Nội Dung Chính
Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng (Khantiparamatthapāramī)
Tích Khantivādījātaka này Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm vị đạo-sĩ Kuṇḍala, tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng (khanti paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một vị tỳ-khưu có tính hay nóng giận, vì không có đức nhẫn-nại. Một hôm, Đức-Thế-Tôn truyền bảo vị tỳ-khưu ấy rằng:
– Này tỳ-khưu! Con đã xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Như-Lai, Như-Lai là Bậc không nóng giận. Tại sao con thường phát sinh sân-tâm hay nóng giận như vậy?
– Này tỳ-khưu! Trong thời quá-khứ, bậc thiện-trí là đạo-sĩ dù bị Đức-vua truyền lệnh cho người đánh đập tàn nhẫn, chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, cắt lỗ mũi mà vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng không hề phát sinh sân-tâm tức giận Đức-vua và những người hành hạ mình.
Tích Khantivādījātaka
Nhân dịp ấy, Đức-Phật thuyết về Khantivādī-jātaka, tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala là tiền-kiếp của Ngài. Tích này được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Kalābu ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì nước Kāsiraṭṭha. Thời ấy, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn giàu sang phú quý có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu Kahāpaṇa, đặt tên Đức-Bồ-tát là Kuṇḍalakumāra (công-tử Kuṇḍala).
Khi trưởng thành, Đức-Bồ-tát công-tử Kuṇḍala được mẹ cha gởi đi học tại kinh-thành Takkasilā. Sau khi học thành tài, Đức-Bồ-tát công-tử trở về nhà giúp đỡ mẹ cha. Đến khi mẹ cha qua đời, Đức-Bồ-tát công-tử Kuṇḍala được thừa hưởng tất cả của cải tài sản ấy.
Một hôm, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala suy xét thấy tất cả của cải tài sản lớn lao mà tổ tiên, ông bà, mẹ cha đã tích lũy trải qua nhiều đời kế tiếp. Đến khi chết, không có ai có thể mang theo được, nên Đức-Bồ-tát Kuṇḍala suy xét rằng:
“Cuộc đời của ta chắc chắn cũng sẽ là như vậy mà thôi. Vậy, ta nên đem tất cả của cải tài sản lớn lao này ra làm phước-thiện bố-thí đến cho những người nên bố-thí. Như vậy, ta sẽ được phước-thiện bố-thí thuộc về của riêng ta, rồi ta hồi hướng phước-thiện bố-thí ấy đến cho tổ tiên, ông bà, mẹ cha, bà con thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng-sinh. Khi họ hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí này, họ sẽ được thoát khỏi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.”
Suy nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala thực hiện ý định của mình, đem tất cả của cải tài sản làm phước-thiện bố-thí cho những người cần được sự bố-thí.
Sau đó, Đức-Bồ-tát Kuṇḍala bỏ nhà đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ trú trong rừng núi ấy. Hằng ngày, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn, nhỏ, hoặc các thứ củ, các loại rau rừng để nuôi mạng, thực-hành pháp-hành thiền-định.
Sau một thời gian dài trú trong rừng núi Himavanta, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala rời khỏi khu rừng núi ấy đi đến xóm làng để khất thực. Dần dà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đến vườn thượng uyển của vua Kalābu trú ngụ.
Một buổi sáng, khi đi vào kinh-thành Bārāṇasī để khất thực, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đứng trước ngôi nhà của vị quan Thừa-tướng của vua Kalābu.
Nhìn thấy tướng mạo oai nghi, đường hoàng, các môn được cẩn trọng thanh-tịnh của Ngài, vị Thừa-tướng liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, cung kính cúng dường những vật thực đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, trong thời gian Ngài còn trú trong vườn thượng uyển này, mỗi ngày chúng con kính thỉnh Ngài đến khất thực tại ngôi nhà của chúng con, để cho chúng con có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường các món vật thực đến Ngài.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala làm thinh nhận lời thỉnh mời ấy. Mỗi ngày, Ngài đi đến khất thực tại ngôi nhà vị quan Thừa-tướng ấy.
Một hôm, vua Kalābu đang say rượu, ngự đến du lãm vườn thượng uyển cùng với các quan quân theo hộ giá và đoàn vũ nữ ca hát theo sau. Đến vườn thượng uyển, vua Kalābu nằm trên tảng đá quý, đầu gối lên người của cô mỹ nữ yêu quý, rồi ngủ say. Nhóm vũ nữ ca hát bảo nhau rằng:
– Chúng ta nhảy múa, ca hát để cho Đức-vua xem và nghe. Bây giờ, Đức-vua đã ngủ say rồi, chúng ta ca hát nhảy múa có ích lợi gì đâu!
Nhóm vũ nữ ấy liền ngưng nhảy múa ca hát, dẫn nhau đi dạo chơi xem hoa quả trong vườn thượng uyển. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala đang trú dưới gốc cây Sāla đang mùa hoa nở. Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nhóm vũ nữ dẫn nhau đến đảnh lễ, kính thỉnh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thuyết pháp tế độ cho họ nghe, cho đến khi Đức-vua tỉnh giấc.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã thuyết pháp tế độ nhóm vũ nữ ấy.
Khi ấy, vua Kalābu nằm ngủ gối đầu trên mình cô vũ nữ, cô cựa mình làm cho Đức-vua tỉnh giấc, liền truyền hỏi rằng:
– Nhóm vũ nữ đi đâu cả rồi?
Cô mỹ nữ ấy tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, nhóm vũ nữ ấy đi nghe một vị đạo-sĩ thuyết pháp.
Nghe cô mỹ nữ yêu quý tâu như vậy, vua Kalābu giận dữ, nổi cơn thịnh nộ, cầm thanh gươm báu ngự đến, thì một cô vũ nữ xinh đẹp trong nhóm chạy đến đón rước Đức-vua, rồi xin nhận lấy thanh gươm báu ấy. Vua Kalābu ngự đến nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, truyền hỏi rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi thường thuyết pháp gì?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo thường thuyết pháp nhẫn-nại (khantivādī) và thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại.
– Này tên đạo-sĩ! Pháp nhẫn-nại ấy như thế nào.
– Tâu Đại-vương, pháp nhẫn-nại là pháp không sân, dù người ta chửi mắng mình, hăm dọa mình, đánh đập mình, v.v… mà mình vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh sân-tâm tức giận người ấy.
Vua Kalābu hằn học truyền bảo rằng:
– Lát nữa, ta sẽ thấy pháp nhẫn-nại của ngươi!
Vua Kalābu truyền gọi tên đao phủ chuyên chặt đầu kẻ trộm cướp đến. Tên đao phủ tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, kẻ hạ thần phải làm gì?
Vua Kalābu truyền lệnh rằng:
– Này đao phủ! Ngươi hãy xô ngã tên đạo-sĩ ác này nằm xuống đất, rồi lấy chiếc roi gai đánh 2.000 roi ở 4 nơi: đằng trước, đằng sau và hai bên hông cho ta.
Tuân theo lệnh của Đức-vua, tên đao phủ xô ngã Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nằm xuống đất, rồi đánh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ 2.000 roi ở 4 nơi. Dù bị đánh làm cho rách da, nát thịt, máu chảy ra khắp toàn thân như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn có đức nhẫn-nại chịu đựng một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm tức giận Đức-vua và tên đao phủ đánh đập mình.
Vua Kalābu truyền hỏi rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ôn tồn tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không phải ở chỗ da thịt, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không thể nào làm hại được đâu!
Vua Kalābu tức giận truyền lệnh rằng:
– Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai cánh tay của tên đạo-sĩ ác này!
Tuân theo lệnh của Đức-vua, tên đao phủ chặt hai cánh tay của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương hai cánh tay chảy ra lênh láng trên mặt đất. Dù bị chặt hai cánh tay như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh sân-tâm tức giận vua và tên đao phủ ấy.
Thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ như vậy, vua Kalābu càng thêm tức giận, truyền lệnh rằng:
– Này đao phủ! Ngươi hãy chặt hai chân của tên đạo-sĩ ác này!
Tuân theo lệnh của vua, tên đao phủ chặt hai chân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ lìa khỏi thân. Máu từ vết thương hai chân tuôn ra xối xả trên mặt đất. Dù bị chặt hai chân như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm tức giận vua và tên đao phủ.
Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhẫn-nại, từ tốn tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không ở trong hai cánh tay, hai chân mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không thể nào làm hại được đâu!
Nghe Đức-Bồ-tát tâu như vậy, vua Kalābu càng thêm nổi cơn tức giận truyền lệnh rằng:
– Này đao phủ! Ngươi hãy cắt hai tai, cắt mũi của tên đạo-sĩ ác này cho Trẫm.
Tuân theo lệnh của vua, tên đao phủ cắt hai tai, cắt mũi của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Dù bị cắt hai tai, cắt mũi nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vẫn nằm yên nhẫn-nại chịu đựng đau đớn một cách tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm tức giận vua và tên đao phủ ấy.
Vua Kalābu truyền hỏi tiếp rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi còn có pháp gì nữa không?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhẫn-nại chịu đựng, cố gắng từ tốn tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo cũng chỉ có pháp nhẫn-nại mà thôi. Bần đạo thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại của bần đạo không có trong hai lỗ tai, lỗ mũi, mà ở trong tâm của bần đạo. Đại-vương không có thể nào làm hại được đâu!
Vua Kalābu tức giận như điên, truyền lệnh tên đao phủ dựng Đức-Bồ-tát ngồi dậy, chính vua Kalābu đưa chân đạp mạnh vào ngực của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, làm cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngã ngửa ra sau, rồi vua Kalābu hậm hực bảo rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi nằm nơi đó mà tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại của ngươi!
Vua Kalābu tức giận bỏ đi. Sau khi vua Kalābu rời khỏi nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đang nằm, vị quan Thừa-tướng đến lấy tấm vải sạch lau sạch máu toàn thân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nhặt hai cánh tay, hai chân, hai lỗ tai và lỗ mũi lau sạch sẽ, rồi gói lại bằng tấm vải sạch, đỡ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ngồi dậy, rồi nâng Ngài đến nằm một nơi đáng tôn kính.
Quan Thừa-tướng đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi tha thiết khẩn khoản rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ cao thượng! Nếu Ngài có tức giận thì xin Ngài chỉ tức giận một mình vua Kalābu mà thôi, vì vua Kalābu là người truyền lệnh đánh Ngài, chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai và mũi của Ngài.
– Kính xin Ngài đạo-sĩ có tâm đại bi thương xót đến những người khác, xin Ngài đừng giận, để cho đất nước này tránh khỏi tai họa.
Nghe quan Thừa-tướng tha thiết khẩn khoản như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ ráng nhẫn-nại chịu đựng những cơn đau đớn, bình tĩnh, sáng suốt truyền bảo rằng:
– Thưa ân nhân thân mến! Tuy vua Kalābu đã truyền lệnh đánh bần đạo, chặt hai cánh tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của bần đạo, nhưng bần đạo có pháp nhẫn-nại, nên không hề phát sinh sân-tâm tức giận vua Kalābu và người hành hạ ấy.
Thật ra, bần đạo có pháp nhẫn-nại, nên không hề phát sinh sân-tâm tức giận bất cứ một ai cả. Xin ân nhân hãy an tâm.
Vua Kalābu bị đất rút
Khi ấy, vua Kalābu ngự đi một đoạn đường ngắn cách Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, thì mặt đất nứt ra, ngọn lửa phun lên, rút vua Kalābu vào sâu trong lòng đất.
Sau khi vua Kalābu băng hà, ác-nghiệp tàn nhẫn đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, phải chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi địa-ngục ấy trải qua nhiều đại-kiếp trái đất.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala cũng viên tịch ngay trong ngày hôm ấy, các quan trong triều đình của vua Kalābu, hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đem những vật thơm, hoa đến làm lễ cúng dường thi thể Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, rồi họ tổ chức lễ hỏa táng thi thể của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala một cách trọng thể.
Sau khi thuyết về tích Khantivādījātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ rằng:
“Acetanaṃ va koṭṭente,
tiṇhapharusunā mamaṃ.
Kāsisāje na kuppāmi,
esā me khantipārami.”
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
Dù vua Kalābu nước Kāsi đã truyền lệnh đánh đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai. Chặt hai tay, hai chân, cắt hai tai, cắt mũi của đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai. Bằng mã tấu sắc bén, như chặt vào khúc gỗ vô tâm. Đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai không hề phát sinh sân-tâm tức giận vua Kalābu. Đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Như-Lai.
Sau khi lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Khantivādījātaka, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Thế-Tôn như vậy, vị tỳ-khưu thường hay phát sinh sân-tâm, có tính hay nóng giận ấy chế ngự được sân-tâm, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, cho đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được sân-tâm không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Khantivādījātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Trong tích Khantivādījātaka này, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Khantivādījātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại.
– Vua Kalābu nước Kāsi, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.
– Vị quan Thừa-tướng của vua Kalābu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
10 pháp-hạnh ba-la-mật
Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thời thành tựu như sau:
– Đức-Bồ-tát Kuṇḍala đem tất cả của cải tài sản làm phước-thiện bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ giới ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala từ bỏ nhà cửa đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala giữ gìn lời nói chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala nói lời phát nguyện không lay chuyển, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có tâm-từ, không phát sinh sân-tâm đến tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng.
Nhận xét về tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng (khantiparamattha-pāramī).
Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).
Pháp-hành nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở đồng sinh trong đại-thiện-tâm, mỗi khi tiếp xúc những đối tượng bất bình một cách bất ngờ, Đức-Bồ-tát vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sáng một cách tự nhiên.
Người nào thường tiếp xúc với những đối tượng xấu xảy ra một cách bất ngờ dễ làm cho sân-tâm phát sinh làm người ấy khổ tâm.
Đối với chư Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật với đại-thiện-tâm vô-sân có tâm-từ, cho nên dù tiếp xúc những đối-tượng bất bình xảy đến làm cho khổ thân như thế nào, Đức-Bồ-tát vẫn không hề phát sinh sân-tâm trong các đối-tượng ấy, vẫn giữ gìn đại-thiện-tâm trong sáng nhẫn-nại chịu đựng mọi nỗi khổ thân một cách tự nhiên, để thành tựu pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
Thật ra, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật là pháp-hạnh khó có cơ hội thực-hành, bởi vì những trường hợp bất ngờ này xảy đến, nên Đức-Bồ-tát hoàn toàn bị động. Cho nên, Đức-Bồ-tát có trí-tuệ sáng suốt suy xét rằng:
“Đây là cơ hội tốt hiếm có giúp cho ta thực-hành pháp nhẫn-nại đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, không thể thiếu được.”
Vì vậy, Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật với đại-thiện-tâm vô-sân có tâm-từ trong sáng, nên sân-tâm không phát sinh trong các đối xấu ấy, để cho thành tựu được pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật của mình.
Ngoài pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật ra, còn lại 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác như là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật, chư Đức-Bồ-tát hoàn toàn chủ động tự lựa chọn thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật nào theo khả năng của mình, thì cố gắng thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật ấy được thành tựu như ý muốn của mình.
Như trường hợp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala gặp vua Kalābu một cách bất ngờ và hoàn toàn bị động. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thường đề cao pháp-hạnh nhẫn-nại, nên khi vua Kalābu truyền hỏi Đức-Bồ-tát rằng:
– Này tên đạo-sĩ! Ngươi thường thuyết pháp gì?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, bần đạo thường thuyết pháp nhẫn-nại (khantivādī) và thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại.
Vua Kalābu vốn đã kết oan trái với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ từ tiền-kiếp quá-khứ xa xưa. Vì vậy, khi gặp lại nhau trong kiếp hiện-tại này, nên vua Kalābu trả thù ngay.
Còn đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kuṇḍala không có oan trái với mọi người, nên đó là cơ hội tốt hiếm có, để thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc thượng, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, để mong sớm trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.
– Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác cần phải tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ, bồi bổ đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, để làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
– Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-giác cần phải thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ và bậc trung, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cho đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật, để làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là chư Đức-Phật Độc-Giác.
– Đối với Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bậc hạ, bậc trung và bậc thượng, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để làm nhân-duyên hỗ trợ pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
Pháp-hành thiền-định hỗ trợ pháp nhẫn-nại
Pháp nhẫn-nại được phát sinh do nương nhờ pháp-hành thiền-định đề-mục niệm rải tâm-từ.
Hành-giả hằng ngày đêm nên thực-hành đề-mục niệm rải tâm-từ.
Mettā: Tâm-từ có chi-pháp là adosa cetasika: vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng là piyamanāpasattapaññatti: chúng-sinh đáng yêu đáng mến, mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả mọi chúng-sinh.
Thật ra, Đức-Phật dạy rằng:
“Natthi attasamaṃ pemaṃ.”
Không có tâm-từ yêu thương người khác bằng thương yêu chính ta. Nghĩa là mỗi người đều thương yêu chính mình hơn thương yêu tất cả mọi người khác, mọi chúng-sinh khác.
Cho nên, để có tâm-từ, hành-giả thực-hành đề-mục niệm rải tâm-từ cho chính mình trước tiên, có 4 pháp niệm rải tâm-từ như sau:
1- Ahaṃ avero homi: Xin cho tôi không có oan trái với tất cả mọi người, mọi chúng-sinh.
2- Ahaṃ abyāpajjo homi: Xin cho tôi không có khổ tâm sầu não.
3- Ahaṃ anīgho homi: Xin cho tôi không có khổ thân.
4- Ahaṃ sukhī attānaṃ pariharāmi: Xin cho tôi giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.
Khi hành-giả thực hành đề-mục niệm rải tâm-từ cho chính mình, phát sinh tâm-từ nơi chính mình rồi, mới tiếp theo thực-hành đề-mục niệm rải tâm-từ đến tất cả mọi chúng-sinh. Có 4 pháp niệm rải tâm-từ như sau:
1- Sabbe sattā averā hontu: Xin cho tất cả chúng-sinh không có oan trái lẫn nhau.
2- Sabbe sattā abyāpajjā hontu: Xin cho tất cả chúng-sinh không có khổ tâm sầu não.
3- Sabbe sattā anīghā hontu: Xin cho tất cả chúng-sinh không có khổ thân.
4- Sabbe sattā sukhī attānaṃ pariharantu: Xin cho tất cả chúng-sinh giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.
Khi hành-giả có tâm-từ thương yêu chính mình thật sự, không oan trái với tất cả mọi người, mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho mình, cũng đồng thời có tâm-từ thương yêu đến tất cả mọi chúng-sinh, xin cho tất cả chúng-sinh không oan trái lẫn nhau, mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả mọi chúng-sinh.
Cho nên, chính ta là đối-tượng của tâm-từ trước tiên, ta là người đáng yêu đáng mến, ta không có oan trái với mọi người, mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho ta trước tiên, rồi mới có tâm-từ đối với tất cả mọi chúng-sinh sau. Ta có tâm-từ vô-sân thương yêu ta, không tự làm khổ ta, đó là ta có pháp nhẫn-nại không tự làm khổ ta, không làm khổ mọi người.
Người không có tâm-từ đối với mình, không thương yêu mình, nên tự làm khổ mình trước, rồi mới làm khổ mọi người khác sau, đó là người không có pháp nhẫn-nại, có sân-tâm tự làm khổ mình trước, làm khổ mọi người khác sau.
Cho nên, hành-giả có tâm-từ vô-sân thương yêu mình, không tự làm khổ mình, hỗ trợ cho pháp nhẫn-nại vô-sân không tự làm khổ mình, không làm khổ mọi người.
Vấn: Tâm-từ với pháp nhẫn-nại khác nhau như thế nào?
Đáp: Tâm-từ có chi-pháp là vô-sân tâm-sở thuộc về đề-mục thiền-định niệm rải tâm-từ nên có đối-tượng thiền-định nhất định là chúng-sinh đáng yêu đáng mến. Hành-giả thực-hành đề-mục niệm rải tâm-từ có đối-tượng chúng-sinh đáng yêu đáng mến có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm.
Pháp nhẫn-nại cũng có chi-pháp là vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm bị động gặp đối-tượng xấu như người nào đến vu oan giá họa, chửi rủa, mắng nhiếc, đánh đập hành hạ, v.v… mà người có pháp nhẫn-nại vô-sân, có tâm-từ nhẫn-nại chịu đựng tự nhiên, không hề phát sinh sân-tâm đối với người ấy, để thực-hành pháp nhẫn-nại, hoặc để thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
Tuy nhiên, trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật có pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật mà chư Đức-Bồ-tát cần phải thực-hành để hỗ trợ pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật bổ sung vào cho đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật để hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, chư Đức-Bồ-tát cần phải thực-hành pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.