Nội Dung Chính
- Những bài kinh liên quan đến pháp nhẫn-nại
- Không nhận lời chửi rủa mắng nhiếc
- Có pháp nhẫn-nại là người toàn thắng
- Đức-vua trời Sakka thực-hành pháp nhẫn-nại
- Pháp-hành trở thành Đức-vua trời Sakka
- Bất-thiện-tâm với các hạng người
- Sân-tâm phát sinh do 2 nhân-duyên là:
- Nhân diệt sân-tâm
- Sân-tâm không sinh chưa hẳn là nhẫn-nại
- Khổ tâm phát sinh do đâu?
- Phát nguyện thực-hành pháp nhẫn-nại
Những bài kinh liên quan đến pháp nhẫn-nại
Không nhận lời chửi rủa mắng nhiếc
Trong bài kinh Akkosakasuṭṭa được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật, ông bà-la-môn Akkosaka nổi giận, khổ tâm đến gặp Đức-Phật chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện-trí.
Ông bà-la-môn Akkosaka tạo khẩu ác nghiệp bằng lời nói thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Đức-Phật.
Nghe ông bà-la-môn như vậy, Đức-Phật bèn hỏi ông bà-la-môn rằng:
– Này bà-la-môn Akkosaka, ông nghĩ thế nào về điều này, những bạn bè thân hữu, các quan hoặc thân quyến là những người khách quý có khi nào họ đến nhà của ông không?
– Thưa sa-môn Gotama, những bạn bè thân hữu, các quan hoặc thân quyến là những người khách quý, có khi họ đến nhà của tôi.
Đức-Phật hỏi tiếp rằng:
– Này bà-la-môn! Ông có sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những người khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại, hoặc thân quyến của ông hay không?
– Thưa Sa môn Gotama, khi ấy tôi sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại, hoặc thân quyến của tôi.
– Này ông bà-la-môn! Nếu những người khách quý ấy là bạn bè thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy thuộc về của ai vậy?
– Thưa Sa môn Gotama, nếu những người khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy thuộc về lại của tôi.
– Này ông bà-la-môn! Cũng tương tự như vậy, ông chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Như-Lai, mà Như-Lai không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa trả lại ông; ông giận Như-Lai mà Như-Lai không giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như-Lai, mà Như-Lai không chọc tức trả lại ông. Như-Lai hoàn toàn không nhận điều gì (lời chửi mắng, v.v…) của ông cả.
– Này ông bà-la-môn! Như vậy, những điều ấy (lời chửi rủa mắng nhiếc, v.v…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
– Này ông bà-la-môn! Người nào chửi mắng trả lại người đã chửi mắng mình; người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình; người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình, v.v… Như-Lai gọi người ấy là người cùng chung hưởng với nhau, còn Như-Lai không cùng chung hưởng với ông, không cùng ăn thua với ông.
– Này ông bà-la-môn! Như vậy, những điều ấy (lời chửi rủa mắng nhiếc, v.v….) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
– Này ông bà-la-môn!
Người nào đã diệt tận được sân-tâm, không còn nóng giận nữa, sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm, do chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não.
Tâm sân hận từ đâu, mà phát sinh lên được?
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình, người ấy là người thấp hèn hơn kẻ giận mình gấp bội.
Người nào không giận trả đũa lại kẻ đã giận mình, người ấy gọi là người toàn thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh-niệm giữ mình, dập tắt mọi phiền-não, người ấy gọi là người thực-hành pháp nhẫn-nại, biết giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, cả hai bên đều có lợi.
Người thực-hành pháp nhẫn-nại biết giữ gìn lợi ích cho mình lẫn người, nhưng những người không có trí-tuệ, không biết rõ thiện-pháp hiểu lầm người ấy rằng: “một hạng người khờ dại”.
Khi Đức-Phật thuyết dạy xong, ông bà-la-môn Akkosaka thành kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Phật Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
– Kính bạch Đức-Phật Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Sau khi tán dương, ca tụng Đức-Phật Gotama, ông bà-la-môn Akkosaka phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, và kính xin Đức-Phật cho phép ông xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật.
Đức-Phật cho phép ông bà-la-môn Akkosaka xuất gia trở thành tỳ-khưu theo như ý nguyện.
Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Akkosaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Có pháp nhẫn-nại là người toàn thắng
Trong bài kinh Asurindakasuṭṭa được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha. Khi hay tin hai người anh là Bhāradvāja và Akkosaka đã xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật, ông bà-la-môn Asurindaka nổi giận, khổ tâm, đến gặp Đức-Phật, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện-trí.
Mặc dù ông bà-la-môn Asurindaka nói lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa như vậy, Đức-Phật vẫn làm thinh im lặng tự nhiên.
Khi ấy, ông bà-la-môn Asurindaka tuyên bố rằng:
– Tôi đã thắng sa-môn Gotama rồi!
– Tôi đã thắng sa-môn Gotama rồi!
Khi ấy, Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
– Này ông bà-la-môn Asurindaka!
Người nào nói lời thô tục nhưng người khác làm thinh im lặng không đối đáp trả lại, người ấy tự cho mình đã thắng.
Bậc thiện-trí cao thượng có pháp nhẫn-nại là người toàn thắng.
Người nào hay nổi giận trả thù lại kẻ giận mình, người ấy thật là người thấp hèn hơn kẻ giận mình gấp bội.
Người nào không giận trả đũa lại kẻ đã giận mình, người ấy gọi là người toàn thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh-niệm giữ mình, dập tắt mọi phiền-não, người ấy gọi là người thực-hành pháp nhẫn-nại, biết giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, cả hai bên đều có lợi.
Người thực-hành pháp nhẫn-nại biết giữ gìn lợi ích cho mình lẫn người, nhưng những người không có trí-tuệ, không biết rõ thiện-pháp hiểu lầm người ấy rằng: “một hạng người khờ dại”.
Lắng nghe lời dạy của Đức-Phật, ông bà-la-môn Asurindaka vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng Đức-Phật. Ông bà-la-môn phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, và kính xin Đức-Phật cho phép ông xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật.
Đức-Phật cho phép ông bà-la-môn Asurindaka xuất gia trở thành tỳ-khưu theo như ý nguyện.
Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Asurindaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Đức-vua trời Sakka thực-hành pháp nhẫn-nại
Trong bài kinh Vepacittisutta được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi. Khi ấy, Đức-Phật dạy chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Sự việc đã từng xảy ra trong cuộc chiến tranh giữa nhóm chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên với nhóm thiên asurā, để tranh giành ưu thế ở cõi Tam-thập-tam-thiên.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, thống-tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā truyền lệnh rằng:
– Này chư-thiên tướng! Cuộc chiến tranh giữa nhóm asurā chúng ta với nhóm chư-thiên cõi Tam-thập-tam-thiên, nếu chúng ta thắng, còn nhóm chư-thiên bại, thì các ngươi hãy bắt Đức-vua trời Sakka đứng đầu nhóm chư-thiên, trói chặt năm chỗ (hai tay, hai chân và cổ) rồi giải về kinh-thành của ta.
– Này chư tỳ-khưu! Cùng khi ấy, Đức-vua trời Sakka đứng đầu nhóm chư-thiên cõi Tam-thập-tam-thiên cũng truyền lệnh rằng:
– Này chư-thiên tướng! Cuộc chiến tranh giữa chư-thiên chúng ta với nhóm thiên asurā, nếu chúng ta thắng, còn nhóm thiên asurā bại, thì các ngươi hãy bắt thống tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, tại cung trời Tam-thập-tam-thiên của Trẫm.
– Này chư tỳ-khưu! Cuộc chiến lần ấy, nhóm chư-thiên thắng, còn nhóm thiên asurā bị bại, chư-thiên cõi trời Tam-thập-tam-thiên bắt thống tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, ở cung trời Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua trời Sakka.
– Này chư tỳ-khưu! Khi thống tướng Vepacitti bị trói tại giữa hội trường, y đã chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Đức-vua trời Sakka bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện-trí.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy vị thiên-nam Mātali, hầu cận Đức-vua trời Sakka tâu bằng bài kệ rằng:
– Muôn tâu Đức-thiên-vương Sakka, Đức-Thiên-vương nhẫn-nại nghe lời thô tục chửi mắng và hăm dọa của thống tướng Vepacitti, nhẫn-nại vì sợ hay nhẫn-nại vì hèn yếu?
Đức-vua trời Sakka truyền dạy rằng:
– Này Mātali! Trẫm có đức-hạnh nhẫn-nại chịu đựng nghe lời thô tục của thống tướng Vepacitti, không phải vì sợ, cũng không phải vì hèn yếu.
Thật ra, bậc thiện-trí như Trẫm sao lại đi đối đầu với a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti!
Vị thiên-nam Mātali tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-thiên-vương, nếu Đức-Thiên-vương không trừng trị a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti, thì a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti càng thêm lộng hành gây tai hại.
Vì vậy, Đức-Thiên-vương cần phải trừng trị a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti bằng hình phạt thật nặng.
– Này Mātali! Bậc thiện-trí nào biết người ác phát sinh sân-tâm giận dữ, bậc thiện-trí ấy có chánh-niệm, có trí-tuệ-tỉnh-giác dập tắt mọi phiền-não. Trẫm cho rằng: Đó là cách hành phạt nặng đối với người ác.
– Muôn tâu Đức-thiên-vương, hạ thần xét thấy lỗi trong pháp nhẫn-nại. Khi nào người ác tự cho mình là hơn người nhẫn-nại ấy rằng: “Người ấy nhẫn-nại là vì sợ ta”. Ví như con bò thắng đuổi theo con bò bị thua bỏ chạy. Cũng như vậy, người thiểu-trí đàn áp bậc thiện-trí.
– Này Mātali! Nếu có người tự cao cho rằng:
“Người ấy nhẫn-nại là vì sợ ta hoặc không phải, thì điều ấy không có gì quan trọng.”
Thật ra, trong tất cả mọi sự lợi ích, chỉ có sự lợi ích của mình là hơn hết. Không có sự lợi ích nào hơn pháp nhẫn-nại.
Người nào có quyền lực biết nhẫn-nại đối với hạng người hèn yếu, pháp nhẫn-nại của người ấy, chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng rằng:
“Pháp nhẫn-nại là đức-hạnh cao thượng.”
Còn hạng hèn yếu phải chịu nhẫn-nại đối với người có quyền lực, đó là việc bình thường.
Chư bậc thiện-trí dạy rằng: Sức mạnh của người ác thì không phải là sức mạnh thật.
Bậc thiện-trí có pháp nhẫn-nại mới thật là sức mạnh thật sự.
Người nào phát sinh sân-tâm chống đối lại người khác có sân-tâm, thì người ấy là người thấp hèn gấp bội.
Người nào không phát sinh sân-tâm đối với người khác có sân-tâm, thì người ấy là người toàn thắng giữa chiến trường khó thắng.
Người nào biết người đã nổi sân-tâm, người ấy có trí nhớ, có trí-tuệ biết mình chế ngự mọi phiền-não không sinh, người ấy gọi là người thực-hành pháp nhẫn-nại giữ gìn sự lợi ích hai bên đó là sự lợi ích của mình và sự lợi ích của người khác.
Người thiểu-trí không hiểu biết trong chánh-pháp, nên tưởng lầm cho rằng:
Người có pháp nhẫn-nại giữ gìn sự lợi ích của mình và sự lợi ích của người khác gọi là “người ngu dại”.
Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Đức-vua trời Sakka trị vì cõi Tam-thập-tam-thiên, hưởng sự an-lạc trên ngai vàng nơi cung trời ấy, đó là quả-báu của mọi phước-thiện mà tiền-kiếp của Đức-vua trời Sakka đã tạo trong quá-khứ. Đức-vua-trời sakka thường tán dương ca tụng pháp nhẫn-nại và hoan hỷ trong mọi phước-thiện.
– Này chư tỳ-khưu! Các con đã xuất gia trở thành vị tỳ-khưu trong giáo pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, các con phải là người có giới hạnh trong sạch, có hành vi, cử chỉ trang nghiêm, có pháp nhẫn-nại. Như vậy, các con sẽ tiến hóa tốt đẹp trong giáo-pháp của Như Lai.
Pháp-hành trở thành Đức-vua trời Sakka
Ngôi vị Đức-vua-trời Sakka trị vì trên cõi Tam-thập-tam-thiên, không phải do một vị nào truyền ngôi, hoặc được tấn phong. Sự thật là do quả-báu của phước-thiện, pháp-hành mà tiền-kiếp của Đức-vua-trời đã tạo trong những kiếp quá-khứ.
Thực-hành những pháp nào để trở thành Đức-vua-trời Sakka?
Trong kinh Paṭhamadevasutta được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Tiền-kiếp của Đức-vua trời Sakka trị vì cõi Tam-thập-tam-thiên, khi sinh làm người đã từng thọ trì đầy đủ 7 pháp-hành, nên sau khi chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm tạo 7 pháp-hành ấy cho quả hóa-sinh lên cõi Tam-thập-tam-thiên, ở ngôi vị Đức-vua trời Sakka.
Thọ-trì 7 pháp-hành là:
1- Ta phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.
2- Ta cung kính bậc trưởng-lão trong dòng họ và trong đời suốt đời.
3- Ta nói lời ngon ngọt có ý nghĩa suốt đời.
4- Ta không nói lời chia rẽ suốt đời.
5- Ta không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải, là tâm ô nhiễm của người tại gia; ta có đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ đem của cải ra tạo phước-thiện bố-thí đến những người thọ thí đúng theo nhu cầu của họ; ta hoan hỷ tạo phước-thiện bố-thí suốt đời.
6- Ta nói lời chân thật suốt đời.
7- Ta thực-hành pháp nhẫn-nại, không phát sinh sân-tâm suốt đời.
– Này chư tỳ-khưu! Tiền-kiếp của Đức-vua trời Sakka, khi sinh làm người đã từng thọ trì nghiêm chỉnh và đầy đủ 7 pháp-hành này. Cho nên, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm tạo 7 pháp-hành ấy cho quả hóa-sinh làm Đức-vua trời Sakka trị vì cõi Tam-thập-tam-thiên.
Bất-thiện-tâm với các hạng người
– Hạng phàm-nhân có đầy đủ 12 bất-thiện-tâm (8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm).
– Bậc Thánh Nhập-lưu và bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn có 7 bất-thiện-tâm (4 tham-tâm không hợp với tà-kiến + 2 sân-tâm + 1 si-tâm hợp với phóng-tâm) mà thôi.
– Bậc Thánh Bất-lai chỉ còn có 5 bất-thiện-tâm (4 tham-tâm không hợp với tà-kiến + si-tâm hợp với phóng-tâm) mà thôi. Bậc Thánh Bất-lai không có 2 sân-tâm, nên không bao giờ phát sinh sân-tâm nữa.
– Bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không còn có bất-thiện-tâm nào nữa.
Thật ra, mỗi bất-thiện-tâm (ác-tâm) nào phát sinh đều cần phải hợp đủ các chi-pháp của bất-thiện-tâm (ác-tâm) ấy, nếu thiếu 1 chi-pháp nào thì bất-thiện-tâm (ác-tâm) ấy không thể phát sinh được.
Như vậy, nếu không muốn ác-tâm ấy phát sinh, chỉ cần tránh 1 chi-pháp nguyên nhân gần phát sinh ác-tâm ấy, thì ác-tâm ấy không thể phát sinh được. Hoặc thực-hành thiện-pháp chế ngự ác-tâm ấy.
Ví dụ: Nhân-duyên phát sinh sân-tâm
Sân-tâm phát sinh do 2 nhân-duyên là:
1- Ayonisomanasikāra: Biết sai lầm trong tâm do si-mê, biết không đúng theo thật-tánh của các pháp. Ví dụ: người này là kẻ thù hại ta, v.v…nên sân-tâm không hài lòng nơi đối-tượng ấy.
2- Paṭighanimitta: Đối-tượng thù nghịch làm phát sinh sân-tâm.
Đó là nhân-duyên gần phát sinh sân-tâm tự làm khổ mình và làm khổ người khác.
Nhân diệt sân-tâm
Sân-tâm bị diệt do 2 nhân-duyên là:
1- Yonisomanasikāra: Hiểu biết đúng trong tâm do trí-tuệ biết đúng theo thật-tánh của các pháp đó là sắc-pháp, danh-pháp, nên sân-tâm không phát sinh.
2- Mettacetovimutta: Hành-giả thực-hành pháp-hành đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả mọi chúng-sinh không phân biệt người thân với kẻ thù.
Đó là nhân-duyên diệt sân-tâm không tự làm khổ mình và không làm khổ người khác.
Trường hợp tiền-kiếp của Đức-vua-trời Sakka, khi còn ở cõi người là hạng phàm-nhân đã phát nguyện thọ trì 7 pháp-hành nghiêm chỉnh và đầy đủ, nên kiếp hiện-tại được làm Đức-vua-trời Sakka; vì vậy, dù thống tướng Vepacitti nói lời thô tục, chửi mắng, hăm dọa,… Đức-vua-trời Sakka vẫn có đại-thiện-tâm hợp với tâm-từ phát sinh, có pháp nhẫn-nại, nên chế ngự sân-tâm không phát sinh, giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho thống soái Vepacitti.
Sân-tâm không sinh chưa hẳn là nhẫn-nại
Trong kinh Kakacūpamāsuṭṭa có một đoạn nói về nữ gia-chủ tên Vedehikā được tóm lược như sau:
Trong kinh-thành Sāvaṭhi, có nữ gia-chủ tên Vedehikā nổi tiếng tốt lành, lan truyền rằng:
“Nữ gia-chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh, …”
Nữ gia-chủ có một đứa tớ gái tên Kāli, là cô gái siêng năng, cần mẫn, đảm đang trong mọi công việc gia đình, thường thức khuya dậy sớm, sắp đặt nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ, không thể chê trách được.
Một hôm, đứa tớ gái Kāli nghĩ rằng: Tiếng tốt lành của bà chủ lan truyền rằng:
“Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh, …”
Như vậy, bà chủ của ta có sân-tâm mà không phát sinh hay không có sân-tâm. Sở dĩ bà chủ của ta có tâm sân mà không phát sinh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang, lo mọi công việc gia đình đều chu toàn, không thể chê trách được, nên bà chủ không phát sinh sân-tâm.
Vậy, ta nên thử xem bà chủ của ta là người như thế nào?
Sáng hôm sau, cô Kāli thức dậy trễ, nữ gia-chủ Vedehikā gọi đứa tớ gái Kāli lại và nói rằng:
– Này Kāli! Tại sao hôm nay ngươi thức dậy trễ, ngươi có bị bệnh gì hay không?
– Thưa bà chủ, con không bị bệnh gì cả.
Bà chủ Vedehikā nổi giận, mặt mày cau có mắng rằng:
– Này Kāli! Nếu ngươi không có bệnh gì, thì tại sao ngươi thức dậy trễ! Đứa tớ gái hư đốn!
Cô Kāli nghĩ rằng: “Bà chủ của ta có sân-tâm mà không phát sinh, chứ không phải không có sân-tâm. Sở dĩ sân-tâm chưa phát sinh, là vì ta siêng năng, cần mẫn, đảm đang lo mọi công việc gia đình đều chu toàn. Vậy, ta nên thử thêm một lần nữa”.
Ngày hôm sau nữa, cô Kāli thức dậy trễ hơn hôm trước, bà chủ Vedehikā gọi tớ gái Kāli với giọng bực tức rằng:
– Này Kāli! Tại sao mày lại thức dậy trễ nữa.
– Thưa bà chủ, không có sao.
Nghe đứa tớ gái trả lời như vậy, bà chủ tức giận, chửi rủa, mắng nhiếc đứa tớ gái, bà lấy cây đánh trên đầu đứa tớ gái, làm bể đầu, máu chảy xuống mặt. Khi ấy người tớ gái chạy sang nhà bên cạnh tố cáo rằng:
– Thưa quý bà con, xin quý bà con hãy xem hành động của bà chủ Vedehikā của tôi mà quý bà con thường tán dương ca tụng rằng:
“Nữ gia chủ Vedehikā là người hiền thục, nữ gia chủ Vedehikā là người khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người trầm tĩnh, …”
Từ đó về sau, tiếng xấu của nữ gia-chủ Vedehikā bị lan truyền khắp mọi nơi rằng:
“Nữ gia chủ Vedehikā là người độc ác, nữ gia chủ Vedehikā là người không khiêm tốn, nữ gia chủ Vedehikā là người không trầm tĩnh…”
Qua câu chuyện trên đây, để hiểu rõ sân-tâm không phát sinh không hẳn là nhẫn-nại, sở dĩ sân-tâm chưa phát sinh là vì chưa gặp người ác đến quấy rầy, chọc tức; hoặc trong cuộc sống luôn gặp những điều thuận lợi, vừa lòng.
Nhưng khi người nào gặp người ác hoặc người không làm theo ý mình thì người đó phát sinh sân-tâm làm khổ mình và làm khổ người ấy.
Khổ tâm phát sinh do đâu?
Khổ tâm phát sinh do phiền-não mà mọi phiền-não chỉ phát sinh trong 12 ác-tâm (8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm) của mình mà thôi.
Khổ tâm thật sự chỉ phát sinh do phiền-não sân đó là sân tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm của mình mà thôi, còn sân-tâm của người khác chắc chắn không thể làm mình khổ tâm được.
Khổ-tâm phát sinh trong những trường-hợp:
* Số người nào không có pháp nhẫn-nại khi phát sinh tham-tâm muốn một đối-tượng nào như thế này, mà không được đối-tượng ấy như ý, nên số người ấy phát sinh sân-tâm làm cho khổ tâm. Ví dụ:
– Bà A thương yêu một người nào muốn người ấy không chết, nhưng mà người ấy đến thời-kỳ hết tuổi thọ hoặc hết đại-thiện-nghiệp hỗ trợ phải chết, nên bà A phát sinh sân-tâm không hài lòng, sầu não khóc than thương tiếc đến người ấy, làm cho khổ tâm, vì vậy sự khổ tâm của bà A là do tâm sân của bà, không phải do người ấy chết .
Hoặc khi gặp đối-tượng xấu không hài lòng, nên phát sinh sân-tâm làm cho khổ tâm.
Hoặc có báu vật kỷ niệm nào ưa thích nhất, khi vật báu kỷ niệm ấy bị hư mất, nên phát sinh sân-tâm sầu não làm cho khổ tâm.
Hoặc trường hợp có người giận dữ đến mắng chửi ta nên ta phát sinh sân-tâm làm cho khổ tâm, vì vậy, sự khổ tâm của ta là do sân-tâm của ta không phải do sân-tâm của người khác.
Tuy nhiên, bậc thiện-trí có pháp nhẫn-nại biết tự chủ không bị lệ thuộc vào đối-tượng, cho nên, dù gặp đối-tượng tốt, tham-tâm không phát sinh; dù gặp đối-tượng xấu, sân-tâm không phát sinh, chỉ có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ tiếp xúc với đối-tượng ấy mà thôi.
Thật ra, đối-tượng dù tốt, dù xấu không quan trọng, đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ biết đối-tượng mới thật là quan trọng mà thôi.
Phát nguyện thực-hành pháp nhẫn-nại
Đức-Phật dạy rằng:
“Nhẫn-nại là đức-hạnh cao thượng”
Hơn nữa nhẫn-nại còn là 1 pháp-hạnh ba-la-mật trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật gọi là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật mà chư Đức-Bồ-tát cần phải thực-hành để bổ sung cho đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Để thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, Đức-Bồ-tát không thể chủ động muốn thực-hành theo ý của mình, mà chỉ có thể thực-hành trong tình thế bị động khi bất ngờ có người ác đến vu khống, chửi mắng, đánh đập hành hạ, v.v… Khi ấy, Đức-Bồ-tát có cơ hội tốt hy hữu thực-hành pháp nhẫn-nại, có đại-thiện-tâm vô-sân hợp với tâm-từ, không có sân-tâm oan trái với người ác ấy, có pháp nhẫn-nại chịu đựng một cách tự nhiên, không hề có sân-tâm, đem lại sự lợi ích cao cả cho mình và người ác ấy, để thành tựu pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật cao thượng của Đức-Bồ-tát.
Cho nên, chư Đức-Bồ-tát muốn thực-hành pháp nhẫn-nại, muốn được thành tựu pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, thì Đức-Bồ-tát chân thành phát nguyện thọ-trì thực-hành pháp nhẫn-nại rằng:
“Tôi thành tâm phát nguyện thực-hành pháp nhẫn-nại.”
Sau khi Đức-Bồ-tát phát nguyện xong rồi, chờ đợi cơ hội tốt hiếm có xảy đến bất ngờ, giúp cho Đức-Bồ-tát thực-hành pháp nhẫn-nại, thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
Thật ra, Đức-Bồ-tát khó có cơ hội thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, khi có cơ hội thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, nếu nói dễ thì dễ, nếu nói khó thì khó, dễ hay khó hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đức-Bồ-tát.
Ví dụ: Khi người ác bịa đặt chuyện đến vu khống Đức-Bồ-tát, nếu Đức-Bồ-tát có tâm-từ đối với người ác ấy, làm thinh để thực-hành pháp nhẫn-nại, thì đó là việc dễ; nếu Đức-Bồ-tát phát sinh sân-tâm nổi giận dữ cãi lộn với nhau thì đó là điều khó.
– Khi người ác đến chửi mắng Đức-Bồ-tát, nếu Đức-Bồ-tát có tâm-từ đối với người ác ấy, làm thinh để thực hành pháp nhẫn-nại, thì đó là việc dễ, nếu Đức-Bồ-tát phát sinh sân-tâm nổi giận dữ chửi mắng lại thì đó là điều khó.
– Khi người ác đến đánh đập hành hạ Đức-Bồ-tát, nếu Đức-Bồ-tát có tâm-từ đối với người ác ấy, mà chịu đựng để thực-hành pháp nhẫn-nại, để thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, thì đó là việc dễ; nếu Đức-Bồ-tát phát sinh sân-tâm nổi giận dữ đánh đập lại, gây thương tích cả Đức-Bồ-tát lẫn người ác ấy thì đó là điều khó v.v…
* Nếu Đức-Bồ-tát có tâm-từ đối với người ác ấy, để thực-hành pháp nhẫn-nại thì giữ gìn sự lợi ích cao cả của Đức-Bồ-tát, đó là thành tựu pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật cao thượng, và sự lợi ích của người ác, đó là không gây sự thiệt hại nào cả.
* Nếu Đức-Bồ-tát phát sinh sân-tâm nổi giận dữ, thì chính sân-tâm làm cho Đức-Bồ-tát khổ tâm trước, chắc chắn không phải ác-tâm của người ác ấy làm cho Đức-Bồ-tát khổ tâm được, sau đó Đức-Bồ-tát chống đối lại người ác ấy thì sự oan trái lẫn nhau không thể dập tắt được.
Cho nên, bậc thiện-trí đã phát nguyện thực-hành pháp nhẫn-nại xong rồi, chờ đợi cơ hội tốt hiếm có. Khi người ác đến gây tai hại bất lợi, khi ấy, bậc thiện-trí có cơ hội tốt hy hữu thực-hành pháp nhẫn-nại, thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật cao thượng của mình.