Chương I: Giáo Pháp và Giới Luật

Trong thời kỳ Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật còn tồn tại, tất cả chư Tăng Ni và Cư Sĩ nên tu tập Giáo Pháp và nghiêm trì Giới Luật của Đức Phật, để xứng đáng là người Phật tử đúng nghĩa với phẩm hạnh vẹn toàn, cũng như hưởng được lợi lạc từ sự thực hành Giáo Pháp. Do vậy, Sư đến đây để giúp các bạn thực hiện mục đích này. Sư rất hoan hỉ giúp những ai yêu thích và muốn tu tập Giáo Pháp, giống như giúp người khát được uống, người đói được ăn. Không phải ai cũng yêu thích Giáo Pháp như các bạn. Vì thế, Sư đến đây với nhiệm vụ giúp các bạn tu tập để đạt kết quả tốt đẹp.

Theo nghĩa ngắn gọn, Giáo Pháp, Dhamma, có nghĩa là sự chỉ dạy, sự hướng dẫn, và Giới Luật, Vinaya, là kỷ luật tu tập theo đúng Giáo Pháp để có kết quả tốt. Bạn tu tập để có được khả năng tinh cần chánh niệm vào những gì đang sinh khởi trong bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm và pháp, và biết cách vận dụng tinh tấn để hướng tâm đến đề mục một cách chính xác. Tu tập như vậy là bạn thực hành thiền Minh Sát, có nghĩa bạn thực hành Giáo Pháp.

Thiền Minh Sát đem lại 7 lợi lạc: (1) thanh lọc tâm trong sạch, (2) chấm dứt lo âu phiền muộn, (3) chấm dứt uất ức than khóc, (4) diệt khổ thân, (5) diệt khổ tâm, (6) thành tựu thánh đạo, và (7) chứng đạt Niết Bàn.

Muốn thực hành Giáo Pháp để được các lợi lạc này cần phải có kỷ luật. Chư Tăng phải giữ theo Luật Giới Bổn, cư sĩ phải giữ Ngũ Giới hay Bát Quan Trai Giới. Giữ gìn như vậy có nghĩa bạn nghiêm trì Giới Luật.

Muốn chỉ dẫn người khác cần phải có cả hai tâm từ và trí tuệ. Đức Phật có cả bai tâm Đại Từ và Trí Tuệ Toàn Giác. Nếu chỉ dẫn sai, sẽ làm cho người thực hành có hành vi thân khẩu sai trái, thân tâm sẽ bị khổ. Với tâm Đại Bi, Đức Phật chỉ dẫn chúng ta phải biết thu thúc những gì cần thu thúc và giữ gìn những gì cần phải giữ gìn. Nếu tu tập theo đúng sự chỉ dẫn, sẽ dẫn đến kết quả là hành vi và lời nói trở nên tốt đẹp, và thân tâm được an vui. Đó chính là Giáo Pháp và Giới luật.

Thực hành đúng có nghĩa đi được đúng đường. Muốn thực hành đúng theo sự hướng dẫn, bạn cần phải tuân theo các qui tắc cần thiết do người hướng dẫn yêu cầu. Bạn phải hiểu rõ ràng các qui tắc để thực hành có kết

quả tốt. Sự hướng dẫn ở đây là Giáo Pháp, và qui tắc cần thiết phải tôn trọng chính là Giới luật. Giống như khi lái xe, cần phải thông hiểu luật giao thông, nếu không sẽ gặp tai nạn. Do vậy, nếu giữ đúng giới luật tu tập theo đúng đường hướng chỉ dẫn, sẽ không tạo lỗi lầm qua thân khẩu. Nhờ chính cá nhân không làm điều sai trái qua thân khẩu, nên người chung quanh không bị đau khô. Điều quan trọng là chính mình không làm điều sai trái và tránh làm điều sai trái. Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật, hay Phật Pháp nói chung, Buddha Sasāna, giúp cho bạn thành đạt thân khẩu ý trong sạch. Nhờ vậy, bạn tự bảo vệ mình, nên bạn bảo vệ cho người khác. Đây là căn bản của sự tu tập Giáo Pháp và Giới Luật.

Các bạn cần phải phát triển tâm từ, có ý mong muốn cho mọi người được an vui hạnh phúc. Bạn không muốn người khác đau khổ vì lỗi lầm của họ. Vì thế, bạn có sự nhẫn nhục, tha thứ. Thà bạn chịu đựng đau khổ nhưng bạn không làm người khác đau khổ. Đây chính là sự thể hiện của tâm bi. Do đó, tâm từ và tâm bi rất quan trọng. Một khi phát triển được tâm từ, sẽ phát triển được tâm bi. Vì không muốn người khác đau khổ, nên bạn không làm điều sai trái. Như vậy, bảo vệ cho người khác là bạn bảo vệ cho chính mình theo tinh thần “param rakkhanto attānam rakkhati”, ngược lại với “bảo vệ cho chính mình là bảo vệ cho người khác”. Đây cũng là căn bản của sự tu tập Giáo Pháp và Giới Luật.

Tu tập theo Giáo Pháp và Giới Luật không phải là ích kỷ chỉ biết cho riêng mình. Ngược lại, bạn làm được hai điều: (1) bạn tự bảo vệ mình nên bảo vệ cho người khác, và (2) bạn bảo vệ cho người khác nên bạn tự bảo vệ mình. Do đó bằng sự tu tập, bạn tạo được hai điều lợi lạc. Đây là điều rất dễ hiểu, không tốn kém, không khó khăn, không mệt nhọc chi cả. Thực hành Giáo Pháp theo lối này, phẩm hạnh cuộc đời bạn sẽ được nâng cao. Bạn tự giữ gìn không làm điều sai trái. Nếu giữ không làm điều sai trái, sẽ giúp bạn hưởng được lợi lạc của sự tu tập. Theo ý nghĩa này thì Giáo Pháp và Giới Luật không phải là hai sự thực hành riêng biệt. Cả hai được thực hành chung với nhau.

Giáo Pháp và Giới Luật bạn thực hành ở đây không phải từ sự nghe suông, hay biết qua sách vở, mà là do người bạn đạo, kalyāna-mitta, hướng dẫn cả hai mặt lý thuyết và thực hành theo như những gì Đức Phật chỉ dạy. Bắt đầu từ nghe sự chỉ dẫn và hiểu cách thực hành cho đúng, tiếp theo là chính cá nhân thực hành thật sự. Đây là hai điều kiện bắt buộc của sự tu tập. Phần hướng dẫn cách thực hành sẽ được nói vào đêm nay, sau đó chính bạn thực hành. Nếu chỉ nghe hướng dẫn mà không thực hành, bạn sẽ chẳng được lợi lạc chi. Giống như bạn có xe sẵn sàng, nhưng bạn không mở máy, không lái xe, bạn sẽ không đi đến đâu. Cũng vậy, nếu chỉ nghe suông mà không thực hành sẽ không cho bạn hưởng được lợi lạc. Do đó, muốn hưởng được lợi lạc, bạn cần phải làm trọn vẹn cả hai: hiểu và hành. Nếu đi theo đúng đường, bạn sẽ đến nơi an toàn. Nếu không thực hành đúng, sẽ không đạt kết quả đúng. Hoài nghi, mơ mộng, sẽ không cho bạn lợi lạc. Nếu thực hành bằng đức tin, tin tưởng vào sự hướng dẫn, tin vào pháp hành, bạn sẽ thực chứng Giáo Pháp, hưởng được lợi lạc. Nếu tu tập đúng cách, thân khẩu ý sẽ được cải thiện đúng đắn, đem lại lợi ích cho chính bạn. Sự tu tập của bạn trở nên vững chải. Nhờ vậy, bạn làm cho Giáo Pháp và Giới Luật được sống mãi, và như thế, bạn làm cho Đức Phật cũng được sống mãi.

Có thể bạn không có trở ngại trong đức tin nơi Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật, tuy nhiên có những thiền sinh khác gặp trở ngại trong đức tin. Họ hoài nghi, phân vân, do vậy không đến được đúng nơi, vì không theo đúng đường. Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật không dành cho người hay tưởng tượng hoặc hay mơ mộng.

Một khi hiểu được tinh túy của Giáo Pháp và Giới Luật cùng các lợi lạc mang lại như đã nói qua, bạn sẽ có đức tin, bạn chấp nhận, và thực hành với tất cả nhiệt tình. Tiếp tục thực hành với nhiệt tình sẽ làm tăng trưởng đức tin ngày thêm mạnh mẽ. Thực hành với tinh thần như vậy, Sư bảo đảm bạn sẽ hưởng được lợi lạc. Bạn tu sửa thân khẩu ý, bạn phát triển được tuệ minh sát đúng theo yêu cầu. Thực hành với kết quả như vậy, bạn sẽ không còn phân biệt Giáo Pháp, Giới Luật, và người thầy hướng dẫn, như là ba thực thể riêng biệt, trái lại chỉ có sự hợp nhất của cả ba, không còn phân biệt riêng rẽ. Sự hợp nhất Giáo Pháp, Giới Luật và người thầy hướng dẫn không phải là điều suy luận riêng từ cá nhân, nhưng điều này đã được nói đến trong bài kinh Đại Niết Bàn, thuộc Trường Bộ Kinh Khi thấy Đại Đức A Nan không giữ được sự xúc động trước sự sắp sửa ra đi của Đức Phật, Ngài khuyên vị này như sau: “Này A Nan, Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai đã truyền lại trong suốt 45 năm qua bằng tâm Đại Từ Đại Bi và Trí Tuệ Toàn Giác, sẽ trở thành thầy dạy của con sau khi Như Lai nhập diệt.”

Do đó, trách nhiệm của các bạn là đi đúng đường, hành đúng theo Giáo Pháp và Giới Luật, không sửa đổi hay thêm bớt, hành theo sự hướng dẫn của thiền sư, và tôn trọng các kỷ luật cần thiết cho sự tu tập. Với đức tin nơi Đức Phật, bạn sẽ có nhiệt tình trong sự tu tập, nhờ nhiệt tình, bạn nỗ lực chánh niệm kịp thời các hiện tượng sinh khởi, nhờ vậy bạn bảo vệ tâm không bị phiền não xâm nhập. Kết quả là bạn tu sửa thân khẩu ý trong sạch. Nếu bạn thực hành với đức tin và sự kính trọng, bạn sẽ chứng nghiệm Giáo Pháp trong vài ngày. Thấy Giáo Pháp là bạn thấy Đức Phật. Nhờ thấy Giáo Pháp, nên bạn tin có đức Phật thực sự, tin rằng quả thật có vị Phật ra đời ở Ấn Độ hơn 2500 về trước, với Giáo Pháp và Giới Luật của Ngài còn tồn tại, và bây giờ chính bạn thực chứng được Giáo Pháp của Ngài.

Bằng tâm từ, bạn bắt đầu tu tập, bạn theo Giáo Pháp và Giới Luật, từ căn bản là sự giữ giới, bạn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ theo như được chỉ dẫn. Nhờ vậy, bạn làm cho Giáo Pháp và Giới Luật cùng Đức Phật sống lại trong tâm mình. Cầu mong trong suốt khóa thiền ba tuần này. bằng sự tự tin nơi mình và bằng đức tin vào Giáo Pháp sẽ giúp bạn tu tập thành công.

-ooOoo-

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app