Nhân Quả Liên Quan – Chi Thứ Nhì Là Hành (sankhāra), Chi Thứ Ba Là Thức (viññāṇa), Chi Thứ Tư Là Danh Sắc (nāma Rūpā).

Chi thứ nhì là hành (sankhāra)

Hành đây là sự hành vi tạo tác có ba điều: hành thiện (puññābhi saṅkhāra), hành ác (apuññābhi saṅkhāra), hành cho điềm tỉnh (không lay động) (āneñjābhi saṅkhāra). Hành thiện do theo ba cửa mà phát sanh lên như thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói láo, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói vô ích; ý không tham lam, không sân hận, không tà kiến. Còn hành ác cũng do theo ba cửa thân, khẩu, ý mà phát sanh lên nhưng hành vi trái ngược với điều thiện. Hoặc là hành vi trong các cõi thiền hữu sắc cũng gọi là hành thiện. Hành điềm tĩnh là sự hành vi của hành giả theo trong bốn cõi thiền vô sắc (khi nhập định vào các cõi thiền ấy thì thân tâm trơ trơ dầu cho súng bắn trời gầm cũng không lay động và hay biết chi cả), tinh thần chỉ còn hết sức nhỏ nhạnh vi tế vô cùng như phi phi tưởng tưởng. Vì có ba sự hành vi như trên đây nên mới sanh ra thức đầu thai (hoặc là kể 52 cái tánh (cetasika) trừ ra tánh thọ và tưởng còn 50 tánh đều gọi là pháp hành cả).

Chi thứ ba là thức (viññāṇa)

Thức là sự biết rõ các cảnh giới, thức ấy có sáu là: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; hoặc là thức có 89 hay 1218 tùy theo cảnh giới của tâm (citta). Nhãn thức là sự hiểu biết do nơi cặp mắt; như khi mắt thấy: sắc trần, tai nghe: thinh trần, mũi ngửi: hương trần, lưỡi nếm: vị trần, thân đụng chạm: xúc trần; ý tiếp xúc với pháp trần (là các sự hiểu biết không cần tới nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân, nhưng ý có thể biết được). Như ở nơi thanh vắng một mình ngồi nhắm mắt nhưng ý có thể ôn tồn nhớ lại những việc đã thấy nghe v.v… một cách rõ rệt; hoặc như người tham thiền ngồi thấy các ấn chứng của cảnh giới (ārammaṇa) đều gọi là pháp cả. Khi có thức thì tất nhiên sẽ phát sanh lên danh sắc.

Chi thứ tư là danh sắc (nāma rūpā).

Danh là tên của một danh từ trừu tượng như thọ, tưởng, hành, thức uẩn chẳng có hình cảnh chi, chỉ có trạng thái chịu theo cảnh giới bên ngoài.

Sắc là tất cả hình tướng vô tri hoặc hữu tri, có trạng thái tự mình tiêu hoại do nơi sự lạnh nóng của thời tiết hoặc là đo trường hợp bên ngoài làm cho tiêu hoại, như bị người thiêu hủy tàn sát. Nhưng đây chủ yếu về sắc uẩn là nơi phối hợp của tứ đại: đất, nước, lửa, gió ví như bọt nước tan rã không chừng hoặc ví như 4 con rắn độc và 24 hữu sắc (upādāya rūpa) nhờ nương với thân tứ đại mà phát sanh lên (coi Vi diệu pháp).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app