Nội Dung Chính
Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật
Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng đối với 3 hạng Đức-Bồ-tát:
– Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác (Sāvakabodhisatta) cần phải thực-hành pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ.
– Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-giác (Pacceka-bodhisatta) cần phải thực-hành pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ và bậc trung.
– Đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambodhisatta) cần phải thực-hành pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ, bậc trung và bậc thượng.
* Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ (Mettāpāramī)
Tích Arakajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Bà-la-môn Araka tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ (mettā-pāramī). Tích này được bắt nguồn như sau.
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, Ngài cho gọi chư tỳ-khưu rồi truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Khi tỳ-khưu thực-hành niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh trở nên thành thạo, làm nền tảng vững chắc, tâm an tịnh, chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, được tích lũy nhiều, nên có được 11 quả-báu như sau:
– Ngủ được an-lạc.
– Thức dậy được an-lạc.
– Không thấy ác mộng.
– Được mọi người yêu mến.
– Được các hàng phi nhân yêu mến.
– Được chư-thiên hộ trì.
– Lửa, thuốc độc, khí giới không làm hại được.
– Tâm an định mau.
– Gương mặt trong sáng.
– Tỉnh táo lúc lâm chung.
– Nếu chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì sẽ hóa-sinh trên tầng trời sắc giới phạm-thiên.
– Này chư tỳ-khưu! Khi tỳ-khưu thực-hành niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh trở nên thành thạo, làm nền tảng vững chắc, tâm an tịnh, chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, được tích lũy nhiều, nên có được 11 quả-báu như vậy.
– Này chư tỳ-khưu! Thông thường, tỳ-khưu thực-hành niệm rải tâm-từ vô lượng đến chúng-sinh muôn loài có chỉ định và không chỉ định, với tâm mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc.
Tỳ-khưu thực-hành niệm rải tâm-bi vô lượng, niệm rải tâm-hỷ vô lượng, niệm rải tâm-xả vô lượng đến chúng-sinh muôn loài có chỉ định và không chỉ định, với tâm mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc.
Tỳ-khưu thực-hành tứ vô-lượng-tâm như vậy, nếu chưa chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, thì sau khi chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
Trong thời quá-khứ, các bậc tiền bối thiện-trí thực-hành niệm rải tâm-từ vô lượng suốt 7 năm. Sau khi chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên suốt 7 đại-kiếp trái đất hoại và kiếp trái đất trụ (saṃvaṭṭa-kappavivaṭṭakappa).
Đức-Thế-Tôn thuyết tích Arakajātaka, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được tóm lược như sau:
Tích Arakajātaka
Thời quá-khứ, trong một kiếp trái đất ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh trong dòng dõi bà-la-môn tên là công tử Araka.
Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát Araka nhàm chán các đối tượng ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ ở trong rừng núi Himavanta, thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh muôn loài.
Về sau, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Araka có nhiều đệ-tử, nên trở thành vị Tôn-Sư. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy các đệ-tử đạo-sĩ rằng:
– Này các đệ-tử! Thông thường, bậc xuất-gia nên thực-hành đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh muôn loài, nên được 11 quả-báu của tâm-từ.
Bậc xuất-gia nên thực-hành niệm rải tâm-bi vô lượng, niệm rải tâm-hỷ vô lượng, niệm rải tâm-xả vô lượng đến tất cả chúng-sinh muôn loài; nếu tâm đạt đến an-định vững chắc, chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện-tâm thì sau khi hành-giả ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
Hành-giả có thiện-tâm tế độ với tâm-từ vô lượng đối với tất cả chúng-sinh muôn loài phía trên từ mặt đất lên đến tột đỉnh cõi trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên, phía dưới từ mặt đất xuống đến cõi đại-địa-ngục Ussadamahānaraka, bề ngang cõi người, toàn thể cõi-giới chúng-sinh.
Niệm rải tâm-từ vô lượng rằng:
Cầu mong tất cả chúng-sinh muôn loài không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, xin tất cả chúng-sinh giữ gìn thân tâm được an-lạc.
(Sabbe sattā averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu.)
Hành-giả thực-hành niệm rải tâm-từ vô lượng, cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc đến tất cả chúng-sinh không giới hạn, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Cho nên, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
Còn dục-giới thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người, 6 cõi trời dục-giới.
Đức-Bồ-tát đạo-sư Araka thường truyền dạy nhóm đệ-tử đạo-sĩ như vậy, nhóm đệ-tử đạo-sĩ thực-hành đề-mục tứ vô-lượng-tâm đến chúng-sinh vô lượng.
Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sư Araka chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên suốt 7 đại-kiếp trái đất hoại và kiếp trái đất trụ (saṃvaṭṭakappavivaṭṭakappa).
Tích Arakajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Trong tích Arakajātaka này, Đức-Bồ-tát đạo-sư Araka là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những hậu-kiếp của nhân vật trong tích ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Nhóm đệ-tử đạo-sĩ, nay kiếp hiện-tại họ là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
– Đức-Bồ-tát đạo-sư Araka, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc hạ)
* Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung (Mettā Upapāramī)
Tích Suvaṇṇasāmajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con của đạo-sĩ Dukūla và nữ đạo-sĩ Pārikā, tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật bậc trung (mettā upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, đề cập đến vị tỳ-khưu chí hiếu biết lo phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo, Đức-Thế-Tôn khen ngợi vị tỳ-khưu ấy.
Vị tỳ-khưu con ông bà phú hộ
Trong kinh-thành Sāvatthi, hai ông bà phú hộ có của cải tài sản đến 180 triệu (tiền Ấn xưa) mà chỉ có một người con trai duy nhất, người con trai là nguồn vui tinh thần của hai ông bà phú hộ.
Một hôm, công-tử đứng trên lâu đài nhìn xuống đường lớn, thấy một số đông người tay cầm hoa, vật thơm đi đến chùa Jetavana để nghe Đức-Phật thuyết pháp, công-tử mới nghĩ rằng:
“Ta cũng nên đi theo họ đến chùa Jetavana để nghe Đức-Phật thuyết pháp.”
Nghĩ xong, công-tử nhờ người nô bộc đi mua hoa, vật thơm, v.v… công-tử đem hoa, vật thơm, các phẩm vật đến chùa Jetavana đảnh lễ, cúng dường lên Đức-Phật, và cúng dường các bộ y, thuốc trị bệnh, các thứ nước trái cây đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp.
Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp, công-tử nhận thức thấy rõ rằng:
“Tội-lỗi của ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, đời sống của người tại gia có nhiều ràng buộc phiền toái, chật hẹp; và thấy rõ đời sống của bậc xuất-gia không bị ràng buộc trong ngũ dục. Vậy ta nên xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật thì thật là cao quý biết dường nào!”
Sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, mọi người đứng dậy tuần tự trở về nhà, còn công-tử đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy công-tử rằng:
– Này con! Như-Lai không cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu đối với những người con mà mẹ cha chưa cho phép.
Vậy, con nên trở về nhà xin mẹ cha cho phép trước, rồi trở lại đây. Khi ấy, Như-Lai sẽ cho phép con xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Như-Lai.
Nghe lời dạy của Đức-Phật, công-tử thành kính đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin phép trở về nhà.
Khi về đến nhà, công-tử vào đảnh lễ mẹ cha, rồi thưa rằng:
– Kính thưa mẹ cha, xin mẹ cha cho phép con xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama.
Nghe đứa con yêu quý nhất thưa như vậy, hai ông bà phú hộ cảm thấy vô cùng khổ tâm, bởi vì công-tử là đứa con duy nhất mà ông bà thương yêu quý mến, nên hai ông bà phú hộ bảo với con rằng:
– Này con yêu quý! Con là đứa con duy nhất của mẹ cha, con là nguồn hạnh phúc an-lạc, là nơi nương nhờ duy nhất của mẹ cha, thì làm sao mẹ cha có thể cho phép con đi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama được.
– Này con yêu quý! Đời sống của bậc xuất-gia tỳ-khưu khổ lắm con ạ!
Vì vậy, con chớ nên xuất gia trở thành tỳ-khưu. Con chỉ nên sống tại gia, tạo mọi phước-thiện như bố-thí, giữ giới, v.v… mà thôi.
Mẹ cha không thể nào cho phép con xuất gia trở thành tỳ-khưu được.
Nghe mẹ cha dạy bảo như vậy, công-tử thất vọng khổ tâm, không dùng vật thực suốt 7 ngày.
Hai ông bà phú hộ khẩn khoản khuyên bảo đủ điều, nhưng công-tử không nghe lời mẹ cha, mà chỉ quyết tâm muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu mà thôi.
Thấy vậy, hai ông bà phú hộ bàn bạc với nhau rằng: “Nếu chúng ta không cho phép con đi xuất gia trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện của nó, đứa con duy nhất của chúng ta sẽ chết, thì chúng ta sẽ không còn có cơ hội nhìn thấy con của chúng ta nữa.
Nhưng nếu chúng ta cho phép con đi xuất gia trở thành tỳ-khưu, thì chúng ta sẽ còn có cơ hội nhìn thấy con của chúng ta, hoặc sau khi con xuất gia trở thành tỳ-khưu, nếu không chịu nổi khổ cực thiếu thốn, thì nó trở về lại nhà của chúng ta mà thôi.”
Sau khi bàn bạc xong, hai ông bà phú hộ bảo với công-tử rằng:
– Này con yêu quý! Mẹ cha đồng ý cho phép con đi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama.
Nghe mẹ cha bảo như vậy, công-tử cảm thấy vô cùng hoan hỷ, bắt đầu ăn uống tắm rửa trở lại, qua ít hôm sau sức khoẻ của công-tử đã hồi phục. Công-tử đến hầu đảnh lễ mẹ cha, xin phép đi xuất gia.
Công-tử xuất gia trở thành tỳ-khưu
Công-tử đi đến hầu đảnh lễ, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. Đức-Phật truyền bảo một vị tỳ-khưu làm thầy tế độ cho công-tử xuất gia trở thành sa-di.
Sau khi trở thành sa-di một thời gian, vị thầy tế độ làm lễ nâng vị sa-di lên trở thành tỳ-khưu.
Sau khi trở thành tỳ-khưu, vị tỳ-khưu ấy nương nhờ nơi thầy tế độ cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học và pháp-hành: pháp-hành-giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ rành rẽ suốt 5 năm.
Một hôm, vị tỳ-khưu ấy nghĩ rằng:
“Ta sống tại nơi này, có nhiều bà con, bạn bè đến thăm viếng, cúng dường các thứ vật dụng nhiều. Đó là điều bất lợi đối với ta, ta có chí nguyện xuất gia mong giải thoát khổ.
Vậy, ta nên tìm một nơi thanh vắng, để thuận lợi thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.”
Sau khi suy nghĩ xong, vị tỳ-khưu ấy đảnh lễ thầy tế độ, xin thầy cho phép được rời khỏi ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi này, tìm một nơi thanh vắng để thuận lợi thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Được vị thầy tế độ cho phép, vị tỳ-khưu ấy đến một khu rừng vắng ở vùng biên giới. Tại khu rừng này, dù vị tỳ-khưu thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ suốt 12 năm, mà vẫn chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào cả.
Ông bà phú hộ trở nên người nghèo khổ Về phần hai ông bà phú hộ, mẹ cha của vị tỳ-khưu ấy, vì thương nhớ đến người con yêu quý, cho nên công việc làm ăn càng ngày càng suy thoái, không có người trông nom, của cải tài sản càng ngày càng tiêu hao dần một cách mau chóng, do người ta chiếm đoạt tất cả các của cải tài sản, ruộng vườn, thậm chí đến ngôi nhà to lớn cũng bị người ta chiếm đoạt luôn.
Hai ông bà trở nên người nghèo khổ, dẫn dắt nhau đi xin ăn qua ngày.
Một hôm, Ngài Trưởng-lão từ ngôi chùa Jetavana đến khu rừng tại biên giới, gặp vị tỳ-khưu con của ông bà phú hộ trong kinh-thành Sāvatthi năm xưa. Vị tỳ-khưu tiếp đón Ngài Trưởng-lão, thăm hỏi lẫn nhau vô cùng hoan hỷ.
Được biết Ngài Trưởng-lão khách này từ ngôi chùa Jetavana mới đến, nên vị tỳ-khưu bạch hỏi về Đức-Thế-Tôn cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng trong chùa, vị thầy tế độ của mình, rồi bạch hỏi về ông bà phú hộ trong kinh-thành Sāvatthi đời sống như thế nào.
Nghe vị tỳ-khưu bạch hỏi như vậy, Ngài Trưởng-lão khách trả lời rằng:
– Này pháp đệ! Ông bà phú hộ ấy có một người con trai duy nhất đã xuất gia trở thành tỳ-khưu và vị tỳ-khưu ấy đã rời khỏi của ngôi chùa Jetavana nhiều năm rồi.
Còn tất cả của cải tài sản của ông bà phú hộ đã bị khánh kiệt. Bây giờ, hai ông bà lâm vào hoàn cảnh khổ cực. Hằng ngày, hai ông bà dẫn nhau đi xin ăn để sống qua ngày.
Nghe Ngài Trưởng-lão nói như vậy, vị tỳ-khưu vô cùng xúc động, nghẹn ngào đôi dòng nước mắt chảy ra giàn giụa.
Thấy vậy, Ngài Trưởng-lão hỏi rằng:
– Này pháp đệ! Hai ông bà ấy có liên quan với pháp đệ như thế nào?
Vị tỳ-khưu thưa rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, hai ông bà ấy chính là thân mẫu thân phụ của đệ, còn đệ là người con duy nhất của hai ông bà ấy. Thưa Ngài.
Ngài Trưởng-lão khuyên rằng:
– Này pháp đệ! Sở dĩ thân mẫu thân phụ của pháp đệ lâm vào hoàn cảnh khổ như vậy, là vì pháp đệ.
Vậy, pháp đệ phải có bổn phận lo phụng dưỡng mẹ cha già yếu của pháp đệ.
Nghe lời khuyên dạy của Ngài Trưởng-lão, vị tỳ-khưu con của ông bà phú hộ nghĩ rằng:
“Dù ta đã cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ suốt 12 năm qua, mà vẫn chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào. Có lẽ ta chưa có đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật.
Vậy, ta nên hoàn tục trở thành người cận-sự-nam, để thuận tiện cho việc chăm nom săn sóc, phụng dưỡng mẹ cha già của ta, rồi cố gắng tạo các phước-thiện như bố-thí, giữ giới, hành thiền, v.v…”
Nghĩ xong, vị tỳ-khưu ấy rời khỏi khu rừng, lên đường trở về kinh-thành Sāvatthi, đi tìm mẹ cha.
Khi đến một ngõ rẽ, một ngõ đi vào kinh-thành Sāvatthi và một ngõ đi đến ngôi chùa Jetavana. Vị tỳ-khưu ấy đứng tại ngõ rẽ suy nghĩ rằng:
“Ta nên đi tìm mẹ cha trước hay đến đảnh lễ Đức-Phật trước”, rồi suy nghĩ tiếp rằng:
“Tuy ta đã xa cách mẹ cha ta nhiều năm qua, nhưng mà sau này hằng ngày, ta thường gần gũi chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha ta. Khi ấy, ta không có nhiều thời gian đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, nghe pháp.
Vậy, hôm nay ta nên đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn trước, rồi sáng hôm sau, ta sẽ đi tìm mẹ cha của ta.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tỳ-khưu ấy đi theo con đường dẫn đến ngôi chùa Jetavana. Đến nơi trời đã về chiều, vị tỳ-khưu ấy tìm đến đảnh lễ Đức-Phật, rồi nghe Đức-Phật thuyết pháp.
Canh chót đêm ấy, sau khi xả đại bi định, rồi suy xét chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, Đức-Thế-Tôn thấy vị tỳ-khưu con của ông bà phú hộ trong kinh-thành Sāvatthi năm xưa, là người có duyên lành nên tế độ.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết bài kinh Mātu-posakasutta, Đức-Phật tán dương người con chí hiếu biết chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha bằng những thứ vật dụng cần thiết có được bằng cách hợp pháp.
Chư bậc thiện-trí đều tán dương ca tụng những người con chí hiếu, biết lo phụng dưỡng mẹ cha trong đời này như vậy. Sau khi những người con ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Sau khi nghe bài kinh Mātuposakasutta ấy xong, vị tỳ-khưu suy xét đúng đắn rằng:
“Trước đây, ta có ý định hoàn tục trở thành người cận-sự-nam, để thuận tiện lo chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha.
Nay, nghe Đức-Phật thuyết giảng bài kinh Mātuposakasutta này, giúp ta hiểu rõ rằng:
Dù ta là tỳ-khưu có được những thứ vật dụng cần thiết bằng cách hợp pháp, cũng nuôi nấng, phụng dưỡng mẹ cha của ta được.
Như vậy, ta không nên hoàn tục trở thành người cận-sự-nam, ta vẫn là tỳ-khưu cũng có thể phụng dưỡng mẹ cha già của ta được.
Sáng ngày hôm sau, vị tỳ-khưu ấy đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi mang bát đến chỗ các thí-chủ làm phước-thiện bố-thí cháo buổi sáng. Sau khi được cháo xong, vị tỳ-khưu mang bát cháo đi vào kinh-thành Sāvatthi, để tìm mẹ cha của Ngài.
Cảnh đoàn tụ mẹ cha
Nhìn thấy mẹ cha xin cháo đem về, ngồi bên vách nhà người khác, vị tỳ-khưu ấy đến gần chỗ mẹ cha của Ngài. Đứng trước cảnh tượng đau lòng ấy, vị tỳ-khưu vô cùng cảm động trào đôi dòng nước mắt chảy ra giàn giụa, nghẹn ngào quá không nói lên lời, vị tỳ-khưu đứng chết điếng cả người.
Khi ấy, mẹ cha chưa nhận ra vị tỳ-khưu, nên nghĩ rằng:
“Vị tỳ-khưu ấy đang đứng khất thực.”
Bà chân thành bạch rằng:
– Kính bạch Ngài, nay chúng tôi nghèo khổ không có vật thực gì xứng đáng để cúng dường đến Ngài. Xin Ngài đi đến ngôi nhà khác.
Nghe lời nói tha thiết thân thương của thân mẫu, vị tỳ-khưu cảm động quá nên đứng bất động nghẹn ngào không nói được lời nào. Thân phụ của Ngài thấy như vậy, nên bảo bà hãy đến gần xem kỹ vị tỳ-khưu ấy là ai?
Thân mẫu của Ngài đứng dậy đến gần, thì nhận ra được vị tỳ-khưu chính là người con yêu quý của ông bà mà họ đã khắc khoải mong chờ lâu nay. Vì quá xúc động bà quỵ xuống chân của vị tỳ-khưu rồi khóc lên thành tiếng, thân phụ của Ngài đến đỡ bà lên và nhận ra vị tỳ-khưu là người con, rồi ông cũng khóc. Thấy mẹ cha khóc, nên vị tỳ-khưu không ngăn nổi cơn xúc động cũng khóc.
Đó là một cảnh tượng thật thương tâm, lúc mẹ cha con đoàn tụ.
Vị tỳ-khưu cố gắng thốt lên từng lời rằng:
– Thưa mẹ cha, xin mẹ cha đừng khóc than sầu não nữa, kể từ ngày hôm nay, xin mẹ cha cho bần sư được phép phụng dưỡng mẹ cha.
Tỳ-khưu phụng dưỡng mẹ cha
Vị tỳ-khưu trao bát cháo của Ngài cho mẹ cha dùng buổi sáng, rồi vị tỳ-khưu dẫn mẹ cha đến một nơi thuận lợi, mời mẹ cha nghỉ ngơi tại nơi đó, còn vị tỳ-khưu mang bát vào trong kinh-thành Sāvatthi đi khất thực, đem vật thực về mời mẹ cha dùng cho no đủ.
Sau đó, vị tỳ-khưu lại đi khất thực một lần nữa, có được bao nhiêu vật thực, Ngài mời mẹ cha dùng thêm. Khi mẹ cha no đủ, vị tỳ-khưu mới dùng phần vật thực còn lại.
Vị tỳ-khưu mời mẹ cha đến ở chỗ đàng hoàng. Hằng ngày, vị tỳ-khưu ấy chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha đầy đủ, không để mẹ cha phải chịu cảnh đói khát như trước nữa.
Ngày nào đi khất thực có được vật thực đủ dùng, vị tỳ-khưu dâng vật thực cho mẹ cha dùng no đủ, nếu vật thực còn thừa thì vị tỳ-khưu mới dùng phần vật thực ấy.
Vì vậy, thân thể của vị tỳ-khưu càng ngày càng gầy, vì thiếu vật thực.
Nếu có được tấm vải mới nào thì vị tỳ-khưu đem dâng tấm vải mới ấy đến mẹ cha mặc. Nếu mẹ cha xả bỏ tấm choàng cũ thì vị tỳ-khưu đem giặt sạch sẽ, rồi nhuộm màu lại vá vào tấm y cũ rách của mình, hoặc lượm các tấm vải mà người ta vất bỏ, đem về giặt sạch sẽ, nhuộm màu lại, rồi vá vào tấm y cũ rách của mình, cho nên tấm y của vị tỳ-khưu ấy có nhiều miếng vá.
Vị tỳ-khưu ấy chỉ biết lo chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha cho được no ấm mà thôi. Về phần vị tỳ-khưu có bữa no bữa đói, cho nên thân thể gầy ốm, mặc bộ y cũ có nhiều miếng vá.
Nhìn thấy vị tỳ-khưu ấy gầy ốm xanh xao, mặc bộ y cũ có nhiều mảnh vá như vậy, nên các vị tỳ-khưu khác hỏi Ngài rằng:
– Này pháp-hữu! Trước kia pháp-hữu có thân thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, nhưng nay thân thể của pháp-hữu gầy ốm xanh xao như vậy, pháp-hữu có mắc phải bệnh gì không?
Pháp-hữu không có y mặc hay sao mà mặc bộ y quá cũ có nhiều miếng vá như vậy?
Nghe các vị tỳ-khưu khác hỏi như vậy, vị tỳ-khưu ấy trả lời rằng:
– Này quý pháp-hữu! Thật ra, tôi không bị mắc bệnh gì cả. Rồi thuật chuyện lo chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha già cho chư tỳ-khưu nghe rằng:
– Này quý pháp-hữu! Hằng ngày, tôi đi khất thực, được bao nhiêu vật thực tôi đều đem về dâng lên cho mẹ cha tôi dùng trước, khi mẹ cha tôi đã dùng no đủ, thì tôi mới dùng phần còn lại, nên có bữa no bữa đói.
Vì vậy, thân thể của tôi bị gầy ốm, xanh xao như thế này. Tôi không bị mắc bệnh gì cả.
Và nếu khi tôi có tấm vải mới nào thì tôi dâng tấm vải ấy đến mẹ cha tôi mặc. Nếu mẹ cha tôi xả bỏ tấm choàng cũ thì tôi lấy, hoặc tôi lượm tấm vải người ta bỏ, đem giặt sạch sẽ, nhuộm màu lại, rồi vá vào tấm y cũ rách của tôi. Cho nên, tấm y của tôi có nhiều miếng vá.
Nghe vị tỳ-khưu thuật chuyện như vậy, các pháp-hữu bảo với vị tỳ-khưu ấy rằng:
– Này pháp-hữu! Những thí chủ có đức-tin trong sạch làm phước-thiện bố-thí các món vật thực, vải may y, … cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, Đức-Thế-Tôn không cho phép tỳ-khưu đem những thứ vật thực, vải may y ấy phụng dưỡng người tại gia cư sĩ.
Vậy, pháp-hữu đã làm việc không nên làm, thật là đáng chê trách.
Nghe lời chê trách của pháp-hữu, vị tỳ-khưu ấy cảm thấy hổ-thẹn.
Chư tỳ-khưu ấy đem việc này bạch lên Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính Bạch Đức-Thế-Tôn, vị tỳ-khưu ấy đem những vật thực, vải may y mà thí chủ làm phước bố-thí với đức-tin trong sạch nơi chư tỳ-khưu-Tăng, để phụng dưỡng người tại gia cư sĩ.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy gọi vị tỳ-khưu ấy đến bèn hỏi rằng:
– Này tỳ-khưu! Như-Lai nghe nói con đem những vật thực, vải may y mà thí chủ làm phước bố-thí với đức-tin trong sạch cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, để phụng dưỡng người tại gia cư sĩ. Chuyện đó có thật hay không?
Vị tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chuyện đó có thật như vậy. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền hỏi rằng:
– Này tỳ-khưu! Con đem những vật thực, vải may y ấy, để phụng dưỡng người tại gia cư sĩ ấy, họ liên quan với con thế nào vậy?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đem những vật thực, vải may y để phụng dưỡng người tại gia cư sĩ ấy, họ là mẹ cha của con. Bạch Ngài.
Để cho vị tỳ-khưu ấy phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ, nên Đức-Phật tán dương ca tụng rằng:
“Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Lành thay!” 3 lần như vậy.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy tỳ-khưu ấy rằng:
– Này tỳ-khưu! Con là người con chí hiếu, có đức tính biết ơn và biết đền đáp công ơn mẹ cha, biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già.
Con đã làm tròn bổn phận người con chí hiếu mà tiền-kiếp của Như-Lai đã từng biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già đui mù trong thời quá-khứ.
Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.