Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật 

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng đối với 3 hạng Đức-Bồ-tát: 

– Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác (Sāvaka-bodhisatta) thì cần phải thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ. 

– Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-giác (Pacceka-bodhisatta) cần phải thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ và bậc trung. 

– Đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambodhisatta) cần phải thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. 

* Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ (Khantipāramī) 

Tích Mahiṃsarājajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con Trâu chúa tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ (khantipāramī). 

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahiṃsarājajātaka (tích con Trâu chúa) này đề cập đến pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau: 

Trong kinh-thành Sāvatthi, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá được nuôi trong một gia đình trong kinh-thành, nó đi đến chuồng voi nhảy lên ngồi trên lưng một con voi lớn có giới, tuy nó đi tiểu tiện, đại tiện, đi qua đi lại trên lưng con voi ấy, nhưng con voi không hề phát sinh tâm-sân, không tỏ vẻ bực tức nó, bởi vì con voi có giới đặc biệt, có tâm-từ và đức tính nhẫn-nại. 

Một hôm, con voi con hung dữ đứng nghỉ chỗ con voi có giới, theo thói quen, con khỉ tinh nghịch đi đến nhảy lên ngồi trên lưng con voi con hung dữ ấy, tưởng như con voi lớn có giới kia. Con voi con hung dữ nhanh nhẹn lấy cái vòi bắt con khỉ tinh nghịch đập xuống đất, rồi lấy bàn chân chà xát thân con khỉ tinh nghịch tan xương nát thịt, chết ngay tại chỗ. 

Chuyện con voi con hung dữ và con khỉ tinh nghịch ấy được chư tỳ khưu nghe biết như vậy. 

Một hôm, chư tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo với nhau rằng: 

– Này chư pháp-hữu! Nghe nói rằng: Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá nhảy lên ngồi trên lưng con voi con hung dữ, tưởng như con voi lớn có giới. Con khỉ tinh nghịch ấy bị con voi con hung dữ bắt chà xát tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ. 

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp tòa, bèn truyền hỏi rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy? 

Chư Tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện con khỉ như vậy. Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Con khỉ tinh nghịch hay quấy phá có thói quen xấu như vậy không chỉ trong kiếp hiện-tại này mà tiền-kiếp xa xưa của con khỉ tinh nghịch hay quậy phá này cũng đã có thói quen xấu như vậy. 

Tích Mahiṃsarājajātaka 

Truyền dạy xong, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahiṃsarājajātaka được tóm lược như sau: 

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh làm con Trâu chúa ở trong rừng núi Himavanta. 

Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát Trâu chúa có thân hình to lớn, có sức mạnh phi thường, đi kiếm ăn dọc theo sườn núi trong rừng sâu. Thấy một cây to lớn sum xuê có bóng mát, nên dù đi kiếm ăn nơi nào, đến buổi trưa, Đức-Bồ-tát Trâu chúa cũng đến đứng dưới gốc cây to lớn ấy nghỉ mát. 

Khi ấy, một con khỉ tinh nghịch hay quấy phá từ trên cây leo xuống, đứng trên lưng Đức-Bồ-tát Trâu chúa, đi tiểu tiện, đại tiện, nắm 2 cái sừng lắc chơi chán, rồi nắm cái đuôi đưa qua đưa lại chơi như vậy. 

Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn đứng tự nhiên, dù con khỉ tinh nghịch quấy phá thế nào, Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn không hề phát sinh sân-tâm bực tức con khỉ tinh nghịch ấy. Bởi vì Đức-Bồ-tát Trâu chúa đang tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật nên không phát sinh tâm sân. 

Cho nên, mỗi ngày dù cho con khỉ tinh nghịch hay quấy phá như thế nào, Đức-Bồ-tát Trâu chúa vẫn giữ thái độ nhẫn-nại tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm bực tức con khỉ tinh nghịch ấy. 

Vị chư-thiên cội cây ấy nhìn thấy con khỉ có hành vi tinh nghịch đáng ghét mỗi ngày như vậy. Một hôm, vị chư-thiên cội cây ấy hiện ra đứng chỗ cội cây ấy thưa với Đức-Bồ-tát Trâu chúa rằng: 

– Kính thưa Ngài Trâu chúa cao thượng, do nguyên nhân nào mà Ngài nhẫn-nại chịu đựng những nỗi khổ do con khỉ tinh nghịch hay quấy phá làm khổ Ngài vậy? 

Ngài nên húc nó bằng đôi sừng nhọn, nên đạp nó bằng chân khoẻ mạnh của Ngài, làm cho nó chết ngay tại nơi ấy. 

Nếu Ngài không giết nó chết thì nó mãi quấy phá những chúng-sinh khác. 

Nghe vị chư-thiên cội cây thưa như vậy, Đức-Bồ-tát Trâu chúa thưa rằng: 

– Này chư-thiên cội cây! Xét thấy ta với con khỉ thì ta là chúng-sinh có thân hình to lớn, dòng dõi cao quý, tuổi tác cao hơn con khỉ, nếu ta không chịu nhẫn-nại tha thứ lỗi cho con khỉ thì nguyện vọng cao cả tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của ta thành tựu làm sao được? 

Nếu con khỉ tinh nghịch ấy vẫn có thói quen bậy bạ đối với con trâu hung dữ khác, tưởng như ta thì nó sẽ bị con trâu hung dữ khác trừng trị hại nó chết ngay tại nơi ấy. 

Như vậy, ta sẽ không bị phạm tội sát-sinh. 

Vài ba hôm sau, Đức-Bồ-tát Trâu chúa đi ở nơi khác, một con trâu hung dữ khác đến đứng ngay tại chỗ cội cây ấy, con khỉ tinh nghịch ấy theo thói quen nhảy lên trên lưng con trâu hung dữ ấy, đi tiểu tiện, đại tiện, tưởng như Đức-Bồ-tát Trâu chúa. Con trâu hung dữ liền lắc mạnh thân mình bất ngờ, con khỉ tinh nghịch rơi xuống đất, ngay tức khắc, con trâu hung dữ lấy cái sừng húc vào tim, rồi lấy chân đạp con khỉ tinh nghịch ấy tan xương nát thịt chết ngay tại chỗ ấy. 

Sau khi thuyết tích Mahiṃsajātaka này xong, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp về pháp tứ Thánh-đế tế độ chư tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân bậc thấp hoặc cao tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. 

Tích Mahiṃsajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại 

Trong tích Mahiṃsarājajātaka này, Đức-Bồ-tát Trâu chúa là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp những nhân vật trong tích Mahiṃsa-rājājātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau: 

– Con khỉ tinh nghịch (kiếp quá-khứ) ấy, nay kiếp hiện-tại cũng là con khỉ tinh nghịch (kiếp hiện-tại) này. 

– Con trâu hung dữ (kiếp quá-khứ) ấy, nay kiếp hiện-tại là con voi con hung dữ (kiếp hiện-tại) này. 

– Đức-Bồ-tát Trâu chúa, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama. 

Nhận xét về tích Mahiṃsarājajātaka 

Trong tích Mahiṃsarājajātaka, con trâu có tính hung dữ trong kiếp quá-khứ, nay kiếp hiện-tại là con voi con cũng có tính hung dữ. Và con khỉ có tính tinh nghịch trong kiếp quá-khứ, nay kiếp hiện-tại cũng là con khỉ có tính tinh nghịch kiếp hiện-tại. 

Như vậy, nếu chúng-sinh có thói quen xấu nào phát sinh từ ác-tâm được biểu hiện ra bằng thân hoặc bằng khẩu đã trở thành thói quen tật xấu gọi là tiền-khiên-tật xấu (vāsana) được tích lũy trong tâm từ kiếp này sang kiếp kia, trong mỗi kiếp tử sinh luân-hồi của chúng-sinh ấy, dù cho phần thân mỗi kiếp thay đổi khác nhau tùy theo nghiệp và quả của nghiệp, song phần tâm vẫn còn tích lũy thói quen tật xấu ấy. 

Nếu kiếp nào có cơ hội thì thói quen tật xấu ấy được biểu hiện ra bằng thân hoặc bằng khẩu trong kiếp ấy. 

Như trường hợp trong tích Mahiṃsarājajātaka, sau khi con trâu hung dữ kiếp quá-khứ chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau sinh làm con voi con hung dữ trong kiếp hiện-tại. Và con khỉ tinh nghịch kiếp quá-khứ sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau sinh làm con khỉ tinh nghịch kiếp hiện-tại. 

Tiền-khiên-tật xấu này rất khó diệt tận được. Thật vậy, đối với chư bậc Thánh A-ra-hán có khả năng diệt tận được tất cả mọi phiền-não, tất cả mọi tham-ái không còn dư sót, nhưng không thể diệt tận được tiền-khiên-tật xấu đã được tích lũy từ những kiếp quá-khứ của mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong các loài. 

Tiền-khiên-tật này duy nhất chỉ có Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đồng thời đặc biệt diệt tận được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) không còn nữa mà thôi, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, trong toàn cõi-giới chúng-sinh. 

(Xong pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ) 

* Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-Mật bậc trung (Khanti Upapāramī) 

Tích Cūḷadhammapālajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-Phật Gotama sinh làm hoàng tử Dhammapāla của Đức-vua Mahāpatāpa tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung (khanti upapāramī). 

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, Ngài thuyết về tích Cūḷadhammapālajātaka đề cập đến pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau: 

Một hôm, chư tỳ-khưu hội họp tại giảng đường bàn luận về tỳ-khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Đức-Thế-Tôn, như tuyển các xạ thủ bắn tên giỏi đến bắn Đức-Thế-Tôn, lăn đá đè Đức-Thế-Tôn, thả voi Nāḷāgiri chạy đến chà Đức-Thế-Tôn, … nhưng cách nào cũng không thể giết hại Đức-Thế-Tôn được. 

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp tòa, truyền hỏi chư tỳ khưu rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy? 

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về câu chuyện đang bàn luận như vậy. 

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này, tỳ-khưu Devadatta tìm mọi cách để giết hại Như-Lai, mà còn có nhiều kiếp quá-khứ của Như-Lai cũng bị tiền-kiếp của tỳ-khưu Deva-datta giết hại. Nhưng kiếp hiện-tại, tỳ-khưu Devadatta chắc chắn không có khả năng giết hại được Như-Lai, thậm chí cũng không thể làm cho Như-Lai giựt mình nữa. 

Tích Cūḷadhammapālajātaka 

Nhân dịp ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Cūḷadhammapālajātaka được tóm lược như sau: 

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Mahāpatāpa ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tái-sinh đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī của Đức-vua Mahāpatāpa. 

Đức-Bồ-tát đản sinh ra đời, Đức Phụ-vương làm lễ đặt tên Dhammapālakumāra: Hoàng-tử Dhammapāla. 

Khi Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla lên 7 tháng, Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát là Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ẵm Hoàng-tử Dhamma-pāla tắm nước thơm, rồi trang phục hoàng-tử xong, Chánh-cung Hoàng-hậu vô cùng hoan hỷ ngồi ham nựng nịu Hoàng-tử Dhammapāla. Khi ấy, Đức-vua Mahāpatāpa ngự đến lâu đài của Chánh-cung Hoàng-hậu, thấy Chánh-cung Hoàng-hậu ẵm Hoàng-tử Dhammapāla vào lòng nựng nịu bằng tình thương mẫu tử, nên không để ý đứng dậy đón rước Đức-vua Mahāpatāpa. 

Đức-vua Mahāpatāpa nghĩ rằng: “Sở dĩ Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī sinh tâm ngã-mạn là vì nương nhờ Hoàng-tử Dhammapāla này, nên không để ý ta đến đây, không đứng dậy đón rước ta như trước. 

Nếu sau này, Hoàng-tử Dhammapāla trưởng thành thì Chánh-cung Hoàng-hậu không còn coi ta ra gì nữa cũng nên. Vậy, ta nên giết Hoàng-tử Dhammapāla ngay bây giờ.” 

Nghĩ như vậy, Đức-vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức ngự trở về, ngồi trên ngai vàng giữa nơi hội triều, rồi truyền lệnh gọi tên đao phủ mang con đao và tấm ván đến chầu. 

Tên đao phủ đến tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì?

Đức-vua Mahāpatāpa hằn học truyền lệnh rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau đến lâu đài của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, đem Hoàng-tử Dhammapāla đến đây cho Trẫm. 

Biết Đức-vua Mahāpatāpa nổi cơn thịnh nộ, bực tức nên ngự trở về, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ẵm Hoàng-tử Dhammapāla vào lòng, than khóc thật thảm thương. Khi ấy, theo lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ đến bắt buộc Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī trao Hoàng-tử Dhammapāla cho y. Nhưng vì thương yêu Hoàng-tử, Chánh-cung Hoàng-hậu không đành lòng trao Hoàng-tử, nên tên đao phủ giật Hoàng-tử từ trên tay của Chánh-cung Hoàng-hậu, đem hoàng-tử Dhammapāla mới lên 7 tháng, đến trình lên Đức-vua Mahāpatāpa, tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy đem tấm ván đặt nằm trước mặt Trẫm, rồi đem Hoàng-tử Dhammapāla đặt nằm ngửa trên tấm ván ấy. 

Tuân theo lệnh Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ thi hành như vậy. 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ngự đến ngồi gần Hoàng-tử Dhammapāla khóc than thảm thiết. Tên đao phủ tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhammapāla này. 

Nghe lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa truyền như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đảnh lễ Đức-vua, rồi tâu rằng: 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, Hoàng-tử Dham-mapāla của thần thiếp mới lên 7 tháng còn bé nhỏ không biết gì, Hoàng-tử Dhammapāla hoàn toàn vô tội, chỉ có thần thiếp là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng, vì không đứng dậy đón rước Hoàng-thượng mà thôi. 

Vì vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn tay của thần thiếp. 

– Kính xin Hoàng-thượng tha cho Hoàng-tử Dhammapāla vô tội, còn nhỏ quá chưa biết gì cả. 

Không quan tâm đến lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Đức-vua Mahāpatāpa lại truyền lệnh tên đao phủ rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi chớ nên chậm trễ, hãy mau chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhamma-pāla. 

Đức-Bồ-tát Dhammapāla thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật 

Tên đao phủ lấy lưỡi đao bén chặt 2 bàn tay của Hoàng-tử Dhammapāla như chặt vào mụt măng non, máu chảy ra từ 2 vết thương cổ tay. 

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla nằm yên không hề lay động, không hề khóc, thực-hành pháp-hành nhẫn-nại ba-la-mật, chịu đựng nỗi đau khổ của vết thương 2 bàn tay. Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla còn có tâm-từ đối với Đức-Phụ-vương và tên đao phủ. 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Mẫu-hậu của Hoàng-tử Dhammapāla khóc than thảm thiết nhặt 2 bàn tay bỏ vào trong hộp. 

Tên đao phủ tâu nữa rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này sẽ làm gì? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla. 

Nghe Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tâu rằng: 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng mà thôi. 

Vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn chân của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng-tử Dhammapāla vô tội, lại còn quá bé nhỏ chưa biết gì. 

Không quan tâm đến lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh cho tên đao phủ lập tức thi hành lệnh ngay. Tên đao phủ chặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla, máu chảy ra từ vết thương 2 bàn chân. 

Dù đã bị chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla vẫn nằm yên tự nhiên bất động, thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, chịu đựng mọi nỗi đau khổ cùng cực mà không hề khóc. Đức-Bồ-tát Hoàng-tử còn có tâm-từ đối với Đức-Phụ-vương và tên đao phủ. 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī khóc than thảm thiết, nhặt 2 bàn chân của Hoàng-tử Dhammapāla đặt vào hộp, rồi đảnh lễ Đức-vua Mahāpatāpa, tâu rằng: 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, Đấng Phu-quân của thần thiếp, Hoàng-tử Dhammapāla đã bị Hoàng-thượng truyền lệnh chặt 2 bàn tay và 2 bàn chân rồi, thần thiếp là Mẫu-hậu của hoàng tử có bổn phận nuôi dưỡng. 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng ban Hoàng-tử Dhammapāla cho thần thiếp nuôi dưỡng. 

Khi ấy, tên đao phủ tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này đã thi hành theo lệnh của Bệ-hạ. 

Vậy, công việc của kẻ hạ thần xong chưa? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng: 

– Này tên đao phủ! Công việc của ngươi chưa xong đâu! 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm gì nữa? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhammapāla. 

Nghe Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo tên đao phủ như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tâu rằng: 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, chỉ có thần thiếp mới là người có tội lớn đối với Hoàng-thượng mà thôi. 

Vậy, kính xin Hoàng-thượng truyền lệnh chặt cái đầu của thần thiếp, và xin tha cho Hoàng-tử Dhammapāla vô tội, lại còn quá bé nhỏ chưa biết gì. 

Tâu xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đưa cái đầu của Bà cho tên đao phủ chặt. 

Tên đao phủ tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này làm thế nào? 

Hoàng-tử Dhammapāla bị chặt đầu 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền bảo rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy mau chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhammapāla ngay lập tức. 

Tên đao phủ liền chặt cái đầu của Hoàng-tử Dhammapāla, rồi tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này làm xong phận-sự rồi hay chưa? 

– Này tên đao phủ! Ngươi còn phận sự phải làm nữa. 

Tên đao phủ tâu rằng: 

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần này còn phải làm phận sự nào nữa? 

Đức-vua Mahāpatāpa truyền lệnh rằng: 

– Này tên đao phủ! Ngươi hãy dồi cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla lên trên hư không, rồi đưa mũi đao nhọn lên đón cái thây ấy. 

Tuân theo lệnh của Đức-vua Mahāpatāpa, tên đao phủ dồi cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla lên trên hư không, khi cái thây rơi xuống, tên đao phủ đưa mũi đao nhọn lên đón xuyên thủng qua cái thây của Hoàng-tử Dhammapāla, rơi xuống giữa sân rồng, trước mặt các quan. 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực, vừa khóc than thảm thiết, vừa nhặt cái đầu và từng miếng thịt của Hoàng-tử Dhammapāla bỏ vào trong hộp, than vãn rằng: 

– Có ai là bạn thân thiết và là bề tôi trung thành của Đức-vua Mahāpatāpa có tâm-từ, tâm-bi tại nơi đây không? 

Chắc chắn là không có rồi! Bởi vì không có một ai khuyên can Đức-vua Mahāpatāpa rằng: 

“Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng-tử Dhammapāla yêu quý của Bệ-hạ.” 

Có ai là bạn thân thiết và là thân quyến của Đức-vua Mahāpatāpa có tâm-từ, tâm-bi tại nơi đây không? 

Chắc chắn là không có rồi. Bởi vì không có một ai khuyên can Đức-vua Mahāpatāpa rằng: 

“Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ không nên truyền lệnh giết hại Hoàng tử Dhammapāla yêu quý của Bệ-hạ.” 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī khóc than vãn rằng: 

“Hoàng-tử Dhammapāla sẽ là đứa con nối ngôi Hoàng-thượng, Hoàng-tử Dhammapāla được nâng niu từ khi mới sinh, hai bàn tay, hai bàn chân, đầu và mình được thoa bằng lõi trầm đỏ thơm tho. Nay, Hoàng-thượng đã truyền lệnh chặt đứt rời ra cả rồi! 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, chắc sinh-mạng của thần thiếp không thể duy trì được nữa, thần thiếp sẽ chết thôi! 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī quy thiên 

Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát sinh nỗi thống khổ cùng cực không sao chịu nổi được, nên vỡ tim ngã xuống chết tại nơi ấy. 

Đức-vua Mahāpatāpa bị đất rút 

Khi ấy, Đức-vua Mahāpatāpa không thể ngồi vững trên ngai vàng được, ngã lăn xuống nền nơi hội triều, Đức-vua Mahāpatāpa rơi xuống nền đất, mặt đất dày không thể đỡ được tội ác của Đức-vua Mahāpatāpa, nên mặt đất nứt ra làm đôi, ngọn lửa địa-ngục lóe lên rút Đức-vua Mahāpatāpa vào dưới lòng đất. 

Sau khi Đức-vua Mahāpatāpa băng hà, ác-nghiệp sát-sinh Hoàng-tử Dhammapāla ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại-địa-ngục ấy suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất, cho đến khi mãn hạn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra được. 

Thi thể của Chánh-cung Hoàng-hậu Candā-devī và thi thể của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla được các vị quan trong triều làm lễ hỏa táng theo truyền thống của hoàng tộc. 

Sau khi Đức-Thế-Tôn thuyết tích Cūḷadham-mapālajātaka xong, Chư tỳ khưu hiểu rõ tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta như vậy. 

Tích Cūḷadhammapālajātaka liên quan kiếp hiện-tại 

Trong tích Cūḷadhammapālajātaka này, Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla sinh ra được 7 tháng là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp những nhân vật trong tích Cūḷadhammapālajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau: 

– Đức-vua Mahāpatāpa, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta. 

– Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Mahā-pajāpatigotamī. 

– Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama. 

Nhận xét về tích Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Cūḷadhammapāla 

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha). 

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm chịu đựng mọi đối tượng xấu xảy đến một cách bất ngờ, mà không hề phát sinh sân-tâm không hài lòng trong các đối tượng ấy. 

Tích Cūḷadhammapālajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Hoàng-tử Cūḷadhammapāla của Đức-vua Mahāpatāpa, khi còn nhỏ mới lên 7 tháng tuổi. 

Vậy, do nguyên nhân nào mà Đức-Phụ-vương Mahāpatāpa tàn nhẫn truyền lệnh cho người đao phủ chặt 2 bàn tay, 2 bàn chân, chặt cái đầu của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, mà còn truyền lệnh dùng lưỡi đao nhọn đâm phân thây, làm cho Hoàng-tử Dhammapāla chết thê thảm như vậy? 

Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama và Đức-vua Mahā-patāpa là tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta. 

Sở dĩ Đức-Phụ-vương Mahāpatāpa đối xử tàn nhẫn với Hoàng-tử Dhammapāla con của mình như vậy, là vì trong tiền-kiếp xa xưa của Đức-vua Mahāpatāpa phát sinh tâm sân hận điên cuồng kết oan trái với tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Hoàng-tử Dhammapāla, trong tích Serivavāṇija-jātaka được tóm lược như sau: 

Trong thời quá-khứ, một người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo là tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta và một người buôn bán đồ nữ trang lương thiện là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. 

Một hôm, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo đi ngang qua nhà một người nghèo vốn trước kia là gia đình phú hộ giàu sang, nay còn lại một bà ngoại và một cháu gái nhỏ. 

Thấy người buôn bán nữ trang, cháu gái muốn được một món nữ trang, nên năn nỉ xin bà ngoại mua cho, nhưng bà ngoại bảo cháu gái rằng: 

– Này cháu yêu quý! Gia đình của ta nghèo, không có tiền nhiều để mua nữ trang cho cháu, trong nhà có một chiếc mâm cũ kỹ kia, để bà ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu được hay không. 

* Gọi người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo vào nhà, bà đem chiếc mâm cũ kỹ ấy đưa cho người buôn bán nữ trang ấy xem, bà thiết tha trình bày hoàn cảnh nghèo khổ của bà cho y thông cảm, rồi nói cho biết ý muốn của bà. 

Sau khi săm soi kỹ với con mắt nhà nghề, người buôn bán đồ nữ trang ấy biết rõ đó là chiếc mâm vàng ròng được chạm những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật là cổ vật vô giá, nhưng mà hai bà cháu hoàn toàn không hề biết giá trị của nó. Y vốn có tánh tham lam và gian xảo, nên nghĩ rằng: 

“Ta sẽ chiếm đoạt chiếc mâm vàng cổ vật này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang không đáng giá mà thôi.” 

Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném chiếc mâm cũ kỹ xuống đất, nói rằng: 

– Này bà cụ! Chiếc mâm cũ kỹ này có đáng giá gì đâu, mà bà đòi đổi một món nữ trang? 

Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi mà thôi! 

Nói xong, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo kia làm bộ bỏ đi nơi khác. 

* Ngày hôm sau, thấy người buôn bán đồ nữ trang khác (Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama) đi ngang qua nhà, đứa cháu lại xin bà ngoại mua cho một món đồ nữ trang. 

Vì thương đứa cháu mồ côi mẹ cha, nên bà chiều ý cháu, gọi người buôn bán đồ nữ trang ấy vào nhà, lại đem chiếc mâm cũ kỹ ấy đưa cho người buôn bán đồ nữ trang xem. 

Lần này, bà kể lể hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn ấy nghe, với hy vọng người lái buôn ấy cảm thông hoàn cảnh của bà, nhận chiếc mâm cũ kỹ ấy, để đổi lấy món nữ trang nhỏ nào cho cháu. 

Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang cầm chiếc mâm lau chùi lớp bụi sạch sẽ, phát hiện ra chiếc mâm này không chỉ là một chiếc mâm vàng ròng quý báu, mà còn chạm trổ những phù điêu, hoa văn rất tinh tế, thật công phu, mỹ thuật tuyệt vời, là cổ vật vô giá. 

Đức-Bồ-tát lái buôn đưa hai tay nâng niu chiếc mâm ấy và từ tốn thưa rằng: 

– Kính thưa mẹ, chiếc mâm này không chỉ làm bằng vàng ròng quý báu, mà còn là một cổ vật mỹ thuật tuyệt vời vô giá, có giá trị ít nhất trên 100 ngàn kahāpaṇa (tiền Ấn xưa). 

– Kính thưa mẹ, tất cả các món nữ trang và số tiền của con mang theo trong người cũng chưa bằng một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy được. Nhưng con sẽ tặng cho bé gái một món đồ nữ trang mà bé gái thích nhất. 

Nghe Đức-Bồ-tát lái buôn thưa như vậy, bà già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thành của người lái buôn lương thiện, nên bà bảo rằng: 

– Này con! Chính tấm lòng chân thật của con còn quý hơn chiếc mâm vàng cổ vật này gấp trăm, gấp ngàn lần. 

Hôm trước, một người buôn bán đồ nữ trang như con đến nhà, y đã chê chiếc mâm này chưa đáng 12 xu rưỡi. Khi đi ra, y ném chiếc mâm này xuống đất, còn nói lời hằn học trách móc nữa. 

Nếu quả thật, chiếc mâm này là bằng vàng quý báu như con nói thì đó chính là quả phước của con. 

Vậy, con hãy lấy chiếc mâm này, rồi cho cháu gái của bà một món nữ trang nào cũng được, để cho nó vui mừng. Con chớ nên ái ngại gì cả. 

Tuy nghe bà cụ nói như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát lái buôn xét thấy tất cả đồ nữ trang và số tiền của mình ít quá so với chiếc mâm vàng cổ vật vô giá kia, nên Đức-Bồ-tát lái buôn không dám nhận nó. 

Đã nhiều lần từ chối không được, nên Đức-Bồ-tát lái buôn đem trao tất cả đồ nữ trang còn lại và trao trọn cả số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1.000) kahāpaṇa tiền Ấn xưa cho hai bà cháu, xin nhận lấy chiếc mâm vàng cổ vật vô giá ấy, rồi chỉ xin lại tám   (8) đồng để chi phí dọc đường trên đường trở về quê mà thôi. 

Sau khi Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang mang chiếc mâm vàng cổ vật đi ra đến bờ sông lên thuyền sang sông, khi ấy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo trở lại nhà tìm bà cụ, y bảo rằng: 

– Này bà cụ! Bà hãy đem chiếc mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ cho cháu bà món nữ trang nho nhỏ. 

Nhìn thấy y, con người tham lam và gian xảo đáng khinh bỉ, nên bà mắng rằng: 

– Này ông kia! Chiếc mâm vàng cổ vật của tôi đáng giá 100 ngàn kahāpaṇa, thế mà ông dám chê rằng: “Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi”. 

Tôi đã trao chiếc mâm vàng cổ vật ấy cho người buôn bán đồ nữ trang lương thiện rồi. Người ấy đã trao cho tôi tất cả số nữ trang còn lại và trọn số tiền mà người ấy có, rồi nhận chiếc mâm vàng cổ vật vô giá ấy vừa mới đem đi rồi. 

Nghe bà cụ nói như vậy, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo hối tiếc vì đã làm mất món lợi lớn, nên y gào thét lên rằng: 

“Ôi! Ta đã thiệt hại quá lớn rồi! Tên buôn bán đồ nữ trang kia đã cướp chiếc mâm vàng ròng đáng giá 100 ngàn kahāpaṇa của ta rồi! 

Gào thét khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, nên tên buôn bán đồ nữ trang ấy nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh lại, y như người điên nóng nảy xả bỏ y phục, vung vãi các đồ nữ trang xuống đất, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo ra bờ sông, thấy Đức-Bồ-tát ngồi trên chiếc thuyền qua quá nửa sông, y gào thét lớn rằng: 

Hãy quay thuyền trở lại! Hãy quay thuyền trở lại! 

Tuy nghe tiếng gọi, nhưng Đức-Bồ-tát bảo người lái thuyền chèo sang bờ bên kia. 

Tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta kết oan trái với Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. 

Nằm trên bờ sông bên này, người buôn bán đồ nữ trang tham lam và gian xảo hối tiếc của, nên quá uất hận, phát sinh cơn nóng cùng cực, làm cho người buôn bán đồ nữ trang ấy máu trào ra miệng, với tâm sân hận thốt ra lời thề kết oan trái với Đức-Bồ-tát buôn bán đồ nữ trang, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama rằng: 

“Trong vòng tử sinh luân-hồi, bất cứ kiếp nào ta gặp lại ngươi, ta quyết hại ngươi.” 

Kết oan trái xong, ngã ra chết tại chỗ bờ sông. 

Đó là lần đầu tiên tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta kết oan trái với Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. 

Do điều oan trái ấy mà trong vòng tử sinh luân-hồi, mỗi khi tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta gặp Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bất cứ ở địa vị nào cũng tìm mọi cách để làm hại Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. 

Hậu-kiếp Đức-Bồ-tát lái buôn lương thiện sinh làm Thái-tử Siddhatta của Đức-vua Suddho-dana và Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī dòng họ Sakya và hậu-kiếp người lái buôn tham lam sinh làm hoàng-tử Devadatta của Đức-vua Suppabuddha với Hoàng-hậu Amitā dòng họ Koliya. 

Đức-vua Suppabuddha là hoàng huynh của Bà Mahāmāyādevī, Bà Amitā là hoàng muội của Đức-vua Suddhodana, đều là bà con dòng họ với nhau. 

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhatta xuất gia trở thành Đức-Phật Gotama, còn hoàng-tử Deva-datta xuất gia trở thành tỳ-khưu là đệ-tử của Đức-Phật Gotama. Thế mà, về sau tỳ-khưu Devadatta tìm đủ mọi cách giết hại Đức-Phật Gotama, để trở thành Đức-Phật, nhưng điều ấy không thể thực hiện được, bởi vì đã là Đức-Phật thì không có một ai có khả năng giết hại Đức-Phật được. 

Trường-hợp tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta kết oan trái với tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama chỉ có một bên, còn tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama hoàn toàn không kết oan trái với tiền-kiếp của tỳ-khưu Devadatta. 

(Xong pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc trung) 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app