Mahà Kasapa: Phần 4 – Vai Trò Của Ca Diếp Sau Khi Phật Nhập Niết Bàn & Những Di Ngôn Của Ðại Ca Diếp

Phần 4

 

VIII. VAI TRÒ CỦA ÐẠI CA DIẾP SAU KHI PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Phần tiếp theo nói về Ðại Ca Diếp có lẽ sẽ là vai trò chính của ông (hợp tác với A Nan Ðà) trong việc hướng dẫn Tăng già, sau khi đức Phật đã viên tịch. Lúc đức Phật qua đời, chỉ có hai trong số năm đại đệ tử có mặt bên thân đức Bổn Sư là đôi anh em A Nan Ðà và A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha). Còn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã nhập Niết Bàn trước đức Phật. Riêng Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa) người đứng đầu ngũ đại đệ tử (gồm Ðại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nậu Lâu Ðà và A Nan Ðà) thì đang trên đường hóa đạo, cùng với đông đảo chư Tỳ-khưu, từ phía Pàvà đổ về thành Kusinàrà.

Trong cuộc du hành, mỗi lần mỏi mệt, Ðại Ca Diếp và đoàn tùy tùng, thỉnh thoảng dừng lại nghỉ chân bên đường. Lúc ấy có một đạo sĩ lõa thể đi qua. Ðạo sĩ trên mình mang một tràng hoa Mạn Ðà La (Mandaràva), một thứ bảo vật mà nhân gian thuở bấy giờ quan niệm là chỉ từ cõi trời rơi xuống! Ðại Ca Diếp thấy hoa ấy liền nghĩ rằng: “Phải một biến cố trọng đại gì đó thì có hoa quý nầy mới xuất hiện trên cõi trần”.

Ðoạn để mở đầu câu chuyện về xuất xứ của hoa Mạn Ðà La, Ðại Ca Diếp vốn biết rõ những đạo sĩ lõa thể rành nhiều tin tức trên thế gian lắm, nên trước tiên hỏi về đức Phật. Viên đạo sĩ lõa thể liền vui vẻ thông báo rằng “Ðức Thế Tôn Cồ Ðàm đã nhập Niết bàn cách nay một tuần lễ. Hoa Mạn Ðà La nầy do ông lượm được gần chỗ sẽ tổ chức lễ hỏa táng!”

Nghe xong, trong đoàn tăng lữ của Trưởng lão Ðại Ca Diếp, chỉ có những Sa-môn nào đã đắc Thánh quả A-la-hán thì mới giữ vẻ thanh tịnh, còn hầu hết phàm Tăng chưa hết phiền não, thì đồng loạt tỏ ra buồn khổ, than khóc thảm thiết. Họ cùng nói lên câu thương tiếc đức Bổn Sư rằng: “Khi đấng Giác Ngộ đã ra đi thì ánh đạo soi sáng tâm hồn u tối trên thế gian nầy không còn nữa! “.

Tuy nhiên, cũng có một Tỳ-khưu (đến lão niên mới xuất gia) tên Subhadda, vì trình độ thấm nhuần Phật giáo chưa được đầy đủ, nên ông tỏ ra vui mừng, “phân tích” với một số đồng đạo rằng: “Nầy chư huynh đệ! Hơi đâu mà quý vị buồn khóc. Ðức Cồ Ðàm chết đi là chúng ta trút gánh nặng, không bị ai khiển trách, chế ra điều luật nghiêm túc nầy, đặt ra phương pháp tu hành khổ sở kia! Chúng ta hiện tại đã hoàn toàn tự do, ai muốn làm chi thì làm, không còn sự e sợ gì hết!”

Bình thường, trước một Tỳ-khưu vô kỷ luật như thế, Ðại Ca Diếp đã quở trách một cách nghiêm khắc, có khi ông xứng đáng bị Ðại Ca Diếp khai trừ khỏi Tăng đoàn là đàng khác!. Nhưng trong trường hợp vừa được tin đức Phật viên tịch, Ðại Ca Diếp đã im lặng. Có lẽ Ðại Ca Diếp không muốn trong tình trạng hoang mang vì “mất thầy” ấy, có một sự trừng phạt nặng nề hay tranh luận trong hàng ngũ những phàm Tăng! Sự sáng suốt của một Thánh nhân phần nhiều người đời khó phân tích được!

Nếu nhất thời sự im lặng của Ðại Ca Diếp đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, thì hành động của ông sau nầy phải làm cho chúng ta hiểu rõ. Ðó là việc Ðại Ca Diếp là người đầu tiên đề nghị khẩn cấp, cần phải có một cuộc toàn Thánh tăng kết tập Phật ngôn thành hệ thống! (Các thế kỷ sau nầy người ta quen gọi là “Kết tập Tam Tạng”) Khi đề nghị kết tập Phật ngôn thành hệ thống, Ðại Ca Diếp cũng không quên nhắc lại làm lý do những lời nói vô kỷ luật của Tỳ-khưu lão niên xuất gia, tên Subhadda kia!

Ðại Ca Diếp tuy không nói năng gì đến Tỳ-khưu vô kỷ luật ấy, nhưng ông đã hiền hòa an ủi các phàm Tăng khác không ngừng khóc lóc, thương tiếc đức Bổn Sư. Ông giảng giải, nhắc rõ cho họ nhớ rằng: “Mọi vật đều vô thường, hễ cái gì có sinh ra thì phải có tử, tan rã, biến mất!”. Rồi ông dẫn cả Tăng đoàn gấp rút đi về thành phố Kusinarà…

Lúc ấy nhục thân của đức Phật đã an định trên giàn hỏa. Nhưng không ai có thể châm lửa được, vì mọi mồi lửa dù cháy mạnh đến đâu, khi đến gần kim quan của đức Phật cũng đều tự nhiên tắt ngấm. Trong khi toàn thể Tăng và tín đồ Phật tử đang có mặt ngạc nhiên cho là chuyện lạ, thì giáo đoàn của Ðại Ca Diếp cũng vừa tới…

Theo lời tiết lộ của Thánh Tăng thiền sư A Nậu Lâu Ðà thì sở dĩ có hiện tượng “mồi lửa tự nhiên tắt ấy”, là vì Thiên chúng, tập trung một cách vô hình để dự lễ, đã dùng phép lạ ngăn cản, dập tắt sự cháy! Họ (chư Thiên) cố ý chờ đợi Ðại Ca Diếp Trưởng lão đến nơi, để nhìn thấy nhục thân đức Phật lần sau cùng! (Lời thêm của dịch giả: Nhục thân của đức Phật được đặt trong kim quan, nhưng không đậy nắp. Ai đến lễ bái cũng có thể nhìn thấy thân Phật).

Khi Trưởng lão Ðại Ca Diếp đến gần giàn hỏa nhìn mặt đức Bổn Sư lần cuối cùng, rồi “nhiễu Phật” (đi xung quanh quan tài) ba vòng xong, thì toàn thể Sa-môn trong Tăng đoàn của ông cũng lễ bái tương tự…!

Theo kinh điển thuật lại thì lửa đã tự nhiên bốc cháy lúc Ðại Ca Diếp quỳ mọp tại chân quan tài của đức Phật, cùng toàn thể đảnh lễ cầu phép hỏa táng!

Nhục thân của đấng Thiên Nhân Sư vừa biến ra hài cốt (Xá lợi) sau ngọn lửa trà tỳ, thì một cuộc tranh chấp đã xảy ra suýt gây chiến tranh, chỉ vì vương tước địa phương không muốn chia phần Thánh vật, cho những sứ giả của các cộng đồng lân quốc ngưỡng mộ đức Phật từ phương xa cử đến. Trưởng lão Ðại Ca Diếp, Thiền sư A Nậu Lâu Ðà và Tôn giả A Nan Ðà, tuy là ba đại tông đồ có thẩm quyền trong việc ấy, nhưng nghiệp lực xung đột của những người đòi Thánh vật quá nặng, nên ba vị phải làm thinh, đặt mình ra ngoài vòng tranh chấp!

Lúc ấy có một thiện sĩ Bà-la-môn, tên Dona, nhờ tài ngoại giao, mà uy tín từ lâu đã lan rộng các vùng, ông nầy cuối cùng đã giải hòa được mọi bất đồng giữa các vương tước và sứ giả. Rồi đích thân làm ông trọng tài, chia thánh cốt (Xá lợi) ra làm tám phần bằng nhau, để phân phối cho tám phe tranh chấp. Riêng cá nhân ông, ông chỉ xin được nhận cái bình đựng Xá lợi, đem về tạo tháp tôn thờ.

Trưởng lão Ðại Ca Diếp là người nhận trách nhiệm đem phần Xá lợi chia đến nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) giao cho quốc vương A Xà Thế (Ajàta Satta). Trong khi trên đường thi hành công tác đó, Trưởng lão Ðại Ca Diếp bèn suy nghĩ “Di sản hài cốt của đức Bổn Sư được lưu truyền như thế nầy, thì di sản tinh thần là Phật ngôn phải được bảo tồn ra làm sao?”. Ông lại nhớ đến những lời nói vô ý thức của Tỳ-khưu lão niên xuất gia Subhadda, như một thách đố của dấu hiệu suy đồi kỷ luật trong Phật giáo. Những lời lẽ cổ võ cho hành động buông trôi, tự do phá giới kia, được ông xem như hồi chuông báo động: Nếu gương xấu của Subhadda mà lan rộng ra thì ngày tàn của phẩm hạnh Tăng già và giáo lý giải thoát đã đến ngay khi đức Phật nhập diệt!

Và để chận đứng tình trạng mạt pháp quá sớm ấy, Trưởng lão Ðại Ca Diếp vội nghĩ đến chuyện triệu tập nhanh chóng đại hội Thánh Tăng, để đúc kết Phật ngôn thành hệ thống Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) hầu lưu lại Phật giáo chánh thống cho đời sau.

Sau đó, công việc còn lại là Ðại Ca Diếp phải đích thân đem phổ biển đề nghị ấy đến tất cả Sa-môn có mặt trong và ngoài kinh đô Vương Xá. Ðoạn ông được tất cả tán thành cử ông làm người triệu tập 499 “nghị sư” Trưởng lão, tất cả phải là thánh nhân A-la-hán, cộng với Tôn giả A Nan Ðà để có một đại hội năm trăm vị đại Sa-môn.

A Nan Ðà lúc đó tuy chưa chứng giải thoát A-la-hán, nhưng ông có trí nhớ phi thường, và là người được trực tiếp nghe hầu hết những bài pháp của đức Phật. Lịch sử Phật giáo cũng chép: “A Nan Ðà, trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh điển (gồm Pháp = Dhamma và Luật = Vinaya) là một phàm Tăng, nhưng nhờ tinh tấn và quyết tâm, ông đã đắc Thánh quả A-la-hán vào lúc rạng đông ngày đầu đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất. (Mời quý đạo hữu xem cuốn “Cuộc Ðời Thánh A Nan Ðà ” cùng một dịch giả đã ấn tống).

Trong lúc năm trăm vị A-la-hán hội hợp kết tập Phật ngôn thành kinh điển tại một cái động gần Vương Xá thành thì tất cả những tu sĩ Phật giáo khác được yêu cầu phải rút lui về tịnh thất của mình, chăm chỉ tu hành, không được di chuyển loạn động.

Phần thứ nhất trong cuộc kết tập kinh điển là nhắc lại những điều luật mà đức Phật đã dạy. Sa-môn Upali là người nhớ nhiều luật cấm nhất, đã được Trưởng lão Ðại Ca Diếp, trong vai chủ tọa, yêu cầu lập lại nguyên văn. Phần thứ hai thuộc về xếp loại toàn thể những bài kinh, tức là những lời thuyết giảng đức Phật khi còn sinh tiền, chu du trong suốt bốn mươi lăm năm trường ban bố chánh pháp đến nhân loại. A Nan Ðà là một Sa-môn nghe nhiều và có trí nhớ vô song, nên được chủ tọa Ðại Ca Diếp yêu cầu tụng lại tất cả. Nhờ đó mà các cuộc kết tập kinh điển sau nầy mới có đủ Phật ngôn để chép ra năm bộ A Hàm, lập thành tạng Kinh (Sutta Pitaka). Sách vở những đời sau thường tuyên dương A Nan Ðà là bậc thừa truyền Pháp bảo, chính vì lẽ đó!

Tổng kê trong kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất nầy chỉ có hai tạng là tạng Kinh (Sutta Pitaka) và tạng Luật (Vinaya Pitaka) mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề linh tinh được nêu lên sôi nổi trong đại hội. Ðó là sự tranh tụng giữa Tăng già về một số các điều luật “vụn vặt” được A Nan Ðà thuật lại là đức Phật, trước khi nhập Niết bàn, đã cho phép hủy bỏ. Nhưng khi Ðại Ca Diếp chất vấn A Nan Ðà về nguyên tắc do đức Phật đã dạy, để ấn định “thế nào là điều luật vụn vặt” thì A Nan Ðà chưa nghe Phật nói, nên không thể trả lời được. A Nan Ðà liền ân cần nhận lỗi vì ông đã sơ ý, không hỏi kỹ đức Bổn Sư về những nguyên tắc ấn định các điều luật vụn vặt ấy.

Tiếp theo, đa số ý kiến của chư Thánh Tăng trong đại hội về vấn đề nầy nhất thời không giống nhau. Hầu hết họ chỉ bình phẩm, chứ không chịu nói rõ “điều nào là một giới luật vụn vặt để có thể hủy bỏ!” Sau cùng chủ tọa Ðại Ca Diếp phải tuyên bố:

“Kính bạch chư tôn túc, chư huynh đệ! Chúng ta không có quyết định đa số, chúng ta cũng không có những nguyên tắc để ấn định các điều luật vụn vặt nào có thể hủy bỏ! Bần Tăng xin đề nghị chúng ta nên giữ đúng tất cả những điều răn mà Phật đã để lại! Hơn nữa, đức Bổn Sư mới viên tịch chẳng bao lâu, nếu các hàng tông đồ đệ tử Phật bắt đầu xét lại lời răn nầy, hay hủy bỏ điều luật kia, thì người đời sẽ dị nghị, họ sẽ nghĩ rằng “Chư đệ tử ông Cồ Ðàm, khi thầy khuất bóng muốn giảm bớt luật lệ để được tự do!”, khiến cho những kẻ tín tâm sẽ giảm đức tin trong Phật giáo! Vậy một lần nữa bần đạo nhân danh chủ tọa đại hội tuyên bố: “Ðiều nào đức Phật đã răn dạy, chư đệ tử phải tuyệt đối gìn giữ, không được phân biệt khinh trọng (Theo Tiểu Phẩm, trong tạng Luật số XI – Cùlavagga XI Vinaya).

Sau khi đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất kết thúc, phẩm vị được kính trọng và vai trò của Trưởng lão Ðại Ca Diếp trong tăng lữ, mỗi ngày một trở nên to lớn hơn. Ðại Ca Diếp có thể xem như vị chưởng môn Phật giáo đầu tiên. (Ngày nay chúng ta gọi là chức Tăng Thống). Bởi vì ông chẳng những là một vị Sa-môn cao hạ () nhất, mà ông còn là vị Trưởng lão lớn tuổi nhất trong hàng các đại Thinh Văn đệ tử Phật còn sống. (Theo chú giải thì lúc tổ chức đại hội ấy, Ðại Ca Diếp đã thọ đến 120 tuổi. Nhưng có một giáo sử khác lại ghi ông lớn hơn đức Phật 40 niên kỷ, thành thử khi Ðại Ca Diếp gặp Phật và chính thức làm đệ tử, ông đã là một lão đạo sĩ 75 tuổi rồi! Xác định tuổi tác của một nhân vật cách nay hơn 25 thế kỷ là một điều rất khó. Nhưng dịch giả vẫn ghi chép vào đây để quý đạo hữu rộng đường tra cứu!)

Một dữ kiện lịch sử khác mà các hàng Phật tử cũng cần biết là cái bình bát của đức Phật, sau khi Ngài nhập diệt, đã được toàn thể Tăng chúng giao Ðại Ca Diếp cất giữ! Bình bát nầy về sau, Ðại Ca Diếp lại trao lại cho A Nan Ðà trước khi lên đường vào rừng thọ hạnh đầu đà rồi tuyệt tích. Hành động truyền bát của Ðại Ca Diếp được ghi lại như thế tượng trưng cho sự nối tiếp trách nhiệm bảo tồn Phật giáo.

Căn cứ trên những dữ kiện đó, chúng ta có thể kết luận rằng: Tuy Phật ngôn đã dạy “Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, chư đệ tử hay lấy kinh luật làm thầy!”, nhưng Ðại Ca Diếp vẫn là người đầu tiên thay thế đức Phật để hướng dẫn Tăng chúng.

Rất tiếc là trong toàn thể kinh điển Pàlì, không có chỗ nào nói đến thời gian và địa điểm chính xác nơi thánh Ðại Ca Diếp đã viên tịch.

 

  1. NHỮNG DI NGÔN CỦA ÐẠI CA DIẾP

Theo kinh điển Phật giáo, phần “Tôn Túc Kệ ngôn” (Theragàthà) thì có 40 đoạn giáo thi, đánh số từ 1051 đến 1090, được ký tên tác giả là Thánh Tăng Ðại Ca Diếp. Những đoạn giáo thi nầy (hay còn gọi là kệ ngôn) phần nhiều phản ảnh một số những phẩm tính và đức hạnh riêng biệt của vị Trưởng lão chuyên sống bằng pháp đầu đà (Dhutanga). Chẳng hạn sự diễn tả vẻ hài lòng với y phục khắc khổ, tuyệt đối tri túc (chỉ cần những nhu cầu tối thiểu), nghiêm khắc với chính mình và với đồng đạo, luôn luôn giữ tinh thần độc lập và tự tin, ưa thích cảnh cô độc, tránh xa mọi đám đông, miệt mài trong thanh tịnh và an lạc với các bậc thiền.

Mặt khác, những kệ ngôn văn vần ấy cũng biểu lộ những cảm khái của Thánh Tăng trước vẻ đẹp bình lặng của thiên nhiên xung quanh ông, mà chúng ta không thể tìm thấy nội dung tương tự trong những bài kinh văn xuôi.

Ở đây, soạn giả chỉ xin cống hiến quý vị một vài đoạn trích trong hai bản dịch của C.A. F. Rhys Davids và của K.R. Norman. Ðạo hữu nào muốn đọc tất cả, hãy tìm các dịch phẩm của hai học giả nói trên. Cả hai tài liệu quý báu ấy đều được Pàlì Text Society, London xuất bản.

  1. Bài trích thứ nhất

Gồm bốn kệ ngôn ghi các số 1054, 1055, 1056 và 1057 sau đây, có tựa là:

“LỜI KHUYẾN KHÍCH CHƯ SA-MÔN THỰC HÀNH HẠNH TRI TÚC TRƯỚC BỐN MÓN VẬT DỤNG” ()

(1054)
Từ sơn cốc một hôm mang bát.
Vào xóm làng khất thực độ đời…
Thấy người cùi bên chén cơm côi.
Dừng chân lại Sa-môn đứng đợi.
(1055)
Kẻ bất hạnh đôi tay lở lói,
Ðặt vào bình vài nắm cơm thôi.
Chợt ngón tay cùi thoắt gãy rời…
Rơi vào bát giữa phần ăn lạnh!
(1056)
Nhìn vật thực Sa-môn thiền quán…
Ăn để tu sống hạnh thoát trần!
Cầu nguyện cho thí chủ vẹn thân!
Không nhờm gớm pháp lành an trụ!
(1057)
Ðược ít, nhiều… Sa-môn vẫn đủ!
Cơm trì bình, thuốc nước tiểu bò
Chỗ ở cùng y phục đơn sơ!
Dưới bóng mát Sa-môn cư ngụ.

  1. Bài trích thứ hai:

Gồm bốn kệ ngôn ghi các số 1058, 1059, 1060, 1061 có tựa là:

“ÐẠI CA DIẾP TRẢ LỜI VÌ SAO TUỔI ÐÃ GIÀ ÔNG VẪN SẴN SÀNG KHỔ HẠNH “

(1058)
Ðầu đà leo núi có chi mệt mỏi?
Thừa hưởng pháp lành trí đạt thần thông!
Thiền lực đắc rồi thắng mọi nhọc thân
Ca Diếp nhất nguyện cao sơn thanh tịnh.
(1059)
Hằng khất thực trở về đỉnh núi.
Mỏm đá lại ngồi an định như không!
Sống với cõi thiền sức mạnh vô song.
Tâm không sợ hãi thân không đòi hỏi.
(1060)
Hằng ngày khất thực quay về đỉnh núi.
Mỏm đá cũ ngồi an định như không!
Sống với cõi thiền sức mạnh vô song.
Lìa phiền não Sa-môn tròn phạm hạnh!
(1061)
Hằng ngày khất thực rồi về đỉnh núi.
Mỏm đá cao ngồi an định như không…!
Nhập các cõi thiền sức mạnh vô song.
Tâm trong suốt, ý hoàn toàn giải thoát.
Bởi thế khi già Sa-môn giữ trót,
Khổ hạnh đầu đà làm phép dưỡng sinh!

  1. Bài trích thứ ba:

Gồm 10 kệ ngôn, ghi các số 1062 đến 1071, theo thứ tự từ thấp tới cao. Tất cả mang chung một nội dung là:

“TẠI SAO ÐẠI CA DIẾP ÐÃ GIÀ VẪN THÍCH Ở TRONG RỪNG, TRONG NÚI, THAY VÌ ÔNG CÓ THỂ AN NGỤ TRONG CÁC TU VIỆN LỚN NHƯ TRÚC LÂM HAY KỲ VIÊN?”

(1062)
Cảnh rừng núi làm Sa-môn phấn khởi.
Những dây leo giăng hoa lá xung quanh.
Khi đàn voi kêu kéo trở lại rừng…
Trên mỏm đá lòng Sa-môn thoải mái.
(1063)
Nhiều thạch khối với màu mây xanh đậm.
Nhiều sơn khê có suối nước pha lê.
Ðom đóm đêm khoe ánh sáng tư bề…
Tọa thân trên đá Sa-môn thư thái.
(1064)
Nhìn đỉnh núi hình tháp cao, mây phủ.
Kiến trúc thiên nhiên, tòa đá trơ trơ.
Thánh nhạc là chim đua hót líu lo.
Ngắm cảnh núi cao lòng càng cảm khái!
(1065)
Khi mưa đổ, rừng xanh tươi mát.
Tiếng chim muông gọi bọn khắp tứ bề.
Nước dội vào vách đá sạch sơn khê.
Ðem sinh khí cho cỏ cây non mới.
(1066)
Những cảnh ấy làm Sa-môn vững chí
Nguyện tham thiền trong cô độc triền miên
Vách đá càng cao nguyện vọng cần chuyên.
Tâm hành giả càng mau vào Thánh đạo
(1067)
Quả thánh giúp cho Sa-môn nhất quyết.
Sống giữa rừng tịnh lạc kiếp tự do…!
Ðời tu hành tinh tấn hóa thành thơ.
Rèn chánh hạnh không chờ ai nhắc nhở.
(1068)
Trên khung trời, dưới hoa gai đậm đỏ.
Màu thiên thanh hòa với lá gai xanh.
Khí thu về tia nắng hóa vàng hanh.
Rơi trên lá phủ một màu chín ối!
(1069)
Rừng núi ấy không bị ai làm chủ.
Chỉ hưu, nai, cầm thú vãng lai thôi.
Những cánh chim bay tô điểm khung trời
Thiền trên mỏm đá tâm thường an lạc.
(1070)
Uống nước rừng, những ngụm tuyền trong vắt.
“Gặp gỡ” thường các nai, khỉ trên ngàn…
Bờ suối rêu xanh dịu mát thời gian.
Bên trên đó là thạch đoàn nhập định.
(1071)
Chẳng cần nhạc thế gian vào cảm thính.
Niềm vui Sa-môn vốn ở trong thiền!
Tâm đã tịnh rồi phỉ lạc triền miên.
Linh quang giác ngộ bừng lên thấy tánh!

  1. Bài trích thứ tư:

Gồm bốn kệ ngôn, ghi các số từ 1087 đến 1090 có tựa là:

“ÐẠI CA DIẾP TỰ TRÀO”
(Có chỗ dịch là kinh “Ca Diếp Sư Tử Hống” tức là ví lời tự trào của Ðại Ca Diếp như “tiếng gầm con sư tử!”).

(1087)
Trong số những người hoàn toàn Chánh giác,
Ngoại trừ Bổn Sư đức Phật Thích Ca.
Ca Diếp nầy thân tuyệt hạng đầu đà.
Không ai khác làm xa hơn hạnh ấy!
(1088)
Phục dịch Bổn Sư, bần Tăng đã trọn,
Lời dạy Bổn Sư thực hiện chu toàn.
Cái ngã làm người, trời, thú không còn.
Nguồn sinh tử xong kiếp nầy là hết!
(1089)
Phật Cồ Ðàm, đấng tận cùng giải thoát,
Vất bỏ ngai vàng, vật dụng tùy thân
Tánh Phật như sen, không nhiễm bụi trần.
Siêu tam giới, Ngài trở thành Ðại nhập!
(1090)
Tứ niệm xứ đã viên thành thuần thục!
Năng lực toàn tri Phật nắm trong tay.
Trí tuệ siêu sinh ấy chẳng phô bày,
Du phương hóa đạo tâm hằng tịch tịnh.

Và với những câu kệ ngôn, thoát dịch bằng thơ việt ngữ nầy, dịch giả xin chân thành kết thúc tập “GƯƠNG LÀNH THÁNH ÐẠI CA DIẾP”, một “Tuyệt Thánh Tăng” A-la-hán Phật.

Dịch xong tại Paris
Ngày 18 tháng 6 năm 1992
Dịch giả Nguyền Ðiều

-ooOoo-

Bài thơ:

TƯỞNG NIỆM ÐẠI CA DIẾP

Trong rừng vắng một bóng người thanh tịnh.
Ði, đứng, ngồi thiền, tiết chế oai nghi!
Người chẳng nằm để bớt ngủ mê si.
Không sợ đói, không ngại đời cô độc!
*
Ðại Ca Diếp, Sa-môn nguồn quý tộc.
Thuở thanh xuân từng của cải giàu sang.
Ruộng đất mênh mông hơn cả chục làng.
Nhưng phú quý khó giữ người chí thiện!
*
Rồi ngày kia khi bình minh xuất hiện,
Người ra đi cùng vợ đẹp trinh nguyên.
Ðôi bạn đời tuy kết nghĩa thuyền quyên.
Nhưng tiết hạnh vẫn trăng tròn, tuyết bạch!
*
Quyết tầm đạo, hai thân nguyền chia cách.
Chồng một nơi và vợ phải một nơi!
Hai lối đi, hai hướng nghịch phương trời…,
Mong tìm được đấng trọn lành cứu thế!
*
Duyên gặp Phật cả hai cùng hội thể,
Thờ chung thầy nhưng nam, nữ phân minh.
Ca Diếp từ khi gặp Phật nghe kinh,
Tu khổ hạnh nguyện thường xuyên gìn giữ.
*
Phép đầu đà mười ba điều thứ tự…
Mặc y vải dơ, lượm bãi tha ma.
Rừng vắng là nơi duy nhất làm nhà.
Mỗi buổi sáng ôm bình đi khất thực.
*
Ðộ tín thí không phân chia sang cực.
Ðược vật ngon hay được vật thô sơ.
Tất cả, người quán tưởng: “Ấy duyên cơ”.
Ăn để sống tu cuộc đời trong sạch!
*
Của bá tánh không nhận nhiều giữ cất,
Qua ngày mai hay lưu lại về sau.
Từng miếng cơm nhai tâm tịnh nguyện cầu,
Cho nhân loại trầm luân mau thoát khổ!
*
Rồi tuổi già chí không ngừng kiên cố.
Lấy pháp hành làm gương độ chúng sinh!
Giới luật trang nghiêm căn đức cứu mình.
Dùng thiền định đem đời vào tịnh lạc!
*
Tu khổ nhọc tâm không hề thắc mắc,
Ngày tháng quen thân rừng núi cheo leo,
Công hạnh viên dung, theo bước chân trèo…
Tuổi xế bóng người vô rừng biệt tích!
*
Từ độ ấy hiền Sa-môn vắng bóng.
Tên Thánh nhân còn lưu lại đời sau…
Ðệ tử hôm nay đốt nén hương cầu.
Ðại Ca Diếp gương lành còn sáng mãi.

Nguyễn Ðiều cẩn đề
Paris, Mùa Phật Ðản 1992

 

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app