PHÁP ĐẦU ĐÀ (Dhutaṅgakathā)
Đầu đà là tiếng phiên âm ra từ Nam phạn (Pāli) do nơi chữ Dhuta: có nghĩa là thiêu đốt ái dục và phiền não và chữ anga: có nghĩa là phần pháp hay pháp môn để thực hành, 2 chữ này ráp vần lại thành ra Dhuta_anga: dhutanga mà tiếng này người mình đọc trái lại là đầu đà hay là “tà đông”, có nghĩa là phần pháp thực hành để thiêu đốt ái dục và phiền não.
Đặc tính pháp đầu đà có 4 là: appicchatā: tiết độ, tư cách của người không ham muốn hay là ít tham muốn; santuṭṭhitā: tri túc, tư cách của người chỉ vui thích vật đã được, đã có dầu xấu dầu tốt không mong muốn cái khác; sallekhatā: trau dồi, tư cách người cố gắng dồi mài dứt bỏ phiền não cho nhẹ bớt; pavivekatā: yên tịnh, tư cách người làm cho tâm được yên tịnh vắng lặng. Bốn điều trên đây là đặc tính để đo lường của người hành pháp đầu đà có đúng theo những đức tánh ấy không.
Hơn nữa, đầu đà cũng là pháp môn thực hành để dứt bỏ hay diệt trừ các pháp nghịch là phiền não do nơi tác ý thụ trì các pháp môn ấy.
Đầu đà có 13 pháp môn là: paṃsukūlikaṅga: pháp môn này của thầy tỳ khưu lượm vải nhơ nhớp của người bỏ may y để mặc; tecīvarikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu chỉ cần có tam y mà thôi (tăng-già-lê, uất-đà-la-tăng, an-đà-hội); piṇḍapātikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện phải đi khất thực; sapadānacarikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện đi khất thực theo mỗi nhà hay mỗi xóm; ekāsanikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện thọ thực trong một chỗ ngồi (là chỉ thọ thực 1 lần trong 1 ngày); pattapiṇḍikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện chỉ thọ thực trong bát[1]; khalupacchābhattikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện không thọ thực nữa, khi có thí chủ cúng dâng vật thực mà mình đã ngăn cản không thọ lãnh (trong buổi sáng ấy); araññikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện luôn luôn cư ngụ trong rừng; rukkhamūlikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở dưới cội cây; abbhokāsikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở nơi đồng trống (không phải nơi che lợp hay bóng cây); sosānikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở nơi rừng mả mồ hay chỗ người bỏ hoặc thiêu đốt tử thi; yathāsanthatikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện chỉ ở nơi nào mà chư tăng chỉ định cho, không xin thay đổi nơi khác; nesajjikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện không nằm, chỉ dùng đến 3 oai nghi khác mà thôi.
Vậy chớ 13 pháp môn đầu đà này có đặc tính như thế nào? Có phận sự như thế nào? Có quả báo cho thấy rõ như thế nào? Nguyên nhân nào nâng đỡ cho được phát triển lên?
Giải rằng: 13 pháp môn đầu đà này do tác ý thọ trì có đặc tính, có tánh cách dứt bỏ sự tham muốn quá độ là phận sự, có tánh cách ít ham muốn nhất là tri túc là quả báo, có giới hạn trong sạch, là nguyên nhân nâng đỡ cho được phát triển lên thêm.
[1] Bát chỗ này có nghĩa là chén, dĩa, hoặc vật dụng nào khác cũng đều gọi là bát cả.