Như Thế Nào Là Phá Hòa Hợp Tăng Và Quả Báo Của Phá Hòa Hợp Tăng

Nhu The Nao La Pha Hoa Hop Tang Va Qua Bao Cua Pha Hoa Hop Tang

1. – Phá hòa hợp tăng, phá hòa hợp tăng, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là phá hòa hợp Tăng?

2. – Ở đây, này Upáli, các Tỷ-kheo

1. thuyết phi pháp là pháp;
2. thuyết pháp là phi pháp;
3. thuyết phi luật là luật;
4. thuyết luật là phi luật;
5. thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết;
6. thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết;
7. thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường sở hành;
8. thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai không thường sở hành;
9. thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt;
10. thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai không có chế đặt.

Chính do mười sự này,

1. họ phá hoại,
2. họ chia rẽ,
3. họ hành bất động yết-ma,
4. họ tuyên đọc giới bổn Pàtimokkha khác biệt.
Cho đến như vậy, này Upàli, là chúng Tăng bị phá hoại.

Quả Của Phá Hòa Hợp Tăng

1. – Phá hoại Tăng hòa hợp, đem lại kết quả gì?

2. – Này Ananda, đem lại tội ác kéo dài đến một kiếp.

3. – Bạch Thế Tôn, tội ác gì kéo dài một kiếp?

4. – Này Ananda, bị nấu trong địa ngục một kiếp.

Kẻ phá hòa hợp Tăng
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục
Kéo dài đến một kiếp;
Ưa thích sự bất hòa,
An trú trên phi pháp,
An ổn các khổ ách,
Lại xa lìa, từ bỏ;
Ai phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trong một kiếp, người ấy,
Bị địa ngục nung nấu.

Quả Do Hòa Hợp Tăng Ðưa Lại

1. –Bạch Thế Tôn, với chúng Tăng bị phá, làm cho hòa hợp lại, đem đến kết quả gì?
2. – Này Ananda, đem đến Phạm công đức!
3. – Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm công đức?
4. – Này Ananda, trong một kiếp, được sống hoan hỷ ở Thiên giới.
Sống an lạc là người,
Làm hòa hợp chúng Tăng;
Sống an lạc là người,
Giúp chúng Tăng hòa hợp;
Ưa thích sự hòa hợp,
An trú trên Chánh pháp.
Ai khiến cho chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Trong một kiếp, người ấy
Sống hoan hỷ Thiên giới.

GHI CHÚ TK VIÊN PHÚC

Trong ý nghĩa Tăng tức Tăng đoàn hay Sangha thì: các tu sĩ xuất gia của Đại thừa (Thiền tông, Pháp hoa tông, Tịnh độ tông, Mật tông…), Tây tạng, Kim cương thừa, Khất sĩ VN, Cao Đài, Hòa Hảo…

⑴ không khi nào được cùng sinh hoạt chung trong các Tăng sự trong cùng một Tăng đoàn Sangha với các tỳ khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada – vì các tu sĩ xuất gia các trong các truyền thống nêu trên không thành tựu việc thọ giới Tỳ Khưu đúng theo giới luật của Đức Phật Gotama chế định – do vậy họ không phải thật sự là tỳ khưu;

⑵ cũng vậy các Tỳ Khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada không thể ăn chung thức ăn với các tu sĩ xuất gia đó, cũng như thế với người tại gia;

⑶ cũng vậy tỳ khưu phật giáo Nguyên thủy Theravada không thể ngủ chung một nhà quá 3 đêm với họ, cũng như thế với người tại gia;

⑷ cũng vậy không thể thực hiện thành tựu các tăng sự với sự có mặt của họ, cũng như của người tại gia trong Tăng – Sangha: khi tụng giới bổn Patimokkha, khi làm lễ Tự tứ, khi làm lễ thọ giới cho Tỳ Khưu mới… vì như vậy là phạm giới, tăng sự không được thành tựu theo giới luật.

Do các tỳ khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada không khi nào có chung Sangha – Tăng đoàn với các tu sĩ Đại thừa (Thiền tông, Pháp hoa tông, Tịnh độ tông, Mật tông…), Tây tạng, Kim cương thừa, Khất sĩ VN, Cao Đài, Hòa Hảo…v. v… nên KHÔNG THỂ CÓ CHUYỆN PHÁ HÒA HỢP TĂNG GIỮA CÁC TU SĨ XUẤT GIA NGOẠI ĐẠO NÊU TRÊN VỚI TU SĨ XUẤT GIA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVADA – họ là những người ngoại đạo, nếu họ muốn thọ giới Tỳ khưu theo truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravada thì họ phải sống biệt trú thử thách một thời gian ít nhất là 4 tháng:

“Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng.” (Kinh Tập Sutta Nipata – Chương 3).

Hỏi Đáp

– BB: Con ko hiểu sao lại kỳ thị Bắc tông quá ở phần chú thích vậy thưa Sư?

– TK Viên Phúc: Những điều nói trên là sự thật, đang thực hành trong thực tế đời sống của tỳ khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada theo giới luật, chứ không phải là kỳ thị. Giới Luật qui định như thế nào thì tỳ khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada phải thọ trì như vậy để tránh phạm giới.

– BB: xin Ngài chỉ ra những điểm ko theo giới luật kia ạ, dạ tức là điểm gì mà Bắc tông bị cho là phạm giới ạ. (Con hỏi để biết thêm vì xưa giờ con lớn lên trong Truyền thống Bắc tông nhưng càng tìm hiểu thì càng xuôi về Nguyên thủy. Nên chỗ này phải dc biết rõ ràng thưa Sư. Mong Sư từ bi chỉ dạy).

– TK Viên Phúc: Vấn đề ở đây không phải là “điểm gì mà Bắc tông bị cho là phạm giới”, mà ở đây thực tế là họ không thành tựu trở thành Tỳ khưu theo luật do Đức Phật chế định: họ không phải là Tỳ khưu thật theo Giới Luật vì vậy không nói chuyện các vị này phạm giới ở đây, mà chỉ nói đến chuyện các tỳ khưu Phật giáo Nguyên thủy Theravada không thể làm cùng tăng sự, ăn chung, ở chung… với họ được. Để thành tựu tu lên bậc trên thành vị tỳ khưu đúng theo luật định cần thành tựu đầy đủ các chi phần bao gồm về giới tử, về tụng tuyên ngôn và thành tựu ngôn đúng cách bằng cổ ngữ Pali, về sima nơi tăng hội thành tăng sự hợp luật, về số lượng tỳ khưu thật và trong sạch v. v.… Cụ thể hơn nữa thì phải học Luật tạng, không thể trình bày đầy đủ ở đây trong vài câu giải thích.

Để có thể thượng tôn Chánh pháp cần phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, phải trái, chứ không phải là chỉ trích hay khen ngợi cá nhân, trường phái. Để có thể biết rõ sự thật: đâu là sự lý giải, đâu sự giảng giải đúng đắn theo lời Phật dạy, hãy đối chiếu với Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, và thực hành theo Chánh pháp do Đức Phật chỉ dạy: sẽ không lầm đường lạc lối, lãng phí thời gian công sức, bỏ phí cơ hội làm người.

Nguồn trích dẫn: Chánh Kinh

Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật:

– “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya -1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta)Tụng phẩm thứ nhất

Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”.

Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn

– Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.

(Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…

Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là phi luật…
… luật là luật…
… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, …
… Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, …
… Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành, …
… Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành, …
… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt, …
… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt…

Các vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – aṅguttara nikāya XI. Phẩm thứ mười một – 1–10. Phi Pháp

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Chương X – Mười Pháp IV. Phẩm Upàli Và Ananda, (V) (35) Phá Hòa Hợp Tăng, (VIII) (38) Quả Của Phá Hòa Hợp Tăng, (X) (40) Quả Do Hòa Hợp Tăng Ðưa Lại

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app