Phần II – Mười sáu tiêu đề.
Tiêu đề 1.
a- Trí biết rõ bất thiện và gốc rễ của bất thiện
b- Trí biết rõ thiện và gốc rễ của thiện.
Chánh kinh.
“Chư Hiền, thế nào là bất thiện? Thế nào là gốc rễ bất thiện (katamaṃ akusalaṃ mūlaṃ). Thế nào là thiện? Thế nào là gốc rễ thiện?”
Chư Hiền, sát sanh là bất thiện (pāṇātipāto akusalaṃ), lấy của không cho là bất thiện (adinnādānaṃ akusalaṃ), làm sái quấy trong dục là bất thiện (kāmesu micchācāro akusalaṃ), nói dối là bất thiện (musāvādo akusalaṃ), nói hai lưỡi là bất thiện (pisuṇā vācā akusalaṃ), nói ác là bất thiện (pharusā vācā akusalaṃ), nói vô ích là bất thiện (samphappalāpo akusalaṃ), tham đắm là bất thiện (abhijjhā akusalaṃ), sân độc là bất thiện (byāpādo akusalaṃ), tà kiến là bất thiện (micchādiṭṭhi akusalaṃ).
Và chư Hiền, thế nào là căn bản (mūla) bất thiện? Tham (lobha) là căn bản bất thiện, sân (doso) là căn bản bất thiện, si (moho) là căn bản bất thiện. Chư Hiền, như vậy là căn bản bất thiện.
Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện (pāṇātipātā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ lấy của không cho là thiện ( adinnādānā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ tà hạnh trong dục lạc là thiện (kāmesu micchācārā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói dối là thiện (musāvādā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói hai lưỡi là thiện (pisunāya vācāya veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói ác là thiện (pharusāya vācāya veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói vô ích là thiện (samphappalāpā veramaṇī kusalaṃ), không tham đắm là thiện (anabhijjhā kusalaṃ), không hiềm hận là thiện (abyāpādo kusalaṃ), có chánh kiến là thiện (sammādiṭṭhi kusalaṃ). Chư Hiền, như vậy gọi là thiện.
Chư Hiền, thế nào là căn bản của thiện:Vô tham (alobha) là căn bản thiện, vô sân (adosa) là căn bản thiện, vô si (amoha) là căn bản thiện.
Chư Hiền, khi nào vị Thánh đệ tử biết bất thiện như vậy, biết căn bản bất thiện như vậy, biết thiện như vậy, biết căn bản thiện như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên (rāgānusayaṃ pahāya), tẩy sạch sân tùy miên (paṭighānusaya), nhổ tận gốc ngã- hữu, kiến – mạn tùy miên (paṭivinodetvā asmīti diṭṭhimānānusayaṃ samūhanitvā), đoạn trừ vô minh (avijjhā pahāya), khiến minh sinh khởi (vijjā uppādetvā), diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại…”
Giải:
A- Trí hiểu rõ bất thiện và căn bản bất thiện.
Chữ bất thiện (akusala) ở đây, bao gồm cả ác giới lẫn ác nghiệp.
Kinh văn ghi rằng: “Pāṇātipāto akusalaṃ: sát sanh là bất thiện. Adinnādānaṃ akusalaṃ: lấy của không cho là bất thiện …”.
Rõ ràng, bất thiện ở đây chỉ cho ác giới lẫn ác nghiệp.
Một người dùng thân với ý sát hại chúng sinh khác, người này đã vi phạm vào giới sát lẫn ý nghiệp sát.
Nếu chúng sinh ấy chết, người này đứt giới sát sanh và tạo nghiệp sát sanh, nếu chúng sinh ấy chưa chết (hay không chết), giới sát sinh tuy chưa đứt (hay không đứt) nhưng nghiệp sát sinh đã có.
Đức Phật có dạy:
“Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi:
Này các Tỳkhưu, Ta nói sự cố ý (cetanā) là nghiệp”.
Mặt khác, bất thiện khi được mở rộng ý nghĩa thì: Tuy không có ý sát hại nhưng hành hạ chúng sinh khác, hành động này là bất thiện, bất thiện tăng trưởng trở thành ác.
Trong Tạng Luật có ghi:
Trong cuộc tranh chấp của nhóm Tỳkhưu Lục Sư và nhóm Tỳkhưu Thập thất sư, nhóm Tỳkhưu Lục Sư đông hơn đã dùng gậy gộc đe dọa nhóm Tỳkhưu Thập thất sư, khiến các vị ấy kinh hoàng kêu khóc.
Nhân cớ ấy, Đức Phật chế định học giới: “Vị Tỳkhưu đánh vị khác phạm ưng đối trị (pacittiya)”, rồi Ngài dạy kệ ngôn:
“Sabbe tasanti daṇḍassa. Sabbe bhāyanti maccuno
Attānaṃ upamaṃ katvā. Na haneyya na ghātaye.
“Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều sợ chết. Hãy lấy ta suy ra người. Không nên giết cũng không xúi giết.[1]
Rõ ràng chư Tỳkhưu Lục sư không có ý sát hại bậc đồng phạm hạnh, chỉ đe dọa cho sợ thôi, nhưng đó cũng là bất thiện rồi.
A– Thân bất thiện có ba: Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc.
1– Giải về sát sinh – Pāṇātipāta.
a- Theo từ ngữ.
Pāṇātipāta = pāṇa + atipāta.
Pāṇa là “đời sống, chúng sinh”, atipāta xuất phát từ động từ atipāteti nghĩa là “sát hại, giết chết”.
Chữ pāṇa theo nghĩa thường dùng là “chúng sinh có mạng sống”.
Pāṇātipāta là “hủy diệt sự sống (của) chúng sinh khác”.
Gọi là “chúng sinh có mạng sống” vì có sắc mạng quyền (jīvitarūpa) hay danh mạng quyền (jīvitanāma).
Ở cõi Vô sắc chỉ có danh mạng quyền, cõi Vô tưởng (asaññībhūmi) chỉ có sắc mạng quyền, cõi năm uẩn (cõi Dục giới và cõi Sắc giới hữu tâm) thì có đủ hai loại mạng quyền.
Do đó, người Vô tưởng, người Vô sắc cũng được gọi là chúng sinh.
Như vậy, theo chế định thì pāṇa chỉ cho chúng sinh, còn theo chơn đế (paramatthasacca) thì pāṇa chỉ cho danh – sắc mạng quyền.
Trong phạm vi kinh này, pāṇa chỉ cho cả hai loại mạng quyền hiện hữu từ cõi Tứ Đại vương trở xuống, từ cõi Tứ đại vương trở lên sự sát hại chúng sinh không hề có.
Những dạ xoa là đồ chúng của Tứ đại vương, tuy chúng sát hại những sinh vật khác nhưng đó là do chúng nương sống ở địa cầu, như dạ xoa Āḷāvaka chẳng hạn. Hoặc có những thiên nhân sát hại chúng sinh khác, đó cũng là những chư thiên địa cầu.
Một Tỳkhưu ở thành Āḷavī muốn cất một liêu thất cho mình, thấy một thân cây thích hợp, nên đốn cây ấy.
Cây này là nơi trú của một nữ thần cây (rukkhadevī), bà hiện ra năn nỉ vị Tỳkhưu đừng phá nơi ngụ của mình, vị Tỳkhưu cương quyết đốn cây.
Nữ thiên nhân suy nghĩ: “Nếu Ngài thấy con ta, chắc mở lòng thương xót, sẽ không đốn cây này”.
Bà đặt đứa bé (là con bà) lên nhánh cây mà vị Tỳkhưu đang đốn, vị Tỳkhưu ngừng tay rìu không kịp, đã chặt đứt cánh tay đứa bé.
Nữ thiên nhân nỗi giận vươn đôi tay định vặn chết vị Tỳkhưu, nhưng bà chợt nghĩ: “Vị Tỳkhưu này là bậc hiền thiện, nếu ta giết vị ấy ta sẽ rơi xuống địa ngục, hơn nữa, các vị thần cây khác sẽ theo gương ta, giết các vị Samôn khi bị phá hoại trú xứ. Vị Tỳkhưu này có thầy, ta sẽ trình lên thầy của vị ấy”.
Rồi vừa đi vừa khóc, bà đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, trình bạch lên Ngài câu truyện trên, Đức Phật khen ngợi nữ thiên nhân rằng:
– Lành thay, lành thay! Ngươi đã hành xử rất tốt khi kềm hãm cơn giận, như người đánh xe thiện xảo kềm hãm được chiếc xe đang lao nhanh.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn:
Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ. Rathaṃ bhantaṃ’va dhāraye
Taṃ ahaṃ sārathiṃ brūmi. Rasmiggaho itaro jano.
“Ai chận được phẫn nộ. Như dừng xe đang lăn.
Ta gọi người đánh xe. Kẻ khác cầm cương hờ.” [2]
Nghe xong kệ ngôn, nữ thiên nhân chứng quả Dự lưu, và Đức Phật ban cho bà chỗ ngụ là cây đại thọ ở trước cỗng Jetavihāra (Kỳviên tinh xá).
Cũng do nhân việc này, Đức Đạo sư chế định học giới: “Vị Tỳkhưu không được đốn cây, vị nào đốn cây phạm vào ưng đối trị”.
Thế thì cuộc chiến giữa Asura (Atula) và chư thiên cõi Ba mươi ba ra sao?. Có sự sát hại nhau không?.
Tuy giữa chư thiên cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) và Asura có những trận chiến diễn ra. Nhưng “cuộc chiến ở cõi trời không có chết chóc và đau đớn thương vong, tương tự như hình nộm đấu với hình nộm.
Nếu bên nào chống cự không lại vì ít quân hơn, liền bỏ chạy trở vào thành đóng cửa lại, bên chiến thắng đành phải rút về, vì không thể nào phá cửa thành vào được” [3].
Trong Tăng chi bộ kinh có ghi nhận cuộc chiến giữa chư thiên cõi Ba mươi ba và Asurā rằng:
“Có lúc chư thiên thua phải chạy vào thành phố chư thiên đóng cửa lại, thế là các Asurā phải kéo về.
Có lúc chư thiên thắng, các Asurā thua chạy về thành phố Asurā đóng cửa thành lại, chư thiên đành phải kéo về” [4].
Do đó, cả hai thành đều có tên là Ajujjhāpūranagata (thành Bất khả bại), nên nói rằng: “Cõi chư thiên không có sát sanh”.
Bàn về mạng quyền (jīvitindriya).
Có hai loại mạng quyền là danh mạng quyền và sắc mạng quyền.
Danh mạng quyền là tâm sở Mạng quyền (jīvitindriyacetasika). Sắc mạng quyền gồm hai loại:
– Loại sắc mạng quyền bảo tồn tuổi thọ của một chúng sanh.
– Loại sắc mạng quyền bảo tồn đời sống của một bộ phận do nghiệp tạo như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân…
Theo luận Atỳđàm (abhidhamma), sắc do nghiệp tạo gồm chín đoàn:
Đoàn nhãn, đoàn nhĩ, đoàn tỷ, đoàn thiệt, đoàn thân, đoàn tâm (hadayavatthu), đoàn nữ tính, đoàn nam tính và đoàn mạng quyền.
Sắc mạng quyền theo nghĩa rộng chỉ cho hai loại sắc mạng quyền này, theo nghĩa hẹp chỉ cho đoàn mạng quyền (loại mạng quyền duy trì tuổi thọ của một chúng sanh).
Một người tàn hại mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân… của người khác có thể liệt vào sát sanh không?
Có thể được nhưng bất định, vì rõ ràng đó là hành động của thân ác. Cụ thể là loại ác hay bất thiện nghiệp nào?
Hành động ác của thân theo cách này không thể gọi là “tà hạnh trong dục lạc”, chỉ có thể là trộm cắp (vì làm mất lợi ích của người khác) hay sát sanh.
Nếu chúng sinh ấy chết do những vết thương ấy, thì phạm vào sát sanh. Nếu không chết thì phạm vào trộm cắp.
Đức Phật có dạy:
“Idha, maṇava, ekacco itthī vā puriso vā sattānaṃ viheṭhakajātiko hoti pāpiṇā vā leḍḍunā vā daṇḍena vā satthena vā.
So tena kammena evaṃ samattena evaṃ samādiṇṇena kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati.
No ce kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati; sace manussattaṃ āgacchati yattha yattha paccājāyati bavhābādho hoti.
“Ở đây, này thanh niên (thanh niên này là trưởng giả Subha Todeyya – Ns), có người nữ hay người nam tánh hay não hại các loại hữu tình với tay hay cục đất, hay với gậy hay với cây đao.
Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mệnh chung nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nếu sau khi thân hoại mệnh chung, nó không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải chịu nhiều bịnh hoạn.” [5]
Và:
Ahimsaka ye munayo. Niccaṃ kāyena saṃvutā…
Bậc trí không hại ai. Thân thường được chế ngự…[6]
Tuy nhiên, có một tử tội bị dẫn đi hành hình, người tử tội van xin đao phủ thủ tha chết, động lòng trắc ẩn, người đao phủ chỉ chặt chân hay tay người tử tội rồi tha y.
Hành động ấy không kể là ác hay bất thiện, ngược lại là thiện vì cho mạng sống (jīvitadāna kusala), như Đức Nāgasena (Natiên) có thuyết:
“Na kiñci apuññaṃ āpajjeyya: Điều ấy không đi vào vô phúc.”
Tuy vậy, hành động này không gọi “hoàn toàn thiện”. Bồtát thuở xưa khởi lòng từ, ngăn cản con bò đang khát, không cho bò uống nước bẩn, đem bò về nhà cho uống nước trong mát, khiến con bò chịu khát thêm một thời gian.
Khi Bồtát thành Phật Chánh giác, vào lúc sắp viên tịch Ngài bị bịnh kiết lỵ rất khát nước.
Đức Ānanda đi tìm nước cho Ngài dùng, thấy có vũng nước đã bị 500 cổ xe đi qua làm vấy đục, Đức Ānanda cũng vì thương Đức Phật nên không múc nước về, Đức Phật dạy Đức Ānanda múc nước ấy cho Ngài dùng, nước đã trở nên trong sạch và Đức Phật phải chịu khát thêm một thời gian.[7]
Do đó hành động hủy hoại thân thể của người khác, gọi là bất định, ác -bất thiện hay thiện đều xuất phát từ cetanā.
Đừng nhầm lẫn “vị lương y thấy bịnh nhân quá đau khổ nên sát hại bịnh nhân, giúp cho người bịnh thoát khổ là thiện”, vì rằng “vị lương y đã có ý muốn giết”, khác với trường hợp người đao phủ tha chết cho tội nhân ở trên.
Pānātipāta là biết chúng sinh có thức tánh (mạng quyền, hay sự sống), có ý muốn giết, cố gắng để giết chúng sinh ấy bằng thân hay bằng lời nói, nên pāṇātipāta gọi là sát sanh.
Sát hại chúng sinh khác bằng thân, điều này dễ hiểu.
Thế nào là sát sanh bằng lời?
Như Đức vua ra lịnh cho một vị quan phải tự sát, vị quan đã làm theo lịnh vua, đó là sát sinh bằng lời nói. Hay xúi bảo người khác sát sanh….
Trong luật tạng, bộ Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga) về giới Tỳkhưu, ở điều triệt khai (pārājika) thứ ba có ghi rằng:
Vào thuở nọ, có vị Tỳkhưu bị bịnh, các vị Tỳkhưu khác đã ca ngợi công hạnh sự chết bởi lòng bi mẫn, vị Tỳkhưu kia đã chết. Các vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng, chúng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”
Chư Tỳkhưu ấy bạch trình lên Đức Thế Tôn vấn đề này, Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, các ngươi đã phạm tội triệt khai. [8]
b- Năm chi phần của giới sát sanh là:
– Chúng sinh có mạng sống (pāṇo).
– Biết chúng sinh có mạng sống (pāṇāsaññitā).
– Có ý giết (vaddhakacittaṃ).
– Rán sức giết (upakkamo).
– Chúng sanh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maranaṃ).
Một thợ săn cố ý giết thú rừng, bắn trúng con mồi, con mồi chạy thoát. Khi con mồi không chết, người thợ săn chưa đứt giới sát sanh, nhưng đã phạm nghiệp sát sanh.
Nếu con mồi chết, người thợ săn vừa đứt giới sát sanh đồng thời phạm nghiệp sát sanh và quả của nghiệp sát sanh này nặng hơn quả của nghiệp sát sanh khi con vật không chết.
c- Quả của nghiệp sát sinh.
Sát sinh có quả là rơi vào khổ cảnh, nếu may mắn làm người sẽ là người có tuổi thọ ngắn.[9] Ngoài ra, khi so sánh tội nặng hay nhẹ phải xem xét các phương diện là:
Về sự cố ý (cetanā).
– Có sự cố ý mạnh thì tội nặng, cố ý không mạnh hay vô ý thì tội nhẹ.
Về đối tượng sát hại.
– Sát hại chúng sinh có tuổi thọ ngắn (như ruồi, muỗi…) tội nhẹ, so với sát hại chúng sinh có tuổi thọ dài (như chó mèo, rùa…), tội nặng.
-Sát hại chúng sinh có thân hình lớn như voi, bò, ngựa.. có tội nặng so với sát hại chúng sinh có thân hình nhỏ như gà, vịt…
Sở dĩ sát hại chúng sinh có thân hình lớn có tội nặng, vì phải đầu tư nhiều phương tiện sát hại hay phải cố gắng nhiều.
Nếu phương tiện sát hại giống nhau, sự cố ý mạnh sẽ có tội nặng, nếu cả hai như nhau thì sát hại chúnh sinh có thân lớn tội nặng hơn so với chúng sinh có thân nhỏ.
– Sát hại chúng sinh không có lợi ích có tội nhẹ, (so với) sát hại chúng sinh có nhiều lợi ích, như sát hại quạ, những loài chim ăn sâu bọ … tuy chúng có thân hình nhỏ so với những con vật lớn khác như heo, gà, vịt… nhưng chúng có lợi ích hơn .
– Sát hại chúng sinh nhiều phước có tội nặng, (so với) sát hại chúng sinh ít phước có tội nhẹ.
Nếu chúng sinh có phước và thân thể lớn như nhau, sẽ có tội nặng nếu tâm sân mạnh.
d- Có sáu cách thức (payoga) giết.
1- Tự tay giết (sāhatthikapayoga).
2- Bảo người khác giết (āṇathikapayoga – không tự tay).
3- Giết bằng cách phóng hoặc bắn vũ khí (nissaggiyapayoga).
4- Giết bằng cách đặt bẩy (thāvarapayoga).
5- Giết bằng chú thuật (vijjāmayapayoga).
6- Giết bằng thần lực (iddhimayapayoga).
– Tự tay giết: Là dùng tay xiết cổ hay đánh đập chúng sinh cho đến chết. Hoặc giả tay cầm vũ khí sát hại chúng sinh, nhưng không buông rời vũ khí.
– Bảo người khác giết: Như chủ nhân sai gia nhân giết những chúng sinh (gà, vịt, heo…) để làm tiệc… (đây cũng là cách sát hại bằng lời).
– Giết bằng cách phóng hoặc bắn vũ khí: Như bắn tên, phóng lao… ngoài ra sự đầu độc chúng sanh khác bằng độc dược cũng liệt kê vào phần này.
Có một phụ nữ nọ, chồng ở xa, có mang thai với gã tình nhân, nàng ấy đã bạch với vị Tỳkhưu năng lui tới gia đình như sau:
– Bạch Ngài, xin hãy cho biết thuốc phá thai.
– Tốt thôi, này cô!
Vị ấy đã cho thuốc phá thai đến nàng ấy. Thai nhi đã chết, vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”.
Bấy giờ, vị Tỳkhưu ấy đã bạch trình sự việc đến Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng: “Này Tỳkhưu, ngươi đã phạm tội triệt khai (sđd, số 215)”.
– Giết bằng cách đặt bẩy: Như thợ săn đặt những bẩy rập bắt thú và con thú bị chết do rơi vào bẩy, hoặc đặt những cơ quan trong phòng, trong mộ… để sát hại kẻ gian xâm nhập vào trộm đồ….
– Giết bằng chú thuật: Là dùng những năng lực chú thuật (manta) để sát hại chúng sanh khác.
Có vị Tỳkhưu giỏi chú thuật, dùng chú thuật để đoạt mạng một con quỷ dạ xoa. Vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”.
Vị Tỳkhưu ấy đã bạch trình sự việc đến Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng: “Này Tỳkhưu, không phạm tội triệt khai (pārajikā apatti) nhưng phạm trọng tội (thullaccaya apatti). [10]
Nên ghi nhận: Về giới triệt khai thứ ba của Tỳkhưu là: “Vị Tỳkhưu giết người sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn”, đối tượng giết chết ở đây là “người“, còn dạ xoa là phi nhân, nên vị ấy không bị trục xuất khỏi Tăng đoàn, nhưng nghiệp sát sanh đã thành hình.
Kinh văn có ghi: “… Dùng bùa chú để phá thai; dùng bùa chú làm cóng lưỡi; dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động; dùng bùa chú khiến người khác phải bỏ tay xuống; dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc …” [11].
Dùng bùa chú để phá thai là sát sanh bằng chú thuật. Khi dùng bùa chú khiến người hay con vật bất động, rồi tiến hảnh sát hại, cũng gọi là “giết bằng chú thuật phối hợp với bằng tay hay phóng vũ khí…”.
– Giết bằng thần lực: Có ba loại: Thần lực do phước, thần lực do sinh chủng và thần lực do tu tập.
*- Giết bằng thần lực do phước, như các thiên nhân địa cầu hủy diệt hai vương quốc.
Quốc độ của vua Daṇḍaki bị tiêu diệt.
Tương truyền rằng: Quốc độ của vua Daṇḍakī đã bị thần lực chư thiên tiêu diệt[12]. Tóm lược như sau:
Thuở xưa, ở xứ Bārāṇasī có vị vua tên Daṇḍakī ngự ở kinh thành Kubhavatī, Đức vua cùng thần dân đều là người tà kiến.
Có đạo sĩ Kisavaccha đạt được thiền chứng và thắng trí, đạo sĩ đi đến kinh thành Kubhavatī, trú trong vườn Thượng uyển của Đức vua.
Nàng ái phi của Đức vua tên là Sobheṇī, bị Đức vua thất sủng và cách chức .
Buồn khổ nàng đi vào vườn Thượng uyển dạo chơi, gặp được đạo sĩ Kisavaccha, nàng khởi lên ý nghĩ tà kiến rằng: “Đạo sĩ này là người đê tiện, những điều xui xẻo trong thân ta nếu có, ta hãy trút lên mình kẻ đê tiện này, ta sẽ được kiết tường trở lại”.
Một số phong tục của người Ấn cổ cho rằng: “Gặp người trọc đầu là báo hiệu điều xui xẻo”, đây là một dạng tà kiến, gọi là giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).
Nàng Sobheṇī, xúc miệng nhổ nước dơ lên mình đạo sĩ, rồi trở về chỗ ở của mình, tắm rữa sạch sẽ. Không bao lâu, Đức vua lại nhớ đến nàng, cho triệu nàng vào cung như xưa.
Việc Đức vua Daṇḍakī nhớ đến nàng Sobheṇī, không liên quan gì đến việc làm nhục đạo sĩ Kisavaccha, đây chỉ là mãnh lực phiền não dục ái khởi lên cho Đức vua mà thôi, đó là việc thường tình.
Một vị cố vấn Đại thần cũng bị Đức vua cách chức, vị này suy nghĩ “nàng Sobhenī trước đây cũng bị thất sủng, nàng làm cách nào để được phục hồi trở lại? Ta hãy tìm đến nàng học hỏi”. Vị Đại thần tìm đến nàng Sobheṇī hỏi:
– Trước đây nàng bị thất sủng, bị cách chức, làm thế nàng được phục hồi như cũ?
Nàng Sobheṇī thuật lại việc đã làm đối với đạo sĩ Kisavaccha.
Theo thể thức ấy, vị cố vấn Đại thần làm theo, chẳng bao lâu Đức vua lại triệu hồi phục chức cho vị ấy.
Điều này không phải do làm nhục đạo sĩ mà có được, đây là do ông kiên nhẫn chờ đợi, đồng thời do bản tính bất thường của Đức vua, khi phẩn nộ thì cách chức, khi nghĩ lại thì phục chức, có thế thôi.
Thế rồi, một lần nọ được tin biên thùy có giặc loạn, Đức vua quyết định thân chinh để dẹp giặc, bấy giờ vị cố vấn Tế tự tâu rằng:
– Tâu Đại Vương, hiện nay trong Thượng uyển có kẻ đê tiện đang ngụ, Đại vương hãy truyền lịnh tất cả thần dân đến tẩy uế lên thân kẻ đê tiện ấy. Như vậy, Đại vương sẽ nhanh chóng chiến thắng giặc loạn.
Với lời tấu trình đầy ác kiến như trên, Đức vua lại cho là đúng.
Thế là, tất cả người dân thành Kumbhavatī (trừ gia đình vị tướng quân hộ độ đạo sĩ Kisavaccha) cùng Đức vua đến tẩy uế trên người đạo sĩ, rồi trở về.
Vị tướng quân hộ độ hay tin, chạy đến để cản ngăn thì Đức vua và thần dân đã trở về. Vị tướng quân cùng gia đình dọn sạch sẽ nơi ngụ của đạo sĩ, mang nước đến cho đạo sĩ tắm rữa và an ủi đạo sĩ. Đạo sĩ nói với vị tướng quân rằng:
– Này tướng quân, ác hạnh mà Đức vua cùng dân chúng đã làm, đối với ta chẳng có chi là buồn phiền, nhưng chư thiên đang phẩn nộ.
Sau bảy ngày thành Kumbhavatī có chu vi rộng 60 do tuần sẽ bị hủy diệt, vậy tướng quân cùng gia quyến nên lập tức rời khỏi nơi này đi.
Vị tướng quân vào triều tâu lên Đức vua điều đạo sĩ thông báo, nhưng Đức vua cùng các Đại thần không tin.
Vị tướng quân cùng gia đình và những người có tâm tín thành đạo sĩ, bỏ thành sang xứ khác.
Bồtát Sarabhaṅga là thầy của Đạo sĩ Kisavaccha thấy được sự nguy hiểm ở kinh thành Kumbhavatī, đã nhờ hai đạo sĩ đệ tử có thần thông của Ngài, đến thành Kumbhavatī mang đạo sĩ Kisavaccha ra khỏi thành Kumbhavatī.
Vào ngày thứ bảy khi hợp thời, chư thiên khiến mưa rơi khắp kinh thành Kumbhavatī, ban đầu là mưa cát vàng, lần lượt đến mưa hoa, mưa bạc, mưa vàng, mưa vật trang điểm chư thiên.
Khi ấy tất cả mọi người trong kinh thành Kumbhavatī, thích thú chạy ra khỏi nhà để nhặt vật báu, chất đầy vào nhà. Kế đến phát sinh mưa vũ khí, mưa than hừng rất lớn từ không trung rơi xuống, chém và đốt cháy đại chúng cùng Đức vua, tất cả mọi người không có chỗ trú ẩn, vì trong nhà chất đầy những báu vật.
Trận mưa ấy tiêu diệt trọn vẹn kinh thành Kumbhavatī. [13]
Quốc độ của vua Bharu bị tiêu diệt
Câu chuyện thứ hai về sự sát hại do thần lực chư thiên, tóm lược như sau [14]:
Thuở xưa, tại quốc độ Bharu do Đức vua Bharu trị vì. Bấy giờ, Bồtát là vị tu tập nhiệt cần (tapa) đạt được năm thắng trí và tám thiền chứng.
Ngài là vị sư trưởng của một hội chúng, cư trú tại núi Tuyết (Himalaya).
Một lần nọ, vì cần dấm – muối, Ngài cùng 500 vị đệ tử đến kinh thành Bharu. Tất cả đều cư ngụ phía Bắc cổng thành, dưới cội cây bàng đầy cành lá.
Nữa tháng sau, một vị sư trưởng khác cùng 500 đệ tử mình cũng đến kinh thành Bharu để tìm dấm – muối, cư ngụ ở phía Nam cổng thành, dưới cây bàng xinh tốt.
Thế rồi, hai nhóm đạo sĩ sau khi tìm được dấm – muối, đã trở về núi Tuyết. Khi hai nhóm đạo sĩ ra đi, chẳng bao lâu cây bàng ở hướng Nam khô héo.
Lần sau, nhóm đạo sĩ trú ở hướng Nam đến kinh thành Bharu trước, thấy cây bàng nơi đây bị chết khô, nên tìm đến trú ngụ dưới cội cây bàng ở hướng Bắc.
Nhóm đạo sĩ trú ở hướng Bắc đến sau, tìm đến chỗ trú ngụ của mình (năm trước), thấy có nhóm đạo sĩ đến trước chiếm ngự, nên nói rằng:
– Chỗ trú ngụ của các ông ở hướng Nam kinh thành, nơi này là chỗ trú ngụ của chúng tôi.
Nhóm đạo sĩ kia đáp: “Lần này chúng tôi đến trước, nên chỗ này không phải là chỗ của các ông, là chỗ của chúng tôi”.
Vì cây bàng mà hai nhóm đạo sĩ đã tranh chấp nhau, họ đưa câu chuyện đến hoàng cung nhờ vua Bharu phân xử.
Đức vua phán quyết: Nhóm đạo sĩ đến hướng Bắc năm trước (nhóm của Bồ tát) là chủ.
Nhóm đạo sĩ cư ngụ ở hướng Nam năm trước, bàn nhau rằng:
– Chúng ta không thể thua các đạo sĩ ấy được.
Với thiên nhãn họ thấy một hòm báu vật, xứng đáng là sở hữu của vị vua, nên mang xe báu đến dâng Đức vua Bharu, thưa rằng:
– Thưa Đại vương, hãy làm cho chúng tôi thành người chủ cây bàng hướng Bắc đi.
Tham của hối lộ nên Đức vua nhận lời. Sau đó, hai hội chúng đạo sĩ đã suy nghĩ:
“Chúng ta là những người tu tập, mong đoạn tận các dục về sở hữu. Nay chỉ vì một gốc cây bàng mà sinh ra tranh đấu lẫn nhau, việc làm này thật không xứng đáng với chúng ta”.
Cả hai nhóm sám hối lỗi với nhau, rồi vội vã trở về Tuyết sơn. Chư thiên đang trú trong xứ Bharu đã phẩn nộ với vua Bharu, vì đã nhận hối lộ, xử thiên lệch, làm hai nhóm đạo sĩ có giới hạnh trở nên bất hòa.
Chư thiên dâng nước lên tràn ngập xứ Bharu, tiêu diệt xứ Bharu rộng 300 dặm.
Hai mẫu truyện trên minh họa cho việc sát hại bằng thần lực do phước.
*- Giết bằng thần lực do sinh chủng.
Như rồng chúa Nandopananda hay như Bồtát sinh làm Long vương Bhūridatta, với thần lực của Ngài, Ngài có thể sát hại gả bắt rắn Ālaṃbāyana nhưng Ngài không
làm [15]. Đây là sát hại bằng thần lực do sinh chủng, một số loài thú cũng có thần lực do sinh chủng.
*- Sát hại bằng thần lực do tu tập. Là những Samôn, Bàlamôn tu tập đạt được thần thông lực, như kinh văn có ghi như sau:
“Taṃ kiṃ maññasi gahapati: Idh’ āgaccheyya samaṇo vā brāhmaṇo vā iddhimā cetovasippatto, so evaṃ vadeyya: Ahaṃ imaṃ Nāḷandaṃ ekena manopadosena bhasmaṃ karissāmīti.
Taṃ kiṃ maññasi gahapati: pahoti nu kho so samaṇo vā brahmaṇo vā iddhimā cetovasippatto imaṃ Nāḷandaṃ ekena manopadosena bhasmaṃ kātun – ti?…
“Này gia chủ, ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có Samôn hay Bàlamôn có thần thông lực, có tâm tự tại. Người này nói như sau: “Ta sẽ làm cho Nālandā này trở thành tro tàn với một tâm sân hận”.
Này gia chủ, ngươi nghĩ thế nào? Vị Samôn hay vị Bàlamôn ấy, có thần thông lực, có tâm tự tại, có thể làm cho Nālandā trở thành tro tàn với một tâm sân không?.
“Dasa pi bhante Nāḷandā visatiṃ – pi Nāḷandā tiṃsaṃ- pi Nāḷandā, cattārisaṃ – pi Nāḷandā, paññāsaṃ- pi Nāḷandā pahoti so samaṇo vā brāhmaṇo vā iddhimā cetovasippatto ekena manopadosena bhasmaṃ kātuṃ, kiṃ hi so bhati ekā chavā Nāḷandā ti.
– Bạch Thế Tôn! Cho đến 10 Nālandā, 20 Nālandā, 30 Nālandā, 40 Nālandā, 50 Nālandā, vị Samôn hay Bàlamôn có thần thông lực, có tâm tự tại, có thể làm cho các Nālandā ấy trở thành tro tàn với một tâm sân, huống hồ gì một Nāḷanda nhỏ bé này, sao có thể chói sáng được (khỏi bị trở thành tro tàn được)…” [16]
Hai loại thần lực: Thần lực do phước, thần lực do sinh chủng, gọi chung là thần lực sinh lên do nghiệp (kammiddhi).
Lại nữa, sự sát sanh có hai cách: Giết theo cách chỉ định (uddisa) và giết không chỉ định.
Giết chỉ định là nêu rõ đối tượng bị sát hại. Như Devadatta sai một cung thủ đi ám sát Đức Thế Tôn, hay là một thợ săn thấy con cò đậu trên sừng con trâu, y nhắm bắn chết con cò.
Giết không chỉ định là không nêu rõ đối tượng, như người thợ săn nhìn thấy đàn thú đang chạy, y bắn vào đàn thú trúng con nào cũng được. Hoặc trong thí dụ trên, người thợ săn nhắm bắn con cò, không trúng con cò, lại trúng nhằm con trâu, con trâu chết. Đây là giết không chỉ định.
2- Giải về lấy của không cho (adinnādāna).
a- Theo từ ngữ
Adinna + ādāna = adinnādāna.
Adinna là “không cho”, ādāna là “lấy đi”.
Adinnādāna được dịch là “lấy của không cho”.
Vì sao không cho?. Bản sớ giải có giải thích: Adinnaṃ bao gồm những vật quý giá lẫn những vật bình thường, hay những vật mà người chủ yêu thích lẫn những vật không yêu thích.
Với vật có giá trị cao hay những vật mà chủ nhân của nó yêu thích, dù có xin cũng không được cho.
Với những vật có giá trị kém hay không yêu thích, nhưng khi xin chủ nhân cũng không cho, do nhân sân hận hay bỏn xẻn …
Lấy những vật chủ nhân không cho, gọi là “lấy của không cho”.
Adinnādāna đối với vị Samôn ngoài ý nghĩa “lấy của không cho” còn hàm nghĩa: “Không xin vật có giá trị cao hay vật đáng yêu thích của người khác” và “với vật bình thường ít có giá trị, cũng không nên xin quá nhiều vì sẽ gây khó chịu cho người (bị xin)”.
Trong Tạng Luật [17] có ghi câu truyện về những vị Tỳkhưu trú ở thành Āḷavī, khi xây cất am thất, đã xin quá nhiều những vật dụng để xây cất như: Xin cho dao, xin cho búa, xin cho cỏ ống, xin cho cỏ thường… đã khiến dân thành Āḷavī bất mãn.
Khi gặp các vị Tỳkhưu, dân thành Āḷavī có khi hăm he chư Tỳkhưu, có khi lẫn tránh, đôi khi thấy con bò vàng thấp thoáng từ xa, ngỡ là Tỳkhưu họ vội vàng đóng cửa nhà lại vì e ngại “vị Tỳkhưu” đến xin vật dụng.
Đức Phật đã khiển trách chư Tỳkhưu thành Āḷavī qua những mẫu truyện sau.
Vị Ẩn sĩ xin ngọc của Long vương.
Thuở xưa, có hai vị ẩn sĩ là anh em, cùng cư ngụ bên bờ sông Gaṅgā (sông Hằng) nhưng ở cách xa nhau.
Có Long Vương Maṇikaṇṭha vượt sông Hằng đến nơi ngụ của vị ẩn sĩ em, sau khi đến, Long vương dùng thân quấn quanh thân vị ẩn sĩ bảy vòng, đầu ngẩng lên, phùng mang lớn rồi đứng yên. Vị ẩn sĩ do sợ Long vương nên sinh bịnh, thân gầy guộc vỏ vàng.
Vị ẩn sĩ anh đến thăm em, thấy thế hỏi rằng: “Này em, vì sao em gầy ốm tiều tụy, sinh bịnh vỏ vàng?”.
– Thưa anh, có con Long vương Maṇikaṇṭha đã vượt sông Hằng đến đây, sau khi đến nó dùng thân quấn quanh thân em bảy ngày, ngẩng đầu lên, phùng mang và đứng yên. Vì sợ con Long vương nên em sinh bịnh, thân thể vỏ vàng.
– Này em, em có muốn Long vương không đến nữa không?.
– Thưa anh, muốn chứ.
– Em có nhìn thấy vật gì của Long vương không?.
– Thưa anh, em thấy viên ngọc Maṇī là vật trang sức trên cổ của nó.
-Thế thì, em hãy xin Long vương viên ngọc Maṇī ấy đi.
Làm theo lời anh chỉ dạy, khi Long vương đến dùng thân quấn quanh thân vị ẩn sĩ bảy vòng, đầu ngẩng cao, phùng mang và trụ yên. Vị ẩn sĩ nói: “Này bạn, hãy cho tôi viên ngọc Maṇī, tôi cần ngọc Maṇī”.
Long vương suy nghĩ: “Vị ẩn sĩ xin ngọc Maṇī, vị ẩn sĩ cần ngọc Maṇī”, Long vương tháo thân mình trở về trú xứ của mình ngay.
Lần thứ hai, khi Long vương Maṇīkaṇṭha lội qua sông Gaṅgā thấy Long vương từ xa, vị ẩn sĩ nói: “Bạn ơi, hãy cho tôi ngọc Maṇī, tôi cần ngọc Maṇī”. Long vương suy nghĩ: “Vị ẩn sĩ cần ngọc Maṇī”, liền tháo lui trở về.
Lần thứ ba, khi thấy Long vương từ xa, vị ẩn sĩ cũng nói lên: “Bạn ơi, hãy cho tôi ngọc Maṇī, tôi cần ngọc Maṇī”.
Bấy giờ, Long vương nói với vị ẩn sĩ bằng kệ ngôn rằng:
“Do nhân viên ngọc này.
Phát sanh đến cho tôi.
Thức ăn cùng thức uống
Dồi dào và quý hảo.
Tôi không cho Ngài ngọc.
Ngài kẻ xin thái quá.
Và tôi cũng chẳng đến.
Nơi am thất Ngài nữa.
Cũng như đứa trẻ con.
Tay rửa mảnh thủy tinh.
Khi Ngài xin đá ngọc.
Đã làm kinh sợ tôi.
Tôi không cho Ngài ngọc.
Ngài, kẻ xin thái quá.
Và tôi cũng chẳng đến.
Nơi am thất Ngài nữa”.
Rồi Long vương bỏ đi không trở lại nữa, vị ẩn sĩ vì không thấy con rồng, thương nhớ Long vương nên sinh bịnh, gầy guộc.
Vị ẩn sĩ anh lại đến thăm em, thấy thế, hỏi rằng: “Vì sao em gầy guộc, thân sinh bịnh vỏ vàng vậy?”.
– Thưa anh, vì không gặp được con rồng khả ái, nên em sinh bịnh.
Nghe vậy, vị ẩn sĩ anh đã nói lên kệ rằng:
“Không xin xỏ, ước muốn
Vật yêu quí của ai
Con người đáng ghét bỏ.
Vì xin xỏ thái quá
Long vương bị phạm chí
Xin viên ngọc Maṇī
Đã không còn đi đến
Nơi ấy cho thấy nữa. (sđd).
(Đây nói về ý nghĩa “không xin vật quý hay vật đáng hài lòng của người).
Đối với những vật có giá trị thông thường, bậc Samôn cũng không nên xin quá nhiều (atiyācanaka), vì sẽ không được gia chủ thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập [18]. Câu chuyện sau đây là minh chứng.
Đàn chim bỏ đi.
Có vị Tỳkhưu trú nơi triền núi Hy mã lạp sơn, trong một khu rừng. Vị ấy bị đàn chim trú ngụ trong rừng khuấy rối, bởi chúng kêu gọi nhau ồn ào.
Vị Tỳkhưu ấy đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch trình lên Đức Thế Tôn về sự kiện này, Đức Thế Tôn phán hỏi vị Tỳkhưu ấy rằng:
– Này Tỳkhưu, vậy ngươi có muốn đàn chim không trở lại khu rừng ấy chăng?.
– Bạch Thế Tôn, con muốn đàn chim không còn trở lại khu rừng ấy.
– Vậy thì, này Tỳkhưu ngươi hãy đi sâu vào khu rừng ấy, ban đêm vào canh đầu hãy lớn tiếng ba lần: “Chừng bao nhiêu chim đang trú ngụ trong khu rừng này, tôi đang cần lá cây, xin mỗi con hãy cho tôi một lá”. Vào canh giữa và canh cuối cũng làm như thế.
Vị Tỳkhưu làm theo lời dạy của Đức Thế Tôn và bầy chim đi khỏi, không còn trở lại khu rừng ấy. (sđd).
(Đây nói về ý nghĩa “không xin quá nhiều vật không có giá trị cao).
Để khắc phục sự xin quá nhiều, Đức Thế Tôn có dạy chư Tỳkhưu pháp “biết đủ”.
“Cattārome bhikkhave, ariyavaṃsā aggaññā rattaññā vaṃsaññā porāṇā asaṃkiṇṇā asaṃkiṇṇapubbā, na saṃkīyanti na saṃkīyissanti, appaṭikuṭṭhā samaṇehi viññūhi. Katame cattāro?
“Này các Tỳkhưu, có bốn truyền thống bậc Thánh được biết là tối sơ (aggaññā), được biết là truyền thống kỳ cựu, không có tạp nhiễm, không bị các Samôn, Bàlamôn có trí quở trách (appaṭkuṭṭhā). Thế nào là bốn?.
“Idha, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena cīvarena…
Ở đây, này các Tỳ khưu, vị Tỳkhưu biết đủ với bất cứ loại y nào…
“Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena piṇḍapātena..
Lại nữa, này các Tỳ khưu, vị Tỳkhưu biết đủ với bất cứloại vật thực khất thực nào…
Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu santuṭṭho hoti itarītarena senāsanena…
Lại nữa, này các Tỳ khưu, vị Tỳkhưu biết đủ với bất cứ sàng tọa nào…
Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu bhāvanārāmo hoti bhāvanārato, pahānārāmo hoti pahānarato…
Lại nữa, này các tỳ khưu, vị Tỳkhưu ưa thích tu tập (bhāvanā), vui thích tu tập, ưa thích đoạn tận (pahāna), vui thích đoạn tận…[19]
Hành động lấy vật xin không được cho hoặc lấy vật chưa xin, gọi là theyya (trộm cắp).
b- Năm chi của giới trộm cắp.
– Vật có chủ gìn giữ (parapariggahitaṃ).
– Biết vật có chủ gìn giữ (parapariggahitataññitā).
– Có ý lấy (theyya cittaṃ).
– Cố gắng lấy (cepakkamo).
-Lấy được do sự cố gắng ấy (jena haranaṃ).
Giải:
– “Vật có chủ”.
Có hai loại: Vật của cá nhân, vật của tập thể.
Vật của cá nhân có hai:
– Vật của người tại gia (gihisantaka).
– Vật của bậc xuất gia (puggalasantaka).
Vật của cá nhân được phân tích rộng, có năm là:
– Vật của phàm nhân (puthujjanasantaka).
– Vật của bậc Dự lưu (sotāpannasantaka).
– Vật của bậc Nhất lai (sakadāgāmisantaka).
– Vật của bậc Bất lai (anāgāmisantaka).
– Vật của bậc Alahán (arahatasantaka).
Vật của tập thể, trong lãnh vực Phật giáo có hai:
– Vật của nhóm tăng (gaṇasantaka): Là vật của từ 2 – 3 vị Tỳkhưu hoặc của từ 2 -đến 3 vị sadi.
– Vật của tăng, là vật của từ 4 vị Tỳkhưu hay 4 vị sadi trở lên.
– “Biết vật có chủ gìn giữ”.
Là biết rõ chủ của vật ấy là ai, đồng thời hiểu rõ người chủ đang gìn giữ vật ấy.
Trong trường hợp một vật bị đánh rơi, dĩ nhiên vật ấy phải có chủ, người nhặt lấy vật ấy không rơi vào lấy của không cho, vì không biết người chủ là ai, và vật ấy không được chủ gìn giữ. Tuy nhiên, nếu biết rõ chủ nhân vật ấy, cố tình chiếm đoạt, xem như phạm vào trộm cắp.
– “Lấy được do sự cố gắng ấy”.
Bao gồm hai trường hợp:
– Lấy mang đi.
– Làm xê dịch vị trí ban đầu.
Nghĩa là: Một người tính trộm cắp, đã lấy được vật ấy, nhưng suy nghĩ lại: “Điều này là bất thiện, không nên làm”, người ấy trả lại vật đã lấy, người này vẫn phạm vào nghiệp trộm cắp.
Tuy nhiên, so với “lấy mang đi”, thì “trả lại vật lấy” có tội nhẹ hơn, sau này tài sản của người ấy cũng bị người khác muốn chiếm đoạt, nhưng họ không thể chiếm đoạt được.
Trong Tạng Luật, điều triệt khai thứ hai về giới trộm cắp của chư Tỳkhưu, có giải thích:
– Rằng “lấy” là cầm lấy, mang đi, lấy đem đi, thay đổi oai nghi, dời đổi vị trí, vượt qua chỗ qui định (sđd – số 86).
Vào thuở ấy, một vị Tỳkhưu đã đi vào sân phơi của thợ nhuộm, khi trông thấy vải đắc giá, đã sinh tâm trộm cắp, dời (tấm vải) khỏi vị trí. Vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”.
Vị ấy trình bạch lên Đức Thế Tôn vấn đề này, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Tỳkhưu, ngươi đã bị phạm tội triệt khai (bị trục xuất khỏi tăng đoàn) (sđd – số 128)”.
c- Có sáu cách lấy vật.
1- Tự tay lấy (trộm) (sāhatthika).
2-Bảo kẻ khác lấy (āṇatthika).
3- Lấy (trộm) bằng cách phóng vật khác ra (nissaggiya).
4- Lấy (trộm) bằng cách đặt bẩy (thāvara).
5- Lấy (trộm) bằng bùa chú (vijjāmaya).
6- Lấy (trộm) bằng thần lực (iddhimaya).
Giải:
–Tự tay lấy và bảo người khác lấy vật ấy cho mình. Hai điều này cũng dễ hiểu.
–Trộm bằng cách phóng vật khác ra.
Với người có nghệ thuật điêu luyện, họ có thể quăng dây, tung vải lụa, cuốn chặt vật nào đó rồi thu hồi vật ấy về.
Hoặc huấn luyện những loài vật như chim, chó, mèo… đi trộm cắp cho họ.
Sự trộn thuốc gây mê vào vật thực, để bắt những con vật quý của người khác, cũng được liệt vào phần này.
Lại nữa, khi qua trạm thu thuế lén ném những vật phải nộp thuế vào chỗ khuất, sau đó đến nhặt lại, cũng gọi là lấy (trộm) bằng cách phóng ra (là trộm thuế).
–Trộm cắp bằng cách đặt bẩy.
Như đặt bẩy để bắt chó, mèo, … của người khác. Ngoài ra, căn dặn đồng bọn “nếu có cơ hội hãy lấy vật này…vật này” (người đồng bọn xem như một bẩy rập), dù thời gian có dài bao lâu, khi người đồng bọn lấy được vật ấy, người dặn dò đã phạm vào nghiệp “lấy của không cho”.
-Lấy bằng bùa chú.
Là dùng bùa chú để mê hoặc tâm người, sau đó lấy đi những món vật mà nếu tỉnh táo, chủ nhân (vật ấy) sẽ không cho.
–Lấy bằng thần lực. Là nương vào thần lực có được để lấy.
Cậu bé niệm Phật
Có một cậu bé là con của người thợ rừng, cậu bé thường vui chơi trước cổng Jetavanavihāra (Kỳ viên tinh xá) củng với những đứa trẻ khác.
Mỗi khi chơi đùa, cậu thường niệm “Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa” và cậu thường thắng cuộc.
Một lần nọ, cậu theo cha vào rừng kiếm củi, vào buổi chiều, hai cha con dùng cơm nơi tha ma mộ địa, cha cậu tháo bò ra xe để bò đi ăn, bất ngờ con bò của họ đã theo đàn bò khác vào thành, người cha phải đi tìm bò.
Khi tìm được bò, trở ra thì cửa thành đã đóng, người cha đành nằm ngủ trong thành, còn cậu ngủ nơi xe củi của mình ở bải tha ma.
Vào nữa đêm, có hai dạ xoa đi vào mộ địa tìm thức ăn là những xác chết, thấy cậu nằm ngủ, một dạ xoa bảo: “Đứa bé này có đại thần lực, chúng ta chớ chạm vào nó”.
Dạ xoa kia không tin, liền vồ lấy cậu bé, giật mình tỉnh giấc, theo thói quen cậu liền niệm “Namo tassa…” con dạ xoa tưởng chừng như có ai đánh chùy vào đầu, nó kinh hoàng buông đứa bé ra bỏ chạy.
Để chuộc lỗi một dạ xoa canh giữ cho em bé ngủ, còn con kia vào hoàng cung lấy vật thực đựng trong mâm vàng dưng đến đứa bé, sau đó chúng dùng thần lực ghi rõ câu chuyện trên đĩa vàng và chỉ có Đức vua đọc được.[20]
Hoặc câu chuyện nữ chư thiên ở nơi ngạch cửa nhà ông Cấpcôđộc, dùng thần lực của mình lấy 18 triệu đồng tiền vàng ở đáy biển mang vào kho cho ông trưởng giả để chuộc lỗi.[21]
Đây là lấy bằng thần lực.
Các Giáo thọ sư dạy rằng: “Lấy bằng thần lực do nghiệp sinh ra (kammiddhi), không vi phạm trộm cắp thuộc tội lỗi thế gian (lokavajja), vì không đem về làm của riêng”, như trường hợp Đế Thích lấy Xálợi trên đầu ông Bàlamôn Dona, nữ thiên nhân lấy vàng ở đáy biển”.
Có lần Ngài Pilindavaccha dùng thần thông giải thoát 2 đứa bé là con của một gia chủ hộ độ Ngài, Ngài dùng thần thông mang 2 đứa bé trở về cho cha mẹ chúng (đây là “lấy vật bằng thần lực”, thần lực này do định).
Chư Tỳkhưu bàn về việc này, cho rằng “Ngài đã phạm vào giới trộm cắp, Đức Phật dạy: “Vô tội khi lấy bằng thần thông”.[22]
Theo Luận Atỳđàm, khi sử dụng thần thông phải là tâm thiện (hoặc tâm duy tác) Ngũ thiền, nên không hề có tham hay sân, mà trộm cắp là do tham hay sân điều sử.
Được gọi là trộm cắp (avahāra) do tiến hành theo sáu cách lấy là:
1- Lấy trộm (theyyāvahāra). Là lấy vật khi chủ (của vật ấy) không có mặt.
2-Lấy bằng cách hăm dọa (pasajhāvahāra).
Chữ pasajha nghĩa là “bằng vũ lực, bằng uy lực”.
Như kẻ cướp dùng vũ khí uy hiếp, lấy đi tài sản của người khác, hoặc bắt lấy người, hăm dọa đòi tiền chuộc.
Hay vua của một nước lớn, dùng uy lực của mình để chiếm đoạt những báu vật của nước khác…
3-Lấy bằng cách che dấu (paṭichannāvahāra).
Như Bàlamôn Doṇa, vị quốc sư của vương quốc Malla, đứng ra hòa giải cuộc tranh chấp Xálợi Phật giữa vương quốc Malla cùng bảy nước:
– Vua xứ Licchavī, thành Vesālī.
-Dòng Thích ca xứ Sakka, thành Kapilavatthu.
– Vua xứ Thulliya thành Allakappa.
– Vua Koliya xứ Rāma.
– Vua xứ Malla, thành Pāvā.
(Xứ Malla có hai quốc vương trị vì, một vị ở thành Kusinārā nơi Đức Thế Tôn Nípbàn, một vị ở thành Pāvā. Và vị ở thành Pāvā đem quân đến thành Kusinārā sau cùng, vì nghĩ mình ở gần Kusinārā nên không vội vả).
– Mahābrahma (Đại Bàlamôn) xứ Vetthadipaka, (xứ này dòng Bàlamôn nắm quyền như vua).
– Vua Ajātasattu (Axàthế) xứ Magadha (Makiệtđà).
Với sự hòa giải của Bàlamôn Doṇa, tất cả đều đồng ý là “Xálợi Phật được chia làm tám phần bằng nhau cho tám vương quốc”.
Khi chiêm bái Xálợi Phật, nhân lúc tám vị quốc vương buồn khổ Bàlamôn Doṇa nhanh tay dấu Xálợi răng nhọn hàm trên của Đức Phật vào búi tóc.
Nhưng ngôi Xálợi này, được vua trời Đế Thích thỉnh mang đi, tôn trí vào Bảo tháp Cūlamaṇī ở cung trời Đạo Lợi.
Hành động của Bàlamôn Doṇa hội đủ năm chi, được xem là lấy bằng cách che dấu. Và sự lấy của Thiên vương Đế thích xem như “lấy bằng thần lực”.
4- Lấy bằng cách xác định đồ vật hoặc thời gian (parikappāvahāra).
Như trong Tạng Luật, bộ Đại phân tích, điều học triệt khai thứ hai (trộm cắp) có ghi:
Có vị Tỳkhưu nọ, lúc ban ngày thấy sản vật, làm dấu nghĩ rằng: “Ban đêm ta sẽ lấy trộm”.
Vị ấy ghi nhớ vật đó và đã lấy trộm. Vị ấy có sự áy náy: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi”. Vị ấy trình bày sự việc đến Đức Thế Tôn, Ngài rằng: “Này Tỳkhưu, người đã phạm tội triệt khai”. [23]
- Lấy bằng cách đánh tráo.
Như một người gửi đồ vật cho người, người kia có tâm trộm cắp đã đánh tráo đồ khác vào.
Hoặc như người bán hàng tráo hàng thật bằng hàng giả để giao cho khách hàng…
6- Lấy bằng cách phá hoại (atthasādhaka).L
Là phá hoại tài sản người, để khổ chủ không có hay mất đi lợi ích. Như lấy vải bỏ vào thùng chứa dầu, để vải thấm khô dầu…
Trong Tạng luật, điều triệt khai thứ hai (giới trộm cắp) có ghi: Có vị Tỳkhưu, tháo nước ruộng của người này sang ruộng người khác. Vị ấy áy náy “phải chăng ta đã bị tội triệt khai?”. Vị ấy trình bạch lên Đức Thế Tôn, Ngài rằng: “Này Tỳkhưu, ngươi đã phạm tội triệt khai”.
d- Quả của trộm cắp.
Trộm cắp cho quả là tái sanh vào khổ cảnh (địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ), nếu may mắn làm người sẽ là người bị hao tổn tài sản (bhogavyasanasamvattanika).[24]
Tài sản của người này sẽ bị tổn hại do:
– Bị lửa thiêu hủy.
– Bị nước cuốn trôi.
– Bị trộm đạo.
– Bị vua, quan chiếm đoạt.
– Bị người thừa tự phá hủy.
Sự trộm cắp sẽ có tội nặng khi đồ vật có giá trị cao, có tội nhẹ khi đồ vật có giá trị thấp.
Nếu đồ vật có giá trị ngang nhau, lấy của người có đức lớn sẽ có tội nặng so với lấy của người có đức kém. Nghĩa là lấy vật của bậc Alahán tội nặng hơn lấy vật của bậc Anahàm….
Tiền thân Ngài Losaka là vị trụ trì, do ganh tỵ với vị Thánh Alahán, đổ bỏ vật thực của một cận sự nam dâng đến vị Thánh Tăng Alahán này, hành động đổ bỏ vật thực của vị trụ trì đã rơi vào nghiệp trộm cắp vì phạm đủ năm chi.
Trong thời Đức Phật, vị trụ trì tái sinh là Ngài Losaka, quả ác nghiệp còn dư sót, khiến Ngài luôn đói và chỉ no lòng vào ngày cuối cùng khi sắp viên tịch.
Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng có câu chuyện “ngạ quỷ trăn”, đây là hậu thân của người đốt liêu thất của Đức Độc giác Phật.[25]
Trộm cắp có tội nặng nhất là trộm cắp đồ vật của Tăng chúng (là đồ vật của tập thể Tăng) .
3- Giải về “tà hạnh trong dục lạc” (kāmesu micchācāra).
a- Giải từ.
Kāmesu là “trong dục”, là trong sắc, thinh, hương, vị và xúc.
Micchācāra = micchā (sái quấy) + cāra (làm, hành động).
Kāmesu micchācāra là “thực hành sái quấy trong dục lạc”.
Theo nghĩa thường dùng thì kāmesu micchācāra là “hành dâm dục sái quấy (tà dâm).
Ở đây ý nghĩa này không thích hợp lắm, vì đối tượng thuyết giảng kinh Chánh tri kiến là chư Tỳkhưu.
Chư Tỳkhưu không được quan hệ tình dục bất cứ hình thức nào, với bất cứ hữu tình nào, cho dù đó là người nam, thú cái, thú đực hay nữ ngạ quỷ (có loại ngạ quỷ gọi là vemānika, ban ngày khổ như ngạ quỷ, ban đêm xinh đẹp và an lạc như chư thiên hoặc ngược lại. Hay chúng có nửa tháng khổ như ngạ quỷ, nửa tháng thì an lạc như chư thiên) …
Đời sống của Tỳkhưu thường được gọi là “đời sống phạm hạnh ”, như chúng ta thường gặp trong kinh văn: “Vị Tỳkhưu sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya) trong giáo pháp này.”
b- Thế nào là phạm hạnh.
*-Brahmacariya theo nghĩa ngữ là “hạnh (của vị) phạm thiên”, nên brahmacariya thường được dịch là phạm hạnh [26].
Vị Phạm thi1ên không có sắc nam tính hay sắc nữ tính nên không có quan hệ tình dục.
Và chữ phạm hạnh, thường được hiểu là “không hành dâm”.
Nữ cư sĩ Migasāla có bạch hỏi Trưởng lão Ānanda rằng:
“Kathaṃ kathaṃ nāmāyaṃ, bhante Ānanda, Bhagavātā dhammo desito aññeyyo, yatra hināma brahmacārī ca abrahmacārī ca ubho samasamagatikā bhavissanti abhisamparāyaṃ.
“Như thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai sống phạm hạnh và không phạm hạnh đều đồng đẳng về sinh thái trong tương lai?
Pitā me , bhante, Purāṇo brahmacārī ahosi ārācārī virato medhunā gāmadhammā. So kālaṅkato Bhagavātā byākato sakadāgāmisatto, Tusitaṃ kāyaṃ upapannoti
Purāṇa cha của con, thưa Tôn giả, sống phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita (Đẩusuất).
Petteyyopi me, bhante, Isidatto abrahmacārī ahosi sadārassantuṭṭho. Sopi kālaṅkato Bhagavātā byākato sakadāgāmipatto Tusitaṃ kāyaṃ
Còn Isidatta cậu của con, thưa Tôn giả sống không phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita”..[27]
Đoạn kinh văn trên cho chúng ta hiểu ý nghĩa của phạm hạnh và không phạm hạnh.
Và Đức Phật đã mở rộng ý nghĩa “phạm hạnh”, tức là ngoài ý nghĩa thông thường là “không hành dâm”, Ngài còn định nghĩa: “Đời sống phạm hạnh là sự tu tập bát chánh đạo”.
“Katamañca, bhikkhave, brahmaññaṃ? Ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, seyyathidaṃ – Sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo, sammāvācā, sammākammanto, sammā-ājīvo, sammāvāyāmo, sammāsati, sammāsamādhi. Idam, vuccati, bhikkhave, brahmaññaṃ
Và này các Tỳkhưu, thế nào là phạm hạnh? Chính là Thánh đạo tám ngành này. Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳkhưu, đây gọi là Phạm hạnh…[28]
Hay là:
“Pañcannaṃ bhikkhave, macchariyānaṃ pahānaya samucchedāya brahmacariyaṃ vuccati.
“Này các Tỳkhưu, do đoạn tận, cắt đứt năm pháp bỏn xẻn (maccchāriyā), phạm hạnh được thực hiện” [29].
Năm bỏn xẻn là: Bỏn xẻn trú xứ, bỏn xẻn gia đình, bỏn xẻn lợi dưỡng, bỏn xẻn tán thán và bỏn xẻn pháp.
Như vậy, phạm hạnh bao hàm những ý nghĩa:
– Không quan hệ tình dục.
– Tu tập theo bát chánh đạo.
– Đoạn trừ 5 pháp bỏn xẻn.
c- Tà hạnh (micchācārā).
Tà hạnh là “làm sái quấy”, chữ kāmesu micchācārā theo ngữ nghĩa là “làm sái quấy trong dục”.
“Làm sai trong dục”, đối với cư sĩ thường mang ý nghĩa “quan hệ tình dục sai quấy”, nhưng đối với Tỳkhưu mang ý nghĩa rộng hơn, nhưng không ám chỉ “quan hệ tình dục”.
Tuy đồng ngữ, nhưng tùy theo đối tượng mà nghĩa khác nhau. Như nói: “Học giới (sikkhāpadā)”, nếu là cư sĩ, sẽ hiểu đó là năm giới hoặc tám giới; nếu là Sadi, sẽ hiểu là mười giới; nếu là Tỳkhưu, sẽ hiểu là hơn 150 điều học được Đức Thế Tôn chế định cho chư Tỳkhưu.
“Sādhikamidaṃ, bhikkhave, diyaḍḍhasikkhāpadasataṃ anvaddhamāsaṃ uddesaṃ āgacchati…
“Này các Tỳkhưu, bản đọc tụng này, gồm hơn 150 giới cần phải đọc nửa tháng một lần…. [30]
(Học giới nếu theo nghĩa rộng, chung cho cả bậc xuất gia lẫn tại gia, thì đó là ba chi phần: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng).
Lại nữa, Đức Phật có dạy:
“Pañcahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu yathābhataṃ nikkhitto evaṃ niraye. Katamehi pañcahi?
Pāṇātipātī hoti, adinnādāyī hoti, abrahmacārī hoti, musāvādī hoti, surāmerayamajjapāmādatthāyi hoti.
“Này các Tỳkhưu, thành tựu năm pháp, Tỳkhưu như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục”. Thế nào là năm?
“Sát sanh, lấy của không cho, sống không phạm hạnh, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu” [31].
Và:
“Pañcahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato upāsako sārajjaṃ okkanto hoti. Katamehi pañcahi?
Pāṇātipātī hoti, adinnādāyī hoti, kāmesumicchācārī hoti, musāvādī hoti, surāmerayamajjapāmādatthāyi hoti.
“Này các Tỳkhưu, thành tựu năm pháp, nam cư sĩ tương xứng rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?
“Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. [32]
So sánh hai đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy “Tỳkhưu chỉ quan hệ tình dục” đủ tương xứng rơi vào địa ngục, còn nam cư sĩ thì phải “quan hệ tình dục sái quấy” mới tương xứng rơi vào địa ngục.
Như vậy, “làm sái quấy trong dục lạc” đối với Tỳkhưu, không ám chỉ quan hệ tình dục, trái lại mang ý nghĩa rộng hơn.
*- Tà hạnh trong dục lạc đối với Tỳkhưu.
Đễ hiểu rõ ý nghĩa này, chúng ta tìm thấy trong tạng Luật, Bộ Đại phân tích Tỳkhưu giới, một vài trường hợp điển hình cho “làm sái quấy trong dục lạc”, như:
– “Vị Tỳkhưu cố ý di tinh, có tội Tăng tàn (saṅghadisesa) (sđd – điều Tăng tàn thứ nhất)”.
– Vị Tỳkhưu bị chi phối với tâm quấy (là tâm bị ái dục chế ngự), cảm hưởng xúc thân với nữ nhân, là sự cầm tay, hoặc nắm vuốt tóc, tay rờ chạm bất cứ chi thể nào (của nữ nhân), thì có tội Tăng tàn (sđd: điều Tăng tàn thứ hai)…”.
Hàng động sái quấy trong dục lại ở đây là “thân đắm nhiễm trong dục lạc”, hay “thân thụ hưởng dục lạc sái quấy”.
Đối với Tỳkhưu “làm sái quấy trong dục lạc”, mang ý nghĩa là “phạm hạnh bị khuyết điểm, bị bể vụn, bị ô nhiễm”.
Bàlamôn Jānussoṇi có hỏi Đức Phật:
“Kiṃ pana bho Gotama, brahmacariyassa khaṇḍampi chiḍḍampi sabalampi kammāsampī’ti?
– Thưa Tôn giả Gotama, như thế nào phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm?.
Đức Phật trả lời:
“– Ở đây, này Bàlamôn, có Sa môn hay Bàlamôn, tự xem mình sống phạm hạnh một cách chân chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa bóp, tắm sức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích (vittiṇ apajjati) bởi nữ nhân. Này Bàlamôn, đây gọi là phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục; không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu não. Ta nói rằng không thoát khỏi khổ.
Tiếp theo Đức Thế Tôn tuần tự nêu ra những trường hợp phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm như:
– Tuy không có hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ được nữ nhân thoa bóp, tắm, sức dầu. Nhưng cười giỡn (sañjagghati), chơi đùa, vui chơi với nữ nhân… (Phạm hạnh bị khuyết điểm- Ns).
– Tuy không cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, nhưng mắt nhìn mắt (upanijjhāyati), liếc mắt nhìn (theo) nữ nhân… (Phạm hạnh bị lấm nhơ – Ns).
– Tuy không lấy mắt nhìn mắt, liếc mắt nhìn (theo) nữ nhân, nhưng lắng nghe tiếng cười, tiếng hát, tiếng khóc (của nữ nhân) ngang qua vách, ngang qua hàng rào...
– Tuy không lắng nghe tiếng cười, tiếng hát, tiếng khóc (của nữ nhân) … nhưng nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân…
– Tuy không nhớ đến tiếng cười…, nhưng xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục tăng trưởng (kāmaguṇa)…
– Tuy không xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức, thích thú trong năm dục trưởng dưỡng. Nhưng sống phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư thiên, nguyện rằng: “với giới này hay giới cấm này, ta sẽ thành một thiên nhân này hay một thiên nhân khác”. (Phạm hạnh bị điểm chấm- Ns). [33]
Lại nữa, làm hư hoại đời sống phạm hạnh, phần lớn nữ nhân là đối tượng chính, nên kāmesu micchācāra (hành sái quấy trong dục lạc) có liên quan nhiều đến nữ nhân.
“Nāhaṃ bhikkhave, aññan, ekarūpampi yaṃ evaṃ purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati yatthayidaṃ, bhikkhave itthirūpaṃ.
Itthirūpaṃ, bhikkhave, purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhatī ’ti….
“Này các Tỳkhưu, ta không thấy một sắc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm (cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati) người nam nhưsắc người nữ.
Này các Tỳkhưu, sắc người nữ xâm chiếm và ngự trị tâm người nam”.[34]
(Bài kinh trên bao gồm cả người tại gia lẫn bậc xuất gia).
Dĩ nhiên, nam nhân cũng là đối tượng làm hư hoại đời sống phạm hạnh của nữ nhân, quyến rũ nữ nhân rơi vào tà hạnh, nhưng kinh văn chỉ đề cập đến những hạng nữ nhân không nên quan hệ tình dục bất chánh, nhằm mục đích ngăn ngừa sự tai hại cho nữ nhân, đồng thời cảnh báo đối với nam nhân.
Mặt khác, trong lãnh vực này, nếu người nam không muốn quan hệ tình dục thì nữ nhân đành chịu, còn khi nữ nhân không muốn vẫn bị cưỡng bức, do ảnh hưởng sức mạnh từ thân.
Như Ngài Anuruddha bị các cô thiên nữ quấy nhiểu, Ngài vẫn an nhiên bất động, trái lại vị Thánh nữ Upālavaṇṇā lại bị thanh niên Nanda cưỡng bức.
Câu chuyện sau đây minh họa cho trường hợp nam nhân quyến rũ nữ nhân, làm hoại đời sống phạm hạnh của nữ nhân, tóm lược như sau:
Nữ khổ hạnh Saccatapāvī.[35]
Tương truyền, ngày xưa có một nữ tu khổ hạnh là Saccatapāvī, nàng ở trong một thảo am nơi nghĩa địa, gần thành Bāraṇasī (Balanại), mỗi ngày nàng dùng có một bữa trong số 5 bữa ăn.
Danh tiếng của nữ đạo sĩ lan rộng khắp kinh thành, đến nỗi khi vấp ngã hay hắt hơi, họ đều gọi “cầu phúc cho Saccatapāvī”.
Vào một lễ hội, một người thợ kim hoàn say rượu, lúc nôn tháo đã kêu lên “cầu phúc cho Saccatapāvī”. Một người thợ kim hoàn khác cho rằng:
– Anh thật mù quáng khi tôn trọng một nữ nhân có tính khí bất thường.
– Này anh, chớ nói như vậy, nói như vậy sẽ rơi vào địa ngục đấy.
Thế là, họ tranh cải nhau và người thợ kim hoàn khôn ngoan đánh cuộc ngàn đồng tiền vàng với người kia, “trong vòng 7 ngày y sẽ quyến rũ được nữ đạo sĩ Saccatapāvī”.
Và y giả dạng một vị đạo sĩ khổ hạnh, đi đến nơi trú ngụ của nữ đạo sĩ Saccatapāvī, vào ngày thứ bảy y đã quyến rũ được nữ đạo sĩ hoàn tục, trở thành vợ của y.
*-Tà hạnh trong dục lạc đối với cư sĩ.
Với nam cư sĩ, kāmesu micchācāra được hiểu là “quan hệ tình dục bất chánh (là quan hệ tình dục với nữ nhân khác ngoài vợ nhà)”.
Người nam không nên quan hệ bất chánh đến hai mươi hạng người nữ là:
Mười hạng nữ nhân (chưa có chồng).
1- Nữ nhân được mẹ gìn giữ (māturakkhitā).
2-Nữ nhân được cha gìn giữ (piturakkhitā).
3- Nữ nhân được mẹ, cha gìn giữ (mātāpiturakkhitā).
4- Nữ nhân được anh gìn giữ (bhāturakkhitā).
5- Nữ nhân được chị gìn giữ (bhaginīrakkhitā).
6- Nữ nhân được thân tộc gìn giữ (ñātirakkhitā).
7- Nữ nhân được dòng tộc gìn giữ (gottarakkhitā).
8-Nữ nhân được pháp bảo hộ (dhammarakkhitā).
9- Nữ nhân có hôn ước (sārakkhā).
10- Nữ nhân đang thụ án (đang bị tù tội) (saparidaṇḍā).
Như kinh văn có ghi nhận:
“Kāmesumicchācārī hoti. Yātā māturakkhitā piturakkhitā mātāpiturakkhitā bhāturakkhitā bhaginirakkhitā ñātirakkhitā gottarakkhitā dhammarakkhitā.
“Này Cunda!… người ấy sống tà hạnh đối với các dục, tà hạnh với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị gìn giữ, có bà con gìn giữ, có pháp gìn giữ (dhammarakkhita)” [36].
Mười hạng vợ (của người khác), không nên quan hệ tình dục với họ là:
1- Vợ được mua bằng tiền (dhanakkitā).
2- Vợ được tác thành do thương yêu nhau (chandavāsinī).
3- Cho tài sản đến nữ nhân, rồi nữ nhân ấy thành vợ (bhogavāsinī).
4-Do cho y phục rồi nữ nhân ấy thành vợ (paṭavāsinī).
5- Vợ do rải nước (odapattagginī).
Đây là một trong những phong tục xưa của người Ấn cổ, phong tục này hiện còn ở Tích Lan.