Quán sát Thân trong Thân
(Niệm Thân)
(tiếp theo)
B.- Các Tư Thế Của Thân
Phần hai của chương nói về Niệm Thân có tên là “Các Tư Thế Của Thân”. “Tư thế” ở đây là bốn tư thế: Ði, Ðứng, Ngồi, Nằm. Thiền sinh phải chánh niệm trên cả bốn tư thế.
Lại nữa, này các thầy tỳ khưu, khi đang đi tỳ khưu biết “tôi đang đi”, khi đang đứng tỳ khưu biết “tôi đang đứng”, khi đang ngồi tỳ khưu biết “tôi đang ngồi”, khi đang nằm tỳ khưu biết “tôi đang nằm”, hoặc khi cơ thể làm gì thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy.
Ở đây, chữ “thầy tỳ khưu biết” có nghĩa là thiền sinh không hiểu biết hời hợt mà hiểu biết trọn vẹn, sâu xa những gì đang diễn tiến. Thiền sinh hiểu rõ ràng sự đi, đứng, ngồi, nằm. Khi đi, bạn phải hiểu rõ ràng rằng: “tôi đang đi”; khi đứng, bạn phải hiểu rõ ràng rằng: “tôi đang đứng”; khi ngồi, bạn phải hiểu rõ ràng rằng: “tôi đang ngồi”; khi nằm, bạn phải hiểu rõ ràng rằng: “tôi đang nằm”. Phải áp dụng chánh niệm trong mọi tư thế của cơ thể.
Câu sau cùng – “khi cơ thể làm gì thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy” – có nhiều lối giải thích:
Chú giải giải thích rằng câu này là một câu tổng quát nói đến bốn tư thế chính đã nói, không có gì khác. Có nghĩa là khi thiền sinh đi phải biết “tôi đang đi”, khi thiền sinh đứng phải biết “tôi đang đứng”, khi thiền sinh ngồi phải biết “tôi đang ngồi”, khi thiền sinh nằm phải biết “tôi đang nằm”.
Tác giả “Phụ chú giải” giải thích thêm: “thầy tỳ khưu biết, tôi đang đi khi đang đi v.v…” thì đó là nhấn mạnh đến từng tư thế một. Nhưng câu sau cùng của đoạn này: “khi cơ thể làm gì, thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy” nhấn mạnh đến toàn thể cơ thể. Do đó, khi biết toàn thể cơ thể đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm thì theo lời chỉ dẫn của câu cuối. Nhưng khi biết “tôi đang đi” khi đang đi… thì đã theo lời chỉ dẫn ở các câu trên.
Hòa thượng Mahaasi cho rằng câu: “khi cơ thể làm gì, thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy” bao gồm cả các tư thế hay động tác nhỏ như co tay, duỗi tay, cúi mình, nghiêng mình v.v… chứ không phải chỉ đề cập đến bốn tư thế hay oai nghi chính: đi, đứng, nằm, ngồi. Thiền sinh hành Thiền Minh Sát không thể bỏ qua các tư thế hay oai nghi nhỏ mà không chánh niệm. Khi không chánh niệm ghi nhận được những oai nghi nhỏ thì tham ái và tà kiến sẽ khiến bạn dính mắc vào chúng. Khi hành Thiền Minh Sát bạn phải chú tâm chánh niệm vào bất cứ những gì đang xảy ra trong hiện tại.
Bởi vậy câu “Khi cơ thể làm gì thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy” bao gồm tất cả mọi tác động của cơ thể. Khi hành Thiền Minh Sát không phải ta chỉ chú tâm chánh niệm vào bốn oai nghi chính mà phải chánh niệm vào mọi oai nghi nhỏ nữa. Thiền Minh Sát phải được thực hành mọi lúc, không phải chỉ thực hành trong các khóa thiền mà thôi.
Không phải gần đây mới có sự hiểu lầm câu này. Sự hiểu lầm này đã có trước khi Chú giải được viết ra văn tự. Bản chú giải về bộ Kinh, bao gồm kinh Ðại Niệm Xứ, được viết ra cách nay hơn hai ngàn một trăm năm. Ngay thời kỳ đó đã có sự hiểu lầm về nghĩa lý của câu: “Tỳ khưu đang đi biết rằng tôi đang đi, tỳ khưu đang đứng biết rằng tôi đang đứng,… khi cơ thể làm gì thầy tỳ khưu biết cơ thể như vậy”. Một số người không hiểu rõ nghĩa thật sự của đoạn kinh này nên chế diễu: –“Ngay cả người không biết hành thiền hay ngay cả thú vật khi đang đi cũng biết: ‘tôi đang đi’ . Chỉ khi nào đang đứng hay đang nằm họ mới không biết ‘tôi đang đi’ mà thôi!” Vậy thì, khi thiền sinh đang đi mà ý thức rằng “tôi đang đi” v.v… có ích lợi và ý nghĩa gì? Nếu đang đi mà biết rằng “tôi đang đi” là hành thiền, là thiền Tứ Niệm Xứ, vậy thì ta có thể nói là tất cả mọi người đều đang hành thiền. Thế thì sự hiểu biết của người hành thiền và người không hành thiền khác nhau chỗ nào?
Câu trả lời là: hai người hoàn toàn khác nhau. Bây giờ ta hãy xét xem người không hành thiền biết: “‘Tôi đang đi” khi tôi đang đi như thế nào? Trước khi sự đi xảy ra thì phải có ý muốn hay ý định đi trước. Khi người không hành thiền biết: “Tôi đang đi” khi họ đang đi thì họ chẳng biết từng thời điểm một khi sự đi diễn ra. Có thể đôi lúc họ biết sự đi, nhưng chỉ biết một cách hời hợt, còn những lúc khác thì họ hoàn toàn không biết. Ý muốn đi và sự đi không xảy ra cùng lúc. Thế nên, sự hiểu biết của họ hời hợt và không chánh niệm. Lúc họ biết “Tôi đang đi” khi họ đang đi thì họ không ý thức được ý muốn là Tâm và cơ thể di chuyển là Thân tách biệt nhau. Họ chỉ có một ý niệm mơ hồ về một cái gì đang đi. Họ nghĩ rằng thân và tâm cùng hoạt động với nhau. Họ không thấy rõ ràng khía cạnh tinh thần (tâm) và vật chất (thân) của sự đi. Và họ cũng không thấy rõ sự biệt lập giữa thân và tâm. Bởi vì không hành thiền, nên họ không chú tâm sâu xa vào những gì đang xảy ra trong hiện tại. Sự hiểu biết của họ có tính cách hời hợt bề mặt nên họ không có sự hiểu biết trực tiếp rằng những khoảnh khắc kế tục của ý muốn được theo sau bởi những khoảnh khắc kế tục của sự di chuyển cơ thể.
Trong một cái chớp mắt, hằng triệu sát na tư tưởng đến và đi. Những sát na này có thể làm phát sinh những nguyên tố vật chất. Có bốn nguyên tố chính còn gọi là Tứ Ðại: Ðất, Nước, Gió, Lửa. Trong khi di chuyển thì yếu tố Gió trội hơn cả. Ý muốn làm cho yếu tố Gió phát sinh trong các cơ phận của cơ thể sắp di chuyển. Tiếp theo đó, yếu tố Gió khiến cho cơ thể hay một vài phần của cơ thể di chuyển.
Nếu bạn không quán sát kỹ càng sự đi, như bạn đã làm trong khi hành thiền, thì bạn sẽ không hiểu rõ rằng sự đi bao gồm những chuyển động kế tiếp nhau gây ra bởi ý muốn đi. Bạn có thể nghĩ rằng một người nào đó, một quyền năng cao lớn hay một thực thể trường tồn nào đó đã gây ra sự đi này. Bạn không hiểu rằng tác động di chuyển chỉ bao gồm ý muốn và sự di chuyển của cơ thể để đi, không có một cá nhân hay một chúng sinh nào nằm ngoài ý muốn và sự di chuyển này. Không có tôi, anh, đàn ông, đàn bà mà chỉ có ý muốn và sự di chuyển của cơ thể diễn ra mà thôi. Người không hành thiền không hiểu được điều này vì họ chỉ có một ý niệm mơ hồ về sự đi.
Không có một sự quán sát kỹ càng bằng Thiền Minh Sát thì bạn không thể nào hiểu được rằng ý muốn và sự đi hay sự di chuyển cơ thể xảy ra trong sát na hiện tại không thể nào tồn tại trong sát na kế tiếp. Bạn nghĩ rằng ý định và sự di chuyển cơ thể từ sát na đi này sẽ dẫn đến sát na kế tiếp và từ sát na mới này đến sát na kế tiếp nữa. Bạn thấy tiến trình đi là một tiến trình liên tục và vĩnh viễn. Bạn không thể thấy rằng tại mỗi sát na ý muốn đến và đi ngay tức khắc. Chuyển động của thân thể cũng như yếu tố gió đến và đi ngay. Thế nên bạn không thể nói rằng một sát na của ý muốn này sẽ chuyển sang một sát na khác.
Trong mỗi sát na, ý định và sự di chuyển đến rồi đi. Ðó là những gì mà thiền sinh kinh nghiệm được trong lúc hành thiền, nhưng những người không hành thiền thì không thể nào thấy được. Sự hiểu biết của họ về sự đi hoàn toàn không có chánh niệm. Nếu chận một người đang đi lại và hỏi họ đang nghĩ gì thì phần lớn đều trả lời là họ đang nghĩ đến một điều gì đó chứ không phải là đang nghĩ đến sự đi. Có thể họ đang nghĩ đến nhà họ hay công việc của họ. Mặc dù đôi lúc họ có nghĩ rằng họ đang đi nhưng sự hiểu biết của họ cũng chỉ là sự hiểu biết hời hợt bề mặt.
Người ta nghĩ rằng có một chúng sinh và chính chúng sanh đó, trước sau không thay đổi, hiện hữu trong quá khứ, hiện hữu trong hiện tại và hiện hữu trong tương lai. Có thể họ có chút hiểu biết mơ hồ về vô thường nhưng họ vẫn nghĩ rằng chỉ có một chúng sinh và chúng sinh ấy đã có mặt trong quá khứ, có mặt trong hiện tại và sẽ có mặt trong tương lai. Bởi vậy, họ khư khư giữ mãi một định kiến vô căn cứ là có một chúng sinh. Nhưng phân tích ra thì chẳng có một chúng sinh nào cả. Ngoài ý muốn và chuyển động của cơ thể ra, chẳng có một con người, một cá nhân nào cả. Sở dĩ họ khư khư nắm giữ ý nghĩ có một con người vì họ không thấy rõ được sự sinh diệt qua từng sát na của ý muốn và tác động.
Sự hiểu biết của họ không loại trừ được quan niệm về một cái ta hay một linh hồn vĩnh cửu. Họ nghĩ rằng có một cái gì đó nằm ngoài ý muốn đi và sự di chuyển của cơ thể khi đi. Cái gì đó đã điều hành và sắp xếp cho sự đi. Bởi vậy, hiểu biết của họ không phải là kết quả của việc hành thiền. Tham thiền, tiếng Paa.li là Kammathaana, được định nghĩa là điều kiện cho sự phát triễn về sau. Một sự biết được gọi là kammathaana khi sự biết này đưa đến một sự phát triển về sau. Phát triển về sau ở đây là phát triễn trí tuệ để thấy rõ thực tướng của sự vật.
Sự biết của người không hành thiền là sự biết không chánh niệm nên không thể gọi đây là sự biết của Tứ Niệm Xứ.
Sự biết của người hành thiền khác hẳn sự biết của người không hành thiền. Khi bạn hành thiền trong khi đi thì bạn ý thức được chuyển động. Bạn ghi nhận ba giai đoạn của bước đi: dở, bước, đạp; dở, bước, đạp; dở, bước, đạp. Bạn theo dõi kỹ càng tiến trình của sự đi. Khi đang hành thiền, mỗi lần sự đi diễn ra bạn đều biết. Mỗi lần ý muốn khởi lên và sự di chuyển của cơ thể diễn ra bạn đều biết. Bao lâu bạn còn duy trì được mức định tâm đầy đủ, bấy lâu bạn ghi nhận và sau đó quan sát tác ý nằm bên trong mọi tác động hữu ý.
Nhiều thiền sinh trong khi đang kinh hành cảm thấy dường như có ai hay vật gì đang đẩy cơ thể mình từ sau ra trước. Ðó là thiền sinh đã thấy được ý muốn đang di chuyển cơ thể mình. Thiền sinh thấy rõ ràng ý muốn và sự di chuyển của cơ thể. Mỗi khi có ý muốn và chuyển động thiền sinh đều ý thức bởi vì họ theo sát hay theo dõi chặt chẽ các tác động của sự đi. Khi theo dõi, thiền sinh thấy được ý muốn hay tác ý và sự di chuyển của cơ thể là riêng biệt với nhau. Sự di chuyển là hậu quả của tác ý bởi vì có tác ý nên mới có sự đi. Ðó là những gì mà thiền sinh quán sát trong lúc hành thiền.
Thiền sinh cũng thấy rõ ràng rằng bởi vì có những sát na kế tục của ý muốn nên mới có những sát na kế tục của sự di chuyển cơ thể. Có hằng triệu sát na tư tưởng trong một cái nháy mắt, bởi vậy có hằng triệu sát na di chuyển. Ðối với người thường, chính những sự chuyển động hết sức nhỏ nhặt này xuất hiện như là một chuyển động to lớn. Tuy nhiên, thiền sinh sẽ thấy rõ những chuyển động nhỏ nhặt đó khi thiền sinh tinh tấn chánh niệm trong lúc kinh hành.
Thiền sinh thấy rõ rằng trong sự đi chỉ có ý muốn và chuyển động của cơ thể, ngoài ra chẳng có gì khác. Chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, chúng sinh chi cả. Cũng chẳng có một cái tôi đang đi. Chỉ có tâm là ý muốn và thân đang chuyển động mà thôi.
Khi quán sát kỹ càng ý muốn và sự chuyển động, bạn sẽ biết rằng ý muốn và sự chuyển động đến và đi thật mau lẹ. Chúng đến và đi trong mỗi sát na. Bạn sẽ thấy rõ điều này khi bạn thực sự có định tâm. Bởi thế, sự biết của thiền sinh là một sự hay biết trọn vẹn, rõ ràng và chính xác.
Khi bạn không thấy có người nào hay chúng sinh nào ngoài hai tiến trình của ý muốn và tác động thì bạn không thấy sự đi là một con người đang đi mà chỉ là diễn biến của ý muốn và chuyển động; bạn không thấy bất kỳ một người hay một cá nhân nào trong tác động đi. Khi bạn thấy ý muốn và sự đi sinh diệt trong từng phút giây thì bạn sẽ thấy rằng thân và tâm đang ở trong giây phút giây hiện tại khác với thân và tâm trong giây phút trước đây. Bạn thấy rằng thân và tâm hay ý muốn và chuyển động của cơ thể trong sát na này không thể tồn tại đến sát na kế tiếp. Tại mỗi sát na một thân tâm cũ chết đi và một thân tâm mới hiện ra.
Thiền sinh sẽ ý thức được rằng những gì đang có bây giờ không giống với những gì đã có trong quá khứ và cũng không giống với những gì sẽ có trong tương lai. Tại mỗi sát na – quá khứ, hiện tại, vị lai – mọi vật đều không ngừng di chuyển, đến và đi. Khi thiền sinh nhận biết được điều này thì trí tuệ của họ sẽ giúp họ loại bỏ sự tin tưởng rằng có một con người hay một chúng sinh. Khi thiền sinh thấy được chỉ có ý muốn và chuyển động của cơ thể thì họ không thể nào thấy được có một con người hay chúng sinh trong các tác động của sự đi. Một thiền sinh quán sát kỹ càng các tác động của mình, quán sát kỹ càng tâm mình và có thể loại bỏ được sự tin tưởng rằng có một con người hay một chúng sinh thì trí tuệ này có thể giúp họ loại bỏ ý niệm về một thực thể vĩnh cửu, một linh hồn hay tự ngã.
Sự hiểu biết thâm sâu về sự đi là căn bản hay điều kiện cần thiết cho những phát triển về sau. Thiền sinh sẽ tiếp tục quán sát hiện tượng phát sinh tại mỗi sát na và sẽ phát triển định tâm cùng trí tuệ về sau, và về sau sau nữa cho đến khi đạt đến tầng mức Giác Ngộ cuối cùng. Sự biết ở giai đoạn này là căn bản hay điều kiện cần thiết cho sự phát triển về sau; thế nên sự biết ở đây chắc chắn được gọi là tham thiền (kammatthaana).
Khi trí nhớ ghi nhận được thiết lập vững chắc trong tâm của người chăm chú hành thiền, chăm chú theo dõi các tác động đi, đứng, nằm, ngồi thì mới có thể gọi đó là chánh niệm. Bởi vậy, sự biết của người hành thiền mang cả hai đặc tính: đặc tính tham thiền và đặc tính chánh niệm. Những gì người không hành thiền làm không thể gọi là tham thiền hay chánh niệm được.
Khi thiền sinh hiểu một cách sâu xa, rõ ràng và chính xác những yếu tố tạo nên sự đi, khi họ hiểu rằng chỉ có ý muốn đi và chuyển động đi, ngoài ra chẳng có gì nữa thì trí tuệ của họ trọn vẹn và đáp ứng được ba câu hỏi sau: Ai đi? Sự đi này của ai? Tại sao sự đi xảy ra?
Khi bạn hỏi một thiền sinh: Ai đi? Câu trả lời sẽ là: “Không có ai hay chúng sinh nào đi cả”. Bởi vì lúc bấy giờ họ thấy trong tác động đi chỉ có ý muốn đi và một chuỗi phong đại (yếu tố gió) gây nên sự đi. Họ chẳng hề thấy một con người hay một chúng sinh nào đi cả. Vậy câu “Ai đi?” được trả lời là: “Không có người hay chúng sinh nào đi cả”. Không có người hay chúng sinh nào đi, ngoài ý định đi, chuyển động của gió và những chuyển động tiếp theo của cơ thể.
Sự đi này là của ai? Có một người hay một quyền năng nào làm chủ hay có quyền lực trên sự đi này? Chẳng có ai hay vật gì làm chủ sự đi. Bởi vậy câu: “Sự đi này là của ai?” được trả lời là: “Chẳng có ai hay vật gì làm chủ sự đi”. Bởi vì không có một người hay một chúng sinh nào nên sự đi chẳng có ai làm chủ, chỉ có ý muốn và sự chuyển động mà thôi. Nói cách khác, vì không có một người nên không có ai làm chủ sự đi, không có người hay quyền năng nào có quyền lực trên sự đi này.
Tại sao sự đi xảy ra? Hoạt động của tâm gây ra yếu tố gió (phong đại) và yếu tố gió này tạo nên sự đi. Khi bạn muốn đi, trước tiên ý muốn hay ý định khởi sinh. Ý muốn, ý định hay tâm này làm yếu tố gió phát sinh trong phần thân thể liên quan đến sự đi, như chân chẳng hạn, rồi yếu tố gió làm cho phần thân thể này chuyển động (xem thêm Mục “E.- Quán Sát Tứ Ðại” trong cùng Chương này).
Tại sao có sự đi? Bởi vì có ba yếu tố: Tâm muốn đi, yếu tố gió gây nên bởi tâm và sự chuyển động của phần cơ thể bị tác động bởi gió. Giả sử có một chiếc xe do bốn con ngựa kéo dưới sự điều khiển của người đánh xe. Người đánh xe điều khiển ngựa chạy, ngựa chạy kéo theo xe. Sự chuyển động của cơ thể cũng tương tự như vậy. Tâm tạo ra năng lực làm cho gió khởi sinh, gió khởi sinh khiến toàn cơ thể chuyển động. Tâm chẳng khác nào người đánh xe, gió là ngựa, và xe là chuyển động của cơ thể. Bởi thế, sự đi hay sự di chuyển bao gồm ba yếu tố: tâm, gió và sự chuyển động. Chúng ta gọi đó là sự đi.
Khi thiền sinh biết trả lời ba câu hỏi này một cách trọn vẹn thì không thể nào thấy được có một chúng sanh, một thực thể vĩnh cửu trong tác động đi, và thiền sinh sẽ ý thức được rằng câu nói: “một người đi” chỉ là một sự chế định mà không phản ánh sự thật. Chúng ta tạm gọi “một người đi” để tiện dụng trong việc giao tiếp, nhưng thực ra chẳng có một ai, đàn ông hay đàn bà nào ngoài ý muốn đi và sự chuyển động của cơ thể.
Do đó, người hành thiền sẽ thấy rõ thực tướng của sự đi chứ không thấy qua sự biểu hiện bề ngoài của sự đi. Ðiều này có nghĩa là thiền sinh có sự hiểu biết thực sự hay hiểu biết đúng đắn về sự đi. Cũng vậy, thiền sinh hiểu rõ ràng sự đi, đứng, nằm, ngồi và những oai nghi hay tác động nhỏ khác của cơ thể.
Tóm lại, cơ thể này di chuyển được nhờ có tâm, tâm làm cho gió khởi sinh, và gió làm cho cơ thể di chuyển. Nếu không có tâm thì sẽ không có sự chuyển động vì không có gió, và nếu không có gió thì hoàn toàn không có sự chuyển động. Khi thực hành thiền sinh sẽ thấy rõ điều này.
Trong Chú giải có nhiều bài thơ nói đến những yếu tố tạo nên sự chuyển động của cơ thể. Sau đây là một trong số những bài thơ trên:
Thuyền chạy được nhờ nơi gió đẩy,
Tên bay do sức mạnh dây cung,
Cơ thể này di chuyển vô cùng,
Không có gió chuyện này khó được!
Như con rối do dây điều khiển,
Cơ thể này hướng dẫn bởi tâm,
Mới chuyển di, đi, đứng, ngồi, nằm.
Tìm đâu ra được một chúng sinh,
Nằm ngồi hay đi đứng một mình,
Không nương cậy nhân duyên nào cả?
Không có những điều kiện này, không có những nguyên nhân hỗ trợ này thì sẽ không thể có sự đi, đứng, ngồi, nằm và chẳng bao giờ có sự chuyển động.
Như vậy, bạn học “thấy” bằng cách hành thiền. Bạn đạt được trí tuệ trực tiếp chỉ do ở sự quán sát thấu đáo những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Bạn quán sát những gì khởi lên qua sáu cửa giác quan trong giây phút hiện tại. Bởi thế, cái biết của người hành thiền và cái biết của người không hành thiền rất khác nhau. Thật vậy, sự biết của hai loại người này hoàn toàn khác biệt. Khi thiền sinh hiểu biết rõ ràng rằng trong sự đi chỉ có ý muốn đi và chuyển động đi, biết rõ rằng ý muốn và chuyển động là hai yếu tố khác biệt, và yếu tố này là nhân của yếu tố kia, thì thiền sinh sẽ thấy ý muốn và chuyển động đi sinh diệt trong từng giây phút một. Chỉ khi đó thiền sinh mới có trí tuệ đúng đắn và sự hiểu biết đúng đắn về cái gì đang đi.
Như thế, tỳ khưu quán sát thân trên nội thân, hay tỳ khưu quán sát thân trên ngoại thân, hay tỳ khưu quán sát thân trên nội thân và ngoại thân.
Khi thiền sinh quán sát các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi và các tác động nhỏ nhặt của mình là thiền sinh đã “quán sát thân trên nội thân”. Ðôi khi, trong lúc đang hành thiền, thiền sinh có thể nghĩ đến một người nào đó đang đi, đứng, nằm, ngồi: “Sự đi, đứng, nằm, ngồi của ta là vô thường và gây ra bởi ý muốn thì sự đi, đứng, nằm, ngồi của người khác cũng vậy”. Quán sát như thế là bạn đã “quán sát thân trên ngoại thân”. Ðiều này không có nghĩa là bạn phải cố ý nhìn người khác trong khi bạn đang hành thiền. Ðây chỉ là trường hợp bạn nghĩ đến người khác trong khi bạn đang hành thiền mà thôi: “Sự đi hay sự di chuyển của ta là vô thường, đến rồi đi, thì sự đi và sự di chuyển của người khác cũng như vậy”.
Ðôi khi, thiền sinh quán sát trên sự đi của mình rồi nghĩ đến hay liên tưởng đến sự đi của người khác, tới lui như vậy nhiều lần. Quán sát tới lui như vậy là thiền sinh đã “quán sát thân trên nội thân và ngoại thân”. Ðiều này không có nghĩa là thiền sinh phải cố ý nhìn người khác trong khi đang hành thiền. Ðây chỉ là trường hợp thiền sinh nghĩ đến người khác trong khi thiền sinh đang hành thiền mà thôi. Nghĩ đến người khác trong khi đang hành thiền là “Suy Diễn Minh Sát”.
Chúng ta có hai loại Thiền Minh Sát, “Trực Tiếp Minh Sát” và “Suy Diễn Minh Sát”. Khi quán sát sự đi, đứng, nằm, ngồi của chính mình là bạn hành “Trực Tiếp Minh Sát”. Khi suy nghĩ đến sự đi, đứng, nằm, ngồi của người khác là bạn hành “Suy Diễn Minh Sát” (xem “Hướng dẫn Hành thiền” ở Phần Ba).
Tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi (đặc tính sinh khởi) trong thân, hay Tỳ khưu quán sát yếu tố diệt tận (đặc tính diệt tận) trong thân, hay Tỳ khưu quán sát cả hai yếu tố sinh khởi (đặc tính sinh khởi) và yếu tố diệt tận (đặc tính diệt tận) trong thân.
Ðoạn văn trên được lập đi lập lại nhiều lần. “Yếu tố sinh khởi” ở đây có nghĩa là nguyên nhân sự sinh khởi của thân hay vật chất và “chính sự sinh khởi đó”. Có nhiều nguyên nhân làm cho vật chất hay sắc sinh khởi. Người không hiểu Vi Diệu Pháp khó có thể thấy được những nguyên nhân này.
Bạn có mặt ở đây vì bạn đã làm một việc gì đó trong quá khứ. Bạn ở đây do nghiệp của bạn. Nghiệp là nguyên nhân sự sinh khởi của thân. Nghiệp sinh khởi do bạn tham ái đời sống (hữu). Bạn có sự tham ái này vì bạn si mê. Mặc dầu bạn nói là bạn biết mọi chuyện về tham ái, nhưng thực ra bạn có si mê và sự si mê này là nguyên nhân khiến bạn mong muốn có một đời sống tốt đẹp hơn. Bạn đã tích lũy thiện nghiệp nên mới có một đời sống tốt đẹp trên thế gian này.
Vật chất hay sắc trong thế gian này khởi sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Si mê trong quá khứ
– Tham ái trong hiện tại
– Nghiệp trong quá khứ và
– Thực phẩm giữ cho thân thể này sống còn trong hiện tại.
Ðôi khi, trong lúc hành thiền, thiền sinh suy nghĩ hay quán sát nguyên nhân sinh khởi của thân hay nguyên nhân sinh khởi của sắc: “Cơ thể khởi sinh ở đây do ta có nghiệp hay do ta có tham ái hay do ta có sự si mê”.
Hơn nữa, thiền sinh thấy chính sự sinh khởi. Thông thường các thiền sinh ít hiểu biết về Vi Diệu Pháp sẽ thấy sự sinh khởi thay vì thấy nguyên nhân của sự sinh khởi. Khi chánh niệm vào sự đi, thiền sinh sẽ thấy “sự sinh khởi của ý muốn” và “sự sinh khởi của chuyển động”. Khi thiền sinh thấy được bốn nguyên nhân (si mê, tham ái, nghiệp và thực phẩm) hay thấy được chính sự sinh khởi là thiền sinh đã quán sát tính chất sinh khởi. Như vậy, đặc tính sinh khởi gồm có bốn nguyên nhân và một sự sinh khởi.
“Tính chất diệt tận” là sự vắng bóng của si mê, vắng bóng của tham ái, vắng bóng của nghiệp và vắng bóng của thực phẩm. Chúng là nguyên nhân của sự biến mất hay nguyên nhân của sự diệt tận của sắc hay của chính sự diệt tận. Chỉ có hành thiền mới thấy được sự diệt tận. Khi thiền sinh quán sát tính chất diệt tận thì thiền sinh sẽ thấy ý muốn của mình và thiền sinh ghi nhận hay niệm thầm “muốn, muốn, muốn”. Khi niệm như vậy, ý muốn sẽ biến mất. Có sự chuyển động ở giây phút này và sự biến mất ở giây phút kế tiếp. Ðối với các hiện tượng khác, khi thiền sinh chú tâm theo dõi cũng sẽ thấy sự biến mất hay sự diệt tận . Khi thiền sinh thấy sự vắng bóng của si mê, vắng bóng của tham ái, vắng bóng của nghiệp và vắng bóng của thực phẩm thì cũng thấy sự biến mất của các hiện tượng ghi nhận. Thấy một trong những yếu tố diệt tận này, thiền sinh được xem như là thấy đặc tính diệt tận của thân, sự diệt tận của bốn nguyên nhân và một sự diệt tận.
Khi thiền sinh đạt đến tuệ giác thấy được đặc tính của các hiện tượng tức tuệ giác thấy rõ Tam Tướng: vô thường, khổ não, vô ngã thì thiền sinh sẽ thấy được tướng hay hình ảnh của sự diệt tận một cách rõ ràng. Khi đạt đến Tuệ Sinh Diệt thiền sinh sẽ thấy sự sinh khởi và sự diệt tận hay sự sinh diệt của các hiện tượng một cách rõ ràng hơn. Khi đạt đến Tuệ Diệt thiền sinh sẽ thấy sự diệt tận hay sự diệt mất của các hiện tượng càng rõ ràng hơn nữa.
Hoặc tỳ khưu chánh niệm rằng ‘chỉ có thân mà thôi’. Và sự chánh niệm này được thiết lập để giúp cho sự phát triển chánh niệm về sau.
Khi thiền sinh hoàn toàn ý thức vào những gì đang diễn ra trong chính thân thể mình thì thiền sinh sẽ thấy rằng chỉ có thân mà thôi, chẳng có người hay một thực thể vĩnh cửu nào cả. Lúc mới hành thiền, thiền sinh sẽ không thấy rõ rằng chỉ có thân mà thôi. Nhưng khi tiến bộ, chánh niệm được thiết lập vững chắc, thì thiền sinh sẽ thấy rõ chỉ có thân mà thôi, chẳng có gì nữa cả.
Vị ấy sống không dính mắc vào bất cứ một vật gì do tham ái và tà kiến gây ra; không chấp trước vào bất cứ một vật gì trên thế gian do ngũ uẩn thủ hợp thành này.
Thấy sự sinh khởi và sự diệt tận của mọi hiện tượng nên thiền sinh không còn tham ái hay dính mắc vào bất cứ một vật gì. Thế rồi, thiền sinh không còn tham ái vào những gì đang diễn ra. Thiền sinh không còn tham luyến vào chính mình hay các tác động đang diễn ra. Thiền sinh không còn chấp trước vào bất cứ vật gì. Bây giờ thiền sinh thấy bằng trí tuệ trực tiếp một cách rõ ràng rằng mọi vật đều vô thường, đến rồi đi, sinh rồi diệt.
Khi thiền sinh không dính mắc vào bất cứ một việc gì, không chấp trước vào bất cứ một việc gì thì tham ái và chấp trước của thiền sinh sẽ tạm thời vắng bóng hay bị loại trừ trong khoảnh khắc. Khi không tham ái, không chấp trước vào vật gì thì thiền sinh đã từng sát na một loại trừ tham ái và chấp trước vào những gì mà thiền sinh đang theo dõi. Ðó là “sát na loại trừ tham ái và chấp trước”.
Khi đã có thể loại trừ tham ái và chấp trước vào “những gì đang quán sát” thì cũng sẽ có thể loại trừ tham ái và chấp trước vào “những gì không quán sát.” Khả năng loại trừ tham ái và chấp trước vào những gì không quán sát là “tạm thời loại trừ”. Như vậy, thiền sinh thực hành sát na loại trừ đối với những gì đang quán sát và thực hành tạm thời loại trừ đối với những gì không quán sát. Nhờ có được hai loại loại trừ này, thiền sinh sẽ không còn chấp trước vào bất cứ điều gì. Ðây là kết quả của sự quán sát theo dõi các hiện tượng ngay khi chúng sanh khởi.
Này các thầy tỳ khưu, như vậy là tỳ khưu quán sát thân trên thân.
Tóm lại, thiền sinh phải chánh niệm vào bất kỳ những gì mình đang làm: đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả các oai nghi khác. Chánh niệm vào các tác động của cơ thể như thế gọi là “quán sát thân trên thân”.