala-samāpatti) thì Thánh-quả-tâm phát sinh vô số trong suốt thời gian nhập Thánh-quả ấy.
Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 15 phalañāṇa này làm nền tảng, làm nhân-duyên để trí-tuệ thiền-tuệ thứ 16 gọi paccavekkhaṇañāṇa phát sinh tiếp theo.
16- Trí-tuệ-thứ 16 Paccavekkhaṇañāṇa
Sau khi Thánh-đạo lộ-trình-tâm (maggavīthicitta) chấm dứt, nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa chấm dứt, hành-giả đương nhiên trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
Sau khi trở thành bậc Thánh-nhân, theo định luật tự nhiên, tiếp theo trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇa-ñāṇa: Trí-tuệ làm phận sự quán triệt rằng:
Maggaṃ paccavekkhati, phalaṃ paccavekkhati, pahīnakilese paccavekkhati, avasiṭṭhakilese paccavekkhati, Nibbānaṃ paccavekkhati.”
Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa: Trí-tuệ làm phận sự quán triệt 5 pháp mà mỗi pháp mỗi lộ-trình-tâm như sau:
1- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Thánh-đạo này rồi.
2- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Thánh-quả này rồi.
3- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã diệt tận được các phiền-não này rồi.
4- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Chưa diệt tận được các phiền-não còn lại kia.
5- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng ngộ Niết-bàn rồi.
Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa là trí-tuệ cuối cùng của mỗi bậc Thánh-nhân.
* Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa của bậc Thánh Nhập-lưu, quán triệt 5 pháp, mà mỗi pháp bằng mỗi lộ-trình-tâm gọi là dục-giới ý-môn lộ-trình-tâm đơn thuần (suddhamanodvāravīthicitta) với dục-giới tác-hành thiện-tâm (kāmajavanakusalacitta) (không tuỳ thuộc vào ngũ-môn lộ-trình-tâm) như sau:
1- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo này rồi.
2- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Nhập-lưu Thánh-quả này rồi.
3- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài nghi rồi.
4- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Chưa diệt tận được 8 loại phiền-não còn lại là tham, sân, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi.
5- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng ngộ Niết-bàn rồi.
Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa là trí-tuệ cuối cùng của bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
Cũng như vậy,
* Đối với bậc Thánh Nhất-lai và bậc Thánh Bất-lai, trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa quán triệt 5 pháp hầu như giống bậc Thánh Nhập-lưu, chỉ có khác về bậc Thánh-nhân và đã diệt tận được phiền-não nào rồi và phiền-não nào còn lại.chưa diệt tận được.
* Đối với bậc Thánh A-ra-hán, trí-tuệ thứ 16 pacca-vekkhaṇañāṇa quán triệt chỉ có 4 pháp mà thôi.
Trí-tuệ quán triệt biết rõ A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, đã diệt tận được các phiền-não còn lại không còn dư sót nữa (không có chưa diệt tận được phiền-não còn lại).
Như vậy, trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa của 4 bậc Thánh-nhân gồm có 19 loại.
Tuy nhiên, trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa của 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai quán triệt pháp thứ 4 và pháp thứ 5 có vị Thánh-nhân đầy đủ, có vị Thánh-nhân không đầy đủ.
Ví dụ 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ
* Một người đi bắt cá, mang chiếc nơm lội xuống ao chụp chiếc nơm xuống nước, biết có con cá đụng mạnh chiếc nơm, nên người ấy thò tay vào miệng nơm, nắm bắt ngay cái đầu con rắn cực độc ở dưới nước. Người ấy phát sinh tâm vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng: Ta đã bắt được con lươn. Thận trọng nắm chặt nó đưa lên khỏi mặt nước, thì mới biết sự thật không phải là con lươn, mà là con rắn cực độc cắn chết người ngay tức khắc, cho nên người ấy thấy rõ, biết rõ con rắn ấy thật đáng kinh-sợ, đầy tội-chướng, đáng nhàm-chán, không còn có tâm hoan hỷ như trước nữa.
Người ấy chợt nghĩ rằng: Thả nó ra bằng cách nào để ta thoát khỏi chết đây!
Giữ bình tĩnh sáng suốt tìm phương pháp, người ấy dùng hết sức mình bóp mạnh đầu con rắn ấy làm cho nó mất sức, đưa tay lên cao, tay kia liền nắm cái đuôi, buông thả cái đầu, nhanh nhẹn đưa tay lên khỏi đầu, quay quanh nhiều vòng, để làm cho con rắn ấy đuối sức, đồng thời lấy trớn vừa buông vừa ném nó ra xa.
Sau khi ném con rắn cực độc ấy, người ấy vội bước lên bờ ao, mới hoàn hồn, đứng nhìn về hướng con rắn ấy, vô cùng vui sướng thốt lên rằng: Ta đã thoát chết khỏi chất độc của con rắn quái ác kia!
Ví dụ này xét tâm trạng của người bắt cá qua từng các giai đọan với các loại trí-tuệ thiền-tuệ như sau:
* Người bắt cá nắm bắt được con rắn cực độc mà tưởng lầm rằng: Ta đã bắt được con lươn, nên người ấy phát sinh tâm vui mừng hoan hỷ trong con lươn ấy.
Cũng như người trí có được sắc-thân này, khi chưa gặp bậc thiện-trí, chưa nghe chánh-pháp, họ luôn luôn cảm thấy vui mừng say mê trong sắc-thân này.
Khi người bắt cá nắm chặt cái đầu con rắn cực độc ấy đưa lên khỏi nước, thì biết rõ rằng: “Không phải là con lươn, mà là con rắn cực độc cắn chết người ngay tức khắc”. Cho nên, người ấy thấy rõ, biết rõ con rắn ấy thật đáng kinh sợ.
Cũng như khi người trí ấy gặp bậc thiện-trí, có cơ hội lắng nghe chánh-pháp, nên hiểu biết rõ rằng: Thân tâm này chỉ là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã mà thôi, không phải ta, không phải của ta.
Sau khi lắng nghe chánh-pháp, học hỏi pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) này đúng là pháp-vô-ngã.
Đó là trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa.
* Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Đó là trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa
* Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.
* Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, hiện rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāṇa.
* Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của ngũ-uẩn, của sắc-pháp, của danh-pháp trong tam-giới.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
* Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thật đáng kinh-sợ.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
* Người bắt cá biết rõ con rắn cực độc ấy thật đáng kinh-sợ, đầy tội chướng chắc chắn gây tai hại đến sinh mạng của mình.
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng kinh-sợ, đầy những tội-chướng.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 Ādīnavānupassanāñāṇa.
* Người bắt cá biết rõ con rắn cực độc ấy đầy những tội-chướng, thật đáng nhàm-chán tột độ, không còn có vui mừng như trước nữa.
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đầy những tội-chướng, thật đáng nhàm-chán tột độ.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
* Người bắt cá biết rõ con rắn cực độc này chắc chắn sẽ gây tai hại đến sinh mạng của mình, nên chỉ muốn tìm phương pháp ném con rắn ấy ra thật xa mà thôi.
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh chỉ mong muốn tha thiết giải thoát khỏi các pháp-hữu-vi, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới thật đáng nhàm-chán tột độ mà thôi.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
* Người bắt cá muốn tìm phương pháp ném con rắn ấy ra thật xa, bằng cách bóp chặt cái đầu rắn làm cho nó mất sức, đưa tay lên cao, tay kia liền nắm cái đuôi, buông thả cái đầu, nhanh nhẹn đưa tay lên khỏi đầu quay quanh nhiều vòng.
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bằng phương pháp thực-hành trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trở đi trở lại nhiều lần đầy đủ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của các pháp-hữu-vi trong tam-giới.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 Paṭisaṅkhānupassanāṇa.
* Người bắt cá nắm chặt cái đuôi quay quanh nhiều vòng cốt để làm cho con rắn độc ấy đuối sức, không thể quay đầu cắn, không thể gây tai hại đến sinh mạng của mình được nữa, nên tâm đặt trung-dung.
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ nhiều lần trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, cốt để làm cho mọi phiền-não yếu dần, diệt được niccasaññā, sukhasaññā, attasaññā, subhasaññā, không thấy sai, không tưởng lầm cho rằng: Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là thường, lạc, ngã, tịnh, nên tâm đặt trung-dung giữa tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
* Người bắt cá biết rõ con rắn độc ấy đuối sức, nên lấy trớn vừa buông vừa ném nó ra thật xa. Đứng nhìn theo hướng con rắn độc ấy rơi chỗ xa, người bắt cá vô cùng sung sướng thốt lên rằng: Ta chắc chắn đã thoát chết khỏi con rắn độc quái ác kia rồi!
Cũng như khi hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dõi theo thấy rõ, biết rõ ràng trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, sắp chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
* Người bắt cá sau khi ném con rắn cực độc ấy, vội bước lên bờ ao được an toàn.
Cũng như khi hành-giả đang buông bỏ đối-tượng danh-pháp hoặc sắc-pháp, đang chuyển dòng, tiếp nhận đối-tượng Niết-bàn.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa.
* Người bắt cá đứng nơi an toàn trên bờ ao.
Cũng như khi hành-giả đã chứng đắc Thánh-đạo-tuệ.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 magga-ñāṇa.
* Người bắt cá đứng an hưởng an-lạc tại nơi an toàn trên bờ ao. Cũng như khi hành-giả đã chứng đắc Thánh-quả-tuệ.
Đó là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phala-ñāṇa.
* Người bắt cá đứng nhớ lại những sự việc đã xảy ra.
Cũng như bậc Thánh-nhân quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả đã chứng đắc, phiền-não đã bị diệt tận, phiền-não còn lại chưa bị diệt được, Niết-bàn đã chứng ngộ.
Đó là trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa.
Để trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo, trong thời quá-khứ, trong thời hiện-tại, và trong thời vị-lai, tất cả mọi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đều phải trải qua 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ này.
Bậc Thánh Nhất-Lai (Sakadāgāmī)
Để trở thành bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī), hành-giả phải là bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna) đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đặc biệt 5 pháp-chủ (indriya), 5 pháp-lực (bala), 7 pháp-giác-chi (bojjhaṅga) có nhiều năng lực hơn bậc Thánh Nhập-lưu, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, và Niết-bàn.
* Hành-giả là bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bắt đầu từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Và tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ phát triển theo tuần tự phát sinh như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
Tiếp theo Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sakadā-gāmimaggavīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javana-citta) phát sinh theo tuần tự, thì 3 sát-na-tâm đầu gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa làm 3 phận sự:
1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma: Tâm chuẩn bị cho Nhất-lai Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm cận Nhất-lai Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm thuận-dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo-tâm, phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, đồng thời buông bỏ đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, có 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm chuyển-dòng từ bậc Thánh Nhập-lưu lên dòng bậc Thánh Nhất-lai gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh 1 sát-na-tâm có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới mở đầu xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là magga: Thánh-đạo-tâm (maggacitta) đó là Nhất-lai Thánh-đạo-tâm (Sakadā-gāmimaggacitta) thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Nhất-lai Thánh-đạo-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ này đó là Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ (Sakadāgāmi-maggañāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự diệt tận được (samucchedap-pahāna) được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô (trong 2 sân-tâm) (chưa diệt tận được sân loại vi-tế).
6-7- Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi là phala: Thánh-quả-tâm (Phalacitta) đó là Nhất-lai Thánh-quả-tâm (Sakadāgāmiphalacitta) thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Nhất-lai Thánh-quả-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ này đó là Nhất-lai Thánh-quả-tuệ (Sakadāgāmiphala-ñāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự an-tịnh phiền-não (paṭippassaddhip-pahāna).
Chấm dứt Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sakadā-gāmimaggavīthicitta), hành-giả trở thành bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī) là bậc Thánh-nhân thứ nhì trong Phật-giáo.
Sau khi trở thành bậc Thánh Nhất-lai, theo định luật tự nhiên, tiếp theo trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavekkhaṇa-ñāṇa: Trí-tuệ làm phận sự quán triệt 5 pháp mà mỗi pháp mỗi lộ-trình-tâm như sau:
1- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo này rồi.
2- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Nhất-lai Thánh-quả này rồi.
3- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô (trong 2 sân-tâm), (chưa diệt tận được sân loại vi-tế).
4- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Chưa diệt tận được 8 loại phiền-não còn lại là tham, sân, si, ngã-mạn, buồn chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi.
5- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Niết-bàn rồi.
Trí-tuệ thứ 16 gọi paccavekkhaṇañāṇa là trí-tuệ cuối cùng của bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
Bậc Thánh Bất-Lai (Anāgāmī)
Để trở thành bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī), hành-giả phải là bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī) đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đặc biệt 5 pháp-chủ (indriya), 5 pháp-lực (bala), 7 pháp-giác-chi (bojjhaṅga) có nhiều năng lực hơn bậc Thánh Nhất-lai, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn.
* Hành-giả là bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bắt đầu từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Và tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ phát triển theo tuần tự phát sinh như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
Tiếp theo Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Anāgāmi-maggavīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javanacitta) phát sinh theo tuần tự, thì 3 sát-na-tâm đầu gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa làm 3 phận sự:
1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma: Tâm chuẩn-bị cho Bất-lai Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm cận-Bất-lai Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm thuận-dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo-tâm, phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, đồng thời buông bỏ đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, có 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm chuyển-dòng từ bậc Thánh Nhất-lai lên dòng bậc Thánh Bất-lai gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh 1 sát-na-tâm có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới mở đầu xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là magga: Thánh-đạo-tâm (maggacitta) đó là Bất-lai Thánh-đạo-tâm (Anāgāmi-maggacitta) thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Bất-lai Thánh-đạo-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ này đó là Bất-lai Thánh-đạo-tuệ (Anāgāmimaggañāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự diệt tận (samucchedappahāna) được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế (trong 2 sân-tâm) không còn dư sót, và tham (lobha) (trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến) trong cõi dục-giới. (chưa diệt được phiền não tham loại vi-tế trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới).
6-7- Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi là phala: Thánh-quả-tâm (phalacitta) đó là Bất-lai Thánh-quả-tâm (Anāgāmiphalacitta) thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
Bất-lai Thánh-quả-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ này đó là Bất-lai Thánh-quả-tuệ (Anāgāmiphalañāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự an-tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna).
Chấm dứt Bất-lai-Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Anāgāmi-maggavīthicitta), hành-giả trở thành bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) là bậc Thánh-nhân thứ ba trong Phật-giáo.
Sau khi trở thành bậc Thánh Bất-lai, theo định luật tự nhiên, tiếp theo trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavek-khaṇañāṇa:Trí-tuệ làm phận sự quán triệt 5 pháp mà mỗi pháp mỗi lộ-trình-tâm như sau:
1- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo này rồi.
2- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Bất-lai Thánh-quả này rồi.
3- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã diệt tận (samucchedappahāna) được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế (trong 2 sân-tâm) không còn dư sót, và tham (lobha) (trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến) trong cõi dục-giới (chưa diệt được phiền não tham loại vi-tế trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới).
4- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Chưa diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (trong cõi trời sắc-giới, vô-sắc-giới), si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi.
5- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Niết-bàn rồi.
Trí-tuệ thứ 16 gọi paccavekkhaṇañāṇa là trí-tuệ cuối cùng của bậc Thánh Bất-lai ((Anāgāmī).
Bậc Thánh A-Ra-Hán (Arahanta)
Để trở thành bậc Thánh A-ra-hán hành-giả phải là bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī), đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, đặc biệt 5 pháp-chủ (indriya), 5 pháp-lực (bala), 7 pháp-giác-chi (bojjhaṅga) có nhiều năng lực hơn bậc Thánh Bất-lai, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn.
* Hành-giả là bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bắt đầu từ trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại, do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp hiện-tại.
Và tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ phát triển theo tuần tự phát sinh như sau:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
Tiếp theo A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Arahatta-maggavīthicitta) có 7 sát-na tác-hành-tâm (javanacitta) phát sinh theo tuần tự, thì 3 sát-na-tâm đầu gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa làm 3 phận sự:
1- Sát-na-tâm thứ nhất gọi là parikamma: Tâm chuẩn-bị cho A-ra-hán Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
2- Sát-na-tâm thứ nhì gọi là upacāra: Tâm cận A-ra-hán Thánh-đạo-tâm phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
3- Sát-na-tâm thứ ba gọi là anuloma: Tâm thuận-dòng theo 8 trí-tuệ thiền-tuệ phần trước và thuận dòng theo 37 pháp bodhipakkhiyadhamma phần sau, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo-tâm, phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự xong rồi diệt, đồng thời buông bỏ đối-tượng sắc-pháp hoặc danh-pháp tam-giới, có 1 trong 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, hoặc trạng-thái khổ, hoặc trạng-thái vô-ngã, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
4- Sát-na-tâm thứ 4 gọi là gotrabhu: Tâm chuyển-dòng từ bậc Thánh-Bất-lai lên dòng bậc A-ra-hán gọi là trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa phát sinh 1 sát-na-tâm có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới mở đầu xong phận sự rồi diệt, làm duyên cho sát-na-tâm sau là:
5- Sát-na-tâm thứ 5 gọi là magga: Thánh-đạo-tâm (maggacitta) đó là A-ra-hán Thánh-đạo-tâm (Arahatta-maggacitta) thuộc về siêu-tam-giới thiện-tâm phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
A-ra-hán Thánh-đạo-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ đó là A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ (Arahattamagga-ñāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự diệt tận (samucchedappahāna) được tất cả 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn-chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa), tất cả mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót.
6-7- Sát-na-tâm thứ 6 và thứ 7 gọi là phala: Thánh-quả-tâm (Phalacitta) đó là A-ra-hán Thánh-quả-tâm (Arahattaphalacitta) thuộc về siêu-tam-giới quả-tâm phát sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới.
A-ra-hán Thánh-quả-tâm có trí-tuệ gọi là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ đó là A-ra-hán Thánh-quả-tuệ (Arahattaphalañāṇa) tiếp nhận đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới, làm phận sự an-tịnh mọi phiền-não (paṭippassaddhip-pahāna).
Chấm dứt A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Arahatta-maggavīthicitta), hành-giả trở thành bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) là bậc Thánh-nhân thứ tư cao thượng nhất trong Phật-giáo.
* Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, theo định luật tự nhiên, tiếp theo trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavek-khaṇañāṇa: Trí-tuệ làm phận sự quán triệt 4 pháp mà mỗi pháp mỗi lộ-trình-tâm như sau:
1- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo này rồi.
2- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả này rồi.
3- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi không còn dư sót.
4- Trí-tuệ quán triệt biết rõ rằng: Đã chứng đắc Niết-bàn rồi.
Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa là trí-tuệ cuối cùng của bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
Bậc Thánh-Nhân (Ariyapuggala)
Trong Phật-giáo có 4 bậc Thánh-nhân:
1- Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
2- Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
3- Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).
4- Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
1- Bậc Thánh Nhập-Lưu (Sotāpanna)
Bậc Thánh Nhập-lưu là bậc Thánh-nhân thứ nhất đã diệt tận được (samucchedappahāna) 2 loại phiền-não là tà-kiến (trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến) và hoài-nghi (trong si-tâm hợp với hoài-nghi), gồm có 5 bất-thiện-tâm không còn dư sót nữa.
Bậc Thánh Nhập-lưu đã nhập vào dòng Thánh-nhân chỉ có tiến triển lên đến bậc Thánh A-ra-hán mà thôi, chắc chắn không còn thóai hóa trở lại hạng phàm-nhân nữa.
Bậc Thánh-Nhập-lưu có 3 hạng:
– Sattakkhattuparamasotāpanna.
– Kolaṃkolasotāpanna.
– Ekabījīsotāpanna.
1- Sattakkhattuparamasotāpanna: Bậc Thánh Nhập-lưu có 5 pháp-chủ (indriya) bậc hạ. Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
2- Kolaṃkolasotāpanna: Bậc Thánh Nhập-lưu có 5 pháp-chủ (indriya) bậc trung. Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới chỉ từ 2 kiếp, 3 kiếp cho đến 6 kiếp mà thôi, rồi bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
3- Ekabījīsotāpanna: Bậc Thánh-Nhập-lưu có 5 pháp-chủ (indriya) bậc thượng. Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu, chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Sở dĩ bậc Thánh Nhập-lưu có 3 hạng khác nhau, là vì mỗi vị Thánh Nhập-lưu có năng lực của 5 pháp-chủ (indriya) khác nhau.
Bậc Thánh Nhập-lưu đặc biệt
Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt ngoại lệ, có các bậc Thánh Nhập-lưu Sotāpanna tái-sinh kiếp sau quá 7 kiếp như sau:
– Ông phú hộ Anāthapiṇḍika.
– Bà Visākhā upāsikā.
– Đức vua trời Sakka.
– Vị thiên-nam Cūḷaratha.
– Vị thiên-nam Mahāratha.
– Vị thiên-nam Anekavaṇṇa.
– Vị thiên-nam Nāgadatta.
Các bậc Thánh Nhập-lưu này phát nguyện thích hưởng sự an-lạc các tầng trời dục-giới cho đến các tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh Akaniṭṭha: Sắc-cứu-cánh-thiên, mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Các bậc Thánh-nhân ấy gọi là vaṭṭābhiratā sotāpannā: Bậc Thánh Nhập-lưu thích hưởng sự an-lạc trong các tầng trời dục-giới và các tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
2- Bậc Thánh Nhất-Lai (Sakadāgāmī)
Bậc Thánh Nhất-lai là bậc Thánh-nhân thứ nhì đã diệt tận được (samucchedappahāna) các phiền-não loại thô trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, trong 2 sân-tâm và trong 1 si-tâm hợp với phóng-tâm (chưa diệt được các phiền-não loại vi-tế). Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người tam-nhân hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới chỉ có 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
PHÁP-HÀNH THIỀN-TUỆ 504
3- Bậc Thánh Bất-Lai (Anāgāmī)
Bậc Thánh Bất-lai là bậc Thánh-nhân thứ ba đã diệt tận được (samucchedappahāna) phiền-não sân vi-tế trong 2 sân-tâm không còn dư sót và phiền-não tham trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến trong cõi dục-giới. Sau khi bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại trong cõi dục-giới, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy.
Bậc Thánh Bất-lai có 5 hạng:
1- Antarāparinibbāyī: Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc chưa đến một nửa tuổi thọ trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
2- Upahaccaparinibbāyī: Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc một nửa tuổi thọ trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
3- Asaṅkhāraparinibbāyī: Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai không cần phải tinh-tấn nhiều cũng sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
4- Saṅkhāraparinibbāyī: Vị phạm-thiên Thánh-Bất-lai cần phải tinh-tấn nhiều mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
5- Uddhaṃsoto Akaniṭṭhagāmī: Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên bậc thấp, tuần tự hóa-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên bậc cao cho đến tầng sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh Akaniṭṭha, mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
4- Bậc Thánh A-Ra-Hán (Arahanta)
Bậc Thánh-A-ra-hán là bậc Thánh-nhân thứ tư cao thượng nhất trong Phật-giáo, Ngài đã diệt tận được (samucchedappahāna) tất cả mọi phiền-não còn lại, mọi tham-ái còn lại không dư sót nữa.
Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại, đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Bậc Thánh A-ra-hán có nhiều hạng:
– Bậc Thánh A-ra-hán Saddhāvimutta: Bậc Thánh A-ra-hán giải thoát bằng đức-tin siêu-việt.
– Bậc Thánh A-ra-hán Paññāvimutta: Bậc Thánh A-ra-hán giải thoát bằng trí-tuệ siêu-việt.
– Bậc Thánh A-ra-hán Ubhatobhāgavimutta: Bậc Thánh A-ra-hán giải thoát bằng 2 pháp: Đệ tứ thiền vô-sắc-giới và A-ra-hán Thánh-quả-tâm.
– Bậc Thánh A-ra-hán Tevijjā: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tam-minh:
- Tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānussatiñāṇa) trí-tuệ nhớ rõ những tiền kiếp của mình.
- Thiên-nhãn-minh (dibbacakkhuñāṇa) trí-tuệ thấy rõ, biết rõ như mắt của chư-thiên, phạm-thiên.
- Trầm-luân tận-minh (āsavakkhayañāṇa) trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 4 loại phiền-não trầm-luân (āsava):
– Kāmāsava: Ngũ-dục trầm-luân.
– Diṭṭhāsava: Tà-kiến trầm-luân.
– Bhavāsava: Kiếp trầm-luân.
– Avijjāsava: Vô-minh trầm-luân.
– Bậc Thánh A-ra-hán Chaḷabhiññā: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc lục thông:
– Iddhividhañāṇa: Đa-dạng thần-thông.
– Dibbacakkhuñāṇa: Thiên-nhãn-thông.
– Dibbasotañāṇa: Thiên-nhĩ-thông.
– Cetopariyañāṇa: Tha-tâm-thông.
– Pubbenivāsānussatiñāṇa: Tiền-kiếp-thông.
– Āsavakkhayañāṇa: Trầm-luân tận-thông.
– Bậc Thánh A-ra-hán Paṭisambhidappabhedappatta: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc tứ tuệ phân-tích:
– Atthapaṭisambhidā: Trí-tuệ phân-tích biết rõ pháp-quả từ pháp-nhân.
– Dhammapaṭisambhidā: Trí-tuệ phân-tích biết rõ pháp-nhân từ pháp-quả.
– Niruttipaṭisambhidā: Trí-tuệ phân-tích biết rõ bằng danh từ ngôn-ngữ Pāḷi của attha, của dhamma.
– Paṭibhānapaṭisambhidā: Trí-tuệ phân-tích biết rõ thấu suốt 3 pháp: Attha, dhamma, nirutti trên.
* 16 trí-tuệ thiền-tuệ liên quan với 5 pháp Visuddhi
– Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: Chánh-kiến-thanh-tịnh.
– Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi: Thoát-ly hoài-nghi-thanh-tịnh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa và
– Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa gồm có 2 loại trí-tuệ thiền-tuệ này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 5 gọi là maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Chánh-đạo phi-đạo tri-kiến thanh-tịnh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa đã thoát ra khỏi 10 pháp bẩn (vipassanupakkilesa).
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
9 loại trí-tuệ thiền-tuệ này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 6 gọi là paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp-hành tri-kiến thanh-tịnh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 7 gọi là ñāṇadassana-visuddhi: Tri-kiến thanh-tịnh.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa ở khoảng giữa pháp-thanh-tịnh thứ 6 và pháp-thanh-tịnh thứ 7.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa và
– Trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa gồm có 2 loại trí-tuệ này không thuộc về pháp-thanh-tịnh nào.
* 16 trí-tuệ thiền-tuệ liên quan với 3 pháp Pariññā
1- Ñātapariññā là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, có 2 loại trí-tuệ là:
– Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa.
– Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa.
2- Tiraṇapariññā là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới không chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 udayabbayā-nupassanāñāṇa, mà còn liên quan các trí-tuệ thiền-tuệ bậc cao khác cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa nữa.
3- Pahānapariññā là các trí-tuệ thiền-tuệ diệt mọi pháp đối nghịch với thật-tánh của các sắc-pháp danh-pháp tam-giới, có 10 loại trí-tuệ thiền-tuệ, bắt đầu là:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 5 bhaṅgānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 6 bhayatupaṭṭhānañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 7 ādīnavānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 8 nibbidānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 9 muñcitukamyatāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 10 paṭisaṅkhānupassanāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 11 saṅkhārupekkhāñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccānulomañāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa.
* 16 trí-tuệ thiền-tuệ liên quan với 3 pháp Pahāna
– Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa,… đến
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 anulomañāṇa gồm có 12 loại trí-tuệ thiền-tuệ có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅ-gappahāna) các tà-kiến, tham-ái trong sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 maggañāṇa có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) các phiền-não, các tham-ái tuỳ theo năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ (Maggañāṇa).
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phalañāṇa có khả năng đặc biệt làm an-tịnh (paṭipassaddhippahāna) các phiền-não, các tham-ái tuỳ theo năng lực của mỗi Thánh-quả-tuệ (maggañāṇa).
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gotrabhuñāṇa và trí-tuệ thứ 16 paccavekkhaṇañāṇa không làm phận sự diệt phiền-não, tham-ái.