Pháp môn chỉ mặc tam y – tecivarikaṅga
Cách thọ trì về sự chỉ mặc tam y mà thôi, có 2 cách: 1) catutthaka cīvaraṃ patikkhipāmi: tôi xin nguyện thọ trì không dùng đến tứ y để mặc; 2) tecīvarikaṅgam samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà chỉ mặc tam y mà thôi (trong 2 cách này chỉ nguyện một cách nào cũng được).
Về thầy tỳ khưu, kể từ khi đã nguyện, nếu được vải định để may y ngoài ra tam y của mình đã có, nhưng mà vì một trường hợp nào như trong người không được khỏe, lo sắp đặt cách may chưa kịp, hoặc thiếu kim, chỉ thì được phép cất giữ y ấy hoài không có lỗi về sự gìn giữ lá y thứ tư đó, nhưng mà kể từ khi đã nhuộm y ấy xong rồi mà còn cất giữ nữa thì gọi là “đại bợm” của pháp môn đầu đà ấy.
Về pháp môn này cũng có 3 bực. Bực thượng khi nhuộm y phải nhuộm y uất-đà-la-tăng trước hay an-đà-hội trước cũng được, nhưng chỉ nhuộm thứ nào 1 cái, còn 1 cái để mặc chớ không nên lấy y tăng-già-lê (2 lớp) mà vận, đây là nói về phần tỳ khưu ở nơi gần chùa, gần xóm, nếu tỳ khưu ở nơi rừng vắng nhuộm hết 1 lần cũng được, nhưng phải ngồi gần chỗ phơi y, phòng khi có người nào đi đến thì có thể lấy 1 lá y nào mặc vào cho kịp. Còn bực trung thì, nếu trong chỗ nhuộm có y casa để dùng xài trong khi nhuộm y, có thể lấy y ấy mặc đỡ để nhuộm y của mình. Bực hạ thì, có thể mặc y của thầy tỳ khưu khác để nhuộm y của mình cũng được hoặc lấy vải trải nằm của mình, của chư tăng hay của người nào đã nhuộm đúng màu casa dùng để trải xài trong chỗ ở mà mặc cũng được, nhưng chỉ mặc được trong khi nhuộm y mà thôi chớ không được gìn giữ để mặc luôn hoài. Trong 3 bực này có thể thêm 1 lá y aṅsaka: y nhỏ mang bên trong để lót mồ hôi, nhưng mà y aṅsaka ấy phải theo khuôn khổ nhứt định là: bề ngang 1 gang = 0m25, bề dài 3 hắc tay = 1m50 chưa xấp đôi lại. Pháp môn thọ trì tam y này sẽ dứt, không còn nữa khi nào tỳ khưu vui thích thọ lãnh và dùng xài tứ y luôn cả trong 3 bực.
Quả báo của sự thọ trì tam y có 11 là: 1) santuṭṭho: được tiếng là người có sự tri túc trong sự dùng xài y phục vừa để che thân; 2) samādāyevagamanaṃ: đi đâu cũng chỉ đem theo có 3 y như loài phi cầm đi đâu cũng chỉ có mang theo cặp cánh; 3) appasamārambhatā: tư cách người ít có sự bận rộn vì khỏi phải lo xếp phơi y dư; 4) vatthasannidhiparivajjanaṃ: dứt bỏ sự ưa thâu nhập tom góp y để cất giữ; 5) sallahuka vuttitā: tư cách người thực hành nhẹ nhàng; 6) atireka cīvara loluppappahānaṃ: tư cách dứt bỏ sự tham muốn quá độ, về sự phát sanh lên y mới; 7) kappayemattakāritā: tư cách người có tiết độ trong các thứ y nên dùng; 8) sallekhavuttitā: tư cách người thực hành làm cho phiền não nhẹ bớt dần; 9) appicchatādīnaṃ phalanipphatti: thành tựu được quả báo của đức tánh tri túc; 10) sammāpaṭipattiyānubrūhanaṃ: làm cho phát triển sự thực hành theo chánh pháp; 11) pacchimāya janatāya diṭṭhānugati: tư cách người làm gương lành cho đoàn hậu tấn noi theo.
Hậu kệ ngôn trong sự thọ trì tam y: “Atirekavattha taṇhaṃ pahāya sannidhivivajjito dheto santusa sukharasaññū ticīvaradharo bhavati yogī tasmā sapattacaraṇo pakkhīva sacīvarova yogivaro sukhamanuvicarītukāmo cīvaraniyame ratiṃ kayitā”.
Giải: Hành giả là bực có trí tuệ, biết rõ hương vị của sự an vui phát sanh do nơi tri túc, người hằng dứt bỏ sự ham muốn được y phục nhiều hơn tam y, người đã xa lìa sự tom góp thâu nạp thêm y phục, người chỉ mặc tam y mà thôi, bởi vậy trong Phật Pháp, bực hành giả cao thượng, khi muốn đi đâu cũng được sự an vui thì nên chỉ có tam y dính theo mình, ví như loài phi cầm đi đâu cũng chỉ có đem theo cặp cánh mà thôi. Như vậy tỳ khưu nên vui thích tam y trong sự nhứt định.