Nội Dung Chính
Này tỳ khưu, tại Jambudīpa[1] có ít vườn cây (ārāma), rừng cây (vana), công viên (bhūmi) và ao sen (pokkhara: paduma) hữu tình. Nhưng (tại vùng đất này) có nhiều cao nguyên dốc đứng khó đi (ukkhūlavikūla), sông suối khó lội, những vùng đất đầy bụi lùm, gai nhọn và đồi núi hiểm trở.
Tương tự như thế, có ít chúng sinh sanh trên cạn, nhưng chúng sinh sanh dưới nước thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được sanh ra làm người, nhưng chúng sinh sanh ra những nơi nào khác thì vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít người sinh ra giữa đô thị, nhưng chúng sinh sinh ra ở vùng ven giữa những người xa lạ [2] thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thông minh, trí tuệ, sắc sảo, biết phân biệt đúng sai, nhưng chúng sinh vô minh, chậm hiểu, đần độn, không biết phân biệt đúng sai thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có được tuệ nhãn [3], nhưng chúng sinh vô minh, tâm trí lu mờ thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có tuệ nhãn biết phân biệt đúng sai, nhưng chúng sinh mù mờ vô minh thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nhìn thấy Như Lai, nhưng chúng sinh không được nhìn thấy Như Lai thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nghe Như Lai giảng giải về giáo pháp và giới luật, nhưng chúng sinh không được nghe Như Lai giảng giải về giáo pháp và giới luật thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, sau khi nghe Như Lai giảng Pháp, có ít chúng sinh nhớ pháp đã được nghe, nhưng chúng sinh không nhớ pháp đã được nghe thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, sau khi nghe Như Lai giảng Pháp và nhớ pháp đã được nghe, có ít chúng sinh tìm hiểu ý nghĩa của các pháp ấy, nhưng chúng sinh không tìm hiểu ý nghĩa của các pháp ấy thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, sau khi tìm hiểu rõ nghĩa của các Pháp mà Như Lai giảng, có ít chúng sinh hành theo các pháp ấy, nhưng chúng sinh không hành theo các pháp ấy thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thấy sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập [4], nhưng chúng sinh không thấy sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh thấy được sự khẩn cấp, cần thiết của việc tu tập và dốc lòng tu tập, nhưng chúng sinh thấy được sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập mà không dốc lòng tu tập thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh có được sự định tâm và nhất tâm sau khi đạt đến trạng thái buông bỏ các pháp [5], nhưng chúng sinh không có được sự định tâm và nhất tâm như thế thì nhiều vô số kể.
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được thưởng thức những thức ăn ngon bậc nhất, nhưng có vô số chúng sinh không nếm được thức ăn ngon, ngoại trừ chút thức ăn thừa xin được (trong bát ăn xin).
… Tương tự như thế, có ít chúng sinh được nếm hương vị Pháp bảo và hương vị giải thoát [6] nhưng có vô số chúng sinh không nếm được hương vị Pháp bảo và hương vị giải thoát.
Vì lẽ đó, này tỳ khưu, hãy luôn rèn luyện, nhắc nhở chính mình rằng: “Chúng ta rồi sẽ hiểu giáo pháp, nếm được hương vị giáo pháp, nếm được hương vị giải thoát”. Các ông nên rèn luyện, nhắc nhở mình như thế.
Giải thích
“Appakā te sattā ye vavassaggārammaṇaṃ karitvā, labhanti samādhiṃ labhanti cittassekaggataṃ”: Có ít chúng sinh có được sự định tâm và nhất tâm sau khi đạt đến trạng thái buông bỏ các pháp.
Trong câu này, “vavassagga ārammaṇaṁ karitvā” được dịch là “sau khi buông bỏ các pháp (đối tượng)”: Vassagga hay vossagga (buông bỏ) + ārammaṇa (đối tượng) + karitvā (sau khi làm xong).
Theo chú giải, câu này có nghĩa là kinh nghiệm Niết Bàn, khi tâm không còn lấy các đối tượng sinh khởi có điều kiện làm đề mục quan sát nữa.
Một trong những định nghĩa của Niết Bàn là “akuppatā” – trạng thái tâm vững chãi, không dao động. Tâm không bắt lấy các đối tượng có điều kiện nữa, nên tâm không còn dao động. Và điều này trùng hợp với việc “có được sự định tâm và nhất tâm”. Cho nên nói: “Có được sự định tâm và nhất tâm sau khi đạt đến trạng thái buông bỏ các pháp”.
[1] Là vùng đất phía nam (bao gồm xứ Ấn Độ). Theo Chú Giải, gọi là jambu (cây giòi rose-apple) vì trong vùng Hy Mã Lạp Sơn có cây jambu khổng lồ cao 50 yojana, đường kính thân cây là 15 yojana, tàn lá xòe rộng đến 100 yojana. (một yojana bằng bảy dặm, có chú giải ghi là chín dặm.)
[2] Theo Chú Giải, đó là người thô lỗ, người sống ngoài lề xã hội, người không sống đời Thánh thiện.
[3] Tathāgataṃ dassanāya, theo Chú Giải có nghĩa là tuệ nhãn của bậc Thánh nhân (Ariya paññā cakkhu).
[4] Tám điều thôi thúc một người gấp rút tu tập (saṁvega): sinh, già, bệnh, chết, đau khổ trong bốn cảnh khổ (a tu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục), đau khổ vì đã trôi lăn trong luân hồi, đau khổ vì sẽ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi, đau khổ vì tìm kiếm thức ăn.
[5] “Appakā te sattā ye vavassaggārammaṇaṃ karitvā, labhanti samādhiṃ labhanti cittassekaggataṃ”.
[6] Hương vị của bốn Thánh đạo, bốn Thánh quả và Niết Bàn.
Nguồn trích dẫn: Aṅguttara Nikāya I. 333-347