“Nếu bạn không thực hành bạn không thể biết. Thật lòng mà nói, bạn không thể biết Pháp chỉ bởi đọc hay nghiên cứu về Pháp. Hoặc giả nếu bạn biết thì kiến thức đó của bạn thường là khiếm lỗi.”
Ajahn Chan.
HB: Kính bạch Thiền Sư , chúng con kính mong Sư nói rõ thêm về: Niệm liên tục đoạn đầu đoạn giữa đoạn cuối trong một hiện tượng phồng hay xẹp, giở hay đạp… Điều này Sư đã dạy nhưng chúng con chưa biết cách thực hành. Kính mong Sư giảng lại cho chúng con ạ. Sàdhu!
@: Không phải là “Niệm liên tục đoạn đầu đoạn giữa đoạn cuối trong một hiện tượng… ” mà là niệm thầm hay ghi nhận hiện tượng để có thể tỉnh giác quán sát một cách liên tục từ đầu, giữa, đến cuối hiện tượng. Niệm thầm hay ghi nhận (trong phương pháp Ngài Mahasi) là hướng tâm chú ý đến đối tượng. Khi tâm chú ý đến đối tượng thì tâm sẽ “trực tiếp” cảm nhận, kinh nghiệm đối tượng. Vì có sự niệm thầm (nhắc tâm chú ý) nên có thể cảm nhận được một cách rõ ràng tiến trình (phồng, xẹp, giở, đạp, đau, ngứa, suy nghĩ, vui, buồn… ) liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Ban đầu thực hành chưa kinh nghiệm, chưa thấy được rõ ràng các giai đoạn này vì tâm chưa quen bám được lâu trên đối tượng. Phải thực hành tinh tấn một thời gian thì mới thành thục và thấy rõ hơn, vi tế hơn, đầy đủ hơn các đối tượng quan sát.
Nguyện cho hồng ân tam bảo luôn gia trì cho con trên con đường tu tập giải thoát gian nan nhưng cao thượng này.
Trong tâm từ
Tỳ Khưu Viên Phúc.
HB: Dạ thưa, khi kinh hành hình như con có cảm nhận được nhưng ngồi thiền thì hơi thở ra vào nhanh nên con không biết được điều ấy. Sàdhu! Con xin cố gắng luyện tập. Thành kính tri ân Sư ạ.